Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Nguồn gốc dân tộc Việt Nam và Ðịa đàng phương Ðông – Phần 2 docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (147.42 KB, 14 trang )

Nguồn gốc dân tộc Việt Nam và Ðịa
đàng phương Ðông – Phần 2

2- Có phải Người Hoà Bình tràn lan về phía nam (Indonesia ?) , lên hướng
bắc (Trung Hoa ?) và sang hướng tây (Thái Lan).
Văn hoá Hòa Bình (với giai đoạn muộn từ 7000 đến 12000 năm trước đây) được
bà Colani, nhà khảo cổ Pháp, khai quật, nghiên cứu và đề xuất ra vào cuối những
năm 1920. Văn hoá này có những đặc trưng về dụng cụ đá cuội (pebble) ghè trên
một hay hai mặt thành chopping tools và về nơi cư dân sống : hang động đá vôi.
Cho đến nay người ta chưa có bằng chứng trực tiếp về sự nảy sinh nông nghiệp
trong văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam, mặc dù có những bằng chứng gián tiếp, như
môi trường, sự khủng hoảng về cách tìm thức ăn, sự xuất hiện của rìu đá mài.
Danh từ "Hoà Bình" ngày nay được các nhà khảo cổ thế giới dùng trong khái niệm
techno-complex (phức hợp kĩ thuật) để chỉ những di tích khảo cổ loại này. Nhiều
hang động có di tích người tìm thấy ở Thái Lan qua những thập niên gần đây được
xếp vào techno-complex loại Hoà Bình. Khi nghiên cứu phấn hoa trong tàng đất
khảo cổ ở nhiều hang, đặc biệt trong Spirit Cave tại Thái Lan, người ta nghĩ là chủ
nhân chúng đã bắt đầu trồng một số cây như trầu cau, bầu bí.vào giai đoạn cuối
của thời săn bắt-hái lượm. Theo thói quen trong ngành, người ta dùng tên của nơi
mà đặc trưng về di tích khảo cổ được tìm thấy lần đầu -Hoà Bình- để chỉ di tích có
đặc trưng đó tìm được sau này, ngay cả khi chúng được tìm ra trong vùng khác.
"Người Hoà Bình" là những người thuộc văn hoá đặc trưng tiền đá mới (pre-
neolithic) này. Tôi nghĩ không phải dụng cụ đá tìm được ở Úc Châu là từ Hoà
Bình mà ra, vì tuổi di tích Úc già hơn, bởi niên đại sớm nhất của văn hoá Hoà
Bình, theo khảo cổ học Việt Nam, là 18 ngàn năm trước (với rất ít di tích trong
khoảng thời gian từ đó đến 12 ngàn năm trước). Người sống ở Hoà Bình khó lòng
vượt mấy ngàn cây số để đến Úc từ 14 000 đến 20 000 năm trước. Theo tôi, chữ
"người Hoà Bình" dùng cho các di tích ở nơi khác không có nghiã là người ở Hoà
Bình -Bắc Việt- vào thời điểm đó (7 000 đến 12 000 năm trước) đã tràn lan đến
những nơi khác như Thái Lan, Indonesia, Úc, Trung Hoa.
Về văn hoá Hoà Bình, các nhà khảo cổ Việt Nam đã đóng góp rất nhiều qua các


công trình nghiên cứu quan trọng được công bố, thiết tưởng không cần nói thêm.
Độc giả nào muốn biết thêm về việc có một hay nhiều văn hoá Hoà Bình, văn hoá
hay phức hợp kĩ thuật, có thể xem "Theo dấu các nền văn hoá cổ" của giáo sư Hà
văn Tấn.

