Tải bản đầy đủ (.doc) (23 trang)

Bi kịch tình yêu của một số nhân vật nữ trong chí phèo và vợ nhặt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (198.16 KB, 23 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN – ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN

TIỂU LUẬN
MÔN HỌC: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Đề bài: Đề xuất một đề tài nghiên cứu khoa học ở trình độ khoa học sinh
viên. Xây dựng đề cương nghiên cứu chi tiết cho đề tài khoa học đó.
Tên tiểu luận:
BI KỊCH TÌNH YÊU CỦA MỘT SỐ NHÂN VẬT NỮ TRONG
TRUYỆN NGẮN CHÍ PHÈO (NAM CAO) VÀ VỢ NHẶT (KIM LÂN)
SV thực hiện : Dương Thị Linh
Lớp : Sư phạm Ngữ văn CLC K47
Thái Nguyên, tháng 05 năm 2014
1
LỜI CẢM ƠN
Đầu tiên em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới TS. Nguyễn Thị Nhung,
PGS.TS Nguyễn Hằng Phương - người đã trực tiếp giảng dạy em môn
“Chuyên đề phương pháp nghiên cứu khoa học Ngữ văn” và cung cấp cho em
nhiều kiến thức cần thiết để hoàn thành bài tiểu luận này . Em cũng xin cảm
ơn tất cả các thầy cô đã giảng dạy em trong thời gian qua.
Xin cảm ơn sự cộng tác giúp đỡ, cung cấp tài liệu của các anh chị sinh
viên năm ba và năm tư khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Vì thời gian cũng như kiến thức còn hạn chế nên không tránh khỏi
những nhận xét chủ quan. Kính mong sự góp ý từ phía thầy cô và các bạn để
các sinh viên sau thực hiện tốt hơn.
Thái Nguyên, ngày 17 tháng 05 năm 2014
Sinh viên thực hiện
Dương Thị Linh
2
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài


Chẳng hiểu tại sao cứ mỗi lần lần mở lại những trang sách phổ thông,
hai cái tên mà tôi thường tìm đến là Kim Lân và Nam Cao. Cái ngày còn ngồi
trên ghế nhà trường, tôi mê say với “Lão Hạc”, mê say với “Chí Phèo”, với
“Làng”, với “Vợ nhặt”. Không chỉ là say mê, tôi thậm chí còn bị ám ảnh bởi
những mảnh đời, bởi những kiếp người đau khổ, bế tắc, bất lực như Chí Phèo,
Lão Hạc như ông Hai, anh cu Tràng, cô vợ nhặt, bà cụ Tứ
Điều đặc biệt, vẫn câu chuyện ấy, vẫn con người ấy, vẫn những trang
sách không đổi nhưng sao trong nhận thức tôi lại có một sự thay đổi lớn khi
mỗi lần đọc lại. Phải chăng, càng trưởng thành thì tầm nhận thức, chiều sâu
tâm hồn con người càng được bồi đắp, phát triển? Hay phải chăng, cái hay cái
đẹp cái nhân văn trong câu chuyện, theo lớp bụi của thời gian không lu mờ đi
mà thậm chí còn sáng hơn, còn được khẳng định hơn nữa.
Tôi nói mình say mê với “Chí Phèo”, say mê với “Vợ Nhặt” là vì
không chỉ đơn thuần đó là những câu chuyện hay, cốt truyện sinh động, chân
thực mà bên cạnh đó là cái tài, cái tình của chính tác giả - những người “cha”
đẻ của chúng. Xưa nay, hai tác phẩm và hai tác giả của “Chí Phèo” và “Vợ
Nhặt” không biết đã làm tốn bao giấy mực của văn đàn, của giới nghiên cứu.
Đọc những tài liệu ấy, khai thác chúng, tôi mới thực sự biết được ngọn nguồn
giá trị đa chiều, rộng mở của từng câu chuyện, chứ không phải dừng lại ở
mức độ cảm nhận. Càng đọc, càng nghiên cứu tôi càng ngầm và càng “say”.
Càng ngưỡng mộ tài năng cùng phong cách của Kim Lân và Nam Cao đến
đâu, tôi lại mong ước được một lần có dịp viết bài cảm nhận hay nghiên cứu
về hai tác giả này đến đó. Thực tế, Nam Cao và Kim Lân là hai tác giả tiêu
biểu được đưa vào chương trình giảng dạy văn học trong trường phổ thông
3
bởi những tác phẩm tiêu biểu, giá trị cũng như sự ảnh hưởng sâu rộng của tác
giả, tác phẩm đến quần chúng bạn đọc. Cho nên, đó cũng là một động lực thôi
thúc tôi viết bài để mong rằng qua đó, có một sự đóng góp đáng kể cho quá
trình tìm hiểu, nghiên cứu về hai tác giả cùng tác phẩm tiêu biểu của họ.
Có lẽ cũng do Nam Cao và Kim Lân là hai tác giả lớn, đã để lại những

tác phẩm đặc sắc, ở đây, chỉ xin đề cập đến “Chí Phèo” và “Vợ nhặt”, nên
việc nghiên cứu, soi xét của văn đàn gần như là toàn diện. Tuy nhiên, tôi nhận
thấy một nội dung gần như rất mới mẻ, rất “nông” mà chưa một độc giả hay
giới nghiên cứu nào “đào” đến. Vì vậy, tôi xin mạnh dạn đề xuất đề tài “Bi
kịch tình yêu của một số nhân vật nữ trong hai truyện ngắn Chí Phèo (Nam
Cao) và Vợ nhặt (Kim Lân)”.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Từ trước tới nay, hai tác phẩm “Chí Phèo” và “Vợ nhặt” luôn được chú
trọng nghiên cứu trong trường phổ thông. Đồng thời, bạn đọc, giới nghiên cứu
cũng tốn không ít giấy mực về hai tác giả, tác phẩm này. Các tài liệu nghiên
cứu chỉ chú trọng phần nội dung cốt lõi: ví dụ như trong “Chí Phèo” là bi kịch
lưu manh hóa, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo; trong “Vợ
nhặt” là nạn đói và những kiếp người tuy đứng giữa bờ vực của cái chết vẫn
khao khát sống, vẫn hướng về tương lai v.v Tuy nhiên, theo khảo sát tôi
chưa thấy có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề “bi kịch của
người phụ nữ” trong hai tác phẩm đó.
Vậy nên, tôi mạnh dạn đi tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề trên. Có thể do
tài liệu tham khảo còn hạn chế, lịch sử vấn đề còn chưa được khai thác nên
trong quá trình tìm hiểu sẽ không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Rất
mong sự góp ý của thầy cô để bài tiểu luận thêm hoàn chỉnh.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu về “bi kịch của một số nhân vật nữ” trong hai tác phẩm
“Chí Phèo” và “Vợ nhặt” một mặt đáp ứng nhu cầu tìm tòi, nghiên cứu thêm
những thông tin mới, lạ, đa chiều của học sinh về hai tác phẩm. Đem lại giá
4
trị thiết thực cho việc dạy và học ở trường phổ thông. Mặt khác, góp phần đào
sâu vào nội dung tư tưởng – những điều chưa hoặc ít được nói đến để qua đó,
khẳng định tài năng và giá trị của tác giả, tác phẩm.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu

