Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu về kỹ thuật trồng, đặc điểm sinh lý và phân bố của cây Thông Ba lá doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (317.24 KB, 5 trang )

THÔNG BA LÁ

Pinus kesiya Royle ex Gordon, 1840

Tên đồng nghĩa: Pinus insularis Endl., 1847; Pinus khasya Royle ex Hook. f., 1888
Tên khác: Xà nu, xà núi (Tây Nguyên), ngo (Đà Lạt), tòng thú (Mèo-Lai Châu).
Họ: Thông – Pinaceae
Tên thương phẩm: Khasya pine, gum rosin of pine, tall oil, turpentin oil, pine oil


Hình thái

Cây gỗ lớn, thân thẳng đứng, cao 20-
30(-45)m, đường kính thân có thể tới 50-
70(-100)cm, vỏ dày, nứt thành những
rãnh sâu, màu nâu đen. Cành nhỏ thường
có màu vàng nhạt, màu phấn trắng. Lá
hình kim, họp thành từng túm 3 lá (ít khi
có 2 hoặc 4 lá), dài (10-)12-21(-25)cm,
mảnh, mềm, màu xanh sáng.

Nón đơn tính cùng gốc. Nón cái hình
trứng, dài (4-)5-8(-10)cm, gần như không
cuống hoặc có cuống rất ngắn (dài nhất
chỉ khoảng 10 mm).

Hạt nhỏ có cánh mỏng, dài 1,5-
2,5cm.

Các thông tin khác về thực vật


Thông ba lá là loài có vùng phân bố
rộng, nên rất đa dạng về các đặc điểm
hình thái, sinh thái cũng như năng suất và
phẩm chất nhựa. Cũng vì vậy mà trước
đây nó đã bị mô tả dưới 2 tên gọi khác
nhau: Pinus insularis Endl. và Pinus
khasya Royle ex Hook. f. Thực ra chúng
chỉ là một loài duy nhất – Pinus kesiya Royle ex Gordon. Việc tu chỉnh tên khoa học chính xác
của loài thông ba lá mang tính khoa học, nên đã được hầu hết các nhà phân loại thừa nhận.

Thông ba lá - Pinus kesiya Royle ex Gordon
1- Dáng cây; 2- Cành lá; 3- Lá; 4- Nón cái đã chín khô

Thông ba lá là loài có nguồn gen quý, đa dạng; vì vậy, việc nghiên cứu tính đa dạng trong
loài ở thông ba lá (Pinus kesiya) không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn có giá trị thực tiễn
cao.

Phân bố

Việt Nam:
Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Yên Minh, Hoàng Xu Phì, Xín Mần), Quảng Ninh, Yên Bái
(Mù Cang Chải), Lai Châu (Than Uyên, Tủa Chùa), Sơn La (Mộc Châu), Kon Tum, Gia Lai, Đắk
Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Thế giới:
Cây phân bố ở miền Nam Trung Quốc, Lào, Bắc Thái
Lan, Philippin, Myanmar và miền Đông Ấn Độ. Hiện thông ba
lá đã được đưa trồng ở khắp các khu vực nhiệt đới trong vùng
Đông Nam Á.

Đặc điểm sinh học


Cây ưa mát, ẩm và ưa sáng. Trong tự nhiên chúng
thường sinh trưởng ở các khu vực có độ cao từ 300m đến
2.700m, song thích hợp nhất là ở các độ cao từ 1.000 đến
1.500m.

Ở nước ta, rừng thông ba lá mọc thuần loại chỉ phân bố ở
một số khu vực có độ cao trên 1.000m tại Tây Nguyên (nhiều
nhất là ở Lâm Đồng, tiếp đó là Gia Lai và Kon Tum). Trong
vành đai 800-1.000m là các kiểu rừng hỗn giao của thông ba
lá và thông nhựa (Pinus merkusii). Càng xuống thấp độ gặp
của thông ba lá giảm dần, nhưng với thông nhựa lại tăng lên.
Tại một số địa phương ở phía Bắc cũng có thể gặp thông ba
lá mọc thuần loại hoặc hỗn giao với một số cây lá rông khác,
nhưng với diện tích nhỏ và tạo thành loại hình rừng thưa lá
kim. Thông ba lá thích hợp với các khu vực có nhiệt độ trung
bình năm khoảng 15-20
0
C, tổng lượng mưa khoảng 2.000-
2.500mm và mùa khô ngắn. Chúng ưa đất nhiều mùn, tương
đối ẩm, chua (pH 4,8-5,5), phong hoá trên đá mẹ hoa cương, gnai, phiến thạch, phiến thạch
mica, sa thạch…, thoát nước tốt, quang đãng và được chiếu sáng đầy đủ. Thông ba lá không
thích ứng với đất kiềm.
Phân bố của thông ba lá
ở Việt Nam


