Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Lý thuyết trung bình về xã hội học doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (77.15 KB, 5 trang )

PGS.TS Nguyễn Quý Thanh: Lý thuyết trung bình
trong xã hội học
11/03/2010
Để tiếp tục đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Làm sao lựa chọn và sử dụng lý thuyết hiệu quả trong vai trò hướng đẫn và chỉ đạo
nghiên cứu? Kỳ này chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới quý vị và bạn đọc một bài viết giới thiệu và phân tích về "Lý thuyết trung bình
trong xã hội học". Lý thuyết trung bình chính là con đường đi giữa lý thuyết lớn (grand theory) và các nghiên cứu thực nghiệm
(experimental studies), hay là sợi dây gắn kết cái chung, cái trừu tượng với cái cụ thể. Với kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy
của mình, PGS. TS Nguyễn Quý Thanh đã trình bày tổng quan ngắn gọn và rõ ràng về nguồn gốc thuật ngữ, nội dung và ý nghĩa
của lý thuyết trung bình, đặc biệt về lý thuyết trung bình trong nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam hiện nay. Phần kết luận của tác
giả gợi mở đường hướng nghiên cứu ứng dụng lý thuyết trung bình. Kính mời quý vị và các bạn tham khảo.
LÝ THUYẾT TRUNG BÌNH
TRONG XÃ HỘI HỌC
(Version 1.0 của bài nay đã đăng trên Bản tin Xã hội học và Tâm Lý lãnh đạo quản lý, quyển 2,
số 2, 2007, HVCT-HCQG HCM)
Bối cảnh của xã hội học nửa đầu thế kỷ XX
Kể từ khi ra đời xã hội học đã trải qua những bước thăng trầm trong sự phát triển của lưỡng đề
lý thuyết-thực nghiệm. Có những lúc xã hội học thiên về các nghiên cứu thực nghiệm. Ngược lại,
có lúc lại thiên về nghiên cứu lý thuyết trìu tượng. Nếu nhìn từ góc độ đội ngũ các nhà xã hội học
thì có thể thấy dường như là các nhà xã hội học thế hệ sau khác với những người sáng lập ra xã
hội học (như Auguste Comte, Karl Marx, Hebert Spencer, Emile Durkheim, Max Weber) ở một
điểm là họ ngày càng chú ý nhiều hơn đến những nghiên cứu thực nghiệm hơn là các nghiên
cứu lý thuyết. Như chúng ta đã biết, những nguyên tắc của chủ nghĩa thực chứng (positivism) đã
giúp cho xã hội học tách ra khỏi được cái bóng của triết học tư biện. Những nguyên tắc này đòi
hỏi người làm xã hội học phải nghiên cứu về xã hội bằng những phương pháp khoa học (của
khoa học tự nhiên), chỉ nghiên cứu những gì quan sát được, thao tác hoá và đo lường tất cả
những gì vốn được coi là không thể đo được. Những nguyên tắc này đã là nền tảng của những
phương pháp thực nghiệm về sau này của nghiên cứu xã hội học. Tuy nhiên, bản thân người đề
ra những nguyên tắc này là Auguste Come cũng không phải là người chỉ biết đến có thực
nghiệm. Về cơ bản có có thể coi A. Comte là một nhà lý luận hơn là một nhà nghiên cứu thực
nghiệm.
Chính vì vậy, có thể nói đầu thế kỷ XX là thời kỳ bùng nổ về mặt phương pháp và các nghiên


cứu xã hội học thực nghiệm. Có thể nói rằng, khuynh hướng xã hội học lý luận trong xã hội học
khởi nguồn từ châu Âu, nhưng khi xã hội học chuyển sang Hoa Kỳ thì mô hình thực nghiệm với
những suy tính mang tính thực dụng (pragmatism) đã thắng thế. Đấy là một thời kỳ mà cái gì
cũng có thể được điều tra khảo sát. Hàng loạt những công cụ, phương pháp đồ đạc mới được
hình thành vào thời kỳ này. Trong giai đoạn "trăm hoa đua nở" rất nhiều số liệu điều tra về những
vấn đề đơn lẻ của đời sống xã hội đã được thu thập. Nhưng đó là những số liệu rời rạc, thiếu sự
gắn kết bởi vì chúng không được thực hiện trên những nền tảng lý thuyết cần thiết cũng như
chúng không nhằm đến việc xây dựng hay chứng minh cho lý thuyết cũng như không có những
phát hiện lý thuyết nào được rút ra từ đó.
