Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

MỐI QUAN HỆ GIỮA SỬ HỌC VÀ VĂN HÓA HỌC pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (162.41 KB, 5 trang )

MỐI QUAN HỆ GIỮA SỬ HỌC VÀ VĂN HÓA HỌC

TS. Đinh Thị Dung
(BM văn hoá học
ĐH KHXH-NV Tp.HCM )
Một trong những hướng quan trọng của văn hoá học là nghiên cứu văn
hoá từ góc độ thời gian. Ở góc độ này, trên bình diện phổ quát, Văn hoá học
nghiên cứu những đặc điểm có tính quy luật của quá trình hình thành và
phát triển của lịch sử văn hoá nhân loại.
1. Một trong những hướng quan trọng của văn hoá học là nghiên cứu văn hoá
từ góc độ thời gian. Ở góc độ này, trên bình diện phổ quát, Văn hoá học nghiên
cứu những đặc điểm có tính quy luật của quá trình hình thành và phát triển của
lịch sử văn hoá nhân loại; ở bình diện hẹp hơn, Văn hoá học nghiên cứu tiến trình
văn hoá của một dân tộc nhằm nhận ra những đặc điểm văn hoá của dân tộc đó
qua từng giai đoạn cũng như tính thống nhất văn hoá của dân tộc đó trong quá
trình vận động và phát triển theo chỉều thời gian. Như vậy, nhìn ở cả hai bình diện,
có thể thấy Văn hoá học rất gần với Sử học và có quan hệ mật thiết với Sử học.
Không phải ngẫu nhiên trong quá trình hình thành và phát triển để thành một khoa
học độc lập, Văn hoá học đã không ngừng hấp thụ và bao quát được những kết quả
cũng như phương pháp nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác, trong đó có Sử
học. Ngược lại, Văn hoá học cũng có những đóng góp quan trọng đối với các khoa
học chuyên ngành khác, nhất là các ngành khoa học xã hội và nhân văn, về quan
điểm nghiên cứu, góc nhìn, phương pháp
2. Sử học quan niệm lịch sử là dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại và
lấy toàn bộ sinh hoạt của xã hội loài người trong quá trình phát triển của nó làm
đối tượng nghiên cứu. Khoa học lịch sử khôi phục lại bức tranh quá khứ và tìm
cách giải thích quá trình phát triển lâu dài của loài người như là quá trình thống
nhất và chịu sự chi phối của những quy luật nhất định. Cũng như Văn hoá học, bên
cạnh tính phổ quát, Sử học quan tâm đến tính đa dạng của lịch sử nhân loại, đi sâu
vào lịch sử của từng cộng đồng, quốc gia, dân tộc và nhìn lịch sử nhân loại trong
tính thống nhất trong đa dạng của nó. Sử học không chỉ quan tâm đến sự kiện,


chuỗi sự kiện tiếp nối mà còn quan tâm đến những nền tảng, những hệ giá trị bề
sâu, trên đó diễn ra các sự kiện lịch sử. Ngay từ thế kỷ nửa cuối thế kỷ XVIII - đầu
thế kỷ XIX, việc xác định vai trò của văn hoá trong sự phát triển của nhân loại,
tiêu biểu với các tên tuổi như Voltaire, J. Burckhardt, khoa học lịch sử đã có
những chuyển biến quan trọng. Khoa học lịch sử nhận ra "ký hiệu phân tích các sự
kiện, các nền chuyên chế, quân sự và đặc thù cũng như cả việc sưu tầm hệ thống
các trình độ kiến thức đã không đáp ứng đủ như là lịch sử của một nhân loại để trở
thành không gian hoạt động cho thế giới chinh phục tự nhiên và con người"
(1)
.
Chính vì vậy, khoa học lịch sử dần chú ý đến lịch sử nhân loại với tính cách là lịch
sử văn hoá và cố gắng thâm nhập vào "cái bên trong" của thời đại, của sự phát
triển của lịch sử nhân loại. Theo H. U. Wehler, một trong những đại diện sáng giá
của nền khoa học lịch sử Đức thế kỷ XX, có sự đổi ngôi từ Sử học sang văn hoá.
Theo ông, "không phải những cấu trúc kinh tế - xã hội; không phải quyền lợi, mối
quan tâm được xem như những lực lượng thúc đẩy mang tính đặc quyền mà sớm
hơn đấy là những giá trị và những thay đổi nhận thức toàn bộ về tinh thần"
(2)
. Từ
góc độ nghiên cứu lịch sử, ông xác định: "Văn hoá tiếp tục được xem xét như là
một chiều kích (dimension) mà lúc này phải lưu ý bao quát hơn là trước đây - phải
đây là ý thức - và nhất định phải đưa nó vào lịch sử xã hội "
(3)
.
3. Quả vậy, mỗi thời kỳ lịch sử đều mang đậm dấu tích văn hoá. Không am
hiểu lịch sử sẽ rất khó có thể am hiểu truyền thống văn hoá một dân tộc, bởi lịch
sử, như F. Braudel xác định, "là một phần mà thiếu nó thì không có một ý thức dân
tộc nào đứng vững được. Và nếu không có ý thức đó thì không có nền văn hoá độc
đáo, không thể có nền văn minh thật sự"
(4)

