Tải bản đầy đủ (.pdf) (24 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: "MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ VẤN ĐỀ ĐẠI DIỆN TRONG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ " pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (164.94 KB, 24 trang )

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ VẤN ĐỀ ĐẠI DIỆN
TRONG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ
LÊ THỊ BÍCH THỌ
ThS., Phó Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM
Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (PLHĐKT) được Quốc
hội thông qua ngày 29/9/1989 đã đánh dấu một bước
phát triển mới của pháp luật về HĐKT ở nước ta. Có
thể nói PLHĐKT đã hoàn thành sứ mạng của mình
trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi từ nền
kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế hàng hóa
nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có
sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN.
Tuy vậy, qua hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những
thành công, PLHĐKT đã bộc lộ nhiều nhược điểm
cũng như sự bất cập cần phải được nghiên cứu, hoàn
thiện phù hợp với các đòi hỏi khách quan của cơ chế
quản lý kinh tế mới.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp về HĐKT đang có
nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định đại
diện ký kết HĐKT. Một trong các nguyên nhân của
tình trạng này là do quy định về đại diện trong ký kết
HĐKT còn nhiều bất cập. Trong phạm vi bài viết
này, chúng tôi chỉ giới hạn nghiên cứu ở một vấn đề
hiện đang có nhiều tranh cãi, đó là vấn đề đại diện
trong ký kết HĐKT.
1. Vấn đề đại diện trong ký kết hợp đồng kinh tế theo
quy định của pháp luật hiện hành:
Đại diện là một hoạt động phổ biến tất yếu trong các
lĩnh vực có sự phân công lao động đối với sản xuất,
phân phối hàng hóa và dịch vụ. Nhà sản xuất giao
việc mua nguyên vật liệu cho một người được ủy


quyền, một công ty giao cho nhân viên bán sản
phẩm… Vì rất nhiều lý do, những người này thay vì
phải tự mình thực hiện các giao dịch nhưng họ không
thể hoặc không muốn trực tiếp thực hiện các hành vi
đó. Vì vậy, họ sử dụng những “người giúp đỡ” thực
hiện hành vi với bên thứ ba “vì họ”, “theo tài khoản
của họ” như những “người được ủy quyền” hoặc
“trong lợi ích của họ”. Thuật ngữ đại diện được sử
dụng để chỉ những việc mà “người giúp việc” được
phép làm và không được phép làm trong khoảng thời
gian được thuê cũng như chức danh của họ. Theo
quan niệm của thông luật, đại diện không chỉ giới hạn
ở trường hợp một người nhận thay mặt cho một
người khác mà còn cả các trường hợp mà ở đó, người
đứng đầu phải chịu trách nhiệm về các hành vi vị
phạm pháp luật do nhân viên của mình gây ra. Ở đây
có sự phân biệt giữa các trường hợp người ủy quyền
cho người khác thực hiện các hành vi thay mặt mình,
nhân danh mình qua các hợp đồng trách nhiệm thuộc
thẩm quyền của người đại diện.
Lý thuyết về sự phân biệt giữa đại diện theo ủy quyền
và đại diện theo thẩm quyền được quy định bởi pháp
luật là một trong những thành tựu nổi bật của học
thuật pháp lý Đức cuối thế kỷ 19. Lý thuyết này đã
được đưa vào BGB1 và sau đó được thừa nhận ở các
nước theo hệ thống luật dân sự khác. Trên thực tế,
không Bộ luật dân sự kế tiếp nào lại không đưa ra sự
phân biệt giữa một đại diện thông qua hợp đồng và sự
đại diện do thẩm quyền2.
Ở Việt Nam, quan điểm trên cũng được thể hiện

