Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

THƯỢNG HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG XUẤT GIA - 6 docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (129.72 KB, 8 trang )

THƯỢNG HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG XUẤT GIA
6

Từ lúc đó trở đi, Thượng hoàng đã đi khắp hang núi và thường sống ở trong nhà
đá. Bảo Sát thấy thế, thưa với Thượng hoàng, “Tôn đức tuổi tác đã cao mà cứ
xông pha sương tuyết, thì mạng mạch của Phật pháp sẽ thế nào?”.
Thượng hoàng đã trả lời: “Thời ta đã đến, ta muốn làm kế trường vãng”. Ngày
mồng 5 tháng 10, gia đồng của công chúa Thiên Thụy lên núi tâu: “Thiên Thụy
đau nặng, xin gặp tôn đức để chết”. Thượng hoàng bùi ngùi nói: “Thời tiết đã đến
rồi”. Rồi xách gậy xuống núi, chỉ đem theo một người hầu. Đi mười ngày mới tới
Thăng Long. Đó là hôm rằm tháng mười. Sau khi dặn dò chị mình xong, bèn trở
về núi. Ngủ đêm tại chùa Báo Ân của Siêu Loại. Sáng tinh mơ hôm sau. bèn lại ra
đi. Đến chùa thôn hương Cổ Châu, Thượng hoàng tự đề lên vách chùa bài kệ:
Số đời hơi thở lặng
Tình người đôi biển ngân
Cung ma chật hẹp lắm
Nước Phật khôn xiết xuân
Ngày 17, Thượng hoàng ngủ đêm lại ở chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh. Thái hậu
Tuyên Từ mời đến am Bình Dương đãi chay. Thượng hoàng vui vẻ nói: “Đây là
bữa cơm cúng dường cuối cùng”. Rồi nhận lời. Ngày 18, Thượng hoàng lại đi bộ
đến chùa Tú Lâm ở núi Kỳ Đặc của vùng Yên Sinh, thì thấy nhức đầu. Bèn gọi hai
tỳ kheo Tử Doanh và Hoàn Trung bảo: “Ta muốn lên núi Ngọa Vân mà sức chân
đi không nổi, biết làm sao bây giờ”. Hai vị tỳ kheo nói:
“Hai đệ tử có thể giúp vậy”. Vừa đến núi Ngọa Vân, Thượng hoàng cám ơn hai vị
tỳ kheo và bảo:
“Xuống núi gắng tu hành, chớ cho sống chết là chuyện chơi”. Ngày 19, sai thị giả
Pháp Không lên am Tử Tiêu núi Yên Tử gọi Bảo Sát về gấp. Ngày 20, Bảo Sát ra
đi, đến suối Doanh, thấy một dải mây đen từ núi Ngọa Vân qua tới Lỗi Sơn, rồi
phủ xuống suối Doanh. Nước lớn dâng lên mấy trượng, chốc lát lại hạ xuống, thì
thấy hai đầu rồng lớn như con ngựa đang cất cao hơn một trượng, đôi mắt sáng
như sao, giây lát rồi biến mất. Đêm ấy Bảo Sát ngủ qua đêm tại Sơn điếm, lại nằm


mơ thấy chuyện không lành.

