Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Đề tài triết học " TÔN TRUNG SƠN GIẢI THÍCH “CHỦ NGHĨA XÃ HỘI” THÀNH “CHỦ NGHĨA DÂN SINH” NHƯ THẾ NÀO? " ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.05 MB, 13 trang )








Đề tài triết học

TÔN TRUNG SƠN GIẢI
THÍCH “CHỦ NGHĨA XÃ
HỘI” THÀNH “CHỦ NGHĨA
DÂN SINH” NHƯ THẾ NÀO?



TÔN TRUNG SƠN GIẢI THÍCH “CHỦ NGHĨA XÃ HỘI” THÀNH “CHỦ
NGHĨA DÂN SINH” NHƯ THẾ NÀO?

TRƯƠNG CHÍ CƯỜNG(*)
Sau khi Liên Xô giải thể và cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, cuộc cách mạng xã
hội chủ nghĩa đã được thay thế bởi làn sóng toàn cầu hoá trên phạm vi thế giới.
Trong thời điểm lịch sử này, đòi hỏi bức thiết đặt ra là phải truy tìm đến tận
cùng để làm rõ rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, rốt cuộc chủ nghĩa
xã hội cần tồn tại và duy trì dưới hình thức nào mới có thể giải quyết một cách
đúng đắn mối quan hệ với chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn cầu. Ở mức độ
nào đó, vấn đề này đã từng được Tôn Trung Sơn trả lời bằng những lý luận và
thực tiễn của việc lấy chủ nghĩa xã hội làm ngọn cờ cách mạng dân chủ ở châu
Á. Cách suy nghĩ này có thể giúp chúng ta tiến thêm một bước trong việc xử lý
mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, hoặc đưa ra một điểm
nhìn lịch sử.



1. Năm 1912, sau Cách mạng Tân Hợi không lâu, V.I.Lênin sau khi đọc qua bài
Ý nghĩa của cách mạng Trung Quốc của Tôn Trung Sơn đăng trên báo Nhân
dân đã có bài viết nổi tiếng: Chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa dân chủ ở Trung
Quốc. Trong bài viết này, V.I.Lênin, một mặt, khen ngợi cương lĩnh cách mạng
của Tôn Trung Sơn là “chủ nghĩa dân chủ chiến đấu, trung thành”; mặt khác, chỉ
ra một cách sắc bén những yếu tố làm nên tính không tưởng của chủ nghĩa xã
hội và tính cấp tiến của chủ nghĩa dân tuý. Chính vì áp dụng cách xem xét biện
chứng nên V.I.Lênin mới có thể thấy được trong Cương lĩnh của Tôn Trung Sơn
đã thể hiện “chủ nghĩa không tưởng và chủ nghĩa dân tuý”, chẳng hạn như việc
cho rằng Trung Quốc đang ở vào đêm trước của giai đoạn công nghiệp phát triển
rầm rộ, hay cho rằng thương nghiệp Trung Quốc cũng sẽ phát triển nhanh chóng.
Nói “Năm mươi năm sau Trung Quốc sẽ xuất hiện rất nhiều Thượng Hải” cũng
có nghĩa là chủ nghĩa xã hội mang “tính không tưởng”, “tính chủ quan” đó và chủ
nghĩa dân tuý mang tính cấp tiến mới có khả năng “bảo đảm cho sự phát triển
nhanh chóng nhất của chủ nghĩa tư bản”(1).
Gần 30 năm sau, năm 1940, trong Luận về chủ nghĩa dân chủ mới, Mao Trạch
Đông đã chỉ rõ, cách mạng của chủ nghĩa dân chủ mới, một mặt, giống như cách
mạng của chủ nghĩa dân chủ cũ, “về cơ bản vẫn là chủ nghĩa dân chủ của giai
cấp tư sản, yêu cầu khách quan của nó là dọn sạch đường cho sự phát triển của
chủ nghĩa tư bản”; mặt khác, hai loại cách mạng này về bản chất không giống
nhau, giai cấp lãnh đạo cách mạng không giống nhau, giai cấp vô sản mới đã
thay thế giai cấp tư sản cũ. Đồng thời, mục tiêu cũng không còn là xây dựng xã
hội tư bản chủ nghĩa và chuyên chính giai cấp tư sản, mà là “xây dựng xã hội
chủ nghĩa dân chủ mới và xây dựng liên hợp chuyên chính các giai cấp cách
mạng”; do đó, cũng chính là “dọn sạch sẽ con đường lớn vì sự phát triển của xã
hội chủ nghĩa”(2). Trên phương diện kinh tế của chủ nghĩa dân chủ mới, trong
khi chịu ảnh hưởng của cái mà V.I.Lênin gọi là “chủ nghĩa dân tuý và không
tưởng”- thực chất là “tiết chế tư bản” và “bình quân địa quyền” - Mao Trạch
Đông đã lấy đó làm phương châm chỉ đạo cho lĩnh vực kinh tế của chủ nghĩa

