Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Tài liệu Một vài nhận xét điều chỉnh về phương pháp A.B.A. trong lãnh vực phục vụ trẻ Tự Kỷ doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (81.43 KB, 3 trang )

Một vài nhận xét điều chỉnh về phương pháp A.B.A.
trong lãnh vực phục vụ trẻ Tự Kỷ

Lời giới thiệu : Trong cuốn sách « Trẻ Em Tự Kỷ », xuất bản vào những
năm 2005 và 2006, tôi đã dành trọn chương 12 trình bày về những nét đặc
trưng của Phương Pháp ABA, còn được gọi là Chủ Thuyết Duy Hành Vi của
tác giả Ivar LOVAAS. Tiếp theo đó, liên tiếp trong hai mùa hè, tại TP HCM,
trong các lớp học cơ bản và nâng cao, rất nhiều cha mẹ học viên đã đứng lên
chia sẻ về tính bạo động của phương pháp nầy, được áp dụng ở một vài nơi,
trong một vài môi trường giáo dục Việt Nam. Tôi đã mời Bác Sĩ Olivette
Mikolajczak trình bày cho học viên về cách sử dụng của Phương Pháp ABA tại
các Nước Âu Tây, nhất là ở Bỉ. Bác sĩ nầy và tôi, cả hai, không hẹn mà hò, đều
nhấn mạnh đến « Tính Người và Tình Người » phải có mặt, như kim chỉ nam,
hướng dẫn mọi đường đi nẻo về của người giao viên, khi phuc vụ và dạy dỗ trẻ
em tự kỷ, cho dù các em đang có những hành vi rối loạn đến độ nào chăng nửa,
trong lòng cuộc đời.
Sau lớp học được tổ chức ở Hà Nội, vào mùa hè 2006, nhiều sinh viên và
cha mẹ đã tấp nập gửi Mails về cho tôi, yêu cầu tôi hướng dẫn họ, một cách chi
tiết hơn, về Phương Pháp nầy. Trước khi chấp nhận làm việc nâng đỡ và hướng
dẫn, tôi đã cố tình KHẲNG ĐỊNH lại Tầm Nhìn của tôi về Trẻ Em Tự Kỷ, mà
tôi đã phục vụ và dạy dỗ, trong vòng hơn 20 năm.


KD thân mến,
1 Trước tiên xin lỗi KD, không biết KD là anh hay chị, cho nên hãy
cho phép tôi gọi trổng như vậy nhé.
2 Tôi rất vui mừng được Mail của KD và cho biết đã tham dự khóa học
vừa rồi tại Hà Nội. Trong chương trình dài hạn, đã có thêm khóa thứ 2 bàn về
thể thức lượng giá mức độ phát triển hiện tại của trẻ em.
Vào kỳ hè sắp tới, tôi sẽ nói đến vấn đề can thiệp và dạy dỗ, nhất là trong
lãnh vực quan hệ tiếp xúc và trao đổi. Vào dịp nầy, tôi sẽ trình bày một cách


cặn kẽ, những cơ sở thần kinh não bộ của Trí Thông Minh Xã Hội, nơi những
trẻ em tự kỷ.
3 Để cho cha mẹ và giáo viên đừng lo lắng, chập chờn và phân vân
không biết phải bắt đầu từ đâu, tôi luôn luôn đưa ra câu hỏi: Điều nào là quan
trọng nhất (hay là đâu là ưu tiên số MỘT), khi chúng ta bắt đầu dạy một trẻ em
tự kỷ ?
Nói như vậy, để KD hiểu rõ ý hướng cơ bản của tôi không phải là phương
pháp nhưng là đặt trọng tâm vào NHU CẦU hiện tại của một trẻ em tự kỷ, mà
chúng ta có trách nhiệm dạy dỗ.
4 Tôi đã và đang sử dụng rất nhiều điều trong ABA, như thái mỏng ra
nhiều điều cần dạy, khen thưởng để cũng cố , làm việc có dự án đàng hoàng,
với những bước từ từ đi lên từ dễ đến khó, khuyến khích thúc đẩy, tạo ra mọi
điều kiện dễ dàng, để cho trẻ em thành công, không thất bại.
Và khi trẻ em bắt đầu thành công nghĩa là hợp tác, cố gắng làm một cái gì,
cho dù còn xa mục đích cuối cùng. Khi trẻ em làm được một điều gì còn rất
nhỏ, hay là mới phôi thai, tôi chớp thời cơ ngay lập tức, để củng cố, khích lệ .
5 Thay vì áp dụng những điều cơ bản như vậy, tôi không biết vì đâu ? vì lý
do gì ? vì ai đã « nhập khẩu » vào Việt Nam phương pháp ABA của Ivar
Lovaas, mà đa số giáo viên và cha mẹ, khi nói đến ABA, là tức khắc nói đến :
- dạy ngôn ngữ cho trẻ em ,
- cứ lặp đi lặp lại cho đến khi có kết quả ,
- dùng của ăn để củng cố, khen thưởng và khích lệ ,
- khi trẻ em có hành vi sai trái hay là rối loạn, tức khắc trừng phạt, đánh
đập, ức chế bằng mọi cách, thậm chí dùng bạo động, để cản trở hành vi không
còn được tái diễn
6 KD ơi,
Tôi không biết có phải KD đang áp dụng những cách làm ấy hay không?
KD đã được giảng dạy như thế nào về phương pháp nầy ?
Phần tôi, từ những ngày tôi về Việt Nam, tại các lớp học ở Thành phố
HCM, nhiều cha mẹ đã đứng lên chia sẻ về những điều như vậy. Cho nên tôi

