Tải bản đầy đủ (.docx) (27 trang)

tóm tắt luận án nghi lễ gia đình của người mảng ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (234.61 KB, 27 trang )

VI N H N L M KHOA H C X H I VI T NAMỆ À Â Ọ Ã Ộ Ệ
H C VI N KHOA H C X H IỌ Ệ Ọ Ã Ộ
***
NGUY N V N TH NGỄ Ă Ắ
NGHI L GIA ÌNHỄ Đ
C A NG I M NG VI T NAMỦ ƯỜ Ả Ở Ệ
Chuyên ng nh: Nhân h c v n hóaà ọ ă
Mã s : 62 31 65 01ố
TÓM T T LU N N TI N S NH N H CẮ Ậ Á Ế Ĩ Â Ọ
H N I, 2014À Ộ
CÔNG TRÌNH C HO N TH NH T IĐƯỢ À À Ạ
H C VI N KHOA H C X H IỌ Ệ Ọ Ã Ộ
VI N HÀN LÂM KHOA H C XÃ H I VI T NAMỆ Ọ Ộ Ệ
***
T P TH H NG D N KHOA H CẬ Ể ƯỚ Ẫ Ọ
1. PGS.TS. Bùi V n o ă Đạ
2. PGS.TS. Nguy n V n Minhễ ă
Ph n bi n 1: PGS.TS. Lâm Bá Namả ệ
Ph n bi n 2: PGS.TS. Nguy n Duy Bínhả ệ ễ
Ph n bi n 3: PGS.TS. Nguy n Ng c Thanhả ệ ễ ọ
Lu n án s c b o v tr c H i ng ch m lu n án c p H c vi n h pậ ẽ đượ ả ệ ướ ộ đồ ấ ậ ấ ọ ệ ọ
t i H c vi n khoa h c Xã h i v o h i: gi ng y tháng n mạ ọ ệ ọ ộ à ồ ờ à ă
2014
CÓ TH TÌM C LU N N T I:Ể ĐỌ Ậ Á Ạ
- Th vi n Qu c giaư ệ ố
- Th vi n H c vi n Khoa h c Xã h iư ệ ọ ệ ọ ộ
- Th vi n Vi n Khoa h c xã h i vùng Tây Nguyên ư ệ ệ ọ ộ
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ
CÓ LIÊN QUAN TỚI LUẬN ÁN
1. Nguyễn Văn Thắng (2013), "Nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con nhỏ của người Mảng ở
Việt Nam", Tạp chí Dân tộc học, số 3, tr. 25-35, Hà Nội.


2. Nguyễn Văn Thắng (2013), "Tri thức địa phương của người Mảng ở Việt Nam", Tạp
chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 6, tr. 93-100, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Thắng (2013), "Nghi lễ nông nghiệp của người Mảng ở Việt Nam", Tạp
chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, số 2, tr. 62-71, Hà Nội.
4. Nguyễn Văn Thắng (2012), "Tang ma của người Mảng ở Lai Châu", Tạp chí Dân tộc
học, số 4, tr. 11-19, Hà Nội.
5. Nguyễn Văn Thắng (2012), "Lễ cưới của người Mảng ở Việt Nam", Tạp chí Khoa học xã
hội Tây Nguyên, số 2, tr. 60-71, Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Thắng (2012), "Sinh kế của người Mảng ở Việt Nam với phát triển bền vững
tộc người", Tạp chí Nghiên cứu phát triển bền vững, số 3, tr. 29-38, Hà Nội.
7. Nguyễn Văn Thắng (2012), "Tri thức địa phương của người Mảng ở Việt Nam trong khám
bệnh và chữa bệnh", Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 3, tr 55-60, Hà Nội.
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Người Mảng ở Việt Nam là dân tộc có dân số ít. Theo kết quả của cuộc Tổng điều
tra Dân số và Nhà ở năm 2009 là 3.700 người, có mặt tại 14 tỉnh, thành trên cả nước,
như: Điện Biên, Sơn La, Đắk Lắk, Đồng Lai trong đó tập trung đông nhất ở tỉnh Lai
Châu với 3.631 người, chiếm 98,13% dân số tộc người. Người Mảng thường sinh sống
tại những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có nhiều bản cư trú dọc biên giới Việt Nam
- Trung Quốc. Trong những năm qua, đã có một số công trình, đề tài, dự án nghiên cứu
về tộc người Mảng ở Việt Nam được thực hiện và công bố, nhưng chưa có công trình
nghiên cứu nào toàn diện và có hệ thống về nghi lễ gia đình.
Nghi lễ gia đình bao gồm hệ thống các lễ thức về sinh đẻ và nuôi dạy con cái,
cưới xin, tang ma, khám và chữa bệnh, nghề nghiệp, cầu an, Đây là những giá trị văn
hóa tộc người được hình thành từ lâu đời, là nhân tố quan trọng cấu thành nên văn hóa
tinh thần và phản ánh giá trị đạo đức, thẩm mỹ, nhân sinh quan, thế giới quan của tộc
người. Nghi lễ gia đình của người Mảng ở Việt Nam là yếu tố luôn luôn biến đổi để
thích nghi với điều kiện mới, môi trường mới trong đời sống xã hội tộc người. Chính vì
vậy, nghiên cứu nghi lễ gia đình sẽ chỉ ra được những sắc thái cơ bản của văn hóa
người Mảng ở Việt Nam.

Đời sống kinh tế - xã hội của người Mảng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhất là
từ Đổi mới năm 1986, kéo theo những biến đổi trong các nghi lễ truyền thống và có ảnh
hưởng tích cực cũng như gây ra những hạn chế đến đời sống tộc người. Do vậy, nghiên
cứu nghi lễ gia đình của người Mảng trong bối cảnh hiện nay sẽ chỉ ra được những giá trị
văn hóa truyền thống và biến đổi của nó trong tình hình mới, từ đó xác định xu hướng biến
đổi và có những giải pháp phù hợp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp.
Dưới tác động của toàn cầu hóa hiện nay, mặc dù Đảng và Nhà nước ta rất quan
tâm tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người nhằm phục vụ cho quá
trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhưng quá trình giao lưu tiếp biến văn
hóa đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, mở ra cho các tộc người cơ hội tiếp cận
sâu rộng và đa dạng hơn vào nền kinh tế, văn hóa chung của nhân loại nhưng cũng đặt
ra nhiều thách thức trong phát triển, nhất là giải quyết hài hòa giữa phát triển và bảo
tồn các giá trị văn hóa tộc người thiểu số, đặc biệt các tộc người có dân số ít.
Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn đó cho thấy, nghiên cứu Nghi lễ gia đình
của người Mảng ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, góp phần giữ gìn
và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mảng phù hợp với bối cảnh phát
triển kinh tế - xã hội theo đường lối Đổi mới và hội nhập hiện nay, mà còn cung cấp luận
cứ khoa học giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tham khảo trong việc hoạch định, triển
khai các chính sách và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá
trị sản văn hóa tộc người, theo tinh thần "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" mà Hội nghị TW 5 Khóa VIII của Đảng đã đề ra.
2. Mục đích nghiên cứu
Một là, trình bày rõ nét và có hệ thống bức tranh nghi lễ gia đình của người
Mảng ở Việt Nam.
Hai là, góp phần làm sáng tỏ các giá trị của nghi lễ gia đình người Mảng ở Việt
Nam và những biến đổi của nó trong xã hội hiện nay, phân tích những yếu tố tác động
tới sự biến đổi đó.
Ba là, cung cấp những tư liệu mới về người Mảng ở Việt Nam, là cơ sở khoa
học cho việc nghiên cứu đối sánh với các tộc người có dân số ít ở Việt Nam có cùng
nhóm ngôn ngữ.

Bốn là, làm cơ sở khoa học cho các cơ quan quản lý Nhà nước tham khảo xây
dựng chính sách phát triển phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của
tộc người Mảng.
3. Đối tượng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án là người Mảng, trong đó đi sâu vào
nghiên cứu hệ thống nghi lễ gia đình và biến đổi của nó trong bối cảnh hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu của luận án là Nghi lễ gia đình của người Mảng ở Việt
Nam, tuy nhiên do đây là đề tài có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác
nhau của đời sống tộc người. Do vậy, chúng tôi tập trung trình bày một số nghi lễ tiêu
biểu là: nghi lễ trong chu kỳ đời người; nghi lễ nghề nghiệp; nghi lễ cầu an, thờ cúng tổ
tiên, thần linh, khám bệnh, chữa bệnh; Đồng thời, cũng chú ý đến sự biến đổi và vai
trò của các nghi lễ trong bối cảnh mới. Nghi lễ gia đình truyền thống của người Mảng
được hiểu là từ 1986 trở về trước, bởi chỉ kể từ sau đổi mới, cơ chế thị trường mới tác
động mạnh mẽ đến đời sống người Mảng ở Việt Nam, trong đó có nghi lễ gia đình.
3.3. Địa bàn nghiên cứu tập trung ở tỉnh Lai Châu, trong đó chọn 5 xã thuộc 2
huyện là: xã Pa Vệ Sử, Bum Nưa, Vàng San của huyện Mường Tè; Chăn Nưa, Nậm
Ban của huyện Sìn Hồ. Đây là những nơi tập trung các bản của người Mảng ở Việt
Nam và còn lưu giữ đậm nét văn hóa tộc người, đồng thời đảm bảo tính đại diện giữa
những địa bàn chịu ảnh hưởng của cơ chế thị trường ở các mức độ khác nhau. Bên
cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu so sánh với người Mảng ở một số địa phương khác
trong nước để kết quả nghiên cứu mang tính toàn diện hơn.
4. Nguồn tư liệu của luận án
Ngoài việc kế thừa kết quả các công trình nghiên cứu đã công bố và những tư
liệu thứ cấp liên quan, luận án được hoàn thành chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu thực tế
của tác giả thu thập qua các cuộc điền dã từ năm 2005 tới nay.
5. Đóng góp của luận án
Một là, luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu và cung cấp nguồn tư liệu toàn
diện, có hệ thống về nghi lễ gia đình của người Mảng ở Việt Nam;
Hai là, chỉ ra các giá trị của nghi lễ gia đình đối với tộc người Mảng, đồng thời
nêu rõ những biến đổi của nghi lễ của họ trong xã hội hiện nay;

