Tải bản đầy đủ (.pdf) (17 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: "LỪA DỐI - YẾU TỐ VÔ HIỆU HỢP ĐỒNG KINH TẾ" pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (148.91 KB, 17 trang )

LỪA DỐI - YẾU TỐ VÔ HIỆU HỢP ĐỒNG
KINH TẾ
LÊ THỊ BÍCH THỌ
Thạc sĩ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP. HCM
Hợp đồng là sự thỏa thuận ý chí trong việc xác lập,
thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên
giao kết. ý chí giao kết hợp đồng của các bên giữ vị
trí vô cùng quan trọng trong việc xác định sự tồn tại
hay không của hợp đồng. Các biểu hiện của sự không
thống nhất ý chí (sự thể hiện ý chí khác nhau) hoặc
sự trái ngược giữa biểu hiện với ý chí đích thực của
các bên giao kết sẽ không hình thành nên một hợp
đồng có hiệu lực. Nói cách khác một hợp đồng được
giao kết dưới tác động của sự lừa dối, nhầm lẫn hay
đe dọa có thể không có giá trị vì trong các hoàn cảnh
như vậy, các cam kết được đưa ra không xuất phát từ
ý chí đích thực của người giao kết. Cũng như nhiều
quốc gia khác, pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam
thừa nhận lừa dối trong giao kết hợp đồng như một
yếu tố có thể đưa đến sự vô hiệu của hợp đồng. Tuy
nhiên, hiểu nó như thế nào, xác định các điều kiện để
một lừa dối là yếu tố vô hiệu hợp đồng lại được thể
hiện khác nhau trong pháp luật của mỗi quốc gia.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ dừng ở việc
làm rõ các vấn đề có liên quan đến lừa dối - yếu tố vô
hiệu của hợp đồng.
1. Khái niệm lừa dối trong giao kết hợp đồng
Lừa dối là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong
đời sống hàng ngày. Theo cách nói thông thường, lừa
dối là lừa bằng thủ đoạn nói dối, gian lận để làm cho
người ta nhầm tưởng mà nghe theo, tin theo, ví dụ:


