BÁO CÁO KẾT QUẢ CUỘC THI VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN
ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN VÀ CUỘC THI DẠY
HỌC THEO CHỦ ĐỀ TÍCH HỢP – MÔN ĐỊA LÍ CẤP THCS VÀ THPT
TS. Vũ Thị Chuyên
Chuyên viên phòng Giáo dục Trung học
Thực hiện công văn số 4188/BGDĐT-GDTrH ngày 07/8/2014 của Bộ
Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) và công văn số 738/SGD ĐT-TrH ngày 09 tháng 9
năm 2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo về Tổ chức cuộc thi Vận dụng kiến thức
liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh và cuộc thi
Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên cấp THCS và THCS.
I. Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình
huống thực tiễn dành cho học sinh trung học
1. Mục đích của cuộc thi
- Khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức của các môn học khác nhau
để giải quyết các tình huống thực tiễn; tăng cường khả năng vận dụng tổng
hợp, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh;
- Thúc đẩy việc gắn kiến thức lý thuyết và thực hành trong nhà trường
với thực tiễn đời sống; đẩy mạnh thực hiện dạy học theo phương châm “học đi
đôi với hành”;
- Góp phần đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra,
đánh giá kết quả học tập; thúc đẩy sự tham gia của gia đình, cộng đồng vào
công tác giáo dục.
2. Nội dung của cuộc thi: Học sinh phát hiện vấn đề và đưa ra giải
pháp để giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn về một trong các chủ đề sau:
hiểu biết về pháp luật, an toàn giao thông; phòng chống tham nhũng; bảo vệ
chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; bảo vệ môi trường; bảo tồn thiên
nhiên, tài nguyên và môi trường biển, đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng
tránh và giảm nhẹ thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
3. Đối tượng dự thi: Thí sinh là học sinh trung học cơ sở (THCS), trung
học phổ thông (THPT).
4. Sản phẩm dự thi: Sản phẩm dự thi là một bài viết của 01 thí sinh
hoặc nhóm 02 thí sinh, chưa được công bố, dài không quá 3000 từ, dung
lượng không quá 10MB. Cấu trúc của bài viết dự thi được mô tả ở Phụ lục I
kèm theo.
5. Tổ chức cuộc thi
- Các trường THCS, THPT phát động cuộc thi trong toàn thể học sinh
của trường.
- Học sinh (hoặc nhóm học sinh) dự thi trên tinh thần tự nguyện; mỗi học
sinh được tham gia không quá 02 bài dự thi.
- Các trường THCS trong huyện tổ chức chấm sơ khảo để lựa chọn tối
đa 03 bài dự thi xuất sắc nhất. Các bài dự thi xuất sắc được gửi về Phòng (Tổ
Phổ thông), chậm nhất vào ngày 25/12/2014.
- Phòng GD&ĐT sẽ tổ chức chấm để lựa chọn 05 bài dự thi xuất sắc
nhất gửi về Sở vào ngày 10/01/2015.
- Sở sẽ tổ chức xét chọn không quá 50 bài dự thi xuất sắc để gửi tham
gia dự thi cấp quốc gia.
6. Tiêu chí chấm thi
- Tình huống đặt ra phải là tình huống thực tiễn, gần gũi, thiết thực, có
thể giải quyết được bằng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của học sinh dự thi.
- Bài viết xác định rõ vấn đề, mục tiêu cần giải quyết, nêu bật được ý
nghĩa và tác dụng của việc giải quyết tình huống, nêu được các phương án với
cách thức khác nhau trong việc giải quyết tình huống, ưu tiên những giải pháp
và cách thức độc đáo, giàu tính sáng tạo và khả thi.
- Bài viết thể hiện được tư duy chặt chẽ, giàu sức thuyết phục, sự khéo
léo trong việc nêu lên phương hướng vận dụng, kết hợp những kiến thức, kĩ
năng của các môn học khác nhau để giải quyết tình huống.
II. Cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung
học
1. Mục đích của cuộc thi
- Khuyến khích giáo viên sáng tạo, thực hiện dạy học theo chủ đề, chủ
điểm có nội dung liên quan đến nhiều môn học và gắn liền với thực tiễn;
- Góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp
dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập; tăng cường
hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học;
- Tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên trung học
trong tỉnh và trên toàn quốc.
2. Nội dung của cuộc thi: Xây dựng chủ đề dạy học có nội dung kiến
thức liên quan trực tiếp đến hai hay nhiều môn học; thiết kế tiến trình dạy học
chủ đề đã xây dựng theo phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực; chuẩn bị
thiết bị dạy học và học liệu để hỗ trợ hoạt động học của người học; thử nghiệm
tiến trình dạy học đã thiết kế.
3. Đối tượng dự thi: Thí sinh là giáo viên THCS, THPT.
4. Sản phẩm dự thi
Sản phẩm dự thi là hồ sơ dạy học (dung lượng không quá 30MB), bao
gồm:
- Tiến trình dạy học chủ đề đã xây dựng được tổ chức thành các hoạt
động học của học sinh theo phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực;
- Thiết bị dạy học và học liệu hỗ trợ hoạt động học của học sinh theo tiến
trình dạy học đã thiết kế: mô tả dụng cụ thí nghiệm, mô hình, vật thật; video
clips, âm thanh, tranh, ảnh, bản đồ, sơ đồ, biểu đồ, sách, báo, tài liệu khoa
học ;
- Báo cáo về việc thử nghiệm tiến trình dạy học đã thiết kế, kèm theo
minh chứng về hoạt động dạy học đã tiến hành: các đoạn video clip minh họa
hoạt động dạy học điển hình; sản phẩm của các hoạt động và kết quả thực
hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh.
5. Hồ sơ dự thi
Hồ sơ dự thi bao gồm:
- Phiếu thông tin về giáo viên hoặc nhóm 02 giáo viên dự thi (Phụ lục II);
- Phiếu mô tả hồ sơ dạy học (Phụ lục III);
- Hồ sơ dạy học (dung lượng không quá 30MB).
6. Tổ chức cuộc thi
- Các trường THCS, THPT phát động Cuộc thi trong toàn thể giáo viên
của trường.
- Giáo viên (hoặc nhóm giáo viên) dự thi trên tinh thần tự nguyện. Mỗi
giáo viên (hoặc nhóm giáo viên) có thể gửi một hay nhiều hồ sơ dự thi.
- Các trường THCS trong huyện tổ chức chấm sơ khảo để lựa chọn tối
đa 03 bài dự thi xuất sắc nhất. Các bài dự thi xuất sắc được gửi về Phòng (Tổ
Phổ thông), chậm nhất vào ngày 25/12/2014.
- Phòng GD&ĐT sẽ tổ chức chấm để lựa chọn 05 bài dự thi xuất sắc
nhất gửi về Sở vào ngày 10/01/2015.
- Sở sẽ tổ chức xét chọn không quá 50 bài dự thi xuất sắc để gửi tham
gia dự thi cấp quốc gia.
7. Tiêu chí chấm sản phẩm dự thi
- Mục tiêu dạy học: Mục tiêu của bài học được xác định rõ ràng, gắn liền
với yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ của chương trình giáo dục phổ
thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
- Thể hiện rõ tính liên môn thông qua mục tiêu và nội dung dạy học về
kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau mà học sinh đạt được qua dự
án dạy bài học.
- Bảo đảm tính thực tiễn và tính khả thi: Nội dung, hình thức, bối cảnh
xây dựng bài học gắn liền với thực tiễn cuộc sống, thực tiễn dạy học, phù hợp
với điều kiện của nhà trường Việt Nam.
