Các thủ khoa ĐH chia sẻ bí quyết giành điểm cao
14-04-2011 | manhlinh1011 | 1 phản hồi »
Kỳ thi Đại học và Cao đẳng năm 2011 đang đến gần, để giúp các sỹ tử làm bài thi đạt hiệu quả cao nhất,
xin chia sẻ “bí quyết” luyện thi của các thủ khoa giành điểm cao trong các kỳ tuyển sinh vừa qua.
Hiểu bản chất vấn đề
Tăng Văn Bình
Thủ khoa khối A, trường Đại học Ngoại Thương năm 2010
Không chỉ là thủ khoa trường Đại học Ngoại Thương với số điểm tuyệt đối 30/30 mà Tăng Văn Bình còn là thủ
khoa của hàng triệu sỹ tử mùa thi năm đó.
Bình chia sẻ: “Học là cả một quá trình, ngay từ những năm cấp ba mình đã tập trung vào việc học và trang bị
những kiến thức cơ bản cho bản thân. Mình không học khuya quá và luôn giữ tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng.
Quan niệm của mình là: “Học đến đâu, chắc đến đó”.
Để ghi nhớ các công thức, mình ghi vào một quyển vở. Đặc biệt, mình luôn tự chứng minh lại và xâu chuỗi các
công thức lại với nhau. Đây được coi như “bí quyết vàng” giúp mình nâng cao khả năng tư duy và hiểu bản chất
vấn đề một cách hiệu quả.
Để rèn luyện kỹ năng làm bài và phản xạ tốt trước mỗi đề thi, mình thường giải lại các đề thi đại học từ các năm
trước. Nắm vững cấu trúc đề, tìm các dạng bài liên quan và luyện cho đến khi nào thành thục mới thôi. Đồng
thời, mình cũng thường xuyên hệ thống lại kiến thức, kịp thời bổ sung những lỗ hổng thiếu hụt.
Ngoài việc học trên lớp và tự học ở nhà, thì hình thức học theo nhóm cũng giúp mình rất nhiều. Chúng mình
thường thảo luận với nhau trước mỗi bài tập khó, góp ý và sửa sai cho nhau”.
Chàng thủ khoa xứ Nghệ cũng đưa ra lời khuyên “xương máu” đối với các sỹ tử: “Khi vào làm bài thi, các bạn
phải giữ cho tinh thần thật thoải mái và đặc biệt là phải tự tin vào bản thân. Làm bài thật cẩn thận, đọc kỹ đề,
nắm vững cấu trúc, làm câu nào phải trình bày sạch sẽ, khoa học. Đối với các bài khó, nên thử bắt vào các công
thức đơn giản.
Ở môn Toán: Thi theo hình thức tự luận nên cần tranh thủ thời gian một cách tối đa. Bài đơn giản có thể trình
bày trực tiếp vào giấy thi, bài khó thì nên nháp các công thức, định hình các bước một cách chắc chắn rồi mới
viết vào bài. Các bài toán cần trình bày logic, từng ý rõ ràng. Mạnh dạn áp dụng các cách giải hay, ngắn gọn.
Nên hạn chế việc gạch xóa càng nhiều càng tốt.
Môn Hóa, Lý: Thi trắc nghiệm nên cần rèn cho mình thói quen phản xạ nhanh nhạy, ghi nhớ chắc các công
thức. Đặc biệt, trong phần thi có các câu hỏi lý thuyết, với rất nhiều từ hiểm để đánh lừa học sinh. Chính vì thế,
các bạn cần phải hiểu bản chất vấn đề, đọc kỹ từng câu chữ. Việc rèn luyện cách bấm máy tính nhanh cũng rất
hữu ích để tiết kiệm thời gian làm bài.
