Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trước thách thức hội nhập quốc tế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (61.27 KB, 3 trang )

Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ
trước thách thức hội nhập quốc tế
PGS-TS Phạm Quang Trung

Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) giữ một vị trí quan trọng và đóng góp đáng kể trong sự
tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong một thập kỷ qua, các DNVVN của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những
cơ hội, quá trình hội nhập cũng đang đặt ra những thách thức lớn đối với các DNVVN. Bài viết dưới
đây đề cập đến những hạn chế về khả năng cạnh tranh của các DNVVN và những giải pháp nhằm
nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực này.
Những hạn chế về khả năng cạnh tranh của các DNVVN ở Việt Nam hiện nay
Khái niệm “khả năng cạnh tranh” (competitiveness) thường dùng để nói đến các đặc tính cho phép một
hãng cạnh tranh một cách có hiệu quả với các hãng khác nhờ có chi phí thấp hoặc sự vượt trội về công
nghệ trong so sánh quốc tế (theo nhà kinh tế Alan V. Deardorff). Các DNVVN của Việt Nam có nhiều lợi thế
cạnh tranh; tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Dưới đây là một số hạn chế cơ bản:
Thứ nhất, khả năng cạnh tranh yếu về mặt tài chính. Quy mô vốn và năng lực tài chính (kể cả vốn của chủ
sở hữu và tổng nguồn vốn) của nhiều DN còn rất nhỏ bé, vừa kém hiệu quả, vừa thiếu tính bền vững. Số
lượng DN nhỏ và vô cùng nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao. Việt Nam có hơn 72. 000 DN đang hoạt động, số lượng
có tăng lên nhưng quy mô chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Số DN có vốn dưới 1 tỷ đồng chiếm tới 44,1%, quy
mô lao động dưới 10 người chiếm 46,6%. Nếu so sánh năm 2004 với năm 2000, số vốn và số lượng lao
động bình quân trong mỗi DN đã giảm từ 26 tỷ đồng và 84 lao động xuống còn 24 tỷ đồng và 72 lao động
(theo số liệu của Tổng cục Thống kê).
Thứ hai, khả năng cạnh tranh yếu về quản lý. Đội ngũ chủ DN, giám đốc và cán bộ quản lý DNVVN còn
nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng quản lý. Số lượng DNVVN có chủ DN, giám đốc giỏi, trình độ chuyên
môn cao và năng lực quản lý tốt chưa nhiều. Một bộ phận lớn chủ DN và giám đốc DN tư nhân chưa được
đào tạo bài bản về kinh doanh và quản lý, còn thiếu kiến thức kinh tế - xã hội và kỹ năng quản trị kinh
doanh, đặc biệt là yếu về năng lực kinh doanh quốc tế (TS Lê Đăng Doanh). Từ đó dẫn đến khuynh hướng
phổ biến là hoạt động quản lý theo kinh nghiệm, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kiến thức trên các phương
diện: Quản lý tổ chức, phát triển thương hiệu, chiến lược cạnh tranh, sử dụng máy tính và công nghệ thông
tin. Một số chủ DN thậm chí mở công ty chỉ vì có sẵn tiền vốn và thích kinh doanh, trong khi thiếu kiến thức
và kỹ năng về kinh doanh, vì vậy đã dẫn đến rủi ro và thất bại.


