1
MỞ ĐẦU
1. Mục đích, lí do chọn đề tài
Nguyễn Hiến Lê không chỉ là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học,
mà còn là nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập. Là một học giả với 120
tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như
giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, đạo đức học, lịch sử, du ký, gương danh
nhân, chính trị, kinh tế,…Sự nghiệp nghiên cứu và sáng tạo văn học của ông đã
gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mới về
những quan niệm, phương pháp nghiên cứu mới của nền văn học nước nhà lúc
bấy giờ.
Dù đến với nghiệp văn chương như là một sự ngẫu nhiên nhưng không vì
thế mà những đóng góp và thành tựu Nguyễn Hiến Lê là không đáng ghi nhận.
Suốt thời gian cầm bút, ông luôn tận tâm với nghề, luôn học hỏi, trau dồi thêm
kiến thức. Những vấn đề được ông đề cập đến là những vấn đề cấp thiết, có ích
cho xã hội, nhất là với tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên. Ông được rất
nhiều độc giả biết đến và yêu quý. Những công trình nghiên cứu và sáng tạo của
ông phục vụ cho nhiều thế hệ khác nhau, mỗi gia đình không nhiều thì ít, cũng
có vài cuốn sách của ông. Nguyễn Hiến Lê được rất nhiều người tín nhiệm,
muốn mời ông dạy ở trường này hay làm việc ở nơi kia và trao tặng nhiều giải
thưởng nhưng ông đều từ chối. Tất cả những dẫn chứng nêu trên, cho thấy được
vai trò, ảnh hưởng và tầm quan trọng của ông. Theo sát dòng chảy của lịch sử
dân tộc, Nguyễn Hiến Lê luôn biết tự điều chỉnh và đổi mới trong tư duy, nhận
thức, ông luôn lao động miệt mài và đặt ra cho mình những nhiệm vụ thích ứng
với việc nghiên cứu văn học trong từng giai đoạn cụ thể. Đó là những phẩm chất
cao quý và đáng trân trọng của một nhà nghiên cứu lớn như Nguyễn Hiến Lê.
Nguyễn Hiến Lê đã để lại cho chúng ta một khối lượng tác phẩm đồ sộ và
có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, nghiên cứu và sáng tạo văn học là một
2
trong những lĩnh vực quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn. Đối với sự nghiệp
nghiên cứu và sáng tạo văn học, mỗi nhà văn, nhà nghiên cứu đều có những tư
tưởng, quan niệm, cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, mỗi người đều có một
mục tiêu và phương pháp khác nhau. Trên cơ sở kế thừa thành tựu của những
người đi trước để lại, chúng tôi bước đầu nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện
những đóng góp của Nguyễn Hiến Lê trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo văn
học. Để hiểu biết và đánh giá đúng tầm cỡ sự nghiệp của một người suốt đời tận
tâm như Nguyễn Hiến Lê, là một quá trình làm việc nghiêm túc và có cái nhìn
khách quan, chúng tôi chọn đề tài khóa luận tốt nghiệp của mình là nghiên cứu
về Nguyễn Hiến Lê. Khóa luận này không tham vọng nghiên cứu hết mọi
phương diện sự nghiệp của ông, chúng tôi chỉ đi sâu khám phá, tìm hiểu về
Nguyễn Hiến Lê – nhà văn, nhà nghiên cứu văn học mà thôi.
2. Lịch sử vấn đề
Nguyễn Hiến Lê là người viết nhiều và viết chắc, những tác phẩm của ông
đều được ấp ủ từ trước. Ông viết bằng niềm đam mê, sự hiểu biết, bằng những
rung cảm sâu lắng toát ra từ tâm hồn của người nghệ sĩ. Chính vì vậy, những
đóng góp của ông rất thiết thực. Đời sống văn học và nghiên cứu văn học không
ngừng vận động và phát triển. Trên văn đàn, có không ít những bài viết của
những nhà nghiên cứu văn học, nhà văn, những người yêu mến Nguyễn Hiến Lê
hướng tới những suy nghĩ, bình luận, mổ xẻ những quan niệm hay những tác
phẩm của ông. Qua đó, tác giả đã rút ra những nhận xét khách quan và khẳng
định tài năng độc đáo cũng như những đóng góp to lớn của Nguyễn Hiến Lê
trong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tạo văn học.
Năm 1993, Châu Hải Kỳ ra mắt bạn đọc cuốn sách, Nguyễn Hiến Lê -
cuộc đời và tác phẩm. Qua cuốn sách này, chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời
cũng như sự nghiệp của ông. Những thói quen làm việc, những tư tưởng, quan
niệm của ông về nghiên cứu và sáng tạo văn học. Bên cạnh đó là hệ thống, tóm
tắt những tác phẩm đã xuất bản cũng như chưa xuất bản, những bài viết trên các
3
báo ông đã cộng tác…Châu Hải Kỳ thực sự mến mộ tài năng cũng như nhân
cách Nguyễn Hiến Lê. Ông đã đọc kỹ hơn nửa trong số 120 công trình của ông
và đọc lướt một nửa còn lại mới có thể hoàn thành một tác phẩm đầy đủ, súc tích
như vậy.
Trên tạp chí Văn học nghệ thuật số 8 và 9, tháng 12 năm 1985 và tháng 1
năm 1986, có bài viết, Nguyễn Hiến Lê trong đời tôi của Nguyễn Mộng Giác,
nhân biết được tin Nguyễn Hiến Lê qua đời. Bài này trình bày những suy nghĩ
của tác giả về Nguyễn Hiến Lê và công trình nghiên cứu của ông.
Phan Ngọc Hiển cũng có bài viết, Rành mạch như Nguyễn Hiến Lê, in
trên tạp chí Văn hóa Nghệ An. Ở bài này, Phan Ngọc Hiển chủ yếu trình bày
khía cạnh đời thường của Nguyễn Hiến Lê, ông luôn sòng phẳng, rành mạch
trong cách thể hiện thái độ, quan niệm sống của mình.
Ngoài ra, còn có một số bài viết như Tâm tình học giả Nguyễn Hiến Lê
của Lê Phương Chi, Người “gieo mầm”: Ông Nguyễn Hiến Lê và Về tượng đài
nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê của Trịnh Kim Thuấn, rồi phóng sự : Lãng quên
“tượng đài văn hóa” Nguyễn Hiến Lê, trên báo Lao động (số 190 ngày
19/8/2013) của phóng viên Lam Điền. Thông qua những bài viết trên, giúp ta
hiểu rõ hơn về nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê. Nhưng những bài
viết này, chỉ mới trình bày suy nghĩ của người viết về Nguyễn Hiến Lê và sơ
lược qua những công trình nghiên cứu và sáng tạo của ông, chứ chưa đi sâu
phân tích kĩ lưỡng. Bài khóa luận của chúng tôi, sẽ tìm hiểu trên một phương
diện mới, đi sâu vào lĩnh vực văn học, phân tích những tác phẩm tiêu biểu và
trình bày những đặc điểm phương pháp nghiên cứu, cũng như đóng góp của
ông vào tiến trình hiện đại hóa văn học. Đây là một đề tài mới, chưa có ai
nghiên cứu nên chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong công tác tìm kiếm tài liệu.
Nhưng qua đó, chúng tôi sẽ trình bày được những suy nghĩ, hiểu biết của mình,
góp một phần sức lực nhỏ bé của cá nhân vào việc khẳng định tên tuổi nhà văn,
nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê.
4
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: để tìm hiểu, đi sâu vào đề tài khảo sát, hệ thống và
rút ra những nhận xét, xây dựng hệ thống luận điểm cho khóa luận này, chúng
tôi tập trung vào những công trình nghiên cứu và sáng tạo văn học chủ yếu của
Nguyễn Hiến Lê, tập trung ở bốn phần trong Tuyển tập văn học Nguyễn Hiến Lê
là Hương sắc trong vườn văn (1962), Đại cương văn học sử Trung Quốc
(1955), Văn học Trung Quốc hiện đại (1969), Con đường thiên lý (1989).
Phạm vi nghiên cứu: Với đề tài này, chúng tôi tập trung tìm hiểu những
quan niệm về nghiên cứu văn học, những tìm tòi, sáng tạo và những quan điểm
của Nguyễn Hiến Lê trong lĩnh vực văn học thông qua các tác phẩm tiêu biểu.
