Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Con người số phận và những ẩn ức của các nhân vật trong phim thương nhớ đồng quê

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (145.94 KB, 12 trang )

Con người số phận và những ẩn ức của các nhân vật trong
phim "Thương nhớ đồng quê"
Từ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Đặng Nhật Minh đã sáng tạo
thêm mối quan hệ của ba nhân vật Chị Ngữ-Nhâm-Quyên để tạo nên cái
lõi kịch tính cho tác phẩm.
A. Đặt vấn đề:
Trong “đại gia đình nghệ thuật”, văn học là một trong những đứa con xuất
sắc nhất. Tuy nhiên, nó không tách biệt với anh, em của nó- những loại hình
nghệ thuật khác. Văn học có mối liên hệ mật thiết với nhiều loại hình nghệ
thuật như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc…Trong đó, từ những thập
kỉ 80 của thế kỉ XX, người anh thứ bảy ra đời- đó là điện ảnh. Và cũng
không nằm ngoài mối quan hệ, văn học cũng có mối liên hệ mật thiết với
điện ảnh. Nói ngắn gọn, văn học cung cấp nội dung cho điện ảnh(về cốt
truyện, hệ thống nhân vật, tình tiết…) và điện ảnh cũng góp phần bổ sung
cho văn học. Trong phạm vi bài làm của mình, chúng tôi chỉ đề cập đến mối
quan hệ ấy thông qua một khía cạnh, đó là sự tiếp thu có sáng tạo của điện
ảnh đối với văn học. Cụ thể là sự sáng tạo của bộ phim “Thương nhớ đồng
quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh đối với nguyên tác: truyện ngắn cùng
tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
B. Nội dung:
Trước khi đi vào phân tích mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh
thông qua một khía cạnh cụ thể, ta khái quát chung về mối quan hệ giữa hai
loại hình nghệ thuật này.
I. Khái quát về mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh:
- Văn học cung cấp cốt truyện, hệ thống nhân vật, tình tiết, chi tiết…
cho điện ảnh. Một bộ phim phải được xây dựng dựa trên kịch bản, mà kịch
bản chính là một tác phẩm văn học. Ngược lại, điện ảnh cũng cung cấp cho
văn học những kĩ thuật như: kĩ thuật lắp ghép, nghệ thuật sắp đặt, đồng hiện
nhiều câu chuyện của nhiều nhân vật cùng một lúc…
- Văn học và điện ảnh có chất liệu khác nhau: chất liệu của văn học là
ngôn từ còn chất liệu của điện ảnh chính là hình ảnh và âm thanh. Chính vì


được tạo nên từ những chất liệu khác nhau mà mỗi loại hình nghệ thuật lại
có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, ta không thể khẳng định một
loại hình nghệ thuật nào là hoàn hảo “mười phân vẹn mười” cả.
Vì có văn học có chất liệu là ngôn từ nên người đọc tác phẩm văn học
phải sử dụng khả năng tưởng tượng, vận dụng kinh nghiệm sống của mình
để hình dung ra những gì mà văn học miêu tả. Do vậy, hạn chế của văn học
là khó có thể nắm bắt nhanh, mà phải qua một quá trình lâu dài, người đọc
mới có thể lĩnh hội được những gì mà tác phẩm truyền tải. Nhưng cũng nhờ
chất liệu là ngôn từ mà điểm mạnh nổi bật của văn học là khả năng miêu tả
đời sống nội tâm và diễn biến tâm lí của nhân vật. Từ đó người đọc có thể
khám phá ra những tầng nghĩa sâu sắc của tác phẩm.
Còn với điện ảnh, chất liệu là hình ảnh và âm thanh cụ thể hiện ra
trước mắt người xem. Họ không cần phải mất công tưởng tượng hay vận
dụng kinh nghiệm của mình. Hình ảnh và âm thanh có khả năng tác động
trực tiếp vào những giác quan của khán giả, dễ gây ấn tượng , dễ tạo hình cố
định cho nhân vật…Tuy nhiên, hạn chế lại nằm trong chính ưu điểm. Điện
ảnh làm mất khả năng tưởng tượng của người xem, “áp chế” người xem hiểu
nhân vật, nhìn nhân vật theo cách nhìn của đạo diễn, từ đó dễ làm mất đi
những tầng nghĩa khác của tác phẩm. Một hạn chế nữa của điện ảnh đó là
khó diễn tả đời sống nội tâm của nhân vật vì điện ảnh thường xây dựng nhân
vật thông qua hành động và lời thoại, độc thoại nội tâm rất ít được sử dụng.
- Vì vậy mà mỗi loại hình nghệ thuật có một giá trị riêng. Một trong
những giá trị của tác phẩm điện ảnh, là những sáng tạo của nó so với tác
phẩm văn học gốc. Sự sáng tạo ấy có thể ở rất nhiều phương diện: như về
nội dung cốt truyện, về hệ thống nhân vật, về những biểu tượng, thậm chí có
thể thay đổi một cách phù hợp ý nghĩa của tác phẩm…
Phim “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh và
truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trường hợp như
vậy. Từ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Đặng Nhật Minh đã sáng tạo
thêm mối quan hệ của ba nhân vật Chị Ngữ-Nhâm-Quyên để tạo nên cái lõi