dân chủ mới.
Cả V.I.Lênin lẫn Mao Trạch Đông đều đứng trên lập trường cách mạng thế giới
để xem xét mục tiêu và tính chất của cách mạng Trung Quốc. Các ông cho rằng,
thực tiễn cách mạng mà Tôn Trung Sơn đã tiến hành dưới khẩu hiệu của chủ
nghĩa xã hội là một bộ phận của cuộc cách mạng tư sản trên phạm vi thế giới,
còn chủ nghĩa dân chủ mới đã trở thành một bộ phận của cách mạng xã hội chủ
nghĩa trên thế giới. Bất luận là cách mạng dân chủ mới hay cũ thì, về cơ bản,
đều cấu thành nên một giai đoạn có tính tiền đề không thể thiếu của cách mạng
xã hội chủ nghĩa. Sở dĩ nó có thể đóng vai trò như một giai đoạn như vậy là vì
thông qua sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, nó tạo điều kiện sáng tạo cho sự
phát triển của chủ nghĩa xã hội.
Từ sau những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, khi Liên Xô giải thể và cuộc
chiến tranh lạnh kết thúc, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi thế
giới đã được thay thế bởi làn sóng hiện đại hoá. Xem xét ở góc độ bề ngoài, lịch
sử cách mạng thế giới có vẻ như một lần nữa cần xuất phát từ chỉnh thể để bổ
sung lại lịch trình phát triển của chủ nghĩa tư bản đã từng bị dừng lại. Trong thời
điểm lịch sử này, đòi hỏi bức thiết của chúng ta là phải truy tìm đến tận cùng
câu trả lời cho câu hỏi: trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, chủ nghĩa xã hội
rốt cuộc nên tồn tại và duy trì dưới hình thức nào mới có thể giải quyết một cách
đúng đắn mối quan hệ với chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn cầu. Với ý nghĩa
như vậy, câu hỏi đó đã từng được Tôn Trung Sơn trả lời bằng những lý luận và
thực tiễn của việc lấy chủ nghĩa xã hội làm ngọn cờ cách mạng dân chủ ở châu
Á, do mối quan hệ biện chứng phức tạp giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư
bản mà có vẻ như chứa đựng tính tất yếu của việc tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa lý
luận và ý nghĩa lịch sử của nó. Cách suy nghĩ này có thể giúp chúng ta tiến thêm
một bước trong việc xử lý mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã
hội, hoặc đưa ra một điểm nhìn lịch sử.
Trong lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng của Tôn Trung Sơn, chủ nghĩa
dân sinh chiếm một vị trí quan trọng, là “toàn bộ của những cái tồn tại, là trung
tâm của tất thảy các vấn đề”(3) trong hoạt động lý luận và thực tiễn của ông.

