Giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ mắc chứng tự kỷ
trong gia đình tại Hà Nội
Nguyễn Thị Mẫn
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Luận văn ThS ngành: Tâm lý học; Mã số: 60 31 80
Người hướng dẫn: PGS.TS. Văn Thị Kim Cúc
Năm bảo vệ: 2010
Abstract: Nghiên cứu và phân tích thực trạng giao tiếp trong đó tập trung vào
mục đích, nội dung, hình thức, hoàn cảnh và thời gian giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ
tự kỷ. Xem xét ảnh hưởng của quá trình giao tiếp đến tiến triển của trẻ tự kỷ và đề
xuất một số cách thức giao tiếp phù hợp đối với những bậc cha mẹ có con mắc
chứng tự kỷ.
Keywords: Tâm lý học; Tâm lý học trẻ em; Bệnh tự kỷ
Content
1. Lý do chọn đề tài
Khi sinh con, cha mẹ nào cũng mong con mình khỏe mạnh, giỏi giang, ngoan
ngoãn, thông minh…Nhưng chẳng may, đứa trẻ mắc phải một chứng bệnh hay một rối
nhiễu nào đó, đặc biệt khi bị rối loạn tự kỷ hay còn gọi là hội chứng tự kỷ thì đa phần
những bậc cha mẹ sẽ buồn phiền. Có những người chán nản, buông xuôi gửi con đến bác
sỹ y khoa, bác sỹ tâm lý hay giao phó con cho cô trông trẻ nhưng cũng có những người
rất tích cực trong việc phối hợp để khắc phục những khó khăn mà trẻ gặp phải.
Nếu như với một số dạng khuyết tật như down, tật vận động… cha mẹ có thể nhận
ra ngay từ lúc trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời. Cho dù đau đớn tột cùng nhưng dù sao họ
cũng đã có sự chuẩn bị về tinh thần đối với tương lai sau này của đứa trẻ. Nhưng đối với
hội chứng tự kỷ, các bậc làm cha làm mẹ không có được cơ hội đó. Các em bé này lúc
sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhiều trẻ trong số đó cũng trải qua các
giai đoạn phát triển hoặc bỏ qua một giao đoạn nào đó như trẻ bình thường. Chúng cũng
bắt đầu nói những âm đầu tiên, đều biết cật tiếng gọi “ba, ba…” hay “ma, ma…” Hầu hết
các cha mẹ không hề nhận thấy một điểm gì bất thường của con mình trong giai đoạn từ 0
đến 1,5 tuổi hay 2 tuổi.
Nhưng rồi mọi chuyện như thay đổi hoàn toàn khi nhận ra trẻ hầu như chỉ sống
trong thế giới riêng của chúng và các kỹ năng dường như dừng hẳn, thậm chí kém đi.
Nhiều bậc cha mẹ, do không biết sự thay đổi của con chỉ nghĩ rằng đó là vì chúng ngoan,
hay do chúng nhút nhát… Nhưng khi đến tuổi mà những trẻ bình thường đã có thể nói
được thì các cha mẹ mới phát hiện ra rằng con mình hầu như không thể chủ động sử dụng
ngôn ngữ để nói chuyện cho dù có thể đôi lúc tự nhiên phát ra những âm thanh khó hiểu.
