Tải bản đầy đủ (.doc) (23 trang)

skkn biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ 24- 36 tháng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (155.77 KB, 23 trang )

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẬN CẦU GIẤY
TRƯỜNG MẦM NON HỌA MI
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ
CHO TRẺ 24- 36 THÁNG
Họ và tên: Nguyễn Kim Phượng
Chức vụ: Giáo viên
Năm học 2006 - 2007
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
“Con người muốn tồn tại thì phải gắn bó với cộng đồng. Giao tiếp là một
đặc trưng quan trọng của con người. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan
trọng nhất.”
Lênin
Ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, ngôn ngữ là
công cụ giao tiếp, để phát triển tư duy, nhận thức của trẻ, là phương tiện để giáo
dục trẻ một cách toàn diện. Ngôn ngữ là công cụ để trẻ học tập, vui chơi, những
hoạt động chủ yếu của trường mầm non. Ngôn ngữ được tích hợp trong tất cả
các loại hình hoạt động giáo dục ở mọi lúc mọi nơi. Sự phát triển toàn diện của
trẻ bao gồm sự phát triển về đạo đức, chuẩn mực hành vi văn hóa. Ngôn ngữ sẽ
giúp cho trẻ mở rộng giao tiếp, học hỏi những gì tốt đẹp xung quanh. Trẻ sớm
tiếp thu những giá trị thẩm mĩ trong thơ ca, truyện kể những tác phẩm nghệ thuật
ngôn từ đầu tiên người lớn có thể đem đến cho trẻ những ngày thơ ấu. Trường
mầm non là trường học đầu tiên, ở đây có điều kiện, có cơ hội để giáo dục ngôn
ngữ cho trẻ. Vậy việc phát triển và làm giàu vốn từ, dạy trẻ nói năng lưu loát,
phát âm đúng, có kỹ năng trả lời một số câu hỏi, hiểu được yêu cầu đơn giản
bằng lời nói của người lớn là điều quan trọng và cần thiết đối với trẻ lứa tuổi 24
-36 tháng. Đặc điểm phát triển ngôn ngữ ở lứa tuổi trẻ 24 - 36 tháng có số lượng
từ tăng nhanh, trẻ không những chỉ hiểu nghĩa của các từ biểu thị các sự vật hành
động cụ thể mà còn có thể hiểu nghĩa các từ biểu thị tính chất, màu sắc, thời gian
và các mối quan hệ. Tuy nhiên mức độ hiểu nghĩa, sử dụng các từ còn chưa
chính xác, số lượng từ còn ít, ngữ pháp và sử dụng nó cũng rất hạn chế. Với thực


tế trẻ ở lớp tôi thì vốn từ của trẻ chưa phong phú, trẻ còn nói ngọng, phát âm
chưa đúng, qua quá trình chăm sóc giáo dục trẻ tôi có suy nghĩ và mạnh dạn đề
ra một số biện pháp để phát triển ngôn ngữ cho trẻ tốt hơn trong giai đoạn trẻ
nhà trẻ.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Thuận lợi:
- Ban giám hiệu chỉ đạo sát sao việc chăm sóc và giáo dục trẻ đặc biệt là ở
lứa tuổi trẻ 24 -36 tháng cần quan tâm và phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
- Giáo viên có trình độ chuyên môn, nhiệt tình trong công việc phát triển
vốn từ cho trẻ.
- Nhà trường đầu tư đầy đủ đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị để giáo dục trẻ.
- Một số phụ huynh quan tâm tới lớp, tới việc học tập của các con.
2. Khó khăn
- Lớp có 33 cháu đều là các cháu mới đi học lần đầu chưa có ý thức, nề
nếp trong việc sinh hoạt hàng ngày.
- Một số phụ huynh có nhận định cho rằng trẻ còn bé không cần học chỉ
cần cho trẻ ăn, ngủ điều độ và đảm bảo an toàn là được.
- Trẻ còn nhút nhát, chưa mạnh dạn, nói nhỏ, nói còn ngọng, vốn từ còn ít,
nghèo nàn.
3. Một số biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
3.1 Biện pháp 1: Sử dụng đồ dùng trực quan.
Vì đặc điểm tri giác của trẻ ở lứa tuổi này là tri giác trực tiếp nên tôi cho trẻ
được quan sát vật thật, đồ chơi, tranh ảnh về môi trường xung quanh, về các chủ
điểm cụ thể đầu tiên đi từ đơn giản tới phức tạp, các đối tượng riêng lẻ, các đồ
dùng đồ chơi gần gũi với trẻ hàng ngày. Khi sử dụng đồ dùng trong các tiết học,
môn học tôi sử dụng triệt để, có tính khoa học, gọn nhẹ, tránh rườm rà, rắc rối
đối với trẻ để trẻ dễ quan sát, dễ hiểu và nắm được các đặc điểm chính nổi bật
của đối tượng quan sát. Khi cho trẻ quan sát tôi gợi ý, hướng dẫn trẻ quan sát,
kèm theo hệ thống câu hỏi tổng thể, chi tiết rồi lại quay về tổng thể để trẻ quan
sát có hiệu quả.

