Tải bản đầy đủ (.pdf) (235 trang)

thể loại tùy bút trong văn học việt nam từ 1930 đến 1975

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.83 MB, 235 trang )



ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN



TRẦN VĂN MINH




THỂ LOẠI TÙY BÚT
TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM
TỪ 1930 ĐẾN 1975



LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN







Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2011


ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




TRẦN VĂN MINH



THỂ LOẠI TÙY BÚT
TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM
TỪ 1930 ĐẾN 1975

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 62.22.34.01


LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN


Người hướng dẫn khoa học
GS. TSKH LÊ NGỌC TRÀ


Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2011









Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận án cấp cơ sở đào tạo, họp tại
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh vào lúc… giờ, ngày….
tháng…. năm 2011




Phản biện 1: PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân
Phản biện 2: PGS.TS Phạm Quang Long
Phản biện 3: TS Nguyễn Khắc Hóa






Phản biện độc lập:
1- GS.TS Nguyễn Khắc Phi
2- PGS.TS Phạm Quang Long




1
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU Trang
1. Lý do chọn đề tài … 4
2. Mục tiêu, giới hạn của đề tài … 5
3. Lịch sử nghiên cứu đề tài … 7

4. Đóng góp mới của Luận án …22
5. Phương pháp nghiên cứu …23
6. Kết cấu của Luận án …25

Chương 1: Những vấn đề lý thuyết về thể loại tùy bút 27
1.1. Về khái niệm “tùy bút” …27
1.2. Xác định loại của tùy bút …33
1.3. Đặc điểm của thể loại tùy bút …37
1.4. Phân loại tùy bút …45
1.5. Phân biệt tùy bút với bút ký và thơ văn xuôi …50
Chương 2: Quá trình phát triển của tùy bút Việt Nam
từ 1930 đến 1975 56
2.1 Sự hình thành thể loại tùy bút
trong văn học Việt Nam trước 1930 …56
2.1.1. Sự hình thành thể loại tùy bút trong văn học trung đại… 57
2.1.2. Sự hình thành thể loại tùy bút trong văn học 1900 - 1930… 62
2.2. Những chặng đường phát triển của thể loại tùy bút trong
văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975……………………… 64
2.2.1. Từ 1930 đến 1945 …64


2
2.2.2. Từ 1945 đến 1975 …76
2.3. Những tác gia và tác phẩm tùy bút tiêu biểu
trong văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975………………….83
2.3.1. Nguyễn Tuân – người viết tùy bút số một………………… 83
2.3.2. Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường …98
2.3.3. Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai 108
2.3.4. Bình Nguyên Lộc với Những bước lang thang trên hè phố
của gã Bình Nguyên Lộc 117

2.3.5. Nguyễn Trung Thành với Đường chúng ta đi 125
2.3.6. Nguyễn Thi với Dòng kinh quê hương 128
Chương 3: Đặc điểm của tùy bút Việt Nam từ 1930 đến 1975……… 133
3.1. Văn hóa dân tộc và hiện thực chiến tranh –
hai mảng đề tài chính 133
3.1.1. Đề tài văn hóa dân tộc 134
3.1.2. Đề tài hiện thực chiến tranh 137
3.2. Sự đa dạng của cảm hứng 141
3.2.1. Cảm hứng dân tộc - lịch sử 142
3.2.2. Cảm hứng lãng mạn 151
3.2.3. Cảm hứng anh hùng 156
3.2.4. Cảm hứng trữ tình 160
3.3. Dung hợp cả hai loại nhân vật:
nhân vật trữ tình và nhân vật tự sự - trữ tình………… 164
3.3.1. Nhân vật trữ tình 165
3.3.2. Nhân vật tự sự - trữ tình 169
3.4. Một phức hợp giọng điệu 173


3
3.4.1. Sự phong phú về giọng điệu 173
3.4.2. Tính phức hợp trong giọng điệu 176
3.5. Kết cấu tự do theo mạch cảm xúc 179
3.5.1. Kết cấu tự do 179
3.5.2. Mạch tự sự - trữ tình linh hoạt 181
3.6. Vẻ đẹp, tính sáng tạo và giàu chất thơ của ngôn từ 183
3.6.1. Vẻ đẹp của từ ngữ 183
3.6.2. Cách sử dụng từ ngữ đầy sáng tạo 186
3.6.3. Ngôn từ giàu chất thơ 191


KẾT LUẬN 198

PHỤ LỤC 202
TÀI LIỆU THAM KHẢO 216
PHỤ CHÚ……………………………………………………………………… 232










4
MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.1. Trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, tùy bút là một thể loại có đóng góp đáng
kể. Rất nhiều tên tuổi lớn mà phần thành công hơn cả của sự nghiệp sáng tác được
khẳng định bằng tùy bút. Những trang tùy bút đặc sắc của Nguyễn Tuân, Thạch
Lam, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Vũ Bằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Thi,
Nguyễn Trung Thành, Bình Nguyên Lộc, Băng Sơn, không chỉ mang tới cho độc
giả nhã thú văn chương mà còn góp phần vun bồi vốn tri thức phong phú về tự
nhiên, xã hội và nghệ thuật. Từ góc nhìn văn học sử, không khó để nhận ra rằng thể
loại này đã có một quá trình hình thành và phát triển với những quy luật vận động
riêng trong quỹ đạo chung của cả nền văn học dân tộc.
Thực tiễn sáng tác sinh động là thế, nhưng về lý luận thì có nhiều vấn đề còn
bỏ ngỏ xung quanh thể loại tùy bút. Các nhà nghiên cứu luôn mong muốn có được

