Tải bản đầy đủ (.pdf) (126 trang)

một số đặc điểm ngôn từ trong then tày

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.57 MB, 126 trang )

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM




ĐINH THỊ LIÊN




MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGÔN TỪ
TRONG THEN TÀY


Chuyên ngành : NGÔN NGỮ HỌC
Mã ngành : 60 22 01



LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC



Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS. TẠ VĂN THÔNG







THÁI NGUYÊN - 2012


Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

i
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu nêu
trong luận văn là trung thực. Những kết luận khoa học của luận văn chưa từng được
ai công bố trong bất kì công trình nào khác.

Tác giả luận văn


Đinh Thị Liên



Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

ii
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới Thầy Tạ Văn Thông, người đã hướng dẫn tôi viết
luận văn này.
Xin chân thành cảm ơn các Thầy Cô giáo đã giảng dạy, khoa Sau đại học, Trung
tâm Học liệu Đại học Thái Nguyên, đã tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong quá trình học
tập và nghiên cứu.

Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Thầy then Hoàng Thiện Lân (pháp danh: Hoàng
Pháp Hiển) và đồng bào Tày xã Quan Sơn - Chi Lăng - Lạng Sơn đã cung cấp những
tư liệu quý có liên quan đến luận văn.
Sau cùng, tôi xin cảm ơn gia đình, người thân, đồng nghiệp và các học viên Cao
học Ngôn ngữ K18 đã động viên, giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và làm luận văn.

Thái Nguyên, ngày 10 tháng 5 năm 2012
Tác giả luận văn


Đinh Thị Liên

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

iii
MỤC LỤC

Lời cam đoan i
Lời cảm ơn ii
Mục lục iii
Danh mục các bảng v
MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2
2.1. Những nghiên cứu về dân tộc và văn nghệ dân gian Tày 2
2.2. Những nghiên cứu về tiếng Tày 3
2.3. Sưu tầm và nghiên cứu then Tày 4
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 8
3.1. Mục đích 8
3.2. Nhiệm vụ 8

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 8
4.1. Đối tượng nghiên cứu 8
4.2. Phạm vi nghiên cứu 11
5. Phương pháp nghiên cứu 11
6. Đóng góp mới của luận văn 11
6.1. Về lí luận 11
6.2. Về thực tiễn 12
7. Bố cục của luận văn 12
CHƢƠNG 1. CƠ SỞ LÍ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN 13
1.1. Cơ sở lí thuyết 13
1.1.1. Ngôn ngữ - Ngôn ngữ văn học - Ngôn từ nghệ thuật 13
1.1.2. Kết cấu, nhịp điệu, vần, thể 16
1.1.3. Trường nghĩa 19
1.1.4. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa 20
1.1.5. Các lớp từ ngữ văn hóa trong ngôn ngữ 22

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

iv
1.2. Người Tày 22
1.2.1. Vài nét về người Tày 22
1.2.2. Một số đặc điểm nổi bật trong văn hóa Tày 24
1.3. Khái quát về hát then Tày 25
1.3.1. Khái niệm then, nguồn gốc hát then 25
1.3.2. Phân loại các khúc then 27
1.3.3. Hát then - loại hình diễn xướng nghi lễ tổng hợp 29
Tiểu kết 32
CHƢƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỨC TRONG THEN TÀY 33
2.1. Kết cấu của một văn bản then 33
2.1.1. Đặc điểm chung 33

2.1.2. Các dạng kết cấu 37
2.2. Thể, vần, nhịp điệu trong then 47
2.2.1. Thể trong then 47
2.2.2. Vần 50
2.2.3. Nhịp 53
Tiểu kết 56
CHƢƠNG 3. ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA TRONG THEN TÀY 57
3.1. Lớp từ ngữ biểu thị những sự vật, hiện tượng tự nhiên 57
3.1.1. Lớp từ ngữ chỉ con vật 57
3.1.2. Lớp từ ngữ chỉ thực vật 63
3.1.3. Lớp từ chỉ các hiện tượng tự nhiên 68
3.2. Lớp từ ngữ chỉ đồ vật 72
3.3. Lớp từ ngữ chỉ lực lượng siêu nhiên 74
3.4. Lớp từ ngữ chỉ không gian 80
3.5. Lớp từ ngữ chỉ thời gian 84
Tiểu kết 88
KẾT LUẬN 89
THƢ MỤC THAM KHẢO 91
TÀI LIỆU KHẢO SÁT
PHỤ LỤC

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

v
DANH MỤC CÁC BẢNG

Bảng 2.1: Phân loại các khúc hát theo kết cấu 46
Bảng 2.2: Kết quả khảo sát các khúc then theo thể 47
Bảng 3.1: Lớp từ ngữ chỉ động vật trong then Tày 57
Bảng 3.2: Lớp từ ngữ chỉ thực vật trong then Tày 64

Bảng 3.3: Lớp từ chỉ các hiện tượng tự nhiên trong then Tày 69
Bảng 3.4: Lớp từ ngữ chỉ đồ vật trong then Tày 72
Bảng 3.5: Lớp từ ngữ chỉ lực lượng siêu nhiên trong then Tày 75
Bảng 3.6: Lớp từ ngữ chỉ không gian trong then Tày 81
Bảng 3.7: Lớp từ ngữ chỉ thời gian trong then Tày 84


Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

1
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.1. Tìm hiểu các tác phẩm văn nghệ trong đó có các tác phẩm văn nghệ dân gian
đã có được một vị trí xứng đáng trong nghiên cứu khoa học, được các nhà nghiên cứu
văn học, văn hóa, âm nhạc, ngôn ngữ học,… đặc biệt chú ý. Về phương diện ngôn ngữ
học, đó là sự nghiên cứu những quy tắc trong tổ chức ngôn từ của các tác phẩm theo
những cách riêng, tùy thuộc vào thể loại, chủ đề hoặc các tác giả khác nhau, nhằm đạt
hiệu quả cao nhất đối với việc diễn tả hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm.
Cho đến nay trong ngôn ngữ học Việt Nam, những thành tựu nghiên cứu ngôn
từ nghệ thuật trong các tác phẩm văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số không nhiều
lắm. Chính vì vậy, cái hay cái đẹp, bản chất nghệ thuật của các tác phẩm này chưa
được chỉ ra một cách đầy đủ và sâu sắc.
1.2. Người Tày có số dân lớn nhất trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
(1.626.392 người - tính đến ngày 1/4/2009), đứng thứ hai sau dân tộc Kinh. Có thể nói
văn hóa của người Tày đã góp phần đáng kể tạo nên sự đa dạng, phong phú trong vườn
hoa nhiều hương sắc của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Trong vốn văn hóa có bản
sắc rất riêng này, không thể không kể đến ngôn ngữ, một yếu tố cấu thành văn hóa,
đồng thời là phương tiện quan trọng để lưu giữ và truyền bá các hình thái văn hóa
tinh thần quan trọng nhất của dân tộc Tày. Đặc biệt, tiếng Tày đã được dùng để lưu
giữ và truyền lại những tác phẩm văn học dân gian như cổ tích, thần thoại, dân ca,…

