Tải bản đầy đủ (.docx) (12 trang)

thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực việt nam thời ky công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.33 KB, 12 trang )

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP VỀ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VIỆT NAM

PGS,TS Đức Vượng
1. Thực trạng nhân lực Việt Nam:
Vấn đề nguồn nhân lực thực chất là vấn đề con người. Xây dựng nguồn nhân lực Việt
Nam tức là xây dựng con người Việt Nam có đủ tầm vóc, tố chất, tiêu chuẩn, tài đức, đủ sức
đảm đương công việc được giao.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố dân số Việt Nam là 87 triệu người, xếp thứ
13 trên thế giới về dân số. Theo tính toán của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, đến giữa thế kỷ
XXI, dân số Việt Nam có thể đạt ngưỡng 100 triệu người. Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá
chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11
trong số 12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam đạt
3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước được xếp
hạng. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 75.
Nguồn nhân lực từ nông dân: Nông dân Việt Nam chiếm khoảng hơn 61 triệu 433
nghìn người, bằng khoảng 73% dân số của cả nước. Cả nước có khoảng 113.700 trang trại,
7.240 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; có 217 làng nghề, 40% sản phẩm từ các ngành,
nghề của nông dân được xuất khẩu đến hơn 100 nước. Như vậy, so với trước đây, nông thôn
nước ta đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong nông dân ở nước ta vẫn chưa được khai thác, chưa
được tổ chức đầy đủ. Người nông dân chẳng có ai dạy nghề trồng lúa. Họ đều tự làm. Đến lượt
con cháu họ cũng tự làm. Có người nói rằng, nghề trồng lúa là nghề dễ nhất, không cần phải
hướng dẫn cũng có thể làm được. Ở các nước phát triển, họ không nghĩ như vậy. Mọi người
dân trong làng đều được hướng dẫn tỷ mỷ về nghề trồng lúa trước khi lội xuống ruộng. Hiện
có từ 80 đến 90% lao động nông, lâm, ngư nghiệp và những cán bộ quản lý nông thôn chưa
được đào tạo. Điều này phản ánh chất lượng nguồn nhân lực trong nông dân còn rất yếu kém.
Sự yếu kém này đẫ dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn còn đang trong tình
trạng sản xuất nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống, hiệu quả sản xuất thấp. Việc
liên kết "bốn nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) hiện đang còn là
hình thức.
Tình trạng đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, làm cho một bộ phận lao động ở nông


thôn dôi ra, không có việc làm. Từ năm 2000 đến năm 2007, mỗi năm nhà nước thu hồi
khoảng 72 nghìn ha đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, xây dựng đô thị.
Chính vì nguồn nhân lực trong nông thôn chưa được khai thác, đào tạo, cho nên một
bộ phận nhân dân ở nông thôn không có việc làm ở các khu công nghiệp, công trường. Tình
trạng hiện nay là các doanh nghiệp đang thiếu nghiêm trọng thợ có tay nghề cao, trong khi đó,
lực lượng lao động ở nông thôn lại dư thừa rất nhiều; chất lượng lao động rất thấp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khâu tổ chức lao động và quy hoạch lao
động trong nông thôn chưa tốt. Chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa
đồng bộ, chưa mang tínhkhuyến khích và tính cạnh tranh.
Nguồn nhân lực từ công nhân: Về số lượng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay
có khoảng 10 triệu người (kể cả khoảng 500 nghìn công nhân đang làm việc ở nước ngoại, tại
trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề ở nước ngoài và 2 triệu hộ lao
động kinh doanh cá thể). Số công nhân có trình độ cao đẳng, đại học ở Việt Nam có khoảng
150 nghìn người. Nhìn chung, công nhân có tay nghề cao chiếm tỷ lệ thấp so với đội ngũ công
nhân nói chung.
Cả nước, tính đến năm 2007, có 262 trường dạy nghề, 599 trung tâm dạy nghề.
Trường trung cấp công nghiệp đến năm 2008 là 275. Theo số liệu mới thống kê được, tính đến
cuối năm 2010, cả nước có 123 trường cao đẳng dạy nghề, 303 trường trung cấp nghề; 810
trung tâm dạy nghề; hơn 1.000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Dạy nghề trình độ trung cấp
từ 75,6 nghìn tăng lên 360 nghìn người; có khoảng 600 nghề có nhu cầu đào tạo. Đến cuối
năm 2010, cả nước có 123 trường cao đẳng dạy nghề; 303 trường trung cấp nghề; 810 trung
tâm dạy nghề, hơn 1.000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Dạy nghề trình độ trung cấp từ
75,6 nghìn tăng lên 360 nghìn người.
Trong các ngành nghề của công nhân, tỷ lệ công nhân cơ khí và công nhân làm việc
trong các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp nặng còn rất thấp, khoảng 20% trong tổng số công
nhân của cả nước, trong khi đó, công nhân trong các ngành công nghiệp nhẹ, chế biến thực
phẩm lại chiếm tỷ lệ cao, khoảng 40%.
Vì đồng lương còn thấp, công nhân không thể sống trọn đời với nghề, mà phải kiêm
thêm nghề phụ khác như đi làm xe ôm trong buổi tối và ngày nghỉ, làm nghề thủ công, buôn
bán thêm, cho nên đã dẫn đến tình trạng nhiều người vừa là công nhân, vừa không phải là