kịch tính cho tác phẩm. Từ sự sáng tạo ấy, bộ phim đã mang đến cho ta thêm
những ý nghĩa mới, thêm vào những ý nghĩa sẵn có của nguyên tác.
II.Sáng tạo của đạo diễn Đặng Nhật Minh trong bộ phim “Thương
nhớ đồng quê”:
1. Hoàn cảnh ra đời của bộ phim:
Nhân lễ kỉ niệm 100 năm ngày điện ảnh ra đời (1895-1995), Đài truyền
hình NHK Nhật Bản mời năm đạo diễn của năm nước Chân Á làm phim(Ấn
Độ, Thái Lan, Mông Cổ, Iran và Việt Nam) với mục đích đến cuối năm 1995
sẽ chiếu tại Tokyo trong liên hoan phim Châu Á lần thứ I của NHK.
Chứng kiến những thành công trước đó của đạo diễn Đặng Nhật Minh,
NHK đã mời ông đại diện cho Việt Nam tham gia liên hoan phim và mời
ông toàn quyền chọn kịch bản cho lần làm phim này. Điều này không hề khó
khăn đối với đạo diễn, bởi trong tay ông đã có sẵn kịch bản chuyển thể từ
truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đạo
diễn Đặng Nhật Minh đã trình bày với Nguyễn Huy Thiệp về ý định thay đổi
của mình: ông sẽ thêm mối quan hệ giữa ba nhân vật Ngữ-Nhâm-Quyên để
tạo nên cái lõi kịch tính cho tác phẩm. Nguyễn Huy Thiệp khi hiểu ra ý
tưởng ấy đã rất sung sướng mà thốt lên rằng ông đã tìm thấy ba nhân vật.
Nhà văn còn gợi ý đạo diễn sử dụng cả “Những câu chuyện nông thôn” cho
bộ phim của mình.
Như vậy, mối quan hệ giữa ba nhân vật Ngữ- Nhâm- Quyên chính là sự
sáng tạo có chủ ý của đạo diễn, làm thành cái lõi kịch tính cho bộ phim. Sự
sáng tạo này có ý nghĩa lớn. Bên cạnh việc giữ nguyên ý nghĩa cốt lõi, sự
sáng tạo còn mang đến lớp nghĩa mới cho tác phẩm.
2. Sự sáng tạo của bộ phim so với nguyên tác:
2.1. Trước khi phân tích sự sáng tạo của bộ phim, ta đi tìm hiểu lớp ý
nghĩa vẫn giữ nguyên của tác phẩm, thông qua số phận những nhân vật, mà
cơ bản là thông qua mối quan hệ giữa ba nhân vật Ngữ-Nhâm-Quyên.
Con người, trong cả truyện và phim, đều chớm nhận thấy những “hắt hiu
trên mặt đất” như một sự vận động tự nhiên, tự thân. Mà cảnh quay những

