XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI TRIẾT LÝ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH
TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ
BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
PGS. TS. NGUYỄN ĐĂNG QUANG
Bộ môn Kinh tế Bưu chính Viễn thông
Khoa Vận tải - Kinh tế
Trường Đại học Giao thông Vận tải
Tóm tắt: Đạo đức kinh doanh là một vấn đề mới mẻ trong hoạt động kinh doanh bưu
chính viễn thông (BCVT). Do đó có rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, xem xét. Trong
khuôn khổ bài báo này tác giả chỉ đề cập tới một số khía cạnh đạo đức kinh doanh trong hoạt
động kinh doanh BCVT và việc xây dựng đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp viễn thông.
Summary: Business ethics, which is quite new in posts and telecommunications services,
needs to be carefully studied. This article emphasizes some aspects of business ethics in posts
and telecommunications services and the creation of business ethics in posts and
telecomunications enterprises.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây, vấn đề văn
hóa kinh doanh và đạo đức kinh doanh đang
được các doanh nghiệp nói chung và doanh
nghiệp BCVT ở nước ta đặc biệt quan tâm.
Đối với các nhà quản trị doanh nghiệp bưu
chính viễn thông (BCVT), lợi nhuận là một
trong những yếu tố cần thiết cho sự tồn tại và
phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu
các nhà quản trị doanh nghiệp BCVT hiểu sai
bản chất của lợi nhuận, coi đó là mục tiêu
chính của doanh nghiệp và bằng mọi giá để
đạt được lợi nhuận thì sự tồn tại của doanh
nghiệp có thể sẽ bị đe doạ. Mặt khác, doanh
nghiệp BCVT là một nhân tố không thể tách
rời của hệ thống kinh tế – xã hội, do đó doanh
nghiệp luôn phải tìm cách hài hoà về lợi ích
của các đối tượng hữu quan như khách hàng,
người lao động, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư,
Vì vậy, trong hoạt động kinh doanh BCVT,
khi đưa ra các quyết định quản lý cần phải xác
định các giá trị, lợi ích cần tôn trọng, đồng
thời phải cân đối hài hoà và chấp nhận hy sinh
một phần lợi ích riêng, lợi nhuận. Tức là phải
vận dụng triết lý đạo đức trong kinh doanh,
hay nói một cách khác là đạo đức kinh doanh.
II. THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC
KINH DOANH TRONG HOẠT ĐỘNG
KINH DOANH BCVT
Đạo đức là một phạm trù rất rộng đề cập
tới mối quan hệ con người và các quy tắc ứng
xử trong mối quan hệ giữa con người với con
người trong các hoạt động sống. Còn đạo đức
kinh doanh được hiểu là những nguyên tắc và
chuẩn mực có tác dụng hướng dẫn hành vi
trong mối quan hệ kinh doanh. Chúng được
những người hữu quan như nhà đầu tư, khách
hàng, đối tác, đối thủ cạnh tranh, sử dụng
để phán xét một hành động cụ thể là đúng hay
sai, hợp đạo đức hay phi đạo đức [1]. Cho dù
các đối tượng hữu quan không phải lúc nào
cũng đúng, những phán xét của họ luôn tác
động đến sự chấp thuận của xã hội đối với
doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp BCVT.