công nhân.
Nhìn chung, qua hơn 25 năm đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến tích cực, tăng nhanh về số
lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên từng bước. Trong quá trình phát triển kinh
tế - xã hội Việt Nam, việc làm và đời sống của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh đó, sự phát triển của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng,
chất lượng, kỹ năng nghề nghiệp; thiếu nhiều các chuyên gia kỹ thuật, công nhân lành nghề;
tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; phần lớn công nhân xuất thân từ
nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống. "Địa vị chính trị của giai cấp công nhân
chưa thể hiện đầy đủ"
1
.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong
quá trình đổi mới đã mở ra một giai đoạn lịch sử mới trong sự phát triển của giai cấp công
nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội ảnh
hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống, tâm tư, tình cảm của công nhân; những chính sách
về giai cấp công nhân tuy đã ban hành, nhưng chưa sát hợp với tình hình thực tế của giai cấp
công nhân. Trong các doanh nghiệp và người sử dụng lao động, không ít trường hợp còn vi
phạm chính sách đối với công nhân và người lao động.
Nguồn nhân lực từ trí thức, công chức, viên chức: Nếu tính sinh viên đại học và cao
đẳng trở lên được xem là trí thức, thì đội ngũ trí thức Việt Nam trong những năm gần đây tăng
nhanh. Riêng sinh viên đại học và cao đẳng phát triển nhanh: năm 2000, cả nước có 899,5
nghìn người; năm 2002: 1.020,7 nghìn người; năm 2003: 1.131 nghìn người; năm 2004:
1.319,8 nghìn người. Năm 2005: 1,387,1 nghìn người; năm 2006 (mới tính sơ bộ: prel): 1,666,
2 nghìn người,… Cả nước có khoảng 14 nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; 1.131 giáo sư; 5.253
phó giáo sư; 16 nghìn người có trình độ thạc sĩ; 30 nghìn cán bộ hoạt động khoa học và công
nghệ; 52.129 giảng viên đại học, cao đẳng, trong đó có 49% của số 47.700 có trình độ thạc sĩ
trở lên, gần 14 nghìn giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 11.200 giáo viên dạy nghề và 925
nghìn giáo viên hệ phổ thông; gần 9.000 tiến sĩ được điều tra, thì có khoảng 70% giữ chức vụ
quản lý và 30% thực sự làm chuyên môn. Đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài, hiện có

