PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
Từ khi nhân loại được sinh ra đã xuất hiện những loại hình nghệ thuật
phong phú như thơ ca, hội họa, điêu khắc, âm nhạc,…Chính những tác phẩm
nghệ thuật đã đưa con người đi từ “chân trời một người đến chân trời của
tất cả”. Mỗi bài thơ là một cung bậc cảm xúc tạo nên những âm thanh riêng
trong bản nhạc thi ca. Mỗi nốt nhạc lại có một cái hay riêng, độ ngân riêng
và cảm xúc cũng thật phong phú. Để có được sự lay động ấy, nhà thơ cùng
với cảm xúc thiên phú của mình phải trải qua một cuộc lao động miệt mài,
gian khổ, vận dụng tài tình, linh hoạt bút pháp, ngôn ngữ,…để tạo nên
những thế giới ngôn từ nghệ thuật đặc sắc.
Đọc truyện Kiều, người đọc không chỉ thấy số phận người phụ nữ tài
hoa, bạc mệnh Thúy Kiều mà còn cảm nhận được những xúc cảm, những
nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Du gửi trong từng câu chữ truyện Kiều.
Nguyễn Du đã tập trung, kết tinh, nâng cao ngôn từ nghệ thuật một cách
thần kỳ và đặc sắc. Ông đã đưa ngôn từ nghệ thuật cổ điển thơ ca Việt Nam
cũng như tiếng Việt văn học lên tới một đỉnh cao chưa từng có, trở thành
mẫu mực chói lọi cho muôn đời thưởng thức và noi theo. Lời văn của
Nguyễn Du cổ điển cân đối trang nhã mà vẫn thể hiện được trăm nghìn tâm
trạng, cảnh huống,…của nhân vật. Truyện Kiều của Nguyễn Du mang quan
niệm nghệ thuật của Nguyễn Du, với ngôn từ đặc sắc, một quan niệm thể
hiện cách nhìn, cách cảm, hệ thống giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của ông gắn
liền với truyền thống văn hóa dân tộc.
Từ những rung cảm mãnh liệt và sự ngưỡng mộ tài năng nghệ thuật
của Nguyễn Du và với hy vọng tìm hiểu thấu đáo những yếu tố nghệ thuật
đã làm nên thành công của truyện kiều. Chúng tôi mạnh dạn chọn và nghiên
cứu đề tài ngôn từ nghệ thuật trong truyện kiều Nguyễn Du.
Nghiên cứu về ngôn từ nghệ thuật trong truyện Kiều đem lại một cách
thưởng thức mới, sâu sắc và hấp dẫn hơn. Bởi thông thường câu hay, chữ
đắt,…cho ta khả năng thưởng thức tác phẩm toàn diện và lý thú với những
cảm nhận mới mẻ hơn.
2. Giới thuyết thuật ngữ.
Trong thế giới nghệ thuật, mỗi loại hình nghệ thuật sử dụng một
phương tiện biểu đạt riêng. Với văn học, ngôn từ là phương tiện đặc thù để
nhà văn thể hiện bức tranh đời sống, qua đó truyền đạt thông điệp, tư tưởng
của mình đến bạn đọc.
Ngôn từ nghệ thuật là một khái niệm chỉ một yếu tố trong các yếu tố
hình thức của một tác phẩm. Ngôn từ nghệ thuật được xem là yếu tố đầu tiên
quan trọng. ngôn từ nghệ thuật thực chất là lời nói mang tính nghệ thuật.
“Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn học”. Ngôn ngữ trong văn học không
phải là loại ngôn ngữ khô khan, chuẩn mực được sử dụng trong các văn bản
hành chính, khoa học, …cũng không phải loại ngôn ngữ thông tục được
dùng trong đời sống hằng ngày mà là loại ngôn ngữ đã được chọn lọc, gọt
giũa qua sự sáng tạo của các nhà thơ, nhà văn.
Theo Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học do Nguyễn Như Ý chủ
biên đưa ra quan niệm rằng: “Ngôn từ là sự kết kợp những từ có tổ chức nội
tại hoàn chỉnh về đặc điểm từ vựng, ngữ pháp hoặc phong cách”.
Trong giáo trình phương pháp luận nghiên cứu văn học do Nguyễn
Phong Nam biên soạn, cho rằng: “Xét về bản chất, ngôn từ nghệ thuật là
một sự mô phỏng lời nói trong giao tiếp hàng ngày của con người. Một sự
mô phỏng có chủ định…”.
Như vậy, ngôn từ nghệ thuật là hệ thống ngôn ngữ đã được tổ chức lại
theo quy luật nghệ thuật được dùng trong văn bản văn học. Nó chịu sự chi
phối của quy luật ngôn ngữ và quy luật loại thể, mặt khác cũng phụ thuộc
vào ý đồ, tư tưởng và năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ.
Truyện Kiều thuộc thể loại truyện Nôm, có yếu tố tự sự, trữ tình, là tiểu
thuyết tâm lý. Nguyễn Du sử dụng ngôn từ nghệ thuật một cách tài tình để
thể hiện, làm rõ tính cách nhân vật trong truyện Kiều.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài này là đặc sắc ngôn từ nghệ
thuật trong truyện Kiều của Nguyễn Du.