Bên cạnh đó, để thấy được những đóng góp hết sức to lớn của ông, chúng tôi sẽ
điểm qua những công trình nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời
đưa ra một vài so sánh với các nhà nghiên cứu, nhà văn khác để có cái nhìn
khách quan, chính xác hơn.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện khóa luận này, với mục đích nghiên cứu, đối tượng và phạm
vi nghiên cứu như đã trình bày ở trên, chúng tôi sử dụng các phương pháp
nghiên cứu như: phương pháp thống kê, tổng hợp, so sánh, phân tích, hệ thống
vấn đề. Đồng thời, chúng tôi còn sử dụng các lý thuyết về nghiên cứu văn học.
5. Bố cục khóa luận
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, khóa luận được chia làm 3 chương như sau:
Chương 1. Nguyễn Hiến Lê và nghiên cứu văn học
Chương 2. Khảo những công trình nghiên cứu và sáng tạo văn học của
Nguyễn Hiến Lê
Chương 3. Đóng góp của Nguyễn Hiến Lê vào tiến trình hiện đại hóa
văn học
5
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
NGUYỄN HIẾN LÊ VÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
1.1. Nguyễn Hiến Lê – cuộc đời và sự nghiệp
1.1.1. Cuộc đời
Nguyễn Hiến Lê hiệu là Lộc Đình, sinh ngày mồng 8 tháng 1 năm 1912
tại Hà Nội (giấy khai sinh ghi ngày 8-4-1912), quê làng Phương Khê, phủ
Quảng Oai, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội.
Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, bác ruột tham gia phong trào
Duy tân ở trường Đông Kinh nghĩa thục bị thực dân truy nã, lánh vào Sài Gòn
rồi ẩn cư ở Đồng Tháp Mười. Từ đó, ông bác lập nghiệp luôn trong miền Tây
Nam Bộ.
Thuở nhỏ, Nguyễn Hiến Lê lần lượt học ở các trường tiểu học Yên Phụ,
trường Bưởi, trường Cao đẳng Công chánh Hà Nội. Năm 1934, ông tốt nghiệp
và được bổ làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Kể từ đó, ông làm việc và
định cư luôn ở miền Nam cho đến ngày qua đời.
Năm 1935, ông bắt đầu viết du ký, ký sự, tiểu luận, dịch thuật các tác
phẩm văn chương. Đến năm 1945, ông đã có đến hàng chục tác phẩm, nhưng
một số tác phẩm đã thất lạc trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Vì
ông từng làm việc tại Sở Công chánh thuộc ngành Thủy lợi, thường đi thực địa ở
các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang nên biết tường tận về đất đai và con người ở các
địa phương thuộc khu vực này.
Sau Cách mạng tháng Tám, rồi toàn quốc kháng chiến, ông bỏ đời sống
công chức, tản cư về Đồng Tháp, Long Xuyên, và làm nghề dạy học. Năm 1952,
ông thôi dạy, lên Sài Gòn sinh sống bằng ngòi bút và chuyên tâm vào công việc
sáng tạo và nghiên cứu văn hóa nghệ thuật.
6
Năm 1980, ông về sống ở Long Xuyên (nay thuộc tỉnh An Giang), đến
ngày 22 tháng 12 năm 1984, ông bị bệnh và mất tại Sài Gòn, hưởng thọ 72 tuổi,
thi hài được hỏa táng ở Thủ Đức. Sự ra đi của ông để lại sự thương tiếc trong
lòng nhiều người làm văn hóa và bạn đọc thân mến trong và ngoài nước.
1.1.2. Sự nghiệp
Nguyễn Hiến Lê là nhà văn, nhà văn hóa lớn. Trong khoảng 45 năm cầm
bút, ông có trên 120 tác phẩm, được viết dưới nhiều thể loại khác nhau. Tác
phẩm đầu tay của ông là một cuốn du ký khoa học, có tên là Bảy ngày trong
Đồng Tháp Mười. Tuy mỏng nhưng cuốn sách này đã được tác giả bỏ ra nhiều
công sức. Nguyên sách được viết nhân một chuyến về Hà Nội thi lấy bằng kỹ sư
do đề nghị của chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Thanh nghị, là ôngVũ Đình Hòe,
sách viết xong nhưng gửi ra Hà Nội không được (vì chiến tranh), bản thảo bị
mất trong Đồng Tháp Mười. Năm 1954, ông viết lại, đồng thời được xuất bản
ngay trong năm đó và được tái bản nhiều lần. Từ đó, mỗi năm ông có đôi ba tác
phẩm ra mắt công chúng độc giả.
Ngòi bút Nguyễn Hiến Lê đề cập đến nhiều lĩnh vực, mà ở lĩnh vực nào
cũng có căn cứ khoa học, am tường cặn kẽ về các đối tượng, sâu sắc về các vấn
đề được nhắc tới và không thiếu tính nghệ thuật.
Tác phẩm của ông bao gồm nhiều chủ đề như:
Văn học: Gồm một số tác phẩm đặc sắc và công phu như: Luyện văn (3
tập, 1953), Đại cương văn học sử Trung quốc (3 tập, 1955), Hương sắc trong
vườn văn (2 tập, 1962), Tô Đông Pha (1970)… giới thiệu được những tinh hoa
của văn học Trung Quốc cũng như nghệ thuật văn chương Việt Nam.
Ngôn ngữ học: Để hiểu văn phạm (1952), Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam
(1963)… có nhiều phát kiến mới về ngôn ngữ học Việt Nam, đồng thời vận dụng
được những tiến bộ mới nhất của ngữ học hiện đại vào ngữ pháp tiếng Việt.
Triết học: Nho giáo một triết lý chính trị (1958), Đại cương triết học
Trung Quốc (2 tập, 1966), Một lương tâm nổi loạn (1970), Bertrand Russell
7
(1971), Liệt Tử và Dương Tử (1972), Mạnh Tử (1973)… trình bày được một hệ
thống triết học cổ điển Trung Hoa, cùng những tấm gương lớn về chân dung các
triết gia phương Tây hiện đại.
Sử học: Gồm một số tác phẩm về lịch sử và văn minh sử thế giới như:
Đông Kinh nghĩa thục (1954), Lịch sử thế giới (4 cuốn, 1955), Bài học Israel
(1968), Chiến quốc sách (1968), Bán đảo Ả Rập (1969), Bí mật dầu lửa (1969),
Văn minh Ả Rập (1969), Sử ký Tư Mã Thiên (1970), Bài học của lịch sử (1972),
Nguồn gốc văn minh (1974), Sử Trung Quốc (3 tập, 1982)… là những cái nhìn
xuyên suốt về lịch sử văn minh thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam.
Gương danh nhân: Gồm một số tác phẩm viết về Gương hy sinh (1962),
Gương kiên nhẫn (1964), Gương chiến đấu (1966), Những cuộc đời ngoại hạng
(1970), Einstein (1971), Ý chí sắt đá (1971), … là những bài học thiết thực cho
nhiều lớp người, nhất là thành phần thanh thiếu niên đang ở ngưỡng cửa cuộc đời.
Giáo dục: Trình bày những quan điểm về giáo dục, về các lớp tuổi trong
đời sống gia đình Việt Nam. Chủ đề này gồm: Thế hệ ngày mai (1953), Tự học
để thành công (1954), Sống 24 giờ (1956), Tự học một nhu cầu của thời đại
(1964), Tìm hiểu con chúng ta (1966), Làm con nên nhớ (1968), …
Tự luyện trí lực: Tác giả vừa dịch, vừa khảo cứu về các chuyên đề giáo
dục có tính xã hội như: Rèn nghị lực (1956), Tương lai trong tay ta (1962),
Luyện lý trí (1965), Ý cao tình đẹp (1967)… chủ đề này có trên 20 cuốn có giá
trị. Trước 1975, số ấn bản có đến hàng vạn cuốn. Hiện nay, các nhà xuất bản
trong toàn quốc đang tiếp tục tái bản.
Cảo luận: Là một số chuyên đề văn chương, văn hóa, văn nghệ như: Nghề viết
văn (1956), Vấn đề xây dựng văn hóa (1967), Con đường hòa bình (1971), Mười
câu chuyện văn chương (1975), … là những đóng góp sáng giá của ông về văn
chương, đạo đức và cảm thụ học thuật, khiến cho độc giả yêu mến văn nghệ hơn.