Với đề tài này, tôi sẽ nghiên cứu tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn
Nam Cao và tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, trong đó sẽ đi sâu vào
kía cạnh “bi kịch tình yêu” của một vài nhân vật nữ trong hai tác phẩm. Để từ
đó thấy được tính đặc sắc và đa chiều của hai tác phẩm.
4.2 Phạm vi nghiên cứu
Với đề tài này, tôi sẽ tập trung nghiên cứu trong phạm vi hai tác phẩm
“Chí Phèo” và “Vợ nhặt” ở phương diện “bi kịch tình yêu của một số nhân
vật nữ”.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, tôi sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu
khác nhau, tùy vào từng phần từng chương mà vận dụng linh hoạt các phương
pháp, cụ thể:
5.1 Phương pháp tiểu sử
5.2 Phương pháp so sánh
5.3 Phương pháp liệt kê
5.4 Phương pháp phân tích và tổng hợp
Ngoài ra, tôi còn sử dụng một vài phương pháp: phương pháp xã hội
học, phương pháp hệ thống.
6. Cấu trúc của đề tài
Cấu trúc bài tiểu luận, ngoài phần mở đầu, phần kết luận, phần tài liệu
tham khảo còn có phầm nội dung gồm chương:
Chương 1: Những vấn đề chung trong “Vợ nhặt” và “Chí Phèo” và hai
tác giả Kim Lân, Nam Cao.
5
Chương 2: Bi kịch tình yêu của một số nhân vật nữ trong hai tác phẩm
“Vợ nhặt” và “Chí Phèo”.
Cụ thể:
Chương 1: Những vấn đề chung
1.1 Vài nét khái quát về Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo
1.1.1 Cuộc đời và sự nghiệp

1.1.2 Tác phẩm Chí Phèo
1.2 Vài nét khái quát về Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt
1.2.1 Cuộc đời và sự nghiệp
1.2.2 Tác phẩm Vợ nhặt
1.3 Những lí luận chung về bi kịch và bi kịch tình yêu
1.3.1 Khái niệm về bi kịch
1.3.2 Bi kịch tình yêu
Chương 2: Bi kịch tình yêu của một số nhân vật nữ trong hai
truyện ngắn “Chí Phèo” và “Vợ nhặt”.
2.1 Bi kịch của sự vỡ mộng
2.1.1 Nhân vật thị trong truyện ngắn Vợ nhặt
2.1.2 Nhân vật thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo
2.2 Bi kịch của tình yêu hạnh phúc giữa đời thường; giữa khát vọng
bản năng và hiện thực đời sống.
2.2.1 Nhân vật bà ba trong truyện ngắn Chí Phèo
2.2.2 Nhân vật chị vợ binh Chức trong truyện ngắn Chí Phèo
2.2.3 Nhân vật thị trong truyện ngắn Vợ nhặt
2.2.4 Nhân vật thị trong truyện ngắn Chí Phèo
2.3 Bi kịch tình yêu dang dở, cô đơn
2.3.1 Nhân vật bà cô thị Nở và nhân vật thị Nở trong truyện ngắn
Chí Phèo.
2.3.2 Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Chí Phèo.
6
B. PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: Những vấn đề chung
1.1 Vài nét khái quát về Nam Cao và tác phẩm “Chí Phèo”
1.1.1 Cuộc đời và sự nghiệp
Nam Cao (1915- 1951) tên thật Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại
Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam - nay là xã Hòa Hậu,
huyện Lý Nhân, Hà Nam. Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút

danh: Nam Cao.
Ông là một đại diện xuất sắc nhất của trào lưu văn học hiện thực phê
phán trước 1945, Nam Cao cũng là một trong những cây bút tiêu biểu nhất
của chặng đường nền văn học mới sau cách mạng.
Ông có nhiều tác phẩm đã xuất bản: Đôi lứa xứng đôi (truyện ngắn,
1941); Nửa đêm (truyện ngắn, 1944); Cười (truyện ngắn, 1946); ở rừng (nhật
ký, 1948); Truyện biên giới (1951); Đôi mắt (truyện ngắn, 1954); Sống mòn
(truyện dài, 1956, 1970); Chí Phèo (truyện ngắn, 1957); Truyện ngắn Nam
Cao (truyện ngắn, 1960)…
Nam Cao là một trong những tên tuổi lớn, có quan điểm nghệ thuật,
quan điểm văn chương rất rõ ràng: “Văn chương không cần những người thợ
khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp
những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và
sáng tạo những gì chưa có”.
1.1.2 Tác phẩm Chí Phèo
Chí Phèo – thiên truyện ngắn hiện thực xuất sắc của Nam Cao, ra mắt
người đọc từ tháng 2 năm 1941, đã có sức tố cáo bộ mặt vô nhân tính của xã
hội và phản ánh bế tắc cùng cực của người nông dân. Trong tác phẩm, nhà
văn đã mở ra cuộc đời đầy bi kịch của một Chí Phèo – thù hận với tất cả: cuộc
đời – xã hội – con người và ngay cả bản thân. Một Chí Phèo triền miên trong
7
những cơn say, mất cả lương tri, trên hành trình thời gian dài đẵng đẵng của
một kiếp sống không ra sống, trong không gian tăm tối ngột ngạt của xã hội
Việt Nam đêm trước cách mạng. Nhà văn đã dẫn dắt người đọc vào một cuộc
đời đau khổ và kết thúc trong cái vòng luẩn quẩn bế tắc.
Giá trị con người được đề cao trong truyện của Nam Cao, nhất là trong
truyện ngắn nổi danh Chí Phèo mà trước đây ít người được biết.
Có người nói Nam Cao nổi tiếng nhờ truyện Chí Phèo . Đúng, nhưng
thiếu, Chí Phèo là tuyệt đỉnh văn chương của Nam Cao, và các truyện khác
của ông cũng là những tác phẩm rất có giá trị trong văn chương Việt Nam.