Đạo đức kinh doanh hiện nay càng có ý
nghĩa trong quản lý hoạt động kinh doanh
BCVT, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa
nền kinh tế thế giới và Việt Nam vừa trở
thành thành viên chính thức của WTO. Đạo
đức kinh doanh không phải chỉ là sự mở rộng
của đạo đức cá nhân. Có quan điểm cho rằng
chỉ cần tuyển dụng được những nhân viên có
tư cách đạo đức tốt thì sẽ có một tổ chức lành
mạnh và có hiệu quả. Tuy nhiên, đạo đức cá
nhân và nhân cách con người chỉ là một nhân
tố quan trọng tham gia vào quá trình ra quyết
định về đạo đức. Những vấn đề phải đương
đầu trong kinh doanh dịch vụ BCVT không
hoàn toàn giống như những vấn đề đạo đức
trong đời sống xã hội. Một người quản lý có
quan điểm đạo đức đúng đắn có tư cách đạo
đức cá nhân tốt chưa phải là đủ để tạo ra được
một tổ chức có đạo đức kinh doanh đúng đắn
và mang lại những kết quả hoạt động kinh
doanh xuất sắc. Phẩm chất đạo đức tốt của
người quản lý có thể giúp giải quyết một số
vấn đề đạo đức kinh doanh nảy sinh trong tổ
chức. Nhưng để tạo ra một tổ chức có đạo đức
kinh doanh tốt - đạo đức tổ chức - còn cần
nhiều hơn nữa, trong đó điều kiện quan trọng
là nhận thức được bản chất của những mối
quan hệ trong kinh doanh, những vấn đề và
mâu thuẫn tiềm ẩn, và tìm ra được biện pháp
quản lý khắc phục trở ngại về sự khác biệt có
thể dẫn tới bất đồng, tạo dựng một bầu không
khí thuận lợi cho mọi người hoà đồng, phát
huy nhân cách và đóng góp cho sự phát triển
của tổ chức.
Những vấn đề khía cạnh đạo đức thường
nảy sinh từ sự mâu thuẫn trong quan niệm về
giá trị đạo đức giữa các cá nhân, giữa cá nhân
với một tổ chức, xã hội nơi họ đang sống và
làm việc. Trong khi đang cố gắng hoàn thành
những mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp
BCVT đôi khi đã coi nhẹ, thậm chí gây khó
khăn cho người lao động trong việc thực hiện
những mục tiêu cá nhân chính đáng và hợp
thức của mình. Chẳng hạn, để có thể hoàn
thành kế hoạch doanh thu không ít đơn vị
trong ngành BCVT đã giao nhiệm vụ cho mỗi
nhân viên của đơn vị phải bán được một số
lượng thẻ điện thoại nhất định. Điều này đã
gây khó khăn cho những người lao động có ít
mối quan hệ xã hội trong việc hoàn thành
nhiệm vụ của mình. Trong nhiều trường hợp,
người lao động phải chấp nhận bán thẻ với giá
thấp hơn mệnh giá được giao. Do đó đã làm
nảy sinh mâu thuẫn giữa quyền lợi và trách
nhiệm của người lao động trong đơn vị.
Trong nhiều trường hợp, mâu thuẫn nảy sinh
ngay trong mối quan hệ hợp tác, phối hợp
giữa các cá nhân trực tiếp hoặc thông qua
phương tiện kỹ thuật. Đặc biệt phổ biến, mâu
thuẫn thường xuất hiện trong những vấn đề
liên quan đến lợi ích.
Những mâu thuẫn trong hoạt động kinh
doanh BCVT có thể xuất hiện trên các khía
cạnh khác nhau, như triết lý hành động, mối
quan hệ quyền lực trong cơ cấu tổ chức, sự
phối hợp trong các hoạt động tác nghiệp hay
phân phối lợi ích; ở các lĩnh vực như
marketing, điều kiện lao động, nhân lực tài
chính hay quản lý. Mâu thuẫn có thể xuất hiện
trong mỗi con người, giữa những người hữu
quan bên trong doanh nghiệp như chủ sở hữu,
người quản lý, người lao động hay với những
người hữu quan bên ngoài như với khách
hàng, đối tác - đối thủ cạnh tranh hay cộng
đồng xã hội.
Trong thực tiễn hoạt động kinh doanh
BCVT hiện nay, các doanh nghiệp BCVT
luôn hành động vì lợi ích kinh tế riêng của
mình. Tuy nhiên, các mối quan hệ kinh doanh
liên quan tới đạo đức cần phải được xây dựng
và phát triển trên cơ sở tính trung thực, công
bằng và tin cậy lẫn nhau. Thiếu đi những cơ
sở quan trọng này, mối quan hệ sẽ rất khó
thiết lập và duy trì, công việc kinh doanh ngày
càng bấp bênh, chi phí càng tăng, hiệu quả
kinh doanh thấp, giá thành tăng lên, cạnh
tranh khó khăn, điều kiện kinh doanh càng
không thuận lợi, lợi ích riêng càng khó thoả
mãn. Tối thiểu các doanh nghiệp BCVT cần
phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện
hành. Ngoài ra họ không được tiến hành bất
kỳ một hành động nào có thể gây hại cho
người tiêu dùng, khách hàng, người lao động,
cũng như gây hại cho đối thủ cạnh tranh.
