Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học Địa lý ở trường THCS

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.31 MB, 10 trang )

SỬ DỤNG BẢN ĐỒ TƯ DUY
TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
ThS. Vương Thị Phương Hạnh
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
1. Một số vấn đề về môn Địa lí Trung học cơ sở
Địa lí là môn học cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, cần thiết về Trái
Đất và những hoạt động của con người trên bình diện quốc gia và quốc tế, làm cơ sở
cho hình thành thế giới quan khoa học; giáo dục tư tưởng tình cảm đúng đắn; đồng thời
rèn luyện cho học sinh các kĩ năng hành động, ứng xử phù hợp với môi trường tự nhiên,
xã hội, phù hợp với yêu cầu của đất nước và xu thế của thời đại. Cùng với các môn học
khác, môn Địa lí góp phần bồi dưỡng cho học sinh ý thức trách nhiệm, lòng ham hiểu
biết khoa học, tình yêu thiên nhiên, con người và đất nước. Theo đó, mục tiêu của môn
Địa lí chú trọng đến việc hình thành và rèn luyện cho học sinh các năng lực cần thiết
của người lao động mới. Để đạt được mục tiêu này thì cần thiết phải có sự đổi mới sách
giáo khoa và phương pháp dạy học một cách phù hợp và tương xứng.
Quán triệt những đổi mới về mục tiêu, chương trình Địa lí Trung học cơ sở được
thiết kế thành 03 mảng lớn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Các bộ phận cơ bản này của
chương trình có mục đích cung cấp cho học sinh các kiến thức cơ bản về:
+ Trái Đất - Môi trường sống của con người (cấu tạo, vận động, các thành phần
tự nhiên và tác động qua lại giữa chúng, một số qui luật của môi trường tự nhiên trên
Trái Đất)
+ Thiên nhiên và con người ở các Châu lục (các hoạt động của dân cư trên Trái
Đất; mối quan hệ giữa dân cư, hoạt động sản xuất và môi trường, đặc điểm tự nhiên,
dân cư, kinh tế - xã hội của một số khu vực, quốc gia trên thế giới).
+ Địa lí Việt Nam (đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, dân cư, kinh tế và
những vấn đề đặt ra đối với tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội của đất nước, của các
vùng và địa phương nơi HS đang sống).
Hình 1: Chương trình Địa lí Trung học cơ sở
Tất cả những kiến thức này đều có mối quan hệ qua lại và tác động lẫn nhau, đòi
hỏi ở người học không chỉ khả năng tiếp nhận thông tin đơn thuần mà cần biết cách
phân tích, so sánh, liên kết các vấn đề để tìm ra kiến thức. Phù hợp với chương trình


mới, sách giáo khoa được biên soạn theo hướng tạo điều kiện để giáo viên tổ chức cho
học sinh học tập một cách tự giác và tích cực. Nếu như sách giáo khoa cũ được trình
bày theo lối thông báo – giải thích – minh họa thì với cách trình bày trong sách giáo
khoa mới đòi hỏi giáo viên phải tổ chức các hoạt động nhận thức cho học sinh, phải
khai thác kênh chữ, kênh hình để có thêm kiến thức.
Khi chương trình và sách giáo khoa đã đổi mới, tất yếu phương pháp dạy học bộ
môn cũng phải đổi mới theo. Do đó, phương pháp dạy học Địa lí theo định hướng mới,
sách giáo khoa mới không chỉ buộc học sinh phải “mới” trong cách học mà còn buộc
giáo viên phải “mới” trong cách dạy. Theo đó, giáo viên cần đầu tư nhiều hơn về thời
gian và trí tuệ trong bài dạy, vừa để làm rõ những nội dung kiến thức ẩn chứa ở kênh
hình, kênh chữ, cũng như tìm ra cách thức và phương pháp nhằm hướng dẫn cho học
sinh cách tự khai thác và lĩnh hội kiến thức. Bên cạnh việc chú ý phát triển ở học sinh
các kĩ năng bộ môn (kĩ năng làm việc với các thiết bị dạy học, các nguồn tư liệu địa
lí ) việc rèn luyện kĩ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, kĩ năng trình bày, giải
quyết vấn đề cũng hết sức quan trọng và đặc biệt là phát triển kỹ năng tư duy.
2
2. Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học Địa lí Trung học cơ sở
Việc phát triển tư duy cho học sinh luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu
của mục tiêu giáo dục. Để hướng học sinh có cách thức học tập tích cực và tự chủ,
chúng ta không chỉ cần giúp các em khám phá các kiến thức mới mà còn phải giúp các
em hệ thống được những kiến thức đó. Việc xây dựng được một “hình ảnh” thể hiện
mối liên hệ giữa các kiến thức sẽ mang lại những lợi ích đáng quan tâm về các mặt: ghi
nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo…Một trong
những công cụ hết sức hữu hiệu để tạo nên các “hình ảnh liên kết” là Bản đồ tư duy
(BĐTD).
BĐTD hiện là một công cụ đang được sử dụng bởi rất nhiều cá nhân, tổ chức
trên toàn thế giới với nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau. Trong giáo dục, sử dụng
BĐTD giúp giáo viên và học sinh trong việc trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng,
suy nghĩ sáng tạo, học tập thông qua biểu đồ, tóm tắt thông tin của một bài học hay một
cuốn sách, bài báo, hệ thống lại kiến thức đã học, tăng cường khả năng ghi nhớ, đưa ra

