Các giai đoạn trong lịch sử tiếng Việt
1. Giai đoạn phát triển Mon-Khmer
1.1. Tính chất và thời gian tương đối
Thực ra, trong quan niệm của chúng tôi đây không phải là giai đoạn đầu tiên trong
lịch sử phát triển riêng của tiếng Việt. Nhưng vì tiếng Việt là một ngôn ngữ có
nguồn gốc Nam Á, nhánh Mon-Khmer nên để tiện cho việc theo dõi lịch sử của nó,
chúng tôi tạm tách ra một giai đoạn cụ thể được gọi là giai đoạn Mon-Khmer. Tên
gọi của giai đoạn lịch sử nói trên, như vậy, có nghĩa là vào thời kì này tiếng Việt
cùng với các ngôn ngữ khác của nhánh Mon-Khmer đang là một khối chung, thống
nhất. Sự khác biệt vào lúc này chỉ là sự khác biệt của những bộ phận có tính
"phương ngữ" trong nội bộ nhánh Mon-Khmer để về sau chúng tách ra thành các
nhóm ngôn ngữ khác nhau của nhánh Mon-Khmer thuộc họ Nam Á. Người ta giả
định rằng vào thời gian này, các cư dân sử dụng những ngôn ngữ thuộc giai đoạn
Mon-Khmer như Việt, Khmer, Môn, Bana, Khmú, thậm chí Palaung-Wa v.v
đang là một cộng đồng có ngôn ngữ tương đối thống nhất, phân bố đều khắp ở địa
bàn Đông Nam Á văn hoá.
Nhiều nhà nghiên cứu ước tính giai đoạn Mon-Khmer này của lịch sử tiếng Việt
kết thúc muộn nhất là vào khoảng cách ngày nay ±3000–4000 năm. Vào quãng
thời gian giả định đó, các đặc trưng vốn có của các ngôn ngữ Mon-Khmer thuộc họ
Nam Á cũng chính là những đặc trưng của tiếng Việt. Đã có một vài nhà ngôn ngữ
học cố gắng tái lập lại những nét ngôn ngữ cơ bản nhất của thời kì nói trên. Theo
cố gắng tái lập đó, giai đoạn Mon-Khmer cổ xưa này tuy là một ngôn ngữ thống
nhất nhưng cũng đã có những khác biệt nội bộ mang tính phương ngữ sâu sắc.
Người ta thường cho rằng đây là thời kì đã có sự phân biệt rõ nét trong khối Mon-
Khmer thành ít nhất là khối Đông Mon-Khmer ở về phía Đông và phần còn lại của
nó
[1]
. Khi đặt vấn đề như vậy, những nhà nghiên cứu này thường cho rằng tiếng
Việt về sau này nằm ở khối Đông Mon-Khmer.
1.2. Những đặc điểm chính về ngôn ngữ.
Đặc điểm nổi bật nhất của khối Đông Mon-Khmer này là ngôn ngữ vẫn lưu giữ
những từ có từ thời tiền Nam Á hoặc tiền Mon-Khmer hoặc chung cho cả khối
Đông Mon-Khmer. Theo GS. Nguyễn Tài Cẩn, những từ gốc tiền Nam Á của khối
ngôn ngữ Đông Mon-Khmer này là những từ như: một, hai, ba, bốn, năm, bay,
bắn, bú, nắng, mưa, mũi, mắt v.v trong tiếng Việt; còn những từ gốc tiền Mon-
Khmer của khối ngôn ngữ Đông Mon-Khmer này là những từ như: trời, măng,
trái, trâu, mun ("tro"), mồ hôi v.v trong tiếng Việt; cuối cùng những từ chung chỉ
cho cả khối Đông Mon-Khmer là những từ trong tiếng Việt như: rú ("rừng rú"),
ruột, muối, cháo v.v Người ta nhận biết điều ấy là nhờ khi so sánh những từ tiếng
Việt nói trên với các ngôn ngữ Nam Á như Munda, Nicobar v.v hay Môn,
Khmer, Pear, Khmú v.v hoặc Bana, Bru, Katu v.v Việc phân biệt những lớp từ
nói trên, như vậy, là phụ thuộc vào phạm vi tương ứng giữa tiếng Việt với những
bộ phận ngôn ngữ khác nhau trong nội bộ họ ngôn ngữ Nam Á
[2]
.