Trong thực tiễn hoạt động kinh doanh
BCVT trong thời gian qua, giữa các nhà cung
cấp dịch vụ BCVT đã xảy ra một số sự cố gây
ảnh hưởng đến hoạt động của nhau. Điển hình
là việc kết nối mạng viễn thông giữa các
doanh nghiệp như Tổng công ty viễn thông
Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần dịch vụ
BCVT Sài gòn (SPT), Công ty thông tin viễn
thông điện lực (EVN Telecom) và mạng viễn
thông của Tập đoàn BCVT Việt nam (VNPT)
đã gặp rất nhiều khó khăn. Và những sự cố
này đã gây ra sự cố nghẽn mạch hoặc không
liên lạc được giữa các thuê bao của các mạng
khác nhau (chẳng hạn sự cố mạng di động 098
tháng 6 năm 2005). Khi xảy ra sự cố cả hai
bên đều đổ lỗi cho nhau, nhất là các doanh
nghiệp mới cho rằng nguyên nhân chính trong
các sự cố này là từ vị thế độc quyền của
VNPT. Thực tế, tại một số tỉnh, thành phố
các Bưu điện tỉnh, thành phố này đã cố tình
gây khó khăn trong việc kết nối mạng viễn
thông của họ với mạng viễn thông của các
doanh nghiệp mới. Hay là sự cố kết nối mạng
giữa mạng của EVN Telecom và mạng viễn
thông của VNPT (tháng 7/2006). EVN
Telecom cho rằng VNPT đã không tạo điều
kiện mở thêm cổng kết nối để đáp ứng dung
lượng mạng cố định của EVN Telecom, gây
ra tình trạng nghẽn mạch triền miên tại một số
tỉnh, thành phố. Mặc dù sau đó Bộ Bưu chính,
viễn thông (cũ) đã có chỉ thị cho VNPT thực
hiện việc đáp ứng yêu cầu của EVN Telecom,
nhưng VNPT cũng chỉ thực hiện theo kiểu
“nghẽn đâu cấp đấy”. Tuy nhiên, cũng phải
thừa nhận một thực tế rằng, do nóng vội trong
việc phát triển thị trường, các doanh nghiệp
mới cũng thực hiện những hành vi cạnh tranh
không trung thực. Bất luận một vấn đề gì xảy
ra liên quan đến sự cố mạng họ đều nhanh
chóng đổ lỗi cho VNPT, mặc dù sau đó khi
điều tra nguyên nhân sự cố có sự tham gia của
các cơ quan nhà nước về BCVT thì việc xảy
ra các sự cố đều có lỗi của cả hai bên. Chẳng
hạn, trong sự cố kết nối mạng giữa VNPT và
EVN Telecom năm 2006, Công ty viễn thông
điện lực cho rằng họ bị VNPT gây khó dễ
trong việc kết nối mạng. Nhưng trên thực tế,
các dịch vụ E - Com, E - Phone do EVN
Telecom cung cấp có vùng hoạt động đã vi
phạm Giấp phép do Bộ BCVT cấp. Do dịch
vụ E - Phone được đăng ký là dịch vụ di động
nội tỉnh và được Bộ BCVT cấp mã số vùng
cho thuê bao theo từng địa phương. Nhưng
thuê bao E - Phone của EVN Telecom khi di
chuyển ra ngoài vùng đang ký vẫn có thể gọi
được. Như vậy là EVN Telecom đã phạm luật
và không tuân thủ luật cạnh tranh lành mạnh.