Dịch thuật: Nguyễn Hiến Lê có một khả năng dịch thuật rất sung mãn. Từ
khi bắt đầu cầm bút cho đến cuối đời, ông có hàng chục công trình dịch thuật
8
sáng giá, nhất là các bộ tiểu thuyết lớn ở phương Tây như: Câu chuyện thương
tâm (1955), Kiếp người (1962), Cổ văn Trung Quốc (1966), Chiến tranh và hòa
bình (4 tập, 1968), Chiếc cầu trên sông Drina (1972), Một mùa hè vắng bóng
chim (1990), …và một số tác phẩm biên khảo viết bằng chữ Pháp, chữ Hán cổ
cận thế giới.
Du ký: Gồm một số quyển ghi chép lại các lần đi thực địa ở các địa
phương. Loại này không phải thuần túy là các tác phẩm văn chương mà là những
đóng góp thiết thực cho khoa học tự nhiên, xã hội, văn học như: Đế Thiên Đế
Thích (1943), Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (1954), cùng một số sách về
quản trị công nghiệp, kinh tế, giáo khoa Toán. Bên cạnh đó, ông còn viết hơn 300
chuyên đề trên các tạp chí chuyên ngành (trong các tạp chí ở Sài Gòn trước 1975).
Tính đến năm 1975, ông đã xuất bản đúng 100 tác phẩm ở các thể loại
vừa kể. Từ năm 1975 cho đến khi qua đời, ông còn viết và dịch thuật được hơn
20 tác phẩm như: Kinh Dịch, đạo của Người quân tử (1992), Đời nghệ sĩ (1993),
Luận ngữ (1995), Mặc học (1995), Để tôi đọc lại (2001), …Nhất là bộ sử lớn về
lịch sử cổ đại đến hiện đại Trung Hoa có tên là Sử Trung Quốc (1982). Với một
bề dày lịch sử như nước Trung Hoa, hơn mấy ngàn năm đầy biến động, được
ông tóm tắt lại trong khoảng 1000 trang in, quả là một công việc cực kì khó
khăn. Với sự nổ lực của mình, trong phạm vi 1000 trang in, bằng những tư liệu,
cứ liệu và chứng cứ khoa học, Nguyễn Hiến Lê không những trình bày cặn kẽ
các sự kiện lịch sử Trung Quốc đi suốt cả không gian, thời gian mà còn đào sâu
vào bề dày lịch sử của một trong không nhiều nền văn minh thuộc loại cổ nhất,
lâu đời nhất của hành tinh chúng ta, đồng thời, khi xem xét nó trong mối quan
hệ qua lại với cộng đồng văn hóa của cả một khu vực rộng lớn mà từ lâu, Nho
giáo, Phật giáo và Lão giáo làm nền tảng cho mọi hoạt động của con người và
xã hội. Nhờ phương pháp xem xét mang tính khoa học và dựa trên mối quan hệ
tương tác đó, nên công trình nghiên cứu của Nguyễn Hiến Lê mang nhiều ý
nghĩa thực tiễn và được nhiều độc giả quan tâm.
9
Để viết công trình này, Nguyễn Hiến Lê đã dựa vào các tài liệu tương đối
mới của các học giả phương Tây và Trung Quốc, ông đã chia lịch sử Trung
Quốc làm 3 thời kì:
- Thời kì nguyên thủy và thời phong kiến phân quyền.
- Thời quân chủ phong kiến tập quyền, từ nhà Hán đến Cách mạng Tân
Hợi (1911).
- Thời dân chủ từ Cách mạng Tân Hợi đến nay.
Cách phân chia của ông có phần khác với cách chia truyền thống của các
nhà sử gia Đông Tây, vẫn chia lịch sử Trung Hoa theo các thời kì: thượng cổ,
trung cổ, cận đại, hiện đại. Việc phân chia của Nguyễn Hiến Lê đúng hay sai,
thời gian sẽ phán xét, song cách làm này của ông thể hiện một suy nghĩ độc lập.
Điều đó rất có giá trị, gợi cho những ai muốn đi sâu nghiên cứu chuyên ngành
liên quan đến việc phân chia lịch sử: Chẳng hạn việc phân chia lịch sử văn học
của nhiều nước Á Đông.
Ngoài bộ Sử Trung Quốc mang một giá trị khoa học nhất định, Nguyễn
Hiến Lê còn có bộ văn học sử Văn học Trung Quốc hiện đại. Đây là một công
trình biên soạn công phu về văn học Trung Quốc.
Số lượng sách nghiên cứu, dịch thuật của Nguyễn Hiến Lê rất lớn, nhưng
riêng về tiểu thuyết, ông chỉ có duy nhất một cuốn mang tựa đề Con đường
thiên lý (Nxb Long An, 1989, Nxb Văn học, Hà Nội, tái bản, 2000).
Những năm trước 1975, tại Sài Gòn, ông là một trong vài người cầm bút
được giới trí thức quý mến về tài học, nhân cách đối với xã hội cũng như trong
học thuật. Do thành quả lao động nghiêm cẩn của mình, ông được đa số công
chúng độc giả trân trọng, kể cả học sinh, sinh viên. Chính phủ Sài Gòn đã từng
trao tặng ông (cùng với Giản Chi) Giải thưởng văn chương toàn quốc (1967), và
giải thưởng Tuyên dương sự nghiệp văn hóa (1973), với danh hiệu cao quý
đương thời, cùng một số ngân phiếu lớn tương đương mấy chục lượng vàng.
Ông đã công khai từ chối với lí do “dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh”
và bản thân tác giả không dự giải.
10
Hoạt động nghiên cứu và sáng tạo của Nguyễn Hiến Lê đã có những đóng
góp to lớn cho học thuật Việt Nam vào thời hiện đại.
1.2. Nghiên cứu văn học và quan điểm của Nguyễn Hiến Lê về nghiên cứu
văn học
1.2.1. Nghiên cứu văn học
Nghiên cứu văn học là một chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn
mà đối tượng nghiên cứu là nghệ thuật ngôn từ. Ở thời điểm hiện tại, nghiên cứu
văn học là tên gọi chung cho nhiều bộ môn nghiên cứu tương đối độc lập, tiếp
cận cùng một đối tượng nghiên cứu (văn học) ở những góc độ khác nhau.
Theo truyền thống, nghiên cứu văn học gồm 3 bộ môn chính:
Lý luận văn học: Nghiên cứu những quy luật chung của cấu trúc và sự
phát triển văn học.
Lịch sử văn học (văn học sử): Thiên về việc nghiên cứu văn học quá khứ,
khảo sát nó như một quá trình, hoặc khảo sát một trong số các thời điểm của quá
trình ấy.
Phê bình văn học: Chú ý đến trạng thái “hiện tại”, “hôm nay” của văn học
cùng thời, nó cũng chú ý lý giải văn học quá khứ từ quan điểm những vấn đề xã
hội và nghệ thuật hiện thời. Phê bình văn học không nhất thiết thuộc về nghiên
cứu văn học như một khoa học mà nó còn là một nghệ thuật.
Ngoài ra, sau các bộ môn khái quát chung nói trên, người ta chú ý tới sự
nảy sinh của những bộ môn lý thuyết và lịch sử có đối tượng hẹp hơn. Ví dụ: lý
thuyết phê bình văn học, lịch sử phê bình văn học, lịch sử thi học (khác với thi
học lịch sử)…Cần chú ý có sự chuyển đổi các bộ môn này sang các bộ môn kia.
Ví dụ: phê bình văn văn học với thời gian sẽ trở thành tài liệu cho văn học sử,
cho thi học lịch sử.
Những bộ môn bổ trợ cho nghiên cứu văn học như: lưu trữ học của nghiên
cứu văn học, thư mục học về sáng tác và nghiên cứu văn học, văn bản học, cổ
văn tự học, khảo thích và bình chú văn bản…Giữa thế kỷ XX, có sự gia tăng vai
11
trò của các phương pháp toán học (nhất là thống kê) trong nghiên cứu văn học,
nhất là các lĩnh vực nghiên cứu câu thơ, phong cách học, văn bản học…trên
hướng này đã xuất hiện kí hiệu học. Các bộ môn bổ trợ là cơ sở thiết yếu cho
các bộ môn chính, đồng thời, trong quá trình phát triển và phức tạp hóa, ở chúng
có thể lộ rõ những nhiệm vụ khoa học và chức năng văn hóa độc lập.