ý tưởng mới, lập kế hoạch học tập, kế hoạch công tác…
BĐTD được sử dụng phù hợp với mọi điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường,
lớp học. Giáo viên và học sinh có thể thực hiện BĐTD trên bảng phấn, trên vở, trên
giấy, bìa, bảng phụ,… hoặc cũng có thể thiết kế trên phần mềm. Khai thác tính năng và
sử dụng BĐTD có hiệu quả là góp phần đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng
công nghệ thông tin một cách dễ dàng và thiết thực.
Sử dụng thành thạo và linh hoạt BĐTD trong dạy học sẽ mang lại nhiều kết quả
tốt và đáng khích lệ. Học sinh học được phương pháp học tập, tăng tính chủ động, sáng
tạo và phát triển tư duy. Với học sinh, việc tự vẽ BĐTD có ưu điểm là phát huy tối đa
tính sáng tạo, lôi cuốn học sinh tham gia vào bài giảng, tạo điều kiện phát triển năng
khiếu hội họa, sở thích của học sinh…qua đó, các em tự chiếm lĩnh kiến thức mới một
cách nhẹ nhàng, tự nhiên với hứng thú học tập lớn. Với các bài tập nhóm, sử dụng
BĐTD còn giúp các em biết cách lập kế hoạch, phân công công việc, hợp tác để hoàn
thành yêu cầu của giáo viên.
Giáo viên sử dụng BĐTD để hệ thống kiến thức một cách khoa học và logic, nội
dung bài học được thể hiện trên bản đồ một cách trực quan mà không bị bỏ sót ý.
Không những thế, sử dụng BĐTD còn giúp giáo viên tạo ra các hình thức học tập khác
nhau, sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, phối hợp sử dụng các thiết bị dạy
học với nhau…góp phần thiết thực vào việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.
BĐTD có mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất với sách giáo khoa. Sách giáo
khoa là cơ sở để học sinh tiếp nhận kiến thức, cùng với việc sử dụng và khai thác kiến
thức từ thiết bị dạy học giúp học sinh hiểu bài và thể hiện lại sự hiểu biết ấy thông qua
3
BĐTD. Đây còn là một kênh thông tin phản hồi rất thiết thực từ học sinh đối với giáo
viên. Giáo viên có thể dựa vào đó để nắm bắt được lượng thông tin mà học sinh tiếp
nhận được, từ đó có hướng điều chỉnh đối với cả học sinh và cách dạy của chính mình
cho phù hợp.
Trong giới hạn của nghiên cứu này, chúng tôi giới thiệu một số cách sử dụng
BĐTD trong dạy học Địa lí Trung học cơ sở như là một gợi ý để giáo viên tham khảo,
vận dụng trong dạy học có kết quả tốt hơn.

