Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Trần Thủ Độ người khởi dựng triều Trần pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.87 KB, 7 trang )

Trần Thủ Độ người khởi dựng triều Trần

Hoàn toàn có thể nói rằng nếu Trần Thủ Độ không quyết liệt trong việc bảo vệ cho
sự tồn tại của triều Trần lúc khai quốc, lịch sử Việt Nam cũng sẽ không có cơ hội
để sau đó ghi nhận một chính quyền quân sự, một hào khí Đông A mạnh đến mức
có thể ba lần chặn đứng vó ngựa xâm lược của quân Nguyên Mông.
Sách "Khâm Định Việt sử thông giám cương mục", ở phần nói về các sự kiện xảy
ra dưới triều vua Lí Huệ Tông, có chép: "Giáp Thân, năm thứ 14 (1224). Dùng em
họ của Hoàng hậu là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ Thủ Độ quản lĩnh
điện tiền chư quân hộ vệ cấm đình, xét xử tất cả mọi việc" (KĐVSTGCM. Tập I,
tr 418). Sự bổ nhiệm này, có thể nói, chính là yếu tố chuẩn bị cực kỳ quan trọng
cho việc nhà Trần soán lấy thiên hạ của nhà Lí.
Trò đùa (hoặc sự báo ứng) của lịch sử chăng? Ta nhớ lại rằng trước đó hơn hai
trăm năm (năm 1009), sau khi Lê đế Long Đĩnh băng hà, Lí Công Uẩn đã được
bách quan tôn làm thiên tử. Giang sơn đã từ tay nhà Tiền Lê về tay nhà Lí. Chức
quan của Lí Công Uẩn khi ấy cũng là Điện tiền chỉ huy sứ, nắm quyền thống lĩnh
toàn bộ quân cấm vệ. Chỉ có một khác biệt giữa hai người: Điện tiền chỉ huy sứ Lí
Công Uẩn trở thành vị Hoàng đế khai mở vương triều Lí, còn Điện tiền chỉ huy sứ
Trần Thủ Độ thì trở thành một đại công thần, người khởi dựng và đã dùng trọn đời
mình để bảo vệ sự tồn tại của vương triều Trần.
Hãy thử xem lại một lần cái tấn kịch lịch sử của sự chuyển giao vương quyền từ
họ Lí sang họ Trần: "Trần Cảnh lên 8 tuổi, đến phiên vào hầu. Chiêu Hoàng thấy
Cảnh, đem lòng yêu thích, thường vời vào hầu, nô nghịch cười đùa. Trần Cảnh
đem việc đó mách bảo Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu quả vậy thì họ ta sẽ là họ nhà
vua hay là cả họ sẽ bị giết sạch?".
Một hôm Chiêu Hoàng lại lấy cái khăn trầu ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lạy,
nhận lấy, rồi mách với Thủ Độ. Thủ Độ liền đem gia thuộc và họ hàng vào trong
cung cấm, sai đóng các cửa thành lại. Trăm quan tiến triều không vào được. Thủ
Độ nhân thế loan báo cho mọi người: "Bệ hạ có chồng rồi!". Các quan đều vâng
lời và xin chọn ngày vào chầu để làm lễ yết kiến.
Ngày 21 tháng 12, bầy tôi tiến triều, lạy mừng. Nhà vua xuống chiếu truyền ngôi


cho Trần Cảnh" (Sđd, tr 420). Không hồ nghi gì nữa, tham vọng soán ngôi nhà Lí
của Trần Thủ Độ là một sự thật hiển nhiên. Bởi thế ông mới có động lực để ngang
nhiên "phiên dịch" những hành vi đùa nghịch vô tư của đám trẻ con vương giả
theo lối giải nghĩa biểu tượng: Chiêu Hoàng ném khăn trầu - khăn đựng các đồ ăn
trầu, cau, vỏ, ống vôi - cho Trần Cảnh, tức là muốn làm dâu họ Trần!
Sự ưa thích theo kiểu bé gái - bé trai của Lí Chiêu Hoàng với Trần Cảnh lập tức
rọi một tia sáng hành động cho ông Điện tiền chỉ huy sứ họ Trần lắm cơ mưu,
đồng thời lại đặt ông ở thế được ăn cả ngã về không, vì rất có thể nó sẽ là đầu mối
cho một tấn thảm kịch mà họ Trần phải hứng chịu nếu thất bại - "cả họ sẽ bị giết
sạch" - nói như lời Trần Thủ Độ.
Hành vi "đem gia thuộc và họ hàng vào trong cung cấm, sai đóng các cửa thành
lại" của ông vừa phản ánh khá rõ cái mối lo canh cánh kia, vừa là một quyết định
tấn công táo bạo, dứt khoát nhắm vào ngai vàng. Mọi việc cuối cùng đều thuận lợi,
toàn gia họ Trần không những được đảm bảo an toàn mà còn giữ thế thượng
phong, có thể ép bách quan phải chấp nhận rằng "bệ hạ có chồng".
Đỉnh điểm cho sự hợp thức hóa việc "sang tên" vương quyền là tờ chiếu truyền
ngôi, có đoạn: "Trẫm xét thấy ngôi báu rất là trọng đại mà trẫm là vua đàn bà, phải
gánh vác lịch số do trời giao cho, riêng những nơm nớp lo sợ, như sắp sa xuống
vực sâu. Nghĩ sao tìm được hiền nhân quân tử để giúp đỡ về chính trị. Duy có
Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, uy nghi đường hoàng, thực có phong độ bậc
quân tử, có thể nhường cho ngôi báu để chống đỡ trong buổi gian nguy. Vậy rất
mong Trần Cảnh đồng lòng hợp sức, dẹp yên loạn lạc, cứu vớt sinh dân để cùng
hưởng phúc thái bình" (Sđd, tr 421). Có thể tin được đây là lời của một bé gái 7
tuổi nói về một bé trai 8 tuổi chăng?

