BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
CHUYÊN ĐỀ
Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam thời Lê sơ
.
Lớp :
Nhóm :
02
Hà Nội – 2010
1
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Thời Lê sơ kéo dài đúng 100 năm (1428 - 1527), có 10 vua thuộc 6
thế hệ. Giai đoạn đầu của nhà Lê Sơ là thời kỳ xây dựng lại đất nước sau thời
bị nhà Minh đô hộ. Sau khi lên ngôi, Lê Lợi - Lê Thái Tổ - nhanh chóng bắt
tay vào xây dựng đất nước bị tàn phá qua nhiều năm chiến tranh.
Nói đến thời Lê sơ, người ta thường nhắc đến tính chất hoàn bị của bộ
máy thời kỳ này. Sở dĩ thời kỳ này có được sự phát triển mạnh về mọi phương
diện từ kinh tế, chính trị cho đến xã hội và xây dựng được bộ máy hoàn bị là
do thời kì này hội đủ 3 điều kiện để duy trì mô hình nhà nước đó là: Có một vị
minh Quân, hệ thống quan lại có tài và có đức, và có một hệ thống pháp luật
nghiêm minh.
Trải qua bốn đời vua đầu: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông
và Lê Nghi Dân xã hội Đại Việt đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, nhưng
phải bắt đầu từ cuộc cải tổ của Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến mới có
được tính chất của một mô hình phong kiến thực sự hoàn bị.
Sang thời Lê Thánh Tông, vua tiến hành một loạt cải cách đưa Đại
Việt bước vào thời kỳ phát triển thịnh trị được coi là thời kỳ hoàng kim của
chế độ phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ.
II. TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH VÀ BỘ MÁY NHÀ NƯỚC
1. Tổ chức hành chính
Một công việc thiết yếu mà các vua thời Lê sơ đều quan tâm và
cố gắng thực hiện là kiện toàn bộ máy nhà nước quân chủ tập trung, mang tính
quan liêu chuyên chế
Vua Lê Thái Tổ chia nước ra làm 5 đạo, đến thời Lê Thánh Tông đã
cải tổ lại, chia thành 13 đạo thừa tuyên, mỗi đạo có quan Hành khiển giữ sổ
sách về quân và dân. Dưới đạo có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, cùng các đơn
vị cơ sở như hương, xã, thôn, trang, sách, động, nguồn, trường. Riêng kinh
thành Thăng Long được chia thành 36 phường. Thời Lê Thái Tổ các xã hơn
100 người thì gọi là đại xã có ba xã quan trông coi. Xã có hơn 50 người được
gọi là trung xã, có hai xã quan. Còn tiểu xã thì có 10 người trở lên và chỉ có
một xã quan. Đến thời Lê Thánh Tông thì quy mô của xã lớn hơn
Từ thời Lê Thánh Tông, có sự sắp xếp lại bộ máy nhằm tập trung
quyền lực vào tay hoàng đế và kiểm soát chặt chẽ cấp địa phương. Bộ máy tổ
chức thời Lê Thánh Tông là bộ máy quân chủ chuyên chế được tổ chức khá
chặt chẽ và hoàn chỉnh. Tổng số quan lại thời Hồng Đức là 5.370 người, trong
đó quan lại trong triều 2.755 người, quan lại địa phương 2.615 người
2. Bộ máy nhà nước
Ở trung ương, đứng đầu là nhà vua. Nhà vua là người có quyền lực tối
cao, nắm cả giáo quyền và thế quyền. Về giáo quyền, nhà vua là vị giáo chủ
độc nhất và cao nhất trong cả nước. Về thế quyền, nói theo ngôn ngữ hiện đại
ngày nay, nhà vua nắm toàn bộ các quyền lập pháp (ban hành pháp luật), hành
2
pháp (thi hành pháp luật) và tư pháp (xét xử, bảo vệ pháp luật). Ngôi vua chỉ
có thể truyền cho một người, người đó là con trai trưởng của nhà vua theo
nguyên tắc trọng trưởng, trọng nam. Mục đích của qui định này là nhằm đảm
bảo tính thống nhất và vĩnh cửu của nhà nước phong kiến.