vẻ đẹp đồng quê của bộ phim càng làm cho sự hắt hiu ấy thêm ám ảnh.
Nhâm là nhân vật ý thức rõ nhất về sự hắt hiu này. Điều đó thể hiện qua
những suy ngẫm của anh về quê hương nghèo nàn, cuộc sống nhàm chán, về
số phận của những con người quê xung quanh anh…
Suy nghĩ của Nhâm về quê hương thể hiện qua bài thơ ở phần mở đầu
câu chuyện trong truyện ngắn, và thể hiện qua dòng độc thoại nội tâm của
anh trong bộ phim. Trong phim, Nhâm vừa đạp xe trên con đường đất quê
hương, hai bên là cánh đồng mênh mông bát ngát, vừa suy nghĩ:
“…nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất
Sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt đất
Những số phận hiu hắt đầy mặt đất
Bao tháng ngày trôi đi
Bao kiếp người trôi đi…
…Và nhặt được mùi vị nghèo nàn trên cánh đồng quê…”
Nhâm- một chàng thanh niên “thích làm thơ và hay suy nghĩ vẩn vơ”, đã
có những suy nghĩ sâu sắc như vậy về sự nghèo nàn của quê hương, sự nhọc
nhằn của những con người nông thôn chân chất như anh. Đó là những nghèo
nàn, những nhọc nhằn mà không một ngôn từ nào diễn tả được. Dòng suy
ngẫm chạy ngang đầu chàng thanh niên, khi anh ngắm nhìn cánh đồng quê
mình, ngắm nhìn cuộc sống của con người thôn quê- vất vả và lam lũ vô
cùng. Trong phim, máy quay lướt dọc theo những vòng xe của Nhâm: hai
bên cánh đồng lúa bao la xanh ngát, bầu trời cũng bao la như mặt đất gợi
cảm giác bình yên. Nhưng cách lướt máy quay ấy cũng chính là một ngôn
ngữ không lời. Cảnh càng đẹp bao nhiêu, càng thanh bình bao nhiêu, thì
càng giấu kín nghèo nàn và lam lũ sâu bấy nhiêu, càng gây ra cảm giác chua
xót về một sự đối lập dễ thấy trong cuộc đời.
Nhận thức về sự “hắt hiu” của Nhâm còn thể hiện qua suy nghĩ của anh
về những con người quê hương: đó là bà mẹ già “cả đời chẳng đi đâu” vì ở
đâu cũng chỉ toàn thấy người là người, là người anh trai thoát li làm công
nhân ở mỏ Cao Bằng bặt vô âm tín, là người chị dâu sống mỏi mòn trong đợi

chờ cay đắng và khát vọng mãnh liệt mà vô vọng, là chú Phụng sống bám
vợ, là ông giáo Quỳ đức độ vẫn luôn bị dân làng cho là gàn dở, là đứa em
gái đen đúa nhưng mắt sáng mãi mãi không bao giờ có tuổi mười bảy…và
cũng là những người nông dân chân lấm tay bùn quần quật quanh năm suốt
tháng nơi làng quê…
Nhận thức về “sự hắt hiu” còn thể hiện qua nhân vật Ngữ- một người
đàn bà sống mỏi mòn trong đợi chờ vô vọng, ánh mắt lúc nào cũng dõi nhìn
xa xăm nơi vòng cung Đông Sơn. Chị sống đau khổ, dằn vặt trong khát vọng
tình yêu và mâu thuẫn giữa sự thủy chung của một người vợ với khao khát
của người đàn bà bình thường…Mâu thuẫn ấy thể hiện trong mối quan hệ
với Nhâm- người em chồng của chị. Tình cảm và thậm chí hành động của
chị với Nhâm đã đi quá giới hạn, và điều đó khiến cho chị vừa hạnh phúc,
vừa đau khổ…Sự hắt hiu ấy được chị Ngữ cảm nhận thông qua mối quan hệ
với Nhâm.
Quyên cũng là một nhân vật “chớm” nhận thấy sự hiu hắt đầy mặt đất
của quê hương mà mình đã xa tư khi còn nhỏ. Nhận thức ấy được miêu tả
như một quá trình: ban đầu, cô không hiểu gì về nông thôn. Suy nghĩ của cô
chỉ đơn giản là bán thóc gạo đi, lấy tiền mua những thứ khác; là sự nhàn hạ
của những công việc nhà nông…Nhưng sau một thời gian sống ở quê, ở gần
con người quê, trong mối quan hệ với người làng và nhất là với Nhâm,
Quyên đã hiểu rằng quê hương cô còn nghèo khổ lắm, còn bị lấn át bởi
thành thị nhiều lắm…Nó được thể hiện qua những chi tiết tưởng chừng nhỏ
nhặt như: Quyên đi xem người ta bắt cá, rồi mua được một xâu cá rô phi, bà
con nông dân thi nhau mời cô mua thêm…rồi hình ảnh những con cá tươi
ngon bị vứt lại trên đồng ruộng nứt nẻ, giãy lên yếu đuối…Nhưng đó lại là
những chi tiết được đạo diễn thêm vào phim một cách đầy dụng ý.
Như vậy, cả ba nhân vật trong phim, qua mối quan hệ với người khác,
đều chớm nhận thức được “sự hiu hắt đầy mặt đất” của quê hương mình. Họ
là kiểu những con người số phận mà không chỉ được bắt gặp trong bộ phim.
Đó là kiểu nhân vật quen thuộc trong nhiều sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp.

