Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

VĂN HÓA VÀ HIỆN ĐẠI HÓA - NHÌN TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (290.83 KB, 27 trang )

VĂN HÓA VÀ HIỆN ĐẠI HÓA - NHÌN TRONG
BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY

PGS.TS. Bùi Thế Cường
Viện trưởng, Viện PTBV vùng Nam Bộ

Bài viết sử dụng cách nhìn nhân học và xã hội học về văn hóa để phân
tích một số vấn đề văn hóa cơ bản hiện nay ở Việt Nam trong quá trình trở
nên hiện đại với bối cảnh áp lực toàn cầu hóa. Nếu văn hóa bao gồm một
hệ thống tri thức nhất định, thì để nhanh chóng bắt kịp thế giới, hiện đại
hóa ở Việt Nam phải bao gồm việc tiếp thu một cách sáng tạo hệ tri thức
quốc tế cập nhật. Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ giá trị và hệ chuẩn
mực của tính hiện đại, trong đó luật pháp là hình thái cốt lõi. Là lối sống,
văn hóa sẽ là rất khó đồng thời là rất dễ để biến đổi. Nhờ vậy, một xã hội
mới có thể vừa bắt kịp thời đại vừa giữ gìn được bản sắc của mình. Mọi
quá trình hiện đại hóa cho đến nay đều đòi hỏi một điều kiện tiên quyết, đó
là một sự đột khởi về văn hóa. Đổi Mới là một sự đột phá về mặt văn hóa-
xã hội, song để tiến nhanh đến một xã hội công nghiệp hóa đầy đủ, xã hội
Việt Nam vẫn cần một tinh thần quật khởi mạnh mẽ.

Theo cách nhìn xã hội học và nhân học, văn hóa có thể được xem là cấu
thành của ba nội dung lớn: hệ tri thức, giá trị và chuẩn mực. Bài viết này xem xét
văn hóa theo quan niệm trên trong mối quan hệ với quá trình hiện đại hóa và đặt
nó vào bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Một đặc điểm quan trọng của cách nhìn xã hội học là nó không chỉ đồng ý
với quyết định luận kinh tế, mà còn thừa nhận và nhấn mạnh tầm quan trọng hàng
đầu của văn hóa trong tổ chức xã hội, trong tiến trình hiện đại hóa. Lý giải sự nổi
lên của chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu, xã hội học đã cống hiến hai cách giải thích đặc
sắc: cách giải thích của Mác dựa trên cấu trúc kinh tế (một kiểu cấu trúc xã hội),
và cách giải thích của Weber dựa trên văn hóa. Nói cách khác, Weber nhìn chủ
nghĩa tư bản không phải chỉ là một loại hình cấu trúc xã hội, mà còn là một loại


hình văn hóa. Cả hai cách nhìn này cống hiến cho chúng ta một hàm ý kép: xây
dựng một xã hội hiện đại có nghĩa là (phải) kiến tạo nên một cấu trúc kinh tế-xã
hội đặc thù, đồng thời cũng (phải) là kiến tạo nên một kiểu văn hóa đặc thù (Marx,
1961, 1963 và 1976. Weber, 2008).

1. VĂN HÓA NHÌN TỪ QUAN ĐIỂM HIỆN ĐẠI HÓA
Xã hội công nghiệp được tổ chức theo nhiều nguyên lý trái ngược với xã
hội tiền công nghiệp. Chẳng hạn, các nhà xã hội học thường đồng ý với nhau rằng
xã hội công nghiệp dựa trên những nguyên lý sau đây: xã hội thay cho cộng đồng
(quan hệ chức năng thay cho quan hệ sơ cấp), tổ chức quan liêu, dựa trên khoa học
và công nghệ, đề cao cá nhân luận (individualism, kèm theo là quyền con người),
duy lý (reason), hợp lý (rational).
Một số nhà xã hội học đi theo xu hướng kiểm kê những đặc điểm khác nhau
phân biệt giữa hai kiểu xã hội, cổ truyền tiền hiện đại và công nghiệp. Từ đó xây
dựng những tiêu chí cho hiện đại hóa: một khi đạt được rõ nét những đặc điểm này
thì được xem là đã hoàn thành quá trình hiện đại hóa.
Bảng 1 minh họa một sự so sánh khác biệt giữa hai kiểu xã hội ngăn cách
nhau bởi hiện đại hóa. Có thể tạm gọi “phương pháp luận” của sự hình thành bảng
này là “cách thức kiểm kê”. Cách này có ích lợi về mặt bản đồ nhận thức lẫn chính
sách. Nó bắt đầu từ các biểu hiện (đặc điểm) mang tính thực chứng (trực tiếp, hữu
hình, đo lường được). Từ đó người ta có thể đưa ra một hệ thống chính sách cho
sự chuyển đổi và kiến tạo mới một xã hội hiện đại. Khi làm nảy sinh đầy đủ các
“biểu hiện” (đặc điểm) này cho một quốc gia, ta có thể nói đã hoàn thành quá trình
hiện đại hóa.
Xét về mặt văn hóa, quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa bao gồm việc
tạo dựng nên một hệ văn hoá hiện đại, mang tính công nghiệp (cả về tri thức, giá
trị, chuẩn mực, và phong cách). Việc tạo dựng này sẽ là một sự đụng độ sâu sắc
với hệ văn hóa tiền công nghiệp. Nhưng một nhóm người hay cả một quốc gia đi
vào hiện đại hóa lại không thể vứt bỏ toàn bộ di sản văn hoá của mình. Một mặt,
nó phải dùng di sản đã có này làm động lực cho quá trình công nghiệp hóa hiện

đại hóa. Mặt khác, nó phải giữ di sản này để làm nên bản sắc (identity) ngay cả
sau khi đã hiện đại hóa (Kidd, 2002).