thủ đoạn lừa dối của con buôn(1). Theo ngôn ngữ
pháp luật, lừa dối là một xảo thuật dùng để lừa gạt
người khác. Từ những lời lẽ gian dối đến mánh khóe
xảo trá dùng để khiến người ta giao kết hợp đồng đều
là lừa dối(2). Cũng có cách hiểu: “Lừa dối là hành vi
cố ý đưa thông tin sai không đúng sự thật nhằm để
người khác tin đó là sự thật. Nếu không có các thủ
đoạn ấy thì bên kia sẽ không giao kết hợp đồng”(3).
Các nhà khoa học pháp lý cũng như các nhà lập pháp
Việt Nam coi lừa dối trong giao dịch dân sự là hành
vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai
lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội
dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó(4).
Dù cách sử dụng ngôn từ có khác nhau song nội dung
của các khái niệm trên là không khác nhau. Đó là,
không phải bất cứ sự nói dối nào cũng đều bị coi là
lừa dối và việc xác định có tồn tại hay không sự lừa
dối trong giao kết hợp đồng phải có hai điều kiện:
một là, một bên phải sử dụng thủ đoạn để lừa người
khác và hai là, người kia phải nghe theo, làm theo
một việc nào đó (giao kết hợp đồng).
Thuật ngữ pháp lí “lừa dối” được hình thành từ thời
La Mã. Cổ luật La Mã lúc đầu đã coi lừa dối như một
tội phạm hình sự, theo đó những kẻ lừa dối sẽ bị
trừng phạt đối với sự lừa dối mang tính chất quan
trọng. Dần dần lừa dối đã được sử dụng trong lĩnh
vực dân sự và xem nó như một trong các yếu tố có
thể làm cho hợp đồng vô hiệu hay nói cách khác khi
có lừa dối, sự thỏa thuận trở thành khiếm khuyết và
bên bị lừa dối có quyền yêu cầu vô hiệu hợp đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế làm thế nào để xác định có sự
lừa dối là vấn đề rất phức tạp. Một sự khẳng định của
người bán hàng về thực trạng mà anh ta không biết có
phải là sự lừa dối không? Năng lực của người kí kết
hợp đồng có ý nghĩa gì không trong việc xác định có
hay không có sự lừa dối?
Khoa học pháp lý đã đưa ra những điều kiện để xác
định khi nào thì lừa dối tồn tại. Phần lớn pháp luật
các nước đều coi những lừa dối có tính chất quyết
định đến sự giao kết hợp đồng là yếu tố vô hiệu hợp
đồng. Tính chất quyết định thể hiện ở chỗ nếu không
dùng các mánh khóe như vậy thì sẽ không có giao kết
hợp đồng. “Sự lừa dối là căn cứ làm cho hợp đồng vô
hiệu khi các thủ đoạn do một bên đã thực hiện mà
nếu không có các thủ đoạn đó thì bên kia đã không kí
kết hợp đồng”(5). Việc một người bán hàng khoe
không đúng sự thật về hàng hóa của mình hoặc người
bán hàng nói giá quá cao (nói thách) thì không bị
xem là lừa dối, bởi lẽ trong các trường hợp này người
tiếp nhận thông tin không bị buộc phải kí hợp đồng
nếu họ không muốn.
Lừa dối chỉ được coi là yếu tố dẫn đến vô hiệu hợp
đồng khi một bên cố ý làm cho bên kia phải giao kết
hợp đồng không theo ý muốn thực. Lừa dối và nhầm
lẫn đều là những khiếm khuyết của sự thể hiện ý chí
của các bên trong giao kết hợp đồng và đều giống
nhau ở chỗ cả hai đều liên quan đến việc trình bày
một cách trực tiếp hay gián tiếp về những sự việc
không đúng sự thật hay không tiết lộ một sự thật.
Song sự lừa dối khác với nhầm lẫn ở chỗ: Sự nhầm

lẫn vốn do người kí kết hợp đồng tự mình hiểu sai
còn sự lừa dối là sự hiểu sai do đối phương gây ra. Sự
phân biệt giữa lừa dối và nhầm lẫn được xác định bởi
tính chất và mục đích của việc trình bày gian lận của
một bên. Nhầm lẫn hay lừa dối đều đưa đến hệ quả là
hợp đồng có thể bị vô hiệu do thỏa thuận không thể
hiện đúng ý chí thật của các bên.
Về nguyên tắc, hành vi lừa dối phải do chính một bên
giao kết hợp đồng thực hiện. Tuy nhiên, dù một
người kí kết hợp đồng không trực tiếp thực hiện hành
vi gian trá nhưng đã tham gia hoặc đồng lõa với hành
vi gian trá đó thì hành vi này cũng được coi là do
chính người kí hợp đồng thực hiện. Đối với người thứ
ba ngay tình thì sự ảnh hưởng của hậu quả pháp lí
không được tính đến. Pháp luật của một số nước,
trong một số trường hợp coi sự kiện không nói ra
điều mà người kí có trách nhiệm phải nói khi kí hợp
đồng cũng được coi là hành vi gian trá và trong một
số trường hợp pháp luật cũng thừa nhận việc khai
gian hay im lặng trong trường hợp xét một cách hợp
lý phải thông tin cho người cùng giao kết biết là lừa
dối. Khi đưa ra nguyên tắc hợp đồng thương mại
quốc tế, Unidroit(6) đã ghi nhận nguyên tắc: ”Một
bên trong hợp đồng được phép vô hiệu hợp đồng, nếu
bên đó giao kết hợp đồng do bị phía bên kia lừa dối
về sự việc, kể cả trong ngôn ngữ hoặc hành vi, hoặc
do bên kia (bên lừa dối) không cung cấp thông tin về
các yếu tố, mà theo những tiêu chuẩn thông thường
về công bằng và hợp lí trong thương mại họ phải
đựoc thông báo”(7). Như vậy, pháp luật nhiều nước