Bộ máy chính quyền thời Lê Thái Tổ cơ bản theo mô hình thời Trần.
Giúp việc trực tiếp cho Hoàng đế là Trung khu gồm các quan tả, hữu tướng
quốc, Tam Thái (Thái sư, Thái uý, Thái bảo), tam Thiếu (Thiếu sư, Thiếu uý,
Thiếu bảo), Tam Tư (Tư mã, Tư không, Tư khấu), bộc xạ. Dưới Trung khu là
hai ban văn, võ.
Đứng đầu ban văn là quan Đại Hành khiển. Các bộ, ngành thuộc văn
ban là bộ Lại, bộ Lễ, Khu Mật Viện, Hàn Lâm viện, Ngũ hình viện, Ngự sử
đài, Quốc tử giám, Quốc sử viện, nội thị sảnh, và các cơ quan khác gọi là
quán, cục, hay ty. Đứng đầu các bộ là quan thượng thư.
Đứng đầu ban võ là Đại tổng quan. Tiếp đến là các chức đại đô đốc, đô
tổng quản, tổng quản, tổng binh, tư mã. Ban võ gồm 6 quân điện tiền và 5
quân thiết đột.
Bộ máy quan liêu hành chính và chuyên môn cũng được kiện toàn
từng bước. Năm 1471 , Lê Thánh Tông đã tiến hành một đợt cải cách hành
chính lớn (dụ Hiệu định quan chế) nhằm tăng cường sự kiểm soát chỉ đạo của
Hoàng đế đối với các triều thần, tăng cường sự ràng buộc, kiểm soát lẫn nhau
trong giới quan liêu, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quan
lại.
Lê Thánh Tông đã lập ra đầy đủ các thiết chế như: các Bộ, Tự, Khoa
và Viện.
Lục bộ gồm có Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công.
Ban đầu khi Vua Lê Thái Tổ lên ngôi chỉ có hai Bộ là Bộ Lễ và Bộ Lại. Đến
đời Lê Nghi Dân (1459), triều đình mới chính thức được tổ chức dựa theo hệ
thống của Trung Hoa đặt đủ Lục bộ. Lê Thánh Tông sau này tiếp tục kế thừa
và hoàn thiện chức năng của thiết chế Lục Bộ này.
Về chức năng:
- Bộ lại là Bộ giữ việc quan tước, phong tước, thuyên chuyển, bãi
truất, thăng thưởng, bổ sung quan lại.
- Bộ Hộ quản lý ruộng đất, nhân khẩu, thu phát bổng lộc, đồ cống
nạp, thuế khoá, muối và sắt.
- Bộ Lễ quản lý về lễ nghi và đào tạo bao gồm các công việc như tế
tự, yến tiệc, trường học, thi cử, áo mũ, ấn tín, phù hiệu, chương tấu, biểu văn,
sứ thần cống nạp, các quan chầu mừng, tư thiên giám, thuốc thang.
- Bộ Binh quản lý về quân sự như binh nhung, quân cấm vệ, xe ngựa,
khí giới, giữ việc biên giới, tuyển dụng chức võ.
- Bộ Hình quản lý về vấn đề luật lệnh và xét xử người phạm tội ngũ
hình.
3
- Bộ Công quản lý việc xây dựng thành hào, cầu cống đường sá, việc
thợ thuyền, tu sửa xây dựng, quản lý tài nguyên.
Mỗi bộ có 1 viên Thượng thư và 2 Tả bộ thị lang và cơ quan thường
trực là Vụ tư sảnh đứng đầu. Giám sát Lục bộ là Lục khoa tương ứng, gồm Lại
khoa, Lễ khoa, Hộ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa. Đứng đầu các
khoa là Đô cấp sự trung và Cấp sự trung. Giúp việc cho Lục bộ là Lục tự,
Gồm có:
- Đại lý tự: cơ quan phụ trách hình án. Xét xong án chuyển sang Bộ
Hình để tâu lên vua quyết định
- Thái thường tự: cơ quan phụ trách lễ nghi, âm nhạc cung đình
- Quang lộc tự: phụ trách hậu cần đồ lễ trong các buổi lễ của triều
đình.