Ba là, qua phân tích tổng hợp luận án chỉ ra những tương đồng và khác biệt của
giá trị văn hóa người Mảng so với một số tộc người cận cư, xen cư;
Bốn là, luận án cung cấp luận cứ khoa học, đồng thời đề xuất một số kiến nghị,
giải pháp làm cơ sở cho việc hoạch định những chính sách phát triển kinh tế - xã hội,
nhất là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người Mảng ở Việt Nam trong bối
cảnh hiện nay.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung chính
của luận án gồm 5 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, phương pháp
và địa bàn nghiên cứu
Chương 2: Nghi lễ chu kỳ đời người trong xã hội truyền thống
Chương 3: Nghi lễ nghề nghiệp, cầu an, thờ cúng tổ tiên, các vị thần linh và
lễ tết trong xã hội truyền thống
Chương 4: Biến đổi trong nghi lễ gia đình từ 1986 đến nay
Chương 5: Kết quả và bàn luận
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT,
PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Người Mảng là tộc người còn ít được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước
quan tâm, vì vậy số lượng các công trình đã công bố cũng hạn chế và chưa hệ thống, tư
liệu chủ yếu nằm rải rác trong các nghiên cứu vùng, các dự án đánh giá chung hoặc
những chuyên khảo ngắn. Trong phần tổng quan, luận án cố gắng tập hợp những công
trình đã viết về người Mảng, nhất là những công trình liên quan trực tiếp tới nghi lễ gia
đình nhằm làm sáng rõ vấn đề quan tâm.
Nhóm các công trình giới thiệu sơ lược về đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội,
lịch sử, nguồn gốc của tộc người Mảng ở Việt Nam đáng chú ý là một số ấn phẩm của
các tác giả: Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt Nam của Vương Hoàn
Tuyên (1963); Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam của Đặng Nghiêm

Vạn (1972); Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam của Đặng
Nghiêm Vạn, Nguyễn Trúc Bình, Nguyễn Văn Huy và Thanh Thiên (1972); Các dân
tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) của Viện Dân tộc học (1979); Nguồn gốc
lịch sử tộc người vùng biên giới phía bắc Việt Nam của nhóm tác giả Nguyễn Chí
Huyên, Hoàng Hoa Toàn, Lương Văn Bảo (2000); Lai Châu và các dân tộc ở Lai Châu
do Hạnh Liên chủ biên (2007);
Các công trình quan tâm sâu hơn tới người Mảng ở Việt Nam có thể kể đến như:
Thanh Thiên trong bài Giới thiệu sơ lược về người Mảng ở Lai Châu (1972); Ngô Đức
Thịnh Về quan hệ công xã trong tổ chức "Muy" của người Mảng thời kỳ trước giải
phóng (1972); Quá trình tan rã trong gia đình lớn của người Mảng hiện nay (1974);
Truyện cổ Mảng của nhóm tác giả Mạc Đình Dĩ, Châu Hồng Thuỷ, Lý A Sán (1985);
Tác giả Vi Văn An giới thiệu tục xăm miệng của người Mảng qua bài viết Những
người còn giữ tục cổ xăm cằm (1999); Người Mảng ở Nậm Ban (2001) của Trần Minh
Thư và Lò Ngọc Biên; Ngọc Hải với các công trình: Bản sắc văn hoá dân tộc Mảng
(2003), Truyện cổ tích dân gian Mảng (2004) và Một số phong tục tập quán của dân
tộc Mảng (2006); Tri thức bản địa của dân tộc Mảng ở huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu
trong việc chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh của Phạm Mạnh Dương (2006); Hôn nhân
của người Mảng ở Lai Châu của Nguyễn Văn Nam (2006); Người Mảng ở Chăn Nưa
huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu của Hoàng Sơn (2007); Nguyễn Văn Thắng với Phong
tục và tín ngưỡng của người Mảng ở xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (2007);
Tục đặt tên của người Mảng ở Nậm Ban (2007), Sinh kế của người Mảng ở Việt Nam
với phát triển bền vững tộc người (2012), Lễ cưới của người Mảng ở Việt Nam (2012),
Tang ma của người Mảng ở Lai Châu (2012), Tri thức địa phương của người Mảng ở
Việt Nam trong khám bệnh và chữa bệnh (2012), Nghi lễ sinh đẻ và nuôi day con nhỏ
của người Mảng ở Việt Nam (2013), Tri thức địa phương của người Mảng ở Việt Nam
(2013), Nghi lễ nông nghiệp của người Mảng ở Việt Nam (2013);
Nghiên cứu về ngôn ngữ của người Mảng có một số tác giả quan tâm, như:
Nguyễn Thị Loan với Vài nét về tiếng Mảng ở Tây Bắc Việt Nam (1976), Tạ Văn
Thông với Loại trừ trong tiếng Mảng (1997), Nguyễn Hữu Lợi, Nguyễn Hữu Hoành,
Tạ Văn Thông với Vị trí của tiếng Mảng trong các ngôn ngữ Môn – Khmer (1998),

Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Hữu Hoành và Tạ Văn Thông với Tiếng Mảng (2008),
Có thể nhận định rằng, những công trình đã công bố từ trước đến nay đều ít
nhiều đề cập tới người Mảng ở Lai Châu, mà chưa chú ý tới người Mảng ở các tỉnh
thành khác trên cả nước. Bên cạnh đó, nghi lễ của tộc người Mảng chưa được xem là
đối tượng chính của các nghiên cứu, nên còn thiếu vắng những công trình mang tính hệ
thống và toàn diện về lĩnh vực này. Vì vậy, cần thiết có những nghiên cứu chuyên sâu
và toàn diện hơn về nghi lễ dưới góc độ Dân tộc học/Nhân học để góp phần xây dựng
bức tranh tổng thể về văn hóa người Mảng ở Việt Nam, nhằm góp phần bảo tồn và phát
huy các giá trị văn hóa tộc người này trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù vậy, các công
trình đi trước đều là những tư liệu quý giá, được luận án thừa kế kết hợp với tự liệu
thực tế do tác giả khai thác trong quá trình điền dã, để dựng lên bức tranh tương đối
hoàn chỉnh về nghi lễ gia đình của người Mảng ở Việt Nam.
1.2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.2.1. Một số khái niệm cơ bản
Luận án trình bày một số khái niệm liên quan như: nghi lễ, gia đình, nghi lễ gia
đình, phong tục, tập quán, kiêng kỵ để làm công cụ cho quá trình nghiên cứu. Sau đó,
tiến hành phân nhóm và trình bày các nghi lễ theo diễn trình trong thực tế để từ đó có
được nhận thức tổng thể về nghi lễ gia đình của người Mảng ở Việt Nam.
1.2.2. Cơ sở lý thuyết
Quan điểm tiếp cận của luận án dựa trên cơ sở lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc và văn hóa. Trong
nghiên cứu đề tài luận án chúng tôi áp dụng hai lý thuyết là: Lý thuyết chức năng
(functionalism) và Lý thuyết giao lưu tiếp biến văn hóa (acculturation) để làm cơ sở lý
luận phân tích những vấn đề quan tâm.
1.2.3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp điền dã dân tộc học được sử dụng chủ yếu, trong đó quan sát,
quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm tập trung được áp dụng chính để thu
thập thông tin từ các đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, phương pháp chuyên gia,
thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp, chụp ảnh cũng được vận dụng để làm sáng tỏ
những vấn đề nghiên cứu.

1.3. KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
1.3.1. Điều kiện tự nhiên
Lai Châu là tỉnh biên giới nước ta, phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam của
Trung Quốc, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông và Đông Nam giáp
với tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, phía Nam giáp tỉnh Sơn La. Đến tháng 12 năm 2012,
Lai Châu có 7 huyện, thị, trong đó hai huyện Mường Tè và Sìn Hồ là địa bàn cư trú tập
trung của người Mảng. Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới, diện tích tự nhiên 1.925
km
2
, dân số 77.085 người, mật độ 40,05 người/km
2
, cách trung tâm tỉnh 60 km về
phía Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phía Tây giáp huyện Mường
Tè, phía Đông giáp huyện Tam Đường và Than Uyên, phía Nam giáp huyện Quỳnh
Nhai của tỉnh Sơn La và huyện Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên. Mường Tè là huyện
vùng cao biên giới, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 180km về phía Tây Bắc. Phía Bắc
giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phía Nam và phía Tây giáp các huyện Mường
Lay và Mường Nhé của tỉnh Điện Biên, phía Đông giáp huyện Sìn Hồ của tỉnh Lai
Châu. Diện tích tự nhiên là 3.670 km
2
, dân số 50.490 người.
1.3.2. Người Mảng ở Việt Nam
1.3.2.1. Vài nét về lịch sử tộc người
Người Mảng có nhiều tên gọi khác nhau, như: Mảng Ư, Xá Xăm Cằm, Xá
Mảng, Xá Bá O, Rạ Mảng, Người Mảng có hai nhóm là Mảng Gứng và Mảng Lệ. Là
tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme, ngữ hệ Nam Á. Người Mảng có mặt khá
sớm ở Lai Châu và được coi là một trong những tộc người tại chỗ nơi đây. Những di
chỉ khảo cổ học thời tiền sử đầu tiên được khai quật ở Lai Châu là hang Nậm Tum và
hang Thẩm Khương đều cho thấy sự có mặt của con người và trùng hợp với các câu
truyện cổ của người Mảng. Tuy nhiên, chưa có tài liệu nào xác định chắc chắn thời