3- Kĩ thuật làm đồ đồng thau (dụng cụ, vũ khí) của cư dân Đông sơn có trình
độ cao nhất nhì thế giới?
Trình độ đúc đồng của cư dân Đông Sơn ( 700 năm trước công nguyên đến sau
công nguyên) quả rất cao, nhưng không thể nói là cao hơn trình độ thợ các nơi
khác, trong các nền văn minh có lâu trước Đông Sơn. Điển hình là nền văn minh
Sanxingdui nói trên, xưa hơn Đông Sơn đến mấy ngàn năm. Nền văn minh bắc
Trung Hoa thời Thương (thiên kỷ thứ hai trước công nguyên) đã làm ra hàng loạt
đỉnh đồng to như trống Đông Sơn với nhiều khắc chạm độc đáo. Còn đồ đồng tìm
thấy ở Thái Lan tuy không to bằng nhưng xưa hơn Đông Sơn khá nhiều (một ngàn
năm ) và cũng có sắc thái riêng. Đó là không kể đến những đồ đồng làm tại các đô
thị văn minh cổ ở Irak, vùng Cận Đông, Ai cập sớm hơn đồ đồng Đông Sơn rất
nhiều. Đồ đồng Đông Sơn có mặt trễ hơn đồ đồng của rất nhiều nơi khác, tôi tự
hỏi biết đâu cư dân Đông Sơn cũng đã có dịp học hỏi thêm kĩ thuật đến từ những
nơi gần Việt Nam. Kết quả khảo cổ cho thấy cư dân Phùng Nguyên chỉ mới bắt
đầu luyện đồng mà chưa biết đúc vật dụng. Đến thời Đồng Đậu trên dưới 3000
năm trước đây, đột nhiên cư dân sống ở đấy đúc được nhiều đồ kĩ thuật cao như
lưỡi giáo, mũi tên. Phải chăng có một (hay nhiều?) thời kì cư dân bản địa được dịp
tiếp xúc, gặp gỡ các kĩ thuật khác qua những sứ giả, thương khách? Hay một lí do
khác? (Tôi sẽ trở lại về thay đổi này ở phần sau) Nghĩa là thợ Đông Sơn vào
khoảng 2500 năm trước đã chứng minh khả năng sáng tạo kĩ thuật và mĩ thuật, khi
làm được một số lượng lớn trống to giá trị cao, dùng trong lãnh vực thương mại,
ngoại giao khắp cõi Đông Nam Á, nhưng khả năng nội tại này không loại trừ việc
kết hợp và ứng dụng các đặc tính nhân bản là hiếu học, óc tò mò, ý muốn cách tân.

