Bí quyết đạt điểm cao Tiếng Anh
Đó là chia sẻ của cô giáo Bùi Lan Anh, giáo viên môn Tiếng Anh Trường
THPT Hà Nội - Amsterdam với học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2010.
Với bài thi trắc nghiệm, các thí sinh đặc biệt chú ý tới vấn đề thời gian.
Theo cô Bùi Lan Anh, để kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 đạt hiệu quả cao, học
sinh cần bám sát chuẩn kiến thức, nội dung chương trình ôn tập, chủ yếu là
chương trình lớp 12.
Đối với môn Ngoại ngữ nói chung và môn tiếng Anh nói riêng, học sinh cần
nắm vững cấu trúc đề thi do Bộ Giáo dục ban hành. Đề thi hàng năm thể
hiện rất rõ những vấn đề cơ bản như: Ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu
và kỹ năng viết.
Môn Ngoại ngữ là môn thi trắc nghiệm nên học sinh cần lưu ý một số kỹ
năng làm bài như sau:
I. Đọc đề bài:
Ngay khi nhận đề thi, học sinh nên đọc lướt toàn bộ đề thật nhanh trong
vòng vài phút, dùng bút chì gạch ngay vào những vấn đề cần lưu ý trong câu
hỏi hoặc các loại bài như xác định cách phát âm, tìm đúng dạng của từ, tìm
lỗi sai trong câu....
II. Xác định loại bài:
Để tiết kiệm thời gian, khi làm bài thi, học sinh nên chia câu hỏi thành 3
nhóm.
Nhóm 1: là câu hỏi mà học sinh có thể trả lời được ngay (ví dụ như cách
chia động từ khi có điểm thời gian xác định, các giới từ quen thuộc đi với
động từ hoặc tính từ, xác định mạo từ...).
Nhóm 2: là những câu hỏi hoặc vấn đề cần phải tính toán và suy luận
(thường thể hiện trong các bài đọc hiểu, tìm thông tin đúng hoặc sai, hoặc
suy diễn để tìm ý chính cho đoạn văn..).
Nhóm 3: là những câu hỏi còn phân vân hoặc vượt quá khả năng của mình
thì học sinh cần đọc kỹ lại và dành thêm thời gian để lựa chọn cho đúng.
III. Phương pháp loại trừ
Khi làm một câu trắc nghiệm, phải đánh giá để loại bỏ ngay những phương
án sai và tập trung cân nhắc trong các phương án còn lại.
Thường trong bốn đáp án của mỗi câu hỏi, chắc chắn đã có hai đáp án loại
bỏ ngay và chỉ để ý hai đáp án còn lại sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn được
câu trả lời chính xác và việc lựa chọn này cũng nên quyết đoán.
Vì thi trắc nghiệm là một cuộc đua về thời gian nên học sinh không nên
dừng lại quá lâu ở bất cứ câu hỏi nào.Với những câu không biết chắc đáp án
chính xác, nên dùng phương pháp loại trừ để loại bỏ được càng nhiều
phương án sai càng tốt.
Tuyệt đối không nên để trống một câu nào. Kể cả với những câu không thể
trả lời được cũng nên đánh dấu vào một trong các phương án bởi nếu may
mắn, học sinh có thể trả lời đúng còn nếu trả lời sai thì cũng không bị trừ
điểm.
IV. Chú ý tới vấn đề thời gian:
Đối với mỗi câu hỏi, học sinh sẽ có khoảng từ 1 đến 2 phút để tìm ra đáp án
trả lời. Học sinh cần đặc biệt lưu ý những câu hỏi "bẫy", đưa ra nhiều đáp án
gần giống với đáp án đúng. Cần hết sức thận trọng và đọc kỹ, hiểu kỹ câu
hỏi và các phương án trả lời để lựa chọn chính xác nhất.
Không nên mất nhiều thời gian vào những câu hỏi mà mình không rõ.
V. Một số gợi ý ôn tập môn tiếng Anh:
1. Học sinh nên ôn tập theo chủ đề. Mỗi một chủ đề đều cung cấp cho người
học một số lượng từ đủ để đọc hiểu một đoạn văn tương tự theo chủ đề đó.
2. Nắm vững các hiện tượng ngữ pháp thông qua các bài tập đã được sách
giáo khoa cung cấp như phần Language Focus (các loại bài chia động từ
theo các thì (tenses), qui tắc phù hợp về thì (Sequence of tenses), câu chủ
động, bị động, các loại câu và cách kết hợp các loại câu cơ bản ...).
3. Làm lại tất cả các bài ôn tập (Consolidation) trong sách. Đây là loại bài
tổng hợp kiến thức cơ bản nhất, giúp cho người học khái quát được những
vấn đề đã học qua mỗi một chủ đề. Tôi đánh giá rất cao loại bài tập này.
4. Phần khó và hay sai nhất là phần phát âm (Pronuciation), học sinh nên đọc
toàn bộ các từ mới ở phần Glossary, vừa kết hợp ôn từ mới, vừa luyện và ghi
nhớ cách phát âm cũng như cách đánh trọng âm.
Theo Dân trí.