Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Israel – mỗi con đường là một câu chuyện docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (303.46 KB, 7 trang )

Israel – mỗi con đường là một
câu chuyện
Do Hãng Hàng không Quốc gia Do Thái El Al không bay thẳng từ Việt Nam đến
Israel nên đoàn chúng tôi phải bay sang Hong Kong. Tại sân bay Chek Lap Kok, lúc
làm thủ tục bay đi Tel Aviv, hành khách đã bắt đầu làm quen với những biện pháp
an ninh riêng của Israel.
Mỗi người đều được một nhân viên an ninh phỏng vấn riêng với nhiều câu hỏi liên quan
đến hành lý cá nhân. Họ muốn đảm bảo rằng chuyến bay phải được thực hiện một cách
an toàn nhất.
Từ Tel Aviv đến Haifa
Nhìn trên bản đồ thế giới, nếu tính đường chim bay thì khoảng cách từ Hồng Kông đến
Israel chỉ bằng 2/3 đoạn đường từ Hong Kong đến Paris, nhưng thời gian bay lại dài bằng
nhau do tất cả các chuyến bay của El Al đều phải bay vòng lên Trung Quốc, Nga rồi
xuống Thổ Nhĩ Kỳ và theo Địa Trung Hải để hạ cánh ở Tel Aviv.
Những chi tiết kể trên có thể làm cho những hành khách lần đầu bay đến Israel cảm thấy
hơi lo lắng. Nhưng xuống đến sân bay quốc tế Ben Gurion thì tất cả nỗi lo âu đều sẽ biến
mất. Thủ tục nhập cảnh thật nhẹ nhàng, nhanh chóng, không cần phải khai báo gì.
Rony, hướng dẫn viên ở Israel đón chúng tôi tại sân bay với nụ cười tươi và câu chào
“Shalom Vietnam!” nghĩa là “Xin chào Việt Nam!”. Rony cho biết du khách Việt Nam
đến Israel với nhiều mục đích khác nhau: hành hương về đất Thánh, học hỏi về nông
nghiệp, tìm hiểu về môi trường… nhưng đây là những khách Việt Nam đi du lịch thuần
túy đầu tiên mà anh được phục vụ.
Sau hơn 45 phút đi xe chúng tôi đã có mặt tại Tel Aviv – thành phố trải dài 25km dọc bờ
biển Địa Trung Hải. Thành phố lớn thứ hai của Israel này còn được mệnh danh là “thành
phố màu trắng” do hầu hết các tòa nhà ở đây đều được xây bằng đá trắng hoặc quét vôi
màu trắng hoặc màu sáng để hạn chế hấp thu cái nóng thiêu đốt của sa mạc.

Một góc Tel Aviv hiện đại về đêm
Lúc đoàn đến khách sạn đã hơn 10 giờ tối nhưng vẫn còn nhiều cửa hàng, tiệm ăn mở
cửa. Không náo nhiệt bằng một số thành phố lớn hàng đầu châu Á nhưng Tel Aviv tấp
nập, đông vui hơn nhiều so với tưởng tượng trước đó của tôi. Những đường phố chính


trông rất hiện đại với nhiều tòa cao ốc rực rỡ ánh đèn. Cuộc sống về đêm tại thành phố
này bắt đầu khá muộn. Từ 11 giờ trở đi không khí tại hàng trăm quán bar mới bắt đầu náo
nhiệt và các cuộc vui thường kết thúc vào lúc bình minh!
Buổi sáng đầu tiên trên đất nước Israel, tôi tranh thủ đi ngắm bình minh trên Địa Trung
Hải. Bờ biển vắng lặng, chỉ có vài người tập thể dục, chạy bộ. Một ông già đang cho
chim bồ câu ăn… Cảnh vật thật thanh bình. Trong hành trình về phía Bắc Israel, đoàn đã
đến nhiều địa danh nổi tiếng.
Đầu tiên là Caesarea – thành phố cảng được xây dựng vào thời đế quốc La Mã do Herold
Đại đế chiếm đóng với nhiều phế tích đặc trưng của La Mã như trường đua ngựa, đấu
trường, hí trường… Tiếp đó là Haifa – cảng biển chính và là thành phố lớn thứ ba của
Israel. Tại đây, trên đỉnh núi Carmel, du khách có thể ngắm nhìn đền thờ trung tâm của
đạo Bahai.
Dĩ nhiên không thể thiếu Nazareth với ngôi nhà của đức Mẹ Maria, Nhà thờ Truyền Tin
(Annuciation Church) nổi tiếng, nơi thiên sứ Gabriel hiện ra và thông báo cho đức Mẹ
đồng trinh Maria biết bà đã được chọn để sinh ra Chúa Cứu thế. Và Yardenit, một điểm
đến rất thiêng liêng đối với người Công giáo, là nơi dòng sông Jordan đổ vào biển
Galilée, nơi Thánh John Baptist đã làm lễ rửa tội cho Chúa Jesus.
Thú vị nhất là hai đêm tại phía Bắc, đoàn nghỉ lại trong khu định cư xanh tươi giữa các
nông trang nằm sát biển Galilée. Nhờ đó mà chúng tôi hiểu thêm về lịch sử hình thành,
cuộc sống và công việc của các thành viên tại khu định cư trong giai đoạn đầu lập quốc
của Israel.