Ví dụ 1: Với chủ điểm “Các con vật”
Khi cho trẻ quan sát các con vật nuôi trong gia đình, tôi cho trẻ quan sát mô
hình, tranh, tôi hỏi trẻ:
- Tên con vật?
- Các đặc điểm của con vật? (màu sắc, mấy chân, tiếng kêu, môi trường
sống, )
Tôi cố gắng gọi nhiều cá nhân trẻ nói sau đó đến tập thể trẻ trả lời. Qua đó
trẻ phải tư duy, suy nghĩ trả lời các câu hỏi => rèn sự phát âm, cung cấp thêm
các vốn từ cho trẻ.
Ví dụ 2: Với chủ điểm “Hoa quả”. Ở tiết nhận biết tập nói tôi cho trẻ quan
sát một số loại quả như: Quả cam, quả chuối, quả dứa, quả xòa => Tôi cho trẻ
được tri giác trực tiếp quả thật => trẻ được sờ, nếm vị của quả => trẻ được phát
triển các giác quan, xúc giác, cảm giác, vị giác => trẻ được nói lên nhận xét của
mình về đặc điểm của các loại quả, màu sắc, hình dáng. Ngoài ra tôi còn cho trẻ
kể tên những loại hoa quả mà trẻ biết => qua đó làm phong phú thêm vốn từ cho
trẻ.
Ví dụ 3 : Với tiết nhận biết tập nói: “Hoa hồng, hoa cúc” tôi cho trẻ được tri
giác trực tiếp hoa thật, trẻ được ngửi mùi hương thơm của hoa, màu sắc đặc
trưng của từng loại hoa => qua đó trẻ có nhận xét của mình về đặc điểm của loại
hoa đó => làm phong phú thêm vốn từ, hiểu biết thêm về thế giới xung quanh
của trẻ.
Ví dụ 4: Ở tiết nhận biết tập nói: “Con cá vàng” tôi đã cho trẻ được quan
sát bể cá vàng, trẻ được quan sát cá vàng bơi, đớp mồi, các hoạt động trong môi
trường nước trẻ rất thích thú hăng say quan sát => qua đó trẻ biết được con cá
vàng gồm những gì, hoạt động như thế nào, sống ở đâu? => làm tăng thêm vốn
từ, phong phú thêm về tầm hiểu biết của trẻ về các loài vật.
Ví dụ 5: Ở tiết kể chuyện, tôi đã sử dụng hệ thống tranh minh họa, sa bàn
minh họa nội dung câu chuyện, trẻ được quan sát, tri giác tranh theo lời kể của
cô => làm cho trẻ thêm nhớ, khắc sâu nội dung của câu chuyện, nhớ các nhân vật
trong câu chuyện => trẻ dễ thuộc chuyện hơn.

3.2 Biện pháp 2: Đưa ra hệ thống câu hỏi phù hợp:
Ở mỗi tiết học, môn học tôi đã bám sát vào mục đích yêu cầu về kiến thức
kĩ năng cần đạt của môn đó, tiết học đó để tôi đưa ra một hệ thống câu hỏi phù
hợp với nhận thức của lứa tuổi trẻ. Câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, là những
câu hỏi mở để phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ.
Ví dụ 1: Với tiết nhận biết phân biệt: “To - nhỏ” tôi đưa ra những câu hỏi
khi cho trẻ phân biệt quả cam to - quả táo nhỏ.
- Trong rổ có những quả gì?
- Quả cam có màu gì?
- Quả táo có màu gì?
- Quả nào to - quả nào nhỏ?
Sau đó tôi sẽ gọi nhiều trẻ trả lời để trẻ ôn lại màu sắc cũng như biết cách
phân biệt to - nhỏ, khắc sâu các biểu tượng về độ lớn cho trẻ đồng thời phát triển
ngôn ngữ, tăng thêm vốn từ cho trẻ. Sau mỗi lần trẻ trả lời tôi thường động viên
khen trẻ kịp thời.
Ví dụ 2: Với tiết kể chuyện: “Đôi bạn nhỏ”
Tôi đã sử dụng hệ thống câu hỏi để đàm thoại với trẻ hiểu nội dung câu
chuyện, nhớ tên chuyện.
- Cô kể câu chuyện gì?
- Trong câu chuyện có những ai?
- Ai đã đuổi bắt gà con?
- Gà con kêu như thế nào?
- Ai đã cứu gà con?
Thông qua các câu hỏi trẻ hiểu nội dung, tình tiết của câu chuyện, nhớ tên
chuyện, các nhân vật trong câu chuyện qua đó rèn thêm ngôn ngữ mạch lạc cho
trẻ, trẻ phát âm chính xác hơn các từ.
Ví dụ 3: Khi tôi cho trẻ “Xếp đường đi”, tôi đưa ra câu hỏi.
- Con đang xếp gì đấy?
- Con xếp các khối gỗ như thế nào?
Cô hỏi trẻ để trẻ nhớ lại cách xếp các khối gỗ sát cạnh nhau, khít nhau để