nói lại với KD y như vậy.
Xin lỗi KD, nếu KD được học về phương pháp nầy một cách đúng đắn hơn,
và có tình người hơn, nhất là kính trọng trẻ em, cho dù các em đang mắc phải
hội chứng tự kỷ .
7 Trước khi chấp nhận giúp đỡ cho KD – điều mà tôi không bao giờ ngại
ngùng, ngược lại tôi còn vui sướng đón nhận là khác - nhưng tôi e ngại: nếu
KD với tôi có 2 lối nhìn hoàn toàn khác nhau, như một bên là kính trọng vô
điều kiện trẻ em và cha mẹ, một bên là sẵn đàng đánh đập, ức chế, trừng phạt,
sử dụng những phương pháp nhằm tiêu diệt hành vi rối lọan thì tôi e sợ rằng
KD sẽ không thể nào đồng ý với tôi . Thà rằng chúng ta đừng làm việc với
nhau thì hơn…
8 Để giúp KD quyết định và chọn lựa : có nên nhờ tôi giúp đỡ hay không,
tôi xin phép KD cho tôi trình bày mấy ý tưởng chính yếu sau đây :
a) Vấn đề thứ nhất của trẻ tự kỷ là rối lọan về quan hệ xã hội.
Cho nên, khi phục vụ các em, nếu tôi không tập luyện một loại quan hệ
đồng cảm, kính trọng, lắng nghe, hiểu biết và thương yêu tôi e sợ rằng tôi sẽ
dùng bạo động để giáo dục. Trường hợp tôi làm những điều ấy, chính tôi sẽ
thoái hóa, có vấn đề, chứ không phải các em tự kỷ.
b) Thứ hai, ngôn ngữ của các em tự kỷ đã rối lọan bằng cách nầy hay bằng
cách khác, thậm chí nơi những trẻ em mắc hội chứng Asperger, có trí thông
minh lý luận và khả năng hệ thống hóa rất cao , có ngôn ngữ khá hoàn chỉnh.
Nếu với các em, chúng ta ngày ngày dùng phương pháp lặp đi lặp lại, hay là
đưa tay ép buộc trẻ em nhìn thẳng vào mắt, chúng ta chỉ biến các em thành một
cái máy tự động, vô hồn.
c) Điều quan trọng cuối cùng, đối với tôi, là ý nghĩa của giáo dục: Phải
chăng KD cũng như tôi, khi đi vào con đường giáo dục, là có ý giúp trẻ em
thành người, được chừng nào hay chừng ấy ? Cho nên trong quan hệ qua lại hai
chiều với trẻ em, nếu tôi không kính trọng trẻ em, e rằng tôi sẽ đi sai đường, tôi
đánh mất ý nghĩa và giá trị làm người.
Xin lỗi KD, tôi đã viết hơi dài, để trả lời cho KD. Nhưng khi đọc mail nầy,

nếu KD thực sự thấy không có xung đột giữa chúng ta, tôi sẽ dần dần trình bày
cho KD những tin tức và cách làm hiện đại và mới mẻ, về cách tiếp cận trẻ Tự
Kỷ, thay vì sử dụng phương pháp « duy hành vi" (cognitivism) mà thôi, để rồi
từ chối hay là bỏ quên con người toàn diện, vừa có thân vừa có tâm, vừa có
hành vi, vừa có xúc động. Hẳn thực, các em có đời sống tri thức, nhưng cũng
có quan hệ tiếp xúc và trao đổi xã hội .
Với tất cả tấm lòng. Hẹn gặp lại vào lần sau.

Nguyễn văn Thành, Lausanne Thụy Sĩ

×