trong các văn bản pháp luật về hợp đồng như Bộ luật
dân sự, PLHĐKT. Tuy nhiên, cách tiếp cận vấn đề
này của hai văn bản nói trên cũng khác nhau.
Vấn đề đại diện trong ký kết HĐKT được ghi nhận
tại Điều 9 của PLHĐKT và Điều 5 trong Nghị định
17/HĐBT ngày 16/1/1990 của Hội đồng Bộ trưởng
quy định chi tiết thi hành PLHĐKT, theo đó: Người
ký hợp đồng là đại diện hợp pháp của pháp nhân hoặc
người đứng tên đăng ký kinh doanh. Pháp nhân chỉ
có thể tham gia và quan hệ HĐKT thông qua người
đại diện của mình và người đại diện nhất thiết phải
hành động nhân danh pháp nhân và vì pháp nhân. Đại
diện hợp pháp của pháp nhân hoặc người đứng tên
đăng ký kinh doanh có thể ủy quyền bằng văn bản
cho người khác thay mình ký HĐKT. Theo quy định
trên, những người có thẩm quyền ký kết HĐKT là đại
diện hợp pháp hoặc đại diện theo ủy quyền của
những người đại diện hợp pháp.
Đại diện hợp pháp
Đại diện hợp pháp là người được pháp luật quy định
hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định có
thẩm quyền ký kết HĐKT. Người có thẩm quyền ký
kết HĐKT là đại diện hợp pháp của pháp nhân hoặc
người đứng tên đăng ký kinh doanh3 của Doanh
nghiệp tư nhân. Đối với cá nhân ký kết HĐKT, theo
Điều 42 PLHĐKT người ký hợp đồng phải là những
người trực tiếp thực hiện công việc trong HĐKT. Đối
với hộ kinh tế cá thể, người ký HĐKT là chủ hộ. Đại
diện hợp pháp của phá nhân và người được bổ nhiệm
hoặc được bầu vào chức vụ đứng đầu pháp nhân đó

và đương giữ chức vụ đó. Sử dụng thuật ngữ đại diện
hợp pháp để chỉ người có thẩm quyền ký kết hợp
đồng theo pháp luật là chưa chính xác vì dù là đại
diện theo pháp luật hay đại diện theo ủy quyền đều là
đại diện hợp pháp. Việc xác định người đứng đầu hợp
pháp của pháp nhân theo quy định trên là không đơn
giản. Pháp nhân kinh tế có thể là doanh nghiệp Nhà
nước, doanh nghiệp tập thể, công ty… Đứng đầu
pháp nhân có thể là giám đốc (Tổng giám đốc) đối
với doanh nghiệp Nhà nước, là chủ tịch hội đồng
quản trị đối với các công ty. Về vấn đề này BLDS
quy định chặt chẽ hơn. Đại diện theo pháp luật của
pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân theo quy
định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền4. Theo đó đại diện
theo pháp luật là người được pháp luật quy định hoặc
ghi nhận khả năng được là đại diện bởi một sự kiện
pháp lý đã được quy định là sự thống nhất của các
thành viên ghi trong điều lệ của tổ chức đó. Nội dung
này cũng được quy định trong Luật doanh nghiệp
19955.
Vấn đề đại diện theo luật được thừa nhận ở các nước
theo hệ thống luật dân sự, song lại không được thừa
nhận ở hệ thống thông luật. Theo luật Anh – Mỹ thì
ngay cả cha mẹ cũng không là đại diện đương nhiên
của người chưa thành niên trong các giao dịch pháp
lý. Các hợp đồng được ký với người chưa thành niên
đều không có giá trị trừ những hợp đồng “thiết yếu”
cho người chưa thành niên. Sự đồng ý của cha mẹ
cũng không có ý nghĩa trong việc tạo nên hiệu lực

của hợp đồng.
Đại diện theo ủy quyền
Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo
sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại
diện. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.
Điều 9 PLHĐKT quy định: Đại diện hợp pháp của
pháp nhân hoặc người đứng tên đăng ký kinh doanh
có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay
mình ký hợp đồng kinh tế. Người được ủy quyền chỉ
ký hợp đồng trong phạm vi được ủy quyền và không
được ủy quyền lại cho người thứ ba. Từ quy định trên
có thể nêu lên một số điểm như sau:
- Thứ nhất, Người được ủy quyền phải hành động
“nhân danh”, “trên tài khoản” và “vì lợi ích” của
người ủy quyền trong giao kết hợp đồng. Trách
nhiệm trước bên thứ ba thuộc về người ủy quyền.
Người được ủy quyền chỉ được ký hợp đồng trong
phạm vi được ủy quyền và không ủy quyền lại cho
người thứ ba, nói cách khác người được ủy quyền chỉ
được phép hành động trong quyền hạn mà mình được
giao. Trong trường hợp người được ủy quyền vượt
quá thẩm quyền thì hợp đồng được ký kết sẽ không
có hiệu lực. Khác với luật pháp của một số nước như
Pháp, Thụy Điển, nếu người được ủy quyền vượt quá
thẩm quyền mà người ủy quyền trao cho thì người
được ủy quyền vẫn bị ràng buộc trong quan hệ đối
với bên thứ ba, trừ trường hợp bên thứ ba này biết
hoặc cần phải biết rằng người được ủy quyền đã vượt
quá thẩm quyền.
- Thứ hai, Việc ủy quyền phải được lập thành văn