tạo thành đường đi thẳng không vấp ngã => tạo sự khéo léo cho trẻ => làm tăng
thêm vốn từ cho trẻ.
Ví dụ 4: Với tiết nhận biết tập nói: “Con cá vàng”
Tôi đưa ra hệ thống câu hỏi phù hợp với nhận thức của trẻ, ngắn gọn, rõ
ràng, bám sát vào các đặc điểm của con cá vàng.
- Đây là con gì?
- Cá nhìn bằng gì?
- Cá dùng mắt để làm gì?
- Các con có biết cá ăn bằng gì không?
- Đuôi cá vàng đâu?
- Vây đâu?
- Cá dùng vây và đuôi để làm gì?
Trẻ tri giác, tư duy để trả lời câu hỏi của cô đưa ra, qua đó trẻ nắm được các
đặc điểm đặc trưng của con cá vàng => phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
3.3 Biện pháp 3: Lựa chọn, sưu tầm bài thơ, câu chuyện phù hợp.
Ngoài các bài thơ câu chuyện trong chương trình dạy trẻ tôi luôn tìm tòi các
sách báo, tài liệu, tranh ảnh, tạp chí, báo Nhi đồng - Họa mi để tìm ra những bài
thơ câu chuyện, trò chơi có nội dung phù hợp với lứa tuổi trẻ, phù hợp với chủ
điểm, trẻ dễ thuộc, dễ nhớ, chứa đựng nhiều hình ảnh về con người, cảnh vật môi
trường xung quanh.
Cụ thể: - 21 bài thơ
- 15 câu chuyện
- 13 cuốn tranh ảnh về các chủ điểm
Tôi lựa chọn đưa vào một số tiết học chính còn ngoài ra tôi dạng trẻ thêm
vào các buổi chiều, giữa các giờ sinh hoạt hàng ngày của trẻ, sau giờ ăn, sau giờ
ngủ dậy, giờ đón - trả trẻ.
Trước khi dạy trẻ thuộc các bài thơ câu chuyện tôi đã giảng giải cho trẻ
hiểu nội dung của bài thơ câu chuyện đó, sau đó cho trẻ đọc nhiều lần => trẻ rất
thích thú khi đọc các bài thơ, nghe cô kể chuyện, kể cùng cô => qua đó mục đích
rèn thêm ngôn ngữ diễn đạt mạch lạc cho trẻ, làm phong phú thêm vốn từ cho

trẻ.
3.4 Biện pháp 4: phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua hoạt động ngoài
trời:
Hoạt động ngoài trời cũng rất quan trọng đối với trẻ, khi đi dạo, quan sát trẻ
được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, không khí trong lành, cây cối cảnh vật xung
quanh trẻ => qua đó tích lũy kiến thức về các biểu tượng cho trẻ:
Ví dụ: Khi tôi cho trẻ quan sát cây “Ngũ gia bì”
Trước tiên tôi hướng dẫn trẻ trực tiếp tri giác, tự nhận xét xem cây có
những đặc điểm gì? => trẻ nói lên suy nghĩ, nhận xét của mình => phát triển
ngôn ngữ, tư duy cho trẻ => sau đó tôi đàm thoại với trẻ.
- Đây là cây gì?
- Cây có những gì?
- Lá cây màu gì?
- Thân cây đâu?
- Muốn cây tươi tốt thì phải làm gì?
Khi trẻ phải trả lời các câu hỏi thì sẽ phát triển ở trẻ sự chú ý, tri giác có
chủ định. Với những câu hỏi cô đặt ra cho trẻ khi hướng dẫn trẻ đi dạo quan sát
đều khích lệ ở trẻ nhu cầu giao tiếp, truyền đạt bằng ngôn ngữ của mình => trẻ
được nói lên suy nghĩ, nhận xét của mình về các sự vật hiện tượng trong cuộc
sống gần gũi xung quanh trẻ => làm tăng thêm số lượng từ cho trẻ.
3.5 Biện pháp 5: Phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua việc giao tiếp
trong khi chơi:
Giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu được với trẻ trong các hoạt động hàng
ngày, khi trẻ chơi ở các góc chơi trẻ chơi cùng nhau, chơi cạnh nhau, phát triển
các mối quan hệ, hành động chơi, các đồ dùng đồ chơi ở các góc chơi tôi chuẩn
bị rất đầy đủ, khơi gợi tính ham hiểu biết của trẻ.
Ví dụ: Trẻ chơi ở góc bế em. Cô trò chuyện với trẻ:
- Nhi ơi! Con đang làm gì đấy ?
- Cháu cho em uống nước!
Ví dụ: - Vân ơi! Con đang xây gì thế?