Phạm vi nghiên cứu đề tài này chúng tôi sử dụng tác phẩm truyện
Kiều, tác giả Huỳnh Văn Tới, NXB Đồng Nai, 2000.
4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu.
Theo dòng lịch sử tác phẩm văn chương luôn chịu sự thử thách khắc
nghiệt của thời gian và nhiều tác phẩm đã rơi vào lãng quên. Dường như đi
ngược với quy luật ấy, tác giả Nguyễn Du với tác phẩm truyện Kiều lại
không ngừng được bàn luận qua các thời kỳ lịch sử. Vì vậy đã có rất nhiều
công trình nghiên cứu về truyện Kiều và nhân vật Thúy Kiều. Với bài tiểu
luận này chúng tôi xin điểm qua một số nhận xét tiêu biểu của các nhà
nghiên cứu có liên quan đến đề tài như sau:
Mộng Liên Đường từng ca ngợi truyện Kiều như sau: Nguyễn Du viết
truyện Kiều “như có máu rỏ trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ
giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột”.
Đây là một nhận xét rất sâu sắc đã bao trùm được nội dung nghệ thuật độc
đáo của truyện Kiều.
Đào Nguyên Phổ khen truyện Kiều là “Lời lẽ xinh xắn mà văn hoa, vần
điệu tròn trịa mà êm ái, tàii liệu lựa rất rộng, sự tích kể rất thương, lượm lặt
những diễm khúc tình từ ở đời trước, lại góp đên cả phương ngôn, ngạo ngữ
của nước nhà, nồng nàn vụn vặt không sót, quê mùa, tao nhã đều thu”. Đó
là lý do mà bao đời nay truyện Kiều đi vào lòng người như vậy.
Trong Viện văn học sử yếu theo phương pháp biên khảo hiện đại Dương
Quảng Hàm cho rằng “Cách dùng điển đích đáng, tự nhiên, khiến cho người
học rộng thì thưởng thức được lối văn uẩn súc, mà người thường cũng hiểu
được đại ý của câu văn”.
Phạm Thế Ngũ trong “Lịch sử văn học Việt Nam giải ước tân biên”
(1969) nhấn mạnh tài năng của Nguyễn Du về hành văn, tả tình, tả cảnh, đối
thoại thuật sự trong truyện Kiều.
Phong Tuyết trong bài viết vào tháng 2 năm 1828, nhận xét về truyện
Kiều như sau: “Đem bút mực tả mực tả lên tờ giấy những câu vừa lâm ly
vừa ủy mỵ, đốn tỏa, giải thư, vẽ hệt ra một người tài mệnh trong mười mấy
năm trời…”. Như vậy với tài năng ngôn ngữ điêu luyện Nguyễn Du như
một họa sĩ tài hoa trên trang văn của mình.
Năm 1924, trong bài diễn thuyết đọc tại lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân
ngày mất, Phạm Quỳnh đánh giá truyện Kiều là “quốc hoa”, “quốc hồn”,
“quốc túy” của dân tộc và ông khẳng định: “Tiếng truyện Kiều còn, ta còn,
nước ta còn có gì mà lo, có gì mà sợ…”.
Hoài Thanh trong cuốn Tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí
Minh nhận xét: “Về mặt diễn tả nguyến du có sẵn một cái vốn từ ngữ không
một nhà văn, nhà thơ nào khác có thể sánh kịp trong lịch sử văn học Việt
Nam. Không ở đâu, tiếng nói Việt Nam lại dồi dào mà chính xác tinh vi,
trong trẻo như ở đây”. Đây là nhận xét rất sâu sắc cho đến nay vẫn còn
nguyên giá trị.
Xuân Diệu trong công trình nghiên cứu Ba thi hào dân tộc đã chỉ ra
được: “Văn truyện Kiều là tinh hoa của văn chương cổ điển kết hợp với tinh
hoa của văn chương bình dân, là rất nâng cao trên cơ sở phổ cập rộng rãi,
là dồi dào là phong phú vô hạn lại rất trong sáng, giản dị, có một số điển
tích, một số câu cô đúc, nhưng toàn bộ là rất dễ hiểu”.
Tác giả Nguyễn Phong Nam trong Giáo trình tác gia văn học trung
đại Việt Nam cho rằng: “Ngôn ngữ truyện Kiều có khả năng mê hoặc mọi
người vì vẻ đẹp kỳ lạ của nó. Ngôn ngữ trong tác phẩm này được trau chuốt
với một kỹ thuật siêu việt (…) ngôn từ ở đây rất uyên bác, rất cách điệu, một
sự cách điệu dựa trên cốt lõi chuẩn mực giao tiếp của lời nói, vì vậy nó tạo
cho ta cảm giác thông tục, gần gũi”.