bản. Văn bản ủy quyền phải ghi rõ họ tên, chức vụ
của người ủy quyền, người được ủy quyền, số chứng
minh nhân dân của người được ủy quyền, nội dung
và thời hạn ủy quyền, ghi rõ số, ngày, tháng, năm của
giấy ủy quyền vào bản hợp đồng kinh tế, đồng thời
kèm theo văn bản ủy quyền vào HĐKT. HĐKT được
ký kết bởi những người không phải là đại diện hợp
pháp của pháp nhân, không phải là người được ủy
quyền hoặc được ủy quyền nhưng vượt quá thẩm
quyền và nội dung ký hợp đồng không nằm trong
phạm vi ủy quyền đó sẽ vô hiệu toàn bộ.
2. Những vướng mắc khi thực hiện quy định về đại
diện trong ký kết hợp đồng kinh tế:
Về hình thức pháp lý của việc ủy quyền
PLHĐKT mới chỉ đề cập đến một loại hình thức ủy
quyền không thường xuyên mà chưa làm rõ hình thức
của ủy quyền thường xuyên là loại ủy quyền thường
gặp. Khái niệm văn bản ở đây cũng được hiểu rất hạn
hẹp: phải là văn bản có đầy đủ các nội dung được
pháp luật quy định. Thực tế áp dụng pháp luật trong
lĩnh vực này có một số vấn đề cần được làm rõ:
- Một là, trong trường hợp người ký HĐKT không
phải là người đứng đầu của doanh nghiệp mà là
người phó được phân công phụ trách kinh doanh ký
kết hợp đồng hoặc những thành viên khác của pháp
nhân không có văn bản ủy quyền riêng kèm theo hợp
đồng. Thẩm quyền ký kết hợp đồng của những người
này trên thực tế đã được xác định tại văn bản phân
công, phân cấp hoặc điều lệ của doanh nghiệp. Các
văn bản trên có được coi là văn bản ủy quyền thường

xuyên để ký kết HĐKT không? Việc áp dụng trên
thực tế đối với vấn đề này là không thống nhất tùy
thuộc vào sự vận dụng của cơ quan giải quyết tranh
chấp. Có ý kiến không coi văn bản phân công là văn
bản ủy quyền thường xuyên vì:
+ Trái với quy định về ủy quyền;
+ Bản phân công không được ghi trong văn bản
HĐKT;
+ Sẽ hạn chế được tình trạng khi thấy có lợi thì xuất
trình bản phân công nội bộ còn không thì thôi.
Ý kiến khác lại thừa nhận vì cho rằng thông qua việc
phân công trách nhiệm, người đại diện hợp pháp đã
biểu thị sự trao quyền cho người được phân công
thực hiện một loại công việc thường xuyên, lâu dài.
Chúng tôi cho rằng ý kiến thứ hai chỉ hợp lý trong
trường hợp bản phân công trên được công bố công
khai trên phương tiện mà các chủ thể khác có nghĩa
vụ phải biết. Trong trường hợp sự phân công được
thể hiện trong điều lệ hoạt động của pháp nhân và
được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì bản phân
công đó phải được hiểu là văn bản ủy quyền thướng
xuyên và không nhất thiết phải kèm theo hợp đồng,
song pháp luật cũng cần quy định rõ là ngay khi ký
hợp đồng, các bên phải nêu rõ trong hợp đồng tư cách
của người ký kết.
- Hai là, thực tế có nhiều hợp đồng được ký bởi một
thành viên của pháp nhân không có ủy quyền, nhưng
trên thực tế hợp đồng đã được thực hiện và người đại
diện theo pháp luật không có ý kiến phản đối thì có
coi hợp đồng này không có hiệu lực pháp lý không?