Nắm chắc ý chính
Đặng Hải Lộc
Thủ khoa khối D1, HV Báo Chí Tuyên Truyền, năm 2008
“Kinh nghiệm ôn thi của mình là học thật chắc, với lý thuyết thì nắm các ý chính, phần bài tập nào sức mình
làm được thì ôn thật kĩ, để khi đi thi chắc chắn sẽ có điểm. Học như vậy lúc đi thi tâm trạng cũng thấy tự tin
hơn, thi xong cũng không thấy lo sai phần nọ phần kia.
Đối với môn Toán, phương pháp học tốt nhất có lẽ là luyện tập thật nhiều. Các dạng toán là muôn hình vạn
trạng, chỉ có luyện tập thật nhiều, làm thật nhiều dạng khác nhau mới có thể thuần thục được.
Với môn văn, phương pháp học của mình là nắm chắc kiến thức cơ bản và tăng cường đọc tích lũy. Nhiều khi
chỉ đọc bài bình luận trên báo, truyện nhưng khi vào phòng thi, nó lại trở thành những nguồn tư liệu rất quý giá.
Với tiếng Anh, ngoài việc thường xuyên trau dồi vốn từ vựng, thì điều quan trọng không kém là ghi nhớ chắc
chắn các quy tắc ngữ pháp. Khi đã có vốn từ và cấu trúc ngữ pháp, thì bài tập tiếng Anh sẽ trở nên rất đơn
giản”.
Với Lộc, một kỷ niệm khó quên khi thi đại học: “Trong bài thi môn Toán khối D kỳ thi Đại học năm đó, mình
đã gặp phải một sai lầm mà tới giờ vẫn chưa thể quên. Trong khi làm bài, mình đã giành quá nhiều thời gian để
giải bài toán khó cuối cùng, tới khi giải được thì cũng chỉ còn 10 phút để soát lại toàn bài. Vì không cẩn thận
nên mình đã bỏ sót một lỗi nhỏ ở bài đơn giản. Cuối cùng thì mình vẫn bị trừ điểm, đáng tiếc là số điểm bị trừ
bằng đúng số điểm mình có được từ việc giải bài toán khó kia. Đối với mình, đây thật sự là một bài học “bỏ mồi
bắt bóng” khó quên”.
Tự học
Vũ Thu Thảo
Thủ khoa khối C, Đại học Sư Phạm Hà Nội năm 2010)
Là thí sinh duy nhất trong cả nước đạt 27.5 khối C (Văn 8,5, Lịch sử 9,75, Địa lí 9,25) mùa thi năm đó, tuy
nhiên bí quyết của Thảo lại chủ yếu là tự học. Cô bạn chia sẻ: “Mình không đi học thêm mà chỉ học ở trường
thôi. Mình nghĩ rằng tiếp thu và hiểu những gì thầy cô giảng giải trên lớp, tự thực hành bằng cách làm nhiều bài
tập là đã chắc thắng đến 80%.
Ngoài ra, việc phân bổ thời gian học một cách hợp lý cũng rất quan trọng. Buổi tối, mình thường dành ba giờ
đầu để học môn chung, ba giờ sau học môn thi đại học. Các môn Văn, Sử , Địa mình cũng chia đều vào các
ngày trong tuần, VD: thứ Tối thứ 2 và 5: học Văn, thứ tư và thứ 7 học Địa, chủ nhật: Tổng kết lại những gì đã
ôn trong tuần….”.
Thảo cũng đưa ra lời khuyên đối với các sỹ tử khi vào phòng thi:
+Mùa thi là mùa hè nóng bức nhưng đừng quá chú ý tới cái nóng,cố quên đi nó để làm bài. Vào phòng thi đừng
quá sợ giám thị bởi vì giám thị chẳng làm gì khiến mình run cả.
+Trước khi vào phòng hãy cố gắng đặt ra cho mình một mục tiêu, hãy nghĩ và nhẩm thầm bài hát nói về thành
công giúp bạn vững tin hơn.
+Cầm đề thi trên tay đừng quá run khi thấy câu khó, hãy đọc đề lướt qua một lượt xem câu nào dễ làm trước
câu nào khó làm sau.
+Phân chia thời gian làm mỗi câu cho hợp lí theo tỉ lệ điểm cho phù hợp.