- Thái bộc tự: cơ quan phụ trách xe ngựa của vua và coi sóc chuồng
ngựa của vua.
- Hồng lô tự: Tổ chức việc xướng danh những người đỗ trong kỳ thi
đình; lo an táng đại thần qua đời và tiếp đón các ông hoàng ngoại quốc
- Thượng bảo tự: Cơ quan coi việc đóng ấn vào quyển thi của các thí
sinh thi Hội
Ngoài lục tự, vua Lê Thánh Tông tổ chức thêm một số cơ quan chuyên
môn không lệ thuộc vào 6 bộ, bao gồm:
- Thông Chính ty: cơ quan phụ trách chuyển đạt giấy tờ của triều đình
xuống và nhận đơn từ của nhân dân tâu lên vua. Đứng đầu là Thông chính sứ,
trật Tòng tứ phẩm.
- Quốc Tử Giám: cơ quan giáo dục cao nhất trong cả nước. Đây là
trường đại học của triều đình có nhiệm vụ đào tạo nhân tài cho quốc gia. Đứng
đầu là Tế tửu, trật chánh tứ phẩm.
- Quốc sử viện: cơ quan chép sử của triều đình. Nhà vua nói gì, làm gì,
sử quan đều phải ghi chép cẩn thận và trung thực. Đứng đầu là Quốc sử viện
Tu soạn, trật chánh bát phẩm
- Khuyến nông và Hà đê xứ: Hai cơ quan coi việc nông nghiệp và
trông nom về thủy lợi.
3. Quân đội:
Quân đội thời Lê Sơ là một quân đội mạnh, được huấn luyện kỹ, có
nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, Lê
Lợi có 35 vạn quân, sau khi cho giải ngũ, còn 10 vạn.
Quân đội được chia thành cấm binh và ngoại binh. Lê Thái Tổ chia
quân thành 5 phiên, Lê Thánh Tông đổi thành 5 phủ (quân khu). Cũng như
thời Lý - Trần, nhà Lê đã áp dụng chính sách "ngụ binh ư nông", cho quân
lính thay phiên về làm ruộng.
4
Theo chế độ tuyển quân, cứ 3 đinh lấy một lính thường trực (tráng
hạng) và một lính trù bị (quân hạng). Có các loại quân thủy, bộ, tượng, kỵ. Vũ
khí ngoài giáo mác, cung tên, có hỏa pháo và hỏa đồng. Chế độ tập luyện quy
củ. Hàng năm, quân sĩ từ Thanh Hóa trở ra tập duyệt ở Kinh đô, từ Thanh Hóa
trở vào tập duyệt tại địa phương. Ở phía tây thành Thăng Long, có khu Giảng
Võ điện, Giảng Võ đường chuyên huấn luyện tướng sĩ.
III. LUẬT PHÁP
Trong việc trị nước, bên cạnh lễ giáo, các vua thời Lê sơ rất chú
trọng đến việc chế định pháp luật. Lê Thánh Tông nói: "Pháp luật là phép
công của nhà nước, vua cùng quan đều phải theo". Đến thời Hồng Đức,
Lê Thánh Tông đã cho ban hành bộ luật thành văn hoàn chỉnh, gồm 722
điều, được gọi là Quốc triều hình luật hay Bộ luật Hồng Đức, sẽ được duy trì
và bổ sung ở các thế kỷ sau. Về hình thức, đó là bộ luật hình sự (với
khung ngũ hình: suy, trượng, đồ, lưu, tử), nhưng thực chất là Bộ Luật tổng
hợp, có các điều khoản về Điền sản, Dân sự, Hôn nhân gia đình
Nội dung cơ bản của Bộ luật là bảo vệ vương quyền, chế độ quan
liêu. trật tự đẳng cấp, gia đình phụ hệ gia trưởng và ý thức hệ Nho giáo.