Ông nói, “chủ nghĩa dân sinh chính là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ
nghĩa đại đồng”, hoặc “chủ nghĩa cộng sản là lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, chủ
nghĩa dân sinh là sự thực hành của chủ nghĩa cộng sản”(4). Sự tương đồng giữa
chủ nghĩa dân sinh với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn không
phải là sự tương đồng đơn giản về mặt từ ngữ, Ông nói: “tại sao hôm nay tôi
không học ngoại ngữ để có thể trực tiếp giảng về chủ nghĩa xã hội, mà lại cần
phải lấy từ dân sinh - danh từ cổ của Trung Quốc để thay thế cho chủ nghĩa xã
hội? Điều này rất có lý, chúng ta nên nghiên cứu”. Tôn Trung Sơn đã lợi dụng
danh từ cổ này để thay thế chủ nghĩa xã hội, trên thực tế là thông qua chủ nghĩa
xã hội để giải thích chủ nghĩa dân sinh, để xây dựng lý luận về chủ nghĩa xã hội
của chính mình, một loại lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa dân sinh.
Thậm chí, chúng ta có thể nói, chủ nghĩa dân sinh chính là một loại lý luận về
chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Lý luận về chủ nghĩa xã hội của
chủ nghĩa dân sinh có sự tương đồng và khác biệt so với lý luận về chủ nghĩa xã
hội của chủ nghĩa Mác, đó chính là hạt nhân cốt lõi trong lý luận của Tôn Trung
Sơn. Chúng ta có thể phân tích một cách kỹ lưỡng, sâu sắc quá trình lý luận của
Tôn Trung Sơn khi ông lý giải chủ nghĩa xã hội như là chủ nghĩa dân sinh, hoặc có
thể đưa ra những lý giải mới đối với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay.
2. Theo định nghĩa trên của Tôn Trung Sơn, chủ nghĩa dân sinh chính là một
kiểu chủ nghĩa xã hội. Vậy, chủ nghĩa dân sinh này có mối quan hệ như thế nào
với chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của C.Mác và cái làm nên tính đặc biệt của
chủ nghĩa xã hội dân sinh nằm ở đâu? Nói cách khác, thông qua chủ nghĩa dân
sinh để nói về chủ nghĩa xã hội có tính chất lý luận như thế nào? Trả lời cho
những câu hỏi này, trên thực tế đều phải xem Tôn Trung Sơn rốt cuộc giải thích
về chủ nghĩa xã hội và nói về vấn đề chủ nghĩa dân sinh như thế nào. Thực chất
vấn đề này chính là chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là vấn đề về mối quan hệ giữa chủ
nghĩa dân sinh và chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của C.Mác. Nói chính xác
hơn, Tôn Trung Sơn đã lý giải như thế nào về chủ nghĩa xã hội theo quan điểm
của C.Mác, đồng thời tăng cường thêm sự so sánh giữa nó và chủ nghĩa dân
sinh.

Trong Chủ nghĩa tam dân, vấn đề “chủ nghĩa dân sinh” đã được Tôn Trung Sơn
diễn giải nhiều lần, thể hiện rất rõ rằng, chủ nghĩa dân sinh và chủ nghĩa xã hội
đều nhất trí hoàn toàn ở mục đích, “mục đích chính là cần phải chia bình quân
nguồn của cải của xã hội. Do đó, chủ nghĩa dân sinh chính là chủ nghĩa xã hội,
cũng chính là chủ nghĩa cộng sản”(5). Đó chính là việc cần phải giải quyết vấn
đề kinh tế - xã hội do sự chênh lệch giàu nghèo đem lại. Với ý nghĩa đó, chủ
nghĩa dân sinh của Tôn Trung Sơn, giống như chủ nghĩa xã hội của C.Mác,
được nảy sinh từ bối cảnh xã hội sau cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu.
Mục đích của chúng đều nhằm giải quyết vấn đề đối kháng giai cấp và sự chênh
lệch giàu nghèo giữa người công nhân và nhà tư sản do sự phát triển một cách
rầm rộ và vô giới hạn của công nghiệp cơ khí đem lại. Nhưng, đối với Tôn Trung
Sơn, vấn đề xã hội sau cuộc cách mạng công nghiệp, trên thực tế lại hoàn toàn
không phải là vấn đề chủ yếu của xã hội Trung Quốc. Do đó, lý luận về chủ nghĩa
dân sinh của ông hoàn toàn không chỉ là giải quyết các vấn đề xã hội, mà còn là
phòng tránh, ngăn chặn các vấn đề xã hội xuất hiện ở Trung Quốc. Trong khi
ngăn chặn sự phát sinh của các vấn đề xã hội, đồng thời từ đó giải quyết một cách
tận gốc các vấn đề xã hội nảy sinh, Tôn Trung Sơn đã xác lập quan điểm của
mình về chủ nghĩa xã hội và đó chính là hạt nhân trong chủ nghĩa dân sinh của
ông.
Liên quan đến phương diện lý giải nguồn gốc nảy sinh các vấn đề xã hội, Tôn
Trung Sơn cho rằng, sự lý giải của ông và C.Mác có sự khác biệt. Sự khác biệt
này có thể khái quát là sự khác biệt về quan điểm lịch sử, sự không giống nhau
giữa quan điểm duy vật lịch sử và quan điểm lịch sử về vấn đề dân sinh. Căn cứ
vào sự lý giải của ông về quan điểm duy vật lịch sử, sự phân tích của C.Mác đối
với nguồn gốc các vấn đề xã hội, lấy sự lý giải về vật chất làm trọng tâm của
lịch sử, do đó lấy sự lý giải về sản xuất làm trung tâm của tiến hoá xã hội và lấy
sự lý giải về đấu tranh giai cấp làm động lực cho sự tiến hoá xã hội. Ngược lại,
quan điểm lịch sử về vấn đề dân sinh của Tôn Trung Sơn lại không giống như
vậy. Đối với ông, vấn đề “dân sinh” chính là vấn đề sinh tồn của con người.
Ông viết: “Toàn bộ nhân loại từ xưa đến nay sở dĩ cần phải nỗ lực, chính là vì