trong đó có một tài sản âm nhạc vô giá của dân tộc này: hát then, một loại hình diễn
xướng văn nghệ dân gian chủ yếu dùng trong sinh hoạt cộng đồng, cúng lễ. Thông
qua ngôn từ trong hát then, người Tày đã tích hợp những giá trị văn hóa truyền thống
do ông cha truyền lại, đồng thời thể hiện ước mơ về cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh
phúc. Nghiên cứu ngôn từ trong hát then Tày trước hết là để hiểu rõ hơn về những giá
trị trong hát then nói riêng và văn hóa Tày nói chung, qua đó hiểu biết thêm về vẻ đẹp
của tiếng Tày, góp phần tôn vinh vốn văn hóa vô giá trong đó có ngôn ngữ của dân
tộc này.
Trong những nghiên cứu về văn hóa Tày, chưa có công trình nghiên cứu chuyên
biệt về ngôn từ nghệ thuật của hát then. Vì thế, có thể nói rằng bước đầu nghiên cứu

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

2
đặc điểm ngôn từ (tìm hiểu cách tổ chức ngôn từ) trong hát then của người Tày có ý
nghĩa góp phần tìm hiểu sâu sắc hơn hình thức văn hóa độc đáo này dưới góc nhìn
ngôn ngữ học.
1.3. Bản thân tác giả luận văn là người con của dân tộc Tày, sinh ra lớn lên ở
làng Hăng - xã Quan Sơn - huyện Chi Lăng - tỉnh Lạng Sơn, được sớm tiếp xúc với
văn hóa Tày. Đặc biệt, từ những ngày còn thơ, thường được bà nội dắt theo mỗi khi
có hát then trong bản, tác giả luận văn đã vô cùng thích thú và ấn tượng với hình thức
văn nghệ vừa dân dã vừa huyền bí này. Với mong muốn thể hiện tình yêu với dân tộc
và tiếng mẹ đẻ, tác giả luận văn có ý nguyện tìm hiểu đặc điểm ngôn từ hát then Tày.
Hi vọng rằng những kết quả nghiên cứu bước đầu về ngôn ngữ trong hát then Tày này
sẽ là cơ sở cho chính tác giả và những ai có ý định tìm hiểu sâu sắc hơn về tài sản văn
hóa vô giá - hát then của người Tày. Ngoài ra, tác giả cũng hi vọng sẽ góp phần giúp
cho học sinh và giáo viên là người dân tộc Tày và thuộc những dân tộc khác ở những
vùng người Tày sinh sống có cơ sở hiểu rõ hơn về ngôn ngữ dân tộc Tày, đặc biệt là
có cái nhìn đúng về then, từ đó có thể thưởng thức, học tập, và sáng tạo thêm các áng
văn nghệ mang bản sắc riêng cho người Tày, bằng tiếng Tày.

Đó chính là những lí do khiến đề tài: “Một số đặc điểm ngôn từ trong then Tày”
được chọn làm hướng nghiên cứu trong luận văn này.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
2.1. Những nghiên cứu về dân tộc và văn nghệ dân gian Tày
Ở nước ta, việc nghiên cứu về người Tày và văn nghệ dân gian Tày đã được
nhiều nhà khoa học quan tâm.
Nguồn gốc, các đặc điểm văn hoá của dân tộc Tày đã thu hút được sự quan tâm
của nhiều nhà dân tộc học. Có thể kể đến một số công trình đã được hoàn thành có
liên quan đến dân tộc Tày như sau:
- Giang Ứng Lương (1957), Bàn về nguồn gốc dân tộc Thái và sự hình thành
các chi nhánh của dân tộc Tày, Vân Nam nhật báo.
- Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn (1968), Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc
Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H.
- Viện Dân tộc học (1978), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc),
Nxb Khoa học xã hội, H.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

3
- Lã Văn Lô, Hà Văn Thư (1984), Văn hóa Tày - Nùng, Nxb Văn hóa, H.
- Đỗ Thúy Bình (1994), Hôn nhân và gia đình của các dân tộc Tày, Thái ở Việt
Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.
- Nguyễn Chí Huyên (2000), Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía
Bắc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, H.
- Hoàng Tuấn Nam, Bế Thanh Tuyền (2001), Việc dựng vợ gả chồng của người
Tày Cao Bằng, Trung tâm văn hóa thông tin Tỉnh Cao Bằng.

Văn nghệ dân gian Tày cũng là một lĩnh vực hấp dẫn đã và đang thu hút được sự
quan tâm của các nhà nghiên cứu. Có thể kể đến các tác phẩm:
- Nông Minh Châu, Vi Quốc Bảo(1963), Dân ca đám cưới Tày - Nùng, Nxb Văn

hóa dân tộc, H.
- Triều Ân (1994), Ca dao Tày - Nùng, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.
- Triều Ân (1994), Truyện thơ Nôm Tày, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.
- Hoàng Ngọc La (chủ biên) (2000), Văn hóa dân gian Tày, Sở văn hóa Thông
tin Thái Nguyên, TN.
- Triều Ân, Hoàng Quyết (1996), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Tày, NXB Văn hóa dân
tộc, H.
- Triều Ân, Hoàng Quyết (1996), Từ điển văn hóa cổ truyền dân tộc Tày, Nxb
Văn hóa dân tộc, H.
…….
Các công trình trên cho thấy các nhà nghiên cứu đã rất quan tâm đến lịch sử phát
triển của dân tộc Tày cùng với vốn văn hóa tinh thần phong phú của họ. Các tác phẩm
như vậy đã góp phần quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa quý
ở một tộc người, để cho người đời nay và mai sau được biết và trân trọng.
2.2. Những nghiên cứu về tiếng Tày
Là tiếng mẹ đẻ của một dân tộc có số dân đứng thứ hai trong 54 dân tộc ở Việt
Nam, có vai trò quan trọng ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, tiếng Tày đã thu hút được
sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt của các trí thức Tày. Có thể kể đến
một số công trình về tiếng Tày đã được hoàn thành như sau:
- Nguyễn Hàm Dương (1970), Chức năng xã hội của tiếng Tày - Nùng, Ngôn
ngữ, số 1.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

4
- Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (1971), Ngữ pháp tiếng Tày - Nùng,
Nxb Khoa học xã hội, H.
- Nguyễn Minh Thuyết, Lương Bèn, Nguyễn Văn Chiến (1971), Góp ý về việc
cải tiến chữ Tày - Nùng, Ngôn ngữ, số 2, H.
- Đoàn Thiện Thuật (1972), Hệ thống ngữ âm tiếng Tày - Nùng, Tìm hiều ngôn

ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam - T1, Viện Ngôn ngữ học, H.
- Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo (1984), Từ điển Tày - Nùng - Việt, Nxb Khoa học xã
hội, H.
- Cung Văn Lược (1992), Chữ Nôm Tày qua so sánh với chữ Hán và chữ Việt Nôm,
Luận án PTS Khoa học ngữ văn, H.
- Lương Bèn (1993), Tình hình phát triển của chữ Tày - Nùng, Những vấn đề
chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.
- Hoàng Văn Ma (1993), Vấn đề tiếng và chữ Tày - Nùng, Những vấn đề chính
sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.
- Nguyễn Thị Lương (1994), Tiếng Tày ở Na Hang, Khóa luận tốt nghiệp Đại
học Tổng hợp Hà Nội, H.
- Hoàng Văn Ma, Mông Ký Slay, Hoàng Văn Sán (2000), Sách học tiếng Tày -
Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, H.
- Hoàng Văn Ma (2002), Loại từ trong tiếng Tày - Nùng, Ngôn ngữ dân tộc
thiểu số Việt Nam - Một số vấn đề về quan hệ cội nguồn và loại hình học, Nxb Khoa
học xã hội, H.
- Lương Bèn (chủ biên) (2007), Slon phuối Tày (dùng cho cán bộ công tác tại
vùng dân tộc), TN.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đã đề cập đến nhiều khía cạnh cụ thể
của tiếng Tày: nguồn gốc lịch sử, vị trí của tiếng Tày - Nùng, hệ thống chữ viết, các
quy tắc chính tả và ngữ pháp Tày - Nùng; vấn đề ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, tình hình
sử dụng ngôn ngữ… Sách giáo khoa dạy - học tiếng Tày cũng đã được biên soạn.
2.3. Sƣu tầm và nghiên cứu then Tày
Then, một thành tố quan trọng trong văn hóa dân gian của người Tày. Nó được
xem như một thể loại văn nghệ dân gian, và cũng có thể được sử dụng như một loại
hình tín ngưỡng dân gian.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên


5
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay và nhất là sau hòa bình lập lại
ở miền Bắc (1954), then của dân tộc Tày và Nùng được nhiều nhà khoa học, hoạt
động chính trị, xã hội quan tâm nghiên cứu. Hơn nửa thế kỉ qua, những công trình
nghiên cứu về then có thể chia thành hai xu hướng: thứ nhất, nghiên cứu then để khai
thác các giá trị nghệ thuật dân gian; và thứ hai, nghiên cứu then nhằm khai thác khía
cạnh tín ngưỡng dân gian. Sau đây xin được nói kĩ hơn về hai xu hướng này:
1) Nghiên cứu then khai thác các giá trị nghệ thuật dân gian được khởi đầu
những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Xu hướng này, có một số công trình đã được
công bố như:
- Trong Lời hát then (1972), Dương Kim Bội đã khẳng định: "Then là một hình
thức văn học - nghệ thuật dân gian được đông đảo quần chúng của hai dân tộc
Tày, Nùng yêu thích, trân trọng và giữ gìn Then từ lâu đã gắn bó với tâm tư, tình
cảm của bất kỳ người Tày, Nùng nào: từ cụ già đến em nhỏ, từ thanh niên đến gái
đến trai, từ những người lao động sản xuất ở địa phương đến những người thoát ly
cơ sở đi công tác các nơi Nói chung trong khu tự trị Việt Bắc, nơi nào có người
Tày, Nùng cư trú thì ở nơi đó có Then" [11; tr 65]. Ông cho biết then còn là loại hình
văn học - nghệ thuật tổng hợp, vì diễn xướng then gồm có đàn, hát, múa và trang trí.
Trong công trình này còn khai thác mặt văn nghệ, làn điệu âm nhạc và động tác múa
trong then nên đã được các đoàn nghệ thuật dàn dựng biểu diễn trên sân khấu, đưa lên
sóng phát thanh và truyền hình.
Tiếp theo công trình trên, là một loại các tác phẩm về văn bản văn học then đã
được xuất bản:
- Dương Kim Bội, Những yếu tố dân ca, ca dao trong lời Then (Tày, Nùng)
(Tạp chí Dân tộc học, số 2/1978, tr.14-21).
- Vi Hồng (1993), Khảm hải, Nxb Văn Hóa Dân tộc, H.
- Hoàng Tuấn Cư, Vi Quốc Đình, Nông Văn Tư, Hoàng Hạc (1994), Then bách
điểu, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.
- Lục Văn Pảo (1996), Bộ then tứ bách, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.
- Triều Ân, Hoàng Hưng, Dương Nhật Thanh, Nông Đức Thịnh (2000), Then

Tày, những khúc hát, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

6
- Phạm Thị Điền (2000), Múa dân gian Bắc Bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, H.
- Nông Thị Nhình (2000), Âm nhạc dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Dao Lạng
Sơn, Nxb Văn hóa dân tộc, H.

Tóm lại, những công trình nghiên cứu theo xu hướng này đã khẳng định then là
một loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm: lời hát, âm nhạc múa và trang trí then.
Nghiên cứu then theo hướng này giúp chúng ta hiểu sâu hơn về nghệ thuật then, đồng
thời cũng giúp lí giải được vị trí của then trong đời sống tâm linh của các dân tộc Tày
và Nùng.
2) Xu hướng khai thác then như một biểu hiện của tín ngưỡng dân gian cũng
được bắt đầu từ những năm 70 của thế kỉ trước, song đa số những bài viết theo xu
hướng này có phần muộn hơn. Sự bắt đầu của xu hướng nghiên cứu này gắn liền với
cái nhìn cởi mở, coi tín ngưỡng là nhu cầu cuộc sống tinh thần của bộ phận quần
chúng nhân dân. Đó là những công trình:
- Nguyễn Thị Hiền, Người diễn xướng then: nghệ thuật hát dân ca và thay
shaman, Tạp chí Văn học số 5/2000, tr.74-83.
- Đoàn Thị Tuyến (1999), Đạo then trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng
Lạng Sơn, Khóa luận tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.
- Hà Đình Thành, Then của người Tày, Nùng với tín ngưỡng tôn giáo dân gian,
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 5/2000, tr.35-39.
- Hà Đình Thành, Tình hình sưu tầm, nghiên cứu tín ngưỡng then, mo, tào, pụt của
người Tày, người Nùng ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3/2004, tr 36-44.
- Nguyễn Thị Yên, Khảo sát đối tượng thờ cúng trong then, Thông báo Văn hóa
Dân gian, 2001, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.1013-1030.
- Nguyễn Thị Yên (2003), Lễ hội Nàng Hai của người Tày Cao Bằng, Nxb Văn

hóa Thông tin.
- Nguyễn Thị Yên, Saman giáo trong then của Người Tày, Tạp chí Nguồn sáng,
số 1/2004, tr.3-14.