Mặt khác, khi thực hiện hoạt động quảng
cáo các doanh nghiệp này đều cho rằng họ có
giá cước rẻ hơn của VNPT, nhưng lại không
trung thực trong việc họ có giá cước rẻ là nhờ
có sự trợ giúp của cơ chế, chính sách của Nhà
nước, do các doanh nghiệp này được chủ động
xây dựng phương án tính cước. Còn VNPT là
doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế nên
chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước về giá
cước dịch vụ BCVT, cho nên VNPT không
thể chủ động giảm cước nếu không có sự cho
phép của Bộ BCVT.
Một vấn đề nữa là trong hoạt động kinh
doanh BCVT hiện nay, để phát triển thị
trường, các doanh nghiệp BCVT chủ yếu sử
dụng công cụ cạnh tranh là giảm giá hoặc
miễn phí cước lắp đặt, tặng tiền vào tài khoản,
giảm cước Tuy nhiên, việc giảm cước liên
tục có thể làm tăng thị phần, phát triển thị
trường tại một thời điểm hoặc trong một
khoảng thời gian nào đó, nhưng nó cũng chứa
đựng một nguy cơ tiềm ẩn là có thể làm cho
chính doanh nghiệp bị khánh kiệt về nguồn
lực, không còn khả năng và tiềm lực để đổi
mới công nghệ kịp thời và sẽ dẫn tới khả năng
giảm năng lực cạnh tranh do lợi nhuận thu
được sụt giảm. Sự phát triển thuê bao quá
nhanh khi dung lượng mạng lưới chưa được
đầu tư tương xứng, dẫn đến chất lượng dịch
vụ giảm như các cuộc gọi bị rơi, hiện tượng
nghẽn mạch, thuê bao không liên lạc được đã
xãy ra hầu hết đối với các mạng di động trong
thời gian vừa qua, thì lại ảnh hưởng đến
quyền lợi của khách hàng. Trên bình diện nền
kinh tế quốc dân, việc phát triển thuê bao,
nhất là thuê bao trả trước trong thời gian qua
bằng cách khuyến mại ồ ạt đã nhanh chóng
làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia.
Đối với những đối tượng hữu quan bên
ngoài như khách hàng sử dụng dịch vụ BCVT,
đối thủ cạnh tranh, cộng đồng và Chính phủ,
vấn đề đạo đức liên quan đến những thông tin
thường thể hiện ở những thông điệp quảng
cáo và thông tin về khả năng của mạng lưới,
dịch vụ, Người quản lý, tổ chức hay một
công ty có thể sử dụng quyền lực trong việc ra
quyết định về nội dung để cung cấp những
thông tin không chính xác hoặc sai lệch có
chủ ý có lợi cho họ.
Trong hoạt động kinh doanh BCVT, một
trong những biểu hiện cụ thể của các vấn đề
đạo đức kinh doanh là việc quảng cáo không
trung thực trong hoạt động quảng cáo dịch vụ
BCVT. Khách hàng sử dụng dịch vụ BCVT
không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra
được sự lừa gạt, bởi vì sự lừa gạt thường được
che giấu rất kỹ lưỡng dưới các hình thức, hình
ảnh, lời văn rất hấp dẫn. Sự lừa gạt tiềm ẩn cả
trong những lời lẽ, câu chữ mập mờ, không rõ
ràng dễ dẫn đến hiểu sai, ngay cả khi điều đó
không phải là chủ ý của người cung cấp thông
tin. Có thể minh hoạ qua việc quảng cáo dịch
vụ Internet ADSL của các doanh nghiệp.