điểm xuất hiện của người Mảng, mà chỉ dừng lại ở việc coi đây là tộc người có mặt
sớm nhất hoặc khai phá vùng đất này.
1.3.2.2. Dân số và phân bố dân cư
Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tộc người
Mảng có 3.700 người, có mặt ở 14 tỉnh trên cả nước (xem bảng 1). Tuy nhiên, tuyệt đại
đa số cư trú tại tỉnh Lai Châu, trong đó tại huyện Sìn Hồ người Mảng có 1.738 người,
Mường Tè có 1.452 người.
1.3.2.3. Đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa
Kinh tế của người Mảng bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm, nghề
thủ công truyền thống và trao đổi thương mại. Trong đó, trồng trọt giữ vai trò chủ đạo
và lúa nương là cây trồng chính.
Tổ chức xã hội truyền thống người Mảng được điều hành bởi Pơ Gia. Trước
Cách Mạng Tháng Tám, người Mảng phải đi phu, cuông, nhốc cho đế quốc Pháp và
lãnh chúa người Thái. Họ bị khinh miệt và coi là tộc người thấp kém, không được tham
gia các chức sắc lớn hơn Tao Lông. Người Mảng gọi bản là muy. Trưởng bản phụ trách
mọi mặt đời sống cộng đồng và trực tiếp bị quản lý bởi Tao Lông và lãnh chúa người
Thái. Người Mảng ở Việt Nam có 6 dòng họ gốc là họ Pàn, Tào, Lùng, Anh, Lý và
Chìn. Sau này, do có con gái Mảng lấy người Thái nên xuất hiện thêm họ Lò. Kiểu gia
đình lớn phụ hệ phổ biến trong truyền thống của người Mảng, ngày nay họ đã chuyển
sang gia đình nhỏ độc lập về kinh tế. Tới nay, chế độ mẫu hệ vẫn còn tàn dư.
Thực phẩm được khai thác chủ yếu từ rừng, như: nấm, măng, rau dớn, rau sam,
rau rệu, rau tàu bay và một số loại rau quả trồng được, như: rau cải, rau rền, rau
muống, bí, bầu, đậu, Các loại thực phẩm tươi sống khác, như: cua, cá, ốc, thịt thú
rừng, thịt lợn, gà, bò là kết quả của săn bắt hoặc nuôi trồng tại nhà. Đồ uống của
người Mảng được phân thành hai loại: rượu cất và rượu cần. Thuốc lào là thức hút
truyền thống. Nhà ở của người Mảng có những đặc điểm sau: 1) Hướng nhà phụ thuộc
vào địa hình cư trú; 2) Kết cấu nhà đơn giản; 3) Các phòng ở theo thứ tự vai trò của các
thành viên trong gia đình; 4) Nhà sàn làm bằng gỗ và lợp mái lá; 5) Chưa có sự phân
tách giữa không gian nhà, bếp, chỉ có sự phân chia không gian sinh hoạt cá nhân. Trang
phục nữ có váy dài nhuộm đen hoặc chàm, áo cánh xẻ ngực; quấn ngoài áo là tấm

bưởng màu trắng, tóc được quấn cao rồi buộc bằng một sợi dây thêu bằng các loại chỉ
xanh, đỏ. Trang phục nam giới có quần màu chàm ống rộng và ngắn trên mắt cá chân,
cạp quần được buộc bằng dây vải; áo cánh xẻ ngực màu chàn hoặc xanh đen; tóc để dài
và vấn bằng khăn màu đen.
Với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, người Mảng tin tất cả sinh vật tồn tại trên trái
đất đều có linh hồn. Tuy không có chữ viết riêng, nhưng người Mảng có nền văn học
dân gian khá phong phú và đa dạng gồm nhiều thể loại, như: truyện cổ, truyền thuyết,
cổ tích, thần thoại, câu đố và đặc biệt là thơ ca, Bên cạnh đó là kho tri thức địa
phương phong phú, đa dạng trong việc bảo vệ và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Luận án Nghi lễ gia đình của người Mảng ở Việt Nam được thực hiện trong bối
cảnh các công trình nghiên cứu chung về tộc người này chưa nhiều và không tập trung,
hầu hết chỉ là những nghiên cứu nhỏ chưa hệ thống, đặc biệt chưa có các nghiên cứu về
nghi lễ. Những nghiên cứu trước thường khái quát về lịch sử tộc người, điều kiện kinh
tế - xã hội hoặc mô tả các hiện tượng văn hóa của người Mảng mà chưa có phân tích
giải mã các biểu tượng, so sánh trong mối tương quan với các tộc người khác, biến đổi
văn hóa tộc người dưới tác động của giao lưu tiếp biến văn hóa, Luận án này đã tham
khảo nguồn tư liệu quý giá đó và cố gắng bổ sung những điểm còn khuyết thiếu trong
nghiên cứu nhân học về nghi lễ gia đình của người Mảng ở Việt Nam.
Để làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá các nội dung chính của luận án,
Chương 1 đã dành dung lượng đáng kể để làm rõ một số khái niệm liên quan trực tiếp
đến đề tài như: nghi lễ, gia đình, nghi lễ gia đình, chức năng nghi lễ, Các lý thuyết
được áp dụng, như: lý thuyết giao lưu tiếp biến văn hóa, lý thuyết chức năng. Cơ sở
phương pháp luận của luận án dựa trên quan điểm Duy vật biện chứng và Duy vật lịch
sử của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, Nhà
nước ta về dân tộc và văn hóa; xem xét nghi lễ gia đình của người Mảng trong trạng
thái vận động, biến đổi và mối quan hệ biện chứng với các yếu tố khác trong đời sống
tộc người Mảng và với tộn người khác. Điền dã dân tộc học là phương pháp nghiên
cứu chủ đạo. Bên cạnh đó luận án cũng đặc biệt quan tâm tới các phương pháp chuyên
gia, tổng hợp, phân tích, thống kê tài liệu, chụp ảnh,

Người Mảng cư trú tập trung ở hai huyện là Mường Tè và Sìn Hồ của tỉnh Lai
Châu. Vì vậy, đây chính là địa bàn nghiên cứu chính của luận án. Chúng tôi đã khái
lược cơ bản về cảnh quan, lịch sử tộc người, phân bố dân cư, đặc điểm kinh tế, xã hội,
văn hóa truyền thống và biến đổi hiện nay, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về địa bàn
và đối tượng nghiên cứu của luận án. Trong đó, các đặc điểm đáng chú ý là: do cư trú ở
vùng biên giới thiếu điều kiện phát triển, kinh tế của họ chủ yếu vẫn là trồng trọt cây
lúa nương, mang nặng tính tự cung tự cấp; tính cố kết cộng đồng còn bình đẳng và chặt
chẽ giữa các gia đình thành viên cùng họ tộc trong bản; các thiết chế xã hội và những
người có uy tín trong cộng đồng truyền thống còn ảnh hưởng tương đối lớn đến nhiều
mặt đời sống người dân; nền văn hóa khá phong phú và đa dạng thể hiện qua hệ thống
tín ngưỡng, nghi lễ và nghệ thuật dân gian;
Chương 2
NGHI LỄ CHU KỲ ĐỜI NGƯỜI
TRONG XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG
2.1. NGHI LỄ SINH ĐẺ VÀ NUÔI DẠY CON NHỎ
2.1.1. Quan niệm về sinh đẻ và nuôi dạy con nhỏ
Sự ra đời của một trẻ làm thay đổi vị trí xã hội đối với những người liên quan,
như: một người đàn ông sẽ trở thành bố, một người phụ nữ sẽ trở thành mẹ, một đứa
trẻ khác sẽ lên anh, chị, Người Mảng cho rằng, gia đình có nhiều con thì có phúc lớn
và ngược lại. Khi trẻ thì nuôi con, đến già con nuôi mình. Những cặp vợ chồng không
có con, đôi khi bị dư luận cho rằng không có phúc, hay hồn ma ông bà, thần linh trên
trời trừng phạt vì ăn ở không tốt. Quan niệm thích con trai hay con gái với người Mảng
không thật rõ ràng. Với người Mảng, mọi thứ trong vũ trụ đều có ma. Việc sinh đẻ là
không sạch sẽ, vì vậy, phụ nữ Mảng có tập quán đẻ ở ngoài lán (trước đây) hoặc ở gần
sàn nhà (hiện nay). Đồng thời, người nhà cũng không được lấy bất kỳ vật dụng nào
trong nhà cho sản phụ dùng. Phụ nữ khi mang thai và sau khi sinh phải ăn kiêng rất
nhiều thứ, trước khi sinh một tháng, sản phụ không được trồng cây, tra hạt, đặc biệt là
trồng lúa, vì họ lo hồn lúa sẽ bỏ đi dẫn tới mất mùa,
2.1.2. Nghi lễ thời kỳ mang thai
Nghi lễ này chỉ thực hiện khi căp vợ chồng lấy nhau từ 2 đến 3 năm mà không

có con. Họ phải tiến hành xem bói để biết nguyên nhân không có con sau đó cúng trời
hoặc cúng ma theo kết quả đã bói được. Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ bị
ốm gia đình tiến hành làm lễ cúng nhằm xua đuổi tà ma không làm hại thai nhi.
2.1.3. Nghi lễ sinh đẻ
Trong truyền thống, khi sản phụ có dấu hiệu sinh nở họ được chuyển ra lán
nương hoặc xuống gầm nhà sàn để chờ sinh con. Trong quá trình sinh nở, nếu phụ sản
khó đẻ hoặc rau ra chậm, người chồng đi mời thầy cúng về làm lễ cúng khó đẻ và lễ
cúng ra rau, để bảo vệ sức khỏe mà mẹ và trẻ sơ sinh.
2.1.4. Nghi lễ chăm sóc, bảo vệ và nuôi dạy trẻ em
Sau khi đẻ, sản phụ không được ăn rau, thịt lợn, thịt chó, cá da màu đen, các loại
hoa quả, chặt cây, cuốc đất (nhất là cuốc đất làm nhà), ăn muối, Nhằm chăm sóc, bảo
vệ trẻ nhỏ. Trong quá trình này, người Mảng còn tiến hành các nghi lễ, như: lễ giữ vía,
lễ đặt tên con, lễ gọi hồn trẻ con, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ cúng ma cho trẻ,
2.2. NGHI LỄ HÔN NHÂN
2.2.1. Quan niệm về hôn nhân và một số nguyên tắc trong hôn nhân
Người Mảng không ép buộc trong hôn nhân, trai gái được tự do tìm bạn đời, và
kết hôn khá sớm. Nữ lấy chồng khi từ 15 tuổi đến 18 tuổi, nam lấy vợ từ lúc 16 đến 20
tuổi, có những trường hợp trẻ hơn so với độ tuổi này. Trước đây, khoảng 14 đến 15
tuổi, trai gái Mảng phải xăm miệng, đây được coi là nghi lễ trưởng thành. Trong hôn
nhân, vai trò của ông mối, bà mối rất quan trọng. Họ được thay mặt bố mẹ, gia đình hai
bên để trao đổi, quyết định và thực thi những nghi lễ, thủ tục trong hôn nhân.
Người Mảng ở Việt Nam có các hình thức hôn nhân như: nội hôn trong dòng họ
nhưng phải cách nhau ba đời; ngoại hôn dòng họ; hôn nhân ngoại tộc người. Ở mỗi
hình thức lại có những nguyên tắc, quy định nhằm bảo vệ giống nòi và sự phù hợp văn
hóa tộc người.
2.2.2. Nghi lễ trước đám cưới
Lễ dạm ngõ là nghi lễ đầu tiên trong hôn nhân của người Mảng, sau khi đôi trai gái
đã tìm hiểu và thương yêu nhau, chàng trai về báo với cha mẹ chọn ngày đẹp nhờ ông bà
mối sang nhà gái làm lễ dạm ngõ để bước đầu đặt quan hệ hôn nhân. Sau đó, nhà trai
chọn ngày tốt và nhờ các ông, bà mối đem lễ vật sang nhà gái làm lễ ăn hỏi. Sau lễ ăn

