Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

THƯỢNG HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG XUẤT GIA - 3 pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (139.7 KB, 7 trang )

THƯỢNG HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG XUẤT GIA
3


Thượng hoàng đi Chiêm Thành

Việc đi Chiêm Thành này theo Trần Chí Chính trong lời đề từ cho bức tranh Trúc
Lâm đại sĩ xuất sơn đồ có vẻ như là một cuộc vân du của một nhà truyền giáo và
đã được vua Chiêm đón tiếp trong tư cách ấy. Trần Chí Chính viết:
“Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm
Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều
đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng,
thân hành tiễn ngài về nước và đem đất hai Châu làm lễ cúng dâng cho ngài. Ấy là
Thần Châu, Hóa Châu nay vậy”.

Tuy nhiên căn cứ trên quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt và Chiêm Thành trong
giai đoạn Thượng hoàng lãnh đạo đất nước Đại Việt, thí ta có thể chắc chắn vua
Chiêm lúc ấy là Chế Mân đã nghe tiếng và có cảm tình khá đậm đà đối với
Thượng hoàng. Ta đã thấy ở trên, khi cuộc chiến tranh Nguyên Chiêm xảy ra vào
năm 1283 Thượng hoàng đã gửi chi viện cho nhà nước Chiêm 2 vạn quân và 500
chiến thuyền. Tất nhiên việc gửi quân này là nhằm lợi ích lâu dài của Đại Việt,
nhưng trước mắt xương máu Đại Việt đã đổ ra một phần nào cho chiến thắng của
quân dân Chiêm Thành. Chính ơn nghĩa này và những hành động xây đắp nền hòa
bình hữu nghị Việt Chiêm khác đã tạo điều kiện cho vua Chiêm có một sự kính
mến và hâm mộ đối với nhà lãnh đạo Đại Việt.

Quả vậy, sau khi mở pháp hội Vô Lượng tại chùa Phổ Minh của phủ Thiên
Trường và bố thí vàng bạc tiền lụa cho những người nghèo khổ vào rằm tháng
giêng năm Quý Mão (1303), ĐVSKTT 6 tờ 17b7-18b4 đã kể lại việc Đoàn Nhữ
Hài trước khi đi sứ Chiêm Thành đã đến bái yết Thượng hoàng ở chùa Sùng
Nghiêm núi Chí Linh. Đợi suốt ngày mà vẫn không gặp được. Đến khi pháp giá


của Thượng hoàng ngự ra chơi, Nhữ Hài đã đến bái yết và thưa chuyện với
Thượng hoàng trên hai tiếng đồng hồ. Nói chuyện xong Thượng hoàng trở về khen
với các quan tả hữu “Nhữ Hài thực là người giỏi, được quan gia sai khiến là phải”.
Chi tiết này cho ta thấy ngay khi không còn trực tiếp điều khiển đất nước, Thượng
hoàng vẫn có một quan tâm đặc biệt đối với Chiêm Thành.

Những sự việc xảy ra sau đó có liên quan đến Chiêm Thành đều xuất phát từ
chuyến vân du vừa kể.

Tháng 3 năm Giáp Thìn (1304), ĐVSKTT 6 tờ 19b1 chép chuyện một nhà sư tu
theo phương pháp du già (yoga) của Chiêm Thành đến nước ta. Nét đặc biệt của vị
sư này là chỉ uống sữa bò. Rồi tháng 2 năm Ất Tỡ (1305) ĐVSKTT 6 tờ 20a3-6
chép việc “Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng hơn trăm người đem biểu
dâng vàng bạc, hương quý, vật lạ để xin định lễ cầu hôn. Triều thần cho là không
được. Riêng Văn Túc Vương Đạo Tải chủ trương việc nghị bàn, và Trần Khắc
Chung tán thành, nên việc bàn mới quyết”.

Đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), ĐVSKTT 6 tờ 21a8b1 lại ghi việc “gả công
chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân. Nguyên trước Thượng hoàng
vân du đến Chiêm Thành đã trót hứa rồi. Văn nhân trong triều ngoài nội phần lớn
mượn việc vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô, làm lời thơ quốc ngữ để
mà chê cười”. Đến mùa xuân tháng giêng năm sau, Đinh Mùi (1307) ĐVSKTT 6
tờ 22a7-b2 chép việc “đổi 2 châu Ô, Lý làm Thuận Châu và Hóa Châu, sai hành
khiển Đoàn Nhữ Hài đến ổn định dân chúng. Trước đó chúa Chiêm Thành là Chế
Mân đem đất ấy làm vật dẫn cưới. Những người thôn La Thủy, Tác Hồng và Đà
Bồng không chịụ. Vua sai Ngự Hài đến tuyên bố đức ý của triều đình, lựa chọn
người bọn chúng bổ cho làm quan, đồng thời cấp ruộng đất miễn tô thuế 3 năm để
vỗ về”.

Năm Đinh Mùi tháng 5, Chế Mân chết. Tháng 9 con của Huyền Trân là Chế Đa

Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê đem voi trắng dâng và chắc là để yêu cầu triều đình
Đại Việt đi rước công chúa Huyền Trân về, vì “tục nước Chiêm Thành, hễ vua
chết thì Hoàng hậu phải vào đàn thiêu chết theo”. Thế là tháng 10 sai Trần Khắc
Chung và Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trần và con là Đa
Da về nước: “Bọn Khắc Chung sang, mượn cớ làm lễ viếng, rồi nói rằng: ‘Nếu
công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương. Chi bằng hãy ra
bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về sẽ vào đàn thiêu’. Người
Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ để cướp đi rồi đưa về. Bèn cùng
Công chúa tư thông loanh quanh mãi ở đường biển, lâu ngày mới đến kinh sư”
như ĐVSKTT 6 tờ 32a7-33a2 đã ghi. ĐVSKTT 6 tờ 33b3-4 nói: “Mùa thu ngày
18 tháng 8 năm Giáp Thân, (1308), công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành trở về.
Thượng hoàng sai trại chủ Hoá Châu đưa 300 người Chiêm đi thuyền trở về nước
họ”. Thế là gần một năm Trần Khắc Chung mới đưa được Công chúa Huyền Trân
về Đại Việt. Và chưa đầy 3 tháng trước khi Thượng hoàng mất, công việc Chiêm
Thành vẫn được Thượng hoàng theo dõi. Chúng ta ngày nay không biết trại chủ
Hóa Châu lúc bấy giờ là ai và tại sao phải đưa 300 người Chiêm về nước của họ.
Phải chăng họ là những người Chiêm đã đi cùng Công chúa ra biển làm lễ chiêu
hồn? Dẫu sao, trước khi mất, Thượng hoàng đã gặp lại được người con gái thân
yêu của mình tưởng phải mãi mãi xa cách để thực hiện một sứ mệnh có lợi cho đất
nước muôn đời về sau. Đó là đưa hai châu Ô và Lý vào bản đồ Đại Việt, để sau
này trở thành vùng đất Thuận Hóa nổi tiếng và từng là kinh đô của một nước Việt
Nam thống nhất.

Châu Ô chính là vùng đất Ô Mã của Chiêm Thành, mà Toa Đô trong đợt xâm lược
năm 1283 đã báo cáo là vùng đất “nằm gần nước An Nam”, như Nguyên sử 209 tờ
9b đã ghi nhận. Còn châu Lý, tức vùng đất Việt Lý, mà bọn Toa Đô phải đi qua
trước khi tiến công vào trại Bố Chính và đất Hoan Ái của ta và đã gây cho ta nhiều
tổn thất. Chính vì cánh quân Toa Đô từ miền Nam kéo ra này đã gây nên diễn biến
chính trị và quân sự phức tạp đến nỗi vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng đã
phải chỉ huy cánh quân phía Nam của ta để đối phó lại với chúng và cuối cùng đã

chiến thắng vang dội với việc chém đầu Toa Đô và bắt sống gần một vạn quân
chúng tại trận Tây Kết lần thứ hai.