- Con đang xây ngôi nhà, cổng.
Hoặc trẻ chơi chung với nhau ở các góc chơi, trò chuyện cùng nhau:
- Bạn cho tớ mượn cái thìa?
- Bạn cho em đi ngủ đi!
- Em bé no chưa?
Tôi bao quát các góc chơi, đi đến từng nhóm giả đóng vai như một người
bạn chơi với trẻ, trò chuyện cùng trẻ => làm khắc sâu thêm hành động của các
vai chơi => qua đó trẻ hiểu nghĩa các từ chỉ mối quan hệ, sử dụng các từ chính
xác hơn, hạn chế nói ngọng.
3.6 Biện pháp 6: Phối kết hợp với phụ huynh.
Để phát triển ngôn ngữ cho trẻ tốt tôi đã có kế hoạch rõ ràng ngay từ buổi
họp phụ huynh đầu năm về tình hình ngôn ngữ của các con và thông báo chương
trình dạy của từng chủ điểm, các tiết học cụ thể, nội dung các bài thơ câu chuyện
trong chương trình cũng như sưu tầm lựa chọn để phụ huynh kết hợp dạy con ở
nhà. Phụ huynh đóng góp sách báo cũ, tranh ảnh để cô làm đồ dùng phục vụ
thêm các tiết học cho trẻ thêm phong phú.
III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:
Với những biện pháp như vậy đến cuối học kỳ I lớp tôi đã có những tiến bộ
rõ rệt:
- Trẻ hăng hái tham gia vào các hoạt động: 33/33 trẻ = 100%
- Khả năng ghi nhớ chú ý của trẻ tốt hơn: 27/33 = 82%
- Vốn từ của trẻ phong phú, trẻ nói được câu có nhiều từ hơn, diễn đạt rõ
ràng hơn: 31/33 = 94%
- Ngôn ngữ trẻ mạch lạc hơn, trẻ nói ngọng còn ít: 32/33 = 97%
Cụ thể: tổng số 33 trẻ
Thời gian Trẻ mạnh dạn Trẻ ngọng Trẻ nói đúng ngữ pháp
Đầu năm 5 17 6
Cuối năm 33 1 33
IV. KẾT LUẬN
Vậy việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ lứa tuổi 24 - 36 tháng rất quan trọng

nó được thể hiện rõ ở các hoạt động trong ngày của trẻ ở trường mầm non, giúp
trẻ hoàn thiện về nhân cách. Trẻ em như một cây non, được chăm bón, vun tưới,
giáo dục đầy đủ thì sẽ phát triển thật tốt đẹp ra nhiều quả ngọt cho đời. Qua thời
gian tìm tòi và thực hiện các biện pháp trên, trẻ lớp tôi đã có một kết quả thật tốt.
Có được kết quả như vậy đó là sự nỗ lực phấn đấu của bản thân tôi kết hợp
với sự giúp đỡ của đồng nghiệp và đặc biệt là ban giám hiệu nhà trường luôn sát
sao dự giờ cũng như các hoạt động của lớp tôi để đưa ra những biện pháp phù
hợp với khả năng nhận thức của trẻ. Để có được kết quả như vậy tôi đã rút ra
được những kinh nghiệm sau:
- Giáo viên trong lớp luôn là tấm gương sáng mẫu mực từ lời nói, cử chỉ
chuẩn xác, hành động đẹp không phân biệt giữa các trẻ.
- Yêu nghề mến trẻ tận tụy với công việc luôn kiên trì tìm tòi nghiên cứu
các hình thức, biện pháp dạy trẻ phù hợp đạt kết quả cao.
- Rèn kỹ năng cho trẻ mọi lúc mọi nơi đặc biệt quan tâm đến trẻ chậm, trẻ
cá biệt.
- Giáo viên luôn tạo cơ hội để cho trẻ phát triển ngôn ngữ mạch lạc.
Trên đây là một số kinh nghiệm triển khai thực hiện tại lớp tôi B1 (trẻ 24 -
36 tháng) rất mong sự góp ý của ban giám hiệu và các bạn đồng nghiệp.
Họa mi, ngày 23 tháng 3 năm 2007
Người viết
Nguyễn Thị Kim Phượng
PHỤ LỤC
Sau đây là một số bài thơ, câu chuyện trích trong các tập thơ chuyện sưu tầm:
Bài thơ:
Quả chuối
Quả chuối chín vàng tươi
Quả na mở mắt cười
Tròn căng là trái bưởi
Xinh xắn quả vải thiều
Đu đủ, mít, nhãn lồng