Theo chúng tôi, trong trường hợp này cần phải xác
địn yếu tố chủ quan của người đại diện hợp pháp. Đó
là việc người này có biết hoặc có buộc phải biết việc
ký kết hợp đồng nói trên không? Nếu đại diện hợp
pháp của pháp nhân biết hoặc buộc phải biết tức là đã
có sự mặc nhiên thừa nhận của họ về việc ủy quyền
thì đó là điều kiện làm cho hợp đồng có hiệu lực pháp
lý.
- Ba là, văn bản hợp đồng do các đối tượng như trên
ký và được đóng dấu của cơ quan. Trường hợp này,
chúng tôi cho rằng cần xem việc đóng dấu của pháp
nhân vào văn bản hợp đồng là đã thừa nhận có sự ủy
quyền, bởi lẽ về nguyên tắc, việc xác định ai được ký
tên, đóng dấu cho loại văn bản nào là thuộc về sự
phân công trong nội bộ, nhưng con dấu lại thể hiện
mối quan hệ với bên ngoài. Người đại diện theo pháp
luật phải chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng mà
không được lấy lý do không có văn bản ủy quyền để
vô hiệu hợp đồng, trừ trường hợp có sự cố ý làm trái
của người ký hợp đồng.
Về thời hạn xác định ủy quyền
Việc xác định ủy quyền sau khi HĐKT đã được ký
kết: về nguyên tắc, việc ủy quyền đòi hỏi phải được
xác định trước khi ký HĐKT và văn bản ủy quyền
phải được đính kèm theo HĐKT. Tuy nhiên trên thực
tế, nhiều HĐKT do phó giám đốc doanh nghiệp ký,
không có sự ủy quyền của giám đốc nhưng sau đó
được giám đốc doanh nghiệp phê chuẩn bằng một
văn bản ủy quyền cho phó giám đốc đối với HĐKT
đã ký. Vậy việc phê chuẩn này có được chấp nhận

không? Vấn đề này cũng có nhiều cách hiểu khác
nhau. Cách hiểu thứ nhất cho rằng pháp luật có tính
nguyên tắc của nó. Do vậy, hành vi xác lập ủy quyền
trong trường hợp nêu trên là trái luật nên không được
thừa nhận. Việc xuất trình giấy ủy quyền phải được
thực hiện trước khi ký kết HĐKT và phải được ghi
trong văn bản HĐKT như luật định. Có cách hiểu
khác cho rằng việc phê chuẩn này là hợp pháp vì đó
là sự thể hiện ý chí của người được đại diện. Việc xác
lập ủy quyền sau khi ký kết hợp đồng kinh tế cần
được coi là có giá trị pháp lý. Lại cũng có quan điểm
cho rằng trong trường hợp này cần phân biệt sự xác
lập ủy quyền trước và sau tố tụng: Theo quan điểm
này nếu sự phê chuẩn được thực hiện trước khi phát
sinh tranh chấp đối với hợp đồng thì sự phê chuẩn đó
là hợp lệ. Văn bản phê chuẩn được coi là văn bản bổ
sung kèm theo văn bản HĐKT đã ký. Nếu sự phê
chuẩn được thực hiện sau khi đã phát sinh tranh chấp,
đã khởi kiện thì sự phê chuẩn không được thừa nhận
vì lúc này việc phê chuẩn được hiểu như một cách
hợp thức hóa để trốn tránh trách nhiệm.
Chúng tôi cho rằng nên xử lý vấn đề nêu trên theo
quan điểm thứ ba. Có như vậy mới tạo điều kiện cho
các đơn vị giao kết thực hiện một cách có hiệu quả
HĐKT đã ký.
Về người được ủy quyền: PLHĐKT không quy định
cụ thể ai có quyền và ai không có quyền đại diện theo
ủy quyền mà chỉ quy định rất chung là: người đại
diện hợp pháp của pháp nhân hoặc cá nhân đứng tên
đăng ký kinh doanh có thể ủy quyền cho người khác