khoảng 300 nghìn người trong tổng số gần 3 triệu Việt kiều, trong đó có khoảng 200 giáo sư,
tiến sĩ đang giảng dạy tại một số trường đại học trên thế giới.
Số trường đại học tăng nhanh. Tính đến đầu năm 2007, Việt Nam có 143 trường đại
học, đại học, học viện
2
; 178 trường cao đẳng; 285 trường trung cấp chuyên nghiệp và 1.691 cơ
sở đào tạo nghề. Cả nước hiện có 74 trường và khối trung học phổ thông chuyên với tổng số
47,5 nghìn học sinh tại 63/64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 7 trường đại học
chuyên. Tỷ lệ học sinh trung học phổ thông chuyên so với tổng dân số của cả nước đạt 0,05%,
còn chiếm rất thấp so với thế giới.
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày càng phát triển. Vào năm học 2007-2008, cả
nước có gần 6 nghìn cơ sở giáo dục mầm non, 95 trường tiểu học, 33 trường trung học cơ sở,
651 trường trung học phổ thông, 308 cơ sở dạy nghề, 72 trường trung cấp chuyên nghiệp và 64
trường cao đẳng, đại học là các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Số học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày càng tăng.
Năm học 2007-2008, tỷ lệ học sinh, sinh viên ngoài công lập là 15,6% (năm 2000 là 11,8%),
trong đó, tỷ lệ học sinh phổ thông là 9%, học sinh trung cấp chuyên nghiệp là 18,2%, học nghề
là 31,2%, sinh viên cao đẳng, đại học là 11,8%.
Cả nước có 1.568/3.645 học sinh đọat giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung
học phổ thông năm học 2007-2008.
Đầu năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã trình lên Thủ tướng Chính phủ
Việt Nam dự án đào tạo 20 nghìn tiến sĩ trong giai đoạn 2007-2020 ở cả trong nước và ngoài
nước.
Nhà nước đã dành một khoản ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo là 76.200 tỷ
đồng, chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 14,1% so với thực hiện năm 2007.
Bên cạnh nguồn nhân lực là trí thức trên đây, nguồn nhân lực là công chức, viên
chức (cũng xuất thân từ trí thức) công tác tại các ngành của đất nước cũng tăng nhanh:
Tổng số công chức, viên chức trong toàn ngành xuất bản là gần 5 nghìn người làm
việc tại 54 nhà xuất bản trong cả nước (trung ương 42, địa phương 12).
Tổng số nhà báo của cả nước là 14 nghìn phóng viên chuyên nghiệp và hàng nghìn

cán bộ, kỹ sư, nghệ sĩ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục nghìn người
khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn in ấn, tiếp thị quảng cáo,
phát hành, làm việc tại 687 cơ quan báo chí, hơn 800 báo, tạp chí, báo điện tử, đài phát thanh,
truyền hình.
Đội ngũ công chức, viên chức của ngành thuế Việt Nam hiện có gần 39 nghìn người;
ngành hải quan của Việt Nam là 7.800 người, ngành kho bạc là 13.536 người.
Tính đến tháng 6-2005, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách pháp luật
của các cơ quan trung ương là 824 người, trong đó có 43 tiến sĩ luật (chiếm 5,22%), 35 tiến sĩ
khác (chiếm 4,25%), 89 thạc sĩ luật (chiếm 10,08%), 43 thạc sĩ khác (chiếm 5,22%), 459 đại
học luật (chiếm 55,70%), 223 đại học khác (chiếm 27,06%), 64 người có 2 bằng vừa chuyên
môn luật, vừa chuyên môn khác (chiếm 7,77%),… Cả nước có 4.000 luật sư (tính ra cứ 1 luật
sư trên 24 nghìn người dân).
Trí thức, công chức, viên chức trong các ngành nghề khác của các cơ quan trung
ương và địa phương cũng tăng nhanh.
Tổng nhân lực các hội, liên hiệp hội, viện, trung tâm (NGO) hiện có 52,893 người.
Bên cạnh sự tăng nhanh từ nguồn nhân lực trí thức, công chức, viên chức đã dẫn ra
trên đây, thấy rằng, ở Việt Nam hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực từ trí thức, công chức,
viên chức còn yếu kém và bất cập. Đa số công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan
công quyền chưa hội đủ những tiêu chuẩn của một công chức, viên chức như trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc. Có 63% tổng
số sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm; không ít đơn vị nhận người vào làm, phải
mất 1-2 năm đào tạo lại. Trong số 37% sinh viên có việc làm, thì cũng không đáp ứng được
công việc. Bằng cấp đào tạo ở Việt Nam chưa được thị trường lao động quốc tế thừa nhận.
Năm 2007, số sinh viên tốt nghiệp đại học là 161.411 người. Theo ước tính, mỗi tấm bằng đại
học, người dân bỏ ra 40 triệu đồng, còn nhà nước đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, với
tỷ lệ 63% số sinh viên ra trường chưa có việc làm, cho thấy kinh phí đầu tư của sinh viên thất
nghiệp (161.411 sinh viên x 63% x 70 triệu), ít nhất thất thoát 7.117 tỷ đồng (trong đó, 4.067
tỷ đồng của dân và 3.050 tỷ đồng của nhà nước).
Việt Nam có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học trở lên. Con số này có thể
nói tương đương với 2,6 triệu trí thức nước nhà.