1.2 Vài nét khái quát về Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt
1.2.1 Cuộc đời và sự nghiệp
Kim Lân quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay là làng
Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh, năm 2008 thuộc
vùng Hà Nội. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết bậc tiểu
học rồi phải đi làm. Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Tác phẩm
của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật.
Một số truyện (Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô
Vịa ) mang tính chất tự truyện nhưng đã thể hiện được không khí tiêu điều,
ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông
dân thời kỳ đó.
Ông được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào những đề tài độc đáo như
tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê (đánh vật, chọi gà, thả
chim ). Các truyện: Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn kể lại một cách
sinh động những thú chơi kể trên, qua đó biểu hiện một phần vẻ đẹp tâm hồn
của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám - những người sống cực
nhọc, khổ nghèo nhưng vẫn yêu đời, trong sáng, tài hoa.
Sau Cách Mạng tháng Tám, Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông
vẫn chuyên về truyện ngắn và vẫn viết về làng quê Việt Nam - mảng hiện
8
thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Những tác phẩm chính: Nên vợ nên
chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).
Hà Minh Đức viết trong “Nhà văn nói về tác phẩm”: “Kim Lân là một
trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Kim Lân đã tạo được cách viết độc đáo. Phải nói rằng Kim Lân viết không
nhiều nhưng những sáng tác của ông đã gây ấn tượng với bạn đọc”.
Sinh thời ông sống tại Hà Nội. Nǎm 2001, Kim Lân được trao tặng Giải
thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông từ trần năm 2007 tại Bệnh viện
Hữu Nghị Hà Nội, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hen suyễn,
hưởng thọ 87 tuổi.

1.2.2 Tác phẩm Vợ nhặt
Viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945. In trong tập “Con chó xấu xí”
(truyện ngắn 1962). Tiền thân là truyện là tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Tác phẩm
được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Tuy nhiên tác
phẩm còn dang dở và đã bị mất bản thảo. Về sau, tác giả đã đưa cốt truyện cũ
để viết truyện ngắn này.
Truyện tố cáo tội ác của thực dân, phát xít, phản ánh cuộc sống thê
thảm của nhân dân trong nạn đói. Nhà văn bộc lộ sự cảm thông sâu sắc với
nỗi khổ, với những người dân nghèo, phát hiện ra vẻ đẹp diệu kỳ của người
lao động. Trong bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào, họ vẫn vượt lên cái chết, ra
sức yêu thương đùm bọc lẫn nhau và cùng hy vọng vào 1 tương lai tươi sáng.
Về tác phẩm Vợ nhặt, Kim Lân viết:
“Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm.
Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ
nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn
cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không
nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương
lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.
9
Truyện ngắn xuất sắc với tình huống truyện độc đáo và nhất là nghệ
thuật miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế của tác giả.
1.3 Những lí luận chung về bi kịch và bi kịch tình yêu
1.3.1 Khái niệm về bi kịch
- Theo Từ điển tiếng Việt, nghĩa bi kịch trong tình huống này là: Cảnh
éo le, trắc trở, đau thương mất mát.
- Theo tôi hiểu: Bi kịch là sự mâu thuẫn giữa hiện thực đời sống và
khát vọng cá nhân. Hiện thực đời sống không đủ điều kiện để cá nhân thực
hiện được khát vọng của mình dẫn đến cá nhân rơi vào hoàn cảnh bi đát (có
thể dẫn đến cái chết).
- Tiếp cận ở góc độ mĩ học, tôi hiểu bi kịch là một trong những đỉnh

cao của sáng tạo thi ca, nó là một loại hình đậm chất triết luận, nó phản ánh
các vấn đề đặt ra trong đời sống. Vẻ đẹp trong bi kịch là vẻ đẹp của những tư
tưởng nhân văn mà con người rút ra từ kinh nghiệm cay đắng của cuộc sống.
Ở bi kịch những gì mong manh, vụn vặt đều bị gạt bỏ chỉ còn đọng lại là
những khát vọng mãnh liệt nhất, chân thực nhất nhưng cũng trí tuệ nhất. Ở bi
kịch cái chân, thiện hoà hợp kì diệu với cái đẹp và cái trác tuyệt. Ở bi kịch
niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và thất vọng, sung sướng và đau khổ, thành
công và thất bại cứ vận chặt lấy nhau, tương phản, đối lập nhau nhưng thống
nhất nhiệm vụ : khẳng định sức sống mãnh liệt và bất tử của con người, khẳng
định thắng lợi tất yếu của tiến bộ xã hội, dù phải trải qua nhiều thử thách
1.3.2 Bi kịch tình yêu
Từ khái niệm lí luận chung về bi kịch, tôi mạnh dạn đóng góp quan
niệm của mình về bi kịch tình yêu: là sự mâu thuẫn, đối lập giữa khát vọng
yêu đương cá nhân và hiện thực đời sống. Cá nhân không thực hiện được khát
vọng, mong muốn, lí tưởng trong tình yêu mà rơi vào hoàn cảnh bi đát, đau
thương; hay cá nhân khát khao hạnh phúc, khát khao tình yêu nhưng tình yêu,
hạnh phúc không trọn vẹn, con người vẫn rơi vào cảnh ngộ buồn đau, cô đơn.
10
Chương 2: Bi kịch tình yêu của một số nhân vật nữ trong hai tác
phẩm “Vợ nhặt” và “Chí Phèo”.
2.1 Bi kịch của sự vỡ mộng.
2.1.1 Nhân vật thị trong tác phẩm “Vợ nhặt”
Nói về nhân vật thị - người vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà
văn Kim Lân. Xuất hiện trong tác phẩm, người vợ nhặt chỉ là một con số
không tròn trĩnh : không tên tuổi, không quê hương, không gia đình, không
nghề nghiệp… Từ đầu đến cuối tác phẩm chị chỉ được gọi bằng “thị”- một
cách gọi phiếm định giành cho chị và tất cả những người phụ nữ có cảnh ngộ
và số phận đáng thương và tội nghiệp như chị.
Không những vậy, chân dung của người phụ nữ ấy hiện ra ngay từ đầu
là những nét không mấy dễ nhìn : đó là hình ảnh của người đàn bà gầy vêu

