Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Trần Thủ Độ và Bộ Thông soái lãnh đạo kháng chiến chống quân Mông Cổ năm 1258 doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (138.45 KB, 7 trang )

Trần Thủ Độ và Bộ Thông soái lãnh đạo kháng chiến
chống quân Mông Cổ năm 1258

Các sách sử không ghi rõ ngày tháng quân Mông Cổ vượt biên giới đánh sang
ta, nhưng căn cứ vào các chặng đường hành quân của quân Mông Cổ, vào diễn
biến của các trận đánh trên chiến trường Đại Việt, và căn cứ vào việc tháng 8 năm
Đinh Tỵ (1257), Ngột Lương Hợp Thai còn cử sứ giả sang nước ta, thì có thể đoán
định quân xâm lược tiến vào Đại Việt khoảng tháng 12 năm 1257. Ngột Lương
Hợp Thai sai tướng Triệt Triệt Đô (1), cùng một số tướng đem quân đi tiên phong,
chia thành nhiều cánh, mỗi cánh khoảng 1.000 người, do một tướng chỉ huy.

Trần Thủ Độ

Về phía Đại Việt, chủ trương kháng chiến của triều đình nhà Trần đã trở thành
quyết tâm của cả nước. Sử cũ của ta không thấy chép việc thành lập Bộ Thống
soái lãnh đạo cuộc kháng chiến, nhưng qua diễn biến các trận đánh, và các vị
tướng chỉ huy các trận đánh ấy, chúng ta cũng phần nào biết được thành phần nhân
sự của Bộ Thống soái đó. Dưới đây, chúng tôi xin phác hoạ một vài gương mặt
tiêu biểu trong Bộ Thống soái của cuộc kháng chiến vào năm 1258 ấy.

Người đầu tiên cần nhắc tới đó là Thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264), Thái sư
Trần Thủ Độ qua đời, hưởng thọ 71 tuổi, triều Trần truy tặng ông là Thượng phụ
Thái sư Trung vũ Đại vương. Nhân sự kiện này, sử thần phong kiến nhận định về
ông như sau: “Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan
triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức
của ông cả. Vì thế ông được Nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua” (2). Thông tin do
sử cũ cung cấp cho chúng ta biết, với cương vị Thái sư, Tể tướng đứng đầu triều
đình, trong vòng 40 năm, từ năm 1225 đến 1264, Trần Thủ Độ thực sự lãnh đạo
mọi công việc quân quốc trọng sự của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ. Cho nên,
trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất vào năm
1258 này, Thái sư Trần Thủ Độ, mặc nhiên giữ vai trò là Tổng chỉ huy của cuộc


chiến đấu. Người xưa từng ví ông như lương đống của triều đình, như cột đá giữa
dòng nước chảy xiết, tưởng cũng không lấy gì là quá đáng. Chính trong những giờ
phút nguy cấp nhất của cuộc chiến đấu một mất một còn giữa ta và địch, không ít
kẻ tỏ ra dao động, thậm chí run sợ, như trường hợp Thái uý Trần Nhật Hạo chẳng
hạn. Khi vua Trần Thái Tông hỏi về kế đánh giặc, Trần Nhật Hạo đã hoảng sợ đến
nỗi, chỉ ngồi trên thuyền, lấy tay chấm nước viết hai chữ “Nhập Tống” (tức chạy
vào đất Tống) lên mạn thuyền. Y cũng không còn biết cánh quân Tinh Cương mà
y chỉ huy ở đâu. Ngược lại, Thái sư Trần Thủ Độ, người tướng già mưu lược (bấy
giờ ông đã bước vào tuổi 65), đã hơn 40 năm cầm quân đánh giặc, lúc này càng tỏ
rõ sự kiên định, sự từng trải về vai trò của mình. Khi vua Trần Thái Tông hỏi ý
kiến, Trần Thủ Độ đã trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì
khác” (3).

Trước câu nói thể hiện tinh thần kiên quyết đánh giặc, lòng tin tưởng sắt đá vào
thắng lợi và cũng là thể hiện ý chí của toàn dân tộc mà Thái sư Trần Thủ Độ là
người đại diện, sử gia Ngô Sĩ Liên, sống ở thế kỷ XV tỏ ra vô cùng khâm phục.
Chính vì lẽ đó, ông đã phê phán rất nghiêm khắc sự hèn yếu của Trần Nhật Hạo.
Ngô Sĩ Liên viết: “Trần Nhật Hạo là đại thần cùng họ với vua. Giặc đến, khiếp sợ,
hèn nhát, không có kế sách chống giữ, lại còn kiếm cách xui vua mình chạy đi nhờ
nước khác, thì dùng hắn làm tướng làm gì” (4).