+Không nên tập trung viết miên man vào một câu hoặc lĩnh vực mà mình tâm đắc và biết rõ.
+Với vấn đề mà mình không chắc chắn thì tốt nhất là không nên bịa,không sáng tạo kiến thức theo trí tưởng
tượng của mình
+Không để ý tới những thí sinh khác và cũng không nên lo lắng và mất tập trung khi thấy các bạn khác ào ào
xin giấy thi.
+Giành mười phút cuối giờ để đọc lại và soát bài. Ghi thông tin các nhân cho đầy đủ.”
Bí quyết giúp cô thủ khoa quê lúa này có thể bứt phá thành công là: “Đặt ra mục tiêu và quyết tâm thực hiện
bằng được các mục tiêu đó”. Thảo cho biết, khi ôn thi và khi vào phòng thi mình luôn nghĩ đến hình ảnh bố mẹ
vất vả nuôi mình ăn học, nghĩ đến sự kỳ vọng của thầy cô, bạn bè, chính những động lực này đã giúp cô bạn tự
tin và bình tĩnh làm bài.
(Theo tuyensinh2010.com)
Bạn có bao giờ thắc mắc: các thủ khoa đại học đã dùng "chiêu" gì để đạt được những thành tích đáng
nể trong học tập, những điểm số gần như tuyệt đối ở các kỳ thi đại học? Hãy nghe chính các thủ khoa
tiết lộ những bí quyết để có được những thành tích học tập "siêu" như thế !
Theo bạn Nguyễn Văn Giang (thủ khoa ngành Tin học - Học viện Kỹ thuật quân sự) thì "học là một quá
trình, nghĩa là lúc học phải học hết mình, chăm chú nghe giảng vì những điều thầy giảng cho mình là những
cái hay nhất, có như vậy mới tiếp thu được kiến thức một cách đầy đủ và sâu sắc. Ngoài ra nên tự lập một
thời gian biểu tại nhà để ôn tập, học đến đâu làm đề cương tới đó, tạo thành một "xương sống" kiến thức. Đến
khi ôn thi thì triển khai những phần học sẽ dễ dàng và hiệu quả". Bí quyết làm bài thi đạt điểm cao của Giang
không chỉ thuộc bài là đủ. Cũng không phải văn hoa nhiều, với những môn lý luận khoa học, ngoài việc nắm
được bản chất, còn nắm được cả "râu ria" của vấn đề, tổ chức bài thi một cách có hệ thống. Nên thử tưởng
tượng dựa trên quan điểm của giáo viên xem thầy cô cần gì từ bài thi của mình, những yêu cầu đặt ra là gì ở
bài thi để từ đó mình "cá tính" hóa bài thi của mình. Nhưng "cá tính" ở đây phải dựa trên những hiểu biết sâu
sắc và khoa học về vấn đề mình trình bày, gây được ấn tượng tốt cho thầy cô.
Hoàng Thu Trang - thủ khoa ngành Kinh tế lao động - Trường ĐH Kinh tế quốc dân lại học theo công
thức: "Cần cù + hay để ý + một ít thông minh = thành công". Cần cù ở đây không phải là "mọt sách" mà là vận
dụng những kiến thức học được trên lớp vào thực tế. Trang cho biết: "Tôi thường tự lập cho mình một kế
hoạch cụ thể cho việc học trên lớp, học ở nhà và từ thực tế. Với tôi, thực tế đó là việc đi làm thêm, tôi thường
làm những đề tài nghiên cứu cùng với các thầy cô và nhận các tài liệu tiếng Anh về dịch, vừa bớt đi một khoản
tiền xin bố mẹ vừa có thêm kinh nghiệm và kỹ năng cho việc học hành". "Hay để ý" với Trang tức là phải biết
mình học cái đó để làm gì. Làm thế nào để đối mặt với những môn mà mình không thích? Việc chú ý nghe
giảng và ghi chép đầy đủ theo cách của mình về bài giảng của thầy cô trên lớp sẽ phần nào định hình được
nội dung môn học. "Chút thông minh" chính là sự năng động nhạy, bén của mình trong học tập, làm thế nào
để không mất hàng giờ ngồi trên thư viện mà vẫn tìm được cái mình cần. Tôi thường nói đùa với bạn bè "việc
cần làm thì nên làm thường xuyên, việc cấp bách thì làm lúc cấp bách". Trong đầu luôn định sẵn cho mình
một kế hoạch cụ thể thì việc gì cũng sẽ thành công!