cũng như nguyên tắc thương mại quốc tế không chỉ
giới hạn sự biểu hiện của lừa dối ở hành vi, lời nói
mà thừa nhận cả trường hợp một bên không cung cấp
thông tin hoặc im lặng khi xét một cách hợp lí là họ
phải có nghĩa vụ thông báo. Đây là điểm mà pháp
luật của Việt Nam còn bỏ ngỏ. Pháp luật Việt Nam
hiện hành chỉ coi những hành vi cố ý của một bên mà
không thừâ nhận sự im lặng hoặc không thông tin khi
có nghiã vụ thông tin đến người cùng giao kết hợp
đồng là lừa dối. Chính cách tiếp cận như trên của
pháp luật đã không giải quyết được một trong các vấn
đề nảy sinh của thực tiễn thực hiện các hợp đồng mua
bảo hiểm ở Việt Nam trong thời gian gần đây là làm
thế nào để bảo vệ người mua bảo hiểm trước sự thiếu
hiểu biết của người mua bảo hiểm đối với các hợp
đồng bảo hiểm vô cùng phức tạp. Trong trường hợp
này nếu không có sự giải thích, hướng dẫn của bên
bảo hiểm thì người mua không thể hiểu một cách đầy
đủ trước khi kí kết hợp đồng. Bên cạnh đó pháp luật
cũng không thừa nhận sự lừa dối gián tiếp thông qua
người thứ ba là yếu tố làm cho hợp đồng có thể vô
hiệu.
Trong giai đoạn hiện nay các hợp đồng mẫu đóng vai
trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ tài
sản. Phần lớn các hợp đồng trong lĩnh vực vận tải,
dịch vụ đại chúng như cung ứng điện nước đều
được kí kết trên cơ sở các hợp đồng mẫu. Những hợp
đồng mẫu nhờ tính phổ biến và thông dụng mà trở
thành tập quán thương mạI(8). Những hợp đồng này
đã hình thành nên mối quan hệ không bình đẳng. Vì

vậy, đòi hỏi pháp luật phải có các qui định mang tính
ràng buộc điều chỉnh chúng. Đòi hỏi đối với các hợp
đồng này phải chặt chẽ hơn là phù hợp.
Tóm lại, để có thể xem xét một hành vi có phải là sự
lừa dối trong giao kết hợp đồng hay không người ta
căn cứ vào các yếu tố sau đây: Một là, phải có sự cố
ý đưa thông tin sai lệch hoặc bỏ qua sự thật của một
bên, Hai là, người nghe phải không biết đến sự sai
lệch đó. Ba là, người nghe đã tin vào sự sai lệch do
một bên đưa ra mà giao kết hợp đồng. Và bốn là, phải
có thiệt hại xảy ra.
2. Thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp
luật về vấn đề này ở Việt Nam
Khoa học pháp lí cũng như luật thực định ở Việt Nam
ghi nhận lừa dối như một điều kiện có thể vô hiệu
hợp đồng trong lĩnh vực hợp đồng dân sự rất rõ ràng
và cụ thể, song lại không thừa nhận một cách chính
thức trong giao kết hợp đồng kinh tế. Điểm c, khoản
1, Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã sử dụng
thuật ngữ lừa đảo và coi đây là tiêu chí xác định vô
hiệu toàn bộ hợp đồng kinh tế. Điều này thể hiện
quan điểm của các nhà lập pháp là chỉ coi các lừa gạt
đặc biệt nghiêm trọng mới đưa đến sự vô hiệu hợp
đồng. Vậy thế nào là lừa đảo, thuật ngữ này khác với
lừa dối như thế nào và sử dụng thuật ngữ nào trong
việc xác định vô hiệu hợp đồng là thích hợp.
Trước hết cần làm rõ thế nào là có hành vi lừa đảo.
Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế không qui định cụ thể
thế nào là lừa đảo. Trước đây Trọng tài kinh tế có
giải thích tại Thông tư 108/TT-PL như sau: Người kí

