Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tây Sơn xưng vương 2 pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (126.23 KB, 5 trang )

Tây Sơn xưng vương
2

Gia Ðịnh gồm các dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ.
Gia Ðịnh ở xa, nhà vua giao quyền cai trị cho cựu thần nhà Nguyễn đã quy thuận,
để lo cho được chu đáo phần đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Nhà vua bỏ dinh, chỉ để phủ, huyện.Từ Bắc đến Nam có sáu phủ: Quảng Nam,
Quảng Nghĩa, Quy Nhơn, Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận.
Huyện ở dưới quyền phủ. Trừ phủ Quy Nhơn, ba huyện Tuy Viễn, Phù Ly, Bồng
Sơn trực thuộc trung ương.
Danh hiệu Tuần Phủ đổi là An Phủ Sứ, Phòng Ngự Sứ, An Phủ cầm đầu phủ lớn.
Phòng ngự coi giữ phủ nhỏ[42].
Quân số lúc bấy giờ phỏng chừng 15 vạn (150.000) Theo binh chế đời nhà Chu,
binh chia làm 6 cấp: Quân, Sư, Lữ, Tốt, Lượng, Ngũ. Ngũ gồm có 5 người. Lượng
gồm có 5 ngũ tức 25 người. Tốt gồm có 4 lượng tức 100 người. Lữ gồm có 5 tốt,
tức 500 người. Sư gồm có 5 lữ, tức 2.500 người. Quân gồm có 5 sư, tức 12.500
người.
Tổng số là 12 quân đoàn, có bộ binh và thủy binh. Binh chủng nào cũng tinh nhuệ.
Ðặt biệt nhất là:
- 2 quân đoàn người Thượng, với 2.000 chiến mã.
- 4 lữ đoàn nữ binh, với 100 thớt voi.
Hai quân đoàn người Thượng do Long Nhương Tướng Quân Nguyễn Huệ tổ chức
và thường do Long Nhương chỉ huy.
Người nào cũng cao lớn, gan dạ. Tay cầm mác hay cầm ná, lưng giắt dao bảy.
Phóng mác trăm phát trăm trúng, bắn ná không cần nhắm cũng trúng đích. Lại có
tài cỡi ngựa. Ngựa đang chạy, lên lưng một cách nhẹ nhàng gọn gàng, ngựa đang
sải, nhảy xuống ngựa cũng gọn gàng lẹ làng không kém. Ra trận chỉ biết tới chớ
không biết lui.
Họ hết lòng trung thành với chủ tướng. Ðó là vì chẳng những chủ tướng tài cao,
lượng rộng, đối với họ hết nghĩa hết tình, mà còn vì tin chắc rằng chủ tướng là
người của Trời sai xuống điều khiển họ.