Ngày 21, Bảo Sát đến núi Ngọa Vân. Thượng hoàng thấy đến, mỉm cười nói: “Ta
sắp đi rồi, ngươi sao đến muộn thế. Trong Phật pháp, ngươi có điểm nào chưa rõ,
mau đem ra đây”. Bảo Sát đứng lên hỏi: “Khi Mã đại sư không khỏe, viện chủ hỏi:
‘Gần đây Tôn đức thế nào?’ Mã nói: ‘Ngày gặp Phật, tháng gặp Phật’, ý chỉ thế
nào?”.
Thượng hoàng nói lớn: “Năm đế ba vua là vật gì?”. Sát lại đứng bên hỏi:
“Chỉ như
Hoa phơi phới chừ gấm phới phơi
Trúc đất Nam chừ cây đất Bắc
thì làm sao”.
Thượng hoàng nói: “Mắt ngươi mù rồi chăng”. Sát thôi không hỏi nữa. Từ đó bốn
ngày trời đất tối tăm, gió lốc thổi mạnh, mưa tuyết phủ cây, khỉ vượn đi quanh am
khóc la. Chim rừng buồn bã hót.
Ngày mồng một tháng 11, vào lúc nửa đêm, sao mai sáng rực, Thượng hoàng hỏi:
“Lúc này mấy giờ rồi”. Bảo Sát trả lời: “Giờ Tý”. Thượng hoàng dùng tay mở
cánh cửa sổ ra nhìn rồi nói: “Đây là giờ ta đi”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đâu?”.
Thượng hoàng nói:
Tất cả pháp không sinh
Tất cả pháp không diệt
Nếu hay hiểu như vậy
Chư Phật thường hiện tiền
Sao có chuyện đến đi
Bảo Sát đứng lên hỏi: “Nếu không sanh không diệt thì thế nào?” Thượng hoàng
bỗng nhiên lấy tay che miệng nói:
“Đừng nói mớ”. Nói xong Thượng hoàng nằm theo thế sư tử, rồi lặng lẽ ra đi. Đến
đêm ngày mồng 2, Bảo Sát theo di chúc đem hỏa táng ở tại am Thượng hoàng ở.
Hương thơm bay ngào ngạt, nhạc trời vang dội cả hư không. Có mây ngũ sắc phủ
lên giàn lửa. Đến ngày mồng 4, tôn giả Phổ Tuệ mới từ núi Yên Tử lật đật mà đi

đến. Đem nước thơm tưới giàn lửa. Làm lễ thu ngọc cốt, lại lượm được xá lợi ngũ
sắc, loại lớn hơn năm trăm viên, loại nhỏ như hạt thóc, hạt cải thì không thể kể
xiết.
Bấy giờ hoàng đế Anh Tông và quốc phụ thượng tể đem triều đình cùng thuyền
ngự đến vái lạy từ chân núi, khóc lóc vang động đất trời. Sau đó bèn rước ngọc cốt
và xá lợi xuống thuyền ngự đưa về kinh đô Thăng Long. triều đình và dân dã buồn
thương khóc lóc vang động cả đất trời, dâng tôn hiệu Đại Thánh Trần Triều Trúc
Lâm Đầu Đà Tịnh Huệ Giác Hoàn Điều Ngự Tổ Phật, rồi đem ngọc cốt vào trong
khám báu, phân chia xá lợi làm hai phần. Mỗi phần đều đựng trong hộp vàng bảy
báu. Việc chay xong rước ngọc cốt nhập vào đức lăng, miếu hiệu là Nhân Tông.
Lấy một phần xá lợi đưa vào bảo tháp đặt ở đức lăng của Long Hưng. Còn một
phần thì gói đưa vào tháp vàng đặt ở chùa Vân Yên núi Yên Tử.
Những ngày cuối cùng của Thượng hoàng Trần Nhân Tông là như thế theo Thánh
Đăng ngữ lục. ĐVSKTT 6 tờ 23b4-24a4 chép ngắn gọn hơn và khác đi đôi chút:
“Ngày mồng 3(tháng 11) Thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân ở núi Yên Tử. Bấy
giờ Thượng hoàng xuất gia ở ngọn Tử Tiêu của núi Yên Tử, tự gọi là Trúc Lâm
đại sĩ. Chị Thượng hoàng là Thiên Thụy đau nặng, bèn xuống núi đi đến thăm bảo:
‘Chị nếu thời tới thì tự đi, gặp cõi âm có hỏi việc gì thì cứ trả lời: ‘Xin đợi một
chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ đến’. Nói xong Thượng hoàng trở về núi, dặn dò
thị giả Pháp Loa về hậu sự rồi lặng lẽ ngồi mà mất.
Thiên Thụy cũng mất vào ngày hôm ấy. Pháp Loa thiêu được xá lợi hơn 3000 hạt,
vâng đem tới chùa Tư Phúc của kinh sư. Vua nghi ngờ, còn quần thần thì phần lớn
xin hỏi tội Pháp Loa. Hoàng thái tử Mạnh tuổi vừa lên 9 hộ một bên. Ở trong mình
liền có mấy viên xá lợi. Bèn đem ra để thấy. Kiểm lại thấy trong hộp thì có thiếu
mấy hạt. Vua (Anh Tông) cảm động khóc lóc, trong lòng mới hết nghi ngờ”.
Vậy là theo ĐVSKTT, ta không thấy vai trò của Bảo Sát, mà Thánh đăng ngữ lục
gọi là thượng túc đệ tử của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, người đã được
Thượng hoàng cho gọi đến và ở bên cạnh trong những giây phút cuối cùng. Và
cũng chính Bảo Sát đã thực hiện việc hỏa táng theo lời dặn dò của Thượng hoàng,
mà không cần sự có mặt của Pháp Loa. Khi Pháp Loa tới, thì chỉ có việc dùng

nước thơm tưới tắt giàn hỏa và thu lấy xá lợi cũng như ngọc cốt.
Qua những sự kiện như thế, hình như vai trò Pháp Loa dù được Thượng hoàng cho
làm người nối pháp, vẫn có vẻ như rất mờ nhạt trong những giờ phút cuối cùng
của cuộc đời của Thượng hoàng.