Tại Tây Nguyên, thông ba lá tái sinh tự nhiên khá tốt. Hạt thường phát tán vào mùa khô và
nẩy mầm vào mùa mưa. Cây con ưa sáng và ưa ẩm. Trong tự nhiên, thông ba lá tăng trưởng
chiều cao khá nhanh ở giai đoạn trước 14-15 tuổi. Đến giai đoạn 18-25 năm tuổi, cây đạt chiều

cao khá ổn định. Tăng trưởng đường kính trong giai đoạn trước 20 năm tuổi cũng cao nhất (đạt
trung bình 0,9-1,1cm/năm). Thời kỳ cây đạt từ 21 đến 40 tuổi, tăng trưởng đường kính trung
bình chỉ khoảng 0,52-0,61cm/năm. Trên 40 tuổi, cây tăng trưởng không đáng kể. Với điều kiện
tự nhiên tại các tỉnh Tây Nguyên, thông ba lá thường có đường kính thân lớn hơn so với thông
nhựa ở cùng lứa tuổi.

Cây ra nón vào tháng 4-5 và chín sau đó khoảng 2 năm.

Công dụng

Thành phần hoá học:
Nhựa thông ba lá là một hỗn hợp phức tạp của nhiều hợp chất hữu cơ, trong đó chủ yếu là
tùng hương (còn được gọi là colophan, resin) với hàm lượng thay đổi từ 65-75(-85)% và tinh
dầu (turpentine oil) với hàm lượng thay đổi trong khoảng (8,5-)18-20(-30,8)%.

Tùng hương là hợp chất rắn, trong suốt, ròn, dễ gãy, màu vàng, vàng nâu hay vàng sáng,
vị đắng; không tan trong nước, nhưng lại hoà tan trong cồn, ether, chloroform, tinh dầu, chất
béo và một phần trong benzen. Tùng hương là một hỗn hợp hữu cơ gồm chủ yếu là các acid
abietic, acid pimaric và một lượng nhỏ các chất trung tính. Chất lượng của tùng hương được
đánh giá chủ yếu dựa trên cơ sở các chỉ số acid và xà phòng hoá. Chỉ số acid và chỉ số xà
phòng hoá càng cao thì sản phẩm được coi là có chất lượng càng tốt. Tùng hương đạt chất
lượng cao khi chỉ số acid đạt 160-170 và sản phẩm có màu vàng nâu nhạt, bóng.

Tinh dầu thông ba lá từ Tây Nguyên là hỗn hợp không màu, trong suốt, nhẹ hơn nước, có
mùi thơm hắc, với thành phần hoá học chính gồm α-pinen (chiếm khoảng trên dưới 60%) và β-
pinen; các thành phần khác như ∆-3-caren, limonen, myrcen, longifolen… thường có hàm
lượng nhỏ.

Công dụng:
Tùng hương là nguồn nguyên liệu cần thiết đối với nhiều ngành công nghiệp như chế biến

cao su, sơn, sản xuất giấy, vật liệu cách điện, nhựa hàn, keo dán, chất tạo bọt cho xà phòng,
công nghiệp in, vẽ các sản phẩm in batic, làm xi, dùng để bôi trơn cho nhiều loại nhạc cụ và
chế biến cao dán chữa trị mụn nhọt…

Tinh dầu (turpentine oil) được dùng làm thuốc bôi, có tác dụng kích thích tại chỗ, lưu thông
máu đối với bệnh viêm thấp khớp, cảm lạnh. Tinh dầu thông có tính sát trùng mạnh nên được
dùng làm thuốc diệt khuẩn đường hô hấp (thuốc ho, thuốc xông họng). Tinh dầu thông cũng là
nguồn nguyên liệu trong công nghiệp hoá mỹ phẩm, sản xuất thuốc trừ sâu thảo mộc, làm dung
môi trong công nghiệp sơn, vecni và công nghiệp tuyển quặng.