Thứ ba, năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao làm yếu khả năng cạnh tranh
của các DNVVN. Vấn đề này đã được nhiều nhà chuyên môn phân tích khi so sánh giữa sản phẩm trong
nước với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philipines,…
Thứ tư, nhận thức và sự chấp hành luật pháp còn hạn chế làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Một số
khá lớn DNVVN còn chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định về
thuế, quản lý tài chính, quản lý nhân sự, chất lượng hàng hoá và sở hữu công nghiệp. Tình trạng các
DNVVN bị các cơ quan chức năng phàn nàn, thậm chí “thổi còi” vì vi phạm các chế độ về thuế, tài chính
còn khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này cũng là
do việc nhận thức, hiểu biết của DN về luật pháp còn nhiều hạn chế.
Thứ năm, sự yếu kém về thương hiệu cũng góp phần làm yếu khả năng cạnh tranh. Hầu hết các DNVVN ở
Việt Nam chưa xây dựng được các thương hiệu mạnh, chưa khẳng định được uy tín và khả năng cạnh
tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Vài năm gần đây, nhiều DN đã quan tâm và chú trọng hơn vào
việc xây dựng, phát triển thương hiệu nên đã thu được những thành công. Những thương hiệu như
Vinamilk, Kinh Đô, Cà phê Trung Nguyên, Hoà Phát, Bitis, Dệt Thái Tuấn… đã chiếm được vị thế cao trên
thị trường và vươn lên tầm những DN lớn. Tuy nhiên, nhiều DN ở Việt Nam, đặc biệt là các DNVVN chưa
có chiến lược xây dựng thương hiệu, chưa tạo được uy tín về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, do đó khả
năng cạnh tranh còn yếu. Xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững là một vấn đề rất quan trọng đối với
khu vực DNVVN trong thời gian tới, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập WTO.
Sự gia tăng tốc độ hoạt động là yêu cầu tất yếu để đạt năng suất, hiệu quả cao và nhằm tạo ra sức ép lớn
đối với mọi DN - không loại trừ DNVVN. Vấn đề “nhanh hơn, tốt hơn, rẻ hơn” chính là thách thức trong cuộc
đua cạnh tranh đối với mọi DN. Các DN Việt Nam đã nhìn thấy nhiều bài học về sức cạnh tranh của hàng
dệt may, xe máy, hàng tiêu dùng Trung Quốc; của hàng bánh kẹo và hoa quả Thái Lan,… Công nghệ điện
tử và kỹ thuật số đang tác động đến tất cả các công ty, các văn phòng; do đó sức ép về tốc độ xử lý, độ
nhạy bén và tri thức đối với các giám đốc và các nhà quản lý cũng gia tăng hết sức nhanh chóng.
Hội nhập quốc tế buộc các DN phải nâng cao khả năng cạnh tranh để đủ sức đứng vững trên thương
trường. Năng lực của các nhà quản lý DN là một trong những nhân tố quan trọng nhất có ảnh hưởng quyết
định đến khả năng cạnh tranh của DN. Doanh nhân ngày nay cần có những năng lực tổng hợp và ở mức độ
cao hơn hẳn 5 năm trước; trong đó cần đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về xây dựng và
phát triển thương hiệu, về chiến lược cạnh tranh.
Giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của DNVVN