vao, ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, quần áo thì rách như tổ đỉa.
Trong cái khung cảnh của tác phẩm – nạn đói năm 1945, thị cũng là
một người đói, đói đến mức quên cả ý tứ, sĩ diện tối thiểu của một con người.
Người Việt rất coi trọng tình nghĩa, nhưng để có tình nghĩa người ta
cần có thời gian để thấu hiểu nhau. Trong hoàn cảnh khốn cùng, cái đói đã
đẩy người đàn bà đến chỗ theo không một người đàn ông về làm vợ Tràng,
một người đàn ông xa lạ bỗng dưng trở thành cái phao cuối cùng, là tất cả hi
vọng của người đàn bà tội nghiệp này.
Người đàn bà khốn khổ này trao thác thân phận mình cho Tràng chỉ
bằng bốn bát bánh đúc và một câu nói đùa, đến với Tràng trước hết như
đến với một nơi chốn có thể nương tựa lúc đói kém …thị đã hi vọng ở cái
phao ấy, tin mong ở cái phao ấy một sự sống, chứ lúc đó chưa phải là tình
yêu. Thế nhưng, tất cả thị trông thấy gì đây? Lúc hi vọng đang đến cũng là lúc
thất vọng tràn trề, cái mộng được sống, được ăn no ăn đủ đã vỡ khi mà Kim
Lân đã rất tinh khi thi thoảng điểm vào truyện một vài thất vọng thầm kín
của người vợ nhặt ấy trước gia cảnh khốn cùng của nhà chồng :
11
“Một tiếng thở dài cố nén trong cái ngực gầy lép nhô hẳn lên, trước
túp nhà rách nát và rúm ró”.
“Cách nhếch mép cười nhạt nhẽo và nét mặt bần thần khi bước vào
nơi ở của anh chàng vừa nãy thôi còn vỗ túi hớn hở “rích bố cu”.
“ Hai con mắt thoáng tối lại khi được bà lão mời ăn cháo cám”.
Thị liều với số phận! Mà nói thực, khi cái chết cận kề như thế còn gì để
mà lựa với chọn, suy với tính nữa, thị đã ở thế “cùng” rồi. Cũng chính vì làm
liều, cho nên ở cái phút đầu tiên theo chàng về, bản thân thị đã “vỡ mộng” để
rồi nhận ra cái cảnh bần cùng đói kém nó cũng đang đeo đuổi cả bản thân anh
Tràng nữa. Đây cũng là một cái khổ đau, cái bi của con người khi mà hi vọng
để rồi phải nhận lấy thất vọng. Tất nhiên, đó chỉ là cái bi kịch vỡ mộng ban
đầu của bản thân thị. Tiếp tiến trình câu chuyên, như ta đã biết, thị giải quyết
những giằng xé nội tâm, giải quyết bi kịch trước đó của mình một cách rất

nhân văn.
2.1.2 Nhân vật thị Nở trong tác phẩm “Chí Phèo”
Cùng chung cái bi kịch vỡ mộng trong tình yêu, nhân vật thị Nở trong
“Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao cũng đã hi vọng để rồi thất vọng.
Đó là con người xấu nhất làng Vũ Đại, xấu đến ma chê quỷ hờn, khuôn
mặt của Thị được được miêu tả như căn hầm nhốt quỷ dữ trong bóng đêm, mà
đã được Nam Cao mô tả bằng những câu văn đầy tính tạo hình như thế này:
"Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi mà bề
ngang hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu hai má
nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn Cái mũi thì vừa
ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành đã thế thị còn dở hơi
và thị lại nghèo và thị lại là dòng giống của một nhà có mả hủi "
Thế nên, người ta tránh thị như tránh một con vật rất tởm
Cả thị và thị Nở đều chịu cái bi kịch bất công của tạo hóa; nếu thị là
con số không tròn trĩnh, không đáng giá, rẻ rúng thì thị Nở có mà như không
có gì vì cái tính dở hơi của chị ta.
12
Thị Nở đến với Chí Phèo như một điều hiển nhiên, “đôi lứa xứng đôi”,
có lẽ trên đời này, cái hi vọng duy nhất cho tình yêu của thị Nở là Chí Phèo.
Họ yêu nhau hết năm ngày, cái năm ngày ngắn ngủi với tình yêu của cả một
đời thị Nở. Phải nói Nam Cao thực sự rất tài tình khi xây dựng nên tình huống
mang tính bước ngoặt trong tâm lí của cả hai nhân vật Chí Phèo và thị Nở:
“Đến hôm thứ sau, thì thị bỗng nhớ rằng thị có một người cô ở đời. Người cô
ấy nội ngày mai sẽ về. Thị nghĩ bụng hãy đừng yêu để hỏi cô thị đã”. Và rồi
thị đã quyết định về. Suy nghĩ trong thị lúc bấy giờ có lẽ chỉ duy nhất là mong
bà cô mình đồng ý, chấp thuận mối tình duyên của mình và Chí Phèo. Cả
cuộc đời thị Nở trước đó, chưa một lần được yêu và chưa được ai yêu dù chỉ
một lần, thị gặp Chí Phèo là một cái duyên trời cho, là một hạnh phúc hiếm
có. Và cũng có lẽ, đây là cơ hội cuối cùng, hi vọng cuối cùng để thị được
sống trong tình yêu, trong hạnh phúc lứa đôi như bao người phụ nữ bình