hỏi từ 2 đến 5 ngày, các ông, bà mối và anh em trong gia đình đưa chàng trai sang nahf
gái làm lễ ở rể. Trước kia, thời gian ở rể từ 3 đến 7 năm, ngày nay giảm xuống còn
khoảng 3 năm, thời gian này phụ thuộc vào nhà gái, nếu họ cần người có sức khoẻ làm
việc trong nhà thì sẽ thách dài thời gian ở rể hơn và ngược lại.
2.2.3. Nghi lễ trong đám cưới
Người Mảng thường chọn ngày đẹp để tổ chức lễ cưới khi mùa màng đã thu
hoạch xong (từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch). Các nghi lễ cưới xin thường kéo dài ít
nhất là 2 ngày (trước đây là 3 ngày) ở mỗi nhà. Mở đầu là nghi lễ bôi nhọ, sau đó là lễ
cưới ở nhà gái với các lễ thức như: lễ giao lợn; lễ ăn gà cảm ơn ông, bà mối, lễ ăn lợn
cảm ơn ông bà mối. Trong lễ đón dâu, người Mảng thực hiện 2 nghi lễ là lễ uống rượu
cầu may và tục cướp dâu sau đó mới đưa dâu về nhà chồng.
Ở lễ cưới tại nhà trai, họ tiếp tục thực hiện các nghi lễ như: lễ rửa chân; lễ uống
rượu mừng, lễ giao cô dâu và lễ tiễn nhà gái. Trải qua các nghi lễ trên, đôi trai gái đã
chính thức trở thành vợ chồng được cha mẹ, cộng đồng và thần linh chấp nhận.
2.2.4. Nghi lễ sau cưới xin
Lễ báo được tổ chức ngay sau khi đoàn đưa dâu về tới nhà gái để thông báo lại
kết quả của việc đưa dâu và mọi ứng xử của nhà trai với đoàn nhà gái. Sau lễ này từ 10
đến 15 ngày đôi vợ chồng trẻ chọn một ngày đẹp để tiến hành lễ lại mặt nhà gái. Khi
đã chung sống với bố mẹ khoảng 3 đến 5 năm, họ sẽ làm lễ xin ra ở riêng để thuận tiện
hơn cho cuộc sống của gia đình.
2.2.5. Nghi lễ hôn nhân trong các trường hợp đặc biệt
Với trường hợp trai, gái hoặc cả hai đều mồ côi cha mẹ, nghi lễ hôn nhân được
tiến hành đơn giản hơn so với nghi lễ đã trình bày ở phần trên. Trai tân lấy gái góa và
ngược lại là kiểu hôn nhân ít xảy ra với người Mảng bởi sự rèm pha và không bằng
lòng của cha mẹ. Theo người Mảng, nếu lấy những người góa thì không phải thực hiện
bất kỳ nghi lễ nào.
2.2.6. Một số quy định ngăn cấm trong hôn nhân
Loạn luân và có thai trước khi ở rể là hành vi bị nghiêm cấm của người Mảng.
2.3. NGHI LỄ KHÁM CHỮA BỆNH
2.3.1. Một số quan niệm về ốm đau và sức khỏe

Theo người Mảng, do hồn không bỏ đi xa và ma không làm hại người nên con
người mới khỏe mạnh. Ốm đau là do hồn của người đó bỏ đi chơi xa không về kịp nên
phải tiến hành làm lễ cúng gọi hồn thì người ốm mới khỏi
2.3.2. Nghi lễ đoán và chữa bệnh
Với quan niệm vạn vật hữu linh, khi bị ốm đau, người Mảng đều tìm cho mình
cách giải thích thông qua đoán định của thầy cúng và họ thường sử dụng hình thức bói
trứng hay bói dao để xác định nguyên nhân ốm đau. Khi đã tìm được ma gây hại, họ tổ
chức lễ cúng cầu xin ma tha thứ hoặc chúng đi. Một số nghi lễ thường được sử dụng
trong nghi lễ này như: cúng ma rừng; cúng ma nhà; cúng chữa bệnh điên; cúng chữa
đau bụng; cúng gọi hồn; cúng giữ hồn vía;
2.4. NGHI LỄ TANG MA
2.4.1. Một số quan niệm, quy định và kiêng kỵ trong tang ma
Theo nghiên cứu của chúng tôi, người Mảng có hai hồn là: hồn khôn (nhủy y) và
hồn ngu (nhủy bở). Hồn làm nên sự sống và khi hồn không còn, nghĩa là cái chết (thít)
đã tới. Người Mảng quan niệm cái chết có hai loại, chết lành (thít im) và chết xấu (bóp
thít). Khi nhà có tang, các thành viên trong một tháng kiêng ăn rau thơm, lá chua, quả
chua, dùng xà phòng, các cặp vợ chồng là con của người chết không được “quan hệ”
với nhau, không làm việc lớn, không đi nương và phải đi ngủ sớm. Những người tới
tham gia đám tang, trong một tuần không được quan hệ vợ chồng, không đi nương và
làm những việc lớn trong nhà, tối phải đi ngủ sớm. Với cộng đồng thôn bản, trong ba
ngày không làm việc lớn, không đi qua đêm, tối đi ngủ sớm.
2.4.2. Nghi lễ chuẩn bị cho đám tang
Nghi lễ báo tang được thực hiện ngay sau khi trong nhà có người chết. Sau đó,
họ rút một nan cửa chính đo chiều dài của người chết và nhờ anh em hàng xóm lên
rừng chọn một cây đủ to để làm được quan tài (loảng gứa). Người Mảng không có
nghĩa địa chung, nhưng mộ luôn được đặt ở một địa điểm phía Tây của bản. Khi chọn
được đất, họ dựng một cái lán (khi tràng) có hai mái với các nguyên liệu sau: 6 cái cột,
6 bó cỏ gianh, 15 sợi dây rừng.
2.4.3. Nghi lễ chính trong đám tang
Lễ thay quần áo mới là một nghi thức rất quan trọng trong tang ma của người

Mảng. Ngay sau khi trong nhà có người chết, gia đình phá liếp ngăn phòng ngủ của
người chết, đặt thi hài lên trên tấm liếp đó và tiến hành làm lễ thay quần áo mới. Tiếp sau
đó tiến hành lễ chia của cho người chết; lễ viếng; lễ cúng cơm; lễ đốt nến; lễ khâm
liệm; lễ đưa tang, lễ đốt hơi người sống; lễ hạ huyệt và lễ tiễn hồn ma hay lễ đuổi ma.
Các nghi lễ này đều được người Mảng thực hiện nghiêm cẩn nhằm sự khởi đầu thuận
lợi cho một chu trình mới của con người. Với họ, tang ma là sự chuẩn bị cần thiết cho
một khởi đầu mới, của sự luân hồi và tái sinh.
2.4.4. Nghi lễ sau đám tang
Sau đám tang, mỗi dòng họ người Mảng lại thực hiện nghi lễ cúng cơm khác nhau.
Họ Lò thường cúng cơm cho người chết 7 ngày, các họ khác thì cúng 3 ngày, sau đó mới
làm lễ đóng cửa mộ nhằm xem cái chết của người thân bình thường hay do ma hại chết.
2.4.5. Một số nghi lễ đặc biệt trong tang ma
Nghi lễ tang ma cho trẻ em và các trường hợp chết bất đắc kỳ tử được thực hiện
khác với những nghi lễ tang ma thông thường. Chết ở đâu thì chôn ngay ở khu vực đó
và chôn trong ngày.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Nghi lễ trong chu kỳ đời người là nơi tập trung nhiều lễ thức nhất trong các nghi
lễ gia đình của người Mảng. Qua đây, nhiều đặc điểm văn hóa tộc người được thể hiện,
nhiều nét văn hóa riêng được trình diễn, để thấy sự khác biệt giữa tộc người này với tộc
người kia.
Sinh đẻ là bước khởi đầu cho một chu trình sống được thực hiện bởi các nghi lễ
cầu xin trời, đất cho có thai; các nghi lễ chăm sóc, bảo vệ thai nhi được phát triển khỏe
mạnh và ra đời trong niềm vui hân hoan của gia đình cùng dòng họ. Tiếp đó là các nghi
lễ khác để bảo vệ, che chở với ước mong của cha mẹ và gia đình về sự bình an, hạnh
phúc cho đứa con của mình. Tuy vậy, với những quan niệm chưa tiến bộ về sinh đẻ nên
tộc người Mảng vẫn thực hành nhiều tập tục khá lạc hậu, đó là nguyên nhân chính của
tình trạng tỷ lệ chết sau sinh cao trong trẻ em người Mảng.
Hôn nhân của trai gái tộc người Mảng chính thức được cộng đồng chấp nhận
khi họ xăm miệng, đồng thời đây cũng là dấu hiệu nhận biết về sự trưởng thành của
nam, nữ tộc người này. Hôn nhân của trai gái Mảng thường được tiến hành qua 5 bước