* Sử dụng BĐTD trong việc kiểm tra kiến thức cũ
Vì thời gian kiểm tra bài cũ lúc đầu giờ không nhiều chỉ khoảng 5 - 7 phút nên yêu
cầu của giáo viên thường không quá khó, không đòi hỏi nhiều sự phân tích, so sánh…để
trả lời câu hỏi. Giáo viên thường yêu cầu học sinh tái hiện lại một phần nội dung bài học
bằng cách gọi học sinh lên bảng trả lời câu hỏi. Giáo viên sẽ chấm điểm tuỳ vào mức độ
thuộc bài của học sinh. Cách làm này vô tình để nhiều học sinh rơi vào tình trạng học vẹt,
đọc thuộc lòng mà không hiểu. Do đó, cần phải có sự thay đổi trong việc kiểm tra, đánh giá
nhận thức của học sinh, yêu cầu đặt ra không chỉ kiểm tra “phần nhớ” mà cần chú trọng
đến “phần hiểu”. Cách làm này vừa tránh được việc học vẹt, vừa đánh giá chính xác học
sinh, đồng thời nâng cao chất lượng học tập. Sử dụng BĐTD vừa giúp giáo viên kiểm tra
được phần nhớ lẫn phần hiểu của học sinh đối với bài học cũ. Các bản đồ được giáo viên
đưa ra ở dạng thiếu thông tin, yêu cầu học sinh điền các thông tin còn thiếu và rút ra nhận
xét về mối quan hệ của các nhánh thông tin với từ khoá trung tâm.
Ví dụ: Trước khi học bài 14 (Địa 9), giáo viên yêu cầu 1 học sinh lên bảng điền các
thông tin còn thiếu để hoàn thiện BĐTD Cơ cấu ngành dịch vụ (nội dung phần 1 - Bài 13).
Việc hoàn thiện thông tin ở các nhánh còn thiếu là một yêu cầu đơn giản, không
mất thời gian nhưng nếu học sinh không học bài thì sẽ không điền được thông tin hoặc
điền không chính xác.
Hình 2: BĐTD Cơ cấu ngành dịch vụ (thiếu thông tin)
4
Hình 3: BĐTD Cơ cấu ngành dịch vụ ( đủ thông tin)
Sau khi đã hoàn thiện bản đồ, học sinh cần rút ra nhận xét về cơ cấu ngành dịch
vụ hay nói cách khác là nhận xét về mối quan hệ giữa các nhánh thông tin với từ khoá
trung tâm. Đây chính là phần hiểu bài của học sinh mà giáo viên nên căn cứ vào đó để
đánh giá và nhận xét.
* Sử dụng BĐTD trong việc giảng bài mới
Sử dụng BĐTD là một gợi ý cho cách trình bày mới. Giáo viên thay vì gạch đầu dòng
các ý cần trình bày lên bảng thì sử dụng BĐTD để thể hiện được 1 phần hoặc toàn bộ nội
dung bài học một cách rất trực quan. Toàn bộ nội dung cần truyền đạt đến học sinh được
thâu tóm trên bản đồ mà không bị sót ý. Học sinh thay vì cắm cúi ghi chép thì chọn lọc các

thông tin quan trọng, sơ đồ hoá chúng bằng các mối quan hệ và thể hiện lại theo cách hiểu
của mình. Với cách học này cả giáo viên và học sinh đều phải tham gia vào quá trình dạy
học tích cực hơn. Giáo viên vừa giảng bài vừa thể hiện trên BĐTD hoặc vừa tổ chức cho học
sinh khai thác kiến thức vừa hoàn thành BĐTD. Học sinh được nghe giảng, nhìn bản đồ, trả
lời câu hỏi, đọc sách giáo khoa, ghi chép…sự tập trung chú ý được phát huy, cường độ học
tập theo đó cũng được đẩy nhanh, học sinh học tập tích cực hơn.
Ví dụ: Bài 6, phần 2 (Địa 9), để xác định các vùng kinh tế của nước ta, phạm vi
và các trung tâm kinh tế lớn của vùng là phần kiến thức không khó nhưng không dễ nhớ
đối với học sinh. Nếu giáo viên sử dụng phương pháp trình bày truyền thống thì vấn đề
vẫn được giải quyết nhưng không hiệu quả vì vấn đề trình bày sẽ dàn trải, hết vùng này
đến vùng khác, học sinh sẽ không thấy được mối quan hệ về vị trí, thế mạnh của các
vùng kinh tế. Việc thể hiện tất cả các vùng kinh tế trên BĐTD xung quanh từ khóa đã
mang lại cái nhìn tổng thể về sự phân chia các vùng kinh tế của nước ta, học sinh nhìn
vào bản đồ sẽ nhận biết được ngay từng vùng kinh tế và có thể ghi nhớ một cách dễ
dàng không máy móc. Sử dụng BĐTD để thể hiện phần nội dung này là hợp lí vì yêu
cầu phù hợp với mọi đối tượng học sinh, thông tin đầy đủ, không mất nhiều thời gian và
nội dung được thể hiện rõ ràng.
5
Hình 4: Bản đồ tư duy Các vùng kinh tế
Giáo viên nên tổ chức cho học sinh làm việc cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ, dựa
vào nội dung trong sách giáo khoa, bản đồ trong sách giáo khoa, bản đồ treo tường để
hoàn thành bài tập. Giáo viên thể hiện từ khoá trên bảng, yêu cầu học sinh trả lời và
điền tiếp thông tin hoặc mỗi học sinh tự vẽ BĐTD vào vở của mình.
* Sử dụng BĐTD trong việc củng cố kiến thức
Sử dụng BĐTD để củng cố kiến thức bài học là vệc làm rất có hiệu quả. Giáo
viên sử dụng BĐTD để thể hiện lại những nội dung cơ bản của bài học, tránh bị bỏ sót
ý, khắc sâu những kiến thức trọng tâm. Học sinh sử dụng BĐTD để thể hiện lại sự hiểu
biết của mình qua việc tiếp thu nội dung bài học, đồng thời là một kênh thông tin phản
hồi mà qua đó giáo viên có thể đánh giá nhận thức của học sinh, định hướng cho từng
học sinh và điều chỉnh cách dạy, cách truyền đạt của mình cho phù hợp.