Ô, Lý, do đó có một vị trí chiến lược xung yếu đối với nền an ninh của Đại Việt.
Cho nên dưới cái nhìn chiến lược của một nhà quân sự thiên tài, ngay từ những
năm chiến tranh, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã nghĩ tới việc nắm lấy hai
châu này để đảm bảo cho sự sống còn của Đại Việt được an toàn. Chắc chắn xuất
phát từ cái nhìn như thế, mà cả một loạt biện pháp đã được thực hiện, trong đó có
cả việc gả công chúa Huyền Trân, người con gái duy nhất của Thượng hoàng cho
vua Chiêm là Chế Mân. Việc sáp nhập hai châu Ô, Lý vào bản đồ Đại Việt đã diễn
ra một cách hòa bình, rất khác với việc sáp nhập ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố
Chính của Lý Thánh Tông hơn 200 năm trước đó.

Lý Thánh Tông đã bắt Chế Củ dâng đất để chuộc mạng sống của mình. Còn vua
Trần Nhân Tông thì không thế. Vua Chiêm có thêm một người vợ Việt, và người
vợ này còn sinh hạ cho vua Chiêm một người con trai là Chế Đa Da. Sách lược
ngoại giao hòa bình của vua Trần Nhân Tông đã đem lại những thành quả chính trị
và an ninh quá to lớn thật không ngờ tới. Từ đây ta thấy dòng Nam tiến của người
Việt ngày càng dồn dập như một cơn thủy triều đang cuồn cuộn dâng lên. Chưa
đầy một trăm năm sau khi Ô Lý đã thành châu Thuận và châu Hoá, thì Hồ Quý Ly
đã có thêm Thăng Hoa và Tư Nghĩa. Hơn nửa thế kỷ sau Hồ Quý Ly, Lê Thánh
Tông đã cắm mốc trên núi Đá Bia ở Phú Yên. Việc lấy được Ô, Lý bằng con
đường hòa bình như thế đã đặt nền móng cho việc mở rộng biên cương của tổ
quốc. Đây phải nói là một trong những cống hiến vĩ đại của vua Trần Nhân Tông
đối với dân tộc, mà muôn đời về sau con cháu vẫn còn ghi nhớ.

Công việc Chiêm Thành cho đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình,
Thượng hoàng vẫn có một quan tâm sâu sắc. Tuy thế, không phải vì công việc đó
mà Thượng hoàng sao nhãng những công việc khác. Theo Thánh đăng ngữ lục thì
vào năm Giáp Thìn (1304), Thượng hoàng “đi khắp các xóm làng để giáo hóa và

trừ bỏ các việc thờ cúng bậy, dạy cho họ thực hành 10 điều thiện”. Việc Thượng
hoàng Trần Nhân Tông đem 10 điều thiện để dạy dân chúng rõ ràng phản ảnh
quan điểm chính trị của Phật giáo Việt Nam mà trước đó hơn ngàn năm đã được
ghi vào trong kinh Lục Độ tập. Bản kinh này có thể nói là một trong những bản
kinh xưa nhất của Phật giáo nước ta hiện biết, đã tổng hợp nhuần nhuyễn và thành
công tư tưởng Phật giáo và truyền thống dân tộc. Nó liên tục kêu gọi những người
lãnh đạo chính trị phải dùng 10 điều thiện làm “pháp luật quốc gia” (quốc pháp),
làm “chính sách quốc gia” (quốc chính). Và đây là lần đầu tiên ta thấy Thượng
hoàng Trần Nhân Tông đã thực hiện lời kêu gọi này.