Nói tóm lại, nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức (trong đó có công chức,
viên chức) ở Việt Nam, nhìn chung, còn nhiều bất cập. Sự bất cập này đã ảnh hưởng trực tiếp
đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm đổi mới, kinh tế đất nước tuy có tăng từ 7,5
đến 8%, nhưng so với kinh tế thế giới thì còn kém xa. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới
(WB) và tập đoàn tài chính quốc tế (IFC), công bố ngày 26-9-2007, kinh tế Việt Nam xếp thứ
91/178 nước được khảo sát.
Có thể rút ra mấy điểm về thực trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam:
- Nguồn nhân lực ở Việt Nam khá dồi dào, nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức,
chưa được quy hoạch, chưa được khai thác, chưa được nâng cấp, còn đào tạo thì chưa đến nơi
đến chốn, nhiều người chưa được đào tạo.
- Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa lượng và
chất.
- Sự kết hợp, bổ sung, đan xen giữa nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức,
… chưa tốt, còn chia cắt, thiếu sự cộng lực để cùng nhau thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước.
Có thể đánh giá tổng quát về nhân lực Việt Nam hiện nay là số lượng đông, chất
lượng không đông, thể hiện là tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp, chưa có những
tổng công trình sư, kỹ sư, nhà khoa học thật sự giỏi; chưa có những chuyên gia giỏi; chưa có
những nhà tư vấn, nhà tham mưu giỏi; chưa có những nhà thuyết trình giỏi; chưa có những nhà
lãnh đạo, nhà quản lý giỏi. Báo chí nước ngoài bình luận người Việt Nam khá thông minh, rất
nhanh nhạy trong việc nắm bắt và tiếp thu cái mới. Tiếc rằng, lại chưa được khai thác đầy đủ,
đào tạo chưa bài bản, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực và ảnh hưởng đến sự phát
triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
2. Phương hướng và giải pháp về phát triển nhân lực Việt Nam:
Về những giải pháp phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020 đã được thể hiện
trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và được thông qua tại Đại hội XI của
Đảng (tháng 1-2011). Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đã được
Chính phủ thông qua trong Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 19-4-2011. Quy hoạch phát triển
nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ký tại Quyết định
1216/QĐ-TTg, ngày 22-7-2011. Đó là những văn bản pháp lý quan trọng có tính định hướng

để phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một bước đột phá chiến lược,
yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh
tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo đảm đưa nền kinh tế của đất
nước phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả.
Phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 nhằm đưa nhân lực đất nước trở
thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để tạo sự phát triển bền vững, ổn định xã hội, hội
nhập quốc tế. Xây dựng nhân lực chất lượng cao có nghĩa là xây dựng đội ngũ nhân lực khoa
học và công nghệ, nhất là các chuyên gia, tổng công trình sư, kỹ sư đầu ngành, công nhân có
tay nghề cao, có trình độ chuyên môn - kỹ thuật tương đương với các nước tiên tiến trong khu
vực, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học,
công nghệ, kỹ thuật, giải quyết những vấn đề cơ bản của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước; xây dựng đội ngũ doanh nhân quản lý doanh nghiệp, có khả năng tổ chức, khả
năng cạnh tranh; xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực tiên tiến, hiện đại, đa dạng, cơ
cấu ngành nghề đồng bộ; xây dựng sự nghiệp giáo dục tiên tiến, hiện đại và một xã hội học tập
toàn diện để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Quyết định số 1216/QĐ, ngày 22-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ, về việc
phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thì trong 10 năm tới
cần tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế với cơ cấu hợp lý. Tổng số nhân
lực qua đào tạo năm 2015 là khoảng 30,5 triệu người (chiếm khoảng 55,0% trong tổng số 55
triệu người làm việc trong nền kinh tế đất nước) và năm 2020, có khoảng gần 44 triệu người
(chiếm khoảng 70,0% trong tổng số gần 63 triệu người làm việc trong nền kinh tế). Trong tổng
số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực đào tạo qua hệ thống dạy nghề đến năm 2015 có khoảng
23,5 triệu người (tăng 77%). Đến năm 2020 có khoảng 34,4 triệu người (bằng 78,5%). Số nhân
lực đào tạo qua hệ thống giáo dục - đào tạo đến năm 2015 có khoảng 7 triệu người (bằng
23%), đến năm 2020 có khoảng 9,4 triệu người (bằng 21,5%).
Về cơ cấu bậc đào tạo, năm 2015, số nhân lực qua đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng
18 triệu người, chiếm khoảng 59% tổng số nhân lực đã qua đào tạo của nền kinh tế; bậc trung
cấp khoảng 7 triệu người (khoảng 23%); bậc cao đẳng gần 2 triệu người (khoảng 6%); bậc đại