(dạm ngõ, ăn hỏi, ở rể, đón dâu, cưới) với rất nhiều lễ thức ở từng giai đoạn, nhưng ít
tốn kém về kinh tế. Lễ vật được nhà trai mang sang nhà gái chỉ là những sản vật từ
nông nghiệp hoặc là kết quả từ những chuyến săn bắt. Tục ở rể cũng là cơ hội để chàng
trai học hỏi và thể hiện vai trò trụ cột của gia đình trong tương lai, mặt khác cũng để
giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực lao động khi nhà cô gái không có con trai, điều
này thể hiện qua việc thách cưới ở rể dài hay ngắn. Nghi lễ hôn nhân là không gian để
mọi người thể hiện lời ca, tiếng hát, trí tuệ của mình qua các câu hát đối đáp, dân ca,
tục ngữ một mặt mang lại niềm vui cho hôn nhân của đôi trẻ, mặt khác mọi người có
thể học hỏi lẫn nhau, trao truyền các giá trị văn hóa tộc người lại cho lớp người mới.
Nghi lễ tang ma cũng phản ánh nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người này.
Những mảng màu đối lập, những biểu tượng văn hóa, những giá trị cốt lõi được biểu
đạt tinh tế qua các nghi lễ lần lượt được trình bày mà lễ báo tang là điểm bắt đầu cho
hành trình ấy đến điểm kết thúc của một chu kỳ đời người là nghi lễ đóng cửa mộ.
Nghi lễ tang ma là điểm mở ra một thế giới mới, một cuộc sống mới ở nơi người ta
mong trở về để bắt đầu hành trình khác trở lại với cuộc sống con người, người Mảng
tin đó là sự chuyển hóa, luân hồi. Vì vậy, nghi lễ tang ma được chuẩn bị rất kỹ càng và
thực hiện nghiêm túc. Qua đây, thể hiện thế giới quan phong phú, đa dạng và biến hóa
của người Mảng, đồng thời cũng thể hiện tình cảm của người sống với người chết,
quan hệ giữa gia đình, dòng họ, hàng xóm và cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để mọi
người chia sẻ nỗi đau chia li của tang chủ, là không gian để nhân lên sự đoàn kết,
tương thân, tương ái của con người, giáo dục con cháu, anh em về truyền thống, đạo lý
uống nước nhớ nguồn của cha ông để lại.
Trong các nghi lễ của chu kỳ đời người, thầy cúng, thầy bói, ông bà mối là
người giữ nhịp và là một phần quan trọng của các nghi lễ. Họ là người thay mặt cho
thần linh, ma quỷ để truyền đạt ý nguyện hoặc lời thần thánh tác động trực tiếp tới đời
sống của cá nhân, gia đình và cộng đồng, và chỉ họ mới thực hiện được chức năng cầu
nối của hai thế giới thực và thiêng. Trong xu thế chung, văn hóa Mảng đã tiếp biến với
các nền văn hóa khác trong cùng địa vực cư trú, đặc biệt là văn hóa Thái trên nhiều
phương diện ngôn ngữ, hôn nhân, tang ma, Nhưng đặc trưng văn hóa của người
Mảng vẫn tồn tại với nội lực riêng của mình, tiếp biến và làm giàu thêm bởi các giá trị

mới mà không mất đi những tinh hoa văn hóa truyền thống.
Chương 3
NGHI LỄ NGHỀ NGHIỆP, CẦU AN, THỜ CÚNG TỔ TIÊN, THẦN
LINH VÀ LỄ TẾT TRONG XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG
3.1. NGHI LỄ NGHỀ NGHIỆP
Qua khảo sát và nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nghi lễ nghề nghiệp của người
Mảng tập trung ở các nghi lễ trồng trọt, một số ít ở nghi lễ đánh bắt thủy sản. Các nghi
lễ liên quan tới chăn nuôi, săn bắn và hái lượm rất nghèo nàn, nhất là nghi lễ liên quan
đến các nghề thủ công.
3.1.1. Nghi lễ trồng trọt
Người Mảng cho rằng, trồng trọt cây lương thực như lúa, ngô, sắn, đậu, bí trên
nương là công việc quan trọng và thiêng liêng, không chỉ đảm bảo lương thực cho gia
đình mà còn liên quan tới thần linh và các loại ma. Những người trồng trọt giỏi tức là
người đó được thần linh, ma phù trợ và ngược lại.
Người Mảng thường chọn những chỗ đất có cây cỏ xanh tốt quanh năm, nhiều
cây to, nhiều mùn, nhiều nấm mối, nhiều lỗ giun đào, đất màu đen, mưa xong không
đọng nước để khai hoang thành nương rẫy. Sau đó, họ tiến hành các nghi lễ cúng để
phát nương, chăm sóc cây và trồng trỉa khi thần linh và ma quỷ đã cho phép. Nếu thần
linh và ma không đồng ý thì phải tìm mảnh nương khác để canh tác mùa vụ. Khi thu
hoạch, họ phải tiến hành hai nghi lễ quan trọng nhằm giữ hồn lúa là: ăn cơm kiêng (xa
xá lẳm ruổng) và gọi hồn lúa (tưng pạc nhủy lẳm). Thu hoạch song, nghi lễ cúng mừng
cơm mới sẽ kết thúc cho một mùa vụ của người Mảng ở Việt Nam.
3.1.2. Nghi lễ liên quan đến săn bắt
Nghi lễ buộc chân chài được thực hiện khi họ tiến hành buộc những con chì đầu
tiên vào phần chân chài (dè) để hoàn thành một chiếc chài mới. Sau khi chiếc chài
hoàn thành, người Mảng tổ chức nghi lễ mở chài (ù o dè), nhằm đem lại điều may mắn
cho việc đánh bắt.
3.2. NGHI LỄ CẦU AN
3.2.1. Một số quan niệm liên quan đến lễ cầu an
Người Mảng cho rằng, con người là thực thể nhỏ bé cùng tồn tại với các sinh

linh khác trong thế giới, sự tôn trọng và ứng xử công bằng với vạn vật là điều cần thiết.
3.2.2. Nghi lễ cầu an liên quan tới ngôi nhà mới
Người Mảng thường chọn chỗ đất tốt, tránh chỗ đất xấu để làm nhà. Khi làm
phải bàn với mọi người trong gia đình và mời thêm ba người có uy tín trong bản cùng
tiến hành chọn đất tránh những chỗ đã có chủ, gây tranh cãi. Khi đã chọn được đất tốt
để làm nhà, họ tiến hành nhiều nghi lễ như: nghi lễ hỏi đất làm nhà; lễ xem bói bằng
trứng gà và sau đó mới dựng nhà. Khi dựng người Mảng tiếp tục tiến hành lễ dựng
nhà, làm nhà xong họ sẽ tiến hành nghi lễ lên nhà mới nhằm xua đuổi tà ma, điều xấu
và cầu mong sự an lành. Đây cũng là dịp mọi người tới mừng và chia vui với gia chủ.
3.2.3. Nghi lễ nhập cư và chuyển cư
Khi gia đình có nhu cầu chuyển cư với các lý do khác nhau như: chuyển tới gần
nương, chuyển tới sống cùng họ hàng, chuyển tới nơi thuận lợi hơn thì họ tiến hành
nghi lễ nhập cư và chuyển cư. Đây là nghi lễ diễn ra song song ở cả nơi xuất cư và nơi
nhập cư.
3.2.4. Một số nghi lễ liên quan tới linh hồn và sức khỏe con người
Với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, người Mảng coi tất cả mọi vật trên trái đất đều
có hồn và được đối xử bình đẳng với nhau. Họ thường tổ chức các nghi lễ sau: nghi lễ
gọi hồn gia đình khi đã trồng trỉa xong ở trên nương; lễ cầu xin may mắn nếu trong cuộc
sống làm ăn không tốt, hay gặp ốm đau hoặc xui xẻo; nghi lễ cúng đuổi ma chim; cúng
đuổi ma cây; cúng ma đá; cúng đuổi ma hòn đá; cúng ma kho thóc; để cầu mong sự
an lành và hạnh phúc trong cuộc sống.
3.3. NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN, THẦN LINH VÀ LỄ TẾT
3.3.1. Một số quan niệm về thờ cúng tổ tiên, thần linh và lễ tết
Người Mảng cho rằng, chết là về với tổ tiên, linh hồn được giải thoát khỏi thế
giới trần tục để bắt đầu quá trình luân hồi. Thế giới con người đang sống là một trong
bốn tầng của vũ trụ. Tầng trời (mon ten) trên cùng là nơi trú ngụ của các vị thần sáng
tạo, thần linh (mon plỉnh) và linh hồn (nhủy y); mặt đất (mon long) là nơi trú ngụ của
con người và các loài ma; trong lòng đất (mon lò) là nơi trú ngụ của những người quái
dị, xấu xí và thấp lùn; dưới nước (mon chang) là thế giới của thuồng luồng. Quan niệm
về lễ tết không rõ ràng và cụ thể như các quan niệm khác trong cuộc sống.