thường khác. Thế nhưng, chân trời hi vọng yêu thương, hạnh phúc ấy đã bị
vùi dập, bị tắt ngấm, bị vỡ tan chỉ vì một câu nói tàn nhẫn của bà cô thị Nở:
“Đã nhịn được đến bằng tuổi này thì nhịn hẳn, ai lại đi lấy thằng Chí Phèo, cái
thằng không cha không mẹ ấy ”. Thị Nở rơi vào bi kịch vỡ mộng. Có lẽ Nam
Cao đã rất nhân văn khi để thị là một người con gái dở hơi, có lẽ bản thân thị
khi rơi vào bi kịch ấy, cũng khó mà hiểu được sâu sắc cái đau, cái mất mát,
cái tan biến của một tình yêu duy nhất trong cuộc đời vừa vụt đến ngắn ngủi
rồi lại vụt bay đi.
Có lẽ từ trước tới giờ, khi nghiên cứu tìm hiểu về thị Nở, cái cảnh thị
Nở cự tuyệt tình yêu của Chí - cũng chính là đỉnh điểm của bi kịch bị cự
tuyệt quyền làm người của Chí Phèo – người ta thương nói đến với ý nghĩa
tiêu cực, không hay về thị Nở. Bởi theo hành động của thị, thị đã khiến cánh
cửa trở về với xã hội lương thiện, xã hội loài người vừa mở ra với Chí thì
cũng là lúc đóng sầm lại ngay trước mắt hắn. Thị Nở như tia chớp rạch ngang
bầu trời đêm đen của Chí Phèo vừa đủ để soi lên một niềm cảm thông cũng là
13
lúc nó tắt ngấm giữa đêm đen cuộc đời Chí. Nếu thực sự là như vậy, thi chẳng
phải thị là con người tàn nhẫn, độc ác lắm sao? Cái ý nghĩa này chẳng phải nó
mâu thuẫn với cái ý nghĩa: lòng nhân hậu nhất làng Vũ Đại mà mọi người vẫn
đề cập đến ở thị Nở hay sao? Thiết nghĩ, khi con người ta rơi bào hoàn cảnh
bế tắc, khổ đau thì người ta sẽ hành động như một người vô cảm, hành động
của thị chứng tỏ con người thị lúc ấy đang đau đớn, đau đến quằn quại, đang
thất vọng, thất vọng đến tràn trề. Vì sao? Vì thị Nở đã mất đi thứ hạnh phúc
độc nhất của cuộc đời, mất đi niềm hi vọng duy nhất trong tình yêu. Vì sao?
Vì tại sao Chí Phèo lại là thẳng không cha không mẹ, tại sao Chí Phèo lại là
thằng đâm thuê chém mướn, tại sao Chí Phèo lại sống như một “con quỉ dữ”
để rồi không ai công nhận chí, để rồi bà cô thị buông lời cấm đoán nghiệt ngã
như vậy. Thị đem hết những lời của bà cô thị ném vào cái tâm hồn đang sống
lại kia, tất cả chỉ đơn giản khiến thị vơi đi nỗi đau, vơi đi niềm thất vọng của
mối mộng ước trong tình yêu mà thôi. Thế mà trước nay, con người ấy ở một

phương diện nào đó vẫn bị người ta xem là tàn nhẫn, tàn nhẫn với “cái thằng
đã ăn nằm với mình”. Ngẫm ra, mới thấy thị thật đáng thương!
2.2 Bi kịch của tình yêu, hạnh phúc giữa đời thường, giữa khát
vọng bản năng và hiện thực đời sống.
2.2.1 Nhân vật bà ba trong tác phẩm Chí Phèo
Cũng trong “Chí Phèo”, nhân vật bà ba – được Nam Cao xây dựng là
một nhân vật phụ, nhưng chính nhân vật này là nguyên nhân dẫn đến bước
ngoặt thay đổi cả cuộc đời, cả con người nhân vật chính – Chí Phèo.
Nhân vật bà ba được Nam Cao giành rất ít câu chữ trong tác phẩm, bà
ta chỉ được vẽ lên qua một số chi tiết gián tiếp: “bà ba nhà ông lí còn trẻ lắm
mà lại cứ hay ốm lửng bắt hắn bóp chân, hay xoa bụng, đấm lưng gì ấy”; “hắn
nhớ đến bà ba – cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân mà lại cứ bắt bóp lên
trên, trên nữa. Nó chỉ nghĩ đến sao cho thỏa chứ nó có yêu hắn đâu Bà bảo
14
hắn rằng: Mày thực thà quá, con trai gì hai mươi tuổi mà như ông già Bà lơ
lẳng bảo: chẳng nhẽ tao gọi mày vào chỉ để bóp chân thế này thôi ư?”.
Người ta chỉ biết đến bà ba như một người đàn bà lẳng lơ, đĩ thõa, đã
gây nên số phận nghiệt ngã của Chí Phèo thế nhưng soi vào tâm lí con
người, nào ai biết đâu “bà” ba vẫn còn trẻ và đẹp lắm! Bà trẻ đẹp như vậy, tại
sao lại chấp nhận chung sống với cái tên “khọm già” kia? Điều này, có lẽ ai
cũng hiểu, cũng biết về quyền lực và địa vị trong làng Vũ Đại của Bá Kiến
cùng “máu dê” của ông ta. Bá Kiến có tiếng sợ vợ, sống trong cái dinh cơ nhà
Bá Kiến, bà ba dường như “làm chủ” tất cả. Cuộc sống vật chất không nói
đến làm gì, thế nhưng nhìn ở phương diện tinh thần, ở góc độ tình yêu, có thể
khẳng định rằng bà không hề có một tình yêu thực sự. Bà ba cũng là một
người phụ nữ, cũng mong muốn có được tình yêu, hạnh phúc lứa đôi như bao
người phụ nũ bình thường khát, bà khao khát sống theo cái bản năng của một
con người. Việc làm của bà, hành động trên của bà tất cả cũng chỉ phản ánh
nhu cầu bản năng rất thực tế mà thôi! Bà ba đáng thương hơn đáng trách. Xét
về phương diện tình yêu, cuộc đời bà ba cũng là một bi kịch. Khát khao bản

năng bình thường nhưng cũng không thể thỏa mãn, thời gian cứ trôi đi, tuổi
xuân của bà cũng đeo đuổi theo dòng thời gian đằng đẵng khắc nghiệt, trẻ đẹp
rồi già nua, một người phụ nữ sống trong cuộc đời này mà không biết đến một
thứ tình yêu đích thực, bà thật giống như bông hoa dù thơm ngát nhưng số
phận lại đẩy nó phải mọc giữa rừng.
2.2.2 Nhân vật chị vợ binh Chức trong tác phẩm “Chí Phèo”
Có lẽ trong “Chí Phèo”, ít người để mắt đến sự xuất hiện của nhân vật
chị vợ binh Chức. Chị cũng là một người phụ nữ rất trẻ và đẹp nữa. Cái khổ
của chị chính là vẻ đẹp của chị, bi kịch cũng từ đó mà ập đến cuộc đời chị.
Đoạn văn ngắn ngủi đủ để gián tiếp đề cập đến chị vợ binh Chức: “binh
Chức khi còn ở làng thì hiền như cục đất, “đứa nào vớ được nó cũng xoay, mà
đứa nào xoay cũng chịu”, bực mình, hắn ra lính. Nhưng chị vợ còn trẻ vắng
chồng ở nhà nghiễm nhiên trở thành món đồ chuyên đổi của bọn lí dịch trong
15
làng. Ngay lí Kiến tuy đã ba vợ nhưng cũng không bỏ qua. Mỗi lần, chị binh
đi nhận tiền chồng gửi về đều phải có ông lí đi nhận thực, chẳng những cơm
rượu tiền túi mà còn ngỗi xe chung và ở lại đêm trên tỉnh nữa”.
Chỉ vài câu chữ gián tiếp về chị binh, thế nhưng Nam Cao đã vẽ lên
cảnh ngộ cuộc đời chị, hạnh phúc với chồng là quá ít ỏi. Người phụ nữ xưa và
nay, trong tình yêu, trong hôn nhân gia đình, điều hạnh phúc nhất là được
sống bên chồng, chăm sóc cho chồng, và điều đáng tự hào nhất đối với người
phụ nữ là chung trinh chung thủy với chồng. Thế nhưng, chị binh không hề
được hưởng cái quyền lợi ấy. Chị “nghiễm nhiên trở thành món hàng chuyên
đổi” – đọc mà xót xa, mà thương cảm thay cho chị. Nam Cao thực sự rất khéo
léo, tinh tế khi hạ bút viết từ “nghiễm nhiên” – một chân trời suy ngẫm rộng
mở giành cho độc giả Chồng đi xa, chị không có cơ hội được chăm sóc
chồng mà thay vào đó là “chăm sóc” bọn lí dịch trong làng, cuộc đời bắt chị
phải “ở lại đêm trên tỉnh”, đớn đau thay một người phụ nữ vì thực tế cuộc
sống mà phải đánh mất đi phẩm chất quí giá của người phụ nữ, đánh mất đi
thứ hạnh phúc đời thường trong tình yêu. Một cuộc sống như thế thực sự rất