Nguyễn Du cuộc đời và tác phẩm là một công trình nghiên cứu rất đầy
đủ về tác phẩm truyện Kiều. Các tác giả cho rằng: “Ngôn ngữ truyện Kiều
thường dùng những điệp ngữ nghĩa là dùng một từ mà được nhắc đi nhắc
lại nhiều lần trong cùng một câu hay một đoạn, là một thứ ngôn ngữ có
nhiều yếu tố độc đáo, tươi trẻ, đầy sáng tạo, phong phú, muôn màu, muôn vẻ
và trong tính chất nhiều nghĩa của từ, mà mỗi nghĩa mang một phong cách
nghệ sĩ của riêng nguyễn Du”.
Trương Tửu với những nhận xét rất sâu sắc trong bài “Văn chương
truyện Kiều” có những nhận xét rất xác đáng về ngôn từ trong truyện Kiều:
“Trong toàn thiên chữ nào cũng êm, câu nào cũng thoát, đoạn nào cũng dồi
dào ý tứ, tả đến tinh thần, nhời thì nhẹ nhàng mà ý thì bát ngát, càng đọc
càng thấy hay càng nghe càng thấy thú, không khi nào chán tai được. Thực
là văn chương tuyệt phẩm của nước Nam ta”.
Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều là công trình
nghiên cứu khá kỹ về ngôn ngữ trong truyện Kiều, tác giả Phan Ngọc chú
trọng đến biện pháp hình thức cân đối “Một biện pháp hết sức quan trọng
đem đến cho câu thơ vẻ súc tích, chặt chẽ rất cần thiết cho ngôn ngữ thơ với
tính cách một ngôn ngữ lý tưởng…tránh chất nôm na tẻ nhạt của ca dao” và
từ láy âm “làm cho câu thơ tràn ngập âm hưởng và cảm xúc”.
Trần Đình Sử với Thi pháp truyện Kiều trong đó ông đã đề cập đến
thành công của Nguyễn Du về ngôn từ như sau: “Nói Nguyễn Du, nhà nghệ
sĩ ngôn từ chính là nói đến cách ứng xử nghệ thuật của ông đối với ngôn
ngữ dân tộc và hiệu quả của nó. Đây chính là phương diện đặc biệt có ý
nghĩa đối với việc sáng tạo ngôn ngữ trong thi ca…”. Ông chú trọng đề cập
đến ngôn từ ý tượng, loại câu đảo trang trong truyện kiều.
Khi nghiên cứu về ngôn từ nghệ thuật trong truyện Kiều, mỗi nhà nghiên
cứu có một hướng khai thác riêng. Xong xét cho cùng thì nghệ thuật đặc sắc
làm nên tên tuổi Nguyễn Du trên thi đàn Việt Nam và cả thế giới được tạo
nên bởi tài năng sáng tạo với những cách tân độc đáo trong tác phẩm của
Nguyễn Du.
5. Phương pháp nghiên cứu.
Với đề tài này chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp liệt kê, thống kê.
- Phương pháp phân tích, so sánh.
- Phương pháp tổng hợp.
6. Bố cục.
Ngoài phần mở đầu, phần nội dung, phần kết luận còn có phần mục lục
và danh mục tài liệu tham khảo. Trong đó trọng tâm là phần nội dung, gồm
hai chương:
Chương I: Danh nhân văn hóa Nguyễn Du và kiệt tác “truyện Kiều”.
Chương II: Nguyễn Du – nghệ sĩ ngôn từ tài ba.
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I: DANH NHÂN VĂN HÓA NGUYỄN DU VÀ KIỆT TÁC
“TRUYỆN KIỀU”.
1.1. Nguyễn Du- thân thế và sự nghiệp.
Nguyễn Du sinh năm 1766, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.
Cha là Nguyễn Nghiễm làm chức tể tướng trong triều Lê, anh trai Nguyễn
Khản làm Lại Bộ Thượng Thư. Gia đình Nguyễn Du lại có truyền thống văn
học, nhiều người viết sách, làm văn
Quê mẹ với những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh ngọt ngào, sâu
lắng; quê cha với những câu hát phường vải nổi tiếng đậm chất trữ tình-Hà
Tĩnh ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du.
Nguyễn Du mười tuổi thì mồ côi bố, mười hai tuổi thì mồ côi cả bố lẫn
mẹ, từ đó phải sống phải nhờ vào gia đình người anh cùng cha khác mẹ là
Nguyễn Khản. Năm 1783, Nguyễn Du 18 tuổi, đi thi hương ở Sơn Nam, đậu
tam trường. Sau đó, ông sống ở Thái Bình 8 năm. Nguyễn Du lớn lên và
chứng kiến những thăng trẩm, những dâu bể của thời đại, gia đình: tập đoàn
phong kiến Lê- Trịnh sụp đổ, các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiêp nổ ra,
đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn.
Năm 1796, Nguyễn Du dự định vào Gia Định cộng tác với Chúa
Nguyễn, âm mưu bị bại lộ, bị nhà Tây Sơn bắt giam ba tháng.
Năm 1801, Nguyễn Ánh hạ thành Huế, qua năm sau 1802 Nguyễn
Quang Toản lên ngôi Hoàng đế niên hiệu Gia Long, Nguyễn Du bắt đầu làm
quan từ năm đó.