3.3.2. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên
Ngoài thờ cúng tổ tiên cảu gia đình, tới nay người Mảng vẫn duy trì nghi lễ
cúng bên ngoại. Đây là hình thức thờ cúng tổ tiên rất đặc trưng của tộc người này.
3.3.3. Nghi lễ cầu cúng thần linh
Trong niềm tin của người Mảng có rất nhiều các vị thần linh, như: thần sét, thần
sấm, thần chớp, thần gió, Cùng với đó là các nghi lễ có liên quan tới những vị thần
linh này để tạ lỗi hoặc cầu xin sự bình an trong cuộc sống.
3.3.4. Lễ tết
Sau đổi mới (1986), người Mảng mới bắt đầu dần tổ chức lễ tết nguyên đán và
rằm tháng giêng theo người Việt. Tuy vậy, nghi lễ rất đơn giản và chỉ một số gia đình
thường xuyên tiếp xúc với người Việt mới tổ chức. Tết nguyên đán (xá chương nguyên
đán) được tổ chức trong hai ngày, 30 tháng 12 và ngày 01 tháng 01 âm lịch với hai lễ
cúng tổ tiên là: cúng giao thừa và cúng sáng mùng 01. Rằm tháng giêng là lễ xum họp
đông đủ gia đình.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Cùng với các nghi lễ trong chu kỳ đời người, những nghi lễ nghề nghiệp, cầu
an, thờ cúng tổ tiên, thần linh và lễ tết đã bao hàm cơ bản phần còn lại trong nghi lễ gia
đình trong truyền thống của người Mảng ở Việt Nam. Nó phản ánh những sắc thái,
những mảng màu khác nhau còn lại trong hệ thống nghi lễ gia đình, từ các lễ thức
nhằm đảm bảo sinh kế tới cầu mong sự an lành, tri ân những người đã sinh thành,
dưỡng dục, thờ phụng các vị thần linh, ma đã bảo trợ cho làng bản, gia đình và cá nhân
được tốt lành. Trong đó: Nghi lễ nghề nghiệp của người Mảng phản ánh khá chi tiết về
hoạt động nông nghiệp, nhất là trong trồng trọt suốt một vụ mùa, từ khi chọn đất, phát
nương, trồng trỉa, thu hoạch tới lễ mừng cơm mới. Một bức tranh thiên nhiên được tô
điểm bởi các sinh hoạt sản xuất, nghi lễ của con người dựa trên tri thức về rừng, đất,
nước và động thực vật. Qua nghi lễ, việc sản xuất như thuận lợi hơn, đơn giản hơn và
cũng thiêng hơn trong tâm thức của người dân. Không chỉ thế, tình đoàn kết, gắn bó,
tính cộng đồng trách nhiệm, niềm vui, nỗi buồn được nhân lên hoặc sẻ chia để cùng
nhau sống tốt hơn. Nhưng quan trọng là sự cầu mong được mùa đảm bảo nguồn lương
thực nuôi sống bản thân, gia đình, làng bản và nghi lễ nghề nghiệp là một mắt xích tâm

linh quan trọng giúp họ hoàn thành mục tiêu ấy.
Ở góc nhìn khác, nghi lễ nghề nghiệp, cầu an, thờ cúng tổ tiên, thần linh và lễ tết
là chỗ dựa tâm linh của mỗi cá nhân, gia đình khi cần sự che trở của thần linh hay xua
đuổi tà ma làm hại. Nếu nghi lễ nghề nghiệp được thực hiện khi trồng trỉa mùa màng
với ước mong sẽ có một vụ mùa bội thu, gia đình no đủ thì nghi lễ cầu an là nơi lấy lại
thăng bằng về tâm lý của cá nhân, gia đình trong cuộc sống hàng ngày còn nghi lễ thờ
cúng tổ tiên một mặt cầu xin sự tre chở, mặt khác là sự tri ân của con cháu với cha mẹ,
ông bà đã sinh thành dưỡng dục. Lễ tết mới được tổ chức từ sau Đổi mới năm 1986 đến
nay do tiếp biến văn hóa người Việt nhưng còn đơn giản và chỉ phổ biến ở vùng đô thị,
nơi thường xuyên giao lưu với người Việt.
Qua nghi lễ gia đình, có thể hiểu thêm tâm tư, tình cảm, hành động của người
Mảng đối với con người và với thế giới xung quanh, đồng thời cho thấy rõ hơn các giá
trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của họ đã lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ từ xưa
tới nay. Để từ đó xây dựng các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn
hóa tốt đẹp, còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Chương 4
BIẾN ĐỔI TRONG NGHI LỄ GIA ĐÌNH TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY
4.1. NỘI DUNG BIẾN ĐỔI
4.1.1. Một số biến đổi trong nghi lễ chu kỳ đời người
- Nghi lễ sinh đẻ và nuôi day con nhỏ đã có nhiều biến đổi, từ quan niệm đến
thực hành. Quan niệm sinh nhiều con đồng nghĩa với gia đình có phúc, khi trẻ nuôi con
đến khi già con nuôi mình vẫn còn nhưng không nặng nề như trước. Sinh nhiều con
không còn là tiêu chí khẳng định vị thế, sức mạnh của gia đình hoặc có nhân lực lao
động nữa và quan niệm về những cặp vợ chồng không có con hiện nay đã thay đổi
nhiều, theo hướng không còn hoàn toàn tin rằng việc hiếm muộn là do thần linh, ma
quỷ trừng phạt vì ăn ở không tốt, mà có thể nguyên nhân là do bệnh lý của chồng hoặc
vợ gây ra. Đa số thanh niên hiện nay cho rằng, việc sinh con trai hay con gái không
thực sự bức thiết mà quan trọng là làm sao sinh được con và nuôi dạy con cho tốt. Việc
sinh nở của phụ nữ hiện này không bị coi là ô uế nhưng sản phụ vẫn không được đẻ
trong nhà, mà có thể sinh con ở dưới gầm nhà sàn hay các cơ sở y tế. Đã có một số cặp

vợ chồng quan tâm tới khoảng cánh giữa các lần sinh và biện pháp tránh thai nhằm chủ
động trong việc sinh con và đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ, trẻ nhỏ. Nhìn chung, biến
đổi trong nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con nhỏ tập trung nhiều ở việc nuôi dạy trẻ.
Những biến đổi nghi lễ diễn ra theo hình thức không thực hiện mới hoặc giản lược các
yếu tố không phù hợp với đời sống hiện tại.
- Trong nghi lễ hôn nhân: tiêu chí chọn bạn đời đã thay đổi nhiều. Sức khỏe,
chăm chỉ, tháo vát trong làm nương là tiêu chí lựa chọn bạn trai của các cô gái Mảng
truyền thống, nay họ vẫn giữ nhưng được thay bằng "trong làm kinh tế" chứ không đơn
thuần là làm nương, săn bắt nữa. Một số tiêu chí mới như: làm cán bộ, có việc làm ổn
định, biết tính toán, hiểu biết bắt đầu được các chàng trai, cô gái quan tâm khi lựa
chọn bạn đời của mình. Trai, gái Mảng hiện nay kết hôn muộn hơn trước, gần với tuổi
kết hôn theo luật định, tuy nhiên hiện tượng tảo hôn vẫn diễn ra. Thanh niên Mảng
không cho rằng việc xăm miệng là đẹp, sự trưởng thành và được phép kết hôn được
tính bằng tuổi tác, tự chủ về kinh tế chứ không phải qua xăm miệng.
Quan niệm và thực hành về nội hôn dòng họ, ngoại hôn dòng họ, ngoại hôn tộc
người đã có nhiều biến chuyển và thay đổi. Ngoại hôn dòng họ vẫn được ưu tiên, nội
hôn dòng họ ít được khuyến khích thì ngoại hôn tộc người đã và đang là hình thức được
nhiều nữ thanh niên Mảng lựa chọn thay vì dè dặt và thận trọng như trước đây. Lễ cưới
truyền thống của người Mảng có thể kéo dài tới 7 hoặc 8 năm, nhưng nay thời gian để
một cặp vợ chồng hoàn tất các lễ thức chỉ mất 1 đến 3 năm. Hiện nay sau khi kết thúc
thời gian ở rể, họ thường tổ chức cưới ngay trong một ngày ở cả nhà trai và nhà gái, lễ
đón dâu diễn ra vào khoảng từ 14h đến 15h nhằm rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi
phí cho hai gia đình. Quà mừng cưới như: gạo, rượu, gà, lợn và những vật phẩm của
nghề đan lát như: giỏ đựng quần áo, mẹt, nong xưa đã được thay bằng những chiếc
phong bì có từ 30.000 ngàn đồng đến 100.000 ngàn đồng tùy theo mối quan hệ và điều
kiện kinh tế của người đến dự. Ông, bà mối đã không còn xuất hiện trong lễ cưới của
đôi trẻ nữa và một số tục lệ, kiêng kỵ và lễ thức đã không còn được thực hiện hoặc
thực hiện theo lối cách tân để phù hợp hơn với thực tế.
Hiện nay, quan niệm về sức khỏe, ốm đau, khám và chữa bệnh có nhiều biến đổi
so với truyền thống, nhất là những nơi gần trung tâm. Họ cho rằng, việc ăn uống mất

vệ sinh, thiếu cái ăn, cái mặc là nguyên nhân chính làm giảm sức khỏe và gây ra ốm
đau chứ không phải hoàn toàn do linh hồn và các thế lực siêu nhiên gây ra. Người
Mảng đã tới các trạm y tế, bệnh viện để khám và chữa bệnh.
- Trong nghi lễ tang ma: người Mảng hiện nay đã chủ động hơn trong việc
chuẩn bị hậu sự cho người thân trong gia đình mà không sợ bị dân làng dèm pha như
trước. Thay vì một người đàn ông trong họ với trang phục truyền thống đi tới từng nhà
trong bản để báo tang, nay bất kể người nào trong nhà cũng có thể báo tin dữ này. Đã
có sự xuất hiện của những chiếc quan tài được ghép từ nhiều mảnh ván khác nhau do
rừng đã bị chặt phá không còn đủ cây to để làm quan tài truyền thống. Về thời gian tổ
chức đám ma đã rút ngắn, thay vì để thi hài trong nhà 3 ngày 2 đêm, nay chỉ để trong
nhà 1 ngày 1 đêm theo sự vận động và tuyên truyền của các cấp chính quyền. Trước
đây, tất cả những người đến giúp đám đều phải ở nhà tang chủ cho tới khi kết thúc đám
tang, nay họ có thể tranh thủ về nhà làm một số việc gia đình, đôi khi cũng không cần
phải ăn cơm ở nhà tang chủ. Trong đám ma, những chiếc phong bì chứa các khoản tiền
ở mức độ khác nhau của người đi viếng tang và chia buồn cùng tang chủ đã thay thế
gần như hoàn toàn các lễ vật phúng viếng truyền thống, như: gạo, rượu, gà Trước đây
các thành viên trong gia đình có tang phải kiêng nhiều thứ và kéo dài, thì nay thời gian
kiêng kỵ chỉ còn 10 đến 15 ngày thay vì 01 tháng. Họ đã có thể ăn rau xanh, làm mọi
việc sau 7 ngày, đặc biệt có thể dùng xà phòng sau chôn cất một ngày mà không sợ gặp
những điều xui xẻo.
Có thể nói, tang ma là thành tố ít biến đổi nhất trong hệ thống nghi lễ gia đình
của người Mảng, bởi tâm lý của người sống mong muốn chu toàn cho một sự khởi đầu
mới tốt đẹp cho người thân của mình ở thế giới khác. Tuy nhiên, nghi lễ tang ma của
người Mảng đã và đang biến đổi theo hướng thích nghi, hài hòa hơn với những điều
kiện kinh tế - xã hội mới. Biến đổi trong tang ma theo hướng lược bớt lễ thức và rút
ngắn thời gian nhưng vẫn bảo đảm sự trang trọng, nghiêm túc và giữ gìn giá trị cốt lõi
trong văn hóa truyền thống tộc người.
4.1.2. Một số biến đổi trong nghi lễ nghề nghiệp, cần an, thờ cúng tổ tiên,
thần linh và lễ tết
- Trong nghi lễ nghề nghiệp: người Mảng hiện nay cho rằng, trồng lúa nương lợi