2. VĂN HÓA LÀ HỆ TRI THỨC: HIỆN ĐẠI HÓA CẦN MỘT HỆ TRI
THỨC QUỐC TẾ CẬP NHẬT
Trong cách hiểu xã hội học và nhân học nêu trên, văn hóa trước hết bao
gồm hệ tri thức. Đó là thế giới quan, nhân sinh quan, hiểu biết về công nghệ, tổ
chức xã hội, v.v. Nhìn vào bề mặt đời sống xã hội người ta tưởng rằng hệ tri thức
chỉ là một khối khổng lồ các dữ kiện, thông tin và tri thức. Thực ra, bên dưới biểu
hiện rời rạc như vậy, chúng được xã hội liên kết và tổ chức lại với nhau. Cách liên
kết và tổ chức tri thức phụ thuộc vào bản chất của nền văn hóa và cấu trúc xã hội.
Trong xã hội hiện đại, hệ tri thức chủ yếu dựa trên khoa học và công nghệ, duy lý
và hợp lý hóa, có tính quốc tế, được tích lũy với tốc độ nhanh chóng và thường
xuyên biến đổi.
Giống như các xã hội đang phát triển khác, người ta có thể tìm thấy trong
xã hội Việt Nam cùng lúc mọi loại tri thức của quá khứ dân tộc cũng như của thế
giới đương đại. Nhưng hệ tri thức, với tính cách là một kiểu tổ chức tri thức bị
định hình bởi cấu trúc xã hội, thì về nhiều mặt hệ tri thức ở Việt Nam hiện nay tỏ
ra là lạc hậu so với thời đại. Người ta đọc thấy vô số bài báo than phiền về tình
trạng tri thức nghèo nàn, lạc hậu, nhiều sai lạc trong hệ thống giáo dục phổ thông,
dạy nghề và đại học.

3. VĂN HÓA LÀ HỆ GIÁ TRỊ: HIỆN ĐẠI HOÁ CẦN MỘT HỆ GÍA TRỊ
CỦA TÍNH HIỆN ĐẠI
Trong một xã hội tại mỗi thời điểm lịch sử đều có những điều được xã hội
hoặc một số nhóm xem là "giá trị" (những cái muốn được đạt tới, theo đuổi, những
cái được đánh giá cao, được xem trọng, ). Hệ các giá trị này tạo ra một môi
trường định hướng tư tưởng và hành động cho con người, cho các cá nhân và
nhóm, qua đó tạo ra hành động chung và liên kết xã hội. Khi hệ giá trị này hỗn
loạn, không rõ ràng, đối nghịch nhau, xã hội sẽ rơi vào trạng thái "phi chuẩn mực"

(anomie), ở đó các cá nhân và nhóm thiếu được định hướng trong tư tưởng, cảm
xúc và hành vi.
Bảng 1. Khác biệt giữa kiểu xã hội cổ truyền và xã hội hiện đại
Vùng/Đặc điểm Xã hội cổ truyền Xã hội hiện đại
Quy mô Nhỏ, rời rạc. Lớn, liên kết, tập trung.

Kinh tế Phân công lao động đơn
giản, ít năng suất, nông
nghiệp, thủ công nghiệp,
sản xuất hộ gia đình là phổ
biến, ít lao động trí óc.
Phân công lao động
cao, sản xuất công
nghiệp hàng loạt, năng
suất và hiệu quả, công
xưởng và công ty là
phổ biến, tỷ lệ cao lao
động trí óc.
Dân số Nhỏ, rời rạc, đóng, cư trú ở
nông thôn.
Lớn, liên kết, di động
cao, cư trú ở đô thị.
Quan hệ Sơ cấp, định danh, ít riêng
tư.
Chức năng, vô danh,
riêng tư.
Phân
tầng xã
hội
Dựa trên nhiều phân loại phi

kinh tế, cứng nhắc và đóng,
ít di động.
Chủ yếu dựa trên kinh
tế, lỏng và mở hơn,
tính di động xã hội cao.

Vị thế,
vai trò
Phổ biến vị thế gán, ít
chuyên biệt hóa vai trò.
Phổ biến vị thế giành
được, tăng chuyên biệt
hóa vai trò.
Cấu trúc xã
hội
Khuôn Bất bình đẳng, gia trưởng, Bình đẳng hơn, nhiều
tham gia ngoài gia
mẫu giới

bên trong gia đình. đình.
Khuôn
mẫu tuổi
Bất bình đẳng, gia trưởng,
đề cao tuổi tác một chiều.
Bình đẳng hơn cả trong
gia đình, tổ chức và xã
hội.
Nhà
nước
Chuyên chế, ít trách nhiệm

xã hội.
Dân chủ, đảm nhiệm
trách nhiệm xã hội.
Gia đình Gia đình mở rộng, nhấn
mạnh chức năng kinh tế và
xã hội hóa, bền vững.
Gia đình hạt nhân, ít
chức năng kinh tế, dễ
biến động.
Tôn giáo

Là nền tảng của thế giới
quan, không đa dạng tôn
giáo.
Nhạt đạo, đa dạng tôn
giáo, không phải là nền
tảng của thế giới quan.
Giáo dục

Hạn chế trong giới tinh hoa.

Phổ cập, tiên tiến.
Sức khỏe

Mức sinh, mức chết cao,
tuổi thọ thấp, chưa có ý
niệm vệ sinh.
Mức sinh, mức chết
thấp, tuổi thọ cao, nếp
sống vệ sinh.

Truyền
thông
Trực tiếp cá nhân đến cá
nhân.
Truyền thông đại
chúng.
Kiểm
soát xã
hội
Trực tiếp, phi kết cấu
(informal).
Hệ thống tư pháp, cảnh
sát có kết cấu (formal).

Hình thái
tổ chức
Thuần nhất, toàn trị. Khác biệt hóa cao.
Tri thức Dân gian, nghèo. Dựa trên khoa học, tích
lũy nhanh.
Công
nghệ
Tiền công nghiệp, năng
lượng cơ bắp con người
hoặc động vật.
Công nghiệp, khoa học,
nguồn năng lượng cao
cấp.
Giá trị Thuần nhất, bị thiêng hóa,
cộng đồng luận (hẹp), ít
khoan dung.

