Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

CHUYỆN VỀ BÁC HỒ - Chủ tịch Hồ Chí Minh với gia đình Raymond Aubrac potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.15 KB, 5 trang )

Chủ tịch Hồ Chí Minh với gia đình
Raymond Aubrac
Trịnh Ngọc Thái
Một trong những gia đình người Pháp có kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí
Minh là gia đình Raymond Aubrac.
Năm 1946 sau cuộc đàm phán với Pháp không kết quả, nhận lời mời của Chính
phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm Pháp với danh nghĩa Chủ tịch nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9-1946.
Thời gian Bác thăm Pháp lâu, vì ở Pháp lúc đó có cuộc bầu cử Quốc hội và phải
thay đổi Chính phủ. Cũng trong khoảng thời gian này ở Pháp có Hội nghị
Fontainebleau giữa Pháp và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng làm
trưởng đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó cũng ở Paris, nhưng không tham gia
đoàn việt Nam ở Hội nghị. Sau khi Hội nghị Fontainebleau kết thúc, Đoàn đại biểu
Việt Nam về nước, còn Bác ở lại để cùng với Marius Moutet, Bộ trưởng Bộ Hải
ngoại, đại diện Chính phủ Pháp ký bản Tạm ước với hy vọng cứu vãn hoà bình.
Ngày 19-9-1946, Bác lên tầu ở cảng Toulon, trở về nước.
Ngày 27-7-1946, Việt kiều ở Pháp đã tổ chức một cuộc chiêu đãi tại Vườn
Hồng Bagatelle ở Paris để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Raymond
Aubrac có mặt trong buổi chiêu đãi. Sau đó, ông mời Bác về ở nhà mình, ở ngoại
ô Paris.
Bác đến ở nhà ông Raymond Aubrac 6 tuần, từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9-
1946. Nhà ở Soissy-sous-Monmorency, phía Bắc Paris, đi khoảng 20 phút xe hơi.
Nhà được xây dựng từ thế kỷ 18, để làm nhà nghỉ cho một gia đình quý tộc. Xung
quanh nhà có vườn rộng, cách đường cái một bức tường có hàng cây dẻ và một vài
cây anh đào. Trong vườn có mấy cụm hoa lớn, còn lại là thảm cỏ. Nhà có ba tầng
với một tầng hầm và một tầng sát mái. Lúc đó gia đình ông Aubrac có hai vợ
chồng, hai con nhỏ, bà mẹ vợ và một người giúp việc. Trong thời gian ở cùng gia
đình, lúc đầu bà Aubrac và mẹ bà nấu cho Bác ăn. Nhưng sau này thấy bận và Bác
có nhiều khách, nên anh em đã cử ông Ty, một Việt kiều yêu nước đến nấu ăn cho
Bác. Ông Ty có một cửa hàng ăn ở khu sinh viên Quartier latin, nhưng ông đã
đóng cửa, đến phục vụ Bác.


Mỗi buổi sáng người nhà ông Aubrac mang đến cho Bác sách báo tiếng Pháp và
báo chí tiếng Anh, Đức, Nga… Bác thường đọc báo ngay trên thảm cỏ. Hàng ngày
Bác cũng tiếp khách ở ngoài vườn. Chính phủ Pháp dành cho Bác một tầng trong
một ngôi nhà lớn ở gần Khải hoàn môn, nhưng Bác thường không vào Paris tiếp
khách, mà mời về nhà ông Aubrac. Đoàn đại biểu của ta tại Hội nghị
Fontainebleau ngày nào cũng đến làm việc với Bác. Ở đây Bác tiếp và chiêu đãi
nhiều nhân vật thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, các nhà văn, nhà
báo…
Ông Aubrac kể lại rằng cuối tháng 7, nhân ngày sinh của ông, Bác đã tặng ông
một bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, một trí thức Việt kiều yêu nước. Bức tranh
tả một bà mẹ mới sinh con, đang vươn cánh tay dài với những ngón tay mảnh dẻ
vuốt đầu cháu bé. Ít lâu sau, bà Aubrac sinh cháu Elisabeth. Bác đã đến Nhà hộ
sinh Port - Royal ở Paris thăm, tặng hoa và nhận là người đỡ đầu. Từ đó trở đi,
năm nào đến ngày sinh của cháu Babette, Bác cũng đều gửi quà mừng.
Ông bà Aubrac tuy không phải là đảng viên cộng sản nhưng là những người tiến
bộ, yêu nước, tích cực tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống phát
xít. Ông bà chịu ảnh hưởng của những người cộng sản, thời đó gọi là những người
"bạn đồng hành" của những đảng viên cộng sản, là những người luôn đứng về phái
công lý. Hai ông bà là những chiến sĩ kiên cường trong kháng chiến chống phát xít
Đức, bí mật tham gia kháng chiến ở Lyon. Ông góp phần thành lập bộ tham mưu
quân đội bí mật. Bố mẹ ông Aubrac cũng bị phát xít Đức giết chết. Ông bị phát xít
Đức bắt, ngày 15-6-1943 được lực lượng kháng chiến cứu thoát. Ngày 21-6-1943,
ông bị Gestapo bắt và đưa đi xử bắn. Bà Lucie đã tổ chức một cuộc tập kích giải
thoát cho chồng. Bị lộ, hai vợ chồng theo tướng De Gaulle sang Anh.
Ông Aubrac kể khi ông làm đại diện Chính phủ Pháp tại Marseille năm 1944-
1945, ở đó có rất nhiều lính thợ Việt Nam được Chính phủ Pháp tuyển mộ sang
Pháp từ năm 1939 để thay thế cho thanh niên Pháp nhập ngũ. Phát hiện ra tại các
trại này anh em bị bọn côn đồ đàn áp, ông đã giải tán Ban chỉ huy, thay bằng
những người tốt và cho anh em tự bầu ra một Ban tư vấn bên cạnh Ban chỉ huy.
Từ đó anh em biết ơn ông và năm nào đến dịp lễ Tết đều mời ông dự. Ông cho