Nghiên cứu văn học có sự liên hệ đa dạng với các khoa học nhân văn
khác. Một số ngành là cơ sở phương pháp luận của nó như: triết học, mỹ học,
giải thích học. Một số ngành gần với nó về nhiệm vụ hoặc đối tượng nghiên cứu.
Một số ngành chung xu hướng nhân văn như: sử học, tâm lý học, xã hội học.
Riêng đối với ngữ học, nghiên cứu văn học có sự liên hệ về nhiều mặt,
cùng chung tài liệu nghiên cứu, ngôn ngữ với tư cách phương tiện giao tiếp và
với tư cách “yếu tố thứ nhất” của văn học, gần gũi nhau về chức năng nhận thức
của ngôn ngữ và hình tượng, ngoài ra, còn có sự tương đồng nhất định về cấu
trúc. Trước đây, nghiên cứu văn học và các ngành nhân văn học khác được gộp
vào khái niệm ngữ văn học như một khoa học tổng hợp, nghiên cứu văn hóa tinh
thần trong các dạng biểu hiện ngôn ngữ, văn tự, văn học. Ở thế kỷ XX, khái
niệm ngữ văn học thường chỉ chung hai ngành nghiên cứu văn học và ngữ học,
theo nghĩa hẹp, thường chỉ các bộ môn văn bản học và phê bình văn bản.
Những mầm mống của các tri thức nghệ thuật học và nghiên cứu văn học
có từ xa xưa, dưới dạng một số ý niệm trong thần thoại cổ đại. Những nhận xét
đầu tiên về nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, có thể kể đến trong kinh
Vệ-đà (Ấn Độ, thế kỷ 10-2 TCN), Kinh thi (Trung Quốc, thế kỷ 9-6 TCN), Iliade
và Odysses (cổ Hy Lạp, thế kỷ 8-7 TCN). Ở Trung Quốc, trước tác xưa nhất về
nghệ thuật là Nhạc ký, tương truyền của Công Tôn Ni Tử nhưng nhiều tư tưởng
về nghệ thuật và văn học trước đó đã được nêu bởi Khổng Tử, Lão Tử.
Ở châu Âu, các quan niệm đầu tiên về nghệ thuật và văn học được đề
xướng bởi các nhà tư tưởng cổ Hy Lạp (Platon, Aristote), cổ La Mã (Horatius).
12
Khâu nối giữa nghiên cứu văn học của thời cổ đại Hy - La và thời cận đại châu
Âu có thể kể đến nền văn học Byzance và văn học Latinh của các dân tộc Tây
Âu. Nghiên cứu văn học thời trung đại, thiên về hướng thi tịch học và bình chú,
đồng thời, cũng phát triển về việc nghiên cứu các lĩnh vực thi học, văn hùng
biện, âm luật. Trong thời phục hưng, nghiên cứu văn học đi theo hướng xây
dựng những hệ thi pháp đáp ứng các điều kiện địa phương và dân tộc khác nhau.
Thời đại của chủ nghĩa cổ điển châu Âu, nghiên cứu văn học gắn với xu hướng
hệ thống hóa các luật lệ của nghệ thuật, đồng thời gắn với tính chất quy phạm
của lý luận nghệ thuật, đặc biệt, với cuốn Nghệ thuật thi ca (1674) của Boileau.
Thế kỷ 17-18 nổi lên các xu hướng chống quy phạm trong cách hiểu các loại
hình và loại thể văn học, sự trỗi dậy của chủ nghĩa lãng mạn mà tiêu biểu là
cuốn lý luận Kịch lý Hamburg (1768-1769) của Lessing. Thế kỷ XIX, quan
điểm lịch sử xuất hiện đối kháng với xu hướng quy phạm, tạo nên một thời kỳ
xây dựng những cuốn văn học sử như: Lịch sử văn học Italia (1772-1782) của J.
Tiraboski, Văn học cổ đại và cận đại (1799-1805) của J. Lagarp.
Từ nửa đầu thế kỷ XIX trở đi, trong nghiên cứu văn học châu Âu bắt đầu
hình thành các trào lưu, trường phái, với ý thức về phương pháp luận và tư
tưởng nghiên cứu. Đáng chú ý là các trường phái thần thoại với anh em J.
Grimm (Đức), phương pháp tiểu sử với Sainte-Beuve (Pháp), trường phái văn
hóa lịch sử với H. Taine (Pháp), khuynh hướng xã hội dân chủ trong bình luận
văn học với Belinski, Tchernyshevski, Dobroliubov (Nga), trường phái tâm
lý với W. Wundt, văn học so sánh với F. Baldensperger, Van Tieghem
Sang thế kỷ XX, những trường phái nghiên cứu, phê bình văn học mới nở
rộ, với sự xuất hiện của trường phái hình thức Nga, phân tâm học, chủ nghĩa cấu
trúc và hậu cấu trúc, phê bình mới, xã hội học văn học, ký hiệu học, chủ nghĩa
duy ý chí, trường phái văn hóa - lịch sử với chủ nghĩa thực chứng A. Comte, lý
luận nghệ thuật H. Tainer, thuyết chuyển cảm, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa
13
trực giác, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, phân tâm học, tâm phân học, mỹ
học phân tích, chủ nghĩa thực dụng, giải thích học, mỹ học tiếp nhận, chủ nghĩa
hình thức, ngữ nghĩa học, chủ nghĩa hậu hiện đại
Ở phương Đông, tư tưởng văn học hình thành với những hệ thống riêng.
Ở Ấn Độ, vấn đề cấu trúc nghệ thuật được nêu lên trong mối liên hệ với các học
thuyết về tâm lý cảm thụ nghệ thuật, với luận văn Natiashastra tương truyền
của Bharata vào khoảng thế kỷ IX. Ý nghĩa hàm ẩn của tác phẩm nghệ thuật
cũng được đề cập tới trong Thuyết đồng vọng của Anandavardhana, thế kỷ thứ
IX. Tư tưởng văn học, mỹ học cổ đại và trung đại Trung Hoa hình thành trong
sự liên hệ mật thiết với các chủ thuyết lớn về triết học (Nho giáo, tư tưởng Lão –
Trang, Phật giáo), dưới dạng một loạt khái niệm như: đạo, đức, phong, khí, văn,
thi, phú, tỷ, hứng, tụng.
Xu hướng chung nhất của nghiên cứu văn học các nước phương Đông, từ
thời cận đại trở về trước, là sử dụng các phương pháp lý thuyết đại cương và mỹ
học đại cương. Bên cạnh đó, có một số ngành như: thư tịch học, văn bản học cũng
sớm phát triển, trở thành các bộ môn hỗ trợ. Các xu hướng nghiên cứu văn học,
dựa trên bình diện lịch sử và bình diện tiến hóa, chỉ mới xuất hiện từ cuối thế kỷ
XIX, đầu thế kỷ XX, khi có sự tiếp nhận và ảnh hưởng của học thuật châu Âu.
1.2.2. Quan niệm và hành trình nghiên cứu văn học của Nguyễn Hiến Lê
Nguyễn Hiến Lê đến với nghiệp văn chương như một sự ngẫu nhiên,
nhưng dường như nó cũng bén duyên với ông từ nhỏ. Sinh trưởng trong một gia
đình có truyền thống Nho học, ông được cha dạy chữ Hán ngay từ nhỏ. Khi cha
mất, mẹ ông muốn ông về quê bác ở Phương Khê học thêm chữ Hán để đọc
được gia phả bên nội, bên ngoại. Ông học được hai vụ hè năm 1928, 1929, gộp
lại được 4 tháng. Năm 1930, ông về chưa học được gì thì bà ngoại ông mất nên
không thể tiếp tục học. Năm 1931, ông thi vào trường Cao đẳng Công chánh
nên chỉ về chơi. Năm 1933, bác của ông mất. Trong khoảng thời gian này, ông
14
học được độ bốn ngàn chữ và thu được khá nhiều lợi ích về tinh thần. Ông cho
rằng : “Mẹ tôi có một quyết định khiến đời tôi sau này theo một hướng mà chính
người và bác tôi không ai ngờ được. Ngày nay càng nghĩ lại, tôi càng thấy công
lớn của người và không hiểu đã có cái gì khiến người nảy ra quyết định đó”.
