NỘI CHIẾN TỪ GETTYSBURG TỚI APPOMATTOX
Tuy nhiên, không chiến thắng nào của phe ly khai mang tính quyết định cả.
Chính phủ Liên bang tập trung các đội quân mới và lại cố gắng tấn công. Cho rằng
thất bại tan tác của quân miền Bắc ở Chancellorville đã đem lại một cơ hội, Lee
liền tiến đánh lên phía bắc tới bang Pennsylvania và vào đầu tháng 7/1863, ông đã
gần như tới được thủ phủ của bang ở Harrisburg. Một lực lượng mạnh của Liên
bang đã chặn được Tướng Lee ở Gettysburg, tại đây trong một trận đánh lớn kéo
dài ba ngày - trận quyết chiến lớn nhất trong cuộc Nội chiến - binh lính phe ly khai
đã hết sức dũng cảm chiến đấu nhằm đập tan các phòng tuyến của liên bang.
Nhưng họ đã thất bại và sau những tổn thất tai hại, các đội quân của Tướng Lee đã
phải rút lui về bên kia bờ sông Potomac.
Hơn 3.000 binh sỹ Liên bang và 4.000 lính phe ly khai tử trận ở Gettysburg,
tổng số binh lính bị thương và mất tích ở mỗi bên lên tới hơn 20.000 người. Vào
ngày 19/9/1863, Lincoln đã khánh thành một nghĩa trang quốc gia mới ở
Gettysburg với bài diễn văn có lẽ là nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông kết
luận những nhận xét ngắn ngủi của mình bằng những lời sau:
Tại đây chúng ta quả quyết rằng sự hy sinh này sẽ không hề vô ích - rằng dân
tộc này, ơn Chúa, sẽ có nền tự do mới - rằng một chính phủ của nhân dân, do nhân
dân và vì nhân dân sẽ không bị tiêu diệt trên trái đất này.
Trên sông Mississippi sự kiểm soát của Liên bang bị ngăn chặn ở Vicksburg nơi
quân phe ly khai đã củng cố chắc chắn trên những bờ dốc cao đến nỗi hải quân
không thể tấn công được. Cho tới đầu năm 1863, Grant bắt đầu tiến quân về xuôi
và xung quanh Vicksburg, đưa nó vào vị trí bị bao vây trong sáu tuần. Vào ngày
4/7 ông chiếm được thành phố này và đánh bại đạo quân phe ly khai mạnh nhất ở
miền Tây. Lúc này con sông đã hoàn toàn lọt vào tay Liên bang. Phe ly khai đã bị
chia cắt thành hai phần và người ta không thể mang đồ tiếp viện từ Texas và
Arkansas đến được nữa.
Các chiến thắng của quân miền Bắc ở Virksburg và Getysburg vào tháng 7/1863
đã đánh dấu bước ngoặt của cuộc chiến tranh, tuy các cuộc chém giết đẫm máu
vẫn tiếp tục không hề giảm sút trong suốt một năm rưỡi.
Lincoln đã phái Grant sang miền Đông và bổ nhiệm ông làm Tổng Tư lệnh toàn
bộ các lực lượng quân đội Liên bang. Tháng 5/1864, Grant đã hành quân tiến sâu
vào bang Virginia và gặp đạo quân phe ly khai của Tướng Lee trong trận đánh kéo
dài ba ngày ở Wilderness. Những tổn thất ở cả hai phe thật nặng nề, nhưng khác
với các vị chỉ huy khác của Liên bang, Grant không rút lui. Thay vì như thế, ông
nỗ lực dàn quân đánh thọc sườn Lee bằng cách kéo căng phòng tuyến quân phe ly
khai ra và dùng pháo binh nã mạnh rồi đưa bộ binh tấn công. "Tôi đề nghị đánh
bọn này đến cùng suốt phòng tuyến đó cho dù có mất cả mùa đông"- vị chỉ huy
quân Liên bang đã nói vậy ở Spotsylvania trong suốt năm ngày chiến đấu trong
chiến hào đẫm máu vốn rất đặc trưng cho cuộc chiến đấu ở mặt trận miền Đông
trong suốt gần một năm.
Ở miền Tây, các lực lượng Liên bang đã giành được quyền kiểm soát bang
Tennessee vào mùa thu năm 1863 bằng các thắng lợi ở Chattanooga và gần núi
Lookout và mở đường cho Tướng William T. Sherman đánh chiếm bang Georgia.