Năm 1805, Vua Gia Long vời Nguyễn Du vào Phú Xuân thăng chức
Đông Các điện học sĩ, ban tước Du Đức Hầu.
Năm 1813, Nguyễn Du được thăng Cần Chánh đại học sĩ, đồng thời
được cử làm Chánh sứ sang Tàu. Sau khi về nước, năm 1815, ông được
thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri.
Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, định cử ông đi chánh sứ sang Trung
Quốc để cầu phong nhưng chưa kịp đi thì tháng 9 năm đó ông mất tại Huế.
Nguyễn Du sinh ra và lớn lên giữa những dâu bể của thời đại và những
thăng trầm cuộc đời. Nhưng cũng chính quê hương, gia đình, thời đại ấy là
nguồn tư liệu sống, dạt dào cảm xúc như là gió nâng cánh diều văn chương
nghệ thuật của ông lên đến đỉnh cao, mãi mãi lấp lánh trên thi đàn nhân loại.
Về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du, thành công trên hai thể loại chữ
Nôm và chữ Hán. Ngoài “truyện Kiều” nổi tiếng được xem là tập đại thành
của văn học cổ Việt Nam, những tác phẩm viết bằng chữ Nôm của ông còn
có “Văn chiêu hồn”, “Bài văn tế sống hai cô gái Trường Lưu” và “Thác lời
trai phường nón”. Những sáng tác bằng chữ Hán của ông gồm ba tập thơ:
“Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm” và “Bắc hành tạp lục”.
Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc, là tập đại thành của văn học
phong kiến, là người kế thừa một cách sáng tạo truyền thống tốt đẹp của văn
học dân tộc và nâng truyền thống ấy lên một đỉnh cao chói lọi.
1.2. Vị trí của truyện Kiều trong lịch sử văn học Việt Nam.
Kiệt tác truyện Kiều của Nguyễn Du nguyên tên là đoạn trường tân
thanh nghĩa là “Tiếng kêu mới đứt ruột”, là tác phẩm có vị trí đặc biệt trong
lịch sử văn học dân tộc.
Truyện kiều là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Du được viết dựa
theo tác phẩm cổ của Trung Quốc có tên là Kim Vân Kiều Truyện. Cái tài
của Nguyễn Du là đã chuyển tác phẩm của Trung Hoa sang tác phẩm Việt
Nam rất phù hợp với truyền thống tâm lý và thẩm mỹ dân tộc. Bởi vậy
truyện Kiều mang giá trị hiện thực sâu sắc “trong tác phẩm của mình nhiều
lần Nguyễn Du có ý thức tuyên bố những điều mình viết ra là sở hiến, những
điều ngã sa, những điều trông thấy”. Có thể nói rằng, qua truyện Kiều,
Nguyễn Du là người đầu tiên phác ra một bức tranh phong kiến toàn diện.
Truyện kiều là tác phẩm đạt đỉnh điểm sự hoàn thiện của truyện Nôm
Việt Nam ở nhiều phương diện. Đặc biệt, phương diện kỹ thuật: thi pháp
nhân vật, thi pháp kết cấu, ngôn từ nghệ thuật,…
Truyện Kiều có giá trị cao cả về phương diện nghệ thuật lẫn nội dung tư
tưởng, ý nghĩa xã hội. Truyện Kiều xưa nay được xem là một hiện tượng văn
hóa đặc biệt: Văn phong trong Truyện Kiều được coi là một thứ văn phong
mẫu mực, có giá trị khuôn thước cho các thế hệ nhà văn hậu bối noi theo.
Đây là nguồn cảm hứng, nguồn văn liệu cho hàng loạt nhà văn khai thác, tìm
cảm hứng, đề vịnh, xướng họa, mô phỏng sáng tác. Truyện Kiều được sử
dụng trong cuộc sống của người Việt Nam như là một thứ siêu ngôn ngữ,
một thứ phương tiện giao tiếp rất phổ biến rất hiệu quả.
Ngôn ngữ truyện Kiều có khả năng mê hoặc mọi người vì vẻ đẹp kỳ
lạ của nó. Ngôn ngữ trong tác phẩm này được trau chuốt với một kỹ thuật
siêu việt, đến độ không còn nhận ra sự gia công của nhà văn. Nguyễn Du
đã thể hiện tấc lòng xót thương đồng cảm với “tiếng thét đau khổ” đòi
quyền sống, quyền hạnh phúc cho người phụ nữ. Từng câu, từng chữ
vang lên tiếng hỏi đời, hỏi người, khao khát một giọt nước mắt chia sẻ
nhỏ nhoi ấm áp. …dường như nỗi đau buồn tìm được sự đồng vọng, cảm
thông trong lòng người.
Chương II: NGUYỄN DU – NGHỆ SĨ NGÔN TỪ TÀI HOA.
2.1. Cách dùng hư từ, chữ “lỏng”.
Hư từ là những từ đóng vai trò tổ chức, liên kết lời nói như liên từ, giới
từ, ngữ khí từ. “Hư từ” trong Tiếng Việt được hiểu là những từ không mang
ý nghĩa từ vựng, không độc lập tạo thành câu mà chỉ làm thành tố phụ trong
cụm từ hoặc liên kết tạo nên cụm từ mới.