Trong thông điệp quảng cáo với tốc độ tải
xuống tối đa 2Mbps, tải lên là 512 Kbps, hầu
hết khách hàng đều tin rằng với tốc độ này họ
sẽ dễ dàng truy nhập mạng Internet hơn. Tuy
nhiên, trên thực tế hiện nay nhiều khi tốc độ
truy nhập Internet ADSL rất chậm. Một điều
dễ nhận ra rằng, trong thông điệp quảng cáo
của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
Internet ADSL, không hề có thông tin về tốc
độ tối thiểu. Do đó, khi tốc độ truy nhập có
chậm chăng nữa thì các doanh nghiệp cung
cấp dịch vụ vẫn có lý do để bào chữa cho chất
lượng dịch vụ không đảm bảo của mình và
khách hàng lại là người chịu thiệt. Hoặc là khi
quảng cáo về các dịch vụ của mình, các nhà
cung cấp dịch vụ thường không nói rõ khả
năng có thể cung cấp dịch vụ. Do vậy, khi
khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ thì lại
phải chờ đợi và nhận được những câu trả lời
như là hết cổng, hết cáp,
Thông tin không chính xác có thể làm
mất đi sự tin cậy của khách hàng sử dụng dịch
vụ BCVT. Nó dẫn đến những tình trạng khó
xử về mặt đạo đức trong các hoạt động thông
tin đối với bên trong và bên ngoài vì đã làm
mất đi niềm tin. Mất niềm tin dẫn đến mất
khách hàng sử dụng dịch vụ BCVT và có thể
là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tồn vong và
phát triển của doanh nghiệp BCVT.
Nguyên nhân của các tồn tại về đạo đức
kinh doanh của hoạt động kinh doanh BCVT
có nhiều loại. Chẳng hạn, dưới góc độ pháp
luật, hiện nay tại nước ta chưa có bộ luật Bưu
chính, luật Viễn thông. Do tốc độ phát triển
như vũ bão của công nghệ thông tin và công
nghệ tin học, sự hội tụ giữa viễn thông – tin
học – truyền thông, giữa cố định và di động đã
gây ra không ít khó khăn trong công tác xây
dựng, thực thi và kiểm tra việc thực hiện các
văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến
hoạt động kinh doanh BCVT. Trong một số
trường hợp, việc ban hành các văn bản pháp
luật có liên quan quá chậm so với tốc độ phát
triển của công nghệ viễn thông và công nghệ
thông tin. Một ví dụ là khi xin phép cung cấp
dịch vụ EVN Telecom chỉ được cấp phép
cung cấp dịch vụ cố định và di động, và dịch
vụ E - Phone được triển khai trên cơ sở giấy
phép dịch vụ điện thoại cố định và được Bộ
TT & TT cấp mã số vùng cho thuê bao theo
từng địa phương. Nhưng do E - Phone được
cung cấp trên cơ sở hạ tầng công nghệ
CDMA-2000 1X nên thuê bao E – Phone của
EVN Telecom khi di chuyển ra ngoài vùng
đang ký vẫn có thể gọi được, nếu tại khu vực
này có trạm thu phát sóng. Đứng trên góc độ
pháp luật thì việc này vi phạm quy định của
Bộ TT & TT. Nhưng nếu xét dưới góc độ
công nghệ và quyền lợi của khách hàng thì có
thể những quy định về dịch vụ này cần phải
được xem xét lại. Bản chất của dịch vụ E -
Phone có tính chất như dịch vụ di động nhưng
giá cước lại được tính như một mạng cố định.
Như vậy EVN telecom đã phá vỡ toàn bộ định
hướng chính sách cũng như quy hoạch về kho
số hiện nay của Bộ TT & TT. Như vậy vấn đề
cần xác định hiện nay là dịch vụ E - Phone là
dịch vụ gì? Cố định hay di động? Hay là dịch
vụ giữa cố định và di động? Bởi vì mỗi dịch
vụ cần phải có một phương án kinh doanh
khác nhau.
Một trong những tồn tại về đạo đức kinh
doanh trong hoạt động kinh doanh BCVT là
quyền lợi và trách nhiệm của nhà cung cấp
dịch vụ BCVT và khách hàng sử dụng dịch
vụ. Khi những sự cố xảy ra ảnh hưởng đến
quyền lợi của khách hàng thì các nhà cung cấp
thường đổ lỗi cho các nguyên nhân khách
quan, cho các đối thủ cạnh tranh, nhưng rất ít
khi nhận lỗi về mình. Đa số khách hàng sử
dụng dịch vụ khi bị xâm phạm đến quyền lợi
thường chỉ phàn nàn về chất lượng dịch vụ
của doanh nghiệp không đảm bảo chứ ít ai
đưa vấn đề đó ra toà để bảo vệ quyền lợi hợp
pháp của người tiêu dùng.