Cũng trong năm Giáp Thìn ấy, mùa đông “Anh Tông dâng biểu thỉnh Thượng
hoàng về đại nội, xin thọ tại gia Bồ Tát tâm giới. Ngày Thượng hoàng vào thành,
vương công bắt quan chuẩn bị đầy đủ lễ nghi đón rước. Vương công bắt quan đều
cùng thọ giới”. Thế là cả một triều đình Đại Việt đã cố gắng sống theo lời dạy của
đức Phật. Việc thọ tại gia Bồ Tát tâm giới thể hiện rất rõ cơ sở tư tưởng Cư trần
lạc đạo mà Thượng hoàng đã tiếp nhận trực tiếp từ thân phụ mình là Vô Nhị
Thượng Nhân Trần Thánh Tông và vị thầy Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc
Tung.

Và có thể ngay cả trước khi vua Anh Tông mời Thượng hoàng thực hiện các buổi
lễ này, triều đình Đại Việt là một triều đình Phật giáo và người dân Đại Việt là
những Phật tử. Trong chuyến đi sứ năm 1293, khi về nước, Trần Phu đã viết bài
phú An Nam tức sự, ợchép trong Trần Cương Trung thi tập 2 tờ 24a3-37b2, đã cho
ta biết triều đình nhà Trần “tuy có đền miếu, nhưng không có lễ cúng kỡ hàng
năm, chỉ có cúng Phật là rất kính thành”, còn “dân hết thảy đều là thầy tu” (dân tất
tăng). Và ngay cả Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Phu cũng không quên
ghi nhận Hưng Đạo Vương “rất chuộng Phật, nên đặt tên châu là Vạn Kiếp”. Và
Thiếu bảo Đinh Củng Viên trong thơ tiễn Trần Phu, cũng đưa tư tưởng Phật giáo
vào. Bài thơ này chép trong Trần Cương Trung thi tập 2 tờ 27b3-6, và chưa được
các sách vở nước ta từ những thi tập xưa nhất như Việt âm thi tập, Trích diễn thi

tập, Toàn Việt thi lục cho đến các sưu tập thơ văn Lý - Trần ngày nay ghi lại. Cho
nên chúng tôi cho công bố ra đây để làm tư liệu, nhằm bổ sung cho di sản văn học
Lý-Trần nói chung và thơ văn của Đinh Củng Viên nói riêng:

Sứ tinh phi hạ ủng tường yên
Bất đạn kỳ khu lộ cửu thiên
Song tụ phất khai nam hải chướng
Nhất thanh hát phá hạ thừa thiền.
Diệu linh thủ xuất Chung Quân thượng
Anh luận cao cư Lục Giả tiền
Qui đáo triều đoan tu vị thuyết
Viễn manh nhật dạ chúc Nghiêu niên.
(Sao sứ bay qua bám khói lành,
Chín trời đường khó chẳng ngại lên,
Miền nam chướng khí vung tay mở,
Cấp thấp đạo thiền hét tiếng rền.
Tuổi trẻ Chung Quân hơn một bước,
Bàn hay Lục Giả đứng bề trên,
Triều đình về tới nên tâu báo,
Vua thọ, dân xa chúc những đêm)

Buổi lễ trao tâm giới Bồ Tát tại gia cho vua và triều đình vào mùa đông năm Giáp
Thìn (1304) ấy xong, Thánh đăng ngữ lục viết tiếp: “Sau đó vua trác tích ở chùa
Sùng Nghiêm núi Chí Linh, xiển dương tôn giáo”. Tất nhiên, không phải đến cuối
năm Giáp Thìn Thượng hoàng mới tới trác tích tại chùa Sùng Nghiêm, bởi vì
ĐVSKTT 6 tờ 17b8-9 đã ghi nhận là Thượng hoàng đã ở ngôi chùa này từ năm
Tân Mão (1303) và Đoàn Nhữ Hài trước khi đi sứ Chiêm Thành đã đến đó gặp
Thượng hoàng để xin ý kiến. Có lẽ Thánh đăng ngữ lục ghi sự có mặt của Thượng
hoàng tại chùa Sùng Nghiêm vào cuối năm Giáp Thìn ấy là nhằm nhấn mạnh đến
việc “xiển dương tôn giáo” mà Thượng hoàng thực hiện vào thời điểm ấy.

×