[7,tr.16].
Năm 1934, học xong ở trường Cao đẳng Công chánh, lúc đó đang buổi
kinh tế khó khăn, ông chưa có việc, phải ở nhà chờ. Trong khoảng thời gian
rãnh rỗi này, ông tự học lại Hán văn. Khoảng 5 tháng sau, ông được bổ vào làm
việc ở Sở Thủy lợi Nam Bộ. Công việc của ông là đo mực đất cao thấp ở miền
Tây từ Châu Đốc, Long Xuyên qua Rạch Giá, xuống Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc
Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; từ mực đất đó mà đo xuống mực nước sông rạch để
tính ra đường nước chảy khi thảo kế hoạch thủy lợi. Do điều kiện công việc nên
ông được đi nhiều nơi, trong 2 năm 1935, 1936, ông biết gần hết các địa danh ở
miền Tây. Thời gian cũng khá rãnh rỗi nên ông tận dụng đọc được khá nhiều
sách. Đi nhiều nơi nên ông thường viết nhật ký hay du ký. Mục đích của ông là
viết để vơi đi nỗi buồn, nên chép xong ông không đọc lại, và cũng không giữ.
Năm 1938, ông về Sài Gòn làm việc, mỗi ngày, ông rãnh cả buổi tối và mỗi tuần
ông rãnh một ngày, là người không thích sự ồn ào, náo nhiệt, không có khiếu
âm nhạc, không thích đánh cờ…nên ông chuyên tâm vào đọc sách và học thêm.
Ông cho rằng, muốn học ngoại ngữ thì phải dịch. Khi cần mẫn dịch sách,
chúng ta sẽ học được rất nhiều, những chữ nào chưa biết thì phải tra nhiều từ
điển để tìm được một nghĩa thích hợp. Vì vậy, nó rất có lợi cho việc học.
Khi chiến tranh xảy ra, ông tản cư về Tân Thạch khoảng một năm rưỡi, từ
mùa đông năm 1945 đến mùa xuân năm 1947, khoảng thời gian này, ông
chuyên tâm học Đông Y. Năm 1947, ông về Long Xuyên tự học và dạy học ở
trường Trung học Thoại Ngọc Hầu. Do tình hình chiến tranh, những thanh niên
từ 18 tuổi phải nhập ngũ, phụ huynh lo lắng, học sinh chán nản, lớp học không
có kỉ luật nên ông thôi dạy. Trong khoảng thời gian từ 1949 – 1953, ông làm
15
việc tích cực và xuất bản được chín cuốn sách. Như vậy, dù không xác định
nghiệp văn chương ngay từ đầu, nhưng là từ một quá trình có chuẩn bị, từ một
hành trang thích hợp, vốn sống, sự từng trãi và những nổ lực đã giúp ông có
một vị trí vững chắc trong làng văn và được nhiều bạn đọc mến mộ.
Suốt cuộc đời sáng tạo, Nguyễn Hiến Lê luôn đem đến cho người đọc
những công trình nghiên cứu bổ ích. Nội dung chính trong những công trình của
ông nghiêng về cách học làm người, cách để học tốt, những vấn đề cấp thiết về
gia đình hay xã hội đều được ông đặc biệt quan tâm.
Mỗi nhà văn, khi sáng tác đều có một bút pháp riêng, không ai giống ai.
Và theo Nguyễn Hiến Lê: “Chính cá tính quyết định bút pháp. Mà cá tính thì do
bẩm sinh, và tùy thể chất một phần lớn, một phần nữa chịu ảnh hưởng của hoàn
cảnh, của sự tu luyện. Cho nên, tôi có thể nói rằng, bút pháp của ta đã định trước
từ khi ta chưa tập viết, chưa biết viết: nó là vóc người, là dáng đi, là nhịp điệu
của hơi thở, là sự tuần hoàn trong huyết quản, là sự tác động của các hạch nội
tiết. Tất nhiên, càng sống thì tư tưởng có thể càng tiến, kỹ thuật có thể càng già,
nhân sinh quan có thể thay đổi, nhưng giọng văn, lối viết thì không thay đổi
mấy, vẫn nhận ra được” [7,tr.156].
Đứng về phương diện khoa học, không có cá tính nào xấu, mà đứng về
phương diện nghệ thuật, không có bút pháp nào là bản nhiên dở. Ủy mị có vẻ
đẹp của nó, hùng hồn có sức lôi cuốn của nó, đẽo gọt là một nghệ thuật mà tự
nhiên cũng là một nghệ thuật. Nên Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Ta nên can đảm
nhận cá tính của ta, dùng bút pháp nó đã lựa, định cho ta, đừng ngại sẽ không
bằng nhà này nhà khác, cần nhất phải dám là ta, phải thành thực với ta đã. Có
thành thực mới cảm được người. Có thành thực mới đáng cầm cây viết”
[7,tr.157]. Theo ông, thành thực có hai nghĩa. Thứ nhất: không cảm xúc thì đừng
viết, thứ hai: khi viết phải quên hết các danh sĩ cổ kim, quên hết mọi kỹ thuật
làm văn mà chỉ theo cá tính của mình.
16
Có những người khi mới tập viết rất hay mắt tật khoa trương, muốn phô
diễn cho mọi người thấy được khả năng của mình. Hồi trẻ, ông cũng hay mắt tật
này nhưng dần dần, tuổi càng lớn, ông càng trọng sự bình dị hơn. Ông cho
rằng: “Sự bình dị là điều khó đạt nhất trong văn chương. Muốn đạt được bình
dị thì phải tiêu hóa nổi tư tưởng và óc cũng phải già giặn: khi chúng ta về già,
tư tưởng của chúng ta sáng sủa hơn, ta bỏ qua một bên những phương tiện
không quan trọng mà có lẽ sai lầm của vấn đề, không băn khoăn về nó nữa, ý
tưởng của ta hình thành một cách rõ ràng hơn và những chuỗi tư tưởng dần dần
tự hiện lên thành những lời văn gọn gàng, giản dị. Ta không thấy phải cố gắng
sức nữa mà sự thực hóa ra sáng sủa và do đó hóa ra bình dị. Theo tôi, văn bình
dị khó nhất ở điểm phải có ý cao, tình đẹp, nếu không thì hóa ra nhạt nhẽo, vô
vị” [7,tr.159].
Nhiều người khi cầm bút chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân mình, họ viết
theo nhu cầu, chạy theo thị hiếu, phong trào. Riêng Nguyễn Hiến Lê, ông chỉ
viết những vấn đề mình thích, khi đó, ông mới dành hết tâm huyết cho nó được.
Ông nói: “Tôi biết có những đề tài viết ra, bán sẽ rất chạy, nhưng tôi nhất định
không viết, vì tôi không thích (chẳng hạn đời của hạng người như Thành Cát Tư
Hãn, Hitler), hoặc vì tôi thấy có hại cho độc giả (như tư tưởng của nhóm Hiện
sinh ở châu Âu mà tôi cho rằng không phù hợp với dân tộc mình, xã hội mình
lúc này). Trái lại, có những vấn đề tôi biết là rất ít người đọc, nhưng thấy có lợi
cho kiến thức của độc giả thì tôi cũng viết như cuốn Một niềm tin” [7,tr.162].
Như vậy, ta có thể thấy rằng, ông viết sách với mục đích chính là tự học và giúp
độc giả tự học. Ông nghĩ đến cái lợi của độc giả trước hết.
Theo Nguyễn Hiến Lê, để được gọi là nghệ sĩ, văn thơ ta không nhất thiết
phải hùng hồn, phải cao cả, phải trình bày được những vấn đề cấp thiết, to lớn
của dân tộc. Mà đôi khi, chỉ cần “Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm
hồn, tả được một nỗi sầu của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu
cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi” [7,tr.330]. Ông còn cho rằng: “Văn thơ phải
17
tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa, thơ Lý Bạch, văn Tô
Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào
cũng có giọng buồn man mác” [7,tr.330].