Phù hợp với mục đích củng cố kiến thức cho học sinh sau bài học thì dạng bài
tập thích hợp là điền thông tin còn thiếu vào BĐTD. Các thông tin còn thiếu này sẽ bao
trùm nội dung toàn bài để một lần nữa nhằm khắc sâu kiến thức và lưu ý đến trọng tâm
của bài học.
Ví dụ: Sau khi học xong bài Tự nhiên Đông Á (Địa 8), học sinh phải nắm được
các vấn đề về vị trí, phạm vi, địa hình, sông ngòi, khí hậu, các dạng cảnh quan của khu
vực này và rút ra nhận xét (điều kiện tự nhiên của khu vực này có những thuận lợi, khó
khăn gì, ảnh hưởng như thế nào đến đời sống xã hội, sự phát triển kinh tế…). Những
nhận xét này có thể học sinh cần phải trao đổi, thảo luận với nhau, giải đáp với giáo
viên hoặc là một gợi ý để giao bài tập về nhà cho học sinh.
6
Hình 5: BĐTD Tự nhiên Đông Á
* Sử dụng BĐTD để ra bài tập về nhà
Vì làm bài tập về nhà sẽ có nhiều thời gian và điều kiện để tìm kiếm tài liệu nên
bài tập về nhà mà giáo viên giao cho học sinh (hoặc nhóm học sinh) trước hết phải gắn
với nội dung bài học và trong điều kiện cho phép (trình độ học sinh, thời gian, kinh
tế…). Yêu cầu đối với bài về nhà cũng cần khó hơn, phức tạp hơn và cần sự đầu tư lớn
hơn (cả kênh chữ, kênh hình, màu sắc, lượng thông tin…), qua đó còn thể hiện cả tính
sáng tạo và sự tích cực tìm kiếm tài liệu học tập của học sinh. Bài tập về nhà nên thiên
về tính mở nên giáo viên cần định hướng cho học sinh cách tìm kiếm thông tin từ các
nguồn tài liệu, đặc biệt là từ mạng Internet bằng cách cung cấp cho học sinh một số
trang web thông dụng và chuẩn xác.
Ví dụ: Sau khi học xong bài 22 (Địa 6), giáo viên yêu cầu học sinh về nhà hoàn
thiện lại nội dung bài học trên BĐTD, tìm kiếm thêm thông tin về các đới khí hậu trên
Trái đất. Về cơ bản, nội dung bài học được thể hiện lại trên BĐTD như sau:
7
Hình 6: BĐTD về các đới khí hậu trên Trái đất
Sau đó, mỗi học sinh tùy vào năng lực, trình độ và sự sáng tạo của bản thân mình, sẽ
thiết kế thêm được các nhánh thông tin bổ trợ cho 4 nội dung chính. Ví dụ đối với mỗi đới
khí hậu, học sinh lại có thêm thông tin, hình ảnh về các động vật, thực vật, con người…đại