Những bài viết theo hướng này đã cho một bức tranh rõ nét về khía cạnh tín
ngưỡng của then khi hành nghề kiểu saman giáo. Các công trình nghiên cứu này đã

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

7
góp phần nhận thức đúng về bản chất của then: Then là một loại hình văn nghệ dân
gian, đồng thời cũng là một biểu hiện của tín ngưỡng dân gian. Văn nghệ được sử
dụng trong tín ngưỡng và tín ngưỡng lại sử dụng văn nghệ làm phương tiện. Cuộc
sống tâm linh hòa quyện với nhau trong buổi then… Đó là điểm độc đáo nhất của
then nhìn từ góc độ văn hóa.
Nhìn chung, các công trình đã thành công đáng kể trong sưu tầm, giới thiệu then
Tày. Sự nghiên cứu đã tập trung vào những khía cạnh văn hóa của then Tày như: mối
quan hệ giữa tào, mo, pụt, đặc điểm làm nghề của thầy then, vấn đề tôn giáo tín
ngưỡng, cách diễn xướng trong then, sự phức hợp của ca - múa - nhạc - mĩ thuật
trong then
Điểm lại quá trình nghiên cứu, sưu tầm then Tày từ những năm 70 của thế kỉ
trước về đây, có thể nhận thấy một số điểm đáng chú ý:
Một là: Then Tày với tư cách là một yếu tố cấu thành nền văn hóa dân gian Tày,
là một loại hình diễn xướng tín ngưỡng ăn sâu vào tâm hồn người Tày nhiều thế hệ,
đồng thời cũng là một loại hình trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Tày. Đã
từ lâu, then Tày trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, vì
vậy có rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã được công bố. Đây là sự tôn vinh
tài sản văn hóa tinh thần vô giá của một cộng đồng dân tộc thiểu số, có ý nghĩa lớn
lao về mặt xã hội và hữu ích cho việc nghiên cứu tiếp theo về then Tày.
Hai là: Những công trình nghiên cứu trên đây phần lớn tập trung sưu tầm, giới

thiệu những khúc hát then, trong đó đã có những công trình nghiên cứu về nguồn gốc
của then ở góc độ lịch sử đã khẳng định được những giá trị cũng như hạn chế của
then trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, có một thực tế là hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu then
Tày chuyên biệt về một phương diện, đó là: ngôn ngữ trong then.
Thiết nghĩ, một đề tài về ngôn ngữ trong then như thế có thể sẽ góp phần san
lấp khoảng trống nói trên, không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ
của dân tộc thiểu số mà còn có ý nghĩa thiết thực cho việc giới thiệu và góp phần
bảo tồn, giữ gìn và phát triển kho tàng văn nghệ vô giá này.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

8
3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
3.1. Mục đích
Với đề tài Một số đặc điểm ngôn từ trong then Tày, có mục đích nghiên cứu cụ
thể là: miêu tả các quy tắc tổ chức ngôn ngữ (các đặc điểm về cấu trúc và ngữ nghĩa
của ngôn từ nghệ thuật) trong hát then, đồng thời chỉ ra được một số nét văn hóa Tày
được phản ánh qua lời then.
3.2. Nhiệm vụ
Vì đối tượng nghiên cứu là then Tày, nên luận văn sẽ:
- Tìm hiểu cơ sở lí luận về văn nghệ, văn hóa và ngôn ngữ học có liên quan đến
đề tài.
- Thu thập những tài liệu về hát then đã xuất bản.
- Đi điền dã, thu thập bổ sung và làm rõ thêm về ngôn từ trong các văn bản then Tày.
- Khái quát và miêu tả một số đặc điểm chính của ngôn từ trong then Tày.
- Chỉ ra được một số nét văn hóa nổi bật của người Tày được phản ánh qua lời then.
4. ĐỐI TƢỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
4.1. Đối tƣợng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là đặc điểm ngôn từ trong tác phẩm

Then Tày những khúc hát của tác giả Triều Ân, Nxb Văn hóa dân tộc xuất bản năm
2000 tại Hà Nội. Cuốn sách này là kết quả nhiều năm sưu tầm, lựu chọn những khúc
then Tày đặc sắc nhất của một tác giả là người Tày. Công trình dày 659 trang, gồm
7770 câu - con số nói lên quá trình lao động không mệt mỏi của một người cả đời đã
dành trọn niềm đam mê cho văn hóa Tày nói chung, then Tày nói riêng. Dưới đây xin
giới thiệu vài nét về tác giả và những công trình, những tác phẩm tiêu biểu của ông:
Hoàng Triều Ân sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất biên cương giàu truyền thống văn
hóa và cách mạng tỉnh Cao Bằng, trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nhiều
đời có những người đỗ đạt cao. Ông là một trí thức, một nhà giáo, một nhà nghiên cứu,
một nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng nói riêng và của người Tày nói chung.
Sinh năm 1931 tại làng Lam Sơn xã Hồng Việt huyện Hòa An, ngay từ nhỏ ông
đã học chữ Nho tại nhà. Sau đó theo học 6 năm tại trường Pháp - Việt. Từ năm 1953 -
1956 theo học ngành sư phạm tại trường Dục Tài, khu học xá Trung ương Nam Ninh

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

9
(Trung Quốc). Năm 1963 ông tốt nghiệp khoa Văn - trường Đại học sư phạm Hà Nội
đồng thời được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Thông qua con đường tự học, sau
này vốn trí thức của ông ngày càng nhiều thêm lên. Giờ ông đã ở độ tuổi xưa nay
hiếm, nhưng sự ham học hỏi vẫn không có gì thay đổi.
Trong lĩnh vực sáng tác thơ, ông thành công với những tập thơ như: Nắng ngàn;
Hoa và nắng; Bốn mùa hoa Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX ông đã đoạt
nhiều giải thưởng thơ. Riêng năm 1961 khi mới 30 tuổi Triều Ân đã đoạt 3 giải
thưởng thơ với những tác phẩm: Quê ta anh biết chăng? (Giải nhì - Tạp chí Văn
nghệ); Suối cát (Giải nhì - Báo Người giáo viên nhân dân); Nàng tiên lục (Giải nhì -
Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc).
Tác phẩm: Bên bờ suối tiên (Giải nhì - Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc) là giải
thưởng về văn xuôi ông đoạt được. Một số cuốn tiểu thuyết tiêu biểu như: Nắng
vàng bản Dao (1992); Nơi ấy biên thùy (1994) của Triều Ân đã hòa vào dòng

chảy văn học hiện đại của nước nhà. Nhà văn Triều Ân đã xuất bản 5 tập truyện
ngắn và 3 cuốn tiểu thuyết. Một đời văn, một đời người làm được như vậy là đã
nhiều. Nhưng giờ sự sáng tạo của ông vẫn sung sức như ngày nào, bút lực vẫn dồi
dào dù tuổi 80 đang đến gần.
Lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu của Hoàng Triều Ân để lại nhiều dấu ấn trong sự
nghiệp của đời ông, đó là những đóng góp đáng kể cho dân tộc và cho xã hội. Ông là
hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã được tín nhiệm bầu vào Trung
ương Hội hai khóa. Nhiều tác phẩm, nhiều đề tài nhiều công trình của ông về lĩnh vực
này mang nhiều ý nghĩa đối với văn hóa truyền thống các dân tộc Cao Bằng nói riêng
và với cộng đồng dân tộc Tày nói chung. Những tác phẩm điển hình như: Ca dao
Tày, Nùng; Tục cưới xin của người Tày; Chữ Nôm Tày và truyện thơ đã nói lên
điều đó.
Hoàng Triều Ân có nhiều công trình nhiều đề tài nghiên cứu về văn nghệ dân
gian như: Truyện cổ dân tộc Mông; Then Tày những khúc hát; Ba áng thơ Nôm
Tày và thể loại và ông đã đoạt hàng chục giải thưởng. Phạm vi nghiên cứu của ông
khá rộng từ văn học, văn nghệ dân gian đến ngôn ngữ học. Trong số này nổi lên
những công trình như: Tục cưới xin người Tày; Hoàng Đức Hậu một đời thơ; Từ
điển chữ Nôm Tày