Đa dạng, thế tục, cá
nhân luận, toàn cầu
luận, khoan dung.
Chuẩn
mực
Luật tục, cứng nhắc về
phong tục tập quán.
Đề cao luật pháp,
khoan dung về phong
tục tập quán.
Văn hóa
Phong
cách
sống
Kiểu cộng đồng nông thôn. Lối sống đô thị.
Định
hướng
Gắn với quá khứ. Gắn với hiện tại và
tương lai.
Biến đổi xã hội Chậm, qua nhiều thế hệ. Nhanh, ngay trong một
thế hệ.
Nguồn: Bùi Thế Cường phát triển thêm dựa trên sơ đồ của Macionis (1980).
Khi bàn về sự thành công của các con rồng và con hổ châu Á, người ta
thường nhắc đến vai trò của chính sách nhấn mạnh “giá trị quan châu Á”, đến vai
trò của nền văn hóa Khổng giáo. Điều này là đúng đắn. Tuy nhiên, cần thấy một
khía cạnh khác là những nước phát triển thành công ấy, trong khi đề cao các cơ sở
văn hóa truyền thống, trên thực tế họ đều cam kết rất mạnh mẽ với hệ giá trị của
xã hội công nghiệp. Chẳng hạn, trong nhiều thập niên, định hướng chính sách và
tuyên truyền ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, ở các
lãnh thổ như Đài Loan, Hongkong, đều lấy phát triển kinh tế và đời sống thịnh

vượng làm trung tâm, coi trọng sản xuất và thương mại hiệu quả, đặt toàn bộ xã
hội trên nền tảng khoa học và công nghệ. Cuộc cải cách ở Trung Quốc do Đặng
Tiểu Bình khởi xướng năm 1978 cũng bắt đầu bằng những mục tiêu (giá trị) mới:
làm giàu, để một số giàu trước, 4 hiện đại hóa, v.v.
Trở lại trường hợp Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, phát triển kinh tế là
nhiệm vụ trọng tâm của toàn quốc gia. Đây là phương châm đã được Đảng xác
định, và nhận được sự đồng thuận của hầu hết các lực lượng xã hội. Điều này phải
đi vào "văn hoá" của xã hội, tức là trở thành một "giá trị". Chẳng hạn, "giàu" đã
trở thành một giá trị, được phát biểu một cách chính thống trong khẩu hiệu "dân
giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Tuy nhiên, vẫn còn hàng
loạt quy định, thái độ, cách nghĩ và cách làm không thừa nhận và khuyến khích
tinh thần nói trên ("tinh thần làm giàu"). Bản thân tinh thần đó, giá trị đó cũng
không được diễn giải rõ ràng, khiến cho các cá nhân và nhóm không có những
định hướng nhất quán. Sự không rõ ràng này thể hiện cả ở trong cán bộ chính trị,
công chức, giới doanh nghiệp, công luận và trong đông đảo người dân.
Khi nhấn mạnh đến hệ giá trị của xã hội hiện đại, điều này không có nghĩa
là đề cao nó như là một cái gì tuyệt đối đẹp đẽ, không thể phê phán. Trên thực tế,
hệ giá trị của xã hội hiện đại cũng là điều kiện (nhưng không phải là nguyên nhân,
nguồn gốc) cho việc nảy sinh nhiều hệ quả xấu xa, tệ hại trong hành vi con người.
Vấn đề ở đây chỉ là ở chỗ, để giải quyết được bài toán phát triển, hiện đại hóa, một
xã hội phải được thay thế hệ giá trị cổ truyền bằng hệ giá trị hiện đại; và các thể
chế sẽ là những công cụ để hạn chế những hệ quả xấu không mong đợi.

Hộp 1. Định hướng giá trị “sự giàu có” trong người lãnh đạo và người dân: Phỏng
vấn của VietnamNet với ông Grzegorz Kolodko, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ
trưởng Tài chính Ba Lan.
Có người cho rằng, những năm dài thực hiện mô hình kế hoạch hóa, quan liêu
bao cấp đã hình thành tâm lý bình quân chủ nghĩa, kỳ thị với người giàu. Theo
ông, chúng ta nên giải quyết trở ngại tâm lý này như thế nào?
Tôi nghĩ đó là câu hỏi đặt ra với hầu hết các nền kinh tế chuyển đổi chứ không

riêng gì Việt Nam. Nếu người giàu trở nên giàu hơn trên sự thiệt thòi của những
người nghèo, cần phải có sự đối thoại trong công luận và điều chỉnh chính sách.
Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, điều này không đúng. Thực tế là mặc dù
có khoảng cách về thu nhập giữa người giàu và người nghèo song thu nhập của tất
cả mọi người đều tăng lên. Nếu những người giàu lên một cách chính đáng nhờ
khả năng quản lý, giáo dục cao thì không có vấn đề gì. Chính người nghèo lại
được hưởng lợi từ đó. Nhưng nếu khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn, nhiều
người nghèo hơn thì Chính phủ phải có phản ứng, có thể bằng chính sách thu
nhập hay chính sách xã hội để tái phân phối của cải.
Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc. VietnamNet. 1/6/2004. Việt Lâm-
Cẩm Tú thực hiện.

4. VĂN HÓA LÀ HỆ CHUẨN MỰC TRONG ĐÓ LUẬT LÀ MỘT CỐT LÕI
Có nhiều định nghĩa, cách hiểu về văn hóa. Cách hiểu của xã hội học về
văn hóa có những điểm khác biệt, có thể đôi khi làm cho các nhà nghiên cứu ở
những lĩnh vực khác hoặc công luận nói chung khó hình dung. Mối liên quan giữa
văn hóa với luật pháp có thể là một điểm khác biệt như vậy. Phần lớn nhà xã hội
học đồng ý với nhau rằng một nội dung lớn của văn hóa là hệ chuẩn mực. Nhưng
có lẽ chỉ một số nhất định các nhà xã hội học tiếp tục nghĩ đến luật pháp, với tính
cách là biểu hiện ở trình độ cao của hệ chuẩn mực, cũng là một bộ phận của văn
hóa.
Theo tôi, việc nhấn mạnh luật là một bộ phận hữu cơ của văn hóa là rất
quan trọng trong việc nhận thức về chủ đề hiện đại hóa. Bởi vì một đặc trưng then
chốt của xã hội hiện đại là nó vận hành trên nền tảng một hệ thống luật pháp rõ
ràng, và hệ thống luật pháp này đến lượt nó lại là một biểu hiện nhất quán theo các
nguyên lý tổ chức của xã hội công nghiệp hiện đại (xem Bảng 1). Điều này còn có
ý nghĩa hơn nữa, khi xã hội Việt Nam của thời kỳ vừa qua và mới chỉ rất gần đây
thôi, do những lý do lịch sử khác nhau, đã rơi vào một tình trạng khá phổ biến là
xem nhẹ vai trò của luật pháp.
Trên cơ sở hệ thống giá trị, văn hoá tạo ra một loạt chuẩn mực làm định

