Hãy nhớ số đo huyết
áp như nhớ số tuổi
của mình
"Kẻ giết người thầm lặng"
Theo GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện
Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp (THA) là bệnh lý
có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm
cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử
vong. Trong đó, các biến chứng thường gặp nhất là:
Biến chứng tim (cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim,
suy tim…); Biến chứng não (xuất huyết não, nhũn
não, bệnh não do THA…); Các biến chứng về thận
(đái ra protein, phù, suy thận…); Biến chứng mắt
(mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị); Biến
chứng về mạch máu (phình hoặc phình tách thành
động mạch, các bệnh động mạch ngoại vi…). Bên
cạnh đó, căn bệnh này còn được gọi là “kẻ giết người
thầm lặng” bởi chỉ có một số ít các bệnh nhân THA
là có một vài triệu chứng cơ năng gợi ý cho họ đi
khám bệnh như: đau đầu, chóng mặt, cảm giác “ruồi
bay”, mặt đỏ bừng, ù tai,… Nhưng đa số các bệnh
nhân bị THA lại thường không có các dấu hiệu cảnh
báo trước. Nhiều khi, lúc thấy có triệu chứng đau đầu
xuất hiện thì tiếp ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc
đời của họ do đã bị xuất huyết não nặng nề. Mặt
khác, tuyệt đại bộ phận (khoảng 90%) các bệnh nhân
bị THA là không rõ nguyên nhân (còn gọi là THA
nguyên phát). Chỉ một số nhỏ các bệnh nhân (<10%)
bị THA có tìm được nguyên nhân, tức là do hậu quả
của một số bệnh lý khác.
Kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân tại
Bệnh viện Lão khoa Trung
ương. Ảnh: Trần Minh
Kiểm tra số đo huyết áp hết sức quan trọng
Những dấu hiệu thể hiện bệnh THA thường không
đặc hiệu và người bệnh thường không thấy có gì khác
biệt với người bình thường. Việc kiểm tra huyết áp
thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố
nguy cơ về tim mạch, là hết sức cần thiết và quan
trọng. Để biết được số đo huyết áp của mình, một
cách đơn giản, đó là đo huyết áp bằng máy đo chuẩn
và đúng quy trình. Huyết áp biểu hiện qua hai con số:
(1) huyết áp tâm thu (áp lực máu lúc tim co bóp):
bình thường là từ 90 đến 139 milimet thủy ngân (mm
Hg), (2) huyết áp tâm trương (áp lực máu lúc tim
nghỉ co bóp): bình thường từ 60 đến 89 mm Hg.
Khi huyết áp tâm thu từ 140 mm Hg trở lên và/hoặc
huyết áp tâm trương từ 90 mm Hg qua một quy trình
chẩn đoán chuẩn, thì được xác định là tăng huyết áp.
Lúc này, cần điều trị để đưa huyết áp về con số mục
tiêu: huyết áp tâm thu dưới 140 mm Hg và huyết áp
tâm trương dưới 90 mm Hg. Điều trị tăng huyết áp
bằng biện pháp không dùng thuốc và dùng thuốc.
Biện pháp không dùng thuốc (gọi là thay đổi lối
sống) do thầy thuốc tư vấn còn biện pháp dùng thuốc
do thầy thuốc khám và kê đơn cho người bệnh định
kỳ. Mỗi người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của
bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý giảm liều, ngừng
thuốc khi thấy huyết áp ổn định. Ngoài ra huyết áp
thay đổi theo tuổi tác và bệnh lý kèm theo cho nên
cần kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình
để phát hiện bệnh THA cũng như các yếu tố nguy cơ
khác. Tốt nhất mỗi người nên thường xuyên đến cơ
sở y tế để kiểm tra hoặc đo huyết áp tại nhà theo
hướng dẫn của bác sĩ và ghi nhớ số huyết áp của
mình.