Người giữ vai trò hết sức quan trọng trong Bộ Thống soái lãnh đạo kháng chiến
chỉ đứng sau Thái sư Trần Thủ Độ, đó là vua Trần Thái Tông (1218 – 1277). Bước
vào cuộc kháng chiến chống giặc Mông Cổ, Trần Thái Tông ở vào tuổi 40, cái tuổi
“cưỡng sĩ”, như người xưa từng nói. Đó là cái tuổi, người đàn ông đã đủ độ chín
chắn và mạnh mẽ kể cả về thể lực lẫn trí lực. Vua Trần Thái Tông, vốn là người có
cá tính và dũng cảm. Trước đây, ngay từ năm 1241, “vua từng thân hành cầm quân
đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh bình của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu
Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng
thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là

vua, đều sợ hãy chạy trốn” (5). Còn trong cuộc chiến với đội quân hùng mạnh
Mông Cổ, vua Trần Thái Tông không một chút e ngại. Sử cũ cho biết: “Vua thân
hành đốc chiến, xông pha tên đạn” (6). Việc vua Trần Thái Tông đích thân tham
gia chỉ huy nhiều trận đánh, có mặt ở cả những nơi nguy hiểm, đem lại niềm tin
tưởng cho quân sĩ, và là niềm tự hào cho dân tộc.

Trong hàng ngũ lãnh đạo cuộc kháng chiến, một nhân vật thứ ba xếp ngay sau
Thái sư Trần Thủ Độ và vua Trần Thái Tông, phải kể đến là tướng Lê Tần. Lê
Tần, tức Lê Phụ Trần là một đại tướng của ta trong trận Bình Lệ Nguyên nổi tiếng.
Đây là trận chiến đấu đầu tiên giữa quân dân Đại Việt và bọn giặc Mông Cổ ở
cách cửa ngõ Thăng Long chừng hơn 40 km, về phía Bắc. Bấy giờ quân Mông Cổ
tấn công ào ạt. Vua Trần Thái Tông dấn thân vào giữa làn mưa đạn, đốc chiến.
Tướng Lê Tần gan dạ hiên ngang cưỡi ngựa vào trận giặc, sắc mặt bình tĩnh,
không một chút bối rối. Nhưng rồi, trước sức mạnh tạm thời của quân giặc, trận
địa của ta bị lấn dần. A Triệt đã lệnh cho những tên lính thiện xạ Mông Cổ bắn
vào voi của quân ta làm cho voi hoảng sợ, lồng trở lại. Lúc ấy, có người khuyên
vua Trần đứng ở nhà trạm để tiếp tục chỉ huy chiến đấu và quan sát trận địa. Trước
mũi nhọn tấn công của giặc, Lê Tần, vị tướng dũng cảm kiêm mưu sĩ tài ba, biết
rằng quân ta chưa thể đương nổi với địch trong điều kiện này, nên ông “cố sức can
vua: Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại
có thể dễ dàng tin lời người ta thế” (7). Vua Trần Thái Tông bèn nghe theo lời can
ngăn ấy. Vua rút về đến bến Lãnh Mỹ, thì xuống thuyền. Trong khi đó, giặc Mông
Cổ đã đuổi tới nơi, đứng trên bờ dùng tên bắn loạn xạ về phía vua. Tướng Lê Tần,
nhanh trí, lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên của giặc. Vì thế, vua Trần
Thái Tông an toàn, xuôi về Phù Lỗ, rồi về Kinh thành Thăng Long. Sau này, khi
định công phong tước cho những người có công trong cuộc kháng chiến, Lê Tần
được thăng chức Ngự sử đại phu. Vua lại đem Công chúa Chiêu Thành (tức Lý
Chiêu Hoàng) gả cho Lê Tần. Trong niềm vui chiến thắng, vua Trần Thái Tông
xúc động nói với Lê Tần: “Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy
cố gắng để cùng được trọn vẹn vê sau” (8). Với tài năng và mưu trí của mình, Lê

Tần còn được vua Trần Thái Tông giao cho trọng trách làm Chánh sứ sang Mông
Cổ, ngay sau khi cuộc chiến tranh kết thúc (9).

Ngoài ba nhân vật vừa kể trên, sử cũ còn cho biết: “Tháng 9 năm Đinh Tỵ
(1257), lệnh Tả, Hữu tướng quân đem quân thuỷ bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự
tiết chế của Quốc Tuấn” (10). Nhưng sau đấy, sử cũ không ghi chép gì thêm về đội
quân phòng giữ biên giới ấy hoạt động và chiến đấu như thế nào khi quân Mông
Cổ tiến vào Đại Việt. Và, vai trò của Trần Quốc Tuấn, một vị tướng trẻ tuổi của
cuộc kháng chiến lần thứ nhất này, cũng chỉ được sử cũ dành cho vài dòng ấy, sau
đó không thấy nhắc gì đến ông nữa. Có thể đoán định, vào thời kỳ đó, Trần Quốc
Tuấn mới chừng 20 tuổi, còn Thái tử Trần Hoảng (tức vua Trần Thánh Tông sau
này) còn quá trẻ, mới xấp xỉ 20 tuổi, vì vậy việc tham gia chiến đấu của các ông,
phải chăng chỉ là những bước thực tập để tích luỹ kinh nghiệm trận mạc cho sau
này? Các ông chưa thể có mặt trong Bộ Thống soái lãnh đạo kháng chiến được.