Cam, chanh, hồng, vú sữa
Mỗi thứ một vị ngon
Bốn mùa xung quanh bé
Bài thơ:
Bàn tay xinh
Xoè tay em đếm
Những ngón tay xinh
Tay của chúng mình
Phải giữ sạch thơm
Tay phải xúc cơm
Không làm vương vãi
Tay em còn phải
Rửa mặt đánh răng
Những đêm sáng trăng
Đôi tay múa dẻo
Tay gấp quần áo
Tay dọn đồ chơi
Cô dặn em rồi
Tay không đánh bạn
Mới là tay xinh
Bài thơ:
Bát và thìa
Nhờ những chiếc bát nhỏ
Nhờ những chiếc thìa xinh
Mà bữa cơm ở lớp
Ấm áp biết bao nhiêu
Bát đựng cơm, đựng cháo
Thìa bé đưa vào miệng
Những thức ăn ngọt ngào
Giúp bé mau khôn lớn

Vâng lời cô bé nhé
Giữ bát, thìa sạch khô
Bài thơ:
Mùa thu đến trường
Trời thu trong xanh
Bé vui đến trường
Trường mở vòng tay
Tràn ngập yêu thương
Đón bé bước vào
Thế giới lớn lao
Bay cao, cao nhé!
Bài thơ:
Đi học
Cháu là bé xíu
Còn nhỏ tí teo
Sáng sáng đi học
Rất hay mè nheo
Nghe lời cô dạy
Cháu không khóc nhè
Sáng dậy thật sớm
Chạy nhảy le te
Mẹ ơi! mau mau
Đưa con đến lớp
Cô giáo đến rồi
Bạn đang tập hợp
Ở lớp vui ghê
Cô dạy múa hát
Con chơi cùng bạn
Chiều mẹ đón về
Bài thơ:

Cô giáo em
Em vẽ bông hoa
Dâng lên cô giáo
Người từng khâu áo
Tết tóc cho em
Tiếng cô dịu êm
Như là tiếng mẹ
Em cầm bút vẽ
Tay còn run run
Cô ngồi cạnh bên
Nâng niu từng tí
Cô như ca sĩ
Ru em ngủ say
Trời nóng mỗi ngày
Có cô quạt mát
Cô dạy em hát
Dạy nhiều trò chơi
Dạy em nên người
Con ngoan trò giỏi!
Bài thơ:
Gió
Từ trên cao
Từ biển rộng
Những cơn gió
Làm hàng cây
Đung đưa lá
Qua ô cửa
Gió vào nhà
Chạm làn da
Nghe mát rượi

Bé thích quá
Gọi gió ơi
Đến đây chơi
Cùng với bé
Bài thơ:
Đồng lúa
Đường về quê xa xa
Lắc lư theo nhịp tàu
Bé say sưa ngắm nghía
Những dãy núi mờ sương
Những đồng lúa vàng ươm
Rì rào trong nắng sớm
Các cô bác nông dân
Đang bắt sâu tát nước
Cho hạt thóc căng tròn
Thành gạo để bé ăn
Bài thơ:
Chim chích
Có con chim chích
Luồn trong bụi gai
Nó kêu chích chích
Nghe thật vui tai
Chuyện trò với ai
Luôn mồm chích chích
Chút xíu hình hài
Rong chơi thỏa thích
Bài thơ:
Chiếc xe đạp
Buổi chiều bé tan học
Mẹ đón ở cổng trường

Chiếc xe đạp màu xanh
Đợi bé ngồi ngay ngắn
Rồi lăn bánh bon bon
ơi chiếc xe thật quý
Chở bé đi đến trường
Đưa mẹ đến cơ quan
Mà chẳng phải nhọc nhằn
Bài thơ:
Xe ô tô
Hôm nay cả trường bé
Cùng được đi xem xiếc
Đoàn ô tô bốn chiếc
Chở hai trăm học sinh
Bé nào cũng ngỡ ngàng
Vì ô tô to quá
Dài như con đường nhỏ
Cao như là mái nhà
Những chiếc bánh tròn, to
Đưa ngôi nhà đi xa.
Bài thơ:
Máy bay
Chiếc máy bay chở khách
To cao như tòa nhà
Đôi cánh dài lấp lánh
Vun vút bay trên trời
Chở người đi muôn nơi
Nhanh hơn cả chim ưng
Câu chuyện: Bà tiên dưới đáy giếng
Xưa có người đàn bà góa sinh hạ được hai cô con gái tính tình trái ngược
nhau. Cô chị suốt ngày rong chơi, còn cô em thì phải làm mọi việc trong nhà.

