Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Triệu Việt Vương lặp lại con đường của An Dương Vương?

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (291.55 KB, 4 trang )

TRIỆU VIỆT VƯƠNG ĐI THEO 'VẾT XE ĐỔ' CỦA AN DƯƠNG VƯƠNG?

Dù sống cách xa nhau về thời gian, nhưng ở An Dương Vương Thục Phán
và Triệu Việt Vương Triệu Quang Phục, chúng ta nhìn thấy nhiều điểm
trùng hợp đến ngẫu nhiên giữa hai tiền nhân này. Hãy cùng điểm qua điều
đó.

Nắm quyền bằng chuyển giao quyền lực
Thục Phán theo sử cũ chép, vốn dòng dõi Thục Vương, vì đời tiền nhân của
Thục Phán cầu hôn con gái Hùng Vương không được nên sinh cừu hận. Nhân
khi Hùng Vương không phòng bị, Thục Phán cướp nước Văn Lang lập nên nhà
nước mới.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Hùng Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn
uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ
huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục Vương”.

Tranh Minh Họa vua An Dương Vương trước lúc tự tận.
Đại Việt sử lược (khuyết danh) thì chép ngắn gọn: “Cuối đời nhà Chu, Hùng
Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi rồi lên thay.” Lên ngôi rồi, An
Dương Vương đặt tên nước là Âu Lạc. Tên gọi này theo Khâm định Việt sử
thông giám cương mục chép lại theo Dư địa chí của Cổ Hi Phùng “Giao Chỉ về
đời Chu gọi là Lạc Việt, về đời Tần gọi là Tây Âu”. Như vậy tên Âu Lạc là cách
gọi kết hợp về cùng một địa danh.
Nếu An Dương Vương nắm quyền lực sau khi truất ngôi Hùng Vương thì Triệu
Quang Phục cũng nắm quyền từ một cuộc chuyển giao quyền lực, nhưng mang
tính chất hòa bình.
Sau khi lập nên nước Vạn Xuân năm Giáp Tý (544), Lý Nam đế - Lý Bí lại phải
chống quân Lương do Trần Bá Tiên dẫn đầu sang xâm lược. Tháng 8 năm Bính
Dần (546) bị thua ở hồ Điển Triệt (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay),
“phải lui giữ ở trong động Khuất Lão để sửa binh đánh lại, ủy cho đại tướng là
Triệu Quang Phục giữ việc nước” (Đại Việt sử ký toàn thư). Năm 548, Lý Bí bị


bệnh chết ở động Khuất Lão, Triệu Quang Phục lên nắm quyền, tức là Triệu
Việt Vương.
Hai vị vua tài
An Dương Vương từng đánh Hùng Vương, rồi đuổi quân xâm lược Triệu Đà.
Nhưng bằng chứng hùng hồn nhất cho tài thao lược của ông phải kể đến đỉnh
cao của nghệ thuật kiến trúc quân sự thời Âu Lạc, đó là thành Cổ Loa (vì thành
có hình xoáy ốc, lại có tên là Trung Qui thành, thời Đường gọi là Côn Lôn
thành, có ý nói là thành rất cao) với ba vòng thành Nội, thành Trung, thành
ngoại, phối kết hợp với hào lũy từ dòng nước tự nhiên của sông Hoàng làm nên
công trình quân sự kiên cố chống giặc xâm lược.


Tranh minh họa vua Triệu Quang Phục ở Đàm Dạ Trạch.
Bên cạnh đó, nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương còn có thứ vũ khí đáng sợ
là nỏ liên châu, hay Linh Quang thần trảo mà dân gian gọi là nỏ thần, một lúc có
thể bắn được nhiều mũi tên.
Đối với Triệu Việt Vương, tài năng của ông thể hiện rõ qua việc được Lý Nam
đế Lý Bí tin cẩn giao cho quyền bính, và hiện thực hóa qua kế đánh “trì cửu”
(cầm cự lâu dài) với việc lấy đầm Dạ Trạch (tức đầm Một Đêm, thuộc Khoái
Châu, Hưng Yên) làm đại bản doanh chống giặc Lương: “Ngày ngày, quân sĩ
thay phiên nhau vừa luyện tập, vừa phát bờ, cuốc ruộng, trồng lúa, trồng khoai
để tự túc binh lương. Ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có
người, đến đêm nghĩa quân mới kéo thuyền ra đánh úp các trại giặc, cướp được
nhiều lương thực” (Việt sử tiêu án – Ngô Thì Sỹ). Nhờ cách đánh “trì cữu” đó
năm Canh Ngọ (550), Triệu Quang Phục đánh đuổi quân Lương lấy lại được
nước.
Được thần giúp vũ khí
An Dương Vương đắp thành Cổ Loa vừa làm kinh đô, vừa làm căn cứ chống
giặc phương Bắc. Nhưng thành cứ đắp lại đổ, sau nhờ có thần Kim Quy giúp
mới đắp không quá nửa tháng thì xong. Lại được thần “trút chiếc móng trao cho