Chính vì vậy, bắt đầu từ những năm 30-40 của thế kỷ XX đã xuất hiện những sự nghi ngờ đầu
tiên đối với tính hiệu quả của chủ nghĩa kinh nghiệm trong việc đại diện cho toàn bộ xã hội học.
Các nhà xã hội học thực sự băn khoăn rằng liệu đó có phải là xã hội học hay không, hay ít nhất
họ cũng băn khoăn là liệu những nghiên cứu thực nghiệm có phải là toàn bộ xã hội học hay
không. Ở mặt khác phương pháp nghiên cứu mang tính lý thuyết hoá với đặc thù của triết học xã
hội cũng bị hoài nghi, bởi vì "cái gì giải thích được tất cả thì không giải thích được gì cụ thể cả".
Kết quả là vị thế của các "lý thuyết lớn" (grand theory) bị suy giảm. Như vậy, dường như có một
sự "khủng hoảng" trong xã hội học khi mà cả "lý thuyết lớn" cũng như trào lưu "thực nghiệm chủ
nghĩa" đều bị phê phán. Trong bối cảnh đó, khái niệm về "lý thuyết trung bình" (Theory of middle
range) của Robert Merton đã ra đời.
Nguồn gốc của thuật ngữ
Việc hướng tới thực tế nghiên cứu cụ thể rất quan trọng đối với sự phân tích cấu trúc, sự mong
muốn đưa ra cho chúng một cơ sở lý thuyết, gắn hai mặt của khoa học là lý thuyết và thực tế với
nhau. Chính xã hội học thực nghiệm lúc đầu đầu tách rời hai mặt này ra. Người đầu tiên đưa ra
thuật ngữ "lý thuyết trung bình" đó là nhà xã hội học người Mỹ Robert Merton (1910 – 2003)
trong chương 2 cuốn chuyên khảo nổi tiếng "Lý thuyết xã hội và Cấu trúc xã hội". Cũng có ý kiến
cho rằng lý thuyết trung bình đã có, thí dụ, khi Durkheim đưa ra các mệnh đề để giải thích hiện
tượng tự tử. Tuy nhiên, chính Merton mới là người chủ trương xây dưng các lý thuyết này . R.
Merton cho rằng cần thiết phải tạo ra các lý thuyết trung bình, bởi vì xã hội học còn non trẻ ,
chưa thể đủ sức giải quyết ngay những vấn đề mang tính tổng thể của cơ thể xã hội. Hơn thế,
các lý thuyết trung bình thường gần sát với các điều tra cụ thể và có thể làm cơ sở cho chúng và

đồng thời kiểm tra, chỉnh lý lại những lý thuyết đối với chúng. Merton viết "thuật ngữ lý thuyết xã
hội học chính là các luận điểm được gắn với nhau một cách lô gíc, những lý thuyết này thường
có phạm vi giới hạn và nhỏ chú không mang tính rộng lớn và bao trùm. Tôi thử tập trung sự chú
ý đến điều mà có thể gọi là "lý thuyết trung bình". Các lý thuyết trung bình nằm giữa những giả
thuyết không lớn vốn có nhiều trong các nghiên cứu hàng ngày và những lý thuyết toàn vẹn có
đầy đủ sơ đồ lý luận, từ đó nảy sinh ra nhiều những quy luật của hành vi xã hội có thể phát hiện
được bằng thực nghiệm" .
Lý do khiến R. Merton phải hướng đến việc đưa ra một khái niệm mới đó là sự tồn tại của các
khuynh hướng cực đoan trong xã hội học. Merton phản đối mạnh mẽ các khuynh hướng này.
Một mặt, ông phản đối trào lưu "thực nghiệm chủ nghĩa" (empiricism) thuần tuý khi nó quá nhấn
mạnh việc thu thập số liệu mà không hề quan tâm tới lý thuyết. Đồng thời, ông cũng không đồng
tình với khuynh hướng thứ hai chỉ biết đến lý thuyết trìu tượng mà bỏ qua những nghiên cứu
thực nghiệm để chứng minh cho chính các lý thuyết này. Về mặt hình thức, xu hướng xây dựng
lý thuyết lớn trong xã hội học có vẻ giống như trong Vật lý học khi người các nhà khoa học cố tìm
tòi, xây dựng một lý thuyết nhằm thống nhất tất cả các loại lực đã được biết đến. Trong xã hội
học, khuynh hướng này nhằm xây dựng một "lý thuyết lớn" - một hệ thống lý thuyết tổng thể bao
trùm tất cả các mặt khác nhau của đời sống xã hội như trường phái chức năng luận cấu trúc.