ích đem lại không bằng các cây trồng khác, như: cao su, chè, sắn, ngô nên bắt đầu đã
giảm bớt việc canh tác lúa nương. Các nghi lễ: chọn đất, cúng đất, phát nương, cúng
trước và sau khi tra hạt không còn được thực hiện nữa, nhưng các nghi lễ cúng chữa
bệnh cho cây trồng, cúng lúa ra bông, cúng gọi hồn lúa, lễ mừng cơm mới vẫn được
thực hiện trên cơ sở giản lược tới mức tối đa. Các nghi lễ săn bắt gần như không còn
được thực hiện nữa, một phần do quan niệm của người dân về việc săn bắt đã thay đổi,
nhưng quan trọng là đi săn thú rừng và đánh bắt thủy sản ít được thực hiện do sự biến
mất của hầu hết các loài thú rừng, sự cạn kiệt của các loài thủy sản.
- Trong nghi lễ cầu an: ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã
phần nào làm thay đổi niềm tin của người Mảng về tự nhiên, con người, vũ trụ, kéo
theo sự biến đổi của các nghi lễ cầu sự an lành. Sự tự tin vào bản thân, cộng đồng ngày
càng tăng lên làm cho nỗi sợ hãi thần linh, ma quỷ hạn chế dần. Kiểu nhà trệt của
người Việt đã khá phổ biến, kéo theo sự biến đổi hoàn toàn về cách bố trí không gian
sinh hoạt và nghi lễ trong liên quan cũng mai một. Vai trò của thầy cúng không còn
quan trọng như trước đây. Các nghi lễ liên quan đến chuyển cư không còn được thực
hiện như xưa mà chỉ báo cáo việc chuyển cư và nhập cư với trưởng bản hai bên và làm
các thủ tục đăng ký với chính quyền xã. Ngược lại, nghi lễ cầu may mắn có xu hướng
phát triển mạnh mẽ, được người Mảng sử dụng gần như một thói quen để cầu sự bình
an, may mắn trước khi làm những công việc lớn trong gia đình.
- Trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thần linh và lễ tết: quan niệm về thế giới tổ tiên,
thế giới thần linh biến đổi khá chậm trong nhận thức của người Mảng. Với họ, thế giới
tổ tiên luôn là sự hiện diện của tinh anh và thuần khiết. Thế giới thần linh với 4 tầng và
vị thần sáng tạo luôn ngự trị ở tầng cao nhất. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Mảng
đã biến đổi theo các chiều hướng khác nhau, như: mai một, đơn giản, thu nhận cái mới,
pha trộn giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại nhưng ở mỗi nơi có sự đậm nhạt
khác nhau. Tết nguyên đán, rằm tháng giêng hiện nay do người Mảng học theo người
Việt, là kết quả của sự giao thoa, tiếp biến văn hóa theo quy luật tự nhiên.
4.2. XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI
Từ những biến đổi nêu trên cho thấy, xu hướng biến đổi chủ yếu trong nghi lễ
gia đình của người Mảng hiện nay là: 1) Mai một các giá trị văn hóa truyền thống; 2)

Giao thoa, tiếp biến với các giá trị văn hóa mới; 3) Khôi phục, giữ gìn văn hóa truyền
thống trên cơ sở thích nghi với điều kiện sống mới.
4.3. NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ BIẾN ĐỔI
4.3.1. Về kinh tế
Chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước ta đã có sự thay đổi căn bản sau năm
1986, mở ra cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó sự đa dạng các thành
phần kinh tế chính là bước nhảy vọt đánh dấu sự tham gia của toàn bộ người dân vào
quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Với chủ trương đổi mới toàn diện đưa ra
trong Đại hội VI của Đảng chính là bước ngoặt trong tư duy kinh tế của Đảng và Nhà
nước ta, nhằm xóa bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý của Nhà nước. Điều đó đã tác
động sâu sắc tới đời sống kinh tế của người Mảng ở Việt Nam.
4.3.2. Về xã hội - văn hóa
Năm 1945, Cách Mạng Tháng Tám thàng công khai sinh ra nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa, đây là bước nhảy vọt vĩ đại của đất nước ta đánh dấu sự sụp đổ hoàn
toàn của chế độ thực dân phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt là sau năm 1954, hòa bình được lập lại trên toàn miền Bắc, dẫn đến sự thay
đổi hoàn toàn cơ cấu tổ chức xã hội các tộc người, trong đó có người Mảng. Chế độ
phong kiến, lang đạo cai trị, áp bức bóc lột được thay thế bởi một xã hội tiến bộ được
quản lý bởi hệ thống chính trị thống nhất vận hành dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà
nước, đảm bảo quyền dân chủ và tự do cho mọi người dân.
Giao lưu tiếp biến văn hóa mang tính khách quan, phổ quát đối với sự phát triển
văn hóa - xã hội. Văn hóa tộc người Mảng ở Việt Nam cũng nằm trong sự vận hành
chung của quy luật ấy, sự giao lưu, tiếp biến diễn ra thường xuyên theo hướng văn hóa
Mảng tiếp nhận nhiều hơn yếu tố mới đã làm cho văn hóa Mảng thêm phong phú, da
dạng nhưng đó cũng là nguyên nhân làm biến đổi văn hóa truyền thống của họ.
4.3.3. Về chính sách và pháp luật
Nghị quyết Hội nghị TW 5, Khóa VIII của Đảng là văn bản chính thức có tác
động to lớn tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người ở Việt Nam. Tiếp
theo đó là hàng loạt các văn bản, chị thị, quyết định về việc cưới, việc tang, lễ hội, bảo

tồn văn hóa đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm biến đổi văn hóa truyền thống của người
Mảng. Tuy nhiên, điều này là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh cần bảo tồn và phát
huy các giá trị văn hóa tộc người hiện nay.
4.3.4. Một số yếu tố tộc người
Biến đổi nghi lễ gia đình của người Mảng còn là do từ nhận thức và hành động
của chính chủ thể văn hóa – đó chính là các yếu tố nội tại của tộc người Mảng. Có thể
nói, sự thay đổi của môi trường sống đã mở rộng cánh cửa xã hội cho người Mảng hội
nhập, giao lưu, tiếp biến với thế giới bên ngoài, điều đó làm thay đổi nhận thức của
người dân và bản thân họ tự nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi để hướng tới cuộc
sống tốt đẹp hơn.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 4
Nội dung kết quả và bàn luận trong chương này đã khái quát lại toàn bộ những
đóng góp và phát hiện mới về khoa học qua nghiên cứu về nghi lễ gia đình của người
Mảng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, là những ý kiến bàn luận của tác giả về một số vấn đề
cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tiếp theo, để bổ sung hoàn thiện
nghiên cứu về người Mảng ở Việt Nam.
Với việc hướng trọng tâm kết quả nghiên cứu vào ba nội dung cơ bản là: 1)
Những kết quả chung, 2) Một số đặc điểm văn hóa tộc người thông qua nghi lễ gia
đình, 3) Vai trò của nghi lễ gia đình trong đời sống văn hóa tộc người, luận án đã đưa ra
những kết quả cơ bản nhất thông qua nghiên cứu thực tiễn, giúp người đọc nhận diện
rõ các các nét văn hóa tiêu biểu của người Mảng thông qua đặc điểm văn hóa. Đồng
thời, đánh giá vai trò của nghi lễ gia đình trong bối cảnh hiện nay để nhận diện những
mặt tích cực nhằm bảo tồn, phát huy và hạn chế những vai trò không còn phù hợp với
đời sống hiện tại.
Thông qua nghiên cứu nghi lễ gia đình của người Mảng, chúng tôi phát hiện
được những nét tiêu biểu mang tính đại diện cho hệ thống nghi lễ và mang tính nhân
văn sâu sắc, như: đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ, tương thân, tương ái những ảnh hưởng
mang tính khái quát của nghi lễ gia đình đối với đời sống tộc người Mảng thông qua
vai trò đó và giá trị thực tiễn của nghi lễ trong đời sống cộng đồng, đã và đang trực tiếp
hoặc gián tiếp làm giàu thêm bản sắc văn hóa tộc người, điều chỉnh tâm thức, hành vi

của con người với các mối quan hệ ứng xử trong cuộc sống xã hội.
Cũng qua nghiên cứu thực tiễn chúng tôi cũng nhận thấy, những vấn đề chưa
được tìm hiểu sâu bởi các điều kiện khách quan và chủ quan, nên cần thiết đưa ra bàn
luận và gợi mở các hướng nghiên cứu tiếp theo, như: vấn đề ảnh hưởng của tôn giáo
mới, sự mâu thuẫn giữa tổ chức nghi lễ và tiết kiệm kinh tế, vấn đề vai trò của những
người có uy tín trong cộng đồng, vấn đề sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh mới, vấn đề
bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội tộc người, vấn đề ý thức tộc người và
ý thức quốc gia dân tộc của người Mảng ở Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay,
Chương 5
KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
5.1. KẾT QUẢ
5.1.1. Một số kết quả chung
Nghi lễ là biểu hiện của ý thức xã hội, là chắt lọc tinh hoa trong đời sống tộc
người, vì vậy, nó sẽ là phần bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa hơn, chậm thay đổi hơn
so với thực tiễn đời sống xã hội người Mảng. Luận án đóng góp nguồn tư liệu cần thiết
cho các nghiên cứu tiếp theo về người Mảng, đặc biệt là tín ngưỡng và nghi lễ; là cơ sở
cho việc nghiên cứu so sánh văn hóa tộc người Mảng với các tộc người khác để thấy
được toàn diện hơn những giá trị văn hóa dân tộc Mảng hiện nay. Nghiên cứu cũng chỉ
ra những giá trị của nghi lễ gia đình đối với việc giáo dục đạo đức, cố kết gia đình,
đoàn kết cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống,
5.1.2. Một số giá trị văn hóa tộc người thông qua nghi lễ gia đình
Những người có uy tín trong cộng đồng, như: thầy cúng, thầy bói, các ông, bà
mối, trưởng bản có vai trò nổi bật trong nghi lễ gia đình truyền thống của người
Mảng. Họ không chỉ là người xem xét, phán đoán, dẫn dắt mà còn trực tiếp thực hiện
các lễ nghi kết nối thế giới "thiêng" và thế giới "trần tục". Lễ vật trong nghi lễ thể hiện
văn hóa truyền thống của người Mảng và sự giao thoa văn hóa với các tộc người cận
cư khác, nhất là tộc người Thái. Lễ vật có thể phân thành 3 nhóm chính, nhóm một là
động vật gồm: gà, lợn, sóc, chuột, cá, Nhóm hai là những đồ vật thiêng như mảnh vải
thái, sáp ong, gậy, Và nhóm ba bao gồm các đồ vật để sử dụng sau nghi lễ như:
xoong, gùi, bem, chài, bưởng,