học khoảng 3,3 triệu người (khoảng 11%); bậc trên đại học khoảng 200 nghìn người (khoảng
0,7%). Năm 2020, số nhân lực đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng gần 24 triệu người (khoảng
54%) tổng số nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế; bậc trung cấp nghề khoảng gần 12 triệu
người (khoảng 27%); bậc cao đẳng hơn 3 triệu người (khoảng 7%); bậc đại học khoảng 5 triệu
người (khoảng 11%) và bậc trên đại học khoảng 300 nghìn người (khoảng 0,7%).
Phát triển nhân lực đến năm 2020 của các ngành, lĩnh vực, khu vực như công nghiệp;
xây dựng; dịch vụ; nông, lâm, ngư nghiệp; giao thông vận tải; tài nguyên, môi trường; du lịch;
ngân hàng; tài chính; công nghệ thông tin; năng lượng hạt nhân; đào tạo nhân lực để đi làm
việc ở nước ngoài đã được quy định cụ thể trong Quyết định 1216.
Nhân lực chủ thể cũng đã được định hình: Cán bộ lãnh đạo là những người đứng đầu
cấp trưởng và phó của các cơ quan trung ương: Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính
trị - xã hội cấp trung ương; cơ quan đảng, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, các sở, ban,
ngành và tương đương; đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, thành phố, trực
thuộc trung ương.
Đến năm 2015, tổng số cán bộ lãnh đạo của cả nước có khoảng 200 nghìn người,
trong đó, số người có trình độ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ là hơn 120 nghìn người. Đến năm
2020 có khoảng 220 nghìn người, trong đó, số người có trình độ từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ
là 147 nghìn người.
Tổng số lãnh đạo các cấp cần bồi dưỡng từ năm 2011 đến năm 2015 là khoảng 20
nghìn người; từ năm 2016 đến năm 2020 khỏng 15 nghìn người.
Đội ngũ công chức, viên chức của cả nước đến năm 2015 có khoảng 5,3 triệu người,
trong đó, số công chức, viên chức có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ khoảng 2,8 triệu người,
chiếm khoảng 52% trong tổng số đội ngũ công chức, viên chức của cả nước. Đến năm 2020,
số công chức, viên chức của cả nước có khoảng 6 triệu người, trong đó, số công chức, viên
chức có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có khoảng 3,8 triệu người, chiếm khoảng 63% trong
tổng số đội ngũ công chức, viên chức của cả nước.
Tỷ lệ công chức, viên chức cần bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ từ năm
2011 đến năm 2015 khoảng 20%; thời kỳ 2016-2020 khoảng 15% tổng số công chức, viên
chức.
Đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ đến năm 2015 tăng lên khoảng 103 nghìn