Cộng đồng DN Việt Nam, trong đó có các DNVVN đã và đang đóng góp ngày càng quan trọng hơn trong
công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước. Các DNVVN đang đứng trước những thách thức và
cơ hội to lớn, đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu ngày càng gay gắt của cơ chế kinh tế thị trường và sức ép hội
nhập quốc tế. Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNVVN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập,
chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề:
Một là, tăng cường năng lực quản trị kinh doanh của các giám đốc và cán bộ quản lý trong các DNVVN.
Hai yếu tố thiết yếu hình thành năng lực tổng hợp của một doanh nhân là tố chất nghiệp chủ và năng lực
quản lý nhưng ở nước ta, trong nhiều trường hợp, một doanh nhân có được yếu tố thứ nhất lại thiếu yếu tố
thứ hai; hoặc phát triển các yếu tố đó không hài hoà, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng và sự đòi
hỏi khắc nghiệt của hoạt động kinh doanh với mức độ cạnh tranh quốc tế hoá ngày càng cao. Để phát triển
các năng lực nói trên, cần có sự nỗ lực của bản thân DN và sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức hữu quan;
nhưng sự chủ động, tích cực phấn đấu của bản thân mỗi giám đốc và nhà kinh doanh phải là nhân tố quyết
định. Doanh nhân cần được chú trọng nâng cao những kỹ năng cần thiết và cập nhật những kiến thức hiện
đại để đủ sức bước vào nền kinh tế tri thức. Một số kiến thức và kỹ năng có thể đã có nhưng cần được hệ
thống hoá và cập nhật, trong đó, cần đặc biệt chú ý những kỹ năng hữu ích như: Kỹ năng quản trị hiệu quả
trong môi trường cạnh tranh; kỹ năng lãnh đạo của nghiệp chủ và giám đốc DN; kỹ năng quản lý sự thay
đổi; kỹ năng thuyết trình, đàm phán, giao tiếp và quan hệ công chúng; kỹ năng quản lý thời gian. Những kỹ
năng này kết hợp với các kiến thức quản trị có hiệu quả sẽ có tác động quyết định đối với các doanh nhân,
các nghiệp chủ và các nhà quản lý DN trong đó có DNVVN, qua đó làm tăng khả năng cạnh tranh của các
DN.
Hai là, phát triển năng lực quản trị chiến lược của cán bộ quản lý trong các DNVVN.
Sự yếu kém về tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh doanh là một trong những nguyên nhân của sự
thất bại trong phát triển dài hạn. Có DN hoạt động rất thành công ở quy mô nhỏ nhưng thất bại ngay khi
bước vào giai đoạn mở rộng quy mô. Các DNVVN đều phải xây dựng khả năng phát triển một cách bền
vững, nếu không sẽ khó trụ vững trong cuộc cạnh tranh. Những trường hợp DN phát triển rầm rộ trong một
vài năm, sau đó suy yếu nhanh, thậm chí tan vỡ là các minh chứng (các vụ đổ vỡ như Minh Phụng, Epco,
Tamexco… là những ví dụ đáng xem xét để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm hữu ích).
Để bồi dưỡng, phát triển năng lực quản lý chiến lược và tư duy chiến lược cho đội ngũ giám đốc và cán bộ
kinh doanh trong các DNVVN, cần chú trọng đặc biệt những kỹ năng: Phân tích kinh doanh, dự đoán và
định hướng chiến lược, lý thuyết và quản trị chiến lược, quản trị rủi ro và tính nhạy cảm trong quản lý.

Về mặt chiến lược cạnh tranh, các DN Việt Nam còn rất yếu về liên kết nhóm, đặc biệt là trên phạm vi quốc
gia. Vừa cạnh tranh vừa hợp tác, hợp tác để tăng cường khả năng cạnh tranh; nếu các DN chỉ thuần tuý
chú ý đến mặt cạnh tranh mà bỏ qua mặt hợp tác thì rất sai lầm. Phải biết hợp tác đi đôi với cạnh tranh để
giảm bớt căng thẳng và tăng cường năng lực cạnh tranh của DN.
Ba là, tăng cường vai trò của các hiệp hội, các câu lạc bộ giám đốc và các tổ chức chuyên môn đối với sự
phát triển của các DNVVN.
So với nhiều nước có nền kinh tế phát triển, vai trò của các hiệp hội chuyên ngành, các câu lạc bộ... ở nước
ta trong việc giao lưu, xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin và hỗ trợ phát triển chuyên môn còn hạn chế,
mờ nhạt cả về số lượng, quy mô và nội dung hoạt động. Vì vậy cần chú trọng hơn nữa việc tổ chức các
buổi trao đổi sinh hoạt, giới thiệu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, cập nhật thông tin về ngành và về
hoạt động kinh doanh. Những hoạt động đó tuy đơn giản nhưng rất bổ ích, tạo điều kiện phát triển và hoàn
thiện năng lực của các giám đốc và cán bộ quản lý kinh doanh.
Bốn là, bồi dưỡng khả năng kinh doanh quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của DNVVN.
Hiện nay, mặc dù đã có những bước tiến lớn nhưng nếu so với trình độ quốc tế thì hầu hết các DNVVN Việt
Nam còn tụt hậu một khoảng cách đáng kể. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trên thương
trường quốc tế thì chính bản thân các giám đốc và cán bộ quản lý DN trước hết cần tăng cường khả năng
đó. Đây là đòn bẩy nhân tố con người trong các tổ chức kinh doanh. Điều này các doanh nhân và nhà quản
lý trong các DNVVN có thể thực hiện được (bằng chứng là đã có những doanh nhân Việt Nam thành công
trên thương trường quốc tế). Tuy nhiên, con số này còn quá ít và phát triển còn mang tính tự phát. Đã đến
lúc ở cấp vĩ mô cần quan tâm có tính hệ thống nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. Những kinh
nghiệm và sự thành công của Hàn Quốc và Đài Loan trong lĩnh vực này rất đáng được chúng ta nghiên cứu
và chọn lọc.
Đối với giám đốc và nhà quản lý DN, để nâng cao khả năng làm việc và giao dịch quốc tế, tiếp cận các tiêu
chuẩn, các thông lệ của thế giới thì cần chú trọng phát triển những kiến thức, kỹ năng chủ yếu như:
- Năng lực về ngoại ngữ (mặc dù có thể sử dụng người phiên dịch nhưng cần có ngoại ngữ tối thiểu và nên
hạn chế sự phụ thuộc hoàn toàn vào phiên dịch). Đây có lẽ là một trong những điểm đáng chú ý nhất đối
với các DN ở nước ta, đặc biệt là các DNVVN.
- Kiến thức cơ bản về văn hoá, xã hội, lịch sử trong kinh doanh quốc tế.
- Giao tiếp quốc tế và xử lý sự khác biệt về văn hoá trong kinh doanh.
- Thông lệ quốc tế trong lĩnh vực/ngành kinh doanh.