Một vấn đề hiện nay đang được nhắc đến
là sự độc quyền của một số nhà cung cấp dịch
vụ BCVT tại một địa bàn kinh doanh cụ thể
trong khi Nhà nước đang cố gắp tạo mọi điều
kiện phá bỏ độc quyền trong BCVT. Tại các
khu đô thị mới, do có sự thoả thuận giữa Ban
quản lý khu đô thị và một nhà cung cấp dịch
vụ BCVT nào đó, mà việc cung cấp dịch vụ
BCVT tại đây chỉ do một doanh nghiệp đó
tiến hành. Khách hàng chỉ có một sự lựa chọn
duy nhất. Ví dụ như tại khu vực đô thị Phú
Mỹ Hưng tại TP Hồ Chí Minh, việc cung cấp
dịch vụ viễn thông chỉ do công ty cổ phần
dịch vụ Sài gòn (SPT) tiến hành, do đó giá cả
lắp đặt, thời gian lắp đặt hoàn toàn SPT quyết
định. Từ đó mới dẫn đến tình trạng là chỉ cách
nhau một bờ sông mà giá cả lắp đặt và thời
gian lắp đặt là khác nhau, hoặc là khách hàng
không thể sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp
khách với chất lượng tốt hơn và giá cước thấp
hơn. Sự độc quyền đó đã làm ảnh hưởng đến
quyền tự do của khách hàng trong việc lựa
chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp với khả
năng của mình khi sử dụng dịch vụ.
III. XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI TRIẾT
LÝ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH TRONG
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TT & TT
Trong xu thế hội nhập quốc tế, khi Việt
Nam vừa trở thành thành viên chính thức của
WTO, đồng thời các cam kết về mở cửa thị
trường viễn thông theo tinh thần của Hiệp
định thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực, các
doanh nghiệp BCVT các nước phát triển sẽ
xâm nhập trực tiếp thị trường BCVT nước ta,
thì cuộc cạnh tranh trên thị trường BCVT sẽ
càng gay gắt. Để có thể đứng vững và có đủ
khả năng cạnh tranh, thì các doanh nghiệp
BCVT Việt nam phải thực hiện nhiều biện
pháp khác nhau như: tuân thủ pháp luật; nâng
cao chất lượng dịch vụ; giảm giá thành dịch
vụ; ứng dụng công nghệ mới, và đặc biệt là
phải giữ chữ tín trong kinh doanh, tức là
nghiêm chỉnh thực hiện đúng các cam kết của
mình đối với khách hàng, đây là một trong
những biện pháp hiệu quả để tạo niềm tin cho
khách hàng, giúp doanh nghiệp giữ được
khách hàng và phát triển thị phần.
Đối với các doanh nghiệp BCVT, để có
thể xây dựng được cho mình một nền tảng đạo
đức kinh doanh đúng đắn nhằm tạo điều kiện
cho việc phát triển bền vững cần phải thực
hiện một số biện pháp sau đây:
- Lãnh đạo doanh nghiệp BCVT cần phải
có cái nhìn đúng đắn về đạo đức kinh doanh
và văn hoá doanh nghiệp. Cần phải thường
xuyên giáo dục ý thức trách nhiệm của người
lao động trong việc tuân thủ pháp luật, tôn
trọng khách hàng và đối thủ cạnh tranh, coi
đạo đức kinh doanh là một trong những công
cụ quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển
của doanh nghiệp. Thông tin đầy đủ về các
tiêu chuẩn và quy trình thông qua các chương
trình bồi dưỡng và phát hành tài liệu về đạo
đức kinh doanh.