người, trong đó, số người có trình độ trên đại học khoảng 28 nghìn người. Đến năm 2020 có
khoảng 154 nghìn cán bộ khoa học, công nghệ, trong đó, số người có trình độ trên đại học
khoảng 40 nghìn người.
Về đội ngũ giáo viên, giảng viên trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học đến
năm 2015, số giáo viên, giảng viên bậc trung cấp chuyên nghiệp có khoảng 38 nghìn người,
trong đó, có khoảng 30% có trình độ thạc sĩ trở lên; số giáo viên, giảng viên bậc cao đẳng
khoảng 33,5 nghìn người, trong đó khoảng 6% tổng số giáo viên, giảng viên có trình độ tiến sĩ;
số giáo viên, giảng viên bậc đại học khoảng 62,1 nghìn người, trong đó, số người có trình độ
tiến sĩ khoảng 23%. Đến năm 2020, số giáo viên, giảng viên bậc trung cấp chuyên nghiệp
khoảng 48 nghìn người, trong đó, khoảng 38,5% có trình độ thạc sĩ trở lên; số giáo viên, giảng
viên bậc cao đẳng khoảng 44,2 nghìn người, trong đó, tỷ lệ giáo viên, giảng viên có trình độ
tiến sĩ khoảng 8%; số giáo viên, giảng viên bậc đại học khoảng 75,8 nghìn người, trong đó, số
giáo viên, giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 30%.
Về đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề đến năm 2015, số giáo viên, giảng viên
dạy nghề các bậc khoảng 51 nghìn người, trong đó, giáo viên, giảng viên cao đẳng nghề
khoảng 13 nghìn người; giáo viên, giảng viên trung cấp nghề khoảng 24 nghìn người; giáo
viên, giảng viên sơ cấp nghề khoảng 14 nghìn người. Đến năm 2020, số giáo viên, giảng viên
dạy nghề các bậc khoảng 77 nghìn người, trong đó, giáo viên, giảng viên cao đẳng nghề là 28
nghìn người; giáo viên, giảng viên trung cấp nghề khoảng 31 nghìn người; giáo viên, giảng
viên sơ cấp nghề khoảng 28 nghìn người.
Về đội ngũ cán bộ y tế đến năm 2015, tổng số cán bộ y tế có khoảng 385 nghìn
người, trong đó, số bác sĩ khoảng từ 74 - 75 nghìn người (đạt 41 cán bộ y tế/10 nghìn dân,
trong đó, đạt khoảng 8 bác sĩ/10 nghìn dân). Đến năm 2020, tổng số cán bộ y tế có khoảng 500
nghìn người, trong đó, số bác sĩ khoảng từ 96 - 97 nghìn người (đạt 52 cán bộ y tế/10 nghìn
dân, trong đó, đạt khoảng 10 bác sĩ/10 nghìn dân).
Đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao đến năm 2015 có khoảng 88 nghìn người. Đến năm
2020 có khoảng 113 nghìn người, trong đó, lĩnh vực văn hóa năm 2015 khoảng 57 nghìn
người và năm 2020 khoảng 75 nghìn người; lĩnh vực thể thao năm 2015 khoảng 22 nghìn
người và năm 2020 khoảng 28 nghìn người.
Về đội ngũ cán bộ tư pháp đến năm 2020 cần bổ sung thêm khoảng 700 chấp hành

viên, khoảng 1.300 thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, khoảng 4.300 đến 4.500 thư ký thi hành
án, 1.600 kế toán. Đến năm 2020, ngành tư pháp cần bổ sung thêm khoảng 18 nghìn luật sư và
khoảng 2 nghìn công chứng viên, đào tạo cán bộ pháp luật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
(mỗi doanh nghiệp cần từ 1 đến 2 cán bộ pháp luật). Các cơ quan tư pháp địa phương đến năm
2020 cần khoảng 17 nghìn người.
Về đội ngũ cán bộ tòa án đến năm 2020 cần bổ sung khoảng 1 nghìn người mỗi năm,
trong đó có khoảng 500 thẩm phán. Như vậy, nhu cầu nhân lực của ngành tòa án đến năm
2020 là khoảng 22 nghìn cán bộ, công chức.
Về đội ngũ doanh nhân đến năm 2015, cả nước có khoảng từ 1,5 đến 2 triệu người.
Tỷ lệ doanh nhân có trình độ cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ chiếm khoảng 78% tổng số đội
ngũ doanh nhân. Đến năm 2020, cả nước có khoảng từ 2,5 đến 3 triệu doanh nhân. Tỷ lệ
doanh nhân có trình độ cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ chiếm khoảng 80% trong tổng số đội
ngũ doanh nhân.
Nhân lực để phát triển của các ngành kinh tế biển; nhân lực của các lực lượng vũ
trang; nhân lực các vùng kinh tế - xã hội (vùng trung du và miền núi phía bắc, vùng đồng bằng
sông Hồng, vùng bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng đông Nam
Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long) đều đã được quy hoạch tổng thể.
Quy mô đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng năm 2020 có khoảng 3,4 - 3,9
triệu sinh viên. Tỷ lệ sinh viên vào năm 2020 là từ 350 - 400 người/trên 1 vạn dân.
Mạng lưới trường đại học và cao đẳng vào năm 2020 sẽ có tổng cộng 573 trường,
trong đó, 259 trường đại học và 314 trường cao đẳng. Trong giai đoạn 2011-2015 sẽ thành lập
thêm 158 trường (70 trường đại học và 88 trường cao đẳng).
Về mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề (gọi
chung là cơ sở dạy nghề): Đến năm 2015 có 190 trường cao đẳng nghề, trong đó, có 60 trường
ngoài công lập; 300 trường trung cấp nghề, trong đó, có 100 trường ngoài công lập; 920 trung
tâm dạy nghề, trong đó có 320 trung tâm ngoài công lập. Đến năm 2020 có khoảng 230 trường
cao đẳng nghề, trong đó, có 80 trường ngoài công lập; 310 trường trung cấp nghề, trong đó có
120 trường ngoài công lập; 1.050 trung tâm dạy nghề, trong đó có 350 trung tâm ngoài công
lập.
Tổng vốn đầu tư cho phát triển nhân lực đến năm 2020 (gồm giáo dục và đào tạo;