Không chỉ chú trọng sáng tác văn chương, Nguyễn Hiến Lê còn có một
niềm đam mê về lịch sử. Có những nhà chép sử, luôn dựa trên ý kiến khách
quan của bản thân để nhìn nhận vấn đề, những gì có lợi cho ta thì trình bày, còn
không thường bỏ qua. Nhiều người thì chỉ trình bày lại những gì đã xảy ra một
cách khô khan, cứng nhắc. Vì động chạm đến quá khứ của dân tộc nên có người
không muốn đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan. Về vấn đề này,
Nguyễn Hiến Lê đưa ra nhận định: “Chép sử thì không ai có thể hoàn toàn
khách quan được, chỉ có thể thành thực được thôi. Chỉ ghi lại những việc xảy ra,
không tìm hiểu nguyên nhân, không khen, không chê, thì theo tôi, không phải là
viết sử. Có những giá trị tinh thần mà chúng ta phải tôn trọng, phải bênh vực,
trái lại thì phải chê. Có như vậy mới là thành thực với người đọc và với chính
mình” [7,tr.232].
Ông cho rằng, người làm nghiên cứu văn học, “Điều quan trọng là phải
có một hướng rõ rệt, một mục đích để nhắm và tập trung tất cả năng lực, thì giờ
vào công trình của mình” [7,tr.137]. Không nên để phí thời gian, chỉ có như
vậy mới mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, “Sau khi đọc và ghi chú tất cả các
tài liệu kiếm được về một vấn đề, ta nên bỏ một khoảng thời gian để lập bố cục
sơ qua cho tác phẩm” [7,tr.151]. Điều này sẽ có lợi cho ta trong quá trình viết
rất nhiều.
Là một người đa tài, không chỉ viết văn, chép sử, Nguyễn Hiến Lê còn
dịch khá nhiều sách. Theo ông: “Dịch, phải dịch sát, xuôi và sáng sủa. Dịch
sách văn học chẳng những phải sát ý mà còn phải giữ cả thể văn, có khi cả phép
hành văn của tác giả nữa. Dịch tiểu thuyết phương Tây thì nên chọn một tác
phẩm hay và bút pháp của tác giả không trái với bút pháp của người dịch”
[7,tr.168].
18
Thái độ của Nguyễn Hiến Lê đối với chính quyền rất rõ ràng, ông không
tin theo, cũng không báng bổ. Khi bàn về vấn đề này, ông cho hay: “Tôi nghĩ
rằng, cái thú nhất của người cầm bút là được độc lập và cái vinh dự lớn nhất của
họ là giúp được chút ít gì cho quốc dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được
quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền, đứng ở cương vị đối lập với chính quyền.
Đối lập không nhất định là chỉ trích, lại càng không có nghĩa là đả đảo. Đối lập
là một cách kiểm soát, hợp tác hữu hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ
thuộc chính quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền và chính quyền mới
chú ý tới lời nói của ta Chúng ta còn phải tiếp tục tranh đấu cho được tự do
ngôn luận Muốn thành công, một mặt, chúng ta phải coi chừng những kẻ
muốn bịt miệng chúng ta, mặt khác, phải có thái độ đứng đắn. Chính quyền có
điều đáng khen thì ta khen, chứ không nịnh; chính quyền lầm lẫn thì chúng ta
thẳng thắn nhận định với những lý lẽ vô tư và vững vàng, những lời nhã nhặn và
minh bạch. Chúng ta vì quốc gia mà xây dựng. Tất nhiên có những lúc ta phải tỏ
nỗi bất bình - chẳng phải của riêng ta mà của quốc dân - chẳng hạn với những kẻ
bán nước, hút máu mủ của dân; lúc đó giọng ta có thể gay gắt nhưng lòng ta
không có chút căm thù cá nhân. Chúng ta đả một thái độ, một chính sách, chứ
không đả một cá nhân "[8,tr.167-168].
Trên đây là những quan niệm về nghiên cứu văn học và nghề cầm bút của
Nguyễn Hiến Lê. Nó xuyên suốt quá trình sáng tác, nghiên cứu cũng như những
lí luận của ông. Từ những quan niệm đó, kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc
những quan niệm của các nhà văn thế hệ trước cũng như các nhà văn phương
Tây, Nguyễn Hiến Lê đã tạo cho mình một phong cách riêng, không nhòa lẫn
với bất kì ai và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả cũng như trong giới
văn chương.
19
CHƯƠNG 2
KHẢO NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VÀ SÁNG TẠO
VĂN HỌC CỦA NGUYỄN HIẾN LÊ
Như đã nói, Nguyễn Hiến Lê là một học giả, tác giả của hơn 120 cuốn
sách nghiên cứu, sáng tác, dịch thuật về nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể nói là
bộ óc đồ sộ nhất trong giới cầm bút ở miền Nam trước đây. Trong phạm vi giới
hạn của đề tài, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát một lĩnh vực nhỏ trong di sản đồ
sộ của ông, đó là lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo văn học, mà chủ yếu là lý
thuyết văn chương, văn học sử và tiểu thuyết.
2.1. Hương sắc trong vườn văn
Hương sắc trong vườn văn là một trong ba tác phẩm văn học mà Nguyễn
Hiến Lê thích nhất. Ông cho hay: “Tôi nảy ra ý viết bộ đó nhờ năm 1947 hay
1948, đọc cuốn Cours de tech-nique litteraire của một trường hàm thụ (tôi quên
tên) ở Paris. Cuốn đó chỉ thuật viết báo, tiểu thuyết, kịch, phê bình văn học, cả
thư từ, quảng cáo nữa. Những thuật đó không có gì mới mẻ, đại khái tôi biết qua
rồi, mà tôi cũng không có ý định sáng tác trong những ngành kể trên, nhưng
soạn giả khéo dẫn nhiều thí dụ lí thú, và năm 1956 tôi dùng một số thí dụ đó với
nhiều thí dụ khác tôi kiếm được trong văn học Trung Quốc và Việt Nam, để viết
Hương sắc trong vườn văn” [7,tr.217-218] . Đây là tác phẩm có ý nghĩ lý luận
và phê bình, nhằm phân tích cái Đẹp và kỹ thuật tạo cái Đẹp trong văn chương,
giúp những độc giả yêu văn trong những bước đầu tìm hiểu nghệ thuật.
2.1.1. Quan niệm về cái đẹp
Nguyễn Hiến Lê nhận thức rằng, loài người sống để tìm cái Đẹp, thực
hiện cái Đẹp và hưởng cái Đẹp. Không một ai thoát khỏi quy luật chung đó. Cả
những người sống rất giản dị, không chút xa hoa như các vị hiền triết, cũng là để
hưởng cái Đẹp, cái Đẹp của trăng, mây, hoa, cỏ, cái đẹp của tĩnh mịch, an nhàn.
20
Trước khi phân tích cái đẹp, Nguyễn Hiến Lê trình bày sự thay đổi trong
quan niệm về cái đẹp. Theo ông, người viết văn cần có óc thẩm mỹ. Óc thẩm mỹ
thuộc về tình cảm hơn lý trí, nên những quy tắc về nghệ thuật viết không bao giờ
có cái giá trị tuyệt đối như những định lý về toán học, mà quan niệm về cái đẹp
thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố. “Nó thay đổi tùy từng dân tộc. Văn chương
biểu hiện tình cảm cùng tư tưởng của loài người mà tình cảm cùng tư tưởng của
mỗi dân tộc chịu bao ảnh hưởng, từ huyết thống đến thời tiết, địa chất, kinh tế…
cho nên, mỗi dân tộc có một quan niệm riêng về cái đẹp” [15,tr.15]. Trước khi
tiếp xúc với văn minh Âu Mỹ, óc thẩm mỹ của người phương Đông chúng ta khác
hẳn của người phương Tây. Người Trung Hoa, nói chung là hết thảy những dân
tộc từ trong truyền thống lịch sử từng chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa như
Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản…cho rằng, nghệ thuật chân chính phải có tính
cách bóng bẩy, hàm súc, ý tại ngôn ngoại, cho nên, danh tác của họ thường là
những tiểu phẩm, những bài tứ tuyệt mà mỗi chữ có giá trị “ngàn vàng”. Trái lại,
văn thơ Âu Mỹ lời ý dồi dào, chi tiết tỉ mĩ, màu sắc rực rỡ, tình cảm nồng nhiệt.
