Tải bản đầy đủ (.pdf) (2 trang)

Tài liệu Những vị nữ tướng thời Tây Sơn pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (177.73 KB, 2 trang )

Những vị nữ tướng thời Tây Sơn
NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG SỬ VIỆT
Trước hết phải kể đến một "nữ tướng hậu cần". Đó là bà Ya Dố người dân tộc Ba Na ở Plây Đê
Hmâu, nay thuộc xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Bà là con một tộc trưởng giàu có, nhiều
quyền uy. Thấy Bok Nhạc dấy binh khởi nghĩa, tộc trưởng gả con gái là Ya Dố cho Bok Nhạc để
giúp ông gây dựng lực lượng. Bà Dố đưa nghĩa quân và dân làng vào Tú Thủy khai hoang, tạo
được cánh đồng màu mỡ hơn 20 mẫu cấy lúa, trồng khoai bắp lấy lương thực nuôi quân. Cánh
đồng này sau gọi là "Đồng cô Hầu". Bà Ya Dố được gọi là "Cô Hầu đốc tướng".


Tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân tại Bảo tàng Quang Trung

Trong hàng tướng lĩnh của vua Quang Trung cũng có khá nhiều nữ tướng. Nổi bật hơn cả là 5 vị,
thường gọi là "Tây Sơn ngũ phụng thư". Đứng đầu là Đô đốc Bùi Thị Xuân, tên rất quen thuộc
trong sử sách. Bà Xuân người làng Xuân Hòa, nay thuộc xã Bình Phú, huyện Tây Sơn. Bà xinh
đẹp, giỏi võ nghệ, thường sử dụng song kiếm. Theo truyền thuyết, bà vào rừng săn bắn, giết
chết trăn lớn cứu thoát con voi trắng là chúa đàn voi rừng nên được cả đàn voi thần phục. Bà
còn đánh hổ cứu ông Trần Quang Diệu. Sau hai người thành gia thất, cùng phò giúp Nhà Tây
Sơn, trở thành những tướng lĩnh trụ cột của vua Quang Trung. Bà Xuân được phong Đô đốc.
Ông Diệu thành Đại tướng quân.

Đô đốc Nguyễn Thị Dung, người làng Phổ Lạc, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh
Quảng Ngãi. Bà là em ruột quan Thái bảo Nguyễn Văn Xuân và là vợ Đô đốc Trương Đăng Đồ
(người thôn Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh). Trương Đăng Đồ vừa là văn thần vừa là võ
tướng của Quang Trung.

Nữ tướng Huỳnh Thị Cúc, người làng Dương Quang, nay thuộc xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức.
Bà là em ruột Đô đốc Huỳnh Văn Thuận, một vị tướng giỏi của quân Tây Sơn.

Nữ tướng Bùi Thị Nhạn là con út của ông Bùi Đắc Lương, một nhà giàu ở thôn Xuân Hòa. Bà là
cô họ của Đô đốc Bùi Thị Xuân nhưng tuổi cùng trang lứa. Theo tác giả "Nhà Tây Sơn" là Quách


Tấn - Quách Giao thì "Bùi Thị Nhạn kết duyên cùng Nguyễn Huệ sau khi bà Phạm Thị Liên (vợ
trước của ông) qua đời."

Nữ tướng Trần Thị Lan là em ruột bà Trần Thị Huệ (vợ đầu của Nguyễn Nhạc), người thôn
Trường Định, huyện Tuy Viễn. Bà rất giỏi võ nghệ, kiếm thuật, luyện thân đi nhẹ như chim én
nên có tên hiệu Ngọc Yến. Bà là vợ Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.

5 vị nữ tướng trong "Ngũ phụng thư" đều rất giỏi võ nghệ, côn kiếm, có tài tổ chức, huấn luyện
đạo tượng binh gồm hơn 100 thớt voi và 4 đạo nữ binh hơn 2000 người. Mỗi thớt voi lại có một
nữ binh điều khiển. Đô đốc Bùi Thị Xuân có biệt tài luyện voi chiến, làm quân Thanh thất đảm
kinh hồn bởi đạo quân voi ấy. Bà còn sáng tạo ra thứ lương khô đảm bảo cho quân đi liên tục
trong chiến dịch thần tốc giải phóng Thăng Long - đó là bánh tráng. Có lẽ để ghi công bánh ấy
mà dân Bắc Hà gọi là "Bánh Đống Đa", lâu dần rút gọn thành "bánh đa" chăng?

Khi Nhà Tây Sơn lâm vào thế suy tàn, hai nữ tướng Bùi Thị Xuân và Huỳnh Thị Cúc cùng các nữ
binh liều chết mở đường máu, phá tan vòng vây quân Nguyễn Ánh ở Đâu Mâu (Quảng Bình),
đưa vua Cảnh Thịnh qua sông Nhật Lệ an toàn. Bà Huỳnh Thị Cúc đã anh dũng hy sinh tại đây.

Ngoài ra còn có nữ tướng Vũ Thị Đức, người ở Phù Ly (nay thuộc huyện Phù Mỹ). Bà Đức là
con gái thứ hai Đô đốc Ân Quang hầu Vũ Đình Huấn. Trong chiến dịch đại phá quân Thanh xuân
Kỷ Dậu 1789, bà Đức cùng cha chỉ huy quân Tây Sơn diệt đồn Gián Khẩu (Ninh Bình). Sau khi
diệt xong đồn, bà Đức cưỡi voi thúc quân truy kích địch. Con voi của bà bị sa xuống bãi lầy thuộc
thôn Thượng Hòa, xã Gia Thanh, huyện Hoa Lư không lên được. Bà Đức đã tử trận cùng con
voi. Sau này, dân địa phương lập đền thờ nữ tướng Vũ Thị Đức gần nơi bà hy sinh. Nay đền thờ
đã hư hỏng, chỉ còn một miếu nhỏ.

Bà Võ Thị Thái quê ở xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bà là em ruột Đô đốc
Võ Thông. Bà Thái là Đô đốc kỵ binh, chỉ huy việc vận chuyển quân trang, khí cụ, lương thực từ
Vị Hoàng (Nam Định) đến mặt trận Ngọc Hồi (Thường Tín, Hà Tây) trong chiến dịch giải phóng
Thăng Long xuân Kỷ Dậu. Bà chẳng may bị trúng đạn, tử thương tại chiến trường.


Nhắc lại vài nét lịch sử của các vị nữ tướng thời Tây Sơn, để thấy truyền thống anh hùng bất
khuất của phụ nữ Việt Nam, từ Bà Trưng, Bà Triệu đến nay, thời nào cũng sản sinh lắm những
nữ dũng tướng tài ba, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, góp công xứng đáng vào sự nghiệp dựng
nước, giữ nước của dân tộc ta.

NGUYỄN VĂN CHƯƠNG

×