dạy nghề; y tế; chăm sóc sức khỏe, ) khoảng 2.135 nghìn tỷ VNĐ, chiếm 12% tổng vốn đầu
tư toàn xã hội.
Để thực hiện những chỉ tiêu trên, cần có những giải pháp:
Một là: Phải xác định cho rõ nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất của Việt
Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Một đất nước rất ít tài nguyên thiên
nhiên như ở Việt Nam, cần phải lấy nguồn nhân lực làm tài nguyên thay thế, gọi là tài nguyên
nguồn nhân lực, hoặc tài nguyên con người. Muốn vậy, phải làm cho mọi người thấy rõ vai trò
và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức và chất lượng nhân lực thành lợi
thế cạnh tranh trên phương diện toàn cầu. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, mang tính xã hội;
là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý, của nhà trường, của doanh nghiệp, của gia đình
cũng như của bản thân mỗi người lao động. "Đây chính là thể hiện quan điểm phát triển con
người, phát triển kinh tế - xã hội vì con người và do con người, là một trong những nội dung
cơ bản của phát triển bền vững"
3
.
Hai là: Mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn xã hội về nhân lực Việt Nam phục vụ
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát động phong trào thi đua yêu nước tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần giúp cho mọi
người hiểu rõ về các chính sách phát triển nhân lực. Vận động các doanh nghiệp tham gia đào
tạo nhân lực để sử dụng với chất lượng ngày càng cao.
Ba là: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo
dục, đào tạo, chính sách tiền lương, khen thưởng, đãi ngộ; chính sách trọng dụng chuyên gia,
tham mưu, kỹ sư, tổng công trình sư, nhà thiết kế, phát minh, gọi chung là nhân tài, chính sách
về môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc; chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo
trợ xã hội; chính sách cho các cơ quan khoa học NGO. Tổ chức tốt việc việc thực hiện các
chính sách đó. Cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, có chế độ ưu đãi
cho người học.
Bốn là: Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực; hoàn thiện bộ máy quản lý
phát triển nhân lực nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhân lực; đổi mới
phương pháp giáo dục, quản lý nhân lực, thấu tình đạt lý, nhìn rõ đúng sai, kịp thời rút kinh

nghiệm về quản lý nhân lực. Tổ chức bộ máy quản lý nhân lực từ trung ương đến địa phương.
Nhân sự cho bộ máy này phải là những chuyên gia giỏi về nghiên cứu nhân tài, nhân lực trong
và ngoài biên chế nhà nước. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của bộ máy này là tư vấn, tham
mưu, đề xuất; thu thập, phân tích các số liệu về nguồn nhân lực ở tất cả các ngành, các cấp.
Năm là: Tiến hành điều tra, khảo sát thường xuyên về nhân lực và chất lượng nhân
lực ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương và cả nước;bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để
phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước và trong từng ngành, từng cấp.
Sáu là: Đổi mới đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh
Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, chủ yếu là hội nhập
kinh tế quốc tế.
Bảy là: Đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo và dạy nghề từ trung ương đến địa
phương; tổ chức hợp lý hệ thống cấp bậc đào tạo; thực hiện phân cấp quản lý đào tạo giữa bộ,
ngành, địa phương; quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề,
trung tâm dạy nghề. Khuyến khích thành lập các trường đại học, cao đẳng tư thục tại các nơi
có điều kiện, góp phần đẩy nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo.
Tám là: Đổi mới cách xây dựng nền giáo dục, đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội; thực
hiện đúng yêu cầu học để làm việc, giúp nước, giúp dân; xây dựng cơ sở đào tạo theo hướng
đào tạo đến đâu sử dụng đến đó.
Chín là: Xây dựng hệ thống quốc gia để kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và
đào tạo; xử lý việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực trên phạm vi cả nước, bảo đảm
phát triển hài hòa, cân đối.
Mười là: Bảo đảm và huy động nguồn vốn cho phát triển nhân lực; đẩy mạnh xã hội
hóa để tăng cường các nguồn vốn cho phát triển nhân lực.
Mười một là: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực và chuyên giao
công nghệ hiện đại về Việt Nam.
Mười hai là: Nâng cao hơn nữa đến chất lượng con người và chất lượng cuộc sống.
Chất lượng con người, trước hết, phải tính đến vấn đề chất lượng sinh nở. Ngành y tế phải có
những quy định cụ thể về chất lượng sinh nở như kiểm tra sức khỏe, bệnh tật, tính di truyền và
vợ chồng quan hệ để sinh con,…, trước khi chính quyền cấp giấy đăng ký giá thú. Hiện nay,
tại Việt Nam, đang có tình trạng đẻ vô tội vạ, đẻ không tính toán, cân nhắc, nhất là ở nông