ký thay. Vấn đề đặt ra là: có phải tất cả mọi người ai
cũng có thể được ủy quyền để ký HĐKT hay không?
BLDS đã đề cập đến vấn đề này tại khoản 2 Điều 152
như sau: người chưa thành niên, người mất năng lực
hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân
sư thì không được làm người đại diện theo ủy quyền.
Trong lĩnh vực HĐKT, vấn đề này cần được quy định
bằng cách chỉ rõ giới hạn các chủ thể không được đại
diện theo ủy quyền. Người không là thành viên trong
pháp nhân, người không chuyên về lĩnh vực nào đó
có được ủy quyền không? Cần phải hạn chế đối
tượng được ủy quyền để tránh những thiệt hại trong
việc ký kết HĐKT.
Về việc ủy quyền ký kết HĐKT đối với các chi
nhánh của pháp nhân: Việc ủy quyền ký kết hợo đồng
đối với các đơn vị có tư cách pháp nhân không đầy
đủ cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Điều này liên
quan đến các đơn vị thành viên của các công ty, tổng
công ty, các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn,
các chi nhánh của pháp nhân. Các chủ thể này muốn
ký kết HĐKT phải được các công ty, tổng công ty,
doanh nghiệp Nhà nước nói trên ủy quyền. Điều này
cần được quy định trong điều lệ của các doanh
nghiệp.
Thực tế trong thời gian gần đây, việc các chi nhánh
của pháp nhân ký kết hợp đồng nhằm mục đích kinh
doanh nhưng không có ủy quyền của người có thẩm
quyền, hoặc có ủy quyền nhưng người ủy quyền lại
để cho người được ủy quyền chịu trách nhiệm trực
tiếp về những hậu quả xảy ra. Hiện tượng này khá

phổ biến và là một trong những vấn đề vướng mắc
trong quá trình giải quyết các vụ án kinh tế tại các tòa
án địa phương. Từ tình hình đó, Tòa án nhân dân tối
cao đã có công văn số 11/KHXX ngày 23/1/1996
hướng dẫn như sau:
a) Nếu chi nhánh được sự ủy quyền hợp pháp của
người đứng đầu pháp nhân kí hợp đồng có mục đích
sản xuất, kinh doanh thì đó là hợp đồng kinh tế hợp
pháp, khi xảy ra tranh chấp thì Tòa án giải quyết theo
thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.
b) Nếu chi nhánh nhân danh pháp nhân kí hợp đồng
mà không được ủy quyền hợp pháp của người đứng
đầu pháp nhân, thì hợp đồng đó là vô hiệu theo qui
định tại điểm c khoản 1 Điều 8 PLHĐKT, và khi xảy
ra tranh chấp thì Tòa án giải quyết theo thủ tục giải
quyết các vụ án kinh tế.
c) Nếu chi nhánh không nhân danh pháp nhân mà tự
mình giao kết hợp đồng thì đó chỉ là hợp đồng dân
sự. Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này do Tòa
án giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.
Qui định tại điểm c trên đây, theo chúng tôi có thể sẽ
làm nảy sinh những bất hợp lí như sau
+ Chi nhánh của pháp nhân là một tổ chức có tư cách
pháp nhân không đầy đủ hoặc không có tư cách pháp
nhân. Chi nhánh là một đơn vị thành viên của pháp
nhân, vì vậy không thể nhân danh mình kí kết hợp
đồng được, nếu có thì người kí hợp đồng chỉ có thể
nhân danh cá nhân mình mà thôi.
+ Theo qui định của pháp luật, chi nhánh không là
chủ thể của quan hệ hợp đồng kinh tế, cũng không là