- Cách tổ chức dạy học: Các hoạt động dạy học được thiết kế hướng tới
người học, động viên người học huy động được nhiều lĩnh vực kiến thức và kĩ
năng khác nhau; thúc đẩy sự tìm tòi, khám phá, tự học của học sinh.
- Phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá: Vận dụng
phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá hướng tới người học
tích cực, hình thành và phát triển năng lực của học sinh như năng lực vận dụng
tổng hợp, năng lực hợp tác, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề….
- Sử dụng thiết bị dạy học: Thiết bị dạy học được sử dụng một cách hợp
lí, sáng tạo để hỗ trợ các hoạt động dạy, học và nâng cao hiệu quả dạy học.
- Kết quả dạy học: Các kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của
Chương trình giáo dục phổ thông và năng lực vận dụng kiến thức liên môn vào
giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh.Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của
rất nhiều cán bộ quản lí giáo dục, các thầy cô giáo và các em học sinh.
III. Kết quả của cuộc thi
Đối với bộ môn Địa lí, qua việc thể hiện của 25 bài viết của học sinh và
16 sản phẩm của giáo viên, chúng tôi có một số nhận xét ban đầu như sau:
- Nhìn chung, các bài dự thi đều nhận định Địa lí là môn khoa học tổng
hợp, có nhiều thuận lợi để tổ chức Dạy học theo chủ đề tích hợp với cả ba hình
thức: tích hợp liên môn; hoặc tích hợp các vấn đề mới đã được Sở GD&ĐT tập
huấn hàng năm vào các chủ đề của môn học trong Chương trình hiện hành
như: Sức khỏe sinh sản vị thành niên, Giáo dục môi trường, Giáo dục chủ
quyền biển đảo, Sử dụng tiết kiệm năng lượng, Giáo dục kỹ năng sống, Giáo
dục địa phương; hoặc vừa tích hợp liên môn vừa tích hợp các vấn đề mới vào
các chủ đề của môn học.
- Việc tổ chức cuộc thi có ý nghĩa rất tích cực, các sản phẩm dự thi đáp
ứng đúng mục đích của cuộc thi là từng bước giúp các nhà trường thực hiện
chủ trương đổi mới đồng bộ hình thức dạy học, phương pháp dạy học và kiểm
tra, đánh giá kết quả giáo dục; tăng cường việc gắn liền dạy học trong nhà
trường với thực tiễn cuộc sống và góp phần hình thành năng lực giải quyết vấn
đề của học sinh trung học.
- Các sản phẩm dự thi có mục tiêu rõ ràng, hình thức trình bày khá đẹp
và khoa học.
- Các sản phẩm dự thi đảm bảo cấu trúc theo quy định. Phần lớn các bài
dự thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn của
học sinh đầy đủ các yêu cầu: tên tình huống; mục tiêu giải quyết tình huống;
tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến việc giải quyết tình huống; giải
pháp và thuyết minh tiến trình giải quyết tình huống; ý nghĩa của việc giải quyết
tình huống và những khuyến nghị của các em học sinh. Các sản phẩm tham
gia cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp đối với giáo viên bao gồm đầy đủ:
giáo án; bài giảng; thiết bị và tư liệu dạy học được sử dụng; sản phẩm, kết quả
học tập của học sinh tham gia học bài.
- Chất lượng các sản phẩm của cuộc thi là những thông tin phản hồi có
tác dụng tích cực giúp các nhà quản lý giáo dục đánh giá được kết quả hoạt
động chuyên môn của các nhà trường, từ đó tiếp tục đưa ra các giải pháp đổi
mới phương pháp dạy học trong nhà trường.
- Phần lớn các khuyến nghị của học sinh là đề nghị các nhà trường tạo
điều kiện tổ chức cho học sinh có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động thực tế,
đi thực địa ngoài trời, tổ chức các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống trong nhà
trường.
1. Đối với cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các
tình huống thực tiễn của học sinh
- Đối tượng của cuộc thi này là dành cho các học sinh THCS và THPT.