Một đặc điểm nổi bật khác của khối Đông Mon-Khmer này là trong ngôn ngữ vẫn
lưu giữ phương thức phụ tố để cấu tạo từ và trong từ song tiết Mon-Khmer âm tiết
cuối luôn được nhấn mạnh, đồng thời là phần chính ổn định nhất của từ ngữ âm.
Về vấn đề phụ tố cấu tạo từ, ở khối ngôn ngữ Đông Mon-Khmer này "ta cũng vẫn
thấy dấu ấn của ba giai đoạn Nam Á, Mon-Khmer và Đông Mon-Khmer như
vậy"
[3]
, tức là chúng cũng bảo lưu những hiện tượng đang nói tới ở đây giống như
đã xử lí đối với trường hợp từ vựng. Tình hình này còn thấy khá rõ trong tiếng
Bru-Vân Kiều (một ngôn ngữ được cho là thuộc khối Đông Mon-Khmer). Theo
mô tả của Hoàng Văn Ma và Tạ Văn Thông ở ngôn ngữ này hiện vẫn còn cả cách
dùng trung tố lẫn tiền tố để tạo từ. Chẳng hạn, ở đây còn sử dụng trung tố -n- (hoặc
-an-) để cấu tạo từ mới. Ví dụ: kũak ("quàng"), kanũak ("cái để quàng"), katáng
("bịt kín"), kantáng ("cái để bịt kín"), kíaq ("canh giữ"), kaníaq ("người gác")
[4]
v.v
Còn đối với vấn đề cấu trúc trong cấu tạo từ, ở khối ngôn ngữ Đông Mon-Khmer
có một nét riêng là "âm tiết cuối luôn luôn được nhấn mạnh ở từ song tiết. Âm tiết
cuối là phần chính, phần ổn định nhất của từ"
[5]
ngữ âm. Như vậy, giai đoạn Mon-
Khmer này có thể được coi là thời kì chuẩn bị để từ đó chuyển sang một giai đoạn
khác, giai đoạn tiền Việt-Mường, một giai đoạn được chúng tôi coi là thực thụ
trong lịch sử phát triển của tiếng Việt.
Tuy nhiên, về giai đoạn phát triển Mon-Khmer này, hiện vẫn còn có những cách
nhìn nhận ít nhiều khác nhau tương đối tế nhị giữa các nhà nghiên cứu. Đó là trong
khối ngôn ngữ Đông Mon-Khmer, về sau tiếng Việt (hay rộng hơn là nhóm Việt-
Mường) gần với nhóm Katu ở phía nam hơn hay gần với nhóm Khmú ở phía bắc
hơn. Theo cách nhìn nhận của G. Diffloth và một vài người khác thì nhóm Việt-
Mường dường như gần với nhóm Katu hơn. Đây có thể cũng là cách nhìn nhận của
GS. Nguyễn Tài Cẩn khi ông viết rằng "Ta cũng đã thấy Proto Việt Chứt [tức
Proto Việt-Mường theo cách dùng thuật ngữ của chúng tôi – TTD] không tách trực
tiếp từ Proto Môn Khmer để lập thành một tiểu chi. Nó vốn thuộc phía Đông của
Môn Khmer, ở trong khối Proto Việt–Katu"
[6]
. Còn dường như đối với A.G.
Haudricourt, M. Ferlus, nhóm Việt-Mường gần với nhóm Khmú ở phía Bắc hơn.
Chúng ta có thể nhận biết điều khác biệt tế nhị đó khi quan sát trong những công
trình của các tác giả nói trên. Đối với họ, tuy không thể hiện sự nhìn nhận khác biệt
một cách rõ ràng như chúng tôi vừa phân biệt, nhưng việc họ luôn nhấn mạnh tới
sự gần gũi khác nhau giữa chúng bằng cách ưu tiên sử dụng tư liệu ngôn ngữ thuộc
nhóm nào trong khi so sánh để làm sáng tỏ những hiện tượng cụ thể nào đó trong
lịch sử tiếng Việt đã thể hiện điều đó. Về vấn đề này, chúng tôi nghĩ rằng, tình hình
không đơn giản như những gì vừa mới nói qua mà phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi
chúng ta phải tiếp tục suy ngẫm thêm.