Vì vậy, ta có thể khẳng định rằng, dù có thêm mối quan hệ giữa ba nhân vật
vào cốt truyện thì đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn, phần nào đó, không làm
mất đi ý nghĩa cơ bản của tác phẩm nguyên tác “Thương nhớ đồng quê”.

2.2. Sự sáng tạo của bộ phim so với tác phẩm văn học:
Như vậy, ta đã vừa phân tích sự giữ lại những giá trị cơ bản của truyện
ngắn khi thêm vào cốt truyện mối quan hệ của ba nhân vật Ngữ - Nhâm -
Quyên. Nhưng nếu như điện ảnh chỉ là sự sao chép nguyên xi từ văn bản gốc
thì đó chỉ như là một sự minh họa giản đơn bằng hình ảnh và âm thanh, về
những gì được nhà văn thể hiện lên trang giấy. Một bộ phim hay phải là bộ
phim có sự sáng tạo của đạo diễn trong kịch bản. Đạo diễn phim phải làm
thế nào đó, có thể thể hiện suy ngẫm, quan niệm của riêng mình bằng cách
sáng tạo thêm, tổ chức lại…cốt truyện theo ý của riêng mình.
Như đã nói ở trên, sự sáng tạo của đạo diễn Đặng Nhật Minh trong bộ
phim “Thương nhớ đồng quê” thể hiện qua việc thêm cái lõi kịch tính cho
tác phẩm bằng mối quan hệ giữa ba nhân vật Ngữ - Nhâm - Quyên. Thêm
mối quan hệ giữa ba người là đạo diễn đã thêm vào rất nhiều điều. Nhưng
trong phạm vi bài viết của mình, chúng tôi chỉ làm rõ con người đa diện,
phức tạp của các nhân vật thể hiện qua mối quan hệ ấy. Và để làm rõ con
người đa diện, đa chiều ấy, chúng tôi đi sâu tìm hiểu những ẩn ức của các
nhân vật được thể hiện qua mối quan hệ giữa Nhâm và Quyên, Nhâm và
Ngữ.
- Con người đa diện, đa chiều khác với con người đơn giản, một chiều của
các nhân vật trong văn học thời trước. Trong văn học cách mạng, con người
hiện lên như những chiến sĩ dũng cảm, hi sinh hạnh phúc cá nhân (có thể dễ
dàng hoặc cũng trải qua những dằn vặt) để cống hiến cho cộng đồng. Còn
con người đa chiều, đa diện thì phải đến văn học hiện đại, ta mới có thể tìm
thấy. Đó là những con người xuất hiện với nhiều bộ mặt khác nhau, có khi
còn đối lập nhau gay gắt. Nhưng đó mới chính là con người thực của cuộc
sống mà các nhà nghệ thuật đã dày công xây dựng cho nhân vật của mình.