Đến với nghệ thuật sử dụng hư từ của thi hào Nguyễn Du ta có thể thấy
được tài điều khiển, chế tác ngôn ngữ của ông một cách tài tình khiến cho
ngôn ngữ thơ ông đạt đến đỉnh cao nghệ thuật từ những chất liệu đơn giản
nhất.
Nguyễn Du có tài sử dụng các hư từ như các liên từ trong các câu phức
hợp, chẳng hạn từ “mà”, để chỉ mối quan hệ vừa là nhân quả vừa là mâu
thuẫn,vừa là sự thừa tiếp về thời gian, vừa giữ vai trò nhịp điệu câu thơ.
Đồng thời, tạo cho ý thơ có tính chất đay nghiến,…mỗi chữ lại không có
nghĩa xác định, vô định, phấp phỏng. Đó cũng là nỗi lòng của thúy kiều vào
tương lai có gì đó mơ hồ, một hy vọng mong manh không có cơ sở:
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Có tài mà cậy chi tài
Mai sau dù có bao giờ.
Cách dùng hư từ, các từ ngữ “lỏng” biểu thị thái độ, tình cảm của tác
giả. Chữ lỏng được Nguyễn Du dùng với tính chất đưa đẩy, bề ngoài có vẻ
khen “khéo là” nhưng thực chất là lời giễu cợt, chua chát:
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Và đặc biệt, là các chữ : bao, bấy được dùng một cách độc chiếc trong:
“Quản bao tháng đợi năm chờ”.
Biết bao duyên nợ thề bồi.
Chữ bao ấy đều dùng chữ bằng nào. Tất cả đều có ý hỏi để tỏ ra nghĩa là
nhiều không phải ít . Cũng vậy, chữ bấy được dùng độc chiếc như :
Phủ phàng chi bấy hoá công ;
Hoa sao hoa khéo đoạ đày bấy hoa .
Chữ bấy ấy đều dùng bằng ấy mà cắt nghĩa được. Đều có ý tỏ lòng
thương tiếc hoặc trách móc .
Với vốn hư từ phong phú và đa dạng nói trên đã góp phần đưa Truyện
Kiều của Nguyễn Du lên một tầm cao mới. Hàng thập kỉ đã qua đi nhưng
nỗi đau của Kiều vẫn còn vang vọng, ám ảnh tâm hồn người đọc bởi những
nỗi niềm kí thác cùng non sông gấm vóc. Có lẽ chính bởi một kết cấu truyện
lôi cuốn cùng việc vận dụng nghệ thuật ngôn từ một cách điêu luyện đã tạo
nên những thành công vang dội ấy.
2.2. Cách dùng từ gợi tả - gợi cảm, từ tượng thanh- tượng hình.
Truyên Kiều là một bản nhạc dài. Văn Kiều dễ nhớ, dễ thuộc, huyễn
diệu người ta, một phần lớn cũng do nhạc điệu. Nhạc điệu ấy bang bạc, hòa
chan, thấm vào từng câu, từng chữ. Nó còn là nhạc điệu của tâm hồn, của
tình cảm nên nó vừa hữu ảnh vừa vô hình, réo rắt mênh mang:
Ấy ai hẹn ngọc thề vàng
Bây giờ kim mã ngọc đường với ai.
Có những câu thơ nhạc điệu ở khắp mọi nơi, đó là ánh vàng của mùa thu
sáng trong rung thành nhạc điệu:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.
Có những câu thơ có thể nói là tuyệt diệu, một nhạc điệu mới, độc đáo:
Sông Tần một dải trong xanh
Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan.
Với những từ “trong xanh”, “loi thoi”, “dương quan” toàn thanh bằng
không có dấu huyền đưa cái chia phôi ra khắp không gian. Loi thoi bờ liễu là
lá liễu so le không đều, là bờ liễu quanh co không thẳng, là tấm lòng nữa, nó
xộc xệch, buồn buồn, mong mỏi, thoi loi, hiu hắt, không hy vọng,…
Nét bút của Nguyễn Du là nét bút có thần. Để truyền lại cho đúng cái
thần của sự vật trong những hoàn cảnh khác nhau, Nguyễn Du đã tận dụng
những khả năng về âm thanh, về nhịp điệu của ngôn ngữ Việt và thể thơ lục
bát. Những câu thơ lục bát của Nguyễn Du với âm thanh , nhịp điệu luôn
luôn chuyển biến theo với sự chuyển biến của của tình ý câu thơ. Mỗi âm
mỗi thanh có khả năng gợi lên một hình dáng, một cảm xúc. Chỉ trong bốn
câu tả tiếng đàn mà mỗi câu vang lên một thanh âm riêng:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Mỗi câu một dáng dấp hoàn toàn phù hợp với nội dung, tưởng chứng
như cứ đọc lên là đã rõ. Có những câu khoan thai duyên dáng, có những câu
trúc trắc gồ ghề:
Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh.