4- "Đồ gốm Việt Nam xuất khẩu khắp Đông Nam Á đến tận Melanesia, trước

khi có ảnh hưởng của Ần Độ"?.
Tôi e rằng có nhầm lẫn về điểu này: Việt Nam cổ xuất khẩu trống đồng chứ không
xuất khẩu đồ gốm. Đồ gốm thời Phùng Nguyên, trước Đông Sơn, có hoa văn độc
đáo, sau đó được dùng trang trí đồ đồng Đông Sơn.
Gốm Đông Nam Á nổi tiếng thế giới là gốm Lapita xưa 3500 năm, tìm được ở
nhiều đảo vùng nam Thái Bình Dương. Gốm Lapita nổi tiếng không phải chỉ vì
đẹp, mà còn vì dính dáng đến nguồn gốc các thuyết thiên di của giống dân nói
tiếng Nam Đảo. Đó là thuyết "chuyến tàu nhanh" (express train) chở dân Nam Đảo
đi từ Đài Loan đến khắp vùng biển nam Thái Bình Dương của Bellwood, và thuyết
"hai chuyến tàu, nhanh và chậm" của Oppenheimer. Cả hai đều không nhắc nhở
đến gốm Phùng Nguyên.
Theo thuyết "chuyến tàu nhanh" của Bellwood, người nói tiếng Nam Đảo từ Đài
Loan dùng thuyền vượt biển đến chiếm lĩnh nhanh chóng chuỗi đảo hoang trong
vùng nam Thái bình Dương, liên tiếp đảo này đến đảo kia trong vòng vài trăm
năm ; họ mang theo đồ đạc, kĩ thuật (làm gốm Lapita), thú nuôi, cây trồng, vào
3500 năm trước đây. Còn Oppenheimer chủ trương rằng trước chuyến tàu nhanh
này, đã có "chuyến tàu chậm" "chở người tị nạn hồng thuỷ" (ở thềm Sunda ), từ
bắc Borneo đến vùng đảo Nam Thái Bình Dương nói trên vào 9000 hay 10000
năm trước. Ở mỗi nơi họ ngừng lại một thời gian, "lai giống" với người bản địa
thuộc chủng Australoid, họ sinh sống và sinh sôi trước khi lên đường tiếp tục đi
qua đảo khác.
Đồ gốm Á Châu nổi tiếng thế giới, gốm Jomon của cổ dân sống ở bắc Nhật, là
gốm sớm nhất thế giới (trên 10 000 năm trước), có nét đẹp riêng biệt, không thể
đến từ Hoà Bình, vì Hoà Bình là văn hoá không có đồ gốm, hay có rất ít vào thời
kì cuối ( Bắc Sơn ). Nhưng người Nhật ngày nay là con cháu của người thuộc văn
hoá Yayoi, không có cùng genes với chủ nhân gốm Jomon nổi tiếng này, cũng như
người Thái hiện tại có gốc ở vùng Vân Nam chứ không là hậu duệ trực tiếp của
chủ nhân các văn hoá cổ trên năm ngàn năm (Ban Chiang, Ban Kao.). Chủ nhân
văn hoá Yayoi đến Nhật chỉ vài trăm năm trước công nguyên, mang theo nghề
trồng lúa, và có khả năng là người U Việt di tản khi nước U Việt bị ngườI Hán

thôn tính (xem R. Shiba).
Tôi cũng không tin rằng hai nền văn hoá Yangshao và Longshan (bắc Trung Hoa)
đến từ Hoà Bình như N. V. T đã viết. Vùng Bắc Trung Hoa hầu như không có dấu
vết văn hoá Hoà Bình trong nghiã "phức hợp kĩ thuật". Thật vậy, nền văn hoá
Yangshao (5000 năm trước) nổi tiếng với gốm vẽ hình màu đen trên nền gốm đỏ
là văn hóa gốc của tộc Hán ở Thiểm Tây (bắc Trung Hoa) vốn là những người
trồng kê, sống trong nhà thấp đào sâu dưới đất, và văn hoá Longshan (tỉnh Sơn
Đông) nổi tiếng về đồ gốm rất mỏng, màu đen bóng (đưa đến nền văn hoá triều
Thương), là những văn hoá đặc thù, hoàn toàn khác với văn hoá sống trong nhà
sàn, trồng lúa nước, ở Bắc Việt.

5- "Quê hương của kĩ thuật trồng lúa là ở quanh vùng Đông Nam Á" ?
Ngay ông Oppenheimer cũng không dám khẳng định như thế. Khi nói về vết tích
hạt lúa theo ông cổ nhất thế giới ở Thái Lan, Oppenheimer hai lần nhấn mạnh "nếu
phần định tuổi này được xác nhận là đúng". Thật vậy, nhà khảo cổ Thái
Pookajorn, người khám phá ra dấu vết lúa cổ trong gốm thời đồ đá mới, đã định
tuổi theo loại hình di vật tìm được trong các hang Sakai, Ban Kao vào giai đoạn
nối tiếp văn hoá loại Hoà Bình (tìm thấy trong lớp đất bên dưới), là khoảng 9260 -
7620 năm trước. Nhưng theo nhiều nhà khảo cổ, đa số di tích, di vật tìm thấy ở
Thái Lan, khi định tuổi lại thì thấy "trẻ" hơn nhiều so với tuổi định ban đầu.
Ngoài ra, so với Thái Lan, số chỗ có di tích lúa tìm thấy dọc theo nam sông Dương
tử không những nhiều hơn, mà còn rất xưa hơn. Vết tích bữa cơm tiền sử nấu với
gạo từ lúa mọc hoang xưa nhất thế giới, -13 000 năm, được một nhóm khảo cổ Mỹ
-Trung hoa tìm thấy trong hang Diaotonghuan phía nam sông Dương tử (bắc tỉnh
Giang Tây). Cư dân sống trong vùng này đã biết thử nghiệm các giống lúa và cách
trồng trong thời gian dài tiếp theo đó. Điều này đã được nhóm khảo cổ chứng
minh qua sự tăng độ lớn phytolith của lúa ( phần thực vật hoá thạch, tồn tại nhờ
giàu chất silica) lắng trong những lớp trầm tích theo thời gian. Tin này đã được
đăng trên báo khoa học hàng đầu thế giới Science, năm 1998. Các nhà khoa học
nghiên cứu về phytoliths- thạch thể lúa - này đã chứng minh rằng từ 9000 năm