nhu cầu sinh tồn; nhân loại vì cần phải có sự sinh tồn không ngừng, do đó xã hội
mới có sự tiến hoá liên tục. Định luật tiến hoá xã hội là việc nhân loại mưu cầu
sự sinh tồn. Nhân loại mưu cầu sự sinh tồn, đó mới là nguyên nhân của tiến hoá
xã hội. Đấu tranh giai cấp không phải là nguyên nhân của tiến hoá xã hội, đấu
tranh giai cấp là một căn bệnh xuất hiện khi xã hội đang trong quá trình tiến
hoá. Nguyên nhân của căn bệnh này chính là việc nhân loại không thể sinh tồn.
Vì nhân loại không thể sinh tồn, do đó kết quả của căn bệnh này biến thành
chiến tranh. C.Mác rất tâm đắc đối với việc nghiên cứu các vấn đề của xã hội,
nhưng lại chỉ thấy được những khuyết điểm của sự tiến hoá xã hội mà không
thấy được nguyên lý của sự tiến hoá xã hội. Do đó, chỉ có thể nói C.Mác là một
nhà ‘bệnh lý xã hội’, không thể nói là một nhà “sinh lý xã hội””(6).
Lấy vấn đề sự sinh tồn của con người (tức là vấn đề dân sinh) làm trung tâm của
lịch sử có nghĩa là thoả mãn nhu cầu phân phối và tiêu dùng, coi đó là trung tâm
của lịch sử, là mục tiêu của quá trình sản xuất vật chất, chứ không phải là lấy
quá trình sản xuất vật chất làm mục tiêu và trung tâm của lịch sử.
Xuất phát từ quan điểm lịch sử về vấn đề dân sinh, phương pháp giải quyết các
vấn đề xã hội không song hành với mâu thuẫn giai cấp do quá trình sản xuất một
cách quá mức đem lại. Đối với Tôn Trung Sơn, “xã hội sở dĩ có thể tiến hoá
được là do sự điều hoà vấn đề lợi ích kinh tế của đại đa số trong xã hội, không
phải là sự xung đột lợi ích kinh tế của đại đa số trong xã hội. Điều hoà vấn đề
lợi ích kinh tế của đại đa số trong xã hội chính là đại đa số mưu cầu lợi ích. Đại
đa số có lợi ích thì xã hội mới có thể tiến bộ được. Nguyên nhân của việc điều
hoà lợi ích kinh tế của đại đa số trong xã hội chính là vì cần phải giải quyết vấn
đề sinh tồn của nhân loại”(7). Cần phải thông qua sự tự giác của đại đa số quần
chúng nhân dân trong xã hội để thực hiện điều hoà lợi ích, để giải quyết vấn đề
sinh tồn của nhân loại. Dựa trên quan điểm lịch sử về vấn đề dân sinh về sự tự
giác và điều hoà này của Tôn Trung Sơn,… Đới Tề Lục đã tiến thêm một bước
khi cho rằng, bản tính nhân ái là nguồn giá trị của văn minh Trung Quốc và
cũng chính văn minh Trung Quốc có thể cống hiến một cách to lớn cho thế
giới(8).