Đây cũng chính là quan niệm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về con
người, được thể hiện qua rất nhiều tác phẩm, và ngay cả trong “Thương nhớ
đồng quê”. Nhưng con người đó không được tác giả tô đậm. Phải đến khi bộ
phim cùng tên ra đời, con người đa ngã ấy mới xuất hiện rõ ràng. Vì vậy, khi
nghe đạo diễn Đặng Nhật Minh trình bày ý tưởng thay đổi của mình, nhà
văn Nguyễn Huy Thiệp đã phải thốt lên “Anh đã tìm thấy họ rồi”. Phải,
Đặng Nhật Minh đã tìm thấy con người đa diện trong Ngữ, Nhâm, Quyên
bằng con đường đi sâu vào những ẩn ức của nhân vật, qua mối quan hệ giữa
ba người.
- Để đi sâu vào những ẩn ức đã chi phối những hành động ý thức của nhân
vật, đạo diễn đã phải sử dụng rất nhiều chi tiết, hình ảnh có tính biểu tượng
cao. Ở mỗi nhân vật, đạo diễn lại làm rõ một vài ẩn ức khác nhau, thông qua
một số biểu tượng.
Với Nhâm, ẩn ức ở đây là của một chàng trai mới lớn với sự biến đổi tâm
sinh lý. Tình yêu và dục vọng nhen nhóm trong tâm hồn anh. Ẩn ức này
được thể hiện thông qua mối quan hệ của Nhâm với hai nhân vật nữ còn lại.
Đầu tiên là với Quyên, ta thấy xuất hiện một chàng trai thôn quê, tâm hồn
chao đảo khi gặp một người phụ nữ đẹp trưởng thành với sức hấp dẫn của
điều mới lạ. Ngay từ giây phút đầu tiên, Nhâm đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của
Quyên- một vẻ đẹp toát ra từ thần thái của ánh mắt trìu mến, của nụ cười
rạng rỡ, của bộ đồ trắng thinh khiết, của cái vuốt tóc đầy gợi cảm Đạo diễn
Đặng Nhật Minh đã sử dụng hiệu ứng của máy quay, khiến cho giây phút
gặp gỡ trở thành một khoảnh khắc trôi chậm. Chính trong sự ngưng tụ đó là
những xáo trộn đang diễn ra mãnh liệt trong tâm hồn Nhâm. Ở phương diện
này, ngôn ngữ điện ảnh đã thể hiện tinh tế nội tâm của nhân vật.
Ẩn ức của chàng trai mới lớn khao khát yêu đương ấy đã được thể hiện
qua hai chi tiết chính: đó là cảnh Nhâm đi bắt ếch đêm mưa ngoài đồng và
cảnh Nhâm nhìn trộm Quyên tắm trên song.
Chi tiết đi bắt ếch là một chi tiết có trong tác phẩm văn học, nhưng đạo
diễn đã khéo léo lồng vào cảnh đó những hành động thể hiện ẩn ức của nhân

vật. Người xem hẳn không ai quên được hình ảnh Nhâm soi ếch giữa cơn
mưa rào mùa hạ, bắt gặp đôi ếch đang làm tình. Máy quay cận cảnh đôi ếch,
rồi lướt lên trên gương mặt của Nhâm để làm nổi bật đôi mắt, nụ cười, nét
mặt thể hiện một cái gì đó như là sự thèm muốn và nỗi khát khao. Hành
động bỏ đi không bắt đôi ếch cũng là một hành động thể hiện ẩn ức. Đó đâu
phải chỉ đơn thuần là tha cho đôi ếch, xét về bản chất, đó là sự bảo vệ con
người thật của chính mình. Dưới làn mưa xối xả, Nhâm nằm dài trên mặt
ruộng mơ về giây phút gặp gỡ với Quyên. Nếu tinh ý, người xem sẽ thoáng
tìm thấy con mắt ngây dại và nét mặt nhợt nhạt của Nhâm khi chị Ngữ bất
ngờ soi đèn pin. Đó chính là giây phút sống dậy của ẩn ức.
Đức Khổng Tử đã có lời căn dặn: người quân tử phải biết sợ khi ở một
mình. Ở một mình, đó là lúc con người sống thật nhất với lòng mình, là lúc
con người có thể thể hiện những khát khao thầm kín, thể hiện nửa CON của
mình…Đây chính là một điểm sáng của bộ phim.
Cảnh Nhâm nhìn trộm Quyên tắm cũng là một đoạn phim đầy cảm giác,
cao trào của cảm giác. Trước vẻ đẹp quyến rũ của một người đàn bà, đang
chìm mình giữa dòng nước mát, ẩn ức của một chàng trai mới lớn trong
Nhâm lại sống dậy. Người xem không hề khó khăn nhìn thấy sự giằng xé,
mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật, được thể hiện qua sự rụt rè: nửa như
muốn tiến đến gần, nửa như muốn chạy thật xa…Chi tiết Nhâm cầm chiếc
áo của Quyên lên ngửi là một chi tiết thấm đẫm cảm giác- cảm giác của
hương thơm, cảm giác của sự tiếp xúc, cảm giác của con người ẩn ức bên
trong sâu thẳm đang trỗi dậy mãnh liệt.
Như vậy, khát khao tình ở Nhâm được đạo diễn thể hiện rất tinh tế qua
mối quan hệ với Quyên. Khát khao và những hành động ấy đều bị chi phối
bởi ẩn ức sâu kín của một thanh niên mới lớn.