hướng cho tư tưởng và hành vi con người. Các chuẩn mực tồn tại dưới nhiều hình
thái: những cấm kị (taboo), phong tục, tập quán, luật pháp. Trong một xã hội văn
minh ở thời đại hiện nay, thì một cốt lõi của hệ thống chuẩn mực là luật pháp.
Quan niệm về luật pháp như là một hình thái biểu hiện phát triển cao của
văn hóa cho phép giải thích một tình hình cơ bản và nổi bật hiện nay ở Việt Nam:
tình trạng luật pháp không rõ ràng và bị xem thường, thiếu hiệu lực như hiện nay
đương nhiên dẫn đến hoặc ít nhất là có sự liên quan mật thiết đến tình trạng xuống
cấp và hỗn độn của văn hóa. Ngược lại, muốn giải quyết căn bản trạng thái xuống
cấp và hỗn độn của văn hóa, cần phải tập trung vào lĩnh vực pháp luật, xem đây là
then chốt. Việc né tránh điểm then chốt này, phân tán nỗ lực vào các khía cạnh
không then chốt khác của văn hoá, sẽ không đem lại được chuyển biến cơ bản
trong văn hóa.

5. VĂN HÓA LÀ LỐI SỐNG: NẾU VẬY SẼ LÀ CƠ HỘI ĐỂ BIẾN ĐỔI
NHANH?
Theo cách hiểu xã hội học và nhân học, văn hoá không phải chỉ liên quan
đến đời sống tinh thần, văn hoá là "cách" mà xã hội làm mọi điều, mọi việc. Như
vậy, nói chung lại, văn hoá là lối sống: nó bao gồm cả cách sản xuất, công nghệ,
khối tri thức và cách tạo ra tri thức, cách suy nghĩ và cảm xúc, cách xã hội hóa
(giáo dục và đào tạo) con người, cách sinh hoạt.
Nếu nhìn nhận như thế về văn hóa, chúng ta sẽ thấy việc biến đổi xã hội và
phát triển là rất khó khăn, vì nó liên quan đến toàn bộ "cách thức sống", bao gồm
"cách nghĩ" và "cách làm", của cả một xã hội. Đây là những gì đã được hình thành
từ lâu đời, và được cả một khối dân chúng đông đúc chia sẻ. Do đó, thay đổi sẽ là
rất khó khăn.
Nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy mục tiêu thay đổi xã hội sẽ trở nên đơn
giản nếu biết tập trung vào cái gì là cốt lõi, bởi vì văn hoá chỉ liên quan đến "cách
thức" mà thôi. Một khi chúng ta thay đổi "cách nghĩ, cách làm" thì chúng ta sẽ
không tạo ra những kết quả cũ nữa, mà là những kết quả mới. Thêm nữa, việc thay
đổi "cách nghĩ, cách làm" không nhất thiết phải diễn ra đồng thời trong toàn xã hội.

Trước hết và quan trọng nhất chỉ cần và phải cần sự thay đổi ở các giai tầng có
liên quan mật thiết đến việc điều hành phát triển xã hội. Điều này được kiểm
chứng ở một số xã hội châu Á, nơi có một di sản truyền thống hàng ngàn năm,
nhưng đã giải quyết xong vấn đề công nghiệp hóa hiện đại hoá trong vòng 20-30
năm, mà như nhiều nghiên cứu phát triển đã chỉ ra: một nguyên nhân quan trọng
của sự thành công là tầm nhìn, quyết tâm và năng lực của giới lãnh đạo quản lý đất
nước. Muốn đạt mục tiêu phát triển "rút ngắn", vào thời điểm này Việt Nam cần
tập trung trước hết vào một việc: đổi mới cách nghĩ, cách làm hiện tại của các giai
tầng liên quan đến quản lý ở mọi cấp, mọi lĩnh vực (thành công của Đổi Mới trong
hơn 20 năm qua chẳng phải là đã nhờ thế hay sao?).

6. VĂN HÓA LÀ MỘT PHẦN HỮU CƠ CỦA CÁC ĐỊNH CHẾ VÀ TỔ
CHỨC
Theo xã hội học, cơ chế then chốt để vận hành xã hội là các định chế (social
institution), bởi vì các định chế sinh ra để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của xã
hội. Các định chế cơ bản của xã hội, bất kể ở hình thái nào, gồm có: kinh tế, trật tự
(pháp luật, chính trị, Nhà nước), giáo dục, niềm tin (tín ngưỡng, tôn giáo), tái sản
xuất (gia đình). Định chế là một kết hợp của bốn thành phần: ý tưởng cơ bản, các
giá trị và quy tắc (văn hóa), các nhóm xã hội tham gia, cơ sở vật chất (Turner,
1998).
Một định nghĩa khác có thể giúp ta hiểu về bản chất của định chế và yếu tố
văn hóa trong định chế: “Douglas North… định nghĩa định chế là “luật chơi” đề ra
những sự khích lệ cũng như uốn nắn hành vi của một tổ chức và cá nhân trong xã
hội. Những định chế có thể là những luật lệ chính thức, ví dụ như Hiến pháp, luật
pháp, nội quy và những quy trình nội bộ trong một quốc gia. Hay nó có thể là
những giá trị, những quy tắc sống không chính thức, ví dụ như những quy tắc đã
đưa người ta đến những hành vi quan liêu. Định chế là do con người tạo ra và bắt
nguồn trong lịch sử. Nó định ra sự khích lệ làm cho xã hội được tổ chức và vận
hành một cách trật tự, cả việc ký các thỏa ước. Những định chế tốt đẹp vững mạnh
thường làm cho cộng đồng hiểu rằng cần thiết cho phép các chính sách hợp lý

được thực thi nhằm hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế lâu dài. Những định chế
chính là cơ chế vận hành của chính quyền” (Ghesquiere, 2008, trang 149).
Như vậy, văn hóa bao giờ cũng là một phần hữu cơ của mọi định chế, thậm
chí là phần hữu cơ then chốt, là “linh hồn” của định chế. Hiện nay, việc xem xét
và xây dựng hợp phần văn hóa trong định chế chính trị và kinh tế là quan trọng
nhất. Nhưng cũng sẽ là khó khăn nhất vì nó liên quan đến những lợi ích và cách
nghĩ, cách làm có cội rễ sâu xa hiện nay trong xã hội Việt Nam. Định chế và tổ
chức là những khâu yếu nhất hiện nay, gây trở ngại cho phát triển. Công tác tư
tưởng văn hóa phải tập trung vào việc tham gia vào áp dụng những hình thái định
chế và tổ chức hiện đại.