. Ngược lại, không xuất phát từ hệ giá trị
sẽ khó nắm bắt và lý giải các hiện tượng lịch sử cũng như quy luật vận động và
phát triển của tiến trình lịch sử. Chẳng hạn, nhìn trong lịch sử thế giới từ thế kỷ
XV đến thế kỷ XIX, nếu không nhận biết hệ thống giá trị làm nền cho thế giới
quan của giai cấp tư sản sẽ rất khó đánh giá phong trào cải cách tôn giáo ở Đức
hay ở một số nước khác ở châu Âu khác. Không phải ngẫu nhiên A. Toynbee, nhà
nghiên cứu lịch sử, lại có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu văn hoá
với lý thuyết về "chu kỳ văn hoá" của mình trong việc sắp xếp các nền văn hoá nổi
tiếng vào các vòng văn hoá, trong đó chúng trải qua thăng tiến, cực thịnh và suy
tàn, và ông đồng ý với P.Bagby rằng "văn hoá là mặt có thể hiểu được bằng trí tuệ
của lịch sử"
(5)
.
4. Một trong những con đường của Sử học trong nghiên cứu lịch sử là phương
pháp nghiên cứu biểu tượng, trong đó biểu tượng văn hoá đóng vai trò quan trọng.
Biểu tượng văn hoá không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ mà còn giúp
chúng ta nhận thức về quy luật phát triển của lịch sử nhân loại. Chẳng hạn, qua
trống đồng và các biểu tượng văn hoá trên trống đồng, nhà nghiên cứu lịch sử có
thêm cơ sở để khẳng định về nền "Văn minh sông Hồng", về cơ sở lịch sử - xã hội
của thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc; mặt khác, nhà nghiên cứu lịch sử cũng có thể xuất
phát từ những cơ sở lịch sử - xã hội thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc để nhận diện
những đặc điểm văn hoá - lịch sử và giải thích những biểu tượng văn hoá biểu hiện
trên trống đồng. Qua những di tích hoang tàn đổ nát trong các khu rừng rậm châu
Mỹ (những công trình kiến trúc bằng đá cổ, những thành tựu về thi6n văn học và
lịch pháp ) nhà nghiên cứu lịch sử có thể nhận ra những nguyên nhân dẫn đến sự
diệt vong của những nền văn hoá da đỏ như xuất phát từ chiến tranh giữa các bộ
lạc, giữa các quốc gia đô thị, và từ thế kỷ XVI là chiến tranh xâm lược của thực
dân Tây Ban Nha mang tính chất huỷ diệt
5. Văn hoá có thể được nghiên cứu từ nhiều hướng. Với tính chất liên ngành,
Văn hoá học có thể nghiên cứu văn hoá từ cách tiếp cận của Sử học, góp phần làm

sang tỏ các hiện tượng văn hoá, những quy luật chung của tiến trình lịch sử của
nhân loại Qua hàng loạt các sự kiện lịch sử do ngành Sử học cung cấp, nhà văn
hoá học có thể khái quát nên những đặc điểm có tính quy luật của quá trình vận
động phát triển lịch sử của một chủ thể văn hoá, nhận ra những đặc điểm có tính
quy luật của nền văn hoá đó. Sử học gắn kết với văn hoá đến mức trong các trường
phái Văn hoá học có trường phái Khoa học lịch sử mới (xuất hiện ở phương Tây
đầu thế kỷ XX). Trường phái này cho rằng có thể thay lịch sử trần thuật cổ điển
bằng "lịch sử vấn đề" để có thể xây dựng "lịch sử toàn thể", tức là lịch sử mô tả
mọi mối liên hệ hiện tồn trong xã hội - kinh tế, xã hội - văn hoá. Gắn liền với điều
đó là sự đoạn tuyệt với khoa học lịch sử có định hướng thực chứng chủ nghĩa
trong truyền thống
(6)
. Có lẽ do vậy, V.M.Rozin đã từng khẳng định: "Chính các
nhà văn hoá học đã đưa ra các cách giải thích độc đáo mới về lịch sử"
(7)
. Quả vậy,
đối với khoa học lịch sử, cách tiếp cận Văn hoá học trong nghiên cứu lịch sử là
một trong những cách tiếp cận có triển vọng. V.M.Rozin viết: "Lịch sử là các quan
điểm khoa học về lịch sử, còn hiện nay thì một trong các quan điểm có triển vọng
nhất về lịch sử là quan điểm văn hoá học"
(8)
.
Văn hoá học không thể thay thế Sử học và ngược lại. Chính tính liên ngành đã
giúp Văn hoá học ngày càng bao quát và gắn bó có tính chiều sâu với nhiều ngành
khoa học chuyên biệt. Các ngành khoa học chuyên biệt, đến lượt mình, tiếp nhận
những thành tựu của văn hoá học, trước hết là hướng tiếp cận văn hoá học, để
ngày càng phát triển có chiều sâu hơn. Và chính trong sự phát triển này các ngành
chuyên biệt lại góp phần vào Văn hoá học. Sử học là một trường hợp như vậy.

CHÚ THÍCH

(1) H.Wunder, "Lịch sử văn hoá", trong Sử gia và thời đại, nhiều người dịch,
Viện Thông tin khoa học xã hội, H.:1999, tr. 32-41, tr. 33.
(2), (3) H.U.Wehler, "Sự đổi ngôi từ sử học sang văn hoá", trong Sử gia và thời
đại, Sđd, tr. 13-25, tr. 19,20.
(4) F.Braudel, Tìm hiểu các nền văn minh, Trần Hương Liên và Hoàng Việt dịch,
Nxb Khoa học xã hội, H.: 1992, tr. 28.
(5) Arnold Toybee, Nghiên cứu về lịch sử - một cách thức diễn giải, Nhiều người
dịch, Nxb Thế giới, H.: 2002, tr. 31.
(6) V.M.Rozin, Văn hoá học, Nguyễn Hồng Minh dịch, Nxb Chính trị Quốc gia,
H.: 2000, tr. 304.
(7) V.M.Rozin, Sđd, tr. 67.
(8) V.M.Rozin, Sđd, tr. 284

×