Từ gốc thông già ta có thể xử lý, chưng cất lấy tinh dầu và hắc ín thảo mộc. Gỗ thông ba lá
tuy không bền bằng gỗ thông nhựa, nhưng cũng được sử dụng khá phổ biến (đồ gỗ thông
thường, thùng đựng hàng, cột điện, đóng toa xe…), đặc biệt là trong công nghệ chế biến gỗ
dán, bột giấy, sợi tổng hợp.

Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

Nhân giống:
Thông ba lá cho khối lượng hạt giống nhiều và đạt phẩm chất tốt ở thời kỳ khoảng (10-)15-
30(-35) tuổi. Cần chọn hạt giống từ những cây mẹ có tầm vóc to, cao, dáng đẹp, không sâu
bệnh. Ở các tỉnh Tây Nguyên có thể thu hạt vào tháng 12-2 và gieo hạt từ tháng 4 đến tháng
10. Như vậy cây non có thể đưa trồng vào tháng 7-10 năm sau. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc,
nên tận dụng thu hái hạt giống và gieo trồng vào vụ đông-xuân. Có thể gieo hạt vào bầu đất
hoặc gieo theo luống trong vườn ươm, rồi sau đó mới chuyển cây con sang bầu đất trước khi
đưa trồng. Để cây con sinh trưởng nhanh, người ta thường cho nhiễm nấm cộng sinh ở rễ (như
các loài Pisolithus tinctorius, Scleroderma sp., Thelephora terrestris, Cenoccoccum graniforme,
Rhizopogon sp…) vào đất ươm hạt. Việc phun thuốc trừ nấm gây bệnh định kỳ và giữ độ ẩm
thích hợp ở vườn ươm sẽ hạn chế bệnh hại, đặc biệt là hiện tượng tàn lụi dần ở cây thông non.
Cây con 1 năm tuổi, có thân cứng, ngọn chắc, bộ lá xanh tươi, bộ rễ có màu trắng với nhiều
nấm cộng sinh là đủ tiêu chuẩn mang đi trồng.


Trồng và chăm sóc:
Tuỳ điều kiện đất đai và mục tiêu sử dụng mà chọn mật độ trồng thích hợp. Nên đào hố
theo đường đồng mức, theo kiểu bậc thang hoặc theo băng. Có thể trồng theo khoảng cách
giữa cây với cây (1-)1,5x1,5(-2)m và hàng với hàng là (1,5-)2x3(-3,5)m tuỳ thuộc điều kiện cụ
thể. Mật độ trồng ban đầu cần đạt khoảng 2.500-5.000 cây/ha.

Với mật độ trồng hợp lý, chăm sóc tốt, cây sinh trưởng bình thường chỉ sau 3-5 năm, rừng
thông ba lá đã có thể khép tán. Đợt tỉa thưa đầu tiên thực hiện sau khi rừng đã khép tán hoặc
trước khi có sự phân hoá rõ rệt về chiều cao. Đối với rừng thông ba lá trồng để lấy nhựa thì
việc tỉa thưa phải đạt mục tiêu tạo được khoảng trống thích hợp để cây được chiếu sáng đầy
đủ, có đường kính thân lớn và bộ tán đều. Với rừng thông trồng cho mục tiêu lấy gỗ, việc tỉa
thưa phải đảm bảo ở mật độ để cây tự tỉa thưa cành đều đặn, có thân cao, thẳng, tròn đều, tán
tập trung ở phía ngọn. Nhìn chung, mật độ của rừng thông ba lá phục vụ cho mục tiêu khai thác
nhựa phải thưa hơn so với loại hình rừng trồng để lấy gỗ. Trong quá trình tỉa thưa, cần chú ý
điều chỉnh cho rừng thông ba lá có mật độ hợp lý, đảm bảo cho cây sinh trưởng phát triển tốt,
đồng thời kết hợp loại bỏ những cá thể sinh trưởng kém, còi cọc hoặc bị sâu bệnh.