7. HỘI NHẬP QUỐC TẾ VỀ VĂN HÓA: ĐIỂM NHẤN THEN CHỐT HIỆN
NAY?
Đồng thời với việc đề cập khía cạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống, cần nhấn mạnh hơn đến khía cạnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa
trong văn hoá. Sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hoá xã hội sẽ không thể diễn ra
nhanh chóng để đạt được mục tiêu "rút ngắn" nếu khía cạnh hội nhập quốc tế về
văn hóa không được nhấn mạnh đầy đủ, thậm chí xem là khía cạnh then chốt hiện
nay. Hội nhập quốc tế về văn hóa chính là hội nhập về "cách nghĩ, cách làm", các
giá trị và chuẩn mực, các định chế và tổ chức mang tính quốc tế, toàn cầu, nảy
sinh trong một quá trình hiện đại hóa lâu dài hơn hai thế kỷ, đặc biệt trong nửa sau
thế kỷ XX.
Hộp 2. Thanh niên Việt Nam đang "tụt hậu từ A đến Z" so với thanh niên trong
khu vực và thế giới: Lo lắng được đặt ra trong Hội thảo "Hội nhập quốc tế thanh
niên" do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức sáng
5/6/2004.

Trưởng Ban Quốc tế kiêm Bí thư Trung ương Đoàn Đoàn Văn Thái: "Tham gia
hội nhập quốc tế là nhu cầu tự nhiên của thanh niên Việt Nam Tuy nhiên, thanh
niên Việt Nam nhìn chung chưa có sự chuẩn bị tích cực tham gia hội nhập quốc

tế, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Thêm vào đó, trình độ ngoại ngữ, tin học, trình
độ chuyên môn của thanh niên Việt Nam nhìn chung còn thấp so với trình độ
tương tự của thanh niên các nước trong khu vực và trên thế giới".
Theo ông Trần Văn Miều, hội nhập quốc tế thanh niên là một xu hướng tất yếu,
đòi hỏi thanh niên phải nâng cao tâm và trí mới có thể chủ động hội nhập. Tuy
nhiên, ông tỏ ra lo lắng: "Vừa rồi, Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố chỉ tiêu về trí tuệ,
trình độ ngoại ngữ, khả năng thích ứng với điều kiện tiếp nhận khoa học kỹ thuật
của thanh niên Việt Nam theo chuẩn thang điểm 10 của khu vực khiến người ta
phải giật mình: trí tuệ đạt 2,3/10; ngoại ngữ là 2,5/10 và khả năng thích ứng với
điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật chỉ đạt hơn 2/10 điểm!".
Dẫn ví dụ cụ thể từ việc yếu kém ý thức lẫn trình độ ngoại ngữ làm cản trở hội
nhập quốc tế thanh niên, ông Ngô Đức Lý kể lại lần đi Hàn Quốc của mình bằng
một nhận xét đầy lo lắng và được lặp đi lặp lại không dưới 3 lần "xấu hổ vô cùng
các đồng chí ạ!". Ông kết luận: Mỗi một lần theo đoàn ra nước ngoài là đại diện
cho bộ mặt và thể diện quốc gia, dân tộc. Hình ảnh đất nước Việt Nam sẽ được
quảng bá qua tất cả những hành động, cử chỉ, lối ứng xử của chúng ta nơi đất
khách nên trước khi tổ chức "đoàn ra", cần phải có sự tập huấn kỹ lưỡng về mọi
mặt cho các thành viên trong đoàn, đặc biệt là văn hoá.
Khi được VietnamNet phỏng vấn về các chuyến khảo sát nước ngoài do Đoàn
Thanh niên tổ chức, ông Đoàn Văn Thái nhận xét: sau mỗi chuyến đi, ý thức, tác
phong làm việc của thanh niên cũng có phần nào thay đổi, chuyển biến tích cực.
Cụ thể, thanh niên ta học được ở bạn nhiều điều: từ cách quản lý xã hội, kỷ luật
lao động, tác phong làm việc cho đến thái độ phục vụ. Trong đó, điển hình là sự
thay đổi giờ giấc, tác phong làm việc: ít đến muộn, phát biểu, trình bày vấn đề gì
cũng ngắn gọn, bớt rề rà hơn. Khi được hỏi “Những đoàn đi trước về có truyền
đạt kinh nghiệm cho các đoàn sau không?, ông Thái nói: thường thì các đoàn bao
giờ đi về cũng có báo cáo rút kinh nghiệm nhưng viết giống nhau lắm. Mục đích
tổ chức các chuyến đi của Trung ương Đoàn là nhằm giúp cán bộ, đoàn viên
thanh niên tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm của Đoàn Thanh niên nước bạn cũng
như cơ chế chính sách thanh niên của nước đó song hầu như các đoàn đi về

không làm được điều đó. Phần lớn còn nặng về tham quan du lịch, ngắm cảnh.
Thanh niên Việt Nam đang “tụt hậu từ A tới Z”. VietnamNet, 6/6/2004.

8. NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM: ĐỐI CHIẾU VỚI
HIỆN ĐẠI HÓA
Chủ nghĩa Mác và xã hội học hành động nhấn mạnh đến vai trò của con
người trong xã hội và lịch sử (Bùi Thế Cường, 2006. Homans, 1964. Sztompka,
2003). Một nhà quan sát có thể “thấy” được một xã hội qua “nhìn” vào (tìm hiểu)
con người ở xã hội ấy. Vì vậy, sự nghiệp phát triển một quốc gia tức là làm biến
đổi cấu trúc xã hội và văn hóa của quốc gia ấy; làm những biến đổi văn hóa-xã hội
này tức là thay đổi con người của xã hội ấy mà kẻ cam kết, thiết kế và thực hiện sự
thay đổi lại chính là họ.
Trở lại với cách giải thích của xã hội học văn hóa về nguồn gốc của thành
công kinh tế, học theo Weber một số học giả đã tìm cách lý giải sự thành công của
Nhật Bản và các con rồng châu Á là nhờ vào sức mạnh văn hóa truyền thống với
những giá trị và chuẩn mực Khổng giáo. Rõ ràng, để có “thần kỳ kinh tế” một dân
tộc phải xuất phát từ nền văn hóa của chính mình (Kidd, 2002).
Vậy thì những đức tính văn hóa nào của con người và xã hội Việt Nam có
thể phù hợp và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa ngày
nay? Cần phải coi đây là một trong những câu hỏi nghiên cứu quan trọng nhất hiện
nay đối với các nhà xã hội học phát triển và nhân học phát triển Việt Nam và các
tổ chức nghiên cứu của họ, mà tiếc rằng cho đến nay chưa được quan tâm đúng
mức. Hộp 3 thử bước đầu kiểm kê một số nét mạnh của văn hóa Việt Nam có thể
trở thành điểm tựa cho hiện đại hóa thành công.
Dĩ nhiên, xã hội học phát triển cũng phải quan tâm không kém đến một
“phản đề” của câu hỏi nghiên cứu trên: thế còn những đức tính văn hóa nào của
con người và xã hội Việt Nam gây trở ngại cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện
đại hóa ngày nay? Trong một thời gian dài, những nghiên cứu về “phản đề” này
không được hoan nghênh. Gần đây, những nghiên cứu theo hướng đó của Vương
Trí Nhàn đã được công luận chú ý, song không phải là không còn nhiều rào cản

tâm lý (Vương Trí Nhàn, 2007). Dưới đây sẽ còn đề cập đến vấn đề này.

Hộp 3. Những mặt mạnh về văn hoá của xã hội/con người Việt Nam
- Tương đối bình đẳng.
- Bình đẳng giới, phụ nữ có vị thế tương đối cao.
- Đa dạng văn hoá nhưng có mức thuần nhất tương đối cao (87% người Kinh,
chung ngôn ngữ và văn hoá).
- Mối liên hệ gia đình chặt chẽ, được hỗ trợ bởi nền kinh tế hộ gia đình và tín
ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
- Làng là thực thể và tâm linh mạnh.
- Quốc gia có sự liên kết và có cội nguồn.
- Có tính thích nghi.
- Dễ làm việc và sinh sống trong một nhóm nhỏ.
- Sẵn sàng tìm kiếm lối thoát kinh tế.
- Có động cơ thăng tiến, thành đạt.
- Muốn và chú trọng cho con cái có được mức giáo dục cao hơn.
- Học là một giá trị quan trọng.
- Văn hoá hỗn dung của Đông Á và Đông Nam Á.
- Có một hệ văn hoá Nho giáo, nhưng đã biến đổi theo bản địa.
- Có một di sản lớn văn hóa Pháp và Mỹ, đã phần nào được bản địa hóa.
- Di sản chủ nghĩa xã hội trong một loạt lĩnh vực: một số cơ sở vật chất-kỹ thuật
quan trọng, mức đi học ở các cấp, tư tưởng và chính sách nhấn mạnh vào phúc
lợi, sớm có công đoàn và một số tổ chức quần chúng có ảnh hưởng mạnh ở cấp
toàn quốc và có mạng lưới đến tận cơ sở.
Nguồn: Bùi Thế Cường. 2007.

9. KIẾN TẠO VĂN HOÁ CẦN LÒNG TỰ TÔN ĐỒNG THỜI TINH THẦN
TỰ PHÊ PHÁN
Trong một thời gian dài kể cả cho đến hôm nay, việc phê phán trực diện
những khía cạnh tiêu cực trong bản sắc văn hoá đã không được khuyến khích trên

bình diện nghiên cứu và lý luận. Trong khoa học xã hội, khái niệm văn hoá vừa
mang tính giá trị nhưng vừa là trung tính. Chỉ có như vậy, người ta mới có thể
phân tích một cách phê phán, và chỉ có phân tích một cách phê phán thì hiện trạng
mới có thể thay đổi. Trong mọi nền văn hóa dân tộc, không có ngoại lệ, đều có
khía cạnh cần đề cao cũng như cần phê phán, có khía cạnh tích cực và tiêu cực
(theo nghĩa phù hợp hoặc không còn phù hợp với yêu cầu của đời sống hiện tại và
tương lai). Trên thực tế báo chí hàng ngày, chúng ta thấy vô số bài viết phê phán
nhiều biểu hiện cụ thể trong lối sống hiện nay ở người Việt Nam. Tuy nhiên,
những phân tích phê phán tổng quát và toàn diện hơn về văn hoá Việt Nam chưa
được sẵn sàng đón nhận trong công luận. Trên báo chí vẫn hay nói chúng ta đang
có mục tiêu và mong muốn phát triển "rút ngắn", "đi tắt, đón đầu". Chỉ có thể thay
đổi nhanh, và thay đổi một cách thành công, khi có sự tự tin, tự hào. Nhưng điều
này cũng chỉ có thể có được khi có tinh thần tự phê phán, chấp nhận sự phê phán.

10. HIỆN ĐẠI HÓA LÀ MỘT SỰ ĐỘT KHỞI VĂN HOÁ
Nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, để tạo nên một thời đại biến đổi
mạnh mẽ, bao giờ cũng xuất hiện trước đó một "tinh thần thời đại", điều được tạo
ra bởi sự đột khởi về văn hoá. Có tác giả nói chúng ta hiện cần có một "khí thế
công nghiệp hoá hiện đại hoá" để tiến hành được quá trình này một cách mạnh mẽ
và rút ngắn (Trần Văn Thọ, 1997).
Sách báo quốc tế đã và đang ghi nhận lại một số thời điểm lịch sử liên quan
đến những đột khởi về văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Thời đại Phục Hưng và
Khai sáng ở Tây Âu thế kỷ XVI-XVIII đã khơi mào cho sự ra đời của chủ nghĩa tư
bản. Cải cách giáo dục đại học ở Đức do vua Phổ giao cho Humbold khởi xướng
sau thất bại năm 1807 trước Napoleon, đã dẫn đến tiến bộ vượt bậc của khoa học,
công nghệ và công nghiệp Đức suốt thế kỷ XIX (Nguyễn Xuân Sanh, 2004). Nỗ
lực của một thế hệ các học giả và những trước tác vạch thời đại của họ xung quanh
vua Minh Trị ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đã dẫn Nhật Bản tới hiện đại hóa thành
công. Sau thất bại 1945 của Đức và Nhật, người ta lại chứng kiến ở hai nước này
một sự khởi phát tinh thần mới, điều đã dẫn đến “thần kỳ kinh tế” của hai nước