Chính vì vậy, R. Merton cho rằng cần phải có những lý thuyết nằm trung bình giữa lý thuyết lớn
và các nghiên cứu thực nghiệm. Các lý thuyết này khởi đầu cho việc xây lý thuyết của chúng về
các khía cạnh của những hiện tượng xã hội. Các khía cạch này được phân định ranh giới rõ
ràng. Các lý thuyết này không tập trung vào thực thể trìu tượng như là xã hội hay hệ thống xã
hội. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là làm thế nào để loại bỏ sự khoảng cách của thực nghiệm và lý
luận mà không cần đến phương pháp luận triết học. Merton đã tìm kiếm những cơ sở lý luận-
thực tiễn cho vấn đề này ở một điểm là trong các nghiên cứu thực nghiệm của xã hội học có thể
có những phát hiện bất ngờ (serendipity) về đối tượng nghiên cứu. Như vậy, những nghiên cứu
thực nghiệm này không chỉ thực hiện vai trò kiểm tra các khái niệm đã thao tác hoá, khẳng định
hay bác bỏ giải thuyết mà chúng còn đóng vai trò như là những cú hích cho những tìm kiếm các
lý thuyêt mới, xem xét lại khái niệm và sang rõ những cơ sở của xã hội học . Có thể nói việc đề
ra khái niệm về "lý thuyết trung bình" dường như cũng là một cách "đối thoại" của Merton đối với
Parsons. Dù cả Merton và Parsons đều gắn bó với lý thuyết chức năng cấu trúc ở khía cạnh này

hay khía cạnh khác, song giữa hai người có những khác biệt quan trọng. Đó là trong khi Parsons
ủng hộ nhiệt thành cho việc xây dựng các lý thuyết lớn thì Merton lại cho rằng cần chú ý đến các
lý thuyết ở cấp độ trung bình .
Nội dung và ý nghĩa của các lý thuyết trung bình
Các lý thuyết trung bình có vẻ như giải quyết được những phê phán đối với trào lưu "thực
nghiệm" cũng như trào lưu "trìu tượng hoá". Nó như vậy không có nghĩa là các lý thuyết trung
bình không có sự trìu tượng hoá. Thậm chí nó cũng có nhiều sự "trìu tượng" trong đó. Nhưng
điều khác biệt cơ bản giữa "lý thuyết trung bình" và "lý thuyết lớn" ở chỗ những sự trìu tượng này
được củng cố bằng những kết quả nghiên cứu thực tế. Đồng thời các lý thuyết trung bình cần
được xây dựng đối với các hiện tượng mà có thể quan sát được (observable), tức là có thể
nghiên cứu, đo đạc đuợc bằng những chỉ báo khách quan. Chúng được xây dựng để cấu trúc
những vấn đề lý thuyết cũng như được lồng ghép trong những giả định cần chứng minh .
Có thể nêu ra những lý thuyết trung bình khác nhau như các lý thuyết về các nhóm qui chiếu, về
di động xã hội, về sự hình thành các chuẩn mực xã hội, lý thuyết vai trò, lý thuyết về văn hoá phụ
v.v. Mục tiêu của Merton khi đặt ra khái niệm lý thuyết trung bình có thể khái quát bằng chính
tuyên bố của ông như sau "Nhiệm vụ chính của chúng ta ngày này đó là phát triển những lý
thuyết chuyên biệt (special) áp dụng vào những tầm mức khái niệm giới hạn – các ý thuyết, thí
dụ về hành vi lệch chuẩn, về những hậu quả không hoạch định trước của những hành động có
chủ định, về sự cảm nhận xã hội, về các nhóm qui chiếu, về sự kiểm soạt xã hội, về sự lệ thuộc
lẫn nhau của các thiết chế xã hội – hơn là đi tìm kiếm cấu trúc khái niệm tổng thể mà là đủ để rút
ra các lý các lý thuyết này và những lý thuyết trung bình khác" và ông cũng cho rằng "Lý thuyết
xã hội học cần phải được xuất phát từ hai mặt gắn với nhau: (i) bằng sự phát triển các lý