Những câu như mây bay gió cuốn:
Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Thiên tài nghệ thuật của Nguyễn Du là ở chỗ đã tái tạo cuộc đời và
sáng tạo ra một thế giới có thật, một thứ năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, về
vần điệu, tạo nên âm sắc vang vọng trong lòng người:
Người nách thước kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
Trong câu thơ trên “ào ào” diễn tả tiếng ồn, sự huyên náo, vội vã
cũng như sự lộn xộn, mạnh mẽ, táo bạo của đám “đầu trâu mặt ngựa” khi
xông vào nhà Thúy Kiều, không những thế nó diễn tả sự việc diễn ra một
cách nhanh chóng không thể đoán biết trước được, tạo yếu tố bất ngờ, không
ai có thẻ ngăn cản. Và từ “ào ào” không chỉ diễn tả âm thanh, mà còn gợi tả
được trạng thái, không khí, tình thế nguy nan đang xảy đến với gia đình
Thúy Kiều.
Giọng Kiều rền rĩ trướng loan,
Nhà Huyên chợt tỉnh hỏi: Cơn cớ gì ?
Ở đây Nguyễn Du không dùng từ nghẹn ngào hay dùng một từ tượng
thanh khác để thay thế. “Rền rĩ” là tiếng khóc dai dẳng và sầu thảm, vang và
kéo dài, đó là tiếng khóc thê thiết, thảm thương của Kiều cho số phận đã
được dự báo trước của mình. Tiếng khóc như vậy ắt hẳn báo hiệu một cuộc
đời cay đắng, sóng gió của “phận má hồng”.
Trong “Truyện Kiều” Nguyễn Du dùng rất nhiều từ tượng hình, từ
tượng thanh góp phần tạo nên sức gợi cho câu thơ:
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
“Đầy đặn, nở nang” không chỉ tượng trưng cho sự tròn trịa, cân đối
mà đặc biệt hơn nó thể hiện phương diện tinh thần chỉ sự sáng sủa, viên
mãn, đầy sức sống, gợi lên nét đẹp tươi trẻ, thanh xuân của nhân vật nữ. Có
thể nói đây là cách dùng từ chuẩn của Nguyễn Du để miêu tả một cách chính
xác vẻ đẹp hoàn hảo, cân đối mà phúc hậu của nàng Thúy Vân. Những từ
ngữ này có giá trị gợi hình rất cao, phù hợp với ý đồ xây dựng hình tượng
nhân vật của tác giả.
Ngoài ra, Nguyễn Du còn dùng nhiều từ ngữ gợi lên những hình ảnh
của sự tan nát, chia lìa, trôi dạt như: “chiếc lá xa cành”, “hoa trôi bèo dạt”,
“trâm gãy gương tan”, “tan tành thịt xương”, “máu tuôn nước mắt”, “hồn
lìa chiêm bao”, “thịt đổ máu sa”, “nước trôi hoa rụng”. Những từ ngữ hình
ảnh ấy ám ảnh, day dứt trong lòng người đọc về sự xa xôi, cách trở chứa
đựng những nỗi buồn mênh mang nhằm cực tả các thảm cảnh đối với con
người lạc lỏng bơ vơ, để lại bao dư vị xót xa nơi người đọc.
2.3. Nghệ thuật láy, điệp từ ngữ.
Trước hết ta thấy Nguyễn Du sử dụng rất nhiều từ láy âm trong tác
phẩm của mình. Điều đó không phải tự nhiên mà có tác giả đã sử dụng
những từ dân dã để làm giảm bớt ảnh hưởng bác học. Không những Nguyễn
Du sử dụng nhiều từ láy âm mà còn sử dụng biện pháp đảo ngược để nêu bật
tác dụng của từ láy âm “hãy còn thoang thoảng hương trầm”. Ông còn đưa
láy âm lên đầu câu thơ làm cho câu thơ tràn ngập âm hưởng và xúc cảm, bởi
vì trong ngữ pháp Việt Nam khi một tân ngữ, một từ miêu tả bị đảo ngược
lên vị trí đầu câu, thì cả câu đặt trọng tâm vào tân ngữ và vào từ miêu tả:
Lơ thơ tơ liễu buông mành.
Tần ngần đứng suốt giờ lâu.
Xăm xăm băng lối vườn khuya.
Nguyễn Du đã tạo ra được một thứ ngôn ngữ tao nhã mà không cầu kỳ,
giản dị, trau chuốt nhưng mộc mạc, sâu sắc nhưng vẫn dễ hiểu, công phu.
Điệp từ ngữ tức là lặp lại hoàn toàn, khi nó là tính từ, thì từ điệp mang sắc
thái giảm nhẹ và đặt trước danh từ thì lại mang thêm sắc thái bao quát:
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ cuối gềnh bắc ngang.
Sè sè nấm đất bên đường,
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Nếu đó là động từ, nó chỉ những tiếng động mạnh, tạo nên những cảm giác
mạnh trong lòng người đọc.:
Ào ào đổ lộc rung cây
Đùng đùng gió giật mây vần.