trong thập niên 1960-1970. Gần đây, tin tức cho ta biết dường như có nhiều dấu
hiệu cho thấy sau một thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh, xã hội Trung Quốc đang
bước vào thời kỳ khởi phát một “trạng thái tinh thần dân tộc Trung Hoa” mới. Sự
trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ là kinh tế mà còn bao gồm một sự trỗi dậy văn
hóa.
Trong tiến trình khởi động kinh tế vừa qua ở Việt Nam có bao hàm một sự
khởi phát mới về văn hóa? Câu trả lời của tôi là: có, nhưng chưa đủ. Rõ ràng, Đổi
Mới không chỉ bao hàm nội dung kinh tế-xã hội. Chúng ta đã chứng kiến ngay từ
những ngày tháng đầu tiên của Đổi Mới một sự “bừng nở”, một chữ dùng rất đắt
của Lê Đăng Doanh (2001). Tuy nhiên, công cuộc tiếp tục Đổi Mới theo nghĩa đẩy
mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đòi hỏi một “khí thế tinh thần” rõ rệt hơn nữa,
một trạng thái văn hoá tinh thần giống như trong làn sóng duy tân những năm đầu
thế kỷ XX, thời kỳ đầu Cách mạng tháng Tám 1945, thời kỳ những năm 1950-
1970 chống Pháp và chống Mỹ (Phạm Xanh, 2001). Gần đây, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp kêu gọi hãy có những “Điện Biên Phủ trong kinh tế”. Không có một
trạng thái tinh thần như vậy, khó có thể đạt được mục tiêu phát triển mang tính đột
phá đã đặt ra.


Hộp 4. Cần và có thể tạo nên một khí thế công nghiệp hóa hiện đại hóa không?
“Thế hệ làm nên chiến thắng cuộc chiến tranh cứu nước nói rằng, lúc trai trẻ hàng
ngày họ đi qua thành cửa Bắc và nhìn thấy hai lỗ đạn đại bác của thực dân mà
thấy thấm nỗi nhục mất nước, nuôi chí giải phóng đất nước. Liệu từ nay, nếu trên
các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày chúng ta thông báo bên cạnh giá
vàng, giá USD, nhiệt độ thời tiết có thêm thông số về thứ hạng nước ta trong nền
kinh tế thế giới, số tiền chúng ta đang vay nợ thì chắc chắn vì thấm nỗi nhục
nghèo hèn mà chúng ta nuôi chí vươn lên. Không có động lực ấy chúng ta vẫn
thoả mãn với bước đi chậm rãi, chúng ta sẽ mãi mãi tụt hậu!''
Dương Trung Quốc. Đừng ngồi trong nhà và đóng tất cả cánh cửa lại.
VietnamNet, 14/5/2004.


11. HIỆN ĐẠI HÓA VĂN HÓA: THÁI ĐỘ VĂN HÓA ĐỐI VỚI HIỆN ĐẠI
HÓA
Bài viết này bàn đến văn hóa như là một động lực quan trọng của hiện đại
hóa và phát triển. Để hiểu điều đó trong thực tế Việt Nam hiện nay, chúng tôi đề
nghị sử dụng khái niệm của xã hội học và nhân học về văn hóa và đặt cách hiểu đó
về văn hóa dưới những áp lực của quá trình hiện đại hóa đương đại mang tính toàn
cầu. Bằng cách như vậy, vấn đề văn hóa đã đặt ra cho chúng ta những yêu cầu và
ưu tiên then chốt trong bối cảnh ngày hôm nay. Đó là:
1. Việc phát triển bắt kịp các nước khác đòi hỏi thái độ tiếp nhận nhanh chóng
và thực sự hệ tri thức quốc tế cập nhật. Hệ tri thức của một xã hội được tổ chức
theo những cách thức nhất định nào đó là một nội dung cơ bản của văn hóa của xã
hội đó, “tri thức nào xã hội ấy, xã hội nào tri thức ấy” (Evers và cộng sự, 2008).
2. Hệ giá trị là nền tảng của văn hóa, của xã hội. Để dẫn dắt một xã hội, một
quốc gia, đi theo một định hướng nào đó, cần có một hệ giá trị rõ ràng, nhất quán,
thực sự phù hợp với và hỗ trợ cho việc tiến theo định hướng ấy. Hệ giá trị của một
xã hội cụ thể là một hệ thống phức hợp, đa tầng. Nó còn trở nên khó nhận diện
hơn nữa vì mỗi nhóm xã hội, cho dù đều là thành viên của cùng một xã hội, song
họ lại có quan điểm khác nhau đối với hệ giá trị ấy, do lợi ích, vị thế, và nhận thức
khác nhau. Trong bài viết này để làm ví dụ minh họa và tập trung vào điểm then
chốt, chúng tôi chỉ thảo luận về vấn đề coi phát triển kinh tế phải là một giá trị ưu
tiên, như đã nhận được sự đồng thuận của mọi nhóm xã hội.
3. Để có một khung logic nhận thức hỗ trợ cho trật tự nhận thức và quản lý, bài
viết này tích hợp luật pháp vào khái niệm văn hóa. Và nếu như hệ chuẩn mực là
một nội dung chủ chốt của văn hóa, bao gồm từ các quy tắc trong tập quán, đến
phong tục, đạo đức và luật pháp, thì trong yêu cầu hiện nay, rõ ràng công tác kiến
tạo văn hóa phải hết sức xem trọng luật pháp, coi đây là mắt xích then chốt. Gắn
với hệ giá trị và xây dựng luật pháp là việc tập trung vào xây dựng những định chế
và tổ chức của xã hội hiện đại. Bởi vì văn hóa là thành tố cốt lõi trong định chế
còn định chế là cốt lõi của tổ chức xã hội.