diện cho đới khí hậu đó. Một số trang web có thông tin liên quan đến khí hậu Trái đất mà
giáo viên có thể cung cấp cho học sinh như: Công cụ tìm kiếm (//google.com), Mười vạn
câu hỏi vì sao
Tổ chức
môi trường LHQ (UNEP): www.unep.org;
* Sử dụng BĐTD để tổng hợp kiến thức 1 chương hoặc nhiều bài học
Dùng BĐTD có thể thể hiện một lượng thông tin nhỏ đến lớn và rất lớn. Tương
tự, giáo viên và học sinh có thể thể hiện 1 phần nội dung bài học, 1 bài học hoặc nhiều
bài học, 1 chương kiến thức. Vấn đề là các nội dung này có điểm chung với nhau, có
mối quan hệ với nhau thông qua từ khóa. Tùy theo mục đích sử dụng mà có thể thiết kế
BĐTD trong giờ học thông thường, trong giờ kiểm tra, giờ thực hành, ôn tập, tổng kết
hay hệ thống 1 chương, 1 phần kiến thức. Với bài tập này, giáo viên có thể cùng học
sinh làm ngay tại lớp hoặc là bài tập giao về nhà cho học sinh, nhóm học sinh.
Ví dụ: Trái đất là một trong chín hành tinh của hệ Mặt trời. Trái đất chuyển động
ra sao? Hình dạng, kích thước, cấu tạo của Trái đất như thế nào? là những nội dung
được phản ánh trong Chương I: Trái đất (Địa 6). Những vấn đề đại cương về Trái đất
được trình bày khoa học và cụ thể qua từng bài với lượng thông tin tương đối lớn. Khi
8
kết thúc chương này, tuy không có bài tổng kết chương nhưng giáo viên vẫn nên dành
thời gian cùng học sinh hệ thống lại các nội dung đã học về Trái đất để thêm một lần nữa
khắc sâu kiến thức cho học sinh và củng cố cho các em các vấn đề trọng tâm cần ghi nhớ.
Hình 6: BĐTD về Trái đất
Qua BĐTD về Trái đất, học sinh được khắc sâu các nội dung về Trái đất như vị trí
của Trái đất trong hệ Mặt trời, cấu tạo bên trong của Trái đất, kích thước, hình dạng, sự vận
động quanh trục và quanh Mặt trời cũng như các hệ quả của sự vận động…Với hệ chữ chắt
lọc những thông tin quan trọng, hình ảnh minh họa các thông tin một cách sinh động,
BĐTD về Trái đất thực sự mang lại cho học sinh cái nhìn trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ.
Không thể phủ nhận BĐTD là một công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập ở
trường phổ thông cũng như ở các bậc học cao hơn vì chúng giúp giáo viên và học sinh
trong việc trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, suy nghĩ sáng tạo, tích cực và độc

lập. Học sinh sẽ học được phương pháp học tập, tăng tính chủ động, sáng tạo và phát
triển tư duy. Giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian, tăng sự linh hoạt trong bài giảng, và
quan trọng nhất sẽ giúp học sinh nắm được kiến thức thông qua một “bản đồ” thể hiện
các liên kết chặt chẽ của tri thức.
Nhìn chung, có thể sử dụng BĐTD trong tất cả các khâu của quá trình lên lớp từ
kiểm tra bài cũ, triển khai bài mới đến củng cố kiến thức, giao bài về nhà; từ việc thể
hiện lượng kiến thức nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp; từ việc học cá nhân đến
9
nhóm, tập thể…Giáo viên cần nghiên cứu nội dung chương trình, nội dung bài học, lựa
chọn ra những phần, những bài có khả năng áp dụng BĐTD. Sau đó, giáo viên phân
tích nội dung bài dạy, tìm ra những vấn đề, những biểu tượng, khái niệm cần hình thành
và truyền đạt cho học sinh, xác định các dạng bài tập với BĐTD phù hợp với đối tượng
học sinh, quỹ thời gian, điều kiện trường lớp, trang thiết bị dạy học.
Tuy nhiên, không phải bất cứ nội dung nào, bài học nào cũng có thể sử dụng
BĐTD và cũng không phải sử dụng một cách áp đặt cho mọi giờ học. Cũng như các
thiết bị dạy học khác, BĐTD cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng của mình, do đó
sử dụng BĐTD cần đúng lúc, đúng cách, phù hợp với đối tượng học sinh và quan trọng
là đảm bảo việc truyền tải nội dung bài học. Do đó, giáo viên cần có sự linh hoạt trong
sử dụng BĐTD, cần xác định một số căn cứ để sử dụng BĐTD cho phù hợp, lựa chọn
phương pháp, hình thức tổ chức, thiết bị dạy học cho tương xứng.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Đình Châu, Sử dụng bản đồ tư duy - một biện pháp hiệu quả hỗ trợ học sinh
học tập môn toán - Tạp chí Giáo dục, kì 2 - tháng 9/2009.
2. Trần Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy, Tổ chức hoạt động dạy học với bản đồ tư
duy, Báo Giáo dục và thời đại, số 184 và 185 năm thứ 51 (tháng 11/2010).
3. />hoc-moi-giup-HS-thoat-loi-mon-948273/
10

×