Không phải họ tin mù quáng, mà chính mắt họ cũng thấy rõ ràng.
Khi cùng Võ Ðình Tú quản lý Tây Sơn, Nguyễn Huệ thường đi chiêu mộ binh
Thượng. Một hôm, trời vừa hửng sáng, đám tân binh đi đến chân đèo An Khê, thì
trong sương mờ, xa xa thấy hai con rắn mun cực kỳ to lớn. Không ai dám đi tới.
Nguyễn Huệ chắp tay khấn:
- Nếu quỷ thần có phù hộ tôi để tôi dựng nên nghiệp lớn thì xin tránh đường cho
tôi đi. Bằng không thì cắn chết tôi chớ đừng làm hại những người theo tôi.
Khấn rồi đi tới. Hai rắn cuối xuống ngậm một thanh đao, cán đen như mun, lưỡi
sáng như nước, kính cẩn dâng cho Nguyễn Huệ rồi bò vào bụi biến mất. Ðám tân
binh liền quỳ xuống tung hô Nguyễn Huệ là «Tướng nhà trời «.
Thanh đao đó Nguyễn Huệ gọi là Ô Long Ðao và thường dùng lúc ra trận.
Và để nhớ ơn quỷ thần tặng đao, một ngôi miếu dựng nơi chân đèo An Khê, tục
gọi là Miếu Xà. Người qua lại thường thắp hương cúng[43].
Còn 4 lữ đoàn nữ binh thì do nữ tướng Bùi Thị Xuân và bà họ Trần vợ tướng
Nguyễn Văn Tuyết tổ chức và điều khiển.
Bà họ Trần, song kiếm tuyệt luân, côn quyền cũng xuất chúng. Ngày ngày lo huấn
luyện nữ binh. Giảng dạy rất kỹ, thưởng phạt rất nghiêm. Võ nghệ của chị em ai
nấy đều tinh luyện. Ðứng xa nhìn chị em tập thì chẳng khác nhìn cánh đồng hoa
trước gió nồm. Nhưng nếu bước đến gần thì sát khí đằng đằng đến lạnh mình dựng
tóc.
Còn voi thì do bà Bùi huấn luyện.
Voi, phần của bà mua, phần do người Thượng tặng bà, phần là chiến lợi phẩm,
cống phẩm Bà thường dùng dãy gò ở Xuân Hòa, quê hương bà, để luyện
voi[44].
Voi đã được tập luyện thuần thục thì không cần người quản tượng. Voi mới thì
mỗi thớt phải có một nữ binh cỡi khi tập.
Ðể điều khiển voi, bà thường dùng ngọn cờ đỏ. Khi bà chưa ra diễn trường, thì voi
đi đứng lộn xộn. Ra diễn trường, bà phất ngọn cờ thì con voi đầu đàn vội đến đứng
nghiêm chỉnh trước mặt bà. Bà lẹ làng nhảy lên voi, vỗ nhẹ đầu voi. Voi cong vòi
rống lên một tiếng. Tất cả đàn voi răm rắp đến sắp hàng ngay ngắn trước đầu voi

đầu đàn. Rồi theo hiệu cờ, tới lui, rẽ bên nam, sang bên bắc, khi chậm khi mau,
nhịp nhàng đều đặn.
Ban đầu phải tập từng thớt một.
Sau mới tập từng đoàn.
Khi tập từng đoàn, thì nữ quản tượng nào đi kèm theo voi nấy. Hàng ngũ sắp
chỉnh tề rồi. Nữ tướng phất cờ hiệu, tất cả nữ quản tượng nhảy lên voi một lượt,
gọn và nhanh như người kỵ mã có tài nhảy lên lưng ngựa. Rồi theo hiệu cờ mà
tập Thân vóc voi ngó nặng nề, mà bước chân voi trông lẹ làng lanh lẹ. Khí thế
hùng dũng như gió cuốn sóng dồn, nhưng diễn trường im phăng phắc, khách bàng
quan không nghe tiếng, chỉ thấy hình, những hình sống động vừa mạnh mẽ vừa
đẹp đẽ, nửa cổ kính nửa tân kỳ Tập xong, theo hiệu cờ, đoàn nữ quản tượng
nhảy xuống voi cũng lẹ làng nhịp nhàng, với những nụ cười đắc ý.
Voi được luyện kỹ càng rồi mới đưa xuống Hoàng Ðế Thành. Ai điều khiển cũng
được.
Quân số cần phải gia tăng mới đánh Nam dẹp Bắc.
Nhưng lính phải mộ chớ không bắt.
Và những lính cũ bị đau yếu được cho về nhà hoặc đưa lên các trại sản xuất để
điều dưỡng nghỉ ngơi cho đến khi mạnh. Những nông dân ở các trại đã được huấn
luyện quân sự rồi thì nhập ngũ để thay những người đi nghỉ, hoặc để thêm vào số
quân đương cần.
Vì chế độ rộng rãi nên quân số gia tăng một cách mau chóng.
Nhà vua còn cho mở nhiều xưởng đóng chiến thuyền và xây nhiều lò đúc vũ khí.
Có hai xưởng đóng thuyền lớn nhất, một ở Phương Mai thuộc Quy Nhơn, một ở
Nha Trang thuộc Diên Khánh[45]. Và lò đúc lớn nhất ở Quang Hiển thuộc Tuy
Phước, dưới chân hòn Bà. Ở các cửa sông lớn và nơi núi non hiểm trở đều có đồn
kiên cố. Ở Phương Mai lại có xây pháo đài để canh giữ cửa bể Thị Nại [46].
Việc chiêu mộ hào kiệt vẫn tiếp tục.
Kẻ sĩ bốn phương lần lượt đến phò tá. Văn thì có một nhân vật xuất sắc:
Lê Văn Nhân, tự Nghĩa Tiên, người An Nhơn, học rộng, thơ hay lại sở trường về
văn tứ lục. Ở nhà, hễ ai cầu thơ văn thì đem giống hoa thơm và cây ăn trái đến làm