Vương quyền đã về tay, nhưng nhà Trần liệu có thể yên tâm kê cao gối mà ngủ?
Trong bối cảnh những ngày đầu của triều đình nhà Trần, vai trò người hộ giá mẫn
cán mà Trần Thủ Độ gánh lấy là cực kỳ quan trọng. "Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ sâu" -
với triết lí hành động sặc mùi chuyên chế như vậy, Trần Thủ Độ lần lượt bức tử Lí
Huệ Tông (năm 1226, lúc này cựu hoàng nhà Lí chỉ là một ông sư ở chùa Chân

Giáo), rồi lập kế chôn sống toàn bộ tôn thất nhà Lí (năm 1232).
Trong con mắt hậu nhân, đây chính là vết đen rất khó tẩy rửa trên chân dung của
Trần Thủ Độ. Dực Tôn hoàng đế Tự Đức, ông vua nổi tiếng nghiêm khắc của nhà
Nguyễn hạ bút: "Thủ Độ là công thần nhà Trần, tức là tội nhân nhà Lí. Huống chi
làm những nết xấu như chó lợn (câu này chỉ việc Trần Thủ Độ lấy vợ của Lí Huệ
Tông, cũng tức là chị họ của ông) dạ độc như hùm beo, dựng nước mà như thế thì
làm thế nào mà lâu dài được?" (Sđd, tr 426).
Tuy vậy, thử đặt câu hỏi: Ở buổi đầu của triều Trần, nếu Trần Thủ Độ không
xuống tay trước, liệu tôn thất nhà Lí và các thế lực phò Lí có chịu ngoan ngoãn
thúc thủ sau khi đã bị tước đoạt quyền lực một cách tức tưởi?, ta sẽ có đầy đủ lí do
để biện hộ cho hành động tận diệt Lí gia của Trần Thủ Độ.
Lịch sử là như vậy, không trang sử nào là không có mùi bạo lực và trấn áp. Nhân
vật này hay nhân vật khác, dù uy quyền có trùm thiên hạ, nhưng phải chăng cũng
chỉ là những cái ngẫu nhiên hiện lên giữa trang sử, những cái ngẫu nhiên tồn tại để
phục vụ cho một tất yếu không thể cưỡng lại được?
Hơn nữa, suy luận theo kiểu nhân quả máy móc, hoàn toàn có thể nói rằng nếu
Trần Thủ Độ không quyết liệt trong việc bảo vệ cho sự tồn tại của triều Trần lúc
khai quốc, lịch sử Việt Nam cũng sẽ không có cơ hội để sau đó ghi nhận một
chính quyền quân sự, một hào khí Đông A mạnh đến mức có thể ba lần chặn đứng
vó ngựa xâm lược của quân Nguyên Mông.
Có lẽ, vì không thể phủ nhận được chuyện này nên vua Tự Đức, dù đầy ác cảm,
vẫn đành phải miễn cưỡng khen: "Thủ Độ vốn là người không biết chữ, thế mà
một mình kinh doanh, dựng lên được nghiệp lớn thì thực là cương quyết hiểm
giảo, xưa nay ít có mấy người" (Sđd, tr 438).
Thái độ, cung cách ứng xử của Trần Thủ Độ với vua Trần cũng là điều rất đáng
nói. Với sức mạnh và uy thế mà Trần Thủ Độ thực có, ta có quyền hình dung một
kịch bản: sau khi đã cướp ngôi nhà Lí về cho nhà Trần, vua còn nhỏ, Trần Thủ Độ
sẽ giữ quyền nhiếp chính, chờ một cơ hội thuận tiện, một lí do khả dĩ là lập tức tự
đưa mình lên ngôi đế. Quá nhiều tiền lệ lịch sử để ta tin vào khả năng kịch bản đó
xảy ra.