trước dân cổ ở vùng đó đã ăn nhiều gạo của lúa trồng hơn lúa hoang. Nhóm cư dân
bản địa này cũng bắt đầu làm đồ gốm thô xốp bằng đất trộn trấu. Kinh nghiệm về
trồng lúa tích tụ tại đấy trong mấy ngàn năm đã đưa đến nghề trồng lúa trong toàn
vùng nam Dương tử. Di tích xưa thứ hai, chín ngàn năm trước (9000), là Pengtou,
gần hồ Động Đình phía nam sông Dương tử (Trường giang). Hơn bốn mươi chỗ
có di tích lúa cổ hàng ngàn năm đã được tìm thấy ở vùng nam Trường giang. Gần
cửa biển nam Trường giang, di tích văn hoá Hemudu cho thấy văn minh lúa nước
trong vùng lên đến trình độ rất cao vào 7000 năm trước (sớm hơn cả di tích làng
trồng kê Banpo xưa nhất của tộc Hán phương bắc).
Hemudu là một làng vài trăm người sống trên nhà sàn trong vùng đầm lầy ở cửa
sông Tiền Đường. Dân Hemudu đã trồng lúa, ăn cơm, để lại lớp rơm và trấu dày
25- 50 cm (còn dính một số hạt lúa), có nơi dày đến cả thước, trên diện tích 400
thước vuông. Có thể đó là lớp "rác" để lại trên sân đập lúa. Di chỉ thực vật (củ ấu,
củ năng, táo.) và di cốt động vật hoang (hươu, trâu, tê giác, cọp, voi, cá sấu ) cho
thấy khí hậu vùng nam sông Dương tử bấy giờ thuộc loại nhiệt đới, hoàn toàn
thích hợp với việc canh tác lúa nước.
Nền văn hoá Hemudu xưa bảy ngàn năm (7000) có nhiều điểm gần gũi với văn
hoá Phùng Nguyên- Đông Sơn vốn là những văn hoá trẻ/trễ hơn nhiều (sau hơn
3000 năm). Cư dân vùng nam Trường giang lúc ấy có lẽ gần với cư dân Bắc Việt
về mặt chủng tộc và văn hoá hơn cư dân bắc Trung Hoa. Khuôn mặt đắp từ sọ
người Hemudu trưng bày ở Viện Bảo tàng Hemudu cho thấy họ giống người thuộc
chủng nam Mongolic, tức là chủng của người Việt Nam từ thời Đông Sơn về sau.
Sau văn hoá Hemudu, hàng loạt văn hoá lúa nước khác đã sinh ra dọc Trường
giang khoảng 4000 năm trước (Liangzhu, Majiabin, Quinshanyang, Qujialing,
Daxi, Songze, Dadunze.).
6-Tổ tiên chúng ta đã phát triển và ứng dụng kĩ thuật trồng lúa, hay tổ tiên
chúng ta là thầy dạy người Hán trồng lúa nước?
Theo tôi, diều này đúng. nếu ta chấp nhận rằng cư dân trồng lúa sống ở phía nam
Trường giang(thuộc nhóm Bách Việt, theo sử Tàu ) là tổ tiên của dân Việt Đông
Sơn hoặc là anh em ruột với tổ tiên người Việt Đông Sơn, mà vì lí do nào đó tổ

