Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Những điều thú vị về Hoàng đế Lê Thánh Tông pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.2 KB, 7 trang )

Những điều thú vị về Hoàng đế Lê Thánh Tông

Sử sách ca ngợi Lê Thánh Tông là vị vua “cao siêu, anh minh quyết đoán, có
hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay mà còn học rất chăm, tay không lúc nào rời
quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần cái gì cũng
tinh thông” (Đại Việt sử ký toàn thư). Chính vì vậy trong cuộc đời, sự nghiệp của
mình, Hoàng đế vĩ đại này đã để lại khá nhiều điều thú vị và những dấu ấn đặc
biệt.

* Lê Thánh Tông là vị vua có giai thoại về việc thác sinh khá kỳ lạ. Tương
truyền ông vốn là một tiên đồng trên trời, được sai xuống đầu thai làm vua nước
Nam. Khi tiên đồng không chịu đi, Thượng đế đã nổi giận đánh vào trán chảy
máu, bắt phải nhận lệnh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: khi Thái hậu sinh,
thấy trên trán vua có vết, mãi đến khi vua mất cái vết này vẫn còn.

* Lê Thánh Tông là vị vua duy nhất được sinh ra trong chùa, đó là chùa Huy
Văn (nay thuộc ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội). Vua sinh ngày 20
tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), lúc sinh ra vua “tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị,
tuấn tú, sáng suốt” (Đại Việt sử ký toàn thư).

* Với 37 năm trị vì (1460-1497) Lê Thánh Tông là một trong những vị vua ở
ngôi lâu nhất trong số các vị vua Việt Nam.

* Lê Thánh Tông là người đưa chế độ khoa cử Nho học ở nước ta đi vào hoàn
thiện. Trước đó thể lệ thi chưa quy củ, khoảng thời gian giữa các khoa thi không
thống nhất, đến năm Bính Tuất (1466) nhà vua định lệ 3 năm tổ chức một kỳ thi.
Từ đó lệ thi này được thực hiện suốt cho đến khi chế độ khoa cử Nho học chấm
dứt vào năm Kỷ Mùi (1919).

* Để đảm bảo việc giảng dạy ở Quốc Tử Giám, năm Đinh Hợi (1467) Lê Thánh
Tông cho đặt chức Ngũ kinh bác sĩ, mỗi chức chuyên nghiên cứu, giảng dạy cho


nho sinh về 5 kinh (Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu).

* Để đảm bảo sự chặt chẽ và chất lượng trong việc tuyển chọn nhân tài, năm
Nhâm Ngọ (1462) vua Lê Thánh Tông định ra lệ “bảo kết hương thí”. Đây là một
quy định buộc các xã phải làm một “bản cam kết” trước mỗi kỳ thi để đảm bảo và
chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức của các sĩ tử là con em trong xã mình.

* Để loại bớt những thí sinh yếu kém, năm Nhâm Ngọ (1462) vua Lê Thánh
Tông ra quy định trước khi thi Hương, thí sinh phải làm một bài kiểm tra học lực
gọi là thi Ám tả.

* Lê Thánh Tông là người đặt ra lệ xướng danh, lệ này được quy định lần đầu
tiên vào năm Bính Tuất (1466). Xướng danh là đọc tên những người đỗ đạt để cho
tất cả đều biết; mục đích nhằm tôn vinh và khuyến khích các sĩ tử.

* Vinh dự cao nhất dành cho những tân khoa đỗ trong kỳ thi Đình là được vua
ban đãi yến tiệc, cấp mũ áo, cân đai và cho vinh quy về quê hương bản quán một
cách vẻ vang. Lê Thánh Tông chính là người đặt ra lệ vinh quy vào năm Bính Tuất
(1466).

* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên cho mở rộng và phát triển trường Quốc Tử
Giám. Năm Qúy Mão (1483) ông cho xây dựng lại Văn Miếu, đổi tên Quốc Tử
Giám thành Thái Học viện, cho dựng điện Đại Thành để thờ các tiền hiền, tiên
nho; xây điện Canh Phục để làm nơi túc trực của các quan lại. Vua còn cho lập thư
viện đầu tiên tại đây gọi là kho Bí thư để chứa các ván in sách và các loại sách.
Ngoài ra ông còn cho xây hai bên nhà Thái Học, mỗi bên ba dãy, mỗi dãy 25 gian
để làm nơi ở cho xá sinh (học sinh nội trú).

* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên cho dựng bia Tiến sĩ với mục đích cổ vũ
việc học tập, tôn vinh những người đỗ đạt. Năm Giáp Thìn (1484) ông sai người

lập những bia đầu tiên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Kể từ đó các đời vua đều
cho dựng bia Tiến sĩ sau mỗi khoa thi.