Không chỉ dừng lại ở mối quan hệ với Quyên, ẩn ức của nhân vật còn
được thể hiện thành công trong mối quan hệ của Nhâm và chị Ngữ- chị dâu
của mình. Trong truyện, Nguyễn Huy Thiệp không hề nhắc đến tình cảm của

hai người. Nhưng trong phim, đạo diễn đã tô đậm tình cảm mà Nhâm dành
cho người chị dâu của mình. Là người đàn ông duy nhất trong nhà, Nhâm vô
tình trở thành chỗ dựa không chỉ của mẹ mà còn của người chị dâu thiếu
thốn tình yêu của chồng. Chính vì vậy, tình cảm của chị Ngữ đối với Nhâm
đã đi quá giới hạn tình chị em, nó đang ở ranh giới mong manh và đầy mâu
thuẫn,giữa tình cảm gia đình và tình yêu.
Chi tiết chị Ngữ ôm Nhâm trong đêm đập lúa chính là chi tiết hé lộ ẩn ức
của nhân vật. Giây phút ấy, Nhâm không coi chị là chị dâu, mà chỉ là một
người đàn bà đau khổ và yếu đuối, cần bảo vệ và chăm sóc. Trong giây phút
ấy, khát khao của một chàng trai mới lớn trong Nhâm lại trỗi dậy. Dù không
biểu hiện thành lời, nhưng ta cũng thấy hiện lên một sự giằng xé nội tâm gay
gắt đang diễn ra trong tâm hồn Nhâm. Và từ đây, anh nhận ra mình “đã trở
thành người lớn”…Ẩn ức thể hiện qua khát khao ấy của Nhâm vẫn còn xuất
hiện thoáng qua trong một số chi tiết nữa. Như chi tiết hai chị em đi chặt
mía, Nhâm đứng từ đằng sau ngắm nhìn chị dâu vấn tóc, để lộ ra cái cổ trắng
đầy gợi cảm. Cổ chính là một trong những nơi gợi cảm của người phụ nữ.
Hay như cảnh Nhâm ngắm chị Ngữ bón cho lũ chim non, cảnh hai chị em
chia tay nhau khi Nhâm đi nhập ngũ…
Như vậy, ẩn ức của Nhâm là ẩn ức của một chàng trai mới lớn đang
khao khát khám phá và thể nghiệm tình yêu. Nhưng khao khát đó lại nằm
trong một tâm hồn rụt rè, nhút nhát nên ta luôn luôn nhận thấy sự mâu thuẫn
và giằng xé nội tâm. Và như thế, nhân vật của chúng ta lại mang đầy vẻ đẹp
nhân bản. Đó chính là con người đa diện, đa chiều mà đạo diễn muốn thể
hiện trong tác phẩm: một mặt là con người sống với trách nhiệm và lí trí;
một mặt lại sống với bản năng của con người.
Đó là với Nhâm. Còn đối với chị Ngữ- một phụ nữ nông dân tiêu
biểu, thì ẩn ức cũng được thể hiện nhưng kín đáo hơn. Ẩn ức của Ngữ là ẩn
ức của một người đàn bà tiêu biểu cho người phụ nữ nông dân Việt Nam,
nhưng cũng là một người đàn bà cô đơn và được khám phá vào sâu thế giới
bên trong.