thôn, làm cho những đứa con sinh ra bị còi cọc, không phát triển được trí tuệ. Thậm chí có
những người bị nhiễm chất độc da cam mà vẫn đẻ ra những đứa con dị tật. Có người tính rằng,
tại Việt Nam, cứ 10 đứa trẻ sinh ra, có 1 người bị dị tật bẩm sinh. Vì vậy, phải tăng cường chất
lượng hoạt động của các cơ quan chức năng.
Khi có chất lượng con người, phải tính đến chất lượng cuộc sống, có nghĩa là phải
nuôi dưỡng về vật chất và tinh thần của con người sinh ra, bảo đảm cho họ có thể lực dồi dào,
trí tuệ minh mẫn. Về vấn đề này, Việt Nam còn kém xa so với nhiều nước.
Mười ba là: Nhà nước xây dựng chiến lược nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xác định thật rõ xây dựng nguồn
nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách,
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Mười bốn là: Để xây dựng chất lượng con người phải có sự gắn kết với chất lượng
cuộc sống xã hội; có sự gắn kết chặt chẽ giữa xã hội - nhà trường - gia đình để tạo ra nguồn
nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Mười lăm là: Hằng năm, Nhà nước cần tổng kết về lý luận và thực tiễn về nguồn
nhân lực ở Việt Nam, đánh giá đúng mặt được, mặt chưa được, kịp thời rút ra những kinh
nghiệm, trên cơ sở đó mà phát huy mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt.
Chính phủ và các cơ quan chức năng phải có chính sách, biện pháp kết hợp thật tốt
giữa đào tạo và sử dụng trong tổng thể phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng có hiệu quả
nguồn lao động có chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Nói tóm lại, nếu không làm tốt vấn đề tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất
nước, thì khó lòng đạt được mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công
nghiệp theo hướng hiện đại. Trên thực tế, có nhiều quốc gia đang phát triển, trở thành nước có
thu nhập trung bình, nhưng rất ít nước tiếp tục đi lên được để trở thành một nước công nghiệp,
vì những nước này, không có chính sách hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực.

Chú thích:
* Báo cáo khoa học tại Hội nghị "Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3", tổ chức tại Hà Nội,
Việt Nam, từ ngày 4 đến ngày 7-12-2008. Báo cáo này được viết sau khi đã có Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 6, khóa X, về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy

mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008).
Trong Báo cáo Khoa học này, tôi cũng bổ sung một số vấn đề về nguồn nhân lực sau khi có
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (tháng 1-2011); Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-
2020, được thông qua tại Đại hội XI của Đảng; Chiến lược Phát triển nhân lực Việt Nam thời
kỳ 2011-2020 của Chính phủ và Quyết định số 1216/QĐ/TTg, ngày 22-7-2011 của Thủ tướng
Chính phủ: "Phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020"
(Đ.V). Tất cả những số liệu trong chuyên đề này chỉ là tương đối, vì nó biến đổi liên tục.
** Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực - ISSTH.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 45.
2. Theo Phụ lục dự thảo "Chiến lược Phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020", công bố
trên internet, đến 30-12-2008, năm học 2007-2008, Việt Nam có 160 trường đại học, đại học,
học viện. Theo Báo cáo số 760/BC-BGD ĐT, ngày 29-10-2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo,
tính đến tháng 9-2009, cả nước có 376 trường đại học và cao đẳng, tăng gấp 3,7 lần so với
năm 1987.
3. Quyết định số 1216-QĐ/TTg, ngày 22-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ: "Phê duyệt
Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020", www.chinhphu.vn.

×