hợp đồng kinh tế có hành vi lừa đảo như giả danh, giả
mạo giấy tờ, chữ kí, con dấu, v.v thì hợp đồng kinh tế
đã kí bị coi là vô hiệu toàn bộ. Song văn bản trên đã
không còn hiệu lực kể từ khi trọng tài kinh tế chấm
dứt hoạt động. Tuy vậy, trên thực tế quan điểm trên
vẫn được thừa nhận trong quá trình giải quyết tranh
chấp về hợp đồng kinh tế. Theo Bộ luật Hình sự, lừa
đảo là hành vi gian dối, tức là đưa ra các thông tin
không đúng sự thật nhằm để người khác tin là sự thật.
Việc điều tra và kết luận hành vi “lừa đảo” thuộc
chức năng của các cơ quan công an, Viện kiểm sát,
Tòa án theo qui định của pháp luật. Tội danh lừa đảo
phải xử lý theo các qui định trong BLHS. Từ các qui
định trên về lừa đảo cho thấy một quan hệ giữa lừa
đảo trong hình sự và lừa đảo trong quan hệ kinh tế có
sự phân biệt tuy không thật rõ nét, đó là lừa đảo trong
hình sự được coi là tội phạm còn lừa đảo trong quan
hệ kinh tế không nhất thiết là tội phạm.
Để xác định có “hành vi lừa đảo” của người kí kết
hợp đồng kinh tế phải có sự kết luận của các cơ quan
có thẩm quyền. Do vậy khi chưa có kết luận của cơ
quan có thẩm quyền theo qui định của BLHS và
TTHS mà đã kết luận: hợp đồng kinh tế vô hiệu do
người kí hợp đồng kinh tế có hành vi lừa đảo và đưa
ra xử lý theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế là chưa bảo
đảm cơ sở pháp lí.
Về vấn đề này có quan điểm cho rằng theo qui định
của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, khi phát hiện hợp
đồng kinh tế vi phạm pháp luật, cơ quan có thẩm
quyền xử lý phải xử lý về mặt kinh tế, kết luận hợp

đồng kinh tế vô hiệu toàn bộ rồi sau đó nếu phát hiện
có dấu hiệu phạm tội mới chuyển hồ sơ sang cho cơ
quan pháp luật có thẩm quyền (VKS, Tòa án) để điều
tra truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính sự không
thống nhất trong cách hiểu về một thuật ngữ trong
các lĩnh vực pháp luật khác nhau đã đưa đến sự
không thống nhất trong áp dụng luật.
Theo quan điểm trên thì việc kết luận và xử lý Hợp
đồng kinh tế vô hiệu là cần thiết. Tuy nhiên lại có
một vấn đề đặt ra là sau khi cơ quan có thẩm quyền
kết luận người kí kết hợp đồng kinh tế không có
“hành vi lừa đảo” thì việc giải quyết tiếp theo sẽ như
thế nào? Hậu quả pháp lý thuộc về ai nếu kết luận
của cơ quan xử lý hợp đồng kinh tế chỉ mang tính
phỏng đoán, không có cơ sở pháp lý nào cả? Trên
thực tế việc kết luận và xử lý Hợp đồng kinh tế vô
hiệu toàn bộ vì lí do người kí hợp đồng kinh tế có
hành vi lừa đảo gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp.
Cách tiếp cận như trên của Pháp lệnh Hợp đồng kinh
tế đã không thực sự quan tâm đến ý chí đích thực của
các bên giao kết. Bởi trong nhiều trường hợp chưa có
đủ cơ sở để kết luận có hành vi lừa đảo, song ý chí
của một bên giao kết hợp đồng vẫn có thể bị khiếm
khuyết. Giao dịch dân sự-kinh tế không quan tâm đến
việc ai đó có tội hay không mà điều người giao kết
quan tâm là lợi ích của mình trong giao dịch có đạt
đựợc hay không. Vì vậy, đưa ra dấu hiệu có hành vi
lừa đảo làm tiêu chí xác định vô hiệu hợp đồng kinh
tế là chưa thỏa đáng và chưa thực sự bảo vệ quyền,
lợi ích hợp pháp cho bên giao kết ngay tình và không