Năm là, tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thúc đẩy sự
phát triển của các DNVVN.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu của kế hoạch phát triển DNVVN 2006-2010 là đến năm 2010, các
DNVVN tạo thêm được 2,5 triệu chỗ làm việc mới, xuất khẩu trực tiếp 3-6%. Cùng với sự tăng trưởng mạnh
mẽ của các DNVVN, cơ chế chính sách của Nhà nước cần được tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và thực sự tạo
điều kiện hỗ trợ sức cạnh tranh cho các DNVVN trên thương trường trong và ngoài nước.
Trong thời gian gần đây, cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước đối với các DN, trong đó có DNVVN đã
từng bước được hoàn thiện. Động lực kinh doanh đã được phát huy, nhiều rào cản đã được loại bỏ, tạo
điều kiện cho mọi DN hoạt động trong và ngoài nước. Cục phát triển DNVVN đã được thành lập và có một
số hoạt động bước đầu. Một số công cụ chính sách vĩ mô đã phát huy tác dụng như: Luật DN, Nghị định
90, Quỹ hỗ trợ DNVVN, cơ chế tín dụng... Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm trên con đường hoàn thiện hệ
thống chính sách và cơ chế quản lý vĩ mô nhằm tăng cường sức cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển năng
động và có hiệu quả của DNVVN.
Chính phủ và các cơ quan nhà nước cần góp phần mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng và hỗ trợ phát
triển các DNVVN. Các công cụ chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ trên các mặt khác nhau là rất cần
thiết. Môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý và các nhân tố xã hội có ảnh hưởng rất lớn đối với doanh
nhân và nền kinh tế của đất nước. Do đó, thông qua chủ trương chính sách cụ thể, Nhà nước cần tạo điều
kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh phát triển, qua đó hình thành một khu vực DNVVN hoạt động
có hiệu quả và phát triển bền vững. Sự phát triển của khu vực này sẽ góp phần đắc lực trong tiến trình công
nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển phồn thịnh của nước nhà.
Sáu là, hỗ trợ tư vấn về thiết bị, công nghệ mới hiện đại, thích hợp và cung cấp thông tin công nghệ, thị
trường cho các DNVVN, tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này
tăng cường cạnh tranh trong sản xuất, chế biến sản phẩm. Chính phủ cần thành lập một số tổ chức hỗ trợ
tư vấn (bằng những hình thức đa dạng) trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, giúp các DNVVN nâng
cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, có thêm một tiềm lực mới trong công cuộc hội nhập quốc
tế.

×