Còn đối với Nguyễn Văn Bình - thủ khoa Đại học Phòng cháy chữa cháy thì bí quyết học tốt là "nghe được
"điểm nhấn" của thầy cô". Theo Bình, việc khó nhất đối với SV nói chung là định hình được môn học và cách
học. Vấn đề này có thể giải quyết hiệu quả bằng cách tìm hiểu môn học qua chính thầy cô của mình; học hỏi
kinh nghiệm của những người đi trước để biết được mức độ khó dễ cũng như tầm quan trọng của môn học
đó, sau đó sẽ tự lên kế hoạch và tự tổng hợp theo cách riêng phù hợp với cách học của bản thân sao cho có
kết quả tốt nhất. Riêng với những bài tiểu luận, Bình thường chọn một đề tài nhỏ và cố gắng làm trọn vẹn
hoặc giải quyết triệt để những vấn đề có trong bài, không nên dàn trải. Học từ thực tế là điều tối quan trọng,
thường xuyên cập nhật thông tin cũng như chọn cho mình một tờ báo "gối đầu giường" để đọc hằng ngày là
một điều cần thiết để bắt kịp xu thế của xã hội.
Káp Thành Long
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien) (Theo_Thanh_Nien)
Kinh nghiệm “vượt vũ môn” của các nữ thủ khoa đại học
Xem tin gốc
SGGP - 24 tháng trước 248 lượt xem
Hơn một tuần nữa, kỳ thi ĐH-CĐ chính thức diễn ra trên cả nước. Có nhiều thí sinh ôn thi quên ăn, quên
ngủ. Đây có phải cách mà các thủ khoa ĐH áp dụng trước giờ G?
Facebook Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này
1. Trương Dương Diễm Uyên (28/30 điểm, thủ khoa ĐHSP TPHCM năm 2008): Học kiểu “mưa dầm thấm lâu”
Diễm Uyên mê học Toán từ nhỏ, điều này được thừa hưởng từ ba, hiện là Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc nội
trú huyện Krông Buk - Đắc Lắc. “Các bài toán khó đối với em không đáng ngại vì em luôn nắm kỹ công thức,
không học vẹt và thường giải bài toán bằng nhiều cách khác nhau. Nói chung em học theo kiểu “mưa dầm thấm
lâu” - cựu học sinh Trường chuyên Nguyễn Du TP Buôn Ma Thuột chia sẻ.
“Học nhồi nhét là phương pháp phản khoa học”, Uyên tâm sự. Trước ngày thi một tuần, Uyên tập trung cho lý
thuyết và những bài phản xạ nhanh. Học tới đâu, Uyên nắm vững kiến thức tới đó, đỡ mất nhiều công sức, thời
gian khi ôn. “Các bạn nên ăn, nghỉ điều độ, tránh tạo áp lực cho bản thân, giữ cho tâm trạng thoải mái, tự tin.
Khi thi, nên làm hết thời gian. Thi xong, dành từ 10-15 phút kiểm tra toàn bộ bài giải, đáp án” - Diễm Uyên
khuyên các thí sinh.
Hiện tại, Diễm Uyên đang học năm nhất Sư phạm Toán Trường ĐHSP TPHCM.
2. Phan Thị Dịu (27,5/30 điểm, thủ khoa Trường ĐH KHTN TPHCM): Tóm lược kiến thức theo trọng tâm.
“Kinh nghiệm của em là ôn kỹ kiến thức trong SGK. Sau đó, tự khái quát, tóm lược kiến thức trọng tâm theo
định hướng của thầy cô. Khi học nên tập trung cao, không phân tán tư tưởng” - cô học sinh Trường THPT
Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho biết.