bi kịch, rất xót xa.
2.2.3 Nhân vật thị trong “Vợ nhặt”
Như đã nói, cuộc đời lấy đi tất cả mọi thứ mà thị có thế có được. Cuộc
đời chị là một con số không tròn trĩnh, không hơn không kém. Khổ thay hơn
nữa, chị lại sống trong cái cảnh đói thê đói thảm năm ấy. Vậy nên, “con số
không” ấy cùng với cái cảnh đói rách thảm thương ấy đã biến thị trở thành
một thứ vô giá trị, không đáng một hào một xu Trước bờ vự của sự sống và
cái chết, trước biển cả mênh mông ấy chị đã bám lấy một cái phao như một
qui luật tất yếu – “cái phao” ấy chính là Tràng. Thị đến với Tràng không phải
vì tình yêu, thị trao gửi tấm thân mình cho Tràng cũng chẳng phải lòng
thương mến. Mà thương thay, vì cái ăn, cái đói. Như vậy, cái đói, cái nghèo,
cái khổ - cuộc đời – đã cướp đi ở thị cái quyền được yêu chính đáng, cái
quyền lựa chọn hạnh phúc cá nhân. Đó quả là một số phận bi kịch. Có ở đâu,
16
có con người nào, số phận nào lại nhỏ nhoi, vô giá trị như vậy không? Đã
từng có người phụ nữ nào nhận lời tỏ tình qua bốn bát bánh đúc như thế
chưa? Đã có người con gái nào đi lấy chống mà chịu cảnh cô đơn lẻ chiếc,
một bóng một mình trong e dè, ngượng ngại như thị chưa? Cuộc đời vẽ ra
nhiều mảnh đời trong đó có thật nhiều bức tranh không được tươi màu như
thị, có lẽ thị là một số phận bi kịch điển hình trong cái đói năm 1945 ấy cả về
phương diện vật chất lẫn tinh thần.
2.2.4 Nhân vật thị Nở trong “Chí Phèo”
Thị Nở trước khi gặp Chí Phèo, cuộc đời cô có lẽ không có gì đáng để
gọi là vui vẻ, là hạnh phúc. Con người ta được vui vẻ, hạnh phúc khi được
sống trong tình yêu - ở đây là tình yêu đôi lứa. Thế nhưng, thị chưa từng yêu
một ai và càng chưa được ai yêu.
Dân gian vẫn có câu:
Làm hoa cho người ta hái
Làm gái cho người ta trêu
Ôi! Thế mới biết ra cuộc đời tình yêu của thị Nở đau khổ, bi kịch biết

nhường nào. Một người con gái từ cổ chí kim, dù có vẻ đẹp “nghiêng nước
nghiêng thành”, “chim sa cá lượn” hay cùng lắm xấu gầy như nhân vật thị
trong “Vợ nhặt” đi nữa, thì ít nhiều vẫn được hưởng cái quyền năng của một
người phụ nữ: sinh ra trong cuộc đời để phụng sự cho một nửa thế giới còn
lại, để làm những bông hoa dù hoa đó là những loại hoa cao quí hay hoa dại
ven đường – vẫn có người để ý tới và ngắm nó theo cung cách thẩm mỹ riêng
của họ. Hạnh phúc thường nhật thị không hề được nắm trong tay. Thị như một
bông hoa vừa mới nở ra thôi nhưng đã rữa nhụy vì chẳng ai để mắt tới nó. Có
lẽ cuộc đời thị sẽ cằn cỗi, sẽ già nua, sẽ chết héo chết úa như thế nếu thị Nở
không gặp được Chí Phèo. Thế nhưng, Chí Phèo từ cái “ve vỡn” thị lúc ban
đầu, cũng chỉ do cơn say của hắn mà thôi. Nào đâu xuất phát từ tấm lòng
thương mến của một chàng trai đối với một cô gái. Khi trái tim thị Nở và Chí
Phèo dường như đã có sự xích lại gần nhau hơn cũng là lúc sợi dây mong
17
manh ấy bị một tác nhân hữu hình, vô hình – bà cô thị Nở - xã hội phong kiến
đương thời – cắt bỏ đi một cách tàn nhẫn. Hạnh phúc bình dị, đơn sơ của một
con người: được sống hết mình, cống hiến hết mình cho tình yêu bị dập tắt
một cách không thương tiếc. Hạnh phúc đời thương ấy chỉ vẻn vẹn năm ngày
chẵn, vẻn vẹn và ít ỏi so với cả cuộc đời vô nghĩa của thị. Thế đấy, con người
hi vọng, mong muốn một cuộc sống với một tình yêu dù đơn giản, nguyên sơ
như thế thôi, nhưng đổi lại chỉ là từ thất vọng mà thôi.
2.3 Bi kịch tình yêu dang dở, cô đơn.
2.3.1 Nhân vật bà cô thị Nở và nhân vật thị Nở trong “Chí Phèo”
Nhân vật bà cô Thị Nở chỉ là một nhân vật phụ. Trong truyện, Nam
Cao miêu tả nhân vật bà cô ấy không nhiều, chỉ phác thảo sơ lược vài nét. Về
lai lịch, tác giả chỉ kể ngắn gọn : “…, trừ một người cô đã có thể gọi được là
già, và đã không chồng như thị… Người cô làm thuê cho một người đàn bà
buôn chuối và trầu không xếp tàu đi Hải Phòng, có khi đi tận Hòn Gia, Cẩm
Phả”. Ngay cả cái tên nhân vật này cũng không có, chỉ được gọi theo quan hệ
họ hàng với nhân vật chính. Ở gần cuối truyện, khi Thị Nở sau năm ngày ăn ở