Luật quy định 10 trọng tội không thể nhân nhượng được (thập ác) và 8
hạng người có thể miễn giảm tội (bát nghị).
Bộ luật mang tính đẳng cấp, có mô phỏng luật Trung Quốc, nhưng
nhiều điều khoản đã lưu ý đến những tập quán cổ truyền mang tính đặc hữu
dân tộc.
Quyền lợi của phụ nữ đã được chú trọng trong việc thừa kế gia tài
và xét xử ly hôn, được coi là tiến bộ hơn so với luật Trung Quốc đương thời.
Với bộ luật này, Đại Việt đã hình thành một nhà nước pháp quyền sơ
khởi và thuộc loại sớm trên thế giới. Lê Thánh Tông đã lấy những quan điểm
của nho giáo làm hệ tư tưởng, chỉ đạo việc biên soạn, ban hành luật pháp,
nhằm thể chế hoá một nhà nước phong kiến Đại Việt, với truyền thống nhân
nghĩa, lấy dân làm gốc.
1. Giới thiệu chung về Quốc triều hình luật
Quốc triều hình luật có 13 chương, được ghi chép trong 6 quyển (5
quyển có 2 chương/quyển và 1 quyển có 3 chương), gồm 722 điều.
Chương 1. Chương Danh lệ: 49 điều quy định về những vấn đề cơ bản
có tính chất chi phối nội dung các chương điều khác (quy định về thập ác, ngũ
hình, bát nghị, chuộc tội bằng tiền v.v)
Chương 2. Chương Vệ cấm: 47 điều quy định về việc bảo vệ cung
cấm, kinh thành và các tội về cấm vệ.
Chương 3. Chương Vi chế: 144 điều quy định về hình phạt cho các
hành vi sai trái của quan lại, các tội về chức vụ.
Chương 4. Chương Quân chính: 43 điều quy định về sự trừng phạt các
hành vi sai trái của tướng, sĩ, các tội quân sự.
5
Chương 5. Chương Hộ hôn: 58 điều quy định về hộ tịch, hộ khẩu, hôn
nhân-gia đình và các tội phạm trong các lĩnh vực này.
Chương 6. Chương Điền sản: 59 điều, trong đó 32 điều ban đầu và 27
điều bổ sung sau, quy định về ruộng đất, thừa kế, hương hỏa và các tội phạm
trong lĩnh vực này.
Chương 7. Chương Thông gian: 10 điều quy định về các tội phạm tình
dục.
Chương 8. Chương Đạo tặc: 54 điều quy định về các tội trộm cướp,
giết người và một số tội chính trị như phản nước hại vua.
Chương 9. Chương Đấu tụng: 50 điều quy định về các nhóm tội đánh
nhau (ẩu đả) và các tội vu cáo, lăng mạ v.v
Chương 10. Chương Trá ngụy: 38 điều quy định các tội giả mạo, lừa
dối.
Chương 11. Chương Tạp luật: 92 điều quy định về các tội không
thuộc các nhóm tội danh trên đây.
Chương 12. Chương Bộ vong: 13 điều quy định về việc bắt tội phạm
chạy trốn và các tội thuộc lĩnh vực này.
Chương 13. Chương Đoán ngục: 65 điều quy định về việc xử án, giam
giữ can phạm và các tội phạm trong lĩnh vực này.
2. Một số nội dung cơ bản của Quốc triều hình luật
2.1 Các quy định dân sự
Trong bộ luật Hồng Đức, các quan hệ dân sự được đề cập tới nhiều
nhất là các lĩnh vực như: quan hệ sở hữu, quan hệ hợp đồng và thừa kế ruộng
đất.
a) Sở hữu và hợp đồng
Quốc triều hình luật đã phản ánh hai chế độ sở hữu ruộng đất trong
thời kỳ phong kiến là: sở hữu nhà nước (ruộng công) và sở hữu tư nhân (ruộng
tư).