Các loại hình rừng thông trong tự nhiên tại Tây Nguyên thương ít bị sâu bệnh. Tuy vậy,
theo Lâm Công Định (1977) cũng đã gặp sâu ăn lá (Dendrolimus sp.) phá hại thông ba lá ở giai
đoạn trên 10 năm tuổi tại một số khu vực vùng cao Hà Giang. Loài bọ cánh cứng (Ips
celligraphus) và bướm ăn đọt lá non (Dioryotria rubella) cũng có thể gây hại trên thông ba lá.
Sử dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, đặc biệt là dùng các loài thiên địch là cách phòng
trừ có hiệu quả cao đối với các loại rừng thông nói chung và rừng thông ba lá nói riêng.

Khai thác, chế biến và bảo quản

Nhựa thông được chích theo 3 chế độ: chích dưỡng, chích rút và chích kiệt
*
. Tuỳ theo

từng mục tiêu (lấy nhựa hay lấy gỗ) mà ta áp dụng các biện pháp khai thác nhựa khác nhau đối
với các dải rừng thông ba lá tự nhiên tại Tây Nguyên. Trường hợp lấy nhựa là chính thì có thể
bắt đầu chích dưỡng từ lúc cây có đường kính thân ngang ngực khoảng 20-30cm đến khi cây
đạt đường kính thân 80-90cm. Chế độ chích rút được áp dụng trong thời kỳ cây đã chậm lớn,
song vẫn còn khả năng cho nhiều nhựa. Các khu rừng thông đã đưa vào kế hoạch khai thác gỗ
cần phải đưa vào chế độ chích kiệt trước khi chặt cây. Những rừng thông ba lá được trồng
nhằm tạo nguyên liệu cho công nghệ giấy sợi, gỗ trụ mỏ thì mật độ trồng tương đối dày, thân
cây cao, thẳng, đường kính thân nhỏ… và tuổi khai thác tương đối ngắn. Do đó trong các đợt
tỉa thưa trung gian cũng như khai thác trắng, ta có thể sử dụng biện pháp chích kiệt để tận
dụng hết nhựa.

Với thông ba lá ở Tây Nguyên ta có thể khai thác nhựa quanh năm, nhưng chủ yếu là các
tháng mùa khô. Năng suất nhựa tăng lên rõ rệt trong thời gian chuyển tiếp giữa mùa mưa và
mùa khô. Những rừng thông ba lá sinh trưởng tốt có thể bắt đầu cho khai thác nhựa ở giai
đoạn cây đạt 18-20 tuổi. Ở độ tuổi 25-40, thông ba lá cho năng suất nhựa cao nhất. Thời gian
khai thác nhựa có thể kéo dài đến khi cây 60-80 tuổi, tuỳ thuộc tốc độ tăng trưởng đường kính
thân hàng năm và khả năng cung cấp nhựa của từng cá thể. Cá biệt có cây trên 100 tuổi vẫn
tiếp tục tăng trưởng theo đường kính thân và năng suất tiết nhựa vẫn cao. Trong tự nhiên, mỗi
cây cho trung bình 0,8-1,5(-3)kg nhựa/năm. Nếu có kỹ thuật kích thích hợp lý thì bình quân một
cây cho tới 3-4kg nhựa/năm. Với mật độ trung bình 60-80 cây/ha, năng suất nhựa của thông ba
lá tại Tây Nguyên có thể đạt 90-160(-300)kg/ha năm.

Nhựa thông sau khi thu về cần loại bỏ các tạp chất vô cơ, hữu cơ (bằng cách lọc qua mặt
lưới hay mặt sàng) trước khi đưa chưng cất. Khi nấu nhựa, nên cho thêm một lượng nước nhất
định (bằng khoảng 20% khối lượng chung) để colophan không bị cháy. Dung tích nước và
nhựa chỉ nên bằng hoặc ít hơn 60% thể tích của nồi. Sử dụng thiết bị chưng cất bằng thép
không gỉ hoặc bằng đồng là thích hợp và colophan sẽ có màu vàng nâu nhạt sáng, bóng, đẹp
đạt chất lượng sản phẩm mà thị trường ưa thích.

*- Chích dưỡng: Mỗi cây chỉ được chích 1 máng (với cây nhỏ) đến 2-3 máng (ở cây to), nhưng phải cách xa nhau một số năm.