nhuận bút. Do đó người đương thời gọi vườn của ông là Chủng tự lâm tức là Rừng
trồng chữ. Vì là người địa phương nên được bổ ngay làm Tri huyện Tuy Viễn.
Làm quan thanh liêm, chuộng phong tiết, giàu phong lực, đầy phong nhã[47].
Người đời xưng tụng là Tam Phong thái thú.
Bên võ, siêu quần thì có:
Nguyễn Quang Huy, người Phú Yên, thiện dụng ngân câu (móc câu bạc), ưa cỡi
bạch mã. Ðã có sức mạnh, lại giỏi võ nghệ, thông binh pháp. Vua Thái Ðức rất ái
trọng, phong làm Phòng Ngự Sứ vào trấn Bình Thuận.
Lúc bấy giờ, Vua Thái Ðức đã 35, 36 tuổi. Nhà vua có hai người con gái đã đến
tuổi lấy chồng và một trai là Nguyễn Bảo mới lên ba.
Trong các tướng tài, Vũ Văn Nhậm là người chưa vợ, nhà vua bèn đem con gái
lớn gả cho. Còn người con gái thứ nhì gả cho người con trai của thầy học là
Trương Văn Ða, tuổi mới trên hai mươi mà văn võ đã xuất chúng. Nhà vua cho ở
luôn trong cung với ý định sẽ nhờ dạy dỗ Nguyễn Bảo.
Nơi triều đường, trong cung cấm cũng như ngoài nhân gian, đâu đó đều thuận thỏa
yên vui. Mùa màng lại được. Người Kinh bắt chước người Thượng gọi Thái Ðức
Hoàng Ðế là Vua Trời (Thiên Vương).




[39] Phú Lạc, Kiên Mỹ, Thuận Nghĩa, Dõng Hòa, từ tây xuống đông, thôn này
giáp thôn nọ, thuộc về Tây Sơn Hạ (trước là huyện Tuy Viễn chia ba - Bình Khê -
An Nhơn, Tuy Phước - thì Tây Sơn Hạ thuộc về Bình Khê).
[40] Trong sách của cụ Bùi Văn Lang chép là Nguyễn Văn Duệ.
[41] Việt Nam lược sử của Trần Trọng Kim chép là Tây Sơn Vương. Sách Tây
Sơn của Bùi Văn Lang chép là Minh Ðức chúa công
[42] Vua Thái Ðức dựa theo quan chế nhà Trần. Nhưng đời Trần, An Phủ Sứ
thuộc văn giai ngoại chức. Phòng Ngự Sứ thuộc về võ giai ngoại chức. Ðời Tây
Sơn không phân biệt văn võ, mà phân biệt phủ lớn phủ nhỏ.

[43] Miếu được luôn luôn tu bổ nên mãi trước năm 1945 vẫn còn. Hành khách đến
miếu thường xuống xe đốt hương.
[44] Gò đó vẫn còn, tục gọi là gò Tập voi.
[45] Tại núi Phương Mai còn di tích. Ở Diên Khánh, xưởng cất ở dưới chân núi
địa đầu thành phố Nha Trang. Núi ấy có xưởng đóng thuyền ở dưới chân nên gọi
là Núi Xưởng. Sau đó Trần Quang Diệu cất trại thủy binh trên núi để chặn binh
Nguyễn Phúc Ánh nên núi lại mang tên là núi Trại thủy.
[46] Lò đúc Quang Hiển hiện nay vẫn còn di tích. Nông dân địa phương thường
đào được gang, quặng sắt, đồng vụn để đúc súng đánh Pháp.
[47] Thượng phong tiết, đa phong lực, nhiêu phong nhã. Ông là tác giả bộ Trần
Triều Thông Sử Cương Mục soạn năm Quang Trung thứ tư.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×