Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Gia đình Việt Nam với chức năng giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (127.44 KB, 5 trang )

Gia đình Việt Nam với chức năng giáo dục trong bối
cảnh toàn cầu hóa - Nguyễn Linh Khiếu
Gia đình là tế bào của xã hội, đồng thời cũng là một thiết chế xã hội. Gia đình vừa tạo
dựng nên xã hội, lại vừa biến đổi cùng sự biến đổi của xã hội. Trong thời kỳ quá độ ở
Việt Nam, cùng với sự biến đổi mạnh mẽ của cả xã hội, gia đình cũng đang biến đổi một
cách toàn diện. Do sự thay đổi các quan hệ và các hệ thống giá trị xã hội trong bối cảnh
toàn cầu hóa nên vấn đề thực hiện chức năng giáo dục của gia đình cũng đang đứng trước
rất nhiều cơ hội và thách thức.
Gia đình với chức năng giáo dục
Gia đình là môi trường nguyên thủy mỗi con người sinh ra và trưởng thành. Là một nhóm
xã hội đặc biệt, gia đình được hình thành một cách tự nhiên bởi quan hệ hôn nhân và
huyết thống, mọi thành viên gia đình cùng chung sống và có chung ngân sách. Bài học
đầu tiên mỗi chúng ta học trên cuộc đời này là trong gia đình. Giáo dục gia đình thực sự
là một sự nghiệp diễn ra liên tục trong suốt cả cuộc đời mỗi con người. Giáo dục gia đình
đó là sự tác động một cách kiên trì, thường xuyên, tổng thể và sâu sắc của gia đình đối
với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Quan niệm, thái độ, lối sống,
cách ứng xử, hành vi đạo đức, tính cách, năng lực, công việc, sự nghiệp… của cha mẹ để
lại dấu ấn sâu nặng đối với con cái mỗi gia đình. Nó tạo nên sản phẩm mà dân gian gọi là
“giỏ nhà ai quai” nhà ấy.
Giáo dục gia đình chủ yếu được thực hiện bằng tình cảm và đó là nền giáo dục vừa toàn
diện, vừa cụ thể và mang tính cá biệt cao. Toàn diện là bởi giáo dục gia đình hướng tới
thúc đẩy sự phát triển đầy đủ mọi phẩm chất con người. Cụ thể là vì giáo dục gia đình
không mang tính chung chung, trừu tượng mà nhằm vào mỗi cá nhân cụ thể và nhằm xây
dựng, phát triển những phẩm chất, năng lực cụ thể của từng người. Giáo dục gia đình
mang tính cá biệt là do đối tượng là những cá thể đặc thù, riêng biệt. Đối với mỗi cá nhân
cụ thể đó thì phải có phương pháp, cách thức và nội dung giáo dục riêng, cụ thể, cá biệt
mới phù hợp và chỉ có như thế mới mang lại hiệu quả của giáo dục gia đình. Như thế, có
thể nói giáo dục gia đình là một dạng giáo dục đặc biệt của xã hội loài người.
Giáo dục gia đình được thực hiện thông qua cách thức tổ chức đời sống gia đình, quá
trình tổ chức các hoạt động của trẻ và cơ bản là dựa trên nền tảng căn bản là sự gương
mẫu, sự nêu gương của các bậc cha, mẹ. Dĩ nhiên, giáo dục gia đình thường sử dụng các