Chính quan điểm lịch sử về vấn đề dân sinh đó đã khiến Tôn Trung Sơn có một
cách nhìn nhận mới về các vấn đề xã hội vượt xa so với thời cận đại; từ đó, chủ
nghĩa dân sinh đã có sự giải thích mang tính chất lý luận về nguyên lý thông
thường của sự tiến hoá xã hội của nhân loại. Xuất phát từ chủ nghĩa dân sinh để
quan sát, xem xét vấn đề xã hội Trung Quốc, Tôn Trung Sơn đã có một nhận
thức mới hơn hẳn so với sự lý giải của ông về chủ nghĩa xã hội theo quan điểm
của C.Mác. Theo ông, vấn đề của Trung Quốc không phải là vấn đề không công
bằng, mà chính là vấn đề “nghèo”. “Trong xã hội không công bằng, đương
nhiên có thể dùng phương pháp của C.Mác, dùng đấu tranh giai cấp để giành lại
sự công bằng; nhưng khi Trung Quốc chưa phát triển, thì đấu tranh giai cấp và
chuyên chính vô sản của C.Mác chưa thể thực hiện được. Trung Quốc ngày nay
có thể học theo tư tưởng của Mác, nhưng không thể dùng phương pháp của
C.Mác được”(9). Do đó, giải quyết vấn đề dân sinh ở Trung Quốc không thể
thực hiện “tư bản tiết chế” mà nên là “nước tư bản phát triển”, “Vì nước ngoài
giàu, Trung Quốc nghèo, nước ngoài sản xuất thừa, Trung Quốc sản xuất chưa
đủ”(10). Nói đến nước tư bản phát triển là nói đến việc cần phải thực hiện chấn
hưng sản xuất. Trong Đại cương kiến quốc, Tôn Trung Sơn đã soạn thảo rất chi
tiết “kế hoạch sản xuất” nhằm xây dựng một bức tranh Trung Quốc mới. Ông
“lấy việc có điều kiện sản xuất chủ yếu làm xuất phát điểm của chủ nghĩa dân
sinh”. Tôn Trung Sơn nói: “Việc đầu tiên của quá trình xây dựng đất nước là ở
vấn đề dân sinh”, hơn nữa việc cần phải giải quyết đầu tiên trong vấn đề dân
sinh chính là làm thế nào để có thể thúc đẩy sản xuất, đem lại sự thoả mãn về
nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại cho nhân dân Trung Quốc, thậm chí là thoả mãn cả
những nhu cầu dục lạc của họ. Việc thông qua chấn hưng sản xuất để tìm ra
phương thức giải quyết vấn đề dân sinh là một thái độ có tính quyết định, cũng
có nghĩa là thái độ “do hiện thực quyết định phương pháp giải quyết vấn đề”.
Loại thái độ này đòi hỏi “dùng hiện thực làm cơ sở”, lấy “hiện thực làm chất
liệu cho việc quyết định”, lấy phương pháp đó để giải quyết vấn đề dân sinh.
Đây chính là một thái độ thực sự cầu thị, là một thái độ nhằm tránh khỏi chủ
nghĩa kinh nghiệm về lý luận và không tưởng.