tiên này đã rời vùng nam Trường Giang về trụ tại Đông Sơn. Vì người Hán đã học
được nghề trồng lúa với dân nam Trường giang (Nam Trung Hoa) trước khi tiếp
xúc thẳng với người Việt cổ ở Đông Sơn vào những năm trước công nguyên. Và
các kết quả về di truyền lẫn hình dáng sọ cho thấy là các bộ tộc Nam Trường giang
khác với chủng gốc bắc Trung Hoa. Trong các dân đã "dạy" người Hán trồng lúa,
phải kể đến dân U Việt . Mà dân U Việt vùng Cối Kê lại là con cháu của cư dân
trồng lúa lâu đời tại Hemudu.
Ngoài ra, tuy người Việt Đông Sơn đã biết trồng lúa, nhưng di tích lúa tìm được ở
Việt Nam không xưa như di tích lúa ở Thái Lan, và không thể nào xưa hơn di tích
lúa vùng nam Trường giang. Di tích xưa nhất là những hạt gạo cháy thành than tìm
thấy trong văn hoá Đồng Đậu ở châu thổ sông Hồng, nằm trong trấu trộn với đất
làm đồ gốm, không quá 3500 năm trước. Do đó, tôi xem vùng nam Trường Giang
mới thật là quê hương đầu tiên của lúa, không như Oppenheimer, ông xem Thái
Lan là quê hương của lúa nhưng Oppenheimer (xin lập lại lần nữa ) cũng lưu ý là
thời điểm có lúa cổ ở Thái Lan cần được xác quyết.

7- "Trước khi tiếp xúc với người Hán, tổ tiên chúng ta có một nền văn minh
rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất Đông Nam Á "?
Thế nào là văn hoá "cao nhất" Đông Nam Á, và Đông Nam Á nào, có kể luôn
vùng đất rộng lớn Sundaland bị biển dâng làm chìm ngập không ?
Ta có thể nói văn hoá Việt Nam vào thiên kỷ một trước công nguyên có bản sắc
riêng, không "thua kém" ai, và được lưu truyền từ cư dân cổ hơn sống trong cùng
vùng, chứ không phải ngoại nhập. Điều này đã được các nhà khảo cổ Việt Nam
chứng minh rõ ràng qua tính liên tục của các nền văn hoá nối tiếp nhau trên vùng
Bắc Việt.
Nếu tính rằng Việt Nam có "bốn ngàn năm văn hiến" với truyền thuyết các vua
Hùng ở Bắc Việt thì có thể xem giai đoạn Văn Lang tương ứng với nhiều nền văn
hoá liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Văn hoá Đông Sơn cũng là nền văn
hoá độc lập cuối cùng trước khi ngườI Hán chiếm Bắc Việt Nam và đô hộ một
ngàn năm. Văn hoá Đông Sơn tuy nổi tiếng về trống đồng to đẹp, từng được mua