Đến hơn một năm sau, ĐVSKTT 6 tờ 25b9 -27a8 đã kể lại việc đưa xá lợi Thượng
hoàng đi nhập tháp: “Ngày 16 tháng 9 mùa thu năm Canh Tuất (1310), rước linh
cữu Thượng hoàng đưa về chôn ở lăng Quy Đức ở phủ Long Hưng, xá lợi thì để
tại bảo tháp am Ngọa Vân, miếu hiệu là Nhân Tông, thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo
Ứng Thế Hóa Duyên Long Từ Huyễn Huệ Thánh Văn Thần Vũ Nguyên Minh
Duệ Hiếu hoàng đế. Đem Khâm Từ Bảo Thánh thái hoàng thái hậu hợp táng ở
đấy. Trước đó tạm quàn tại tể cung của Nhân Tông ở điện Diên Hiền. Khi sắp đưa
đi, giờ đã đến rồi mà quan liêu dân chúng đứng chật khắp cung điện. Tể tướng
cầm roi xua đuổi, rốt cuộc cũng không thể mở đường.

Vua cho gọi chi hầu chánh chưởng Trịnh Trọng Tử đến bảo: ‘Linh cữu sắp đưa mà
dân chúng đầy nghẽn như thế thì làm thế nào?’. Trọng Tử lập tức đến đền Thiên
Trì gọi quân Hải khẩu và Hổ dực (quân của Trọng Tử trông coi) đến ngồi la liệt
trong thềm, sai hát mấy câu khúc Long ngâm. Mọi người ngạc nhiên kéo nhau đến
xem, cung điện mới giãn người, bèn rước về lăng Quy Đức. Trọng Tử lo dọc
đường tất có chỗ thế đất quanh co, nếu nghiêm tỉnh không nói to thì sợ có chỗ
nghiêng lệch. Nếu có truyền gọi bảo ban thì lại sợ ồn ào. Bèn đem các câu dặn
cách đi đứng ngang dọc, viết vào khúc Long ngâm, khiến mọi người hát theo để
cùng bảo nhau. Người bấy giờ khen là giỏi
( )
Xá lợi của Nhân Tông để vào bảo tháp thì có sư Trí Thông phụng hầu. Trước đây,
khi Nhân Tông mới xuất gia, sư chùa Siêu Loại là Trí Thông đốt cánh tay từ bàn
tay vào đến khủy tay và vẫn nghiễm nhiên không đổi sắc mặt. Nhân Tông đến
xem, Trí Thông đặt chỗ cho vua ngồi, rồi lạy nói: ‘Thần tăng đốt đèn mà thôi. Đốt
đèn xong thì trở về viện, ngủ say, thức dậy thì thấy phỏng liền lành’. Đến đây, khi

Nhân Tông băng, bèn vào núi Yên Tử phụng hầu bảo tháp xá lợi, đến thời Minh
Tông thì tự thiêu chết”.
Cuộc đời của vua Trần Nhân Tông, sau khi mất, được ĐVSKTT ghi lại như thế.
Ta thấy ít có vị vua nào trong lịch sử dân tộc lại có sự ghi chép đầy đủ về sự mến
mộ của người dân sau khi đã mất. Đây là một cuộc đời chỉ trong vòng 50 năm, mà
có những đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc và nhân loại. Một cuộc đời đã kết
thúc, nhưng đã để lại bao nhiêu lưu luyến cho những người đương thời cũng như
hậu thế. Một cuộc đời có một kết thúc hết sức bình dị nhưng lại vô cùng cao đẹp.
Ngày nay, mỗi khi đọc lại những gì tổ tiên ta đã viết về những ngày cuối cùng của
vua Trần Nhân Tông, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động như mình đang đối
diện với một người đang sống bằng xương bằng thịt trước mặt chúng ta

×