BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NĂM 2014
MÔN: LỊCH SỬ; Khối: C
ĐỀ CHÍNH THỨC Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Câu I (2,0 điểm)
Năm 1929, ở Việt Nam có những tổ chức cộng sản nào ra đời? Nêu ý nghĩa sự ra đời của những
tổ chức đó.
Câu II (2,5 điểm)
Căn cứ vào các dữ liệu trong bảng dưới đây, hãy xác định vai trò của Mặt trận Việt Minh đối
với Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ đó, trình bày suy nghĩ về vai trò của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.
Năm
Nội dung
1941
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) quyết định thành lập Mặt trận Việt
Minh, với các tổ chức quần chúng mang tên “cứu quốc”, để tập hợp rộng rãi mọi lực lượng
yêu nước. Vận động quần chúng tham gia Việt Minh là một trong những nhiệm vụ cấp bách
nhằm xây dựng lực lượng cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
- Chương trình cứu nước của Việt Minh được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.
1942
- Khắp các châu ở Cao Bằng đều có hội Cứu quốc, trong đó có ba châu “hoàn toàn” (ở đó mọi
người đều gia nhập Việt Minh).
- Ủy ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng và Ủy ban Việt Minh lâm thời liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng
được thành lập.
1943
- Các hội Cứu quốc được xây dựng và củng cố ở hầu khắp các vùng nông thôn và thành thị.
1944
- Đảng Dân chủ Việt Nam và Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập, đứng trong
Mặt trận Việt Minh.
- Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp “Sửa soạn khởi nghĩa”.
1945
- Từ tháng 3-1945, Việt Minh lãnh đạo quần chúng nổi dậy ở nhiều nơi.
- Tháng 4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam
và Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp.
- Tháng 8-1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn
quốc, phát động và lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa.
Nguồn: Lịch sử 12, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
Câu III (2,5 điểm)
Phân tích ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Câu IV (3 điểm)
Trình bày nguồn gốc và đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại.
Việt Nam cần phải làm gì trước sự phát triển của cuộc cách mạng này?
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu I: (2,0 điểm)
* Năm 1929, ở Việt Nam có những tổ chức cộng sản nào ra đời? Nêu ý nghĩa sự ra đời của những
tổ chức đó.
* Năm 1929, một loạt tổ chức cộng sản ra đời trên đất nước ta do sự phát triển các phong trào
đấu tranh của công nhân, nông dân, tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân yêu nước, làn sóng dân tộc dân
chủ ngày càng lan rộng ở Việt Nam.
- Cuối tháng 3-1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc
Kì đã lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên, từ đó vận động thành lập chính đảng cộng sản thay thế cho Hội
Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập từ năm 1925. Đầu tháng 5-1929, Đại
hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp tại Hương Cảng (Trung Quốc), đã thông
qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ của Hội…
Đoàn đại biểu Bắc Kì đề xuất thành lập đảng cộng sản để thay thế Hội Việt Nam Cách mạng
Thanh niên không được chấp nhận, nên sau khi về nước đã họp Đại hội đại biểu các tổ chức cơ sở cộng
sản ngày 17-6-1929 ở Bắc Kì thành lập Đông Dương Cộng sản đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ;
ra báo Búa Liềm làm cơ quan ngôn luận và cử ra Ban chấp hành Trung ương của Đảng.
- Tháng 8-1929, Tổng bộ và Kì bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kì thành lập An
Nam Cộng sản đảng; ra tờ báo Đỏ làm cơ quan ngôn luận của Đảng; đến tháng 11-1929, họp Đại hội
thông qua đường lối chính trị và bầu Ban chấp hành Trung ương của Đảng.
- Đến tháng 9-1929, những người giác ngộ cộng sản trong Đảng Tân Việt ở Trung Kì ra tuyên
bố chính thức thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
* Ý nghĩa của sự ra đời các tổ chức cộng sản năm 1929:
- Đó là một xu thế khách quan của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo con
đường cách mạng vô sản
- Đó là thành quả của các hoạt động lựa chọn, giác ngộ cách mạng, huấn luyện và đào tạo cán
bộ của Nguyễn Ái Quốc thông qua việc lập ra Cộng sản đoàn (2-1925) tập hợp lực lượng thanh niên
tích cực trong Tâm tâm xã, tiến đến thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6-1925) nhằm tổ
chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết, đấu tranh để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và tay sai.
- Sự ra đời của các tổ chức cộng sản năm 1929 trên khắp ba kỳ ở nước ta là tiền đề cho việc hợp
nhất thành một chính đảng duy nhất với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, thống nhất các xu
hướng, quan điểm lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nước ta.
Câu II (2,5 điểm)
Vai trò của Mặt trận Việt Minh:
- Tháng 5/1941Mặt trận Việt Minh được thành lập từ quyết định của hội nghị Trung ương Đảng
lần thứ 8 đã góp phần hoàn chỉnh những chủ trương của hội nghị Trung ương tháng 11 năm 1939 đặt
nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
- Mặt trận Việt Minh đã tập hợp được đông đảo quần chúng từ công nhân, nông dân đến các
địa chủ yêu nước, tầng lớp trí thức tiểu tư sản và cả tư sản dân tộc hình thành lực lượng chính trị hùng
hậu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Mặt trận
Việt Minh còn phân hóa và cô lập kẻ thù, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào Pháp – Nhật và tay sai.