Thông qua việc xây dựng xã hội chủ nghĩa dân sinh, không chỉ giải quyết được
nỗi thống khổ do sự phân phối tài sản không đều đem lại, mà còn thực hiện
được “cộng sản”. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là kiểu “cộng sản” này là
“cộng hữu” mà không phải là “cộng vô”, là giải quyết được một cách đúng đắn
vấn đề phân phối đối với các nhu cầu tiêu dùng. Tôn Trung Sơn còn tiến thêm
một bước khi ông chỉ ra sự nhất trí giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân
sinh thể hiện ở chỗ “nhân dân đối với quốc gia không chỉ là cộng sản, tất cả
chức quyền đều là của chung. Đây mới là chủ nghĩa dân sinh chân chính, là thế
giới đại đồng mà Khổng Tử mong đợi”(11).
Lý tưởng xã hội chủ nghĩa dân sinh của Tôn Trung Sơn là một kiểu lý tưởng xã
hội được thực hiện thông qua các nước tư bản phát triển, lấy việc mở rộng sản
xuất để thoả mãn nhu cầu sinh tồn của nhân dân Trung Quốc. Lý tưởng xã hội
chủ nghĩa dân sinh, do đó, cũng là một kiểu lý tưởng chủ nghĩa cộng sản. Nó
không chỉ có đủ khả năng giải quyết vấn đề nhu cầu sinh tồn, mà còn có thể giải
quyết được vấn đề hưởng thụ của nhân dân, quan trọng hơn là có khả năng giải
quyết đồng thời vấn đề “dân có” và “dân trị”, lấy chủ nghĩa tam dân để thực
hiện một chủ nghĩa tập trung. Đối với điều này, chúng ta không cần phải truy
xét đến cùng. Thông qua sự phát triển và phân phối để giải quyết vấn đề tồn tại
của nhân dân đương nhiên là trung tâm của chủ nghĩa dân sinh, nhưng vấn đề
phát triển bản thân sự sinh tồn của con người, vấn đề chủ nghĩa dân sinh cần
được giải quyết như thế nào?
3. Thái độ của chủ nghĩa dân sinh đối với vấn đề này, trên thực tế, trong một
mức độ nào đó, được quyết định bởi những lý giải có sự khác biệt của Tôn
Trung Sơn về chủ nghĩa xã hội của C.Mác. Trước tiên, ông lấy quá trình sản
xuất vật chất làm hạt nhân cho quan điểm duy vật lịch sử, ở một mức độ nhất
định đã không chú ý đến vấn đề phát triển bản tính của con người và sự tha hoá
con người của Mác. Quá trình sản xuất vật chất không chỉ là nội dung và động
lực của sự tiến hoá nhân loại, mà còn là điều kiện lịch sử đưa đến sự phát triển
và tiến bộ của nhân loại. Với ý nghĩa này, Tôn Trung Sơn đã đồng nhất chủ
nghĩa dân sinh với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đồng thời, việc lấy

tên gọi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, trên một mức độ nhất định, đã
thể hiện mối quan tâm của ông đối với việc giải thích vấn đề xã hội đại đồng
hoặc xã hội cộng sản chủ nghĩa. Ông vẫn chưa phân biệt một cách rõ ràng sự
khác biệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở khía cạnh tính giai
đoạn. Ông cho rằng, chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa dân sinh sau khi thực hiện
ở một đất nước và mở rộng ra thế giới, thì đó chính là chủ nghĩa cộng sản, cũng
chính là thực hiện xã hội đại đồng. Điều này đã xoá tan nghi ngờ khi cho rằng
chủ nghĩa dân sinh không có điểm nào giống với tư tưởng chủ nghĩa cộng sản
của chủ nghĩa Mác. Tuy nhiên, quan điểm như vậy về chủ nghĩa cộng sản của
Tôn Trung Sơn là một hình thái mới trong quan niệm về xã hội khá giả và đại
đồng thời cận đại. Điểm đặc sắc trong tư tưởng đại đồng này là ở chỗ, ông đã
nhiều lần xuất phát từ góc độ kinh tế và chính trị để định nghĩa xã hội đại đồng,
hơn nữa cũng không ít lần đứng trên góc độ so sánh giữa xã hội tự thân và xã
hội trung nhân để lý giải tư tưởng đại đồng. Nói một cách chặt chẽ, tư tưởng đại
đồng của Tôn Trung Sơn là một loại tư tưởng mới về xã hội khá giả.
Tiếp đến, nếu xem xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa dân sinh là một loại tư
tưởng chính trị xã hội coi trọng vấn đề kinh tế, thì chủ nghĩa xã hội trên thực tế
còn có một nhiệm vụ là cách mạng văn hoá. Nhiệm vụ này mặc dù được quyết
định bởi chính trị và kinh tế, nhưng nó cũng có tính độc lập của mình, đại biểu
cho lý tưởng nhân cách và lý tưởng văn hoá mới. Đây cũng chính là sự so sánh
một cách toàn diện giữa chủ nghĩa dân sinh và chủ nghĩa dân chủ mới. Tất
nhiên, nội dung kinh tế trong lý luận về chủ nghĩa dân chủ mới cơ bản vẫn dựa
trên nội dung, tư tưởng và phương pháp của chủ nghĩa dân sinh.
Trên thực tế, chúng ta có thể so sánh chủ nghĩa dân sinh của Tôn Trung Sơn và
lý luận về chủ nghĩa dân chủ mới của Mao Trạch Đông, để từ đó nghiên cứu hạt
nhân của hai loại lý luận đó cũng như những ưu điểm và hạn chế của chúng.
Đây có thể là góc nhìn mới đối với việc lý giải lịch sử phát triển của Trung
Quốc hiện đại. Từ góc độ rộng và hẹp mà nói, chủ nghĩa dân sinh của Tôn
Trung Sơn chính là một loại lý luận về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung
Quốc. Nhưng, loại lý luận về chủ nghĩa xã hội này hoàn toàn không áp dụng lý