phương pháp đơn giản như: khuyên bảo, thuyết phục, đó là vừa dạy vừa dỗ vừa phân tích,
diễn giải, chỉ bảo, khuyên nhủ; tập luyện, xây dựng thói quen, tạo lập nếp sống nền nếp
tốt đẹp; cổ vũ, khích lệ, khen thưởng kịp thời những cố gắng, những thành tích đạt được
dù là rất nhỏ; và, kỷ luật, răn đe, trừng phạt nghiêm khi trẻ có sai trái, không nghe lời…
Tuy nhiên, các phương pháp này thường được mỗi gia đình sử dụng một cách linh hoạt
và mềm dẻo rất khác nhau tùy thuộc vào môi trường gia đình cũng như đối tượng, mục
đích giáo dục.
Giáo dục gia đình tuân thủ các nguyên tắc: tôn trọng nhân cách, cá tính và phẩm chất
riêng của trẻ; phải nghiêm khắc nhưng lại khoan dung, độ lượng, nhân từ; yêu thương,
tình cảm, gần gũi, thân tình; sử dụng quyền uy của cha, mẹ một cách hợp lý và quyền uy
chủ yếu được sử dụng trong ngăn chăn và răn đe; và, thống nhất mục tiêu giữa các thành
viên gia đình. Có thống nhất mục tiêu chung mới tạo ra được sản phẩm giáo dục hoàn
hảo. Không thống nhất sẽ tạo ra sản phẩm méo mó, lệch lạc, phiến diện, dở dơi dở chuột.
Về cơ bản, nội dung giáo dục gia đình bao gồm: hành vi đạo đức; tri thức căn bản; thái
độ, kỹ năng sống và lao động, thể chất và thẩm mỹ. Kỹ năng sống là một nội dung mới và
đặc biệt quan trọng của giáo dục gia đình trong xã hội hiện đại. Mục tiêu của giáo dục gia
đình muôn đời vẫn là tạo ra những con người hiếu thảo, có đạo đức trong sáng, có suy
nghĩ lành mạnh, có thể chất mạnh khỏe và có chuyên môn, nghiệp vụ nghề nghiệp cao
đáp ứng được mọi yêu cầu của gia đình và xã hội. Nói cách khác, giáo dục gia đình đó là
nhằm tạo ra những con người chân chính, có đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có năng
lực trí tuệ cao, có lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng, hết mình vì mọi người, vì quê
hương, đất nước.
Thách thức đối với giáo dục gia đình hiện nay
Cùng với sự biến đổi vô cùng to lớn của đời sống xã hội thời kỳ đổi mới, gia đình Việt
Nam cũng diễn ra sự biến đổi một cách toàn diện. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập
quốc tế đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống gia đình. Bên cạnh những tác động
tích cực, những cơ hội phát triển mới, gia đình Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều
nguy cơ và thách thức mới. Đó là tình trạng ly hôn có xu hướng tăng cao; ngoại tình;
sống chung không kết hôn; tệ nạn mại dâm; tình dục đồng giới; tình trạng trẻ em nghiện
hút; trẻ em hư, phạm tội, lang thang có xu hướng tăng; bạo lực gia đình; buôn bán phụ

nữ; bất bình đẳng giới; mua bán hôn nhân có yếu tố nước ngoài; xu hướng tôn sùng tiền
bạc trong quan hệ giữa người với người; tình trạng buôn lậu, tham nhũng, hối lộ, mua
quan bán chức diễn ra phổ biến trong xã hội… đang tác động đến từng cộng đồng, tập
thể, cá nhân, từng gia đình ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi phương diện.
Những tác động này đang tạo ra một môi trường xã hội ô nhiễm nặng nề, hết sức bất lợi
đối với sự bền vững và phát triển của gia đình nói chung và giáo dục gia đình và sự
trưởng thành của trẻ em nói riêng. Cùng với những điều kiện khách quan đó, bản thân các
gia đình hiện nay cũng đang gặp rất nhiều rắc rối, khó khăn. Đó là giá cả thị trường tăng
cao, đời sống kinh tế bấp bênh, các thành viên gia đình gặp nhiều rủi ro, bất thường trong
cuộc sống, trình độ văn hóa, học vấn của cha, mẹ thấp hoặc do dồn hết sức lực vào việc
kiếm sống nên nhiều bậc cha, mẹ không có thời gian gần gũi, chăm sóc, dạy dỗ con…;
mặt khác, do tác động nhiều mặt của xã hội mở cửa, tốc độ phát triển tâm – sinh lý của
trẻ hiện nay diễn ra nhanh, có khi đột biến, bất thường trong khi các bậc cha, mẹ vừa
chưa đủ kiến thức, chưa kịp nhận thức, chưa đủ thời gian, chưa có phương pháp phù hợp
để kịp thời quản lý, điều chỉnh, giáo dục và định hướng phát triển đối với trẻ.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa, gia đình không còn là một tổ chức bền vững
mang tính khép kín. Để có được các nguồn thu nhập mới nuôi sống gia đình, nhiều cha,
mẹ phải rời xa tổ ấm tìm việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp, họ không những
không có điều kiện gần gũi chăm sóc, giáo dục con nhỏ mà bản thân cũng gặp rất nhiều
nguy cơ và rủi ro khi sống xa gia đình. Trong điều kiện đó, trong khi, cùng với sự phai
nhạt tình cảm gia đình, sự cố kết giữa các thành viên gia đình trở nên thất thường, lỏng
lẻo thì các thiết chế xã hội từng bước thay thế vai trò của gia đình trong việc chăm sóc và
giáo dục trẻ em. Đây là sự chuyển đổi vai trò vô cùng nguy hiểm trong sự hình thành và
phát triển nhân cách của trẻ em giai đoạn chuyển đổi hiện nay. Nó rất có thể sẽ để lại
nhiều dấu ấn khuyết tật trong nhân cách gốc của thế hệ tương lai. Hậu quả của nguy cơ
này dường như được báo trước.
Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục gia đình
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự chuyển đổi toàn diện về
kinh tế – xã hội cũng đang diễn ra quá trình chuyển đổi mạnh mẽ về hệ thống giá trị,
trong đó, có cả những giá trị gia đình. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đều thống nhất