bán trao đổi đến tận Mã Lai, Indonesia, nhưng lại là một văn hoá nằm trong thời kì
đồ sắt, tức là thời nằm sau thời đồng thau trong quá trình tiến triển văn minh các
nơi trên thế giới theo thứ tự trước sau là : đồ đá cũ, đồ đá mới (đá mài), đồ đồng
thau, đồ sắt. Nghĩa là cư dân ấy vẫn còn quá "lưu luyến" đến đồ đồng thau (vì tuy
đã biết nhưng không chú ý nhiều đến đồ sắt ?! ). Đồ sắt có những điểm trội hơn đồ
đồng trên phương diện kinh tế và quân sự : sắt cứng chắc, kiếm sắt chặt gãy kiếm
đồng, và tên sắt xuyên qua áo giáp đồng. Thời Đông Sơn quả có sản xuất nhiều đồ
đồng thau chạm trổ tinh vi : vũ khí (dao găm, qua, giáp che ngực, lưỡi lao ) và cả
lưỡi rìu, lưỡi cày (tuy lưỡi cày sắt đã xuất hiện). Người Hán chính nhờ phát triển
mạnh kĩ thuật đồ sắt vào thời Chiến Quốc nên đã thắng các nhóm dân giáp ranh
phía nam còn mãi bám vào đồ đồng thau, như nước U Việt ba trăm năm trước
công nguyên. Các di tích quân Tần ( ở Xi'an) cho thấy họ mang khí giới và giáp
sắt. Người Hán tiếp tục thanh toán các nước Mân Việt, Ấu Việt, rồi diệt luôn Ấu
Lạc thời Đông Sơn ! Hay nói cách khác, nếu văn hóa ta xưa kia "cao nhất", mà lại
bị Hán đô hộ, ấy bởi ta "thua" họ về sức mạnh, kĩ thuật, kinh nghiệm chinh chiến;
nghĩa là ta không xem kĩ thuật, quân sự như một thành tố của một nền văn hóa !

8- "Đô thị cổ xưa nhất trong vùng là do tiền nhân chúng ta xây dựng" ?
Đô thị cổ xưa nhất trong vùng? Tuỳ theo vùng xem xét có bao gồm cả nam
Trung Hoa hay Ần Độ không. Thành Cổ Loa xưa nhất Việt Nam xây vào thời An
Dương Vương, hơn hai trăm năm trước công nguyên. Về kiến trúc hiện nay không
còn gì nhiều. Theo truyền thuyết, thành xây hình trôn ốc, gồm 9 vòng, có hào nước
thông với sông Hoàng Giang nối với sông Cầu và sông Hồng. Hiện nay chỉ còn
những đoạn lẻ của ba vòng thành đất, với vòng lớn nhất chu vi 9 km.
Trong khi đó, phía bắc vùng đất Loa thành là Trung Hoa, nước lớn nhất thế giới
vào thời đó. Vua Trung Hoa, Tần Thuỷ Hoàng Đế thu phục được nhiều thành trì
bằng đá (còn dấu vết đến ngày nay) khi đánh bại những nước vùng bắc và trung
nước Tàu. Tần Thuỷ Hoàng còn cho xây Vạn Lý Trường Thành ngăn dân phía bắc
xâm lấn. Xưa hơn nữa, một ngàn năm trước đó, nhà Thương, nhà Ấn xây thành
bảo vệ các thủ đô vùng bắc Trung Hoa, và ở nam sông Dương tử nền văn minh