luận của chủ nghĩa Mác về các giai đoạn của xã hội, cũng không trực tiếp đứng
từ góc độ cách mạng thế giới để luận chứng về tính hợp lý thực tiễn và tính
chính đáng trong lý luận về chính bản thân nó. Có thể nói, lý luận về chủ nghĩa
xã hội của Tôn Trung Sơn là một loại lý luận về chủ nghĩa xã hội xuất phát từ
giá trị văn minh và vấn đề của chính Trung Quốc. Loại lý luận về chủ nghĩa xã
hội này, trên thực tế, cũng đòi hỏi ý nghĩa tự thân đối với lịch sử thế giới, lý
tưởng đại đồng của Tôn Trung Sơn. Đó chính là ý tưởng đặt nền móng thực tiễn
xã hội chủ nghĩa trên mảnh đất văn minh của Trung Quốc, mở rộng ra thế giới
bao hàm ý nghĩa lịch sử mang tính phổ biến. Ý nghĩa lịch sử mang tầm thế giới
trong tư tưởng của Tôn Trung Sơn, tất nhiên, còn chứa đựng ý nghĩa, giá trị của
chủ nghĩa dân tộc của ông.
Thông qua việc nghiên cứu chủ nghĩa Tôn Trung Sơn, chúng ta đồng thời cũng
đạt được những tư duy mới đối với những vấn đề lý luận của Trung Quốc đương
đại. Rốt cuộc, cần lý giải thế nào về những thay đổi trong lịch sử xã hội của
Trung Quốc kể từ khi cải cách mở cửa đến nay, đặc biệt là lý giải thế nào về
mối quan hệ giữa các hình thái lịch sử của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc. Đó là
nhiệm vụ nặng nề đặt ra đối với những người làm công tác lý luận Trung Quốc
hiện nay. Bất luận là lý luận chủ nghĩa xã hội giai đoạn đầu, hay lý luận về chủ
nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, chúng ta đều có thể thông qua việc
phân tích, so sánh với chủ nghĩa dân sinh của Tôn Trung Sơn nhằm bổ sung và
hoàn thiện nó. Vấn đề này, do khuôn khổ bài viết có hạn, còn cần tiếp tục được
đi sâu nghiên cứu.r
Người dịch: TRỊNH THỊ HẰNG
(Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam)

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
(1) V.I.Lênin. Chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa dân chủ ở Trung Quốc. V.I.Lênin
tuyển tập, t.2. Nxb Nhân Dân, tr.426.
(2) Mao Trạch Đông. Luận về chủ nghĩa dân chủ mới. Mao Trạch Đông tuyển
tập, t.2, Nxb. Nhân Dân, 1991, tr.667, 678.

(3) Đới Tề Lục. Cơ sở triết học của chủ nghĩa Tôn văn, Đới Tề Lục tiên sinh
văn tồn.
(4) Đới Tề Lục. Sđd.
(5) Chủ nghĩa tam dân. Chủ nghĩa dân sinh
(6) Chủ nghĩa tam dân. Chủ nghĩa dân sinh
(7) Chủ nghĩa tam dân. Chủ nghĩa dân sinh.
(8) Đới Tề Lục. Sđd.
(9) Chủ nghĩa tam dân. Chủ nghĩa dân sinh.
(10) Chủ nghĩa tam dân. Chủ nghĩa dân sinh.
(11) Chủ nghĩa tam dân. Chủ nghĩa dân sinh.


×