Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với bài Quốc ca Việt Nam pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (202.84 KB, 4 trang )

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bài Quốc ca Việt Nam
Quốc ca Việt Nam ra đời đã được 65 năm - cùng với Quốc kỳ, Quốc huy và thủ đô
Hà Nội - Quốc ca Việt Nam đã hoà vào máu thịt của mỗi người dân đất Việt.
Dù ở đâu trên trái đất này, nếu ai đó hát Quốc ca Việt Nam thì hãy tin rằng đó là
người bạn, người đồng chí của chúng ta. Nhưng cũng ít ai biết rằng Quốc ca Việt
Nam gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày sôi nổi của Tổng khởi
nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Chính Người đã lựa chọn
và sửa chữa để trở thành bài ca bất diệt của nước Việt Nam mới.

Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945 Ảnh: TƯ LIỆU
Trong những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945, Hội nghị quốc
dân đã được thành lập với Chủ tịch là Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch là Trần Huy
Liệu. Hội nghị quốc dân đã nhất trí thông qua Quốc kỳ, Quốc huy và thủ đô của
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Thủ đô là Hà Nội - đất đế đô ngàn năm văn
vật, xứ sở của rồng vàng và bóng nước Hồ Gươm. Quốc kỳ là lá cờ nền đỏ, giữa có
ngôi sao vàng năm cánh. Còn bài Quốc ca, Hồ Chủ tịch đã giao nhiệm vụ tuyển
chọn cho một số người với yêu cầu: Quốc ca phải hào hùng, thể hiện ý chí của dân
tộc, lời lẽ dễ hiểu, dễ phổ cập trong dân chúng.
Ban tuyển chọn quốc ca đã trình lên Hội nghị quốc dân và Hồ Chủ tịch 3 bài là:
“Cùng nhau đi Hồng binh” của Đỗ Nhuận, “Diệt phátxít” của Nguyễn Đình Thi và
“Tiến quân ca” của Văn Cao, cả 3 bài hát đều có thể trở thành quốc ca, vấn đề ở
chỗ chỉ được phép lấy một bài thật tiêu biểu. Và Bác Hồ đã có sự lựa chọn chính
xác, để thông qua Ban Thường vụ Hội nghị quốc dân và Ban Thường vụ Trung
ương Đảng.
Về bài “Cùng nhau đi Hồng binh” thì Hồ Chủ tịch không đồng ý, tuy Người không
nêu rõ lý do. Nhưng có lẽ “Cùng nhau đi Hồng binh” lời ca còn đơn giản, còn lặp
lại điệp khúc nhiều lần. Cho dù bài hát có ngôn ngữ dễ hiểu, nôm na và dễ phổ cập.
Được Nguyễn Đình Thi sáng tác trong cao trào kháng Nhật cứu nước, “Diệt
phátxít” là ca khúc rất được phổ biến lúc bấy giờ, nhất là đối với tầng lớp thanh
niên, học sinh. Âm điệu và lời hát hào hùng, như một tiếng kèn xung trận thúc giục
mọi người xông lên giết giặc cứu nước. Tuy nhiên, bài hát cũng không được Bác


Hồ lựa chọn, theo Người thì ca khúc này lời hơi dài, khó phổ cập. Mặt khác, một
số từ ngữ dùng vào quốc ca là chưa thích hợp. Ví dụ như câu “Diệt phátxít cùng
bầy chó đê hèn của chúng”. Có lẽ Người muốn quốc ca không những sâu sắc về
nội dung, mà còn phải đẹp về lời ca, từ ngữ.
“Tiến quân ca” được Văn Cao sáng tác đầu năm 1945. Cùng với “Du kích ca”,
“Tiến quân ca” như mang được cả hình ảnh những chiến sĩ giải phóng từ chiến khu
trở về. Bài hát gợi lên không khí trang nghiêm, hào hùng của những đoàn quân
theo nghĩa lớn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Bài
hát có nhịp điệu thong thả như một khúc quân hành, như hiệu lệnh cho cả dân tộc
tiến lên theo cờ Đảng để giải phóng non sông. Mặc dù bận rất nhiều công việc, Bác
Hồ đã xem xét và sửa chữa một cách cẩn thận bài “Tiến quân ca”. Người đã sửa
chữa một số câu từ, như câu mở đầu của “Tiến quân ca”, nguyên bản là “Đoàn
quân Việt Minh đi ”, Người đã sửa lại là “Đoàn quân Việt Nam đi ”; hoặc câu
“Thề phanh thây uống máu quân thù ”, Người đã sửa lại “Đường vinh quang xây
xác quân thù ”. Rõ ràng những câu chữa lại của Bác Hồ chính xác hơn, đẹp hơn
và đáp ứng yêu cầu của bài Quốc ca Việt Nam.
Sau khi cân nhắc kỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ T.Ư Đảng và các vị
trong Hội nghị quốc dân đã nhất trí lấy “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 2.9.1945, trong không khí tưng bừng của lễ Tuyên
ngôn Độc lập, Quốc ca Việt Nam đã vang lên trong hàng triệu trái tim của con dân
Việt Nam, báo hiệu một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc. Nhắc lại sự kiện này,
cố nhạc sĩ Văn Cao đã nói: Đây là hạnh phúc lớn lao nhất của đời tôi, là niềm tự
hào không bao giờ quên khi được lãnh tụ kính yêu sửa chữa một tác phẩm nghệ
thuật của mình.
Quốc ca Việt Nam đã trở thành một phần máu thịt của tổ quốc và chắc chắn còn
trường tồn rất lâu dài với lịch sử dân tộc. Cũng như bài Mácxâye, Quốc ca Pháp đã
có lịch sử trên 200 năm, mặc dù nước Pháp từ cách mạng tư sản 1789 đến nay đã
có bao nhiêu thay đổi. Cùng với suy nghĩ như vậy, tin chắc rằng “Tiến quân ca”
mãi mãi là “Quốc ca Việt Nam” theo cùng với dân tộc trong công cuộc xây dựng
“đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

(Tư liệu bài này từ lời kể của cố nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Lê Mây)

×