Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Các vitamin làm chắc xương potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (104.34 KB, 5 trang )

Các vitamin làm chắc xương


Bộ xương của chúng ta là cột chống vững chắc cho cơ thể, tạo
hình dáng và bảo vệ các cơ quan nội tạng nằm bên trong khung xương
cũng như giúp chúng ta di chuyển trong không gian. Xương còn là một
kho chất khoáng như canxi, magie, phospho.
Bộ xương của chúng ta là cột chống vững chắc cho cơ thể, tạo hình
dáng và bảo vệ các cơ quan nội tạng nằm bên trong khung xương cũng như
giúp chúng ta di chuyển trong không gian. Xương còn là một kho chất
khoáng như canxi, magie, phospho. Các chất khoáng này có thể được huy
động để bảo đảm cân bằng nội môi. Xương được cấu tạo từ hai mô chính kết
hợp chặt chẽ với nhau: chất keo là các sợi collagen và chất vôi là phosphat
canxi. Có hai loại xương là xương đặc và xương xốp. Xương đặc chính là
các xương ở tay và chân, có tính chất chắc khỏe, chủ yếu đóng vai trò cơ
học. Xương xốp chứa tủy xương, còn có thêm chức năng tạo máu là thành
phần chính của xương cột sống, xương hông.
Các vitamin cần thiết cho xây dựng và phát triển khung xương
Đó là sự hiệp đồng hoạt động của nhiều loại vitamin, trong đó quan
trọng nhất phải kể đến vitamin D, vitamin K và vitamin C. Quá trình duy trì
bảo dưỡng xương yêu cầu nhiều yếu tố khác như hormon PTH, estrogen,
canxi và calcitonin. Nếu như tất cả các yếu tố này có mặt thì cả khung xương
của chúng ta có thể đổi mới hoàn toàn cứ sau 8-10 năm, sinh ra các xương
chắc khỏe. Mới đây, người ta cũng bắt đầu thiết lập được cả vai trò của
vitamin B12 làm giảm nồng độ homocystein và qua đó giảm được nguy cơ
gãy xương đùi.
Tác dụng của vitamin D
Vitamin D là một hormon, có tác động nhanh và đột ngột. Có hai loại
vitamin D là vitamin D2 và D3. Vitamin D3 còn gọi là cholecalciferol, kết
tinh trong da từ chất 7-dehydrocholesterol, dưới ảnh hưởng của bức xạ tử
ngoại. Vitamin D2 còn gọi là ergocalciferol, có nguồn gốc từ rau cỏ, nấm và


được hấp thu qua ăn uống. Trong cơ thể vitamin D chuyển hóa tại gan và
thận thành dạng có hoạt tính là 1,25-D3. Vitamin D tác động lên các cơ quan
như xương, ruột, thận thông qua thụ thể vitamin D tại các cơ quan này.
Vitamin D có vai trò quan trọng trong chuyển hóa canxi và xương, làm tăng
hấp thu canxi trong ruột bằng cách tăng tổng hợp các protein chuyên chở
canxi qua thành ruột. Khi vitamin D đủ thì cơ thể có thể hấp thu tới 30%
lượng canxi từ thực phẩm. Ở phụ nữ có thai và cho con bú, lượng vitamin D
cao cho phép hấp thu tới 50% canxi ăn vào. Tại thận, vitamin D làm giảm
bài tiết canxi và phospho, tức là giữ gìn những nguyên liệu quý giá này cho
xương. Tại xương, vitamin D đẩy mạnh sự khoáng hóa. Nó còn thúc đẩy gen
tổng hợp osteocalcin hoạt động. Tuy nhiên, một khi đã được tổng hợp thì
vitamin K lại cần thiết để hoạt động đúng đắn. Kết hợp vitamin K2 và 1,25
(OH) D3 chỉ ra hiệu quả khoáng hóa mạnh nhất vì sản xuất osteocalcin được
khởi động bởi 1,25 (OH) D3 và carboxyl hóa osteocalcin được cải thiện bởi
vitamin K2. Ngoài ra, vitamin D còn bảo vệ khung xương thông qua tác
dụng làm tăng cơ bắp và giảm nguy cơ té ngã.
Tác dụng của vitamin K
Vitamin K tác dụng chậm hơn cũng quan trọng không kém, và hiện
nay cũng được coi là một hormon. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin K
giúp duy trì sức mạnh xương ở những người cao tuổi. Hai nghiên cứu dịch
tễ, một là Boston Nurses Study, trên 72.000 phụ nữ trong 10 năm và một
nghiên cứu khác là Fragmingham trên 800 nam giới cao tuổi đã chỉ ra rằng
những người trưởng thành ăn ít vitamin K có nguy cơ gãy xương hông cao
hơn tới 30% so với những người thường ăn thực phẩm chứa vitamin K.
Vitamin K là thiết yếu để canxi hóa xương. Vitamin K2 đóng vai trò quan
trọng trong tạo thành acid gamma carboxyglutamic, một acid amin trong
thành phần của protein cơ bản của xương là osteocalcin. Osteocalcin có vai
trò điều hòa sự lớn của các tinh thể hydroxyapatite. Vitamin K thực hiện quá
trình carboxyl hóa protein, lắp "móng vuốt" cho protein để nó có thể quặp
giữ canxi. Protein không có đủ vitamin K thì không có đủ móng vuốt, do đó

không tóm được canxi. Đó là các protein "không carboxyl hóa" và không thể
kiểm soát được khoáng chất. Phụ nữ có osteocalcin không được carboxyl
hóa bài tiết canxi và xương của họ bị rỗng, xốp hơn.
Tác dụng của vitamin C
Bình thường vitamin C là đồng yếu tố (cofactor) của các men thúc đẩy
các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Nó tồn tại hai dạng trong tự nhiên: dạng
quay trái, có tác dụng xúc tác men và dạng quay phải có tác dụng chống ôxy
hóa. Dạng quay trái có tác dụng trong sự trưởng thành của các sợi collagen
bởi quá trình hydroxyl hóa lisin và prolin. Hydroxyprolin tạo thành sẽ có tác
dụng ổn định chuỗi xoắn ba (triple helice) của sợi collagen. Thiếu vitamin C
làm ảnh hưởng đến quá trình tạo sợi collagen, đặc biệt trong các mao mạch,
mô liên kết, mô xương. Vitamin C còn giúp cho protein osteocalcin và men
phosphatase kiềm của xương hoạt động, giúp cho quá trình khoáng hóa
xương. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin C làm tăng mật độ xương cột
sống và cổ xương đùi. Chế độ ăn thiếu vitamin C ở phụ nữ làm tăng nguy cơ
tương đối gãy xương.
Để khung xương chúng ta phát triển khỏe mạnh thì cơ thể cần cả một
số vitamin C, D, K. Các vitamin này chỉ cần với số lượng nhỏ, nhưng không
thể thiếu được. Việc có một chế độ ăn cân bằng hợp lý, nhiều rau xanh hoa
quả giàu vitamin C, K cũng như tắm nắng mặt trời để có được nguồn
vitamin D cần thiết chính là biện pháp nâng cao sức khỏe bộ xương của
chúng ta.

×