Chị Ngữ cũng như vô vàn những người phụ nữ nông dân Việt Nam:
chăm chỉ cần cù, chịu thương chịu khó, sống vì gia đình; mộc mạc, chân
chất; và khi đau khổ thì cũng chỉ biết khóc lóc với mẹ đẻ nơi góc bếp, một
mình chịu đựng mọi nỗi đắng cay…Đó là người phụ nữ Việt Nam, với đầy
đủ những phẩm chất đáng trân trọng.
Nhưng, đạo diễn Đặng Nhật Minh không chỉ dừng lại ở đây. Bằng mối
quan hệ với người em chồng, chị Ngữ còn được khắc họa ở phương diện ẩn
ức nhân vật, từ đó xuất hiện con người đa diện. Những ẩn ức đó là ẩn ức của
một người vợ luôn luôn xa chồng, sống trong cô đơn, chờ mong mỏi mòn.
Chồng đi biệt 5 năm, chỉ về nhà có 2 lần. Với một người phụ nữ vô cảm(có
lẽ ít người như vậy) thì đó đã là một nỗi đau. Nhưng với một người phụ nữ
khát khao yêu và được yêu như chị Ngữ thì đó còn là một nỗi hụt hẫng, lẻ loi
đến chừng nào. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, với chị Ngữ, Nhâm
không chỉ là một người em chồng, mà còn là một người đàn ông trụ cột
trong gia đình. Vì thế, với chị, tình chị em đã dần bước sang một thứ tình
cảm nào khác, như là tình yêu nam nữ.
Người xem có thể dễ dàng nhận ra dụng ý thể hiện mối quan hệ và tình
cảm đặc biệt mà Ngữ dành cho Nhâm của đạo diễn. Tình cảm ấy thể hiện
qua sự ghen tuông mơ hồ khi Ngữ thấy Nhâm dành quan tâm cho Quyên-
một người đàn bà thị thành đẹp và hấp dẫn. Chi tiết tổ dế trên ruộng đã khắc
họa rõ nét tâm trạng ghen tuông của chị: Nhâm giẫm vào tổ dế, gọi chị Ngữ;
chị Ngữ vui mừng cầm những con dế lên, sung sướng: “Nhà mình sắp giàu
to rồi…” Nhưng chỉ một thoáng sau, khi nhận ra Nhâm đang đi cùng Quyên,
nét mặt chị tối sầm lại, những con dế rớt xuống từ trên tay chị, bò lổm ngổm
trên mặt ruộng nứt nẻ. Dế- biểu tượng của điềm may; nhưng giờ đây đó lại
là biểu tượng cho sự thất vọng, cho nỗi ghen tuông mơ hồ, cho nỗi buồn, cho
sự xót xa…và những cảm xúc không thể lí giải đang diễn ra trong tâm hồn
chị…
Tình cảm mà chị Ngữ dành chi Nhâm còn thể hiện qua chi tiết chị ôm
Nhâm trong đêm đập lúa. “Đừng bỏ rơi chị nhé Nhâm”, đó là lời nói, lời

khẩn cầu và cũng là nỗi lo lắng đang xâm chiếm tâm hồn chị. Nhưng, trong
chị vẫn là một người vợ Việt Nam, sau giây phút giải tỏa ẩn ức ấy, chị lại
giật mình quay trở về với thực tại. Để cảm thấy xấu hổ và tủi nhục: “Sao lại
như thế này?” Câu hỏi không có lời đáp ấy sao mà xót xa. Rồi cảnh hai chị
em chia tay nhau hôm Nhâm lên đường nhập ngũ, ta có cảm giác như đó là
cuộc chia li của những người yêu nhau: đôi mắt sao mà truyền cảm, nét mặt
sao mà yêu thương đến vây?
Ở chị Ngữ không chỉ có ẩn ức của một người đàn bà cô đơn mà còn có
ẩn ức của một người phụ nữ khát khao làm mẹ. Cảnh chị Ngữ bón cho đàn
chim non lạc mẹ là một chi tiết tiêu biểu cho ẩn ức đó. Nếu không hiểu khát
khao làm mẹ của một người phụ nữ muộn mằn và thiếu thốn tình thương, ta
sẽ không thể lí giải được hành động lạ lung đó. Ống kính quay cận cảnh tổ
chim, những chú chim non chiếp chiếp gọi mẹ, hành động bón cho chúng và
nét mặt hạnh phúc của chị Ngữ được thu lại thật tinh tế và đầy chất thơ.
Còn Quyên- nhân vật phụ chính trong mối quan hệ ba người này. Một
trong những vai trò của cô là khơi dậy ẩn ức của Nhâm. Và chính cô cũng là
một nhân vật mang những ẩn ức sâu kín. Vốn là một người con của nông
thôn, Quyên theo cha đến những miền đất xa lạ, trải qua biết bao đau khổ
trong cuộc đời và tình duyên: phải vượt biên để thoát khỏi người chồng cũ,
sống vật vờ trong những trại tị nạn Hồng Công, phải lấy người chồng có
quốc tịch Mỹ mà mình không hề yêu thương để có thể thoát khỏi trại tị
nạn… Khi trở về quê hương, cô đã trở thành một người phụ nữ từng trải,
mang trong mình bao vết thương đã thành những vết sẹo lòng khó mờ. Vì
vậy, khi biết tình cảm mà Nhâm dành cho mình, cô cũng chỉ nhìn nó như
một sự bình thường. Không phải cô vô cảm, mà chỉ đơn giản vì cô không thể
và cũng không muốn yêu ai.
Tất nhiên, ngoài vấn đề ẩn ức, nhân vật Quyên còn được xây dựng như
một hiện thân của văn minh, hiện đại trong mối quan hệ với nông thôn, với
truyền thống, qua đó truyền tải thông điệp của nhà văn: nông thôn ngày nay
đang dần dần bị thị thành và văn minh chiếm chỗ, nhưng điều nguy hiểm