Số lượng các bài dự thi của học sinh THCS nhiều hơn của học sinh THPT. Các
môn học được tích hợp vào nội dung của môn học Địa lí chủ yếu gồm Ngữ văn
– Lịch sử - GDCD. Trong 25 bài dự thi của học sinh, số lần các môn học được
học sinh vận dụng là: Ngữ Văn 16, Lịch sử 16, GDCD 16, Sinh vật 6, Mỹ thuật
3, Hóa học 3, Tin học 2, Vật lý 2, Toán 2, Công nghệ 2 và Ngoại ngữ 1. Hầu
hết trong các bài viết, phương án giải quyết tình huống thường được học sinh
sử dụng kiến thức, kỹ năng liên môn của 2 đến 3 môn học. Cá biệt có một số
phương án giải quyết, học sinh đã sử dụng kiến thức của hầu hết các môn học
nêu trên, ví dụ “Tìm hiểu di tích đền Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên”, học
sinh đã sử dụng kiến thức môn Địa lí để nêu lên vai trò, ý nghĩa kinh tế xã hội
của khu di tích; sử dụng kiến thức môn Lịch sử để giải thích các sự kiện từng
xảy ra ở nơi đây; sử dụng kiến thức môn mỹ thuật để làm nổi bật nét kiến trúc
độc đáo của khu di tích; sử dụng kiến thức môn ngoại ngữ để đọc hiểu nội
dung các câu đối, bảng ghi chép bằng chữ hán nho trong đền,… Một số môn
học ít được học sinh kết hợp vận dụng khi giải quyết các tình huống thực tiễn
như: Giáo dục an ninh quốc phòng, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ.
- Một số bài dự thi có chất lượng khá tốt, từ việc lựa chọn tình huống
đến việc giải quyết các tình huống đều có tính thực tiễn khá cao, phương án
giải quyết có tính khả thi, việc vận dụng kiến thức liên môn để xử lý tình huống
được học sinh thực hiện một cách khéo léo, khá bài bản và có tính thuyết phục
cao, ví dụ bài dự thi có chủ đề “Vận dụng kiến thức môn Địa lí và Sinh học để
khắc phục hiện tượng sạt lở ở núi Tiên Hội - An Lão - Hải Phòng”.
Tuy nhiên, một số bài viết còn tồn tại:
- Cấu trúc khi trình bày sản phẩm chưa theo đúng hướng dẫn của Sở
GD&ĐT. Các tình huống chưa đa dạng, chủ yếu tập trung ở các chủ đề giới
thiệu về di tích, thăm quan du lịch, mô tả địa lí địa phương, giải quyết các tình
huống diễn ra trên lớp học.
- Việc lựa chọn các tình huống trong bài dự thi còn hạn chế:
+ Một số tình huống mang tính chung chung, hoặc mang tính giả định,
không đảm bảo tính thực tiễn, ví dụ “Thuyết trình về tự nhiên, dân cư và tình
hình phát triển kinh tế của Nhật Bản”, “Thuyết minh một địa danh yêu
thích”, “Nếu được làm hướng dẫn viên du lịch, em viết một bài giới thiệu cho du
khách “Cát Bà – khu dự trữ sinh quyển thế giới – điểm hẹn du lịch”, “Tìm hiểu
hệ thống sông ngòi của Hải Phòng”.
+ Một số tình huống đưa ra quá sức giải quyết của học sinh, ví dụ một
học sinh lớp 9 đưa ra tình huống: “Đầu tư phát triển ngành trồng lúa nước ở
Đồng bằng sông Hồng” hay “Nhà giàn trên biển Đông”.