Chúng không có phản ứng gì khi người khác gọi tên… Đến lúc này, các gia đình mới đưa
trẻ đi chẩn đoán và đánh giá. Khi được các bác sỹ hoặc các nhà chuyên môn chẩn đoán,
đánh giá và thông báo về kết quả tự kỷ, phản ứng chung của các bậc làm cha làm mẹ là
sốc, thất vọng, hoang mang lo lắng, không tin vào tình trạng của con, phủ nhận sự thật,
cảm thấy xấu hổ, hối hận… Nhưng sau một thời gian, có một số bậc làm cha làm mẹ sẽ
chấp nhận thực tế của con mình, tuy nhiên họ có thể chấp nhận vấn đề của trẻ theo lý trí
nhưng về tình cảm thì họ rất bối rối, buồn bã, chán nản, đôi khi cảm thấy bực tức, thịnh
nộ, ghen tức và giận dữ
Qua các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng tự kỷ khá cao trong dân
số, bình quân vào khoảng 58 đến 60 trẻ tự kỷ trên 10.000 trẻ được sinh ra và có khuynh
hướng ngày càng gia tăng nhưng không rõ nguyên nhân. Hiện tại ở Việt Nam chưa có
con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ bị rối loạn tự kỷ, tuy nhiên số trẻ được chẩn
đoán là mắc hội chứng tự kỷ ngày càng nhiều.
Trong khi đó, gia đình là cái nôi đầu tiên của một đứa trẻ, trong đó mối quan hệ qua
lại, cụ thể là quan hệ giao tiếp giữa cha mẹ và đứa trẻ có ảnh hưởng rất nhiều đến đứa trẻ
trong thời kỳ thơ ấu ấy. Đó là thời kỳ quan trọng nhất trong việc hình thành các phẩm chất
nhân cách, để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời về sau của trẻ. Quan hệ giao tiếp đó
không chỉ ở chỗ cha mẹ tác động đến trẻ theo kiểu “trẻ là tờ giấy trắng để cha mẹ viết lên đó
cái gì thì nó thành cái đó” mà còn có sự tác động ngược lại từ trẻ đến cha mẹ. Sự tác động
qua lại đó diễn ra thường xuyên, không ngừng trong suốt quá trình phát triển của trẻ. Quan
hệ giao tiếp của trẻ tự kỷ và cha mẹ cũng không nằm ngoài quy luật này.
Thực tế ở Việt Nam, các nghiên cứu về trẻ tự kỷ nói chung và giao tiếp giữa cha
mẹ và trẻ tự kỷ nói riêng còn quá ít và chưa có hệ thống.
Với những lý do trên đã thúc đẩy tôi lựa chọn đề tài: “ Giao tiếp giữa cha mẹ và
trẻ mắc chứng tự kỷ trong gia đình tại Hà Nội” nhằm giúp chúng ta có cách nhìn cụ thể
hơn về giao tiếp của các bậc làm cha làm mẹ khi phát hiện ra con họ mắc hội chứng tự
kỷ.
2. Mục đích nghiên cứu
- Tìm ra thực trạng giao tiếp trong đó tập trung vào mục đích, nội dung, hình thức,
hoàn cảnh và thời gian giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ tự kỷ.
- Từ đó xem xét ảnh hưởng của quá trình giao tiếp đến tiến triển của trẻ tự kỷ và
đề xuất cách thức giao tiếp phù hợp đối với những bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ.
3. Đối tượng nghiên cứu
Giao tiếp giữa cha mẹ và con có chứng tự kỷ trong gia đình.
4. Khách thể nghiên cứu
- 75 gia đình trẻ tự kỷ.
- Nghiên cứu sâu 2 trường hợp có con tự kỷ.
5. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
- Giới hạn về địa bàn nghiên cứu: nghiên cứu tại nội thành Hà Nội.
- Giới hạn về khách thể nghiên cứu: nghiên cứu các cặp cha mẹ có trẻ mắc chứng
tự kỷ trong độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi.
- Giới hạn về nội dung nghiên cứu: đề tài chỉ đi sâu nghiên cứu mục đích, nội
dung, hình thức, hoàn cảnh, thời gian tần suất giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ tự kỷ.