- Xây dựng hệ thống triển khai đạo đức
kinh doanh:
+ Thiết lập hệ thống các chuẩn mực
hành vi đạo đức - là những hướng dẫn, quy
định tiêu chuẩn về hành vi đạo đức của doanh
nghiệp BCVT biên sọan thành những tài liệu
chính thức và sử dụng để các thành viên của
doanh nghiệp ra quyết định khi hành động và
giúp cho doanh nghiệp đánh giá hành vi của
các thành viên.
+ Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn giao
ước (cam kết) về đạo đức - là các chuẩn mực
đạo đức của doanh nghiệp BCVT trong từng
nhiệm vụ, công việc cơ bản, cho từng vị trí
công tác. Các cam kết về đạo đức có thể là các
bản đăng ký thi đua về tác phong, lối sống, tư
tưởng,
+ Xây dựng các chương trình đạo đức
gồm các hoạt động, kế hoạch hay chương
trình hành động nhằm phổ biến và giáo dục
cho người lao động trong doanh nghiệp
BCVT và những người hữu quan về hệ thống
các chuẩn mực hành vi đạo đức và hỗ trợ,
thúc đẩy và giám sát việc triển khai các
chương trình đạo đức.
+ Xây dựng hệ thống thanh tra đạo đức
như thiết lập hệ thống giám sát, thanh tra và
trình báo về hành vi sai trái như thiết lập
đường dây nóng, các trang WEB, nối với
các bộ phận chịu trách nhiệm về đạo đức.
- Trong hoạt động kinh doanh BCVT cần
nhất quán thực hành các tiêu chuẩn và thi
hành các chế tài trừng phạt đối với hành vi vi
phạm trong doanh nghiệp.
- Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của
pháp luật trong hoạt động kinh doanh BCVT
như Pháp lệnh BCVT, Luật Cạnh tranh, Pháp
lệnh về Giá,
- Tôn trọng những cam kết của mình với
các doanh nghiệp khác và đối với khách hàng
sử dụng dịch vụ BCVT. Thực hiện cạnh tranh
lành mạnh trong khuôn khổ cho phép.
- Cung cấp thông tin chính xác cho khách
hàng, các đối tượng hữu quan về dịch vụ, khả
năng cung cấp dịch vụ, khả năng của mạng
lưới, chất lượng dịch vụ, giá cước,
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước thì
cần phải nhanh chóng xây dựng và ban hành
Luật Viễn thông, Luật Bưu chính nhằm điều
chỉnh kịp thời mọi vấn đề phát sinh trong hoạt
động kinh doanh BCVT cho phù hợp với xu
thế phát triển của BCVT.
IV. KẾT LUẬN
Để phát triển thị trường, tăng thị phần và
nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, các
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ BCVT trong
bối cảnh hiện nay, theo suy nghĩ của tác giả,
ngoài việc phải không ngừng nâng cao chất
lượng dịch vụ, tăng cường công tác chăm sóc
khách hàng, thì một trong những nhiệm vụ
quan trọng hiện nay là phải hết sức chú ý đến
việc xây dựng đạo đức kinh doanh nhằm tạo
sự tin tưởng của khách hàng, của cộng đồng,
đối tác - đối thủ cạnh tranh, cũng như của
Chính phủ.
Tài liệu tham khảo
[1]. TS Nguyễn Mạnh Quân. Giáo trình đạo đức
kinh doanh và văn hoá doanh nghiệp. NXB Lao
động – Xã hội, 2004
[2]. PGS TS Nguyễn Mạnh Quân. Giáo trình đạo
đức kinh doanh và văn hoá công ty. NXB Đại học
kinh tế quốc dân. 2007
[3]. PGS TS Dương Thị Liễu. Bài giảng Văn hóa
kinh doanh. NXB Đại học Kinh tế quốc dân. 2008
[4]. VNPT lại bị EVN Telecom “tố” chơi không
đẹp. Báo Tuổi trẻ Online, thứ 3 ngày 19/9/2006.
[5]. Cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy thị trường phát
triển. Báo nhân dân điện tử ngày 13/7/2005.
[6]. Tổng kiểm tra chất lượng dịch vụ điện thoại di
động. Vnexpress.net ngày 3/8/2005
♦