- Trong một số bài dự thi đưa ra phương án giải quyết tình huống không
phù hợp, tính logic khoa học còn hạn chế, ví dụ tên chủ đề là: “Sử dụng kiến
thức liên môn để giải thích tại sao phải bảo vệ nguồn nước?”, nhưng phần
thuyết minh tiến trình giải quyết tình huống đưa ra: phương pháp bảo vệ nguồn
nước; tuyên truyền luật bảo vệ tài nguyên nước; hay một tình huống khác là:
“Sử dụng các kiến thức liên môn để trình bày với các bạn về hậu quả của
những cơn bão lũ ở miền Trung”, nhưng cách giải quyết tình huống là viết một
bài văn.
- Một số bài dự thi không ghi đầy đủ các thông tin theo quy định (thiếu
tên tình huống, lĩnh vực dự thi,…). Cá biệt có đơn vị chưa nắm vững được các
tiêu chí sản phẩm cuộc thi, vì vậy cấu trúc và nội dung cả 5 sản phẩm dự thi
đều được trình bày dưới hình thức các bài văn viết về “Quê hương – Đất nước
– con người Việt Nam”.
2. Đối với cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp của giáo viên
- Nội dung của các sản phẩm thể hiện rõ được tính liên môn, tính thực
tiễn và khả thi.
- Các thiết bị dạy học được sử dụng khá hợp lí, sáng tạo, ứng dụng
CNTT có hiệu quả cao.
- Hầu hết các sản phẩm của học sinh rõ ràng, đủ để minh chứng kết quả
học tập của học sinh.
- Một số sản phẩm có chất lượng tốt, sáng tạo về hình thức tổ chức dạy
học, phát triển năng lực vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng của nhiều
môn học để giải quyết các tình huống trong quá trình học bài, đồng thời thể
hiện được tính chủ động học tập của học sinh, ví dụ trong cùng một tình huống
của bài học là: Thể hiện thái độ của bản thân trước vấn đề ô nhiễm môi trường
của địa phương, có nhóm học sinh thể hiện theo hình thức văn hùng biện; có
nhóm học sinh trưng bày một bức tranh phiếm họa; có nhóm học sinh trình
chiếu các slide về hậu quả của ô nhiễm môi trường ở địa phương; có nhóm
học sinh đọc bài thơ tự sáng tác về chủ đề bảo vệ môi trường (các sản phẩm
được học sinh chuẩn bị ở nhà theo phương pháp dạy học dự án).
* Một số tồn tại:
- Số lượng giáo viên tham gia cuộc thi còn rất hạn chế, nhất là đối với
cấp THPT (mới chỉ có 3/56 trường THPT tham gia).
- Có sự nhầm lẫn giữa dạy học theo chủ đề Tích hợp và dạy học tích
hợp kiến thức của nhiều môn học trong một tiết học, ví dụ “Dạy học tích hợp
bảo vệ môi trương trong bài Phân bố dân cư, quần cư và đô thị hóa – tiết 27,
bài 24, SGK lớp 10), “Tích hợp kiến thức các môn Địa lí, Vật lí, Sinh học vào
giảng dạy tiết 34, bài 33: Đặc điểm sông ngòi của Việt Nam (Địa lí lớp 8).
- Qua theo dõi các video clip của giờ học trên lớp cho thấy hầu hết các
bài dạy đều còn hạn chế ở kỹ thuật thiết kế và tổ chức các hoạt động học của
học sinh. Trong tiến trình tổ chức hoạt động, giáo viên chưa tập trung nhiều
vào việc quan sát các diễn biến trạng thái tâm lý của học sinh. Việc phân vai và
phân công nhiệm vụ cho từng học sinh chưa rõ ràng, mang tính chung chung.
Học sinh chưa được tư vấn về kỹ thuật ghi chép trong vở ghi, kỹ thuật lắng
nghe tích cực. Hầu hết giáo viên vẫn tập trung tổ chức các hoạt động tìm hiểu
kiến thức mới hơn là kỹ thuật vận dụng kiến thức tích hợp, kiến thức liên môn
vào giải quyết các tình huống của bài học.