6. Nhiệm vụ nghiên cứu
6.1. Nghiên cứu lý luận
Hệ thống hóa những vấn đề cơ bản về quan hệ giao tiếp giữa cha mẹ và con mắc
chứng tự kỷ, thông qua việc thu thập, phân tích những tài liệu trong và ngoài nước nhằm
tổng quan nghiên cứu vấn đề, xác định cơ sở lý luận và các khái niệm công cụ
6.2. Nghiên cứu thực tiễn
Điều tra, khảo sát thực tiễn để xác định nhu cầu, mục đích, nội dung, hình thức, hoàn
cảnh, thời gian giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ tự kỷ. Từ đó, đề xuất cách thức giao tiếp phù hợp
của bậc làm cha làm mẹ với con mắc chứng tự kỷ.
7. Các phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu lý luận
Phương pháp quan sát
Phương pháp phỏng vấn sâu
Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
Phương pháp nghiên cứu trường hợp
Phương pháp sử dụng test đánh giá
Phương pháp thống kê toán học
8. Giả thuyết khoa học
Quan hệ giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ tự kỷ bị hạn chế cả về nội dung, hình thức và
thời gian giao tiếp.
Tình trạng bệnh của trẻ tự kỷ có liên quan khá mật thiết với quan hệ giao tiếp giữa
trẻ tự kỷ và cha mẹ.
9. Đóng góp mới của đề tài
Đây là một trong các công trình đầu tiên ở Việt Nam chỉ ra quan hệ giao tiếp giữa
cha mẹ và trẻ tự kỷ trong gia đình.
Đề xuất giúp các bậc làm cha làm mẹ có những cách thức giao tiếp phù hợp đối
với những đứa con tự kỷ của mình.
References
Tài liệu Tiếng Việt
1. Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Trần Di Ái (dịch 1992), Phân loại bệnh quốc tế
(ICD 10) về các rối loạn tâm thần và hành vi, Viện sức khỏe tâm thần Hà Nội.
2. David Cohen (Hồng Vân dịch - 2003), Người cha lý tưởng thế kỷ 21, Nhà xuất bản
trẻ.
3. David Stafford (1998): Freud đã thực sự nói gì, Nhà xuất bản thế giới.
4. Hoàng Thị Anh (1992): Kỹ năng giao tiếp sư phạm của sinh viên, Luận án PTS
trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
5. H.G. Giainot (Nguyễn Văn Toại dịch - 2000), Thuật ứng xử giữa cha mẹ và con cái,
Nhà xuất bản phụ nữ Hà Nội.
6. Keith Atkin (2006), Sự thú nhận và phát triển lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp,
Trường đại học sư phạm Hà Nội.
7. Lê Minh Nguyệt (2010), Mức độ tương tác giữa cha mẹ và con tuổi thiếu niên, luận
án tiến sĩ tâm lý học.
8. Lê Xuân Hồng (1996), Đặc điểm giao tiếp của trẻ em mẫu giáo trong nhóm chơi
không cùng độ tuổi, Luận án PTSKH sư phạm tâm lý, Đại học sư phạm Hà Nội.
9. Ngô Công Hoàn (1995), Giao tiếp và ứng xử của cô giáo với trẻ em, Đại học sư
phạm Hà Nội I.
10. Ngô Công Hoàn (1992): Một số vấn đề giao tiếp sư phạm, Nhà xuất bản đại học sư
phạm Hà Nội.
11. Ngô Công Hoàn (1993), Tâm lý học gia đình, Đại học sư phạm Hà Nội I
12. Ngô Xuân Điệp (2009), Nghiên cứu nhận thức của trẻ tự kỷ tại thành phố Hồ Chí
Minh, luận án tiến sĩ tâm lý học.
13. Nguyễn Ánh Tuyết, Chơi với bạn bè là nhu cầu bức thiết của trẻ mẫu giáo, Nhà
xuất bản giáo dục Hà Nội.
14. Nguyễn Ánh Tuyết (1987), Giáo dục trẻ mẫu giáo chơi trong nhóm bạn bè, Nhà
xuất bản giáo dục Hà Nội.
15. Nguyễn Ánh Tuyết (1988), Sự hình thành xã hội trẻ em trước tuổi học, Nhà xuất
bản giáo dục Hà Nội.