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

10
Sự nghiệp và cuộc đời của nhà văn Hoàng Triều Ân được giới văn nghệ sĩ trân
trọng, được xã hội ghi nhận. Những cống hiến của ông được đánh giá cao. Cho đến
thời điểm này Hoàng Triều Ân đã đoạt được 25 giải thưởng về văn học nghệ thuật.
Nhưng hơn tất cả là ông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc
lập hạng Ba.
Cuốn sách Then Tày những khúc hát, gồm 3 phần chính:
- Phần 1: Then và những khúc hát. Trong phần này, tác giả giới thiệu về nội
dung tập sách, trình bày khái quát về then và nội dung cụ thể của 31 khúc hát.

- Phần 2: Những khúc hát (tuyển dịch). Trong phần này, tác giả đã lựa chọn
những khúc hát, những đoạn hát đặc sắc nhất để dịch sang tiếng Việt.
- Phần 3: Những khúc hát Then Dàng. Đây chính là phần thể hiện sự kiếm tìm,
sưu tầm rất công phu của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tày, gồm 31 khúc hát
(nguyên văn Tày và ghi bằng chữ Tày - phiên âm từ bản Nôm Tày).
Đầu tiên là 10 khúc then kì yên cầu chúc (với tên các khúc hát như sau: Roọng
hương; Vọng cảnh; Phóng lệ; Lập binh; Cống sứ; Cái kiều cầu tự; Tạ tông đường; Giải
tạ phá thương phá khắc; Giải khắc; Tiến hoa thánh mẫu). Trong cuộc sống thường nhật,
người làm ruộng luôn lo âu trước các nạn thủy, hỏa, đạo, tạc, bệnh ôn dịch, nạn tham
quan ô lại quấy nhiễu, phu phen, bệnh tật,… vì vậy họ không cầu mong gì hơn là được
bình yên. Hằng năm, khi ăn tết xong, từ khoảng mùng mười tháng giêng trở đi người Tày
chọn ngày làm lễ giải hạn. Đó chính là nội dung của lễ then kì yên.
Tiếp đó là 21 khúc hát thuộc Lễ hội then Dàng (hay còn gọi Lễ hội “Lẩu Pụt”),
(với tên các khúc hát như sau: Quang bán; Cái cấu hào quang; Lập phủ Thành Lâm;
Lọc vía hào quang; Soạn lẹ khảu cung Ngọc Hoàng; Sắc cấp; Toỏng khánh khảo
gường; Thủm mủ hẩu gường sở; Dinh Thành Thế; Pắt ngoảng; Vặt Giả Gỉn; Piốc Pú
Cấy; Khảm hải; Mường bân; Tổng tiên; Tẳng phya Xu Mi; Hò Vỉnh; Báo sao kẻn
chụ; Đối thoại then hài; Khao noọng khao nàng; Rườn Then Dàng). “Lẩu Pụt” là lễ
hội lớn nhất của những người làm then. Nó bao gồm hai phần lễ và hội. Lễ chủ yếu do
một cá nhân then, người làm nghề cúng bái, hát xướng đứng ra tổ chức được một tập
thể Dàng (then) hỗ trợ, được quần chúng trong vùng chứng kiến và ủng hộ. Cái đích
của lễ hội là cá nhân then đứng ra tổ chức lễ hội ấy được Ngọc Hoàng cấp cho tờ sắc
công nhận từ nay được xứng đáng làm then hoặc từ hôm ấy được cấp sắc đạt thêm một
bậc then cao hơn…

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

11
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu về then Tày có thể từ nhiều góc nhìn khác nhau (văn hóa, văn học,

âm nhạc, triết học, tôn giáo, dân tộc học…). Trong luận văn này, chúng tôi sẽ chỉ xem
xét then dưới góc độ ngôn ngữ học, tức là chỉ về hình thức của tác phẩm, là ngôn từ
của then (và không xem xét các mặt khác).
Xét về mặt ngôn ngữ học, có thể xem xét then ở nhiều khía cạnh khác nhau (ngữ
âm, từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp, phong cách, các đặc điểm ngữ dụng học…). Ở
đây, sẽ chỉ được xem xét là: cấu trúc các khúc hát (xét từ khúc hát tới thành phần cấu
thành nó: đoạn, câu, từ ngữ,…) với cách thức liên kết văn bản then; các lớp từ ngữ,
các từ ngữ xét theo trường từ vựng - ngữ nghĩa trong các khúc hát và một số nét văn
hóa của cộng đồng được bao hàm trong lời then.
5. PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Phƣơng pháp ngôn ngữ học điền dã:
Trong việc thu thập tư liệu và tìm hiểu (hình thức, nội dung) những khúc then
Tày của tác phẩm, tác giả phải nghe, hỏi, ghi trực tiếp ở vùng đồng bào Tày.
- Phƣơng pháp thống kê phân loại:
Căn cứ vào ngữ liệu những khúc hát then Tày thu thập được trong các văn bản
cụ thể, luận văn sẽ tiến hành thống kê những đơn vị từ vựng và ngữ pháp, phân loại
chúng phục vụ cho mục đích nghiên cứu trong luận văn.
- Phƣơng pháp miêu tả:
Trên cơ sở thống kê phân loại, luận văn tiến hành phân tích, tổng hợp, chỉ ra các
đặc điểm ngôn từ trong lời then.
Ngoài ra, tác giả luận văn sẽ tham khảo các đặc điểm văn hóa, đặc biệt là phong
tục tập quán, quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan của người Tày, khi giải
thích các nét văn hóa của người Tày được phản ánh qua lời then.
6. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN
6.1. Về lí luận
Luận văn bổ sung cách nhìn nhận trong nghiên cứu văn bản nghệ thuật ở bình
diện hình thức và ngữ nghĩa. Đặc biệt, luận văn có thể cung cấp những tư liệu cho
việc khái quát hóa những đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật trong vốn văn nghệ dân
gian của các dân tộc nói chung và người Tày nói riêng xét từ phương diện ngôn ngữ


Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

12
học: thể loại, cách gieo vần, các đặc điểm cấu tạo từ, sự chuyển nghĩa theo những
hướng khác nhau, biểu tượng,…
6.2. Về thực tiễn
Luận văn góp phần thúc đẩy việc sưu tầm và tìm hiểu hát then của người Tày trong
kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Bên cạnh đó luận văn còn là tư liệu tham khảo cho những người có nhu cầu tìm
hiểu về hát then và văn hóa Tày cũng như về tiếng Tày.
7. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục gồm (Phụ lục 1:
Hình ảnh thiên nhiên và xã hội ở vùng người Tày; Phụ lục 2: Hình ảnh đồng bào Tày
trong hát then; Phụ lục 3: Một số trang sách ghi lời then Tày), luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí thuyết và thực tiễn
Chương 2: Đặc điểm hình thức trong then Tày
Chương 3: Đặc điểm ngữ nghĩa trong then Tày


Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

13
CHƢƠNG 1
CƠ SỞ LÍ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN
1.1. CƠ SỞ LÍ THUYẾT
1.1.1. Ngôn ngữ - Ngôn ngữ văn học - Ngôn từ nghệ thuật
1.1.1.1. Ngôn ngữ
Nếu như giai điệu, tiết tấu là ngôn ngữ của âm nhạc; màu sắc, đường nét là ngôn
ngữ của hội họa; mảng khối là ngôn ngữ của kiến trúc, thì ngôn ngữ là chất liệu của
những tác phẩm văn học, đúng như Macxim Gorki đã nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ

nhất của văn học”. Tuy nhiên, tùy vào đặc trưng thể loại, ngôn ngữ trong những tác
phẩm văn học có những đặc điểm riêng.
Ngôn ngữ là một thực thể cực kì phức tạp, có thể được định nghĩa theo các quan
điểm khác nhau tùy thuộc vào chỗ người ta lấy mặt nào hoặc những mặt nào của nó
để xem xét. Có rất nhiều các định nghĩa khác nhau dựa vào các mặt khác nhau về
ngôn ngữ. Theo cách hiểu chung nhất, thì ngôn ngữ là “hệ thống những âm, những từ
và những quy tắc kết hợp chúng, làm phương tiện để giao tiếp chung trong một cộng
đồng”[ 50; tr.852].
Trong tất cả những định nghĩa về ngôn ngữ, có một định nghĩa phản ánh được
chức năng của nó: “Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con
người” (V.I.Lênin).
Sau đây xin được lựa chọn một định nghĩa về ngôn ngữ sau đây, và lấy đó làm
căn cứ cho luận văn này: “Ngôn ngữ là hệ thống những âm thanh, những từ và những
quy tắc kết hợp chúng mà người trong cùng một cộng đồng dùng làm phương tiện để
giao tiếp với nhau” [50; tr.683].
Trong luận văn này, ngôn ngữ cũng được hiểu là ở dạng thành lời hay dạng viết.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, loài người nói chung và mỗi dân tộc trong đại gia
đình các dân tộc ở Việt Nam nói riêng đều phải dùng ngôn ngữ để trao đổi với nhau.
Nên khi nói về ngôn ngữ và tình hình sử dụng nó ở một cộng đồng dân tộc thiểu số
như người Tày, không thể không nhắc tới tiếng nói mà họ sử dụng để giao tiếp hàng
ngày với nhau. Ở người Tày, phương tiện dùng để giao tiếp với các dân tộc anh em là

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

14
tiếng Việt, còn trong nội bộ dân tộc, họ dùng tiếng mẹ đẻ. Đây là ngôn ngữ mà con
người học được trong những năm đầu đời, thường là công cụ giao tiếp và tư duy quan
trọng nhất của mỗi người (đối với người Tày đó chính là tiếng Tày (“tiểng Tày”)).
Trong sự tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, ngôn ngữ có vai trò hết sức quan
trọng để thúc đẩy nền văn hóa dân tộc phát triển, giữ gìn các yếu tố văn hóa nội sinh.

Đồng thời, nó có vai trò phản ánh và là phương tiện tiếp thu những yếu tố mới trong
quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc anh em và các quốc gia trên thế giới. Nhờ
có tiếng Tày mà rất nhiều nét bản sắc của văn hóa Tày được bảo tồn tương đối
nguyên vẹn cho đến ngày nay.
1.1.1.2. Ngôn ngữ văn học
Hiện nay “ngôn ngữ văn học” được hiểu theo những cách sau:
Theo cách hiểu thông thường, ngôn ngữ văn học là “ngôn ngữ mang tính nghệ
thuật được dùng trong văn học” [23; tr.215]; hoặc được hiểu là “hình thức ngôn ngữ
toàn dân tộc, có hệ thống chuẩn thống nhất, được sử dụng trong mọi lĩnh vực đời
sống văn hóa, chính trị, xã hội” [50; tr.852].
Trong nghiên cứu văn học, thuật ngữ này còn có nghĩa rộng hơn: “Chỉ một cách
bao quát các hiện tượng ngôn ngữ được dùng một cách chuẩn mực trong các văn bản
nhà nước, trên báo chí, đài phát thanh, trong văn học và khoa học” [23; tr.215].
Trong tác phẩm, ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính
sáng tạo, tài năng của các nhà văn. Tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính
tạo hình và biểu cảm là những thuộc tính của ngôn ngữ văn học. Vì vậy, tính hình
tượng, tính thẩm mĩ là thuộc tính bản chất, xuyên thấm vào mọi thuộc tính riêng
khác, quy định những thuộc tính ấy. Những thuộc tính chung này biểu hiện qua các
thể loại văn học với những sắc thái khác nhau: Ngôn ngữ của những tác phẩm trữ tình
được tổ chức hết sức cô đọng, hàm súc và gợi cảm; Ngôn ngữ tác phẩm kịch chủ yếu
là lời của các nhân vật được cấu trúc qua hệ thống đối thoại và gần gũi với lời ăn
tiếng nói hàng ngày; Ngôn ngữ của tác phẩm tự sự cũng giống ngôn ngữ các tác
phẩm kịch, là ngôn ngữ đa dạng, ngôn ngữ của nhiều tính cách nhân vật.
Trong nghiên cứu văn học, những cách hiểu về ngôn ngữ văn học không hoàn
toàn đồng nhất, nhưng đa số các nhà nghiên cứu cho rằng đó là chính ngôn ngữ trong
đời sống sinh hoạt cộng đồng. Ngôn ngữ ấy, khi được dùng để sáng tạo văn học thì