thuyết chuyên biệt (special theories) mà các giả thuyết rút ra từ đó có thể kiểm chứng được bằng
nghiên cứu thực nghiệm (empirically); (ii) bằng việc đưa vào một sơ đồ luận điểm khái quát tăng
đàn từng nấc mà đủ để hợp nhất các nhóm các của lý thuyết chuyên biệt"
Merton kỳ vọng rằng các lý thuyết trung bình sẽ là cầu nối giữa lý thuyết và các bằng chứng thực
nghiệm. Như vậy, theo Merton lý thuyết ở cấp độ trung bình bắt đầu việc xây dựng lý thuyết của
mình với những khía cạch của các hiên tương xã hội xác định với ranh giới rõ ràng hơn là toàn
bộ hệ thống xã hội. Các thuyết trung bình này dường như liên kết các nhà lý luận xã hội học,
những người coi các lý thuyết của họ là có giá trị và không thể bác bỏ, với các nhà thực hành,

những người có những dữ liệu điều tra về các hiện tượng xã hội nhưng họ không thể giải thích
và liên kết được chúng được. Khi giới thiệu lý thuyết trung bình với giới xã hội học Merton ngụ ý
rằng chúng ta không nên cố gắng giải thích toàn bộ thế giới, mà cần phải tập trung vào những
phần nào đó của hiện thực mà có thể đo được. Thực ra, Merton cũng nhận ra một xu hướng là
khi các lý thuyết trung bình tích luỹ đến một giai đoạn nào đó cũng như khi chính đủ trưởng thành
tới một độ nhất định chúnglại có xu hướng hội tụ lại thành những qui luật chung nhất, mang tính
phố quát. Nhưng, cho tới khi đạt được điều đó thì các nhà khoa học xã hội nên tập trung vào việc
xây dựng lý thuyết trung bình.
Đối với Merton, lý thuyết trung bình là một tập hợp các kỹ thuật để phân tích hiện thực và cho
phép tạo ra những phân tích về lý thuyết liên quan đến hiện thực này để trao đổi với những
người khác dù họ là những người hoạch định chính sách hay những nhà khoa học thuộc lĩnh vực
khác.
Lý thuyết trung bình trong nghiên cứu xã hội học ở việt nam
Khó có thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng và xác định rằng xã hội học ở Việt Nam đang tiếp cận
theo hướng nào: nhấn mạnh đến sự trìu tượng hoá, những vấn đề mang tính chất tổng thể của
hệ thống xã hội (của lý thuyết lớn) hay chỉ đơn giản là những vấn đề thực nghiệm thuần tuý?
Công bằng mà nói, cho dù giới xã hội học ở Việt Nam chưa xây dựng được một lý thuyết lớn của
mình. Nhưng, xã hội học ở Việt Nam cũng "thừa hưởng" một lý thuyết lớn của nền xã hội học
trên thế giới. Đó chính là "Chủ nghĩa duy vật lịch sử". Trong hầu hết các công trình nghiên cứu
xã hội học, đặc biệt trong các luận án thạc sĩ và tiến sỹ xã hội học ở Việt Nam các tác giả đều coi
"chủ nghĩa duy vật lịch sử" là nền tảng lý thuyết là phương pháp luận của họ. Tức là các nghiên
cứu này đều cố gắng dựa vào lý thuyết lớn. Tuy nhiên, khi triển khai các lý thuyểt phục vụ cho
các phần nghiên cứu thực nghiệm thì nhiều tác giả dường như "quên mất" các lý thuyết lớn. Khi
đó, họ chỉ tập trung vào việc phân tích các dữ liệu điều tra thực tế mà họ thu thập được. Điều này
dẫn đến một hệ quả giống như nhiều nhà xã hội học ở Việt Nam đã nhận xét "cơ sở phương
pháp luận của nghiên cứu không hề được sử dụng trong việc lý giải, phân tích, kết nối các số liệu
thực nghiệm". Như vậy, về cơ bản các khoá luận. luận văn, luận án cũng như nhiều nghiên cứu
xã hội học chỉ thuần tuý là những nghiên cứu thực nghiệm và những lý thuyết lớn được liệt kê ra
trong đó dường như chỉ là "một sự trang trí".