Trong bộ luật Hồng Đức, do đã có chế độ lộc điền - công điền tương
đối toàn diện thể hiện ở các điều 342, 343, 344, 345, 347, 350
Việc bảo hộ quyền sở hữu tư nhân/ hợp đồng về ruộng đất tư cũng
được quy định rõ ràng. Chẳng hạn, cấm xâm lấn ruộng đất của người khác
(điều 357), cấm tá điền tranh ruộng đất của chủ (điều 356), cấm ức hiếp để
mua ruộng đất của người khác (điều 355) v.v
Qua một số quy định trên, có thể thấy bộ luật đã điều chỉnh 3 loại hợp
đồng về ruộng đất: Mua bán ruộng đất; Cầm cố ruộng đất; Thuê mướn ruộng
đất.
Về hình thức, các hợp đồng thường phải lập thành văn tự giữa các bên
tham gia hợp đồng với sự chứng thực của quan viên có thẩm quyền.
6
b) Thừa kế
Trong lĩnh vực thừa kế, quan điểm của các nhà làm luật thời Lê khá
gần gũi với các quan điểm hiện đại về thừa kế. Thể hiện ở các điều 354, 388,
374-377, 380, 388.
c) Trách nhiệm dân sự
- Tổn thất vật chất
Những tổn thất phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm
hợp đồng (trong hợp đồng) được Luật Hồng Đức quy định rất rõ ràng và cụ
thể:
Điều 579 quy định về bồi thường trong trường hợp các bên đã xác lập
một khế ước nhận giữ súc vật và của cải của nhau mà bên nhận giữ lại tự tiện
mang đi tiêu dùng. “Những người nhận giữ của ai gửi súc vật của cải mà đem
dùng hay tiêu đi thì xử phạt 80 trượng và đền tiền theo tổn thất, nói dối là chết
hay mất thì phải biếm một tư và đền tiền gấp đôi, nếu mà đánh mất thì bị xử
phạt 40 trượng và đền tiền theo giá trị súc vật bị mất”.
Điều 356, 361, 383, 384, 587, 888, 589; 603 quy định về nhiều loại
khế uớc rất quan trọng và thông dụng trong dân chúng như khế ước mua bán,
cho vay, cho thuê.
- Tổn thất về tinh thần
Điều 472 quy định về trường hợp kẻ dưới đánh quan lại, quan lại đánh
lẫn nhau thì khi một người đánh quan chức bị thương, ngoài việc phải chịu
hình phạt, đền bù thương tổn còn phải đền tiền tạ. Trái lại, nếu đánh người
không phải quan chức, theo quy định tại các điều luật khác thì không phải chịu
khoản tiền tạ.
2.2 Các quy định hình sự
a) Các nguyên tắc chủ đạo
Hình luật thời Lê sơ không ghi nhận khái niệm tội phạm mà chỉ quy
định những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội phải chịu hình phạt. Ngoài ra có
một số hành vi mà pháp luật ngày nay cho đó là vi phạm pháp luật hành chính,
dân sự hay thậm chí là vi phạm đạo đức cũng được xem là tội phạm.
Pháp luật hình sự thời này có đề cập đến hai hình thức lỗi cố ý và vô ý.
Pháp luật hình sự thời này cho phép người thân trong gia đình được
che chỡ lẫn nhau, cấm tố cáo nếu người thân có phạm tội ( điều 504)
Hình luật là nội dung trọng yếu và có tính chất chủ đạo, bao trùm toàn
bộ nội dung của bộ luật. Các nguyên tắc hình sự chủ yếu của nó là:
- Vô luật bất thành hình (điều 642, 683, 685, 708, 722):
- Chiếu cố (điều 1, 3-5, 8, 10, 16, 17, 680):
- Chuộc tội bằng tiền (điều 6, 16, 21, 22, 24):
- Trách nhiệm hình sự (điều 16, 35, 38, 411, 412).
7
- Miễn, giảm trách nhiệm hình sự (điều 18, 19, 450, 499, 553).
