Hồi hộp du lịch bên miệng lò hỏa thiêu
Nghĩ tới núi lửa người ta sẽ liên tưởng tới những dòng nham thạch cuồn cuộn phun
trào ra từ lòng đất với sức nóng hàng nghìn độ C. Tuy vậy không mấy ai có thể ngờ
rằng họ có thể đắm mình trong dòng nước tinh khiết và ấm áp từ mạch nguồn của núi
lửa mà không hề hấn gì.
Vượt hàng trăm km đường đồi núi quanh co, đi lên đồi cao rồi lại trượt mình trong thung
lũng hoang sơ, men theo những con đường quanh co với hàng trăm khúc cua tay áo,
chúng tôi mới đến được Bandung, thành phố nằm ở khu vực cao 768m trên mực nước
biển. Nơi đây, nhiệt độ quanh năm tương đối mát hơn so với hầu hết các thành phố
khác của Indonesia. Thành phố này nằm trong lưu vực các con sông và có các núi lửa
bao quanh.
Bình minh trên núi lửa Tankuban Perahu
Hành trình đến “cửa địa ngục”
Người ta vẫn thường ví miệng núi lửa là cửa của địa ngục, nơi dẫn lối vào chiếc lò hỏa
thiêu khổng lồ nằm sâu trong lòng đất và mỗi đợt phun trào là một cơn tức giận của
thần núi.
Núi lửa Tankuban Perahu nằm cách mặt nước biển 2.084m thuộc khu du lịch sinh thái
rừng Taman Wisata Alam ở Bandung, là một trong những ngọn núi lửa vẫn đang hoạt
động ngầm lớn nhất ở Indonesia và là một trong những điểm du lịch thú vị cho những
người ưa mạo hiểm.
Lần phun trào gần nhất của Tankuban được ghi nhận là vào năm 1983 nhưng cho đến
nay, ngọn núi này vẫn âm thầm tích lũy dung nham dưới lòng đất và thỉnh thoảng vẫn
bốc lên những cột khói nghi ngút.
Dọc con đường đồi dẫn tới miệng núi lửa có một loài hoa rất lạ, to và trắng muốt như
những chiếc chuông đung đưa trong gió mà người dân bản địa vẫn gọi là hoa lan
chuông. Loài cây chỉ mọc duy nhất ở miền đất Taman Wisata Alam này, tạo cho phong
cảnh sương khói mịt mù nơi đây một vẻ đẹp nên thơ và hoang sơ đến khó cưỡng.
Các loài cây và hoa quả ở khu vực này cũng có kích thước to hơn bình thường do
được nuôi dưỡng từ những vùng đất màu mỡ đầy khoáng chất quanh miệng núi lửa.
Người ta có thể ngỡ ngàng khi bắt gặp những quả chuối dài đến nửa mét hay những
quả dứa mật to khác thường như một quả dưa hấu.
Miệng núi lửa nhìn từ trên cao xuống
Xung quanh miệng núi là những khối nham thạch đã nguội và ngả màu đen óng như
than chì.
Những điều thú vị xung quanh miệng núi lửa
“Không phải lúc nào núi lửa cũng phun trào”, đó là câu cửa miệng mà dân bản xứ vẫn
thường trấn an du khách khi đứng trên miệng vực và nhìn vào biển nước chứa đầy lưu
huỳnh đang sục sôi và bốc khói nghi ngút như miệng của một chú rồng khổng lồ.
Mùi lưu huỳnh bốc lên nồng nặc có thể gây choáng váng cho những người mới đến và
chưa quen với bầu không khí đậm đặc khoáng chất ở đây. Xung quanh miệng núi là
những khối nham thạch đã nguội và ngả màu đen óng như than chì.
Đứng bên miệng núi, người ta có thể thực sự cảm nhận một ngọn núi lửa mạnh mẽ và
nguy hiểm tới mức nào. Ngoài ra, nhiều dáng đất kỳ lạ để lại sau cơn phun trào như
một chứng tích thiên nhiên kỳ bí cũng rất hấp dẫn du khách.
Những "tổn thương địa nhiệt" gây ra do hoạt động của núi lửa như suối nước nóng hay
các khe nứt bốc khói do đá tan chảy kết hợp với cảnh thâm sơn cùng cốc, núi rừng
hùng vĩ chính là sức hấp dẫn đặc biệt của Tankuban Perahu.
Các cô gái Đạo hồi bản xứ đứng bên hàng rào chắn gần miệng núi.
Một khu mua sắm được dựng lên ngay bên miệng núi.
Một khu mua sắm được dựng lên ngay bên miệng núi, nơi người ta bán đủ thứ hàng
lưu niệm như những chiếc vòng đá được khai thác từ những vựa đá quý ở chính
Bandung hay những quả trứng được luộc bằng cách thả vào suối nước nóng chảy ra từ
vùng gần tâm núi. Do trong nước có nồng độ lưu huỳnh rất cao nên vỏ trứng cũng bị
ngả sang màu đen.
Hàng trăm chú ngựa thồ được dân bản xứ thả cho chạy dọc trong khu vực và sẵn sàng
chở bất kỳ ai muốn thử một lần cưỡi ngựa chu du, tận hưởng cảm giác làm thống lĩnh
của miền sơn cước.
Tắm suối nước nóng trào tuôn từ núi lửa
Lòng trái đất nóng tới vài nghìn độ C, cứ đi sâu xuống 30m thì nhiệt độ lại tăng thêm 10
độ. Ở vùng gần với núi lửa, mạch nước phun lên nóng bỏng. Nước mưa hay sông hồ
thấm xuống đất, gặp phải tầng đá cháy đầy khoáng chất thì cũng được đun sôi lên một
cách tự nhiên và hình thành các dòng suối khoáng nóng.
Những khu rừng nhiệt đới ở vùng Taman Wisata Alam này thực chất là đang nằm dưới
một hệ thống nồi hơi khổng lồ. Ở độ sâu 1-3km, nước có thể nóng từ 50 độ C đến 140
độ C.
Tất nhiên, để tắm được dưới nguồn suối khoáng quý giá này, người ta cần phải có một
hệ thống bể ngầm lọc nước và các bể chứa giảm nhiệt độ để duy trì độ ấm của nước từ
40 – 45 độ C.
Tại Bandung, người ta xây rất nhiều hệ thống cottage hay còn gọi là nhà tranh truyền
thống, bên trong có phòng nghỉ và bể nước nóng sạch sẽ và sang trọng.
Tại Bandung, người ta xây rất nhiều hệ thống cottage hay còn gọi là nhà tranh truyền
thống. Bên trong các nhà tranh có phòng nghỉ và bể nước nóng sạch sẽ và sang trọng
không kém gì các khách sạn 5 sao. Mỗi bể nước nóng đều được tuần hoàn và luân
chuyển nước 24/24 giờ với nguồn nước lấy 100% từ suối khoáng tự nhiên được xử lý
qua quá trình giảm nhiệt.
Nước suối khoáng nóng là một dung dịch hỗn hợp chứa nhiều chất ion hóa mạnh, các
chất men và hầu hết các nguyên tố hóa học cấu thành vỏ trái đất. Việc dùng nước suối
khoáng từ lòng đất phun lên để tắm và uống có thể chữa một số bệnh và tăng cường
sức khỏe/ Tác dụng điều trị của suối khoáng được tạo nên bởi nhiệt độ của nước, các
ion, tính phóng xạ, các muối hòa tan, các kim loại và á kim, các nguyên tố vi lượng, các
khí hiếm… Các loại nấm, rong li ti trong bùn suối khi đắp lên người cũng có công dụng
điều trị.