Một hôm, cô em ra giếng múc nước do trượt chân cô ngã xuống giếng. Tới đáy
giếng, cô thấy một thế giới thần tiên. Ở đó có đồng cỏ chan hòa ánh nắng và một
lò bánh mì vàng rộm. Cô em nghe thấy bánh mì trong lò đang giục ầm ĩ: “Đem
chúng tôi ra khỏi lò đi! Chúng tôi chín rồi” không ngần ngại, cô em thò tay đưa
số bánh mì ra khỏi bếp lò. Sau đó, cô đến một ngôi nhà, ở đó có một bà tiên già.
Bà tiên bảo: - Con ở đây với ta. Ta cần có người giúp việc. Cô em ở lại phục vụ
bà tiên rất chu đáo. Một ngày kia cô xin bà cho về, vì cô rất nhớ nhà. Bà tiên trả
lời: - Con đã hầu hạ ta rất tốt. Con mở cửa ra là sẽ về đến nhà, và ta sẽ thưởng
cho con vì con ngoan. Lập tức, cô em thấy mình đã đứng trên bờ giếng. Khắp
người cô đeo đầy những trang sức bằng vàng. Khi thấy cô em trở về cô chị hết
sức ghen tức. Cô hỏi chuyện đầu đuôi rồi chạy ra giếng và nhảy ùm xuống, thầm
nghĩ: “Ta cũng vậy! rồi ta cũng sẽ đeo đầy vàng”. Khi vào đến thế giới thần tiên
dưới đáy giếng, cô chị từ chối không lấy bánh ra khỏi lò vì sợ bẩn tay. Cô chị
phục vụ bà tiên có một ngày mà đã đòi bỏ đi vì quá mệt. Bà tiên cho cô về,
nhưng khi đến nhà, cô chị thấy trên người không có vàng bạc mà chỉ trát đầy một
thứ hồ dính đặc quánh không cách nào gột ra được.
Câu chuyện: Chú bé Giọt Nước
Chú bé Giọt Nước được bà mẹ biển cả sinh ra, ngày nào cũng dạo chơi
khắp vương quốc Đại Dương.
Một buổi, chú ước được như Mây đi khắp đó đây. Ông Mặt Trời liền cho
Tia Nắng xuống rủ Giọt Nước đi chơi. Thoắt một cái, chú đó ở trên Mây Trắng.
Chú thích quá, quên cả lối về nhà. Mây Trắng vốn ham chơi, tới đâu cũng kéo
giọt nước đi theo.
Một hôm, trời oi bức, có gã Mây Đen hùng hổ chặn Mây Trắng lại và thét
lên ầm ầm. Mây Trắng chưa kịp nói gì thì thấy một tia chớp sáng loáng. Sấm
vang ùng ục. Cả bầu trời tối sầm lại. Chú bé Giọt Nước sợ quá, ngã vật ra.
Khi tỉnh dậy chú ngơ ngác thấy mình đang treo lơ lửng trên một ngọn cỏ,
bên cạnh có một tảng đá. Đó là Đá Thần. Đàn chim từ đâu bay tới ca hát. Nhưng
Giọt Nước vẫn buồn rầu. Đá Thần liền bảo:
- Này chú bé, ta sẽ cho chú 3 điều ước.

- Ước gì ta có đường về nhà!- Giọt nước vừa dứt lời đã thấy mình ở trong
một dòng suối nhỏ.
- Ước gì ta lại được bay lên trời!- Vừa nói xong, chú lại thấy mình ở trên
ngọn cỏ như trước.
Chú sợ quá, vẻ mặt buồn hẳn. Bầy ong đã đi kiếm mật từ bao giờ. Bác Cây
đang xòe lá thở. Đàn Chim cũng vội bay đi mất. Chỉ còn đá thần đứng bên cạnh,
nhắc khẽ:
- Này, chú chỉ còn một điều ước thôi đấy!
Giọt Nước suy nghĩ mãi, rồi lăn ra ngủ từ lúc nào không biết. Trong giấc
ngủ say nồng chú mơ được gặp mẹ.
Thật bất ngờ, vừa ngủ dậy, chú đã thấy mình đang ở một cửa sông lớn,
trước mặt là vương quốc Đại Dương lóng lánh ánh bạc. Bà mẹ biển cả đang
đứng đợi ở đó.
Chú bé Giọt Nước chạy lao tới như muốn ôm chầm lấy mẹ. Chú gọi to:
- Mẹ! Mẹ ơi!
Câu chuyện: Chú vịt khàn
Gà và Vịt đều học lớp cô giáo Mọa Mi. Gà nghe lời cô giáo: Khi đi đường,
Gà luôn đi bên tay phải và gặp ai cũng đứng lại khoanh tay chào. Còn Vịt con thì
chỉ thích chạy lăng xăng. Thấy ai, Vịt cũng hét toáng lên gọi tên ầm ĩ.
Trên đường đi, thấy bác ngỗng dẫn con ăn cỏ ở bờ ruộng, Vịt con gân cổ
gọi bé Ngỗng con ầm ĩ, làm bé Ngỗng út giật mình, xuýt rơi xuống nước. Thấy
vậy, bác Ngỗng bảo:
- Cháu muốn hỏi ai thì đến gần và nói nhẹ nhàng, đừng đứng ở xa mà kêu
toáng lên như vậy là không tốt đâu!
Trên lớp học cô giáo Họa Mi dạy hát. Các bạn ai cũng khen Gà hát đúng
giọng như cô giáo dạy, còn Vịt con thì gân cổ hát thật to, làm cô giáo phải nhiều
lần nhắc nhở. Đến giờ chơi, Vịt con cứ chạy lăng xăng từ góc Xây dựng sang
góc Phân vai rồi đến góc Nghệ thuật và hét vào tai các bạn làm các bạn đều giật
mình. Cô giáo lại nhắc nhở Vịt, nhưng Vịt con vẫn chứng nào tật nấy.
Hôm cô giáo cho đi tham quan cửa hàng bán đồ chơi, Vịt con cứ luôn mồm