* Lê Thánh Tông là vị vua cho mở nhiều khoa thi nhất, lấy được nhiều người đỗ
nhất. Trong thời gian trị vì của mình ông đã cho mở 12 khoa thi Hội, lấy 501
người đỗ Tiến sĩ, trong đó có 9 Trạng nguyên, 10 Bảng nhãn và 11 Thám hoa.

* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên ban bố quân lệnh cụ thể cho từng binh
chủng trong quân đội. Năm Ất Dậu (1465) vua ban bố quân lệnh gồm 31 điều về
thủy trận, 32 điều về tượng trận, 27 điều về mã trận và 42 điều về bộ trận. Đồng
thời ông nhấn mạnh “phàm đã có quốc gia, tất phải có võ bị”.

* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên quy định việc kiểm tra năng lực và tinh thần
của quân sĩ. Năm Đinh Hợi (1476) vua định lệ tất cả quân sĩ cứ 3 năm phải qua
một kỳ khảo hạch về võ nghệ nhằm chỉnh đốn và động viên tinh thần binh lính.
Theo đó “cứ đến mùa đông từng kỳ, các quan khảo xét sự giảng tập của quân thủy,
quân bộ, quân thị hậu và quân ngoài các đạo; nhân đấy định cách thức thưởng
phạt” (Đại Việt sử ký toàn thư).

* Không chỉ kiểm tra chất lượng binh sĩ, vua Lê Thánh Tông còn mở các cuộc
sát hạch tướng lĩnh. Năm Nhâm Tuất (1478) ông định lệ “Đô thí” để kiểm tra võ
nghệ của các tướng có trách nhiệm quản lĩnh binh sĩ, trên cơ sở đó thăng giảm
chức vụ, thưởng phạt nghiêm minh.

* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên quan tâm đến vấn đề giáo dục văn hóa, tăng
cường sự hiểu biết cho binh lính. Năm Đinh Hợi (1467) vua sai các quan văn
thông thạo kinh sách đến giảng học, chỉ dẫn đọc sách cho quân lính, đặc biệt là
cho bộ binh và kị binh nhằm có được những người lính toàn diện, vừa giỏi võ lại
hiểu biết văn.


* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên quy định rõ ràng, cụ thể việc quản lý, sử
dụng vũ khí. Theo sách Việt sử thông giám cương mục, năm Kỷ Sửu (1469) Lê
Thánh Tông ra chỉ dụ cấm không ai được dấu binh khí trong nhà. Với quân đội,
nếu khí giới hao mòn, khuyết mẻ phải đem đến kho vũ khí để tu tạo lại theo đúng
cách thức, cấm không được tự tiện đến các nơi khác để sửa chữa hoặc làm mới. Ai
trái lệnh sẽ bị khép vào tội “lưu khống chỉ vũ khí”. Các loại quân trang như áo
giáp, mũ trụ, nón thủy mã, nón sơn đỏ…là những thứ của quân đội, cấm trong
nhân dân mua bán, trao đổi.

* Cuộc cải cách hành chính do vua Lê Thánh Tông tiến hành bắt đầu từ năm
Nhâm Ngọ (1462) là cuộc cải cách lớn nhất, toàn diện nhất trên mọi lĩnh vực từ
việc phân chia lại đơn vị hành chính, đổi mới hình thức tuyển dụng nhân tài, sắp
xếp lại bộ máy các cơ quan từ triều đình trung ương đến địa phương…

* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên cho ban hành mẫu mực, chi tiết về văn tự,
khế ước thống nhất trong cả nước vào năm Mậu Tý (1468) để tránh tình trạng lộn
xộn gây khó khăn cho việc xử kiện. Năm Tân Mão (1471) vua lại định thể thức
văn khế, ai không theo là trái lệ.

* Lê Thánh Tông là người đầu tiên cho áp dụng chế độ “hồi tị”, bắt đầu từ năm
Bính Ngọ (1486), theo đó những người có quan hệ cha con, anh em, thầy trò, bạn
bè…không được cùng làm quan hay làm việc một chỗ; quan lại không được làm
việc tại bản quán hoặc quê vợ…Quy định này nhằm mục đích tránh việc những
người có quan hệ gần gũi khi làm việc nể nang nhau, không khách quan, bao che
gây tiêu cực khiến bộ máy chính quyền hoạt động kém hiệu quả.

* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên quy định chế độ sử dụng “nhà công vụ” và
tài sản công. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 4 năm Bính Tuất (1466)
“cấm các quan đổi đi chỗ khác không được lấy các thứ đồ dùng ở nhà công”. Đến
tháng 2 năm Canh Tuất (1490) vua “định lệ quan đổi đi nơi khác phải giao lại nhà

công. Từ nay trở đi, quan các nha môn nào đổi thăng đi, về nghỉ để tang hay ốm
chết…thì chỗ nhà ở và các đồ vật giao cho quan lại sai người coi giữ, đợi khi quan
mới đến dùng”.

* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên quy định độ tuổi trí sĩ (nghỉ hưu) của quan
lại. Tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462) ban chiếu lệnh, theo đó độ tuổi trí sĩ của các
quan văn võ là 65 tuổi; của các thư lại, giám sinh là 60 tuổi. Ai muốn nghỉ phải
làm giấy xin rồi nộp cho bộ Lại để phân loại, xem xét.

* Bộ Quốc triều hình luật (còn gọi là Lê triều hình luật, Bộ luật Hồng Đức) do
vua Lê Thánh Tông chỉ đạo biên soạn và cho ban hành năm Qúy Mão (1483) được
coi là đỉnh cao của nền lập pháp Việt Nam thời phong kiến, là bộ luật có nhiều
điểm tiến bộ nhất, được sử dụng trong thời gian dài nhất và là mẫu mực vượt bậc
mà không một bộ luật nào của các triều đại trước và sau đó hơn được.

* Tháng 1 năm Ất Dậu (1465) lần đầu tiên trong lịch sử, các quan xử án được
phân hạng theo lệnh của vua Lê Thánh Tông. Người xử kiện không có oan uổng
thì được khen thưởng, hạng bình thường thì vẫn giữ làm việc, hạng kém thì bị
giáng chức.

* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên cho phép các quan tướng được ban quốc
tính (họ vua) có thể lấy lại tên họ cũ để tránh tình trạng “con cháu noi theo lâu
ngày, sợ rằng làm mất họ cũ của tổ tiên, trái với đạo dạy người hiếu thảo” (Đại
Việt sử ký toàn thư). Chiếu chỉ này được ban ra tháng 12 năm Giáp Thân (1464).

* Hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông thành lập năm Ất Mão (1495) tập hợp
nhiều văn nhân tài giỏi được coi như hội văn học đầu tiên ở nước ta. Vua Lê
Thánh Tông giữ chức Tao Đàn nguyên súy, đứng đầu 28 hội viên được gọi là Tao
Đàn nhị thập bát tú.


* Lần đầu tiên các đơn vị đo đạc ruộng đất như mẫu, sào, thước; các đơn vị đo
lường như cân, hộc, phương, thăng, đấu…được quy định thống nhất theo một
chiếu lệnh của vua Lê Thánh Tông ban hành năm Nhâm Thìn (1472).

* Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên quy định việc xử lý những người lười lao
động. Tháng 3 năm Tân Tị (1461) ông xuống chỉ dụ khuyến khích dân chăm lo
làm ruộng, không được “chơi bời dông dài, kẻ nào có ruộng đất mà không chăm
cấy trồng thì quan tư cai quản bắt trình trị tội” (Đại Việt sử ký toàn thư).

* Để bảo vệ thuần phong mỹ tục Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên ra lệnh cấm
việc ăn uống, tụ họp rượu chè vô cớ, trừ các dịp “lễ giỗ chạp, cưới xin, được ân
mệnh, ăn mừng, đám ma”. Lệnh này được ban hành tháng 4 năm Giáp Thìn
(1484), ai vi phạm đều bị trị tội theo luật.

* Năm Kỷ Sửu (1469) vua Lê Thánh Tông sai vẽ bản đồ của tất cả các phủ,
châu, huyện, xã, trang, sách thuộc 13 đạo thừa tuyên trong cả nước. Đến tháng 4
năm Canh Tuất (1490) định bản đồ cả nước. Đây là lần đầu tiên nước ta có bộ bản
đồ thống nhất và đầy đủ nhất.

Trên đây chỉ là một số điểm thú vị và dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời, sự nghiệp
của Hoàng đế Lê Thánh Tông. Những điều này còn được thể hiện nhiều qua các
hoạt động khác như quy định chế độ họp chợ, lập nhà chữa bệnh cho dân, chế độ
lộc điền…Tất cả đã cho chúng ta thấy được phần nào chân dung của một vị hoàng
đế vĩ đại trong lịch sử dân tộc, người có những đóng góp to lớn tạo nên một thời
đại huy hoàng. Tên tuổi ông mãi mãi được các thế hệ tôn vinh, ca ngợi và kính
phục.

×