Biện pháp đảo ngược từ láy âm là hết sức quan trọng để đạt kết quả
nghệ thuật rất cao, Nguyễn Du nhờ vậy đã đưa ra được những câu lục bát rất
dân gian, nhưng lại rất nghệ thuật.
2.4. Sử dụng thủ pháp đối ngẫu, tiểu đối.
Tiểu đối là một biện pháp hết sức quan trọng đem đến cho câu thơ vẻ
súc tích, chặt chẽ rất cần thiết cho ngôn ngữ thơ, một ngôn ngữ lý tưởng.
biện pháp này Nguyễn Du đã sử dụng rất tài tình trong truyện Kiều làm cho
câu thơ tránh được tính chất nôm na, tẻ nhạt.
Đối ngẫu trong câu của truyện Kiều đa dạng hẳn. nó có thể là 3/3, 4/4, hoặc
đối trong từng bộ phận 2/2. Các hình thức đối của của truyện Kiều là đối
chọi như câu thơ “mai cốt cách tuyết tinh thần”, đối cân như ở câu“ngựa
xe như nước áo quần như nêm”, và đối một phần trong câu, gồm các hình
thức sau: đối nửa đầu câu “phong lưu, phú quý ai bì” , đối nửa câu như “trải
bao thỏ lặn ác tà”, đối giữa câu “nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm”.
Ngoài ra còn có đối hai đầu câu, mỗi câu thơ như mở ra hai cánh:
Lời vàng vâng lĩnh ý cao.
Đào tiên đã bám tay phàm
Sự lặp lại hai đầu câu cùng một chữ như phản chiếu đối xứng qua một
mặt gương có tác dụng nhấn mạnh và tạo nhạc điệu. Có trường hợp là đối
với hai từ tương phản hoặc khác biệt. Có khi trong một câu có hai cặp đối
liên tiếp:
Giọt dài/ giọt ngắn/ chén đầy/ chén vơi.
Và cả hình thức đối hồi hoàn như đối xứng qua một trục cũng rất đặc biệt
trong truyện Kiều:
Thúy Kiều là chị/ em là thúy vân
Thân còn chẳng tiếc/ tiếc gì đến duyên.
Đối ngẫu làm cho phép liệt kê trong miêu tả cảnh vật thêm hài hòa, thời gian
như chậm lại:
Kiều từ trở gót trướng hoa
Mặt trời gác núi /chiêng đà thu không
Hải đường ngọn lả đông lân
Giọt sương gieo nặng/ cành xuân la đà
Khi kể những việc đang diễn ra đồng thời phép đối ngẫu phát huy tác
dụng kỳ diệu, nó làm cho nhịp điệu vừa nhanh vừa dồn dập hơn diễn tả
đúng hoàn cảnh cửa nhân vật:
Ngại ngùng một bước một xa
Một lời trân trọng châu sa mấy hàng
Buộc yên quảy gánh vội vàng
Mối sầu sẻ nửa bước đường chia hai
Đối ngẫu trong truyện Kiều của Nguyễn Du góp phần làm cho nghệ
thuật tự sự sắc nét, hài hòa, giàu nhạc tính, vừa tạo thành chất thơ đậm
đà, vừa tạo nên vẻ đẹp trau chuốt cho lời thơ. Nếu ẩn dụ, điển cố làm
ngôn ngữ truyện Kiều trở thành ngôn ngữ biểu tượng, nội tại thì đối ngẫu
làm cho tác phảm thấm nhuần chất nhạc, vừa giàu có chất họa, vừa tương
phản, tương xứng nhịp nhàng, cân đối đầy nhịp điệu.
2.5. Sử dụng các kiểu thành ngữ,tạo điển mới.
Ngôn ngữ của Nguyễn Du là ngôn ngữ của người bình dân. Quả vậy,
ngôn ngữ của ông có nhiều thuật ngữ của lao động sản xuất. Thành ngữ
“đan dập giật giàm bỗng dưng” có nghĩa là “thêu dệt nên chuyên mà hãm
hại” . Chữ “dớp nhà” trong câu “dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài”
nghĩa là vận nhà rủi ro. Ông dùng nhiều tục ngữ như mèo mả gà đồng, tai
vách mạch rừng, giá áo túi cơm, phận cải duyên kim,…đem lại sắc thái dân
dã cho câu thơ mình.
Nét độc đáo, cái khó không thể bắt chước được của ngôn ngữ của ông
không phải ở từ ngữ cao sang, mà ở từ ngữ dung tục. Cho đến nay chưa ai
dùng nổi những từ ngữ này “hở môi ra cũng thẹn thùng”. Chữ “hở môi” có
vẻ thô tục, người bình thường sẽ nói hé môi. Nguyễn Du sử dụng những cấu
trúc mới, tạo nên một thứ ngôn ngữ trác tuyệt:
Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời.
Chữ dơ đặt ở đây cũng không mấy ai làm được, chữ tục tằn nhưng ý thì rất
đau xót. Cái vô địch của ngôn ngữ ông là nói đúng với tâm trạng nhân vật
của mình.