Sherman dùng chiến thuật giỏi hơn nên đánh bại một số đội quân nhỏ hơn của phe
ly khai và chiếm được thủ phủ bang là Atlanta, sau đó ông hành quân tới bờ Đại
Tây Dương, trên đường đi ông cho phá hủy một cách hệ thống các đường sắt, nhà
máy, kho hàng và những phương tiện khác. Binh lính của ông do bị cắt đứt khỏi
những nguồn tiếp viện nên đã cướp phá làng mạc để lấy lương thực. Từ bờ biển,
Sherman hành tiến lên phía bắc, và tới tháng 2/1865, ông đã chiếm Charleston ở
Nam Carolina nơi những loạt đạn đầu tiên của cuộc Nội chiến được phát hỏa. Hơn
bất cứ một tướng lĩnh liên bang nào khác, Sherman hiểu rằng, việc phá hủy ý chí
và tinh thần của miền Nam cũng quan trọng như đánh bại các đạo quân của họ.
Trong khi đó, Grant đang tiến hành bao vây thành Petersburg, bang Virginia
trong suốt chín tháng cho tới khi Lee bỏ cả thành Peterburg lẫn thủ phủ của phe ly
khai là Richmond trong một nỗ lực rút chạy về phía nam vào tháng 3/1865. Nhưng
như thế đã quá muộn. Vào ngày 9/4/1865, bị các đạo quân đông đảo của Liên bang
bao vây, Lee đã đầu hàng Tướng Grant tại trụ sở Tòa án Appomattox. Tuy các trận
đánh lẻ tẻ vẫn tiếp tục ở một số nơi trong vài tháng nhưng như vậy là cuộc Nội
chiến đã chấm dứt.
Những điều kiện đầu hàng tại Appomattox quả thực là quảng đại, và từ khi gặp
gỡ với Lee trở về, Grant đã làm cho những cuộc diễu hành ồn ào của binh lính
dưới quyền ông trở nên im lặng bằng lời lẽ nhắc nhở họ: “Những kẻ nổi loạn lại là
đồng bào của chúng ta đấy. Cuộc chiến tranh vì nền độc lập của miền Nam tuy trở
thành một sự nghiệp thất bại, nhưng người anh hùng của sự nghiệp đó, Robert E.
Lee, đã được đông đảo mọi người thán phục vì sự xuất sắc trong tài lãnh đạo và sự
vĩ đại của ông trong thất bại.
KHÔNG CHÚT TÀ TÂM ÁC Ý
Với miền Bắc thì cuộc chiến tranh đã sản sinh ra một vị anh hùng còn vĩ đại hơn
trong con người Abraham Lincoln - một con người sốt sắng, mê say hơn hẳn
những người khác muốn hàn gắn liên bang lại với nhau, nhưng không phải bằng
sức mạnh và đàn áp, mà bằng tình cảm ấm áp và sự hào phóng. Vào năm 1864,
ông đã được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai sau khi đánh bại đối thủ của ông
thuộc Đảng Dân chủ, George McClellan, một vị tướng mà Lincoln đã bãi chức sau
trận Antietam. Bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai của Lincoln kết thúc bằng
những lời lẽ sau:
không chút tà tâm ác độc, với lòng từ thiện khoan dung vì mọi người, với
niềm tin vững chắc vào lẽ phải như đức tin về Chúa đã khiến chúng ta nhìn thấy
điều đúng đắn, chúng ta hãy nỗ lực hoàn thành công việc chúng ta đang làm để
hàn gắn những vết thương của dân tộc; để chăm lo cho người lính đã từng phải ra
trận, chăm lo cho góa phụ và những đứa trẻ mồ côi - để làm tất cả những gì có thể
đem lại và nuôi dưỡng nền hòa bình công bằng và dài lâu giữa đồng bào chúng ta
và với tất cả các dân tộc.
Ba tuần sau đó, và là hai ngày sau khi Lee đầu hàng, Lincoln đã đọc bài diễn
văn cuối cùng gửi quốc dân đồng bào, trong đó ông trình bày một chính sách tái
thiết rộng rãi. Vào ngày 14/4/1865, Tổng thống đã triệu tập một cuộc họp mà đã
trở thành một cuộc họp nội các cuối cùng của ông. Buổi tối hôm ấy, ông đã cùng
một cặp vợ chồng trẻ là khách của ông tới xem buổi biểu diễn tại nhà hát Ford's.
Tại đó, khi ông đã ngồi trong lô giành cho tổng thống thì bị tên John Wilkes Booth,
một diễn viên người bang Virginia đắng cay thất vọng vì thất bại của miền Nam,
ám sát. Vài ngày sau đó, tên Booth đã bị giết chết trong một cuộc chạm súng ở
một kho thóc vùng quê Virginia. Những kẻ đồng lõa của y đã bị bắt và sau đó bị
hành quyết.