khen cái này đẹp, chê cái kia xấu. Cô giáo lại phải nhắc nhở.
Trên đường về, Vịt con lại chẳng đi theo hàng cùng các bạn và cô giáo. Vịt
con cứ chạy lăng xăng và bị vấp ngã. Vịt con kêu toáng lên và gào khóc ầm ĩ. Cô
giáo Họa Mi phải đưa Vịt con về nhà.
Đến nhà, Vịt con nhìn thấy mẹ lại làm nũng, khóc gào to hơn. Một lúc sau,
Vịt con mệt quá, ngủ thiếp đi.
Tỉnh dậy, Vịt con chẳng nói được nữa, mẹ phải đưa Vịt con đến bác sĩ Sóc
Nâu khám bệnh. Bác sĩ bảo:
- Cháu bị khàn tiếng là do nói to, nói nhiều và hay khóc nhè đấy.
Vịt con nghe bác sĩ nói thì hối hận lắm. Nó cúi đầu thầm nghĩ: “Từ nay,
mình sẽ không như thế nữa”.
Rồi Vịt con định hứa với mẹ điều gì, nhưng giọng Vịt con đã khàn mất rồi
nên Vịt con chỉ kêu được mấy tiếng “cạp cạp cạp”.
Câu chuyện: Chú bé hay giả vờ
Trời đó sáng rõ. Minh mặc quần áo ngủ vừa ngáp vừa vươn vai đứng dậy.
Mẹ đứng ở cửa phòng giục:
- Con mặc quần áo ấm vào ngay kẻo cảm lạnh bây giờ.
Minh vội ngồi phịch xuống gần giường, giơ cả hai tay hai chân cứng đơ
như phỗng lên, mặt nhăn nhó kêu:
- Mẹ ơi! Chân tay con tự nhiên tê cứng rồi mẹ ạ!
Mẹ hốt hoảng chạy vào xoa chân, tay cho Minh rồi ân cần hỏi han:
- Thế nào? Có đỡ không con?
- Chả đỡ gì cả? - Minh lắc đầu đáp. - Thôi mẹ mặc áo vào cho con đi!
Mẹ vừa mặc xong áo ấm cho Minh, lập tức em lại cử động chân tay bình
thường ngay. Thấy vậy mẹ liền giục:
- Thôi con đi đánh răng, rửa mặt đi. Để mẹ đi chuẩn bị bữa sáng.
Minh nhổm người lên định đứng dậy nhưng lại ngồi xuống vì em không
muốn đánh răng. Mẹ đem bánh mì lên thấy Minh vẫn không nhúc nhích liền hỏi:
- Kìa! Sao con vẫn chưa đi đánh răng, rửa mặt à?
Minh đưa hai tay lên má bên trái cố kêu lên đau đớn:

- Mẹ ơi! Con đau răng quá!
- Đâu con đau răng nào? - Mẹ lo lắng hỏi.
- Hàm bên này này. - Minh vừa nói vừa đưa tay lên ôm hàm bên phải.
Mẹ ngạc nhiên nói:
- Vừa rồi mẹ thấy con lấy tay ôm má bên trái cơ mà?
Minh đỏ mặt lúng túng nói chữa:
- À! À! Răng đau nó vừa chuyển chỗ đấy mà!
- Thôi con cứ nằm yên đấy đợi mẹ đi lấy thuốc cho.
Mẹ vừa đi khỏi, Minh liền nhoài người ra vớ lấy bánh mì nhai ngấu nghiến.
Đang ăn thấy mẹ về, chú bé vội quẳng bánh lên bàn, trùm kín chăn lên đầu.
Mẹ đem thuốc và nước đến chỗ Minh dỗ dành:
- Dậy uống thuốc đi con!
- U uơ - Có tiếng nói lúng túng ở trong chăn phát ra.
Mẹ nhìn miếng bánh mì bị cắn dở như chuột gặm ở trên bàn vội lật ngay
chăn ra. Thấy Minh đang trợn mắt, trợn mũi nuốt nốt miếng bánh, mẹ lắc đầu
kêu to:
- Trời ơi! Con đang đau răng mà lại gặm được bánh cứng như thế này sao?
Minh cố cười gượng nói:
- Con ăn để khỏi đau răng mà!
Câu chuyện: Lợn con tham ăn
Lợn con buồn thiu nằm ở góc chuồng. Nó khóc rưng rức khiến thân người
tròn trịa, béo mập rung lên bần bật:
- Số mình tưởng sướng hóa ra đen đủi quá. Ăn ngon, ở chỗ mát chẳng bao
giờ phải lo nghĩ giành giật phần ăn với ai. Thế mà ông bà chủ nỡ lòng
nào bàn tính chuyện rước thêm một con ỉn về đây.
Lợn con đang buồn rầu, bỗng nó nghe thấy tiếng nước cám đổ ào xuống
máng. Vốn tính háu ăn, nó vùng chạy tới hếch cái mồm dài lên ngửi ngửi:
- Khịt! Khịt! Cám hôm nay có thêm rau khoai lang thơm ngon, dễ xơi quá.
Định vục mồm hớp một hơi hết loáng cả máng cám trước sự ngỡ ngàng của
chủ, nhưng tự dưng lợn con bỗng chột dạ:

- Không được, mình phải nhịn ăn để phản đối chủ
Tưởng lợn con đùa , nào ngờ nó làm thật. Thấy vậy ông chủ như đoán ra ý
định của nó liền mắng cho nó một chập:
- Ốm gì nó, trông béo tốt, phốp pháp, hây hây ra. Có lẽ ăn sướng quá nên
chê cám đấy mà,
- Bà cất ngay máng đi cho nó chừa tội
Bà chủ xen vào:
- Mai ông đi mua thêm một con nữa về, có hai con chúng nó tranh nhau
mà ăn ấy chứ.
Xem chừng đã uổng công lợn con suy tính, giả bộ. Nó sị mặt tiếc xô cám
khi nãy bà chủ cất đi:
- Biết thế này, chẳng thèm vờ vịt nữa
Câu chuyện: Bộ quần áo mới của cò con
Mưa xuân đang về trên khắp mọi nơi. Tết sắp đến rồi. Mọi người háo hức
đón chờ năm mới. Cò con cũng cảm nhận được không khí ấm áp của mùa xuân.
Ngày nào đến lớp, các bạn cũng kể chuyện Tết, thích ơi là thích. Bạn nào cũng
khoe Tết sẽ có quần áo mới. Thích thật! Thế mà Cò con chẳng có bộ quần áo
mới nào cả. Mấy năm rồi, Cò vẫn mặc áo quần cũ, màu trắng đã chuyển sang
màu ngà, bẩn ơi là bẩn. Cò quyết định xin mẹ mua một bộ quần áo mới. Đi học
về, Cò ôm cổ mẹ:
- Mẹ ơi, Tết này, các bạn con ai cũng có quần áo mới, con chẳng có bộ
nào cả. Mẹ mua cho con đi mẹ nhé!
- Bộ quần áo con đang mặc vẫn còn lành lắm, cần gì phải mua hả con?
- Ứ ừ, con không biết đâu, con thích bộ mới cơ.
Vừa nói, cò vừa lăn ra giẫy đành đạch, khóc toáng lên, rồi cứ khóc ti tỉ, đến
bữa cơm cũng không ăn. Mẹ cò đành hứa sẽ mua cho Cò một bộ quần áo mới.
Hôm sau đến lớp, Cò khoe ngay với các bạn: Cò cũng sẽ có quần áo mới để mặc
Tết đấy.
Sáng nào ngủ dậy, Cò cũng nhìn quanh nhà, hy vọng sẽ được nhìn thấy bộ
quần áo mới. Nhưng mãi Cò chẳng thấy quần áo đâu, cũng chẳng thấy mẹ nữa.

Mọi khi, mỗi lần Cò ngủ dậy, mẹ Cò lại âu yếm thơm Cò, rửa mặt cho Cò cơ.
Mẹ đi đâu mà sớm thế nhỉ? À, chắc mẹ đi mua quần áo cho Cò đấy.
Rồi buổi học cuối cùng của năm cũ cũng đã đến. Cò chia tay các bạn, hẹn
gặp nhau năm mới. Cò hứa sẽ cho các bạn xem bộ quần áo mới rất đẹp của mình.
Về nhà Cò hỏi mẹ ngay:
- Mẹ quần áo của con đâu?
- Đây, hôm nay mẹ mệt, mẹ chưa mua cho con được. Tiền đây, con sang
nhờ bác Vạc đi mua cho nhé.
Ôi, sướng quá, Cò chạy vù sang nhà bác Vạc rồi cùng bác đi ngay ra chợ
mua một bộ quần áo thật mới, thật đẹp. Ôi, bộ quần áo trắng tinh lại thêm màu
vàng hai bên nách áo trông thật thích mắt.
Trên đường từ chợ về nhà, Cò cứ giở ra ngắm đi ngắm lại mấy lần. Vừa về
đến nhà, nó chạy ào ra khoe với mẹ. Nhưng, sao nhà nó đông người thế này, còn
mẹ nó sao lại nằm im, mắt nhắm nghiền thế kia. Người thì xoa đầu, người thì
pha nước gừng, người thì quấn chăn ủ cho mẹ nó: “Mẹ con bị cảm lạnh đấy, khổ
thế, làm gì mà lặn lội ngoài bờ sông từ hai ba giờ sáng cơ chứ”. Cò con biết vì
sao rồi, nó chạy vào ôm chầm lấy mẹ và khóc.

×