- Một số bài dự thi, phần kiểm tra kết quả học tập của học sinh không tập
trung vào nội dung có sử dụng kiến thức liên môn, do vậy khó minh chứng
được kết quả học tập của học sinh theo quy định của chủ đề cuộc thi.
Để có những bài viết có chất lượng, chúng tôi xin gợi ý:
* Đối với giáo viên:
- Cần phân biệt rõ về cơ sở lý luận và phát triển cho học sinh các kỹ
năng: tìm hiểu kiến thức mới-thực hành-vận dụng kiến thức của một môn học
hay nhiều môn học vào giải quyết các tình huống của bài học hay trong thực
tiễn cuộc sống.
- Tăng cường thời lượng tổ chức các hoạt động thực hành, vận dụng
kiến thức bài học trên lớp vào giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống
cho học sinh.
- Trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, các giáo viên
và các nhóm chuyên môn chủ động đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường các
phương án giảng dạy các chủ đề tích hợp trong bộ môn Địa lí, hoặc các chủ đề
có nội dung liên môn, liên quan đến các môn học khác.
- Các tổ nhóm chuyên môn nên xây dựng chuyên đề sinh hoạt tìm hiểu
và tiếp tục đưa ra các phương án triển khai Dạy học theo chủ đề tích hợp.
- Để đáp ứng được yêu cầu cuộc thi Dạy học tích hợp theo chủ đề, giáo
viên phải chủ động lên kế hoạch dạy học theo chủ đề, cùng với đó phải đổi mới
việc tổ chức dạy học trên lớp, bố trí thời lượng hợp lí, đổi mới phương pháp
dạy học, nhất là phương pháp dạy học theo dự án.
- Để tổ chức tốt việc dạy học tích hợp, giáo viên cần chú ý một số gợi ý
sau:
+ Trước hết, giáo viên nghiên cứu kỹ trong tất cả các đơn vị chuẩn kiến
thức, kỹ năng trong chương trình môn Địa lí có những đơn vị, những chủ đề
nào có thể được tiến hành dạy học tích hợp, dạy học liên môn.
+ Căn cứ vào điều kiện dạy học của bản thân, tổ nhóm và nhà trường,
giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động dạy học những
đơn vị, chủ đề sẽ tiến hành dạy học tích hợp, dạy học liên môn đã lựa chọn
nêu trên (thời lượng, hình thức tổ chức, cơ sở vật chất, phương pháp và kỹ
thuật dạy học, tài liệu dạu học, ).
+ Thiết kế giáo án bài học có chủ đề tích hợp, cần vận dụng kiến thức
liên môn. Từ mục tiêu bài học đến việc tổ chức các hoạt động bài mới, củng cố
và kiểm tra đánh giá phải thể hiện rõ nội dung tích hợp, môn học được tích
hợp, tiến trình và kỹ thuật tích hợp một cách sáng tạo, bài bản và giàu tính
thuyết phục.
+ Một bài học Địa lí trên lớp cơ bản bao gồm: hoạt động khởi động; hoạt
động tìm hiểu bài mới; hoạt động thực hành; hoạt động vận dụng giải quyết các
tình huống thực tiễn và hoạt động phát triển mở rộng bài học. Để thuận lợi cho
việc dạy học tích hợp, việc tích hợp các vấn đề mới (Giáo dục môi trường, Chủ
quyền biển đảo, Sử dụng tiết kiệm năng lượng Biến đổi khí hậu…) chủ yếu
được tiến hành trong bước tổ chức hoạt động tìm hiểu kiến thức mới, còn việc
tích hợp kiến thức liên môn chủ yếu được tiến hành trong các hoạt động vận
dụng giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, cũng không thể
áp dụng cứng nhắc bài học nào cũng dạy học tích hợp và kết quả của dạy học
tích hợp còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác.