Trong lời ngôn từ nghệ thuật, việc sử dụng hợp lý thành ngữ là một
thuộc tính thẫm mỹ, tạo nên giọng điệu riêng cho tác phẩm. Có thể nói rằng
cách dùng thành ngữ, tục ngữ cũng là phương diện quan trọng góp phần
thành công về mặt ngôn từ nghệ thuật Truyện Kiều.
KẾT LUẬN
Tác giả truyện Kiều đã từ chất văn xuôi của truyện chuyển sang chất
thơ của mình, phải hóa thành thơ, phải dùng bút pháp thơ. Nguyễn Du đã
gạn lấy nét chính, lọc lấy tinh chất, tập trung vào tâm tình, tạo ra hình tượng
và những điệp khúc giàu nhạc điệu. Nguyễn Du dùng nhiều phương pháp
cách điệu hóa diễn tả đúng sự vật và chiếm lĩnh được toàn diện sự vật, sự
việc ấy.
Nhào nặn ngôn ngữ dân tộc, thổi hồn của mình vào trong, in dấu bất
hủ của ngôn ngữ, Nguyễn Du đã đạt tới đỉnh cao nhất của tính cách nhân
dân và tính cách quần chúng trong truyện Kiều. Thi sĩ đã diễn đạt được cái
thần của cả dân tộc mình vì vậy văn Kiều rất sống, rất tươi. Qua ngôn từ
nghệ thuật đặc sắc trong truyện Kiều ta cảm nhận lòng yêu sự sống dạt dào,
lòng tin dân tộc mạnh mẽ, một sức lực tinh thần hăng hái của Nguyễn Du.
Với một tấm lòng quý báu, một tình cảm nhân đạo chủ nghĩa đúng đắn,
cho nên ông đã yêu ghét phải đường, thương xót những người bị áp bức, đau
khổ. Truyện Kiều là một tác phẩm viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Từ đó ông đã
phản ánh xã hội, thời đại ông bằng những nét sâu sắc, điển hình, đã băn
khoăn thao thức về vận mệnh của con người trong xã hội cũ, về hạnh phúc
yêu đương, mơ ước sống tình nghĩa thủy chung, mơ ước đẹp trong xã hội.
Đi vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du trong truyện Kiều ta càng
thấy rõ Nguyễn Du là một bậc thầy ngôn ngữ, là một phù thủy của ngôn từ.
Những từ, những chữ của ông dùng rất đắt. Chính vì, kiệt tác Truyện Kiều là
đối tượng khám phá không cùng cho các lĩnh vực nghiên cứu văn học.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Tài Cẩn, (2004), Tư liệu truyện Kiều, NXB Văn học.
2. Xuân Diệu, (1981), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, NXB Văn học.
3. Xuân Diệu, (2000), Ba thi hào dân tộc, NXB Thanh niên.
4. Ngô Viết Dinh, (2007), Thời gian chưa đi hết một trang Kiều, NXB
Thanh niên.
5. Trịnh Bá Đĩnh, (chủ biên), (2001), Nguyễn Du tác gia và tác phẩm, NBX
Giáo dục.
6. Lương Ngọc Hà, Bài giảng văn học Việt Nam nửa cuối TK XVII- hết TK
XIX, Trường đại học sư phạm Đà Nẵng.
7. Vũ Hạnh, (1987), Đọc lại truyện Kiều, NXB Nghĩa Bình.
8. Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính, (2001), Nguyễn Du cuộc đời và tác
phẩm, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
9. Đặng Thanh Lê, (1979), Giảng văn truyện Kiều, NXB Giáo dục.
10. Hoài Phương, (tuyển chọn và biên soạn), (2005), Truyện Kiều những lời
bình, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
11. Phạm Đan Quế, (2003), Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện, NXB
Thanh niên.
12. Vũ Hữu Tiềm, (1999), Nguyễn Du-truyện Kiều, NXB Thanh niên.
13. Nguyễn Lộc, (1978), Văn học Việt Nam nửa cuối TK XVII-nửa đầu TK
XIX, NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp.
14. Huỳnh Văn Tới, (2000), Truyện Kiều- Nguyễn Du, NXB Đồng Nai.
15. Nguyễn Phong Nam, (2010), Giáo trình tác gia văn học trung đại,
Trường đại học sư phạm Đà Nẵng.
16. Trần Đình Sử, (2005), Thi pháp truyện Kiều, NXB Giáo dục
17. Lê Đình Kỵ, (1998), Phê bình nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục.
18. Lê Xuân Lít, (2001), Tìm hiểu từ ngữ truyện Kiều, NXB Đại học quốc
gia TP. Hồ Chí Minh.
19. Phan Ngọc, (2007), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều,
NXB Thanh niên.
20. Truyện Kiều- Nguyễn Du, (2006), NXB Hội nhà văn.
21. Đặng Thanh Lê, (1978), Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, NXB Sự
thật.
22. Nguyễn Quảng Tuân, (2000), Tìm hiểu Nguyễn Du và truyện Kiều, NXB
Khoa học xã hội- Trung tâm nghiên cứu quốc học.