4. Việc phát triển nhanh chóng hiện nay của Việt Nam có nhiều cơ hội, trong
đó biến đổi văn hóa là một cơ hội lớn, bởi vì với tư cách là một hệ thức sống (lối
sống, phong cách sống), văn hóa có thể được tiếp nhận và thay đổi rất nhanh. Điều
này còn trở nên dễ dàng hơn nữa, khi kinh nghiệm lịch sử các nước cho thấy, để
tạo nên bước ngoặt phát triển chỉ cần tập trung vào sự thay đổi văn hóa ở giai tầng
lãnh đạo quản lý. Nhà sử học Arnold John Toynbee là người sử dụng lý thuyết về
vai trò của giới tinh hoa (elite) vào sự phân tích lịch sử của các quốc gia hay xã
hội trong những thời điểm bước ngoặt. Nhiều nghiên cứu giải thích bài học thành
công của Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, cũng đi theo hướng này.
5. Cuối cùng là những vấn đề liên quan đến mặt mạnh-mặt yếu của con người
và bản sắc văn hóa Việt Nam, sự kết hợp giữa lòng tự tôn với tính tự phê phán,
tinh thần đột khởi văn hóa vì sự nghiệp phục hưng đất nước. Đây là những điều
kiện cho mục tiêu phát triển tăng tốc hôm nay.
Nếu có thể và cần tóm tắt lại tất cả những yếu tố khác nhau nêu trên, chúng
tôi cho rằng đây chính là vấn đề của một thái độ văn hóa: hướng đến, tập trung
vào mục tiêu hiện đại hóa. Nói cách khác, một vấn đề bao trùm của xã hội Việt
Nam hiện nay là “hiện đại hóa văn hóa”. Và như vậy, theo logic, thì một nhiệm vụ
cốt lõi của công tác tư tưởng văn hóa hiện nay chính là xây dựng được một thái độ
văn hóa đối với hiện đại hóa.


Hộp 5. Thái độ văn hóa đối với hiện đại hóa
“Ta đang đua tranh phát triển với thế giới nhưng thử hình dung thế này, khi anh
đã trên đường chạy thì anh cứ thế mà chạy thôi. Cắm cổ mà chạy và chỉ có chạy.
Chạy đua là phải vậy. Nếu không thì thua. Người Việt chúng ta lại có thói quen
hay nhìn lại. Vấn đề không phải là có nên ngoái cổ nhìn lại hay không, mà là
mình nên nhìn lại vào lúc nào… Theo tôi, về nguyên tắc, nếu cần nhìn lại thì
nhìn thật kỹ đi trước khi bắt đầu cuộc đua, có thái độ dứt khoát, rõ ràng với quá
khứ và truyền thống. Còn khi bước vào cuộc đua thì cứ thế mà chạy. Theo cách
này thì quá khứ và truyền thống mới nâng bước, mới tiếp sức cho mình. Còn vừa

chạy vừa nhìn lại thì chỉ bị níu kéo lại mà thôi”.
Trần Đình Thiên. 2005. Tiềm năng cho tăng trưởng. VietnamNet. 1/9/2005.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Asian Development Bank. 1997. Emerging Asia: Changes and Challenges.
Manila: ADB.
2. Bá Dương. Người Trung Quốc xấu xí. Người dịch: Nguyễn Hồi Thủ. 18/2/2005.
Website Văn hóa học. 23/2/2008. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn.
/>=346&Itemid=103
3. Barth, Fredrik, Andre Gingrich, Robert Parkin, Sydel Silverman. 2005. One
Discipline, Four Ways: British, German, French, and American Anthropology.
Chicago and London: The University of Chicago Press.
4. Bộ Ngoại giao. 1995. Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc. Hà Nội: Nxb.
Chính trị Quốc gia.
5. Bùi Thế Cường. 2003. Nỗ lực tập thể và phong trào xã hội ở Việt Nam trong
thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa: Một khởi thảo nghiên cứu. Tạp chí Xã
hội học, số 1/2003.
6. Bùi Thế Cường. 2006. Các lý thuyết về hành động xã hội. Tạp chí Khoa học Xã
hội, số 6(94)/2006.
7. Dương Trung Quốc. 2004. Đừng ngồi trong nhà và đóng tất cả cánh cửa lại.
VietnamNet 14/5/2004.
8. Đặng Nghiêm Vạn. 2001. Dân tộc Văn hóa Tôn giáo. Hà Nội: Nxb. Khoa học
Xã hội.
9. Đinh Xuân Lâm và Phạm Hồng Tung. Khoa học xã hội và nhân văn ở Việt
Nam: Thử nhận diện một vài tồn tại và thách thức dưới góc nhìn lịch sử và
phương pháp luận. Tạp chí Khoa học Xã hội, số 10(86)/2005.
10. Đỗ Lai Thúy. 2006 (In lần thứ hai). Chân trời có người bay. Hà Nội: Nxb. Văn
hóa-Thông tin.
11. Evers, Hans-Dieter, Solvay Gerke, Thomas Menkhoff. 2008. Tri thức và Phát

triển - Những chiến lược xây dựng xã hội tri thức. Tạp chí Khoa học Xã hội, số
6(118)/2008.
12. Ghesquiere, Henri. 2008. Bài học thành công của Singapore. Singapore:
Cengage Learning Asia Pte Ltd. Người dịch: Phạm Văn Nga-Phạm Hồng Đức.
13. Homans, George C. 1964. Bringing Men Back In. American Sociological
Review. Volume 29. No. 5. December, 1964.
14. Kidd, Warren. 2002. Culture and Identity. New York: Palgrave Macmillan.
15. Kleinen, John. 2007. Làng Việt đối diện tương lai hồi sinh quá khứ. Đà Nẵng:
Nxb. Đà Nẵng.
16. Kolodko, Grzegorz. 2004. Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc.
VietnamNet. 1/6/2004. Việt Lâm-Cẩm Tú thực hiện phỏng vấn.
17. Lê Đăng Doanh. 2001. Đổi Mới và sự phát triển con người ở Việt Nam. Thời
đại. Tạp chí nghiên cứu & thảo luận, số 5/2001.
18. Macionis, John J. 1980. Sociology. Englewood Cliffs: Prentice-Hall.
19. Mai Văn Hai. 2002. Biểu tượng và văn hóa biểu tượng trong tư duy xã hội học.
Trong: Tạp chí Xã hội học, số 2/2002. Hà Nội.
20. Marx, Carl. 1961. Đấu tranh giai cấp ở Pháp. Hà Nội: Nxb. Sự thật.
21. Marx, Carl và Friedrich Engels. 1976. Một số thư về chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Hà Nội: Nxb. Sự thật.
22. Marx, Carl, Friedrich Engels, và Vladimir I. Lenin. 1963. Chủ nghĩa duy vật
lịch sử. Hà Nội: Nxb. Sự thật.

×