Bố mẹ đều làm ruộng, cuộc sống gia đình chỉ tạm đủ ăn nên để thực hiện ước mơ của gia đình (thi đậu ĐH),
Dịu càng phấn đấu mạnh mẽ. Con đường đến với danh hiệu thủ khoa được Dịu gút lại: “Tự học là yếu tố quan
trọng. Ngoài học tại trường, giải đề theo hướng dẫn của giáo viên em không ôn thi ở bất kỳ lò luyện nào”.
Dịu cũng “bật mí”: “Nên ôn lý thuyết vào buổi sáng sớm. Buổi tối là lúc tranh thủ làm bài tập. Khoảng 23g em
đi ngủ, 4g sáng em thức dậy ôn thi”. Ngoài ra, Dịu cũng cho biết, em không phải chịu bất cứ áp lực gì từ gia
đình. Ngành học do em tự chọn, bố mẹ chỉ đóng vai trò tư vấn để em tham khảo.
Ngày thi, bạn bè thường kiêng một số món như trứng, chuối… vì sợ trượt nhưng riêng Dịu thì: “Món ăn hôm
em đi thi có cả trứng chiên và chuối tráng miệng. Đây là các món cây nhà lá vườn mà em rất thích”.
Phan Thị Dịu hiện là sinh viên năm nhất khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH KHTN TPHCM.
3. Nguyễn Đức Như Thủy (25/30 điểm, thủ khoa Trường ĐH KHXHNV TPHCM): Viết nhiều sẽ “lên tay”.
12 năm liền là học sinh giỏi, cô học sinh chuyên D Trường Phổ thông năng khiếu ĐHQG TPHCM chia sẻ: Chỉ
có viết nhiều sẽ “lên tay” - khi được hỏi về bí quyết viết văn hay.
Như Thủy cũng cho biết, em không thích đọc sách tham khảo. “Em chỉ tập trung đọc các tác phẩm lý luận văn
học của các nhà văn, nhà nghiên cứu như Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh… để từ đó tạo cho bài văn có
chiều sâu, có trọng lượng. Em nghĩ, đọc sách tham khảo sẽ khiến mình thụ động trong lập luận, suy nghĩ. Em
muốn bài văn là sự sáng tạo của riêng em” - Như Thủy tâm sự.
Đối với các môn xã hội, việc học thuộc và nhớ dai là điều rất quan trọng. Vì vậy, Thủy cho biết em học theo
chủ đề, nắm vững diễn biến từng giai đoạn văn học. Để viết văn hay, phải đọc nhiều và viết nhiều. Thủy quan
niệm, khi đọc, đó là tác phẩm của người khác nhưng khi viết, tác phẩm đó là của mình. Chính vì vậy Thủy
khuyên: “Nên luyện viết mở bài với nhiều đề tài khác nhau”.
Theo kinh nghiệm của Thủy, trước khi thi khoảng 5 ngày nên đọc sơ qua tất cả lý thuyết. Mục đích không phải
học thuộc mà để nhớ, hiểu những gì đã học. Bên cạnh đó, Thủy cũng lưu ý với các bạn thí sinh: “Bình tĩnh, tự
tin khi làm bài sẽ quyết định kết quả bài thi của bạn.
Phần lý thuyết 3 điểm, các bạn nên khai triển theo phương pháp diễn dịch. Mỗi ý là một đoạn, rõ ràng, dễ hiểu.
Phần bài văn nên để ý tới cách mở bài sao cho thu hút người đọc; kết bài nên có tiểu kết khái quát tư tưởng tác
giả, ý chủ đạo của tác phẩm… Như thế sẽ giúp bài văn thuyết phục người đọc”.
Hiện Như Thủy đang học năm nhất Khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH-NV TPHCM.
Thi Hồng