- Trên cơ sở phát triển các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang
cách mạng từng bước hình thành và phát triển, cùng với lực lượng chính trị đã tạo nên sức mạnh tổng
hợp để nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
- Mặt trận Việt Minh còn làm tốt vai trò, chức năng của chính quyền khi ta chưa giành được
chính quyền như chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa, tổ chức và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa khi
thời cơ đến.
- Mặt trận Việt Minh là một sáng tạo của Đảng, không những góp phần quyết định vào thắng lợi
của cách mạng tháng Tám năm 1945 mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về công tác xây
dựng mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi.
Suy nghĩ về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay:
- "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành viên có vai trò rất quan trọng trong sự
nghiệp đaị đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc " Đó là củng cố, tăng cường khối đại đoàn
kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa nhân
dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Đối với sự nghiệp xây dựng đất nước: Những biến đổi về cơ cấu giai cấp và thành phần xã hội
đang đặt ra cho công tác vận động quần chúng nói chung và công tác Mặt trận nói riêng những vấn đề
mới. Nhu cầu liên minh, mở rộng việc tập hợp các lực lượng yêu nước đặt ra một cách bức bách. Mặt
trận đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết mọi cá nhân Việt Nam, mọi tổ chức yêu nước không
phân biệt giai cấp tôn giáo trong và ngoài nước đồng tâm, hiệp lực để xây dựng nền kinh tế vững mạnh,
giảm bớt sự phụ thuộc từ bên ngoài.
- Đối với sự nghiệp bảo vệ đất nước : Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò tạo khối đại đoàn
kết của cả dân tộc, tập hợp các lực lượng yêu nước để chống lại các âm mưu chia rẽ từ bên ngoài,
chống chiến lược diễn biến hoà bình. Đặc biệt, trước những hành động khiêu khích, gây hấn, thù địch
của Trung Quốc ở biển Đông hiện nay, vai trò của Mặt trận nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của
nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Câu III: (2,0 điểm)
* Phân tích ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954:
- Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là thắng lợi lớn nhất trong lịch sử của cuộc kháng chiến chống
Pháp và là một trong những thắng lợi oanh liệt nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
- Thắng lợi ở Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Nava, giáng một đòn quyết định vào ý chí
xâm lược của Pháp và can thiệp Mỹ; làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương.
- Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là chiến thắng oanh liệt nhất, đã tác động đến quá trình diễn biến
của hội nghị Giơnevơ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơ-ne-vơ về
việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
- Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm nức lòng nhân dân thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu
tranh giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mĩ Latinh, làm lung lay hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân.
Chiến thắng ở Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa
của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới một chiến công hiển hách, đột phá thành trì hệ thống thuộc địa
của chủ nghĩa đế quốc.
Câu IV: (3,0 điểm)
* Nguồn gốc:
- Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại là sự tiếp nối cuộc cách mạng công nghiệp từ thế
kỉ XVIII-XIX;
- Xuất phát từ những đòi hỏi của cuộc sống, của sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và
tinh thần ngày càng cao của con người;
- Do tình hình bùng nổ dân số thế giới và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng vơi cạn
nghiêm trọng, nhất là kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
- Những thành tựu về khoa học – kĩ thuật cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX đã tạo tiền đề thúc đẩy
sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai của nhân loại.
* Đặc điểm: Đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại là khoa học đã trở
thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
- Khoa học gắn liền với kĩ thuật, trở thành nguồn gốc chính cho những tiến bộ về kĩ thuật và
công nghệ. Mọi phát minh kĩ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học; khoa học đi trước mở đường
cho kĩ thuật; đến lượt mình kĩ thuật lại đi trước mở đường cho sản xuất.
- Từ những năm 70 của thế kỉ XX, cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật chủ yếu diễn ra trên lĩnh
vực công nghệ. Cuộc cách mạng công nghệ trở thành cốt lõi của cách mạng khoa học – kĩ thuật, cho
nên cuộc cách mạng này còn được gọi là cách mạng khoa học – công nghệ.
* Việt Nam cần làm gì trước sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật?
- Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nền kinh tế thế giới ngày càng quốc tế hóa cao hình thành
thị trường thế giới, Việt Nam cần mở rộng quan hệ giao lưu và hợp tác với các nước trên thế giới.
- Việt Nam cần tiếp thu những tiến bộ khoa học – kĩ thuật tiên tiến nhất của thế giới để phát
triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa và xã hội.
- Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp
năm 2020 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay chỉ có thể hoàn thành thắng lợi
khi Việt Nam coi trọng vai trò của khoa học – kĩ thuật, đưa những tiến bộ về khoa học – kĩ thuật vào
đời sống, lao động, học tập và sản xuất.
- Vai trò của thanh niên : Cố gắng học tập và rèn luyện để tiếp cận trình độ khoa học – kĩ thuật
tiên tiến của thế giới, phấn đấu đạt đến trình độ nghiệp vụ cao về chuyên môn, từ đó có thể đóng góp
tích cực vào công việc xây dựng một nước Việt Nam hiện đại và giàu mạnh.
Lê Công Tâm
(Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn – TP.HCM)