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

15

thường khẳng định được những ưu điểm (chẳng hạn như “tính chuẩn mực”về ngữ âm,
chính tả, từ vựng, ngữ pháp) và có khả năng sử dụng rộng rãi trong đời sống một
cộng đồng.
Tuy nhiên trong thực tế, một ngôn ngữ được sử dụng trong sáng tác văn học
chưa hẳn đã có những ưu điểm và được sử dụng trong mọi mặt của đời sống xã hội,
ví dụ trong cộng đồng người Tày ở Việt Nam. Ở người Tày, tiếng Tày được sử dụng
trong đời sống sinh hoạt và phần nào đã được sử dụng trong văn nghệ dân gian (hát
then, ca dao, tục ngữ, truyện cổ, truyện thơ Nôm,…). Tuy nhiên, hình thức “ngôn ngữ
văn học” này chưa được coi là “chuẩn mực” và cũng chưa phát huy được hết những
“sở trường” của nó. Văn nghệ dân gian Tày được ghi bằng chữ Nôm Tày - đây là loại
chữ không phải ai cũng biết. Hoặc nó được ghi bằng chữ Tày hệ Latin - phản ánh
được đặc điểm ngữ âm của một khu vực nhưng không ghi được hết các đặc điểm ngữ
âm các địa phương, cho nên không phải ai cũng đọc được và chấp nhận nó. Như vậy,
trong điều kiện hiện nay, ngôn ngữ văn học của người Tày cần hiểu là hình thức ngôn
ngữ được sử dụng trong sáng tác văn học của người Tày nói chung.
1.1.1.3. Ngôn từ nghệ thuật
Ngôn từ nghệ thuật là một dạng trong ngôn ngữ văn học. Theo các nhà nghiên
cứu, đó là “khái niệm chỉ loại hình ngôn ngữ dùng để biểu đạt nội dung hình tượng của
tác phẩm ngôn từ”(sáng tác lời truyền miệng và văn học viết) [25; tr 1090]. Xét về mặt
chất liệu, ngôn từ nghệ thuật bao gồm tất cả các yếu tố ngôn ngữ được sử dụng để đạt
tới mức nghệ thuật, đó là các hình thức ngôn ngữ bóng bảy thường được các tác giả
đưa vào trong sáng tác văn học nghệ thuật, đó là ví von, so sánh, ẩn dụ, ngoa dụ, nhân
hóa,… Và đồng thời ngôn từ nghệ thuật còn bao gồm cả yếu tố như phương thức tổ
chức, cách gieo vần, ngắt nhịp, sử dụng thể thơ, tạo dựng kết cấu văn bản.
Như vậy, ngôn từ nghệ thuật là sự thể hiện của ngôn ngữ chung một cách khéo
léo và năng động, nhằm phản ánh đầy đủ, sinh động và gợi cảm mọi hình tượng, đồng
thời truyền đạt được tư tưởng, tình cảm của người viết và người nói.
Trong sáng tác văn nghệ nói chung, hát then nói riêng, ngôn từ là chất liệu để xây
dựng hình tượng. Chắc hẳn cùng với việc sáng tạo theo các khuôn mẫu của hình thức
diễn xướng dân gian nói chung, các tác giả dân gian Tày đã có những sáng tạo riêng


Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

16
trong sử dụng ngôn từ để xây dựng hình tượng nghệ thuật, làm cho hát then có sức sống
bền lâu và hấp dẫn từ ngàn xưa đến ngàn sau.
1.1.2. Kết cấu, nhịp điệu, vần, thể
1.1.2.1. Kết cấu
Kết cấu “là sự phân chia và bố trí các phần, các chương mục theo một hệ thống
nhất định để thể hiện nội dung của tác phẩm” [50; tr.468, 469]; là “toàn bộ tổ chức phức
tạp bao gồm mọi mối quan hệ giữa chỉnh thể và bộ phận, giữa bộ phận và bộ phận trong
một tác phẩm văn học” [44; tr.345]; là sự “liên kết bên trong, là nghệ thuật kiến trúc nội
dung tác phẩm” [23;tr.106]; là “toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của một tác
phẩm” [23; tr.156].
Có thể ví các tác phẩm văn học cũng giống như một ngôi nhà. Các ngôi nhà có
thể không chỉ khác nhau về vật liệu xây dựng mà còn khác nhau về cách thức kiến
trúc (kết cấu). Cũng như thế, các sáng tác văn học không chỉ khác nhau về chất liệu
và hiện thực mà còn khác nhau về "cách bố trí, sắp xếp, tổ chức sự xuất hiện của các
chất liệu hiện thực trong tác phẩm" [21; tr.142].
Tóm lại, kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác
phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo nên nội dung của tác phẩm
nhằm phản ánh hiện thực và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định. Kết cấu thuộc
hình thức, vì thế vai trò của nó được khẳng định trong việc giúp thể hiện nội dung tác
phẩm như chủ đề, tư tưởng,…
Khi tìm hiểu kết cấu then Tày, những khái niệm như “khúc hát”, “bài hát”,
“chương hát”, “lời hát” cần được hiểu một cách nhất quán.
Theo cách hiểu chung nhất, “khúc là chỉ những tác phẩm bằng thơ dài theo thể
thơ lục bát hay song thất lục bát có nội dung trữ tình” [23; tr.162], đó là “bài thơ, bài
ca hay bài nhạc ngắn” [50; tr.637]. Đối với hát then, chúng tôi thống nhất hiểu “khúc
hát” là một “bài hát”, một “chương hát” hoàn chỉnh như cách gọi quen thuộc của các

tác giả người Tày. Cũng căn cứ vào cách gọi thường gặp nhất, đồng thời để dễ dàng
trong miêu tả, xin được đề nghị nên hiểu một “dòng” trong hát then (trên chữ viết ghi
là một dòng) là một “câu”. Nếu hiểu “lời” là “một chuỗi âm thanh phát ra trong
không khí nói mang một nội dung trọn vẹn nhất định” [50; tr.582], thì một đến hai
dòng hoặc có thể nhiều hơn cũng có thể được gọi là “lời”. Như vậy, không nên coi cả

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

17
4, 5 “dòng” 5 chữ hoặc 7 chữ là “lời hát” vì “lời” trở nên rất đại khái và khó phân
định ra thành các đơn vị nhỏ hơn.
Hình thức kết cấu cụ thể trong then Tày sẽ được chúng tôi trình bày cụ thể hơn ở
chương sau.
1.1.2.2. Vần
Nói đến văn vần không thể không nói đến vần (vì đó chính là lí do để “văn vần”
khác với “văn xuôi”). Theo cách hiểu chung nhất, vần là “một phương tiện tổ chức
văn bản dựa trên cơ sở lặp lại không hoàn toàn các tiếng ở những vị trí nhất định của
dòng thơ nhằm tạo nên tính hài hòa và liên kết của dòng thơ và giữa các dòng thơ”
[23; tr.423], là “hiện tượng có vần được lặp lại hoặc gần giống nhau giữa những âm
tiết có vị trí nhất định trong câu để tạo nhịp điệu và tăng sức gợi cảm” [50; tr.1364].
Theo các nhà nghiên cứu về thể loại “văn vần” thì vần được phân biệt theo:
- Vị trí gieo vần: vần chân và vần lưng
- Theo mức độ hòa âm: vần chính và vần thông.
Vần chân (cước vận): “là vần được gieo vào cuối dòng thơ, có tác dụng đánh
dấu sự kết thúc dòng thơ và tạo nên mối liên hệ giữa các dòng thơ” [23; tr.424]. Vần
chân rất đa dạng, khi liên tiếp khi giãn cách, khi ôm nhau, khi hỗn hợp. Vần chân là
hình thức gieo vần phổ biến nhất trong văn vần.
Vần lưng (yêu vận): vần gieo vào giữa dòng.
Vần chính: là “sự hòa phối âm thanh ở mức cao giữa các tiếng được gieo vần
trong đó bộ phận vần cái (kể từ nguyên âm chính đến cuối âm tiết) hoàn toàn trùng

hợp” [23; tr.425].
Vần thông: được tạo nên bởi “sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng được gieo
vần trong đó bộ phận vần cái (kể từ nguyên âm chính đến cuối âm tiết) không lặp lại
hoàn toàn mà có thể khác biệt nhau chút ít” [23; tr.425].
1.1.2.3. Nhịp điệu
Cùng với vần, nhịp điệu (còn gọi là “nhịp”) là yếu tố rất quan trọng hình thành
nên sự hấp dẫn về hình thức trong then, khiến cho then vừa có nhạc điệu vừa ổn định
về mặt cấu tạo. Theo các nhà nghiên cứu, nhịp được hiểu như sau:
“Nhịp điệu là sự lặp lại các quãng đều đặn và có thay đổi các hiện tượng ngôn
ngữ, hình ảnh, mô típ,… nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mĩ về thế giới, tạo ra cảm