khẳng định trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay mặc dù đang
có rất nhiều tác động xấu đến đời sống gia đình, nhưng về cơ bản, gia đình Việt Nam vẫn
bảo tồn và phát huy được những giá trị truyền thống quý báu của mình như: tình yêu
trong sáng, hôn nhân lành mạnh; lòng thủy chung, tình nghĩa vợ chồng; trách nhiệm và
sự hy sinh vô hạn của cha, mẹ cho con cái; con, cháu hiếu thảo với cha, mẹ, kính yêu
ông, bà, biết ơn tiên tổ; anh em, họ hàng đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; các thành viên đề
cao lợi ích chung của gia đình; lòng tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ và quê
hương… Đồng thời, gia đình Việt Nam cũng đã tiếp thu nhiều tinh hoa của gia đình hiện
đại như: tôn trọng tự do cá nhân; tôn trọng sự lựa chọn cá nhân; dân chủ, bình đẳng trong
quan hệ; bình đẳng về nghĩa vụ, trách nhiệm và thụ hưởng; không phân biệt đối xử nam,
nữ, trai, gái, dâu, rể… Với những yếu tố trên, rõ ràng gia đình Việt Nam vẫn đang và sẽ
là một giá trị xã hội bền vững. Đây chính là cơ sở hiện thực để gia đình Việt Nam tiếp tục
tồn tại và phát triển vững chắc và cũng là cơ sở để gia đình ngày càng thực hiện tốt hơn
chức năng giáo dục của mình.
Tuy nhiên, để giáo dục gia đình trong điều kiện hiện nay vượt qua những cản trở, thách
thức, đạt được hiệu quả cao hơn nữa cần thực hiện một hệ thống giải pháp đồng bộ cả về
nhận thức, kinh tế, văn hóa, xã hội. Có thể nêu một số giải pháp cụ thể là:
- Cần tuyên truyền phổ biến để cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức và mọi công
dân, mọi thành viên gia đình thấm nhuần chiến lược xây dựng và phát triển gia đình, Luật
Hôn nhân Gia đình, quyền trẻ em và bình đẳng giới.
- Có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm, tăng
thu nhập, nhất là tạo việc làm tại chỗ, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần của gia đình, nhất là gia đình nông thôn.
- Xây dựng môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh, kiên quyết đấu tranh chống những
biểu hiện thoái hóa, biến chất về đạo đức, những tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí và
lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền.
- Xây dựng mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa gia đình – nhà trường và các tổ chức xã
hội để có sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện mục tiêu giáo dục trẻ em.
- Xã hội cần hỗ trợ các bậc cha, mẹ để họ có những phương pháp, biện pháp, nội dung
giáo dục mới phù hợp với sự thay đổi những giá trị mới của gia đình trong bối cảnh toàn

cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay./.

×