Cùng một dân tộc, óc thẩm mỹ lại thay đổi tùy từng thời đại, vì sinh hoạt
của con người thay đổi thì tình cảm tư tưởng thay đổi theo mà, quan niệm về cái
đẹp tất phải khác. “Hồi xưa, ta chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, óc thẩm mỹ của
ta được nhồi nặn theo quan điểm của Trung Hoa, ngày nay, ta học theo Âu Mỹ
thì ta lại chuộng cái đẹp của Âu Mỹ” [15,tr.18]. Không những vậy, cùng ở trong
một thời đại chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, mà văn thơ đời Trần có cái giọng
khác hẳn với văn thơ đời Lê và Nguyễn: “Thời Trần thì thanh thoát, cao nhã,
khoáng đạt, còn hai đời sau thì rực rỡ, ủy mị, oán sầu” [15,tr.18-19].
Cùng một thời đại, óc thẩm mỹ cũng thay đổi theo từng người. Tính tình,
tư tưởng của nhà văn chịu ảnh hưởng ít nhiều của gia thế, của nền giáo dục, của
khí hậu, nơi ở… “Nguyễn Tuân, Nguyễn Triệu Luật sinh trưởng trong một gia
đình Nho học nên hiểu được và thích cái đẹp của thời cổ hơn Nguyên Hồng, Tô
Hoài sống trong một gia đình cần lao không có cựu học…” [15,tr.23].
21
Quan niệm đó, ở mỗi người cũng có sự thay đổi, tùy từng trình độ học vấn
và sự từng trãi. Nghệ sĩ có từng trãi thì văn mới “già”. Độc giả cũng vậy, có
từng trãi mới hiểu được văn. Cho nên, quan niệm về cái đẹp thay đổi tùy tuổi
tác, đời sống của ta. “Văn chương là đời sống ghi trên giấy. Và dù thông minh
bậc nào, cũng phải có sống mới hiểu được đời, mới hiểu được văn. Không lịch
lãm nhiều thì làm sao có thể tưởng tượng được những cảnh tả trong sách mà
thấy nó hay? Không đau khổ nhiều thì làm sao thấu rõ được những tình tiết kể
trong truyện mà thấy nó khéo?” [15,tr.24].
La Bruyere từng nói: “Có óc thẩm mỹ đúng mà cũng có óc thẩm mỹ sai”.
Óc thẩm mỹ có lúc là sai, vì nó là một tình cảm, hơn vậy, nó còn là một say mê,
mà đã là say mê thì thường thiên lệch, võ đoán, cố chấp, ganh tị, tuy nhiệt liệt
song dễ tắt, nếu không được lí trí bồi dưỡng. Tuy nhiên, óc thẩm mỹ có lúc là
đúng đắn vì nó có một phần lí trí và mặc dù quan niệm về cái đẹp thay đổi tùy
nhiều yếu tố như vậy, nó vẫn có ít nhiều điểm nào đó bất biến, nghĩa là phần
đông được những người sành văn mọi thời công nhận.
Theo Nguyễn Hiến Lê, linh động, lý tưởng hóa và tượng trưng là ba điều
kiện chính của cái đẹp. Cái đẹp rất phong phú, đa dạng, ta có thể hiểu nó theo
nhiều cách khác nhau. “Văn viết có nghệ thuật, làm cho ta thích thú tức thị là
đẹp” [15,tr.32] . “Có cái đẹp rực rỡ như cánh bướm, có cái đẹp thanh nhã như
bông mai, mềm mại như cành liễu cũng đẹp mà cứng cõi như cây tùng cũng đẹp,
có lúc lơ thơ mà đẹp, có lúc rườm rà mà đẹp, có cái đẹp chạm trỗ tinh vi, có cái
đẹp hồn nhiên phóng dật” [15,tr.32].
Như vậy, quan niệm về cái đẹp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Tùy từng dân tộc, từng thời đại, từng cá nhân. Bên cạnh đó, nó còn tùy thuộc
vào hoàn cảnh, tâm trạng, cảm xúc. Đẹp không nhất thiết phải là cái gì to lớn,
hùng tráng, mà có lúc chỉ cần sự nhẹ nhàng, bình dị cũng đủ gọi là đẹp.
22
2.1.2. Phân tích cái đẹp và kỹ thuật tạo cái đẹp
Ngoài ý nghĩa lý luận, Hương sắc trong vườn văn còn được xem là tác
phẩm phê bình văn học sâu sắc. Qua đó, tác giả đưa ra những nhận định, phân
tích, đánh giá của mình về các phương diện của cái đẹp. Đồng thời, trình bày
những kỹ thuật để tạo cái đẹp trong văn chương.
Nguyễn Hiến Lê xem hùng tráng là một vế của cái đẹp. Nó là một hình
thức rất cao của cái đẹp, vì nó cho ta những cảm xúc mãnh liệt nhất. Muốn cho
văn hùng tráng thì cảnh hoặc tình phải hùng tráng. Hùng tráng có khi là “Một
mặt biển mênh mông sóng cao như núi, những tiếng sét vang động trong rừng
thẳm giữa đêm khuya, một sa mạc bát ngát cát tung mịt trời, rồi những anh hùng
một mình chống lại muôn kẻ, những tấm gương hi sinh vì chính nghĩa…”
[15,tr.33]. Có khi không cần một hành động, chỉ cần một lời nói cũng gây cảm
tưởng hùng tráng. Trần Bình Trọng trả lời quân Tàu: “Ta thà làm ma nước Nam,
không chịu làm vua đất Bắc”. Muốn cho văn hùng thì ngoài sự sôi nổi, dồn dập
còn phải chứa nhiều hình ảnh rùng rợn, kì dị. Điều cốt yếu là hình ảnh đó phải
thật tự nhiên. “Đừng cố tìm mà phải để cho nó tới. Tất nhiên là ta phải tưởng
tượng nhưng cảm xúc mạnh rồi mới tưởng tượng. Không cảm xúc mạnh mà cố
nặn óc ra để có giọng hùng thì văn sẽ giả tạo, nhạt nhẽo” [15,tr.54].
Điều thứ hai để tạo sự hùng tráng là phải bỏ những chi tiết nhàm, để óc độc
giả không lúc nào không bị kích thích mạnh. Điều thứ ba, văn hùng tráng tối kị
những cái lố bịch. “Một nhân vật của Lê Văn Trương vì ghét cái “thằng người”
của mình đê hèn mà đưa hai tay lên vả đồm độp vào mặt mình. Ông muốn nhân
vật đó có những cử chỉ hùng, nhưng chỉ làm cho ta ôm vụng cười” [15,tr.56].
“Ý tưởng và cảm giác cực mạnh thì giọng văn sẽ hùng mà người đọc có
cảm tưởng đương đi trên đất bằng, được đưa lên một ngọn núi cao. Nếu ý tưởng
và cảm xúc dồi dào, nối tiếp nhau như những đợt sóng, cứ đợt này vừa hạ, đợt
sau đã nổi, làm cho độc giả sau mỗi đợt cứ tưởng là hết mà lại chưa hết, thì văn
có tính cách ba lan là hai tiếng gốc Hán để chỉ những sóng nhỏ và to, nhà Nho
23
ngày xưa rất thường dùng” [15,tr.62]. Muốn cho văn ba lan, ý tưởng và cảm xúc
phải dồi dào, liên tiếp nhau một cách tự nhiên và đột ngột. Văn đột ngột là khi
nào đọc xong một đoạn, ta tưởng bài đã đủ nghĩa, không còn gì thêm nữa nhưng
đọc nối ta thấy một ý khác bất ngờ nó làm cho văn lại tiếp tục được. Vậy, ý phải
đột ngột. Nhưng đột ngột không phải là mất liên kết, mà giữa chúng phải có sự
móc nối với nhau.
