Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Nhà có trẻ tự kỷ docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (112.28 KB, 5 trang )

Nhà có trẻ tự kỷ
( 9:39 AM | 16/10/2011 )
Lần đầu tiên khi tôi phát hiện con có những biểu hiện
khác thường là một ngày cách đây 5 năm. Khi đó con
tôi mới 2 tuổi rưỡi.
Tôi gọi nhưng không thấy cháu trả
lời. Tôi nói chuyện với con nhưng
đôi mắt con không nhìn tôi, mà
nhìn vào một nơi vô định. Những
chuỗi ngày sau đó thật khủng
khiếp. Cháu thường xuyên khóc, không nghe lời, thậm chí
đánh mẹ. Cháu đi nhón chân, không giao tiếp bằng mắt.
Thế giới tưởng như đã sụp đổ trước mắt tôi. Sau đó, vợ
chồng tôi đưa cháu đi khám. Rồi tới trường trẻ tự kỷ. Bắt
đầu những chuỗi ngày đấu tranh với bệnh tật của con để
mang con trở lại với thế giới.
Đến trường
Hỏi người thân, bạn bè, tra cứu trên mạng. Tôi cũng tìm
được vài trường tương đối thích hợp.

Ban đầu, vợ chồng tôi định cho con học ở trường dành cho
trẻ tự kỷ và trẻ down. Một lớp có hơn 10 cháu. Cô không
kham nổi từng ấy tính khí thất thường của từng trẻ. Nên khi
cô mải dỗ trẻ này thì ở một góc khác trong lớp, một trẻ
khác ngồi khóc thảm thiết mà không có ai chạy tới dỗ dành.
Cảnh tượng đó làm tim tôi nghẹt thở.
Sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm, tôi tìm thấy một trường
khác, hiệu trưởng là tiến sỹ tâm lý, tu nghiệp ở nước ngoài,
cũng có con là trẻ tự kỷ. Lớp học một thầy bốn trò. Đó là
lớp lý tưởng nhất mà vợ chồng tôi có thể trang trải được.
Thầy giáo tư vấn, sẽ tốt hơn nếu cho con học lớp 1 thầy


một trò, con sẽ được quan tâm hơn, được giao tiếp nhiều
hơn. Nhưng ở thời điểm đó chúng tôi không đủ khả năng.
Vậy là đã quyết định được trường. Dù lúc quyết xong, tôi
vẫn không biết làm sao có thể xoay được với từng ấy học
phí mỗi tháng. Lúc ấy, trong đầu vợ chồng tôi chỉ nghĩ làm
sao chữa cho con càng nhanh càng tốt. Cảm giác có lỗi với
con, không có khả năng phát hiện sớm hơn bệnh cho con
làm tôi khóc mỗi đêm. Có những lúc, tôi chỉ ước sao một
lần trong đời con nhìn thẳng vào mắt tôi. Một cái nhìn thực
sự dành cho tôi.
Tôi sợ đôi mắt trong veo của con nhìn vào khoảng không
vô định. Không cảm giác, không suy nghĩ.
Tiếp theo là những ngày theo con đến lớp. Bất cứ lúc nào
có thể, hoặc tôi, hoặc chồng, lại theo con đến lớp. Có
chứng kiến cảnh thầy cô dạy học cho con mới biết khó
khăn, vất vả đến mức nào. Với những trẻ khác, cầm chơi
một đồ vật là điều hết sức tự nhiên, bình thường. Thế
nhưng với con tôi và 3 trẻ khác trong lớp, cầm chơi một đồ
vật đã là điều xa xỉ. Có những thứ tưởng chừng bình
thường, nhưng khi ta không thể làm được, mới biết nó quý
giá chừng nào.
Con không có cảm giác với đồ vật. Con không quan tâm.
Đưa đồ chơi cho con nhưng con không cầm. Chỉ khóc ngặt
và đi nhón chân. Một tháng, hai tháng, rồi sáu tháng. Bằng
nỗ lực của các thầy cô và của vợ chồng tôi, cuối cùng tình
trạng bệnh của con cũng được cải thiện. Con đã bớt quấy
khóc, biết cầm đồ vật. Và lần đầu tiên trong đời, mắt con đã
nhìn tôi khi tôi gọi. Hạnh phúc như vỡ oà, như tôi được tái
sinh.
Tự dạy con

Thời gian sau đó, tôi quyết định nghỉ hẳn việc ở nhà để dạy
con. Những kỹ năng học được từ việc dạy trẻ tự kỷ ở
trường của con đã giúp tôi được rất nhiều.
Tôi cũng tham gia các câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ. Ở đó
chúng tôi thường xuyên trao đổi các kinh nghiệm, phương
pháp dạy trẻ, chơi với trẻ. Chúng tôi cũng tâm sự để lòng
vợi đi nỗi buồn.
Chia sẻ với những gia đình có trẻ tự kỷ mới thấy, dường
như không có nỗi buồn nào lớn hơn. Một đứa trẻ sinh ra
xinh xắn, đáng yêu, khoẻ mạnh là thế. Bỗng một ngày thế
giới khép lại khi phát hiện con bị tự kỷ. Tôi đã gặp rất
nhiều hoàn cảnh giống mình. Những nỗi ám ảnh và những
nỗi niềm day dứt vô bờ của các bậc cha mẹ có con tự kỷ.
Chúng tôi vẫn động viên nhau hang ngày để có đủ nghị lực,
niềm tin để sát cánh bên con
suốt cuộc đời.
Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và những gia đình cùng cảnh
ngộ, tôi có thêm sức mạnh để tiếp tục cùng con.
Có những lúc tôi tưởng mình phát điên, bỏ cuộc. Đó là khi
con quấy khóc, khi con vứt ném đồ chơi, thậm chí có
những lúc con đánh tôi, và thường xuyên không nghe lời.
Nhưng mỗi ngày một chút, nói chuyện với con, cùng con
tập các bài vận động, chơi cùng con các trò chơi. Mỗi ngày
một chút, bằng tình mẫu tử, tôi học sự kiên nhẫn và niềm
tin chiến thắng.
5 năm trôi qua, con tôi giờ đã gần như trẻ bình thường.
Chúng tôi đã đưa cháu tới trường công, hoà nhập với mọi
trẻ em khác dù vẫn phải để mắt tới con một cách đặc biệt
hơn. Nhưng nhìn chung con đã vượt qua bệnh tật.
Bây giờ con đã học lớp hai. Con biết hát, biết cười đùa, biết

đếm, biết viết chữ. Đón con về mỗi buổi học, nắm bàn tay
nhỏ xíu siết chặt tay tôi, tôi biết tôi có thể cùng con vượt
qua mọi trở ngại trên đường đời mà không phải sợ hãi.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×