Thế nhưng, Trần Thủ Độ không hành xử theo lối như vậy. Với vua Trần, ông là
một bề tôi tuyệt đối trung thành. Khi Trần Cảnh tức vị, dùng Trần Thủ Độ làm
Quốc thượng phụ, có quyền xếp đặt mọi sự cai trị trong nước, ông nói: "Tôi dẫu là
chú, nhưng không biết chữ, mà lại còn phải đánh đông dẹp bắc để trị giặc cướp.
Chi bằng mời Thánh phụ (tức Trần Thừa, cha Trần Cảnh) quyền tạm coi giữ quốc
chính, đợi một vài năm nữa nước nhà thống nhất sẽ trao lại quyền bính cho vua,
cùng hưởng phúc thăng bình" (Sđd, tr 421). Như vậy, không phải ai khác, Trần
Thủ Độ chính là người thiết kế mô hình hai vua cho triều đình nhà Trần, một mô
hình cai trị được rất nhiều sử gia sau này ca ngợi.
Khi Trần Liễu, anh trai của Trần Cảnh (Trần Thái Tông) nổi loạn không thành, lẻn
lên thuyền em để xin hàng, thì: "Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền nhà vua, tuốt
gươm lên quát rằng: "Giết thằng giặc là Liễu". Nhà vua thấy thế vội vàng đẩy Trần
Liễu ẩn vào trong thuyền rồi bảo Thủ Độ rằng: "Phụng Kiền vương đến xin đầu
hàng đấy". Miệng nói nhưng lấy mình che đỡ cho Trần Liễu. Thủ Độ giận lắm, vất
gươm xuống sông nói rằng: "Tao thật là con chó săn, biết đâu anh em mày hòa
thuận với nhau hay trái ý nhau" (Sđd, tr 437).
Có thể nói, đây là đoạn văn phản ánh rất sinh động về con người và tính cách của
Trần Thủ Độ: lòng trung thành và sự bộc trực. Ông tôn Trần Cảnh lên ngôi vua,
ông quyết liệt bảo vệ cho sự tồn tại của ngôi vua ấy. Mọi thế lực đe dọa nó, cho
dẫu đó là anh em cùng máu mủ ruột rà, với ông đều là "giặc" và đều cần phải
"giết".

Tuy vậy trong trường hợp này Trần Thủ Độ không tính đến sức mạnh thiêng liêng
và sự bền chặt của những quan hệ huyết thống. Hành động "vất gươm xuống
sông", rồi câu nói có cả giận lẫn dỗi ngay sau đó vừa thể hiện sự "ngớ ra" vừa cho
thấy cái bộc trực đến mức cục mịch của ông Quốc thượng phụ (mù chữ) quyền hét
ra lửa. Có lẽ, đây là lần duy nhất trong đời - ít ra là căn cứ vào những gì biên niên
sử cho biết - Trần Thủ Độ tỏ ra bất lực trước tình thế khách quan.

Với tư cách là một ông quan đầu triều, Trần Thủ Độ nêu một tấm gương sáng về

tinh thần trách nhiệm trước quốc gia, dân tộc. Lần xâm lược Đại Việt thứ nhất của
quân Nguyên Mông, trước thế giặc mạnh, được vua hỏi, ông đã trả lời bằng một
câu quả quyết: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo " (Sđd, tr 461).

Khi vua tỏ ra muốn cho anh ruột Trần Thủ Độ là An Quốc làm Tể tướng, ông đã
từ chối, nói: "An Quốc là anh tôi, nếu bệ hạ nhận thấy là người hiền tài thì tôi xin
từ chức để nhường cho anh tôi, nếu bệ hạ nhận thấy không phải là hiền tài thì
không nên dùng, chứ nếu cả hai anh em đều làm tướng thì đối với thiên hạ còn ra
thế nào?" (Sđd, tr 472). Chẳng lẽ, đây lại không phải là một bài học lịch sử về việc
tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, theo năng lực thực tế chứ không theo sự thân sơ
của các mối quan hệ?
Khi vua tỏ ra muốn cho anh ruột Trần Thủ Độ là An Quốc làm Tể tướng, ông đã
từ chối, nói: "An Quốc là anh tôi, nếu bệ hạ nhận thấy là người hiền tài thì tôi xin
từ chức để nhường cho anh tôi, nếu bệ hạ nhận thấy không phải là hiền tài thì
không nên dùng, chứ nếu cả hai anh em đều làm tướng thì đối với thiên hạ còn ra
thế nào?" (Sđd, tr 472). Chẳng lẽ, đây lại không phải là một bài học lịch sử về việc
tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, theo năng lực thực tế chứ không theo sự thân sơ
của các mối quan hệ?
Triều Trần, ngoài những chiến công chống ngoại xâm oanh liệt còn là một triều
đại có những thành tựu văn hóa rực rỡ. Các Hoàng đế nhà Trần, từ Trần Thái
Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đều là những triết gia, những thi sỹ
đứng ở đỉnh cao của văn hóa Đại Việt giai đoạn trung đại. Thế nhưng, một thực tế
không sao phủ nhận được là những ông vua bề bề chữ nghĩa ấy đều phải sâu sắc
chịu ơn của Trần Thủ Độ - một người vốn không biết chữ, nhưng biết cách dựng
lên một vương triều!

×