Sanxingdui cũng có thành trì rất xưa ở Tứ Xuyên, đến ngày nay vẫn còn. Đó là
chưa kể đến Persepolis, thủ đô cổ 3600 năm ở Ba Tư (Iran), với thành quách bằng
đá còn rất nhiều hình phù điêu cũng như tài liệu viết bằng ba thứ tiếng khắc trên
đất nung. Cũng như các thành phố tối cổ có tường gạch dày với nhà hai tầng có cả
phòng tắm và hệ thống cống thoát nước, ở vùng Ần hà (Mohenjo Daro và
Harappa, Pakistan), tất cả đều trong Á châu.
Cổ Loa là một công trình lớn đối với dân Đông Sơn, nhưng không so sánh được
với Trung Hoa và Sanxingdui thời trước đó. Theo Oppenheimer có thể cũng đã có
thành quách xây trên thềm Sunda hay thềm Nam Hải nhưng chưa ai nghiên cứu
được vì ngày nay các thềm này nằm dưới biển. Ông có đưa ra hình chụp những
tảng đá to hình bậc thang nằm dưới đáy biển phía đông Đài Loan, nhưng lại nói
các nhà khoa học chưa đồng ý với nhau là đá đó do thiên nhiên bào mòn hay nhân
tạo.
Như vậy, "cổ nhất vùng" hay không, Cổ Loa là di tích (duy nhất) cho thấy ở Bắc
Việt đã có một tập hợp dân đủ mạnh và đủ tài nguyên, năng lực để xây một thành
trì lớn. Số lượng lớn các mũi tên đồng nhiều kiểu tìm thấy trong thành Cổ Loa là
bằng chứng thủ lãnh cư dân tại đấy đã tổ chức quân đội bảo vệ thành. Thế nhưng
Triệu Đà đã chiếm Loa thành và lên làm vua nước Nam Việt. Mà Triệu Đà chỉ là
viên tướng nhỏ nhiều tham vọng của Tần Thuỷ Hoàng trong đạo quân mở bờ cõi
phía nam Trung Hoa. Nhân dịp Tần Thuỷ Hoàng chết và tướng Nhâm Ngao cầm
đầu đạo quân này cũng không còn nữa, Đà xưng vương ở Phiên Ngung, tức thị
trấn Quảng Đông (Canton) bây giờ. Truyền thuyết nói rằng Triệu Đà dùng mưu
phá nỏ thần giữ Loa thành nên chiếm được Ấu Lạc. Tiếc rằng nay không còn bằng
chứng gì về nỏ thần Loa thành, dù có nhiều cơ bẩm nỏ đã được tìm thấy. Các cơ
bẩm này tương tự như cơ bẩm nỏ cá nhân quân Trung Hoa sử dụng dưới thời Tần
Thủy Hoàng, không phải là thứ nỏ có thể diệt hàng loạt địch quân như truyền
thuyết để lại. Vũ khí Trung Hoa có khả năng tiến bộ hơn Đông Sơn vì người
Trung Hoa đánh lẫn nhau liên miên trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc (gần trọn
thiên kỷ I BC) trên một bình diện rộng lớn. Trong lúc đó, sự tranh chấp quyền lực
bằng vũ khí nếu có tại Bắc Việt chỉ có thể xảy ra ở qui mô nhỏ hơn (mức độ bộ lạc

hơn là một quốc gia). Có lẽ vì vậy mà vũ khí thời Đông Sơn được chạm trỗ kĩ
lưỡng, như đồ dùng trong nghi lễ hơn là khí giới giết người trong các trận chiến.
Lại thêm một chi tiết về "sức mạnh kĩ thuật" (hơn Việt) của tộc Hán !
Những điểm nêu trên không nhằm mục đích "hạ uy tín" của tổ tiên dân Việt, chủ
nhân các văn hoá từ Hoà Bình đến Đông Sơn. Một vùng nhỏ, ít dân như Bắc Việt
không thể so sánh được với các nhóm dân quá đông đúc sống trên một vùng rộng
lớn như Trung Hoa. So với cư dân khác tại Đông Nam Á, ngoài trừ kĩ thuật làm
trống đồng, văn minh Đông Sơn có lẽ cũng không cao hơn nhiều. Dĩ nhiên về mặt
chính trị, Trung Hoa với số dân và chủng tộc quá đông đảo, phải tìm mọi cách để
tránh những nổi dậy, yêu sách sắc tộc và/hoặc để cổ động, biện minh cho chủ
trương bành trướng, cũng như Việt Nam, để giữ đoàn kết dân tộc, tự vệ trước
người láng giềng quá lớn và nhiều tham vọng. Một trong những phương tiện là ra
sức chứng minh, khẳng định sự lâu đời và liên tục đồng nhất hoặc hơn trội về cội
nguồn văn hoá, chủng tộc của mình.
Nhưng quả là liều mạng khi xem "Đông Nam Á là một trung tâm văn hoá lớn ngay
từ thời cổ đại, trong đó Việt Nam là nơi hội tụ ở mức độ đầy đủ nhất mọi đặc
trưng của văn hoá khu vực", như một học giả trong nước đã viết (theo Tạ Chí Đại
Trường, xem phần sách tham khảo) mà không đưa ra lí luận cũng như bằng chứng
thuyết phục.


×