với Chí, đến ngày thứ sáu, sực nhớ mình còn người cô và “nghĩ bụng : hãy
dừng yêu để hỏi cô thị đã” thì nhân vật bà cô này mới hiện lên qua một ít suy
nghĩ và hai lời thoại. Tất cả chỉ có vậy.
Tuy chỉ là nhân vật rất phụ nhưng có thể nói, nhân vật bà cô này lại là
một tình tiết bất ngờ, vô cùng quan trọng làm xoay chuyển toàn bộ câu
chuyện cũng như cuộc đời nhân vật Chí Phèo. Chỉ một câu nói tàn nhẫn “Đã
nhịn được đến bằng tuổi này thì nhịn hẳn, ai lại đi lấy thằng Chí Phèo !” đã
đụng chạm đến tận cùng đến lòng tự ái của một người đàn bà đã quá ba mươi,
“ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn” và dở
hơi, ế chồng. Chính câu nói cay độc vô ấy đã đoạn tuyệt một cách đau đớn
một tình yêu vừa mới chớm, đã lạnh lùng cắt đứt sợi dây liên lạc cuối cùng
giữa Chí với loài người. Bát cháo hành “mới thơm làm sao” chưa kịp đưa Chí
từ thế giới loài quỷ quay về xã hội con người thì một câu nói cay nghiệt ấy coi
18
như là dấu chấm hết cho mọi quá trình tái sinh trong Chí, đẩy Chí xuống tận
cùng vực thẳm khổ đau và cái chết dữ dội.
Trước hết nhân vật này rất tiêu biểu cho câu thành ngữ của dân gian
“giặc bên ngô không bằng bà cô không chồng” (Còn có dị bản “giặc bên ngô
không bằng bà cô bên chồng”). Bà cô Thị Nở đã ngoài năm mươi, hơn nửa
cuộc đời mà vẫn không tìm được một tấm chồng. Trong mắt của người đàn bà
khốn khổ ấy, chuyện chồng con của “con cháu gái ba mươi tuổi mà chưa trót
đời” “sao mà đĩ thế ! Thật đốn mạt… Nhục nhã ơi là nhục nhã”. Thái độ giãy
nảy lên, những lời cay độc, “xỉa xói vào mặt con cháu gái” đã có hiệu quả
ngay lập tức. Bởi bà cô này luôn thấy tự ái, uất ức, thậm chí cả khi Chí chết đi
rồi, bà vẫn không tha cho cháu mình mà còn “chỉ vào mặt cháu mà đay
nghiến”. Rõ ràng, thái độ, lời nói của nhân vật rất tiêu biểu cho những nét
tính cách của những người phụ nữ lớn tuổi lận đận trong chuyện tình
duyên. Xét cho cùng, nó mang nỗi ẩn ức tính nữ cả về tâm lí lẫn sinh lí mà
biểu hiện rõ nhất là thái độ “không ăn được thì đạp đổ”, “trâu buộc ghét trâu
ăn”. Bà cô không chồng trong truyện, xét ở phương diện nào đó, có thể xem

là một điển hình. Tuy vậy, ở nhân vật này cũng có những điểm làm cho người
đọc xót xa, tội nghiệp, thấy đáng thương hơn là đáng ghét. Nhà văn viết :
“Cũng có lẽ tủi cho thân bà. Bà nghĩ đến cái đời dằng dặc của bà, không
có chồng. Bà thấy chua xót lắm…”. Chỉ từng ấy thôi, ta cũng hiểu hết được
nỗi đau thân phận phụ nữ không chồng trong xã hội cũ – xã hội thực dân
nửa phong kiến cũng bất công, ngang trái không thua gì xã hội trước đó.
Cả cuộc đời bà cô thị Nở phải sống chung với sự cô đơn, lạnh lẽo. Bà
không xây dựng gia đình, không có trong mình một người chồng, một người
con, người cháu đó là nỗi bất hạnh lớn nhất, bi kịch lớn nhất trong cuộc đời
của mỗi con người nói chung. Xét về mối quan hệ tình yêu, có lẽ bà là nhân
vật bi kịch nhất trong những bi kịch tình yêu của những nhân vật đã đề cập
tới.
Xuân Diệu đã từng viết:
19
Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào
Vậy mà, đằng đẵng cả một cuộc đời mình, bà cô thị Nở đã sống mà
không yêu, không nhớ, không thương một ai cả. Bà không trao tình yêu cho ai
và cũng chẳng một ai trao tình yêu cho bà. Vậy tại sao bà vẫn sống được, có
lẽ cuộc sống đối với bà cô thị đơn giản chỉ là sự tồn tại, sự có mặt mà thôi. Bà
không những rơi vào bi kịch cô đơn trong tình yêu, mà thậm chí, bi kịch cuộc
sống, bi kịch cuộc đời bà cũng đã và đang trải qua rồi. Quả thực, bà mang
trong mình một bi kịch lớn, một nỗi đau lớn, một sự mất mát lớn. Thực sự con
người ấy rất đáng thương nhiều hơn đáng trách.
Và có lẽ, đứa cháu của bà – thị Nở - cũng sẽ bước chung con đường cô
đơn với bà. Thậm chí con đường ấy con đường ấy còn nghiệt ngã hơn nếu có
một “Chí Phèo con” ra đời. Chí Phèo là con người duy nhất trên đời có thể
“xứng đôi” với thị. Nhìn vào thực tại, Chí Phèo không còn nữa, thị sẽ bước
tiếp con đường mòn của bà cô thị; bi kịch của sự vỡ mộng, bi kịch của sự khát
khao hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày, bi kịch của sự dang dở, cô đơn