Muốn tả một cái gì hùng vĩ, ta phải cảm xúc mạnh rồi diễn hết cảm xúc
của ta, không được thừa cũng không được thiếu, nếu thừa văn sẽ rườm rà, ý sẽ
loãng, mà thiếu thì lời không kịp ý, văn sẽ vụng. Vì vậy, muốn văn hay thì lời
phải tế nhị và hàm súc. Nếu muốn diễn một tình cảm hoặc tư tưởng tế nhị, ta
không cần mà có khi không nên phô bày hết ý nghĩ, chỉ nói một phần thôi, hoặc
nói một cách phơn phớt, kín đáo để độc giả suy nghĩ thêm, tưởng tượng thêm.
Như vậy, cảm xúc của độc giả sẽ không mạnh như đọc một đoạn văn hùng tráng
nhưng thay vào đó là sự thấm thía, lâu bền hơn.
Văn thơ phương Đông thường đơn sơ và kín đáo, ý tại ngôn ngoại. “Đơn
sơ là một vẻ của tế nhị, kín đáo là một vẻ khác. Thuật đơn sơ hợp với thuật tả
cảnh hơn là tả tình, thuật kín đáo hợp với tả tình hơn tả cảnh, cả hai đều có công
dụng làm cho văn hàm súc, nghĩa là lời ít mà ý nhiều” [15,tr.89].
Theo Nguyễn Hiến Lê, nhà văn cần có ba tài năng: lý trí sáng suốt, tưởng
tượng dồi dào và cảm xúc mẫn nhuệ. Lý trí giúp ta hiểu biết sự vật, có hiểu rồi mới
cảm xúc được và muốn cho cảm xúc mạnh mẽ hơn hoặc tế nhị hơn, ta phải biết
tưởng tượng. Vậy, lý trí hay tưởng tượng đều là để gợi cảm xúc. Nếu ý ít mà cố kéo
cho dài thì mắc tật rườm rà và nhạt. Còn nếu sự vật hoặc cảm xúc tầm thường mà
ta cố phóng đại cho nó có vẻ cao quý thì văn thiếu thành thực, mắc tật kiểu cách. Vì
vậy, văn chương phải tự nhiên, phải theo mạch cảm xúc của người viết.
Miêu tả là bước đầu tiên trong nghệ thuật làm văn. Viết bất kì về loại gì:
thơ, tiểu thuyết, phóng sự, du kí, lịch sử hay nghị luận, nhà văn nhiều lúc phải
miêu tả về cảnh hay tính tình. Và tác giả cho rằng, muốn miêu tả cho hay, trước
24
hết, phải miêu tả cho đúng, và muốn miêu tả cho đúng, phải nhận xét để ghi
những đặc sắc của cảnh vật, nếu không, văn của ta chỉ để lại một ấn tượng mù
mờ trong óc người đọc. Bên cạnh đó, ta phải có óc tưởng tượng, óc tưởng tượng
chẳng những tạo hình ảnh mà còn tạo cả cảnh vật nữa. Trong trường hợp đó, nó
phải được lí trí hướng dẫn và học thức, kinh nghiệm làm nòng cốt. Điều lưu ý
khi tả một cảnh rất cảm động là văn nên bình dị, không nên hoa mỹ, ta không
cần tưởng tượng, tìm hình ảnh, chỉ cần ghi chép đúng sự thực cũng đủ để độc
giả cảm thông với ta rồi.
Một điểm nữa trong quan niệm của Nguyễn Hiến Lê, khi sáng tác văn
chương là trong văn phải có tình mới hay. “Ý mới mẻ, xác đáng, văn bóng bẩy,
rực rỡ mà thiếu tình, thì vẫn lạnh lẽo, không cảm được người đọc” [15,tr.152].
Tình cần cho cả cảnh, thiếu tình cảnh sẽ vô duyên vì không hồn. Tình trong thơ
hay ngoài đời cũng vậy, càng kín đáo, hay tế nhị thì càng quý.
Sự thực là một yếu tố quan trọng trong văn chương, nhưng văn không thể
nào hoàn toàn đúng sự thực được, mà nó phải có sự tưởng tượng, sáng tạo của
nhà văn giúp tác phẩm thêm sinh động, đầy màu sắc. “Viết tiểu thuyết, nhà văn
được tự do hơn, được dùng cả ba thể, đối thoại, tự sự, miêu tả, lại có thể ngắt
một đối thoại ở nữa chừng để giảng giải về tâm lí nhân vật, hoặc kể những việc
cũ, hoặc gợi không khí cảnh vật ở xung quanh, tóm lại, có đủ phương tiện để
diễn tả đúng sự thực, song cả khi nhà văn muốn tả chân, thì cái “chân” ở trong
truyện vẫn còn chỗ khác cái “chân” ở ngoài đời” [15,tr.227]. Tạo vật có muôn
hình vạn trạng, đẹp xấu lẫn lộn, vui buồn xen nhau, nếu ghi lại hết thì thành một
cảnh hỗn độn gần như vô nghĩa lí.Cho nên, mỗi nghệ sĩ đứng vào một phương
diện mà nhận xét rồi phô diễn lại một góc cạnh của sự thực, cạnh góc nào hợp
với tâm hồn hoặc chủ trương của họ. “Vậy, ta có thể nói rằng, nhà văn không
khi nào chép đúng tạo vật mà luôn luôn lý tưởng hóa nó, chữ lý tưởng ở đây
không có nghĩa nhất định phải tốt mà chỉ có nghĩa là hợp với quan niệm của mỗi
người” [15,tr.229].
25
Nghệ thuật không chép đúng sự thực. Vậy, những cách mà nghệ sĩ dùng
để thoát ra ngoài sự thực rồi điều khiển nó tới mục đích của mình như thế nào?
Nguyễn Hiến Lê đưa ra bốn cách như sau: Cách thứ nhất, phóng đại sự thực cho
có vẻ trào phúng, như trong bài Chúc tết của Tú Xương, nhiều truyện ngắn của
Nguyễn Công Hoan, hay Một chuỗi cười của Đồ Phồn…Nghệ sĩ phóng đại vì
nhiều mục đích khác nhau, để gây một cảm tưởng hoặc hùng tráng hoặc rùng
rợn hoặc nên thơ. Cách thứ hai, giản dị hóa sự thực để làm nổi những nét chính
lên mà đạt được mục đích. Cách thứ ba, dấu bớt một phần sự thực, không phải là
những tiểu tiết, mà những cái quan trọng, dấu mà cũng như hé mở, để độc giả
đoán được hoặc tưởng tượng được mà thêm phần hứng thú. Cách thứ tư, cho sự
thực phản chiếu tư tưởng hoặc tâm sự của mình.
Văn chương có lúc đẽo gọt nhưng cũng có lúc nó lại bình dị, tự nhiên.
Đẽo gọt hay bình dị, tự nhiên đều có kỹ thuật của nó cả. Nguyễn Hiến Lê xem:
“Kỹ thuật chỉ là phương tiện gây cảm thôi. Phép bố cục chỉ là để cho ý tưởng
của ta rõ ràng, người đọc mau hiểu. Phép tu từ chỉ để người đọc tưởng tượng
như thấy sự thực ở trước mắt. Niêm luật và vần chỉ để cho lời thêm du dương
mà lòng người dễ động, do đó mà dễ cảm” [15,tr.316]. Khi cảm xúc của ta dâng
trào, tâm hồn ta thả vào mây gió thì văn chương tuông trào, có lúc nó không cần
cả bố cục. Hay khi ta bắt gặp một hành vi, thái độ tột bực cao đẹp thì những
phép tu từ hóa ra vô dụng…Nói như vậy, không đồng nghĩa với việc phủ nhận
giá trị của kỹ thuật. “Nó rất có ích với những người mới tập viết hay những
người viết từ lâu nhưng tài tầm thường như phần đông chúng ta. Vả lại, những
quy tắc, luật lệ mỗi thời đặt ra, như quy tắc biền ngẫu ở thời Lục triều, niêm
trong thơ ở đời Đường, lối ưa bóng bẩy dùng nhiều tĩnh từ ở thế kỷ lãng mạn, lối
tượng trưng, siêu thực…thời gần đây ở bên Pháp, đều có công dụng giúp cho
nhà văn dễ hòa mình vào cái điệu, cái “mốt” của thế hệ, mà dễ được quần chúng
thưởng thức hơn, vì do hoàn cảnh xã hội, do không khí thời đại, do tâm trạng
con người…mỗi thời có một tiêu chuẩn riêng về cái đẹp, dễ cảm riêng một lối
đẹp nào đó” [15,tr.317].