chủ thể của hợp đồng dân sự nên hợp đồng mà chi
nhánh kí không thể coi là hợp đồng dân sự của chi
nhánh đó như hướng dẫn của công văn 11/KHXX
được.
+ Chi nhánh của pháp nhân thông thường là đơn vị
hạch toán báo sổ, tài sản của chi nhánh là tài sản của
pháp nhân. Nếu coi chi nhánh là chủ thể của hợp
đồng dân sự như qui định tại công văn 11/KHXX của
Tòa án nhân dân tối cao thì ai sẽ chịu trách nhiệm tài
sản trong trường hợp chi nhánh vi phạm hợp đồng,
gây thiệt hại cho bên kia?
Bên cạnh đó, một vấn đề bức xúc có liên quan đến
việc ủy quyền trong ký kết hợp đồng kinh tế của chi
nhánh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các trường
hợp ký kết gián tiếp (bằng tài liệu giao dịch) phải
được thực hiện bởi chính đại diện hợp pháp của pháp
nhân. Thực tế các giao dịch trong lĩnh vực dịch vụ là
hoạt động thường xuyên, liên tục, lặp đi lặp lại những
nội dung như nhau với các chủ thể khác nhau đòi hỏi
người ký với một khối lượng lớn. Vì vậy, thông
thường các chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực này
(như hoạt động dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm…)
thường ký kết hợp đồng bằng tài liệu giao dịch bởi
những người được ủy quyền. Đòi hỏi nêu trên của
pháp luật tạo nên sự bất hợp lý trong thực tiễn áp
dụng các quy định của pháp luật về ủy quyền.
Từ những trình bày trên về đại diện trong ký kết
HĐKT có một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra
cần được xem xét:

- Một là, xác định đại diện đương nhiên ký kết hợp
đồng. Do chủ thể của quan hệ HĐKT chủ yếu là các
tổ chức, nên việc xác định người đại diện của chủ thể
là rất quan trọng. Pháp luật quy định đối với doanh
nghiệp là công ty nếu trong trường hợp điều lệ công
ty không quy định gì khác thì đại diện theo pháp luật
của công ty là giám đốc. Xuất phát từ quy định này
cho thấy đại diện hợp pháp của pháp nhân không phải
chỉ là người do pháp luật quy định mà còn có thể là
người được các pháp nhân lựa chọn theo nguyên tắc
tự do lựa chọn của các chủ thể. Vì vậy, có thể hiểu
quan hệ đại diện ở đây thực chất là quan hệ ủy quyền.
Người đại diện là người được pháp nhân ủy quyền để
thực thi các nhiệm vụ được giao thay mặt pháp nhân.
- Hai là, hình thức thể hiện sự ủy quyền không nên
chỉ giới hạn ở các văn bản ủy quyền mà phải hiểu
một cách rộng hơn, đó là các hình thức khác tương
ứng với các hợp đồng (văn bản, bằng miệng hoặc các
tài liệu khác thể hiện ý chí đích thực của các bên).
Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến hình thức thể hiện
mà không chú ý đến ý chí đích thực của người ủy
quyền, vì vậy đã thường xuyên xảy ra tình trạng: nếu
thấy bất lợi thì yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do
ký kết không đúng thẩm quyền. Theo chúng tôi, cần
căn cứ vào ý chí thực của các bên trong khi ký kết,
hoặc ngay cả đối với các hợp đồng đã được ký kết và
đã được thực hiện để xác định theo hướng thừa nhận
có ủy quyền.
- Ba là, cần có quy định rõ trách nhiệm của người
được ủy quyền trong trường hợp người này ký kết

hợp đồng không nhân danh người ủy quyền, không vì
lợi ích của người ủy quyền.
- Bốn là, không nên lấy việc phân định các cách thức
ký kết HĐKT làm cơ sở để loại trừ ủy quyền trong ký
kết gián tiếp như hiện nay.
- Năm là, cần có quy chế đại diện cho các đơn vị
thành viên của pháp nhân (chi nhánh).
- Sáu là, cần sử dụng thuật ngữ pháp lý thống nhất,
thay cho khái niệm “đại diện hợp pháp” là “đại diện
theo pháp luật” và “đại diện theo ủy quyền”.
1 Burgerliche Gesetzbuch: Bộ luật dân sự Đức
2 Zweigert&Kotz: Introductointo comperrative Law.
3 Điều 9 pháp lệng hợpđồng kinh tế và điều 5,6 Nghị
định 17/HĐBT ngày 16/1/1990
4 Điều 150 Bộ luật dân sự
5 Khoản 1, Điều 41 Luật Doang nghiệp: Trường hợp
điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng
thàng viên là người đại diện theo pháp luật, thì giám
đốc(Tổng giám đốc) là người đại diện theo pháp luật
của tổng công ty

×