cứ nối tiếp chồng chéo lên người phụ nữ nhỏ bé, tội nghiệp này. Chao ôi, ông
trời hay Nam Cao đây – thật khéo hóa tạo bất hạnh cho con người ấy.
2.3.2 Nhân vật bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” – Kim Lân
Bà cụ Tứ là người mẹ nghèo khổ thương con như muôn ngàn người mẹ
Viện Nam khác. Nhưng người mẹ ấy được đặt trong một tình cảnh hết sức éo
le. Đó là việc Tràng, con trai của bà, giữa lúc nạn đói hoành hành lại lấy vợ.
Nhưng dường như chính nghịch cảnh này càng làm nổi rõ ánh sáng tâm hồn ở
người mẹ đáng thương.
Trong tác phẩm, bà cụ Tứ chỉ xuất hiện từ giữa truyện, lúc anh Tràng
đưa vợ về, song từ đấy, dù rất ít nói, bà vẫn là người thu hút nhiều nhất tâm trí
của người đọc. Bởi trong lòng người mẹ ấy, cảm trăm mối tơ vò, chuyện nay,
chuyện xưa đan xen lẫn lộn, niềm vui, nỗi buồn, sự cay đắng tủi cực lẫn xót
thương vây lấy. Nói với con trai, con dâu nhưng lòng bà cụ Tứ thật ngổn
20
ngang. Bà đăm đăm nhìn ra sông. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Mùi đốt
đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào két lẹt. Bà lão thở
dài ra một hơi. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ
đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau,
cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?
Một thoáng thôi nhưng trong tâm trí bà cụ Tứ hình ảnh “ông lão” đã
mờ mờ xuất hiện đủ bấy nhiêu thôi, người đọc cũng có thể cảm nhận được
cái tâm của bà lúc này, bà nghĩ đến các con – một mặt là trăn trở, suy tư, lo
lắng; mặt khác lại vui mừng phấn khởi vì con trai đã lập thành gia thất. Thế
coi như một đời người mẹ đã làm tròn bổn phận của mình, đã mãn nguyện
lắm rồi. Hình ảnh người chồng quá cố xuất hiện trong tâm trí bà cụ là một chi
tiết với tôi là ấn tượng và cảm động, bà nghĩ đến chống như một niềm an ủi,
như muốn nói với chồng bà “Ông à! Cuối cùng thì tôi cũng đã làm tròn bổn
phận của một người mẹ và cũng là một người cha thay ông. Con trai chúng ta
đã có vợ rồi, nhưng thật buồn ngày vui của hai đứa lại vắng ông”. Nghĩ đến
cái ý nghĩ đó – mặc dù là chủ quan của tôi – chẳng ai là người cầm được nước

mắt, lòng đau đớn khôn nguôi cho thân phận một người mẹ, người vợ. Chắc
bà đang tủi thân lắm, trong cái cảnh đói nghèo, cái chết đang đe dọa, một
người phụ nữ tuổi đã xế chiều cần một bờ vai hơn bao giờ hết. Tác giả không
nói cụ thể chồng bà mất bao nhiêu năm rồi. Nhưng chi tiết “bà lão nghĩ lại
cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình” – thì có lẽ, ông chồng quá cố đã mất
từ lâu, và bà đã cô đơn từ lâu lắm rồi. Giờ đây, trong cái hoàn cảnh ấy, trong
những giờ phút sum họp bà đơn thân lẻ chiếc trong đau thương. Mái ấm gia
đình, tình yêu và hạnh phúc trong cuộc đời bà cụ Tứ có lẽ cũng chỉ là ngắn
ngủi mà thôi, cuộc đời bà – mất đi một nửa – bởi hạnh phúc gia đình đã trở
nên dang dở khi mà thiếu vắng bóng của người chồng.
Người ta nói, người phụ nữ bất hạnh khi không có chồng ở bên, người
phụ nữ khổ cực khi gánh vác trách nhiệm của người chồng. Bà cụ Tứ đã rơi
vào hoàn cảnh đó. Bạn đọc nếu có chiều sâu tâm hồn, nếu đã từng có một tình
21
yêu gia đình, tình yêu lứa đôi. Có lẽ sẽ thấu hiểu được bi kịch mất mất, dang
dở của bà cụ Tứ để có thể đồng tâm, đồng cảm với người phụ nữ đáng thương
ấy.
C. KẾT LUẬN
Qua những nội dung nghiên cứu nói trên, nhìn nhận lại mới thấy cảm
hứng nhân đạo, hiện thực của Nam Cao và Kim Lân rất lớn lao, sâu sắc. Hai
nhà văn không chỉ đóng góp vào kho tàng văn học dân tộc vốn xu hướng nói
chung – xu hướng tiếp cận hiện thực mà bên cạnh đó, còn thể hiện vốn xu
hướng, vốn tài năng của riêng cá nhân hai nhà văn – đó là cái tài, cái tình
của những con mắt nhìn đời, nhìn người ở tầm nhìn sâu và rộng.
Thiết nghĩ, thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luôn chuyển; con
người cũng chỉ một lần xuất hiện và một lần đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng
những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật thì còn lại với thời gian. Thực vậy, “Chí
Phèo” và “Vợ nhặt” là hai tác phẩm nghệ thuật đích thực, Nam Cao và Kim
Lân là hai người nghệ sĩ thực thụ. Họ luôn tìm tòi, luôn đào sâu những vấn
đề tưởng chùng như đã quen thuộc, nhưng sâu thẳm bên trong đó chứa đựng

những tư tưởng, những vấn đề mang hơi thở của thời đại. Cho nên, dù có qua
bao lớp bụi thời gian, thì tên tuổi hai nhà văn cùng những “đứa con tinh
thần” của mình sẽ đứng vững trên văn đàn. Giá trị của hai tác phẩm cùng tên
tuổi nhùa văn như đã biết đã được thời gian kiểm chứng.
Việc nghiên cứu vấn đề “bi kịch tình yêu của một số nhân vật nữ”
trong hai tác phẩm trên lại càng chứng minh tính thời đại, tình mới mẻ của
hai tác phẩm cùng giá trị của nó. Hai tác phẩm như mạch nguồn cho các bạn
trẻ yêu văn học vậy, càng đi sâu, càng tìm hiểu ta càng chiêm nghiệm được
những vấn đề sâu sắc mà các nhà văn muốn gửi gắm, truyền tải.
22
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Dân (2014), Phương pháp luận nghiên cứu văn học,
Nxb Khoa học Xã hội,H.
2. Phạm Viết Vượng (1997), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học,
NXB. ĐHQG Hà Nội.
3. Phương Lựu, (Chủ biên) – Trần Đình Sử - Nguyễn Xuân Nam – Lê
Ngọc Trà – La Khắc Hòa – Thành Thế Thái Bình (2006 – tái bản), Lí luận
văn học, Nxb. GD, H.
4. Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học – Xã hội – Nhân văn, H.
5. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên), Từ
điển thuật ngữ tiếng Việt, Nxb, GD, H.
6. Trần Đăng Suyền (Chủ biên), Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại
(tập 1) (từ đầu thế kỉ XX đến 1945), Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2010 (in
lần thứ ba).
7. Một số trang web:



http://google
23

×