có lỗi. Vì vậy, chúng tôi cho rằng sử dụng thuật ngữ
“Lừa dối” như qui định của Bộ luật Dân sự là thích
hợp.
Có một vấn đề mà thực tiễn kí kết hợp đồng kinh tế
đặt ra là hợp đồng kinh tế khống chỉ (hợp đồng kinh
tế có chữ kí trước của người có thẩm quyền kí kết
hợp đồng kinh tế theo pháp luật và đóng dấu sẵn).
Những hợp đồng kinh tế kí dựa trên các văn bản
khống chỉ như thế có vô hiệu không? Có ý kiến cho
rằng hợp đồng kinh tế nói trên sẽ chỉ được coi là vô
hiệu khi bên đối tác yêu cầu cơ quan có thẩm quyền
kết luận là Hợp đồng kinh tế vô hiệu vì trong trường
hợp này có lỗi của người đại diện. Theo tôi trường
hợp trên không thể coi như một sự lừa đảo. Hợp đồng
kinh tế vẫn có hiệu lực và người kí các bản hợp đồng
kinh tế khống chỉ đó phải chịu trách nhiệm trừ trường
hợp phía đối tác biết chắc tình trạng khống chỉ.
Từ những phân tích trên chúng tôi có một số đề xuất
sau:
- Thứ nhất, cần thiết phải có sự thống nhất trong sử
dụng các thuật ngữ pháp lí và trong trường hợp này
sử dụng khái niệm “lừa dối” là hợp lí, chặt chẽ và
thống nhất hơn. Các giao dịch dân sự và kinh tế thực
hiện dưới tác động của sự lừa dối đã đủ để chúng bị
coi là vô hiệu. Lừa dối khác với lừa đảo ở chỗ là lừa
dối không nhằm chiếm đoạt tài sản mà chỉ nhằm có
được hợp đồng. Người kí hợp đồng có hành vi lừa
dối ở đây được hiểu là những người có hành vi cố ý
làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung hoặc hình thức
công việc đã thỏa thuận hoặc có hành vi gian dối, lợi

dụng sơ xuất để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho
bên kia.
- Thứ hai, cần xác định điều kiện đưa đến sự lừa dối
đối với các hợp đồng mẫu (hợp đồng được một bên
mà thường là bên cung cấp dịch vụ soạn thảo trước
theo mẫu và sẽ được hình thành khi một bên kí vào
hợp đồng) trong trường hợp bên đưa ra hợp đồng
mẫu mà không giải thích rõ làm cho bên kia vì không
biết rõ hoặc không để ý mà kí hợp đồng cũng là lừa
dối.
- Thứ ba, cũng cần xác định trách nhiệm của người
thứ ba trong quan hệ hợp đồng bị vô hiệu.
(1) Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn
hóa – Thông tin, 1998, tr. 1068.
(2) Trần Thúc Lanh, Danh từ pháp luật lược giải, Nhà
sách Khai Trí, Sài Gòn, tr. 378.
(3) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật dân
sự.
(4) Bộ luật Dân sự 1995, Điều 142.
(5) Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa Pháp, Nhà văn
hóa Việt – Pháp, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 1998.
(6) Viện Thống nhất Tư pháp quốc tế.
(7) Unidroit, Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc
tế, Nxb TP. HCM, 1999, Điều 3.8.
(8) Những quy định chung của Luật hợp đồng ở
Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, 1993,
tr. 8



×