- Thưởng người tố giác, trừng phạt người che giấu (điều 25, 39, 411,
504)
b) Các nhóm tội cụ thể
- Thập ác: Là 10 trọng tội nguy hiểm nhất như:
+ Các tội liên quan đến vương quyền: mưu phản, mưu đại nghịch (điều 2,
411), mưu bạn (phản bội tổ quốc-điều 412), đại bất kính (430, 431).
+ Các tội liên quan đến quan hệ hôn nhân-gia đình: ác nghịch (điều 416),
bất hiếu (nhiều điều, chẳng hạn điều 475), bất mục, bất nghĩa, nội loạn.
+ Tội liên quan đến tiêu chí đạo đức hàng đầu của Nho giáo: bất đạo
(420 và 421).
- Các nhóm tội phạm khác: bao gồm các tội liên quan đến sự an toàn
thân thể của vua, nghi lễ cung đình, xâm phạm trật tự công cộng, quản lý hành
chính, thể thức nghi lễ triều đình, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và
nhân phẩm con người, các tội xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã
hội, các tội phạm quân sự, xâm phạm chế độ sở hữu ruộng đất, xâm phạm chế
độ hôn nhân-gia đình, các tội tình dục, các tội xâm phạm chế độ tư pháp v.v
c) Hình phạt
* Ngũ hình (có 5 hình phạt chính): Ngũ hình được quy định tại điều 1
và bao gồm: xuy, trượng, đồ, lưu, tử:
- Xuy hình (đánh bằng roi) có 5 bậc: 10, 20, 30, 40 và 50 roi, có thể
kèm phạt tiền và biếm chức, áp dụng cả cho nam và nữ.
- Trượng (đánh bằng gậy) cũng có 5 bậc: 60, 70, 80, 90 và 100 trượng,
chỉ áp dụng cho nam và có thể kèm theo hình phạt bổ sung là đồ hình, lưu
hình hoặc biếm chức.
- Đồ hình (bắt làm việc nặng) có 3 bậc là: Dịch đinh kèm 80 trượng
cho nam và dịch phụ kèm 50 roi cho nữ; Tượng phường binh (quét dọn
chuồng voi kèm 80 trượng và thích 2 chữ vào mặt) cho nam và xuy thất tỳ
(nấu cơm nuôi quân kèm 50 roi và thích 2 chữ vào cổ) cho nữ; Chủng điền
binh (lính lao động ở đồn điền của nhà nước kèm 80 trượng và thích vào cổ 4
chữ, phải đeo xiềng) cho nam và thung thất tỳ (xay thóc giã gạo trong các kho
thóc thuế của nhà nước kèm 50 roi và thích vào cổ 4 chữ) cho nữ.
- Lưu hình (đi đày) có 3 bậc:
+ Một là châu gần: Người phạm tội bị đánh 9 trượng, thích vào mặt 6
chữ, đeo xiềng, đày đi làm việc ở Nghệ An, Hà Hoa (đối với nam); đánh 50
roi, thích vào mặt 6 chữ, không đeo xiềng, bắt phải làm việc (đối với nữ).
+ Hai là châu ngoài: Đánh 90 trượng, thích vào mặt 8 chữ, đeo xiềng
02 vòng, đày đi làm việc ở Quảng Bình.
+ Ba là châu xa: Đánh 100 trượng, thích vào mặt 10 chữ đeo xiềng 3
vòng, đày đi làm việc ở các vùng xứ Cao Bằng.
8
- Tử hình (giết chết) có 3 bậc là: Giảo (thắt cổ), trảm (chém đầu);
Khiêu (chém bêu đầu); Lăng trì (tùng xẻo) tức xẻo từng miếng thịt rồi mổ
bụng, moi ruột cho đến chết, sau đó còn bị cắt rời chân tay và bẻ gãy hết
xương.
* Các hình phạt khác
Ngoài ngũ hình, luật Hồng Đức còn áp dụng các hình phạt khác như:
Biếm tư; Phạt tiền; Tịch thu tài sản; Thích chữ vào cổ hoặc mặt: Xung vợ con
làm nô tỳ.