Một khúc sông Jordan
Đoạn đường chạy dọc theo biên giới giữa Jordan và Israel (hay West Bank của Palestine)
có nhiều điều bất ngờ: Biên giới ở đây đơn giản chỉ là một hàng dây thép gai đơn sơ chạy
dọc theo dòng sông Jordan, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của binh lính canh giữ.
Càng về phía Nam, đất đai càng khô cằn hơn, nhìn quanh chỉ thấy toàn cát và đá. Thỉnh
thoảng có những khu đất xanh tươi của những ốc đảo hay các nông trại trồng rau của
người Israel.
Rony chỉ cho chúng tôi biết nơi nào là ngôi làng của người Palestine, nơi nào là khu định

cư của người Do Thái. Trái ngược với những tưởng tượng trước đó của nhiều người trong
đoàn, khung cảnh ở đây thật yên bình với những ốc đảo xanh tươi điểm xuyết trên nền
vàng của đất, đá và cát sa mạc.

Biển Chết có cảnh quan khá thơ mộng
Đến biển Chết vào buổi chiều, nhận phòng khách sạn xong, tôi vội chạy ngay ra biển, nơi
không chỉ nổi tiếng vì độ mặn của nước, mà còn được xem là cái rốn của Trái đất vì nó
nằm sâu hơn 400 mét dưới mặt nước biển. Nước ở đây dường như đặc quánh, có cảm
giác nước rất nặng.
Tôi thử xoay lưng và nằm xuống thì thấy đúng là mình bồng bềnh trên mặt nước. Khi
nằm ngửa, có thể giơ tay, giơ chân lên trời mà vẫn không bị chìm. Ngược lại, bạn muốn
nhấn chân vào sâu trong nước biển để đứng lên thì lại không thể.
Từ trên ngọn núi Olive
Sáng hôm sau, cả đoàn dậy thật sớm để tận hưởng bầu không khí trong lành rồi kéo nhau
ra biển Chết xem Mặt trời mọc và kiểm chứng tiết mục nằm đọc báo và múa ballet giữa
biển Chết, sau đó tiến về phía Tây để về Jerusalem.
Càng đến gần Jerusalem, cảnh vật càng xanh tươi hơn. Ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ
trên ngọn núi Olive thấy nổi bật lên trên nền trắng vàng của thành phố là mái vòm màu
vàng rực rỡ của đền thờ Hồi giáo Temple Mount. Jerusalem không lớn, không hiện đại
nhưng đúng là thủ đô, là linh hồn của Israel bởi vẻ cổ kính, trầm mặc rất đặc biệt.

Toàn cảnh thành phố Jerusalem

Một góc thành cổ Jerusalem
Cả ngày hôm sau đoàn đi khám phá thành cổ Jerusalem. Xe đưa đến bên ngoài vòng
tường thành rồi Rony dẫn mọi người đi theo những con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, tối tăm
để băng qua các khu dân cư, phố thị với đa số người Ả Rập trong các bộ áo quần truyền
thống như xứ ngàn lẻ một đêm.
Bước vào Con đường Khổ Hạnh của Chúa (Via Dolorosa – Từ nơi Chúa Jesus bị kết tội
đến chỗ Chúa chết trên thập tự giá, được đưa xuống để làm lễ thánh thể và đưa vào mộ),

dù không là con chiên ngoan đạo nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự thiêng liêng qua
từng phiến đá, trên từng bước đi của Chúa Jesus với cây thánh giá nặng trĩu trên vai.
Ra khỏi Nhà thờ Holy Sepulcher, đoàn ngồi nghỉ bên một quảng trường nhỏ trước khi
tiếp tục chuyến du hành. Thấy các anh lính Isreal tuần tra cũng đang ngồi nghỉ bên cạnh,
mấy cô trong đoàn chạy đến làm quen và không quên lợi dụng thời cơ để xin chụp một
tấm hình làm kỷ niệm. Các anh không từ chối nhưng e thẹn không dám đứng gần!
Hồi hộp, nôn nóng nhất là chuyến tham quan Bethlehem. Hồi hộp vì biết Bethlehem nằm
trong lãnh thổ của Palestine và vì muốn biết đi vào đất Palestine như thế nào. Nôn nóng
là vì muốn được đặt chân đến nơi mà hàng năm, hàng triệu người cùng hướng về để
tưởng nhớ và ngợi ca qua bài “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”. Thật bất ngờ khi
việc “xuất nhập cảnh” lại quá đơn giản: không cần một thủ tục giấy tờ gì cả. Đến nhà thờ
Chúa Giáng Sinh, mọi người xếp hàng theo thứ tự để được vào chiêm ngưỡng một ngôi
sao 14 cánh bằng bạc, đánh dấu chính xác nơi Chúa Jesus ra đời.

Ngôi sao 14 cánh đánh dấu nơi Chúa Jesus ra đời
Ngày cuối cùng, chúng tôi đến tham quan Bảo tàng Diệt chủng. Bảo tàng được thiết kế
đơn giản. Khách tham quan chỉ cần đi theo lối đi đã định sẵn, không có người thuyết
minh, chỉ có những hình ảnh, mô hình và các kỷ vật kèm theo chú thích nhưng vẫn nói
lên được sự tàn bạo của chiến tranh và trên hết là ý chí sống còn của người Do Thái. Tại
đó, tôi đã hiểu được câu lý giải sống động cho thắc mắc: vì sao người Do Thái vẫn quyết
tâm thành lập lại một đất nước đã bị xóa tên hàng ngàn năm.

×