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

18
giác vận động của sự sống, chống lại sự đơn điệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuật nó
còn được gọi là tiết tấu hay tiết điệu” [23; tr.238].
Hay: “Quan niệm một cách đơn giản thì nhịp chính là kết quả của sự chuyển
động nhịp nhàng, sự lặp lại đều đặn những âm thanh nào đó trong thơ” [5; tr.151].
Người ta cũng xem nhịp điệu là sự khác biệt chủ yếu giữa câu văn vần với câu
văn xuôi. Văn vần khác với văn xuôi chủ yếu ở phương diện nhịp điệu (tất nhiên, văn
xuôi cũng có nhịp điệu theo cách của nó). Theo quan niệm đó, nhịp điệu không
những không trùng với âm luật, không là những khuôn mẫu buồn tẻ, mà bao giờ và
trước hết là nhằm biểu đạt ý đồ của người viết.
Nhịp điệu không chỉ là sự biểu hiện mà còn là mối quan hệ được thể hiện trong
một hình thức dễ cảm thụ và dễ tái hiện. Và đó là ý nghĩa của nhịp điệu trong những
biểu hiện của ngôn từ nói chung. Trong ngôn từ, mặt ngữ âm có quan hệ với nhịp
điệu nhiều nhất.
Nói đến nhịp điệu ngôn ngữ phải nói đến sự chia cắt dòng âm thanh mà khi đọc
hoặc nghe, người đọc, người nghe cảm thụ một cách trực tiếp. Về mặt văn bản, dòng
âm thanh được chia thành đoạn, câu, cụm từ, từ,… Khi phát âm, sự phân chia này có

thể được biểu hiện ở chỗ ngắt giọng và ngữ điệu,…
Thông thường, nhịp điệu cách luật truyền thống bao giờ cũng có lực lớn hấp
dẫn người đọc. Theo quán tính, cứ gặp các thể quen thuộc, trong tâm thức người bản
ngữ lại vang lên nhịp điệu có sẵn, chẳng hạn đối với người Việt, thì đó là nhịp 2/2
(thể 4 chữ); 3/2 hay 2/3 (thể 5 chữ); 2/2/3 (thể 7 chữ);… thể tự do thì nhịp điệu được
sử dụng linh hoạt, phong phú.
Nhịp điệu có quan hệ mật thiết với mặt biểu đạt của tác phẩm. Thứ nhất, chúng
ta thấy ngắt nhịp, ngoài việc tạo tính nhạc còn có giá trị biểu đạt. Thứ hai, nếu ngắt
nhịp khác đi thì cách hiểu tác phẩm có thể sẽ khác đi.
Trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian bằng văn vần nói chung, hát then nói
riêng đều có những chỗ ngắt giọng, có những yếu tố ngôn ngữ được lặp lại, luân
phiên tạo thành nhịp điệu. Chức năng của nhịp điệu không chỉ làm nên cấu trúc của
văn bản, mà còn được sử dụng với mục đích gợi cảm.
1.1.2.4. Thể
Theo Từ điển tiếng Việt, thể là “hình thức sáng tác văn, thơ theo những quy
cách nhất định” [50; tr.1158].

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

19
Trong sáng tác văn vần bằng tiếng Việt, thường gặp những thể cơ bản sau:
- Thể hai chữ: là một thể rất hiếm, ít người làm.
- Thể ba chữ: thể này có trong các sáng tác dân gian, chủ yếu là đồng dao và tục
ngữ. Đây là thể dễ nhớ, dễ đọc, thích hợp với quần chúng. Ngoài ra, thể ba chữ còn
rất thích hợp với tâm lí vui tươi, rộn ràng của trẻ thơ.
- Thể bốn chữ: là thể khá phổ biến trong tục ngữ, ca dao, dân ca, vè và thơ.
- Thể năm chữ: Đây là thể quen thuộc trong thơ Cổ phong (ngũ ngôn Cổ phong
và thơ Đường (ngũ ngôn Đường luật).
- Thể sáu chữ: ít dùng, có thể do nhịp ít biến hóa, phù hợp với cảm xúc tâm tình,
suy tư nhiều hơn.

- Thể bảy chữ: là thể được ưa dùng.
- Thể lục bát: là thể tổ hợp giữa câu sáu và câu tám. Số câu không cố định, tối
thiểu là hai câu thành một cặp.
- Thể tự do: hiện nay được ưa dùng.
1.1.3. Trƣờng nghĩa
1.1.3.1. Khái niệm trường nghĩa
Hiểu khái quát thì “trường nghĩa” là một tập hợp các từ ngữ có quan hệ với nhau
về nghĩa. Việc tập hợp các từ có chung với nhau một nét nghĩa nào đó gọi là một
trường từ vựng - ngữ nghĩa. Nói cách khác, “Trường ngữ nghĩa là một tiểu hệ thống
ngữ nghĩa được tạo ra do một loại từ có một ngữ nghĩa chung” [18; tr.83].
Khi nghiên cứu về trường nghĩa, các nhà nghiên cứu đã chia trường nghĩa ra
thành các loại: trường biểu vật, trường biểu niệm, trường tuyến tính, trường liên tưởng.
1.1.3.2. Các loại trường nghĩa
Dựa vào hai quan hệ cơ bản trong ngôn ngữ mà F.de Saussure đã chỉ ra là quan
hệ hình tuyến (quan hệ ngang) và quan hệ trực tuyến (quan hệ dọc), người ta chia
trường nghĩa thành hai loại: trường nghĩa ngang và trường nghĩa dọc. Trong trường
nghĩa dọc có hai trường nghĩa nhỏ là trường biểu vật và trường biểu niệm. Phối hợp
trường nghĩa ngang và trường nghĩa dọc ta có trường liên tưởng. Sau đây xin trình
bày cụ thể hơn về các trường nghĩa này:
- Trường nghĩa biểu vật: là tập hợp những từ ngữ đồng nghĩa về ý nghĩa biểu
vật. Để có những căn cứ dựa vào đó mà đưa các nghĩa biểu vật của các từ ngữ về
trường biểu vật thích hợp, người ta thường chọn các danh từ làm gốc. Các danh từ

×