2.3. Các quy định trong hôn nhân - gia đình
a) Hôn nhân
Trong lĩnh vực hôn nhân, bộ luật đã điều chỉnh các quan hệ như kết
hôn, chấm dứt hôn nhân (do chết hoặc ly hôn).
- Kết hôn
Trong quan hệ kết hôn, luật quy định các điều kiện để có thể kết hôn
là: có sự đồng ý của cha mẹ (điều 314), không được kết hôn giữa những người
trong họ hàng thân thích (điều 319), cấm kết hôn khi đang có tang cha, mẹ hay
chồng (điều 317), cấm kết hôn khi ông, bà, cha hay mẹ đang bị giam cầm, tù
tội (điều 318), cấm anh (em) lấy vợ góa của em (anh), trò lấy vợ góa của thày
(điều 324), với một số quy định khác trong các điều 316, 323, 334, 338, 339.
Luật Hồng Đức cũng quy định về hình thức và thủ tục kết hôn như đính hôn
và thành hôn (điều 314, 315, 322).
- Chấm dứt hôn nhân
Luật Hồng Đức quy định các trường hợp chấm dứt hôn nhân là: một
trong người đã chết, ly hôn.
Về trường hợp chấm dứt hôn nhân do một trong hai người đã chết cần
lưu ý là quan hệ hôn nhân chỉ thực sự chấm dứt ngay nếu người chết là vợ,
còn nếu là chồng chết thì nó chỉ chấm dứt sau khi mãn tang. Quy định này
được đặt ra một cách gián tiếp trong các điều 2 và 320.
Về trường hợp ly hôn có ba nhóm sau: Buộc phải ly hôn (các điều
317, 318, 323, 324, 334); Ly hôn do lỗi của người vợ (Điều 310); Ly hôn do
lỗi của người chồng (điều 308, 333).
b) Quan hệ gia đình
Trong lĩnh vực quan hệ gia đình, bộ luật đã điều chỉnh các quan hệ như
quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa các thân
thuộc.
- Quan hệ vợ - chồng: Nghĩa vụ phải chung sống tại một nơi và phải có
trách nhiệm với nhau (các điều 321 và 308, 309), không được ngược đãi vợ
(điều 482), nghĩa vụ chung thủy (điều 401, 405), nghĩa vụ để tang nhau (các
điều 2, 7).
9
- Quan hệ cha mẹ - con cái: nghĩa vụ phải vâng lời và phụng dưỡng cha
mẹ, ông bà (khoản 7 điều 2), nghĩa vụ chịu tội roi, trượng thay cho ông bà, cha
mẹ (điều 38), nghĩa vụ không được kiện cáo ông bà-cha mẹ (điều 511
- Quan hệ nhân thân khác: Đề cập tới quan hệ giữa vợ cả-vợ lẽ (các điều
309, 481, 483, 484) và nhà chồng, anh-chị-em (các điều 487, 512), nuôi con
nuôi (các điều 380, 381, 506) và vai trò của người trưởng họ (điều 35).
2. 4. Các quy định tố tụng
- Thẩm quyền và trình tự tố tụng của các cấp chính quyền (điều 672)
- Thủ tục tố tụng (phần lớn của hai chương cuối) như đơn kiện- đơn tố
cáo (các điều 508, 513, 698), thủ tục tra khảo (các điều 546, 660, 665, 667,
668, 714, 716), thủ tục xử án (các điều 671, 709), phương pháp xử án (các
điều 670, 683, 686, 708, 714, 720, 722), thủ tục bắt người (các điều 646, 658,
659, 663, 676, 680, 701-704).
IV. KẾT LUẬN
Nhà nước và pháp luật Việt Nam thời Lê Sơ về hành chính là nhà nước
có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, quyền lực tập trung vào tay nhà vua - thể hiện tính
độc quyền của chế độ phong kiến, về luật pháp bộ lụât Hồng Đức có nội dung
chính là để bảo vệ vương quyền, địa vị và quyền lợi của giai cấp phong kiến,
củng cố trật tự xã hội và gia đình gia trưởng phong kiến. Nó là sự hiện thực
hóa tư tưởng chính trị và đạo đức Nho giáo.