rằng cũng vì vậy mà ông được mời dự cuộc chiêu đãi ở Bagatelle và được giới
thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau chiến tranh ông trở thành anh hùng kháng chiến, được cử làm đại diện
Chính phủ Pháp tại Marseille, rồi về làm việc ở Bộ Xây dựng. Ông là kỹ sư công
chính. Còn bà Aubrac được cử làm đại biểu Hội đồng tư vấn, một nhân chứng lịch
sử đấu tranh giải phóng. Sau đó, bà làm giáo viên của Trường trung học Enghien.
Hai ông bà đều có quan hệ gắn bó với Bác Hồ và Việt Nam trong nhiều thập kỷ.
Ông thường nói ngày được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh 27-7-1946 đã đánh dấu một
bước ngoặt trong cuộc đời ông, cho tận đến bây giờ, một giai đoạn gắn bó với đất
nước Việt Nam.
Sau năm 1946 ông Aubrac đã gặp Bác hai lần. Một lần vào năm 1955, ở Bắc
Kinh, khi Bác đang thăm Trung Quốc. Bác đã mời ông ăn sáng và mời sang Hà
Nội, gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, để giúp giải quyết vấn đề buôn bán giữa
Việt Nam và Pháp. Ông đi xe lửa từ Bắc Kinh đến Lạng Sơn, sau đó đi xe Jeep
đến Hà Nội. Ông ở Việt Nam khoảng nửa tháng, đi thăm Hà Nội và vịnh Hạ Long.
Lần thứ hai, năm 1967, ông cùng Viện trưởng Viện Pasteur Herbrt Marcovitch
sang để trao đổi về tình hình Việt Nam. Bác cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp
ông tại Nhà sàn, Hà Nội. Sau 12 năm xa cách, ông được gặp Bác. Đây cũng là lần
cuối cùng.
Ông viết cuốn sách "Où s' attarde la mémoire" (Những gì để nhớ), xuất bản năm
1946, trong đó kể lại những kỷ niệm gắn bó với cuộc đời của ông. Bác Hồ và Việt
Nam đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng vợ chồng Raymond Aubrac. Ông
bà đã trở thành những người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân
Việt Nam.
Ngày 14-3-2007, bà Aubrac qua đời, tại Paris, thọ 95 tuổi. Lễ truy điệu bà được
tổ chức trọng thể tại Cung Invalides với sự có mặt của Tổng thống Pháp Jacques
Chirac. Đài Truyền hình Pháp đã dành hai buổi chiếu cuốn phim về đời hoạt động
của bà. Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết đã gửi điện chia buồn.
Ông Aubrac năm nay đã 94 tuổi, nhưng vẫn tích cực hoạt động vì tình hữu nghị
với Việt Nam.

Năm 2006, ông tặng tôi cuốn sách của ông, với lời đề tặng "Thân tặng ông Trịnh
Ngọc Thái cuốn 'Những gì để nhớ', với những kỷ niệm viết trong cuốn sách này
của một kỹ sư công chính, Đại sứ sẽ thấy dấu ấn của sự gắn bó bền vững của tôi
với đất nước của ông - Ký tên Raymond Aubrac"./.

×