Đây là chế độ khai thác nhựa kết hợp nuôi dưỡng cây lâu dài trong suốt thời kỳ cây tiếp tục tăng trưởng. Chích dưỡng thường kéo
dài trong khoảng 30-40 năm.
- Chích rút: Mỗi cây có thể chích một số máng (tối đa là 7 máng) để tăng cường năng suất chích nhựa đồng thời vẫn đảm bảo cho
cây duy trì được hoạt động sống bình thường. Chích rút thường được thực hiện ở giai đoạn cây đã chậm lớn rõ rệt, song vẫn còn
khả năng cho nhiều nhựa. Thời gian chích rút có thể kéo dài tới 8-10 năm tuỳ theo trạng thái của rừng thông.
- Chích kiệt: Mỗi cây có thể mở nhiều máng với mức tối đa có thể được, đồng thời cũng đảm bảo cho cây có thể sống tiếp thêm 4-
5 năm cuối cùng. Chích kiệt được áp dụng để tận dụng hết nhựa còn lại trong cây. Chích kiệt thường được thực hiện đối với
những rừng thông già, nhựa đã cạn và chuẩn bị tiến hành khai thác gỗ. Để tận dụng khai thác nhựa, trước các đợt tỉa thưa ta nên
áp dụng biện pháp chích kiệt đối với những cây sẽ chặt.

Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

Thông ba lá là nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế và môi sinh rất cao, đặc biệt là ở Tây
Nguyên và các khu vực núi cao phía Bắc. Tại Tây Nguyên, thông ba lá tái sinh khoẻ, tăng
trưởng nhanh, ít bị sâu bệnh; là nguồn cung cấp nhựa và gỗ với năng suất khá cao.

Nhu cầu về nhựa thông và các sản phẩm từ nhựa thông (tùng hương và dầu thông) trên
thị trường thế giới rất lớn, ngày càng tăng và cung không kịp cầu. Theo tính toán của một số
nhà kinh tế, nhu cầu về tinh dầu thông trong công nghệ hoá mỹ phẩm tăng bình quân hàng năm
khoảng 3-5%, trong công nghệ chế tạo keo và các sản phẩm kết dính cũng tăng lên hàng năm
khoảng 2-3%.

Ở nước ta, để sản xuất 1 tấn giấy thường cần tới 10kg tùng hương. Dự kiến đến 2010 nếu
muốn sản xuất 2,5 triệu tấn giấy cũng cần tới 25.000 tấn tùng hương (lớn gấp 7-8 lần tổng công
suất của các nhà máy thông hiện có ở nước ta).

Hiện nay, diện tích rừng thông ba lá trong tự nhiên đã bị thu hẹp, bị khai thác bất hợp lý.
Tình hình trên đặt ra trước chúng ta nhiệm vụ phải bảo vệ các khu rừng thông ba lá tự nhiên
sẵn có, đồng thời với việc mở rộng diện tích trồng mới và nghiên cứu khai thác, chế biến nhựa
đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Nhựa thông ba lá là nguồn hàng LSNG có giá trị và có nhu câu

ngày càng lớn.

Tài liệu tham khảo

1. Lã Đình Mỡi (2002). Chi Thông – Pinus L. Tài nguyên Thực vật có tinh dầu ở Việt Nam. Tập II (Lã Đình Mỡi –
Chủ biên). Tr. 380-410. Nxb Nông nghiệp – Hà Nội; 2. Lâm Công Định (1977). Trồng rừng thông. Tr. 1-220. Nxb Nông
nghiệp; 3. Lưu Đàm Cư, Lã Đình Mỡi, Đặng Thị An (1982). Góp phần nghiên cứu thông Tây Nguyên. Báo cáo nghiên
cứu khoa học sinh vật học. Tr. 34-45. Nxb khoa học và kỹ thuật – Hà Nội; 4. Nguyễn Tiến Bân, Lã Đình Mỡi, 1998. Các
loài cây gỗ thuộc chi Thông (Pinus L.). Tài nguyên Thực vật Đông Nam Á, Tr. 9-20. Nxb Nông nghiệp – Hà Nội. Tập 3,
số 1-2; 5. Armitage, F. B. & Burley, J., 1980. Pinus kessiya. Tropical Forestry Papers. No 9, 199 pp. Commonweath
Forestry Institute, Oxford; 6. Militante, E. P. (2000). Pinus L. In: E. Boer and A. B. Ella (Editors): Plant Resources of
South-East Asia 18. Plants producing exudates. pp. 98-104. Backhuys Publishers, Leiden; 7. Plocek, T. (1998).
Turpentine: a global perspective. Perfumer & Flavorist 23(4): 1,2,4,6 pp.

×