Một người tuy không ở trong Bộ Thống soái lãnh đạo kháng chiến, nhưng có
công rất lơn đóng góp vào chiến thắng quân xâm lược Mông Cổ là Linh Từ Quốc
mẫu, phu nhân của Thái sư Trần Thủ Độ. Khi quân Mông Cổ chuẩn bị tấn công
chiếm Thăng Long, bà được giao toàn bộ công việc đưa vợ con, gia đình các
vương hầu, hoàng tộc tạm rời khỏi Kinh đô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận
công lao ấy của bà như sau: “Đến khi người Nguyên (đúng ra là Mông Cổ - NMT)
tắt đường vào cướp, kinh thành thất thủ, Linh từ ở Hoàng Giang, giữ gìn Hoàng
Thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp, lại
khám xét thuyền các nhà có chức giấu quân khí đều dựa vào việc quân” (11).

Trong kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên lần thứ nhất năm
1258, có thể nói Trần Thủ Độ và Bộ Thống soái lãnh đạo kháng chiến đã hoàn
thành xuát sắc chức trách mà lịch sử đã đặt lên vai họ. Khi bàn về nguyên nhân
thắng lợi của các cuộc kháng chiến dưới triều Trần, cố Tổng Bí thư Trường Chinh
đã viết một cách cô đọng như sau: “Ưu điểm vượt trội nhất của cuộc kháng chiến

đời Trần là mưu cao, mẹo giỏi” (12).

Cái “mưu cao, mẹo giỏi” đó là: qua cuộc đọ sức đầu tiên với giặc tại mặt trận
Bình Lệ Nguyên đã nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu của quân Mông Cổ. Trần Thủ
Độ và Bộ Thống soái lãnh đạo kịp thời rút kinh nghiệm và đi đến một quyết định
đúng: Tạm thời tránh nhuệ khí ban đầu của giặc, cơ động lực lượng và làm cho
giặc bị tiêu hao, mệt mỏi, để đến khi có thời cơ thuận lợi thì tập trung đánh một
đòn quyết định.

Tư tưởng quân sự do Thái sư Trần Thủ Độ và Bộ Thống soái lãnh đạo cuộc
kháng chiến chống quân Mông Cổ năm 1258 đề ra và thực hiện thành công có một
giá trị hết sức to lớn, đó là những kinh nghiệm đánh giặc vô cùng quý báu cho
quân dân Việt Nam, từ xưa cho đến nay. Những kinh nghiệm ấy là nền móng để
hình thành nên tư tưởng chiến lược: “lấy đoản binh chống trường trận”, “lấy ít
địch nhiều”, “lấy nhàn chế nhọc”, thực hiện kế “thanh dã” (vườn không nhà
trống), hoặc cho giặc tạm chiếm Kinh đô, để bảo toàn lực lượng của mình… mà
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và triều đình nhà Trần đã tổng kết và áp dụng
thành công trong hai lần kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai (1285) và
lần thứ ba (1288), sau này.

Cuối cùng cần nhận rõ rằng: Câu nói của Thái sư Trần Thủ Độ trong lần kháng
chiến đầu tiên: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” biểu hiện khí
phách anh hùng của các vị tướng nhà Trần. Câu nói ấy có sức sống lâu dài và bất
diệt. Khí phách của Trần Thủ Độ được vị Tổng Chỉ huy của hai cuộc kháng chiến
sau là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nhắc lại với một câu chữ khác: “Trước
chém đầu thần, rồi sau hãy hàng”.

Có thể khẳng định: Quân dân Đại Việt anh hùng đã chiến thắng được đội quân
xâm lược hùng mạnh Mông Cổ, bởi họ có được sự lãnh đạo của Bộ Thống soái
kiên cường, khí phách, đứng đầu là Thái sư Trần Thủ Độ hết sức anh hùng và mưu

trí.

Chú thích

1. Nguyên sử. phiên âm Cọcọkdu là Triệt Triệt Đô, có cách phiên âm là Trê
Trếch Đu.

2. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, H. 1998, tập 2, tr 33, 34.

3. Như trên, tr 28.

4. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tập 2, tr 28.

5. Như trên, tr 18.

6. Như trên, tr 17.

7. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tập 2, tr 27 - 28.

8. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tập 2, tr 29.

9. Như trên, tr 29.

10. Như trên, tr 27.

11. Như trên, tr 31.

12. Trường Chinh: Kháng chiến nhất định thắng lợi. Nxb Sự thật, H. 1964. Tr. 8

( tổng hợp )


×