hơn cả là sự thật đó lại được che phủ bởi những vật chất tưởng như đầy đủ.
Nhưng đó là một ý nghĩa khác của nhân vật.

2.3.Tiểu kết
Như vậy, qua việc phân tích mối quan hệ của ba nhân vật Ngữ -Nhâm –
Quyên, ta thấy được những ẩn ức của nhân vật. Mỗi nhân vật lại giấu trong
mình một con người đa diện riêng. Xây dựng mối quan hệ giữa ba nhân vật,
từ đó tìm hiểu sâu vào đời sống tâm hồn của mỗi nhân vật, khám phá và thể
hiện chân thật con người đa diện chính là sự sang tạo của đạo diễn Đặng
Nhật Minh trong bộ phim “Thương nhớ đồng quê”. Sự sáng tạo ấy không
những không làm mất đi giá trị ý nghĩa cơ bản của tác phẩm nguyên tác của
nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà còn có ý nghĩa tạo thêm lớp nghĩa mới cho
tác phẩm.
C. Kết luận chung:
Tóm lại, ta đã đi tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh qua
phương diện khám phá những nét sáng tạo của điện ảnh đối với tác phẩm
văn học. Cụ thể là sự sáng tạo mối quan hệ giữa ba nhân vật Ngữ - Nhâm –
Quyên, tạo nên cái lõi kịch tính và những tầng nghĩa mới cho bộ phim
“Thương nhớ đồng quê”. Có thể nói, sự sáng tạo ấy là vô cùng cần thiết,
nhất là đối với nền nghệ thuật điện ảnh nước nhà hiện nay. Đạo diễn
Bernado Berto đã nói rất hay thế này: “Tôi nghĩ rằng nếu điện ảnh có “văn
phạm” thì cũng chỉ để những người làm phim vi phạm. Bởi vì chính nhờ
những vi phạm như vậy mà ngôn ngữ điện ảnh mới tiến hóa.” (Dẫn theo
Việt Linh, “Ý tưởng nghề nghiệp”-NXB Văn hóa Sài Gòn, 2005, tr74). Có
thể gọi sự sáng của đạo diễn Đặng Nhật Minh như là một sự “vi phạm” để
giúp nghệ thuật điện ảnh Việt Nam dần “tiến hóa”.
Mối quan hệ văn học-điện ảnh nói chung, cụ thể là mối quan hệ giữa bộ
phim “Thương nhớ đồng quê” và tác phẩm truyện ngắn cùng tên, còn rất
nhiều khía cạnh để tìm hiểu. Vì vậy vẫn còn rất nhiều điều mà chúng ta cần
khám phá đang mở ra trước mắt, như một sự mời gọi đầy mê lực…

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Phương Lựu(chủ biên), Lý luận văn học, tập 1, NXB ĐHSPHN.
2. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Lý luận văn học, NXBGD.
3. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Văn học Việt Nam(1900-1945),
NXBGDVN.
4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học,
NXBGD.
5. Mỹ học Mác-Leenin, trường ĐHSPHN.
6. Phùng Hiền Hoài, Mỹ học đại cương, ĐH An Giang.
7. M.Gorki toàn tập, tập 2, Moscow 1949(trang 428).
8. “Thương nhớ đồng quê”, Tạp chí sông Hương - số 172 (tháng 6,
2009): />dong-que.html
9. “Thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – ranh giới và sự xâm nhập thể
loại, hiệu ứng thẩm mỹ”, Nguyễn Hồng Dũng, ĐHKH Huế, TẠP CHÍ
KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72A, số 3, năm 2012:

×