Trong hôn nhân, ở rể là khoảng thời gian khó khăn nhưng cũng là cơ hội để
chàng trai chứng tỏ khả năng của mình với gia đình cô gái. Hát đối, hát giao duyên là
nét văn hóa đặc sắc của người Mảng, phản ánh kho tàng văn hóa dân gian đa dạng và
phong phú của tộc người. Sự "mầu nhiệm" tâm lý trong các nghi lễ khám và chữa bệnh
là một đặc điểm văn hóa thường thấy ở các tộc người thiểu số, trong đó người Mảng là
một ví dụ sinh động. Hiến tế gà, lợn là đặc điểm văn hóa cần chú ý của người Mảng, nó
thể hiện tâm thức và quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của họ.
Qua nghiên cứu nghi lễ gia đình cho thấy, chưa có sự phân chia giai tầng trong
xã hội người Mảng ở Việt Nam. Tính cặp đôi biểu trưng của quan niệm về sự phồn
thực và sinh sôi nảy nở được người Mảng thể hiện thông qua các nghi lễ nghề nghiệp.
Tàn dư chế độ mẫu hệ được thể hiện khá rõ qua vai trò người phụ nữ ở một số nghi lễ,
như: cúng hồn lúa, ăn cơm kiêng, mở kho thóc, ăn cơm mới, cúng bên ngoại, Sống
tôn trọng và hài hòa cùng tự nhiên là đặc điểm tiêu biểu với các tộc người ăn nương nói
chung và người Mảng nói riêng. Không gian và sự cách điệu qua nghi lễ chuyển cư và
nhập cư như một sân khấu lớn phản ánh tư duy phong phú của tộc người này về nhân
sinh quan và thế giới quan. Hệ thống các nghi lễ vòng đời, cầu an, thờ cúng thần linh,
tổ tiên khá đa dạng, nhưng các nghi lễ nghề nghiệp của người Mảng rất hạn chế ngoại
trừ hệ thống nghi lễ nông nghiệp. Lễ tết mới được du nhập vào người Mảng từ sau
1986, các tài liệu trước đó chưa đề cập đến hai nghi lễ lớn này. Đây chính là sản phẩm
của sự giao thoa, tiếp biến văn hóa của người Mảng với người Việt.
5.1.3. Vai trò của nghi lễ gia đình trong đời sống văn hóa tộc người Mảng
Nghi lễ gia đình có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa người Mảng,
phản ánh thế giới thực và thế giới thiêng qua lăng kính và cách cảm nhận riêng của họ
mà nó thể hiện qua: nghi lễ là phương tiện biểu hiện đặc trưng văn hóa tộc người; nghi
lễ gia đình góp phần giải tỏa áp lực cuộc sống, tạo niềm tin cho cá nhân, gia đình và
cộng đồng; góp phần tăng cường sự đoàn kết của cá nhân, gia đình và cộng đồng; vai
trò giáo dục đạo đức, nếp sống cho con người luôn được thể hiện rõ ràng và nó góp
phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người.
5.2. BÀN LUẬN
Dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,

quan điểm của Đảng và Nhà nước về dân tộc và tôn giáo tín ngưỡng, luận án đưa ra
một số vấn đề cần trao đổi như sau:
Nghi lễ và vấn đề "mê tín dị đoan"; Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
tộc người Mảng trong bối cảnh là một tộc người có dân số ít, luôn chịu tác động của
các tộc người cư trú xen cài có nền văn hóa mạnh hơn; Vấn đề bảo tồn nghi lễ gia đình
của người Mảng di cư và tái định cư thủy điện; Sự biến đổi các phương thức sản xuất
truyền thống và việc canh tác của người Mảng trong bối cảnh hiện nay; Vấn đề chuyển
đổi tôn giáo hiện nay đang đặt ra với khả năng xâm nhập của các tôn giáo mới, đặc biệt
là đạo Tin Lành ở trong vùng; Vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng và ở
địa phương trong bối cảnh hiện nay; Nghi lễ truyền thống và sự tốn kém về kinh tế
trong bối cảnh người Mảng còn rất khó khăn và cuối cùng là vấn đề ý thức tộc người
và ý thức quốc gia dân tộc của người Mảng.
Từ thực tế nghiên cứu nghi lễ gia đình của người Mảng ở Việt Nam, luận án đề
xuất một số kiến nghị, giải pháp làm cơ sở khoa học cho việc tham khảo để đưa ra các
quyết định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa người Mảng trong tình hình mới như
sau: Một là, thực hiện công tác sưu tầm, thống kê, phân loại các nghi lễ gia đình. Hai
là, cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông liên
bản, liên xã, tăng cường xây dựng trường lớp và đội ngũ giáo viên, nhằm đáp ứng nhu
cầu nâng cao dân trí của người dân. Ba là, xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp cho
các nghệ nhân. Bốn là, bảo tồn môi trường sinh hoạt của nghi lễ. Năm là, tạo dựng lại
những sinh hoạt cộng đồng truyền thống tốt đẹp đã mất đi.
5.3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ
CỦA NGHI LỄ GIA ĐÌNH.
- Một là, thực hiện công tác sưu tầm, thống kê, phân loại các nghi lễ gia đình,
trong đó công tác sưu tầm phải được quan tâm đầu tiên vì thực tế cho thấy những nghi
lễ có giá trị văn hóa tộc người đã và đang mất đi nhanh chóng. Cần tiến hành những
công trình nghiên cứu sưu tầm mang tính tổng thể, kết hợp bảo tồn văn hoá với xây
dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên trao đổi những ý tưởng hay trong
việc bảo tồn những giá trị văn hoá tộc người đã được thực tế kiểm nghiệm, để kế thừa
cái hay, nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào ở môi trường biến đổi hiện nay.

- Hai là, cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao
thông liên bản, liên xã, tăng cường xây dựng trường lớp và đội ngũ giáo viên, nhằm
đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí của người dân, có vậy mới dần loại bỏ được những
quan niệm và lễ thức không còn phù hợp ra khỏi đời sống. Tăng cường tuyên truyền,
giáo dục thuần phong mĩ tục, làm cho mọi người hiểu và tự bảo vệ những giá trị văn
hóa tộc người trong nghi lễ, nhằm thay đổi những suy nghĩ hướng ngoại và các thành
tố văn hóa không phù hợp đang thâm nhập vào đời sống của đồng bào hiện nay.
- Ba là, xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp cho các nghệ nhân, những người
đang lưu giữ sống động những giá trị văn hóa tộc người. Bởi họ đang dần ít đi và như
vậy sẽ đem theo những tri thức tộc người về với tổ tiên. Đồng thời cần có chính sách
khuyến khích cơ chế trao truyền hiểu biết cho con cháu, đây là biện pháp bảo tồn động
tích cực, ưu việt hơn việc bảo tồn tĩnh mà chúng ta vẫn làm.
- Bốn là, bảo tồn môi trường sinh hoạt của nghi lễ. Các nghi lễ được hình thành
và diễn ra trong quá trình sinh hoạt, lao động của con người; môi trường nuôi dưỡng,
phát huy những giá trị ấy là bản làng, là ngôi nhà của họ. Tuy nhiên, trong thực tế hiện
nay bản làng đang bị pha trộn, phá vỡ cấu trúc truyền thống bởi việc xen cư, cộng cư.
Những ngôi nhà lớn của người Mảng không còn, đồng nghĩa với môi trường của bản
cũng bị phá vỡ kéo theo hàng loạt những phản ứng dây truyền làm cho không gian sinh
hoạt nghi lễ dần mất đi.
- Năm là, tạo dựng lại những sinh hoạt cộng đồng truyền thống tốt đẹp đã mất đi
hay đang bị suy giảm. Đây là việc làm mang tính chất tình thế, nhưng cũng sẽ hữu ích
nếu việc phục dựng và thực hiện các nghi lễ được chính chủ thể tiến hành dưới sự tư
vấn, hỗ trợ của các nhà khoa học và quản lý văn hóa, tín ngưỡng.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 5
Nội dung kết quả và bàn luận trong chương này đã khái quát lại toàn bộ những
đóng góp và phát hiện mới về khoa học qua nghiên cứu về nghi lễ gia đình của người
Mảng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, là những ý kiến bàn luận của tác giả về một số vấn đề
cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tiếp theo, để bổ sung hoàn thiện
nghiên cứu về người Mảng ở Việt Nam.
Với việc hướng trọng tâm kết quả nghiên cứu vào ba nội dung cơ bản là: 1)

Những kết quả chung, 2) Một số đặc điểm văn hóa tộc người thông qua nghi lễ gia
đình, 3) Vai trò của nghi lễ gia đình trong đời sống văn hóa tộc người, luận án đã đưa ra
những kết quả cơ bản nhất thông qua nghiên cứu thực tiễn, giúp người đọc nhận diện
rõ các các nét văn hóa tiêu biểu của người Mảng thông qua đặc điểm văn hóa. Đồng
thời, đánh giá vai trò của nghi lễ gia đình trong bối cảnh hiện nay để nhận diện những

×