Lincoln đã qua đời trong một căn phòng ngủ tầng dưới một ngôi nhà bên kia
đường gần nhà hát Ford's vào buổi sáng ngày 15/4. Nhà thơ James Russell Lowell
đã viết:
Trước buổi sáng tháng 4 choáng váng ấy chưa bao giờ lại có nhiều người đến
thế, chứa chan nước mắt khóc cái chết của một con người họ chưa từng thấy mặt,
dường như sự hiện diện thân tình của người ấy đã vĩnh viễn bị tước đi khỏi cuộc
đời họ và để lại họ lạnh lẽo hơn, tăm tối hơn. Chưa bao giờ có khúc tụng ca tang lễ
nào lại hùng biện như cái nhìn im lặng của nỗi niềm thông cảm mà những người
xa lạ trao đổi với nhau khi họ gặp nhau ngày này. Tất cả đồng bào đã mất đi một
người thân thích.
Nhiệm vụ lớn lao đầu tiên đối mặt với miền Bắc chiến thắng - lúc này dưới sự
lãnh đạo của vị phó tổng thống của Lincoln, Andrew Johnson, một người miền
Nam vẫn trung thành với Liên bang - là xác định cương vị của các bang đã ly khai.
Lincoln đã đưa ra sẵn lộ trình. Theo quan điểm của ông thì mọi người ở các bang
miền Nam chưa bao giờ ly khai hợp pháp cả; họ đã bị một số công dân phản loạn
lừa dối dẫn tới việc thách thức không tuân phục Chính quyền Liên bang. Và vì
chiến tranh là hành động của các cá nhân nên Chính phủ Liên bang sẽ xử lý những
cá nhân này chứ không phải với các bang. Do đó, vào năm 1863, Lincoln tuyên bố
rằng, nếu trong bất kỳ bang nào mà 10% những người đã đi bầu vào năm 1860
thành lập chính phủ trung thành với Hiến pháp nước Mỹ và công nhận sự phục
tùng các luật của Quốc hội và những tuyên bố của tổng thống, thì ông sẽ công
nhận chính phủ được thành lập ấy như một chính quyền hợp pháp của bang.
Quốc hội đã bác bỏ kế hoạch này. Nhiều đảng viên Cộng hòa sợ rằng việc này
sẽ khiến cho những kẻ nổi loạn trước đây sẽ lên nắm quyền; họ phản đối quyền
của Lincoln giải quyết vấn đề các bang nổi loạn mà không có tham khảo ý kiến.
Một số nghị sỹ Quốc hội ủng hộ cho việc trừng phạt nghiêm khắc tất cả các bang
đã ly khai; một số người khác thì cho rằng cuộc chiến đã không thu được thắng lợi
khi các lực lượng miền Nam lại khôi phục được quyền lực của họ. Tuy nhiên,
thậm chí ngay trước khi chiến tranh hoàn toàn chấm dứt, các chính phủ mới vẫn
được thiết lập ở các bang Virginia, Tennessee, Arkansas và Louisiana.
Để giải quyết một trong những mối lo lắng chính yếu - điều kiện của các nô lệ
trước đây - vào tháng 3/1865, Quốc hội đã thành lập Cục Phụ trách nô lệ được giải
phóng để hoạt động với tư cách người bảo vệ cho những người Mỹ gốc châu Phi
và hướng dẫn họ cuộc sống tự lập.
Đến tháng 12 năm đó, Quốc hội đã phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi thứ 13 của
Hiến pháp, văn kiện này đã bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ.
Trong cả mùa hè năm 1865, Johnson đã tiếp tục thực hiện chương trình tái thiết
của Lincoln với những thay đổi nhỏ. Bằng tuyên bố của tổng thống, ông đã bổ
nhiệm thống đốc cho từng bang trong số các bang thuộc phe ly khai trước đây và
đã phục hồi một cách rộng rãi các quyền chính trị cho đông đảo cá nhân miền
Nam thông qua việc sử dụng các lệnh ân xá của tổng thống.
Các hội nghị đã kịp thời nhóm họp ở tất cả các bang thuộc phe ly khai trước đây
để thủ tiêu các sắc lệnh ly khai, bãi bỏ các món nợ thời chiến và khởi thảo các hiến
pháp bang mới. Đương nhiên một người theo chủ trương Liên bang khi trở thành
thống đốc của mỗi bang với quyền lực liền triệu tập hội nghị những cử tri trung
thành với Liên bang. Johnson kêu gọi từng hội nghị đấu tranh làm mất hiệu lực
của sự ly khai, bãi bỏ chế độ nô lệ, không thừa nhận mọi khoản nợ đã dùng để trợ
giúp cho phe ly khai và phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi thứ 13 của Hiến pháp.
Cho đến cuối năm 1865, với một vài ngoại lệ, quá trình này đã được hoàn tất.