Có thể nói, hiện trạng về xã hội học ở Việt Nam phần nào giống so với hiện trạng phát triển xã

hội học ở Mỹ vào đầu thế kỷ XX. Hiện trạng này cũng được nhiều nhà xã hội học ở Việt Nam
khái quát thành "hội chứng điều tra", "hội chứng an két, bảng hỏi", "phi điều tra bất thành xã hội
học". Nhiều nhà xã hội học ở Việt Nam đã mạnh mẽ phản đối xu hướng "làm xã hội học là phải
điều tra, khảo sát". Những ý kiến phê phán này được hướng đến xu hướng quá tập trung vào
việc thu thập những dữ liệu rời rạc, về những sự kiện, chiều cạnh riêng rẽ mà không thể gắn kết
với nhau. Trong xu hướng đó hàng loạt những nghiên cứu theo dạng "thực trạng, xu hướng và
giải pháp" cùng với những báo cáo dày đặc số liệu đã được thực hiện. Tuy nhiên, rất khó có thể
nói là từ những nghiên cứu dạng này, những phát hiện nào đó về lý thuyết được rút ra.
Nói như vậy không có nghĩa là không có những cố gắng để tiến hành các nghiên cứu lý thuyết ở
cấp độ trung bình. Thế nhưng, những cố gắng này khá đơn lẻ và chưa đủ sức mạnh để tạo
thành khuynh hướng rõ nét. Nói cách khác, các lý thuyết trung bình cũng chưa được thực sự chú
trọng trong các nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam. Chúng ta có khá nhiều nghiên cứu thực
nghiệm ở những khía cạnh nào đó trong đời sống xã hội, nhưng nếu được hỏi, luận điểm lý
thuyết nào được rút ra từ đó, khó có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng.
Kết luận
"Nhỏ là đẹp" có là là câu nói phù hợp với lý thuyết trung bình. Xã hội học ở Việt Nam mới hình
thành những nỗ lực của các nhà nghiên cứu xã hội học thực nghiệm kết hợp với nghiên cứu lý
thuyết có thể tìm thấy một lối thoát cho những bế tắc khi đặt cho mình những mục tiêu quá lớn
lao, xa vời. Các lý thuyết trung bình có thể là một giải pháp tốt cho việc kết nối các kho dữ liệu
thực nghiệm rất phong phú những rời rạc hiện nay trong nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam.
Các trích dẫn
Tiến sĩ xã hội học, Đại học Quốc gia Hà nội,
Thực ra cách dịch đúng cho thuật ngữ "empirical research" phải là "nghiên cứu kinh nghiệm" chứ
không phải là "nghiên cứu thực nghiệm" vốn được dịch từ thuật ngữ "experimental research".
Tuy nhiên, trong bài này tác giả cũng sử dụng thuật ngữ "thực nghiệm" với nghĩa là "kinh
nghiệm" như cách dùng phổ biến trong giới xã hội học ở Việt Nam hiện nay.
Thuật ngũ "thực dụng" ở đây không dùng theo nghĩa như một đánhgiá mang tính chất giá trị, mà
chỉ là một khuynh hương trong khoa học xã hội học nhấn mạnh đến hiệu quả thực tế của các
phát hiện
Capitonov E. A., Xã hội học thế kỷ XX: Lịch sử và Công nghệ (Nguyễn Quý Thanh biên dịch),

trang 13.
Theo từ điển trực tuyến Wikipedia thì "Lý thuyết lớn" là thuật ngữ nhằm để chỉ mức độ trìu tượng
cao nhất của lý thuyết xã hội học. Lý thuyết của Karl Marx về Chủ nghĩa duy vật lịch sử và lý
thuyết của T. Parsons về Các hệ thống hành động là những thí dụ điển hình của các lý thuyết lớn
trong xã hội học.
Lê Ngọc Hùng, Lịch sử & Lý thuyết xã hội học, NXB ĐHQG Hà Nội, 2002, trang 212.
Đây là nhận định của Merton về độ tuổi của xã hội học vào giữa thế kỷ XX.
Merton R. K., Social theory and Social Structure, Revised and enlarged, Glencoe 1957, p.5
Capitonov E. A., Xã hội học thế kỷ XX: Lịch sử và Công nghệ (Nguyễn Quý Thanh biên dịch),
trang 191.
Ritzer, A., Các lý thuyết Xã hội học, tập 1, Vũ Quang Hà dịch, NXB ĐHQG Hà Nội, 2001, trang
164.
Merton R. K., Social theory and Social Structure, Revised and enlarged, Glencoe 1957., p39
Ibid., p51.
Ibid, p.51
PGS.TS NGUYỄN QUÝ THANH
Chủ nhiệm Bộ môn Lý thuyết và Phương pháp
Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội

×