Nghệ thuật sống: Nhận yêu thương để đem lại yêu thương
Dưới cùng một không gian sống, có những người nhận yêu thương để
đem lại yêu thương cho khác. Hãy cho đi thật nhiều sự sẻ chia, cảm
thông…
Đông, thu mình trên phố những xác heo may rúc trong thân lá gầy rộc.
Ngước nhìn những tán cây trụi lá chỉ thấy những gam màu vàng nâu héo
úa như bị rút hết nhựa sống. Màu trời tái dại, dậy lên cảm giác gai người
lạnh lẽo.
Và một sớm thức giấc… táp vào hồn thứ hoang vắng và quạnh quẽ đến
nao người. Muốn quờ tay kiếm tìm chiếc điện thoại để nhắn một tin
nhắn gieo ấm áp vào lòng, muốn tìm một lời yêu thương để xua tan
những giá buốt ngày đông…
Đông năm nay chơi trò cút bắt con trẻ, thập thò trốn tìm. Ấy thế mà cứ
dăm ba ngày lạnh cắt da cắt thịt, buốt xương rồi lại nắng ấm, cũng lắm
khi mưa phùn gió bấc
Đông - xúng xính trong khăn áo lụa là, chút phấn hồng làm ửng gò má,
nụ cười lấp lánh ánh vui và hạnh phúc với những món quà mùa Giáng
sinh như đứa trẻ ngủ mà mắt ti hí chờ ông Già Noel mang quà chui qua
ống khói… Thời khắc này lại làm tôi nhớ đến hình ảnh đứa bé đánh giày
người co ro, run lên từng chập, mừng rơn khi kiếm được manh áo mưa
rách mà choàng tạm lên người kiếm tìm một hơi ấm
… Mùa Giáng sinh năm kia, tôi đi tình nguyện cùng đứa bạn, xuống
xóm lao động quanh Hà Nội để phát quà. Nhìn lũ trẻ con lam lũ sống
trong mấy cái thuyền ọp ẹp ngoài đê mà thấy lòng mình tê lại. Không
hiểu những khi mưa bão, chúng tránh gió tránh mưa làm sao Có lẽ lâu
lâu mới có nhiều người đến thăm chúng như thế, đứa nào cũng tíu tít
chuyện trò, níu tay bọn tôi dắt băng băng qua sườn đê tối đen như mực
“ Chị xuống nhà em chơi đi! Bọn em chờ các anh chị mãi…”. Ở cái nơi
quanh năm không biết đến ánh đèn điện, không biết manh áo mới,
nhưng lúc nào lũ trẻ cũng mong đến Noel – không phải bởi chúng biết
Giáng sinh là ngày gì mà chỉ bởi trong tiềm thức của chúng, Noel –
chúng sẽ được các anh chị tình nguyện đến phát bánh kẹo, sẽ có áo ấm
diện Tết – những thứ mà cả năm chúng không bao giờ “được-phép-nghĩ-
đến”
Trong chuyến hành trình ngày hôm ấy, chủ trương của chúng tôi là chỉ
phát quà cho trẻ con. Nhưng đến xóm lao động phía sau khu chợ Cầu
Mới, có một bà cụ gọi với theo lúc chúng tôi đang định rời đi, “Các cháu
phát quà à? Các cháu trong đội tình thương đến đấy à? Cho bà xin gói
bánh cho mấy đứa cháu ở dưới quê được không?”… Mấy đứa nhìn nhau,
lòng nghẹn đắng biếu bà thêm vài gói bánh kẹo và dăm quả bóng bay
cho lũ trẻ… Ngồi hỏi thăm một lúc thì mới biết bà cụ đã 73 tuổi, bà lên
Hà Nội không phải vì bị bỏ rơi hay hắt hủi mà vì thấy gia cảnh cơ hàn
của bốn đứa con đẻ, không nỡ lòng làm “gánh nặng thêm cho chúng nó
nên lên đây. Dù sao trên này cũng còn kiếm được đồng tiền nuôi thân, ít
nhiều vất vả thì cũng đỡ làm con cháu phải nghĩ…” Hàng ngày bà cụ đi
bộ từ chỗ trọ, tức là từ Ngã Tư Sở lên Cầu Giấy bán hàng rong – dăm ba
điếu thuốc, cái kẹo cao su, cốc trà đá, thanh kẹo lạc chỉ để kiếm được
15.000đ một ngày. Số tiền ít ỏi ấy, chia đều cho 2.000đ một đêm ngủ
trọ, tiền ăn một ngày hết 5-7.000đ, còn lại bà dành dụm để gửi về cho
mấy đứa con dưới quê. Tôi không hiểu với mức phí sinh hoạt như thế bà
sẽ xoay sở thế nào mỗi khi trái gió trở giời hay đau yếu bất thường…
Trong khi cuộc sống nơi thành thị này, một bữa sáng thôi người ta bỏ ra
15.000đ cho bát phở, cốc cà phê như là điều hiển nhiên, chả phải xa xỉ
hay lấy làm lạ gì…
… Đã lâu tôi không viết một điều gì đấy cho mình, cho cái blog đã sắp
bị “hoang hóa” này. Tối nay, khi chạy xe trên đường phố, ngắm nhìn
những sắc màu lung linh và ngập tràn không khí Giáng sinh khắp nẻo,
tôi lại nhớ về những câu chuyện và những con người ấy…
… Phố xá giờ đã tấp nập người mua kẻ bán quà Noel, mọi chiêu thức
bán hàng được vận dụng để mời chào và ai ai cũng muốn chọn cho
người mình yêu thương những món quà ý nghĩa. Thế nhưng, dưới cùng
một không gian sống ấy, có những người đang háo hức đón chờ những
món quà vật chất giá trị, để chơi bời, tụ tập… nhưng cũng có những con
người, những đứa trẻ mong Noel về để được hưởng ấm áp niềm vui của
bánh trái kẹo ngọt- đơn giản và rẻ tiền, của áo ấm cho đông bớt
lạnh…có những con người như bà cụ già trong câu chuyện ở trên, nhận
yêu thương để đem lại yêu thương cho những đứa cháu của mình… Vì
thế… hãy cứ cho đi thật nhiều, để một ngày kia sẽ nhận lại được nhiều
hơn thế… Là sự sẻ chia, cảm thông và biết yêu thương, tôn trọng người
khác…