+ Nên đa dạng hóa các hình thức dạy học tích hợp: tổ chức các giờ
ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức đi thực địa,…Với mỗi hình
thức tổ chức dạy học tích hợp khác nhau, cần phải xây dựng kế hoạch dạy học
thích hợp. Không nên quá lạm dụng việc dạy học tích hợp dễ dẫn đến tính hình
thức, không đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình bộ môn Địa lí.
+ Khi xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá, đối với phần kiến thức, kỹ
năng đã tiến hành dạy học tích hợp, dạy học liên môn nên ra dạng đề mở, đề
có tình huống thực tiễn để giúp học sinh có cơ hội phát triển năng lực vận dụng
kiến thức tổng hợp, kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn
cuộc sống, gắn việc học ở nhà trường với nhu cầu phát triển của học sinh ở địa
phương và cộng đồng.
* Đối với học sinh:
- Cần cập nhật các bài viết, các thông tin trên các trang mạng liên quan
đến việc tổ chức dạy học tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết
các tình huống thực tiễn, từ đó nắm vững cơ sở lí luận và có nhận thức đúng
đắn về sự cần thiết tham gia các hoạt động dạy – học theo chủ đề trên đây.
- Khi đưa ra một tình huống thực tiễn thường phải có thời gian và không
gian cụ thể, tình huống đưa ra là có thực, không phải là tình huống giả định.
Các tình huống phải xuất phát từ nhu cầu phát triển năng lực học tập của học
sinh và đảm bảo tính vừa sức, khả thi khi giải quyết.
- Tình huống thực tiễn không nhất thiết phải là các tình huống xảy ra bên
ngoài nhà trường. Không phải tình huống thực tiễn nào cũng có thể trở thành
vấn đề cần giải quyết đối với học sinh. Trong cùng một vấn đề xảy ra, nó có thể
trở thành tình huống cần giải quyết đối với học sinh này nhưng không là tình
huống cần giải quyết của các học sinh khác.
- Tính sáng tạo, độc đáo của bài thi vận dụng kiến thức liên môn để giải
quyết các tình huống thực tiễn được thể hiện rõ nhất ở việc học sinh đưa ra
được các phương án giải quyết có tính chủ động, đặc biệt là năng lực vận
dụng các kiến thức liên môn để giải quyết tình huống một cách khéo léo, giàu
tính thuyết phục.
- Địa lí là một môn khoa học tổng hợp, do vậy bài học Địa lí nào cũng
giúp cho học sinh vận dụng khi cần giải quyết các tình huống thực tiễn và để
giải quyết tốt bất kỳ tình huống thực tiễn nào, học sinh cũng nên vận dụng kiến
thức của các môn học khác nhau có liên quan đến lĩnh vực đó. Việc vận dụng
kiến thức môn để giải quyết tình huống thực tiễn phải được tiến hành thường
xuyên, trở thành thói quen học tập của học sinh ở tất cả các bài học, nhưng
không áp dụng một cách hình thức và cứng nhắc.
* Đối với các nhà quản lí giáo dục trong các nhà trường:
- Quân tâm chỉ đạo công tác này một cách thường xuyên, liên tục. Có kế
hoạch trong chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách rõ người rõ việc.
- Trước khi gửi các bài viết, các sản phẩm dự thi, các nhà trường nên rà
soát lại các sản phẩm đó để đảm bảo đúng, đầy đủ các yêu cầu của cuộc thi.
- Tăng cường công tác tư vấn, tổ chức các chuyên đề Vận dụng kiến
thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn cho học sinh và các
chuyên đề Dạy học theo chủ đề tích hợp cho giáo viên cấp trường, cấp liên
trường, cụm trường.
- Có các biện pháp để động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh
tích cực tham gia cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình
huống thực tiễn dành cho học sinh và cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp
dành cho giáo viên. Các nhà trường cần coi đây là một trong những chỉ tiêu
đánh giá thi đua, đánh giá chất lượng hoạt động chuyên môn của các tổ nhóm
chuyên môn trong nhà trường.