vua và nói: “Nước nhà yên hay nguy đều do số trời, nhưng người cũng nên
phòng bị; nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc
mà bắn thì không phải lo gì”.
Vua sai bề tôi là Cao Lỗ làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh
Quang Kim Trảo thần nỏ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nhờ có nỏ thần đó, quân
Nam Việt năm lần bảy lượt xâm lược Âu Lạc đều thất bại.
Còn Triệu Việt Vương khi đóng quân ở đầm Dạ Trạch, cũng là đầm nơi trước
kia hai vợ chồng Tiên Dung – Chử Đồng Tử theo truyền thuyết đã bay lên trời.
Quang Phục thấy quân Lương không rút lui, bèn đốt hương khấn trời thì có
điềm tốt là được móng rồng để đính lên mũ đâu mâu, dùng để uy hiếp quân
giặc. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại việc này: “tục truyền rằng thần nhân trong
đầm là Chử Đồng Tử bấy giờ cưỡi rồng vàng từ trên trời rơi xuống, rút móng
rồng trao cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc. Từ đó thanh thế quân
đội lừng lẫy, đánh đâu được đấy”.
Như vậy, An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều được thần giúp. Có một
điều rất hay nữa là, vũ khí thần ở đây đều là của hai con vật thần thoại nằm
trong bộ “Tứ linh” (long, lân, quy, phụng) và đều là chiếc móng. Rùa và rồng là
hai con vật gắn liền với cư dân nông nghiệp lúa nước Việt Nam (rồng được thần
thánh hóa từ hình tượng có thật là con rắn).

Thông gia và kết cục - Hai kịch bản, một nội dung?
An Dương Vương - Triệu Đà - Trọng Thủy - Mỵ Châu: Không xâm lược được
nước Âu Lạc, Nam Việt Vương Triệu Đà giả thác hòa thân, dùng con bài hôn
nhân chính trị để cướp nước. Trọng Thuỷ con Triệu Đà kết hôn với công chúa
Mỵ Châu của An Dương Vương. An Dương Vương vì trọng hòa bình, hữu hảo
mà tác thành, lại cho Trọng Thuỷ theo cái tục “Chuế tế” - gửi rể chỉ ở Trung
Quốc đời Tần mới có (con trai không có tiền nộp sính lễ, lấy thân ở gửi nhà vợ
nên gọi là chuế tế (ở gửi rể). Để rồi từ đây, Mỵ Châu với tình yêu dành cho
chồng đã tiết lộ hết bí mật quân sự (móng rùa thần), quốc gia cho Trọng Thuỷ,
An Dương Vương mất nước.

Triệu Việt Vương - Lý Phật Tử - Nhã Lang - Cảo Nương: Vết xe đổ xảy ra ở thế
kỷ 2 TCN của An Dương Vương còn đó, nhưng Triệu Việt Vương vẫn dẫm vào.
Sau khi đánh đuổi quân Lương, Triệu Việt Vương giao tranh với Lý Phật Tử
(vốn là bộ tướng của Lý Thiên Bảo là anh của Lý Bí) rồi vạch đôi sơn hà cai trị.
Lý Phật Tử cũng như Triệu Đà, cho con trai mình Nhã Lang kết hôn với công
chúa Cảo Nương của Triệu Việt Vương rồi đánh cắp bí mật quân sự (móng
rồng) để rồi cướp nước. Năm Canh Dần, (570), Triệu Việt Vương mất nước về
tay Lý Phật Tử.
Dù ở hai thời khác nhau, nhưng An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều bị
kẻ thù lừa cùng một kịch bản: Hôn nhân, gửi rể - vợ tiết lộ bí mật quân sự cho
chồng - thông gia cướp nước. Bí mật quân sự ở được nói tới là móng rùa thần,
móng rồng, nhưng thực tế đó chính là việc Trọng Thuỷ, Nhã Lang phá vỡ sự
đoàn kết nhất trí trong nội bộ triều đình An Dương Vương, Triệu Việt Vương.
Mất đi điều đó, dù có thành cao, hào sâu, vũ khí lợi hại bao nhiêu đi chăng nữa
cũng mất nước.
Mất nước, cả An Dương Vương, Triệu Việt Vương đều đem theo con gái yêu
chạy về nam và cùng tìm đến biển làm nơi tự tận. An Dương Vương “xuống
biển” ở xã Cao Xá ở Diễn Châu, Nghệ An. Còn Triệu Việt Vương chết ở cửa
biển Đại Nha, nay thuộc Nghĩa Hưng, Nam Định. Cái chết của An Dương
Vương cùng việc mất nước Âu Lạc mở đầu cho thời kỳ hơn 1.000 năm Bắc
thuộc. Còn Triệu Việt Vương mất nước, chỉ thời gian ngắn sau, với việc Lý
Phật Tử hàng Tuỳ, nước ta lại rơi vào thân phận nô lệ.
Trần Đình Ba

×