sự tường minh trong thao tác xác định loại hình và phân loại, hệ thống hóa. Nhưng
đó là một điều không hề đơn giản vì tính chất trung gian, lưỡng hợp của tùy bút
(giữa tự sự với trữ tình, giữa suy tưởng với xúc cảm, giữa văn xuôi với thơ, giữa
yếu tố khách quan với yếu tố chủ quan) có thể khiến cho mọi cố gắng phân định
rạch ròi đều trở nên bất cập hoặc không thỏa đáng. Hậu quả là, mặc dù được nhìn
nhận như một thể loại văn học (Nguyễn Xuân Nam) [61; 1888] nhưng quan điểm
phân loại và cách hiểu về tùy bút, trên thực tế, hầu như chưa có sự nhất trí cần thiết.
Nhiều người coi tùy bút là một tiểu loại giàu chất trữ tình nhất của thể loại ký - một
biến thể của loại tự sự, nhưng cũng có người dứt khoát xếp tùy bút vào loại trữ tình.
Do chưa có được sự đồng thuận từ cơ sở lý luận nên việc tiếp cận và bình giá
những tác phẩm tùy bút cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp.
Rõ ràng cần phải khảo sát tường tận hơn về tùy bút, trước hết ở phương diện
khái niệm, thể loại; rồi trên cơ sở đó mà vạch ra một đường biên - tất nhiên cũng
chỉ mang ý nghĩa tương đối - giữa tùy bút với các thể loại văn xuôi nghệ thuật khác.
Để tùy bút có cơ sở tồn tại ngang hàng, bình đẳng với những thể loại khác trong đời
sống văn học, để không chỉ phân định thỏa đáng những giá trị vốn có, mà quan


5
trọng hơn là định hướng phù hợp cho sự vận động phát triển ở tương lai, thiết nghĩ
đã đến lúc cần có sự nghiên cứu đầy đủ về nguồn gốc thể loại, quá trình phát triển
với những quy luật và thành tựu nổi bật, về đặc điểm nội dung và nghệ thuật cơ bản
của nó.
1.2. Qua thực tế công tác giảng dạy và nghiên cứu của bản thân, chúng tôi đã tích
lũy được một khối lượng tư liệu khá phong phú về thể loại tùy bút, về các tác gia,
tác phẩm tùy bút tiêu biểu. Bằng kinh nghiệm và sở trường cá nhân, kết hợp với
việc tham khảo, kế thừa thành tựu nghiên cứu từ những người đi trước, chúng tôi
mong muốn được trình bày ý kiến của mình về một vấn đề văn học tuy không mới
nhưng còn nhiều điểm chưa sáng rõ cả về lý luận lẫn thực tế phê bình và tiếp nhận.
Kết quả của công trình này vừa có thể góp phần xác định vai trò và đặc điểm

của tùy bút trong hệ thống thể loại văn xuôi Việt Nam hiện đại, vừa giúp cho việc
giảng dạy những tác gia, tác phẩm tùy bút có trong chương trình bậc đại học và phổ
thông được tốt hơn.
2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU, GIỚI HẠN CỦA ĐỀ TÀI
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Với đề tài Thể loại tùy bút trong văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975, công
việc nghiên cứu của Luận án nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể sau đây:
2.1.1. Xác lập một cách hiểu hợp lý, đầy đủ về khái niệm tùy bút; trên cơ sở đó,
xác định rõ loại hình và đặc trưng thể loại của tùy bút.
2.1.2. Khái quát những chặng đường phát triển và quy luật vận động của thể loại
tùy bút trong văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975.
2.1.3. Khẳng định đóng góp to lớn của thể loại tùy bút, cả về nội dung và bút pháp
nghệ thuật, làm phong phú thêm diện mạo văn xuôi Việt Nam hiện đại.
2.2. Giới hạn của đề tài
2.2.1. Phạm vi nghiên cứu của Luận án bao gồm những vấn đề lý thuyết về loại thể
và lịch sử văn học. Từ yêu cầu của đề tài, Luận án tập trung giải quyết hai nội dung
cơ bản: những vấn đề lý luận xung quanh thể loại tùy bút (khái niệm, loại hình, đặc
trưng nghệ thuật, phân loại), quá trình hình thành, phát triển và những đặc điểm của


6
nó trong văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975. Việc xác định đặc trưng thể loại sẽ
mang ý nghĩa định hướng cho phần khảo sát những đóng góp ở thực tế sáng tác.
2.2.2. Phạm vi tư liệu nghiên cứu của Luận án bao gồm những tác gia, tác phẩm
tùy bút tiêu biểu trong văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975. Chúng tôi chọn khoảng
thời gian này để khảo sát thành tựu và đặc điểm của tùy bút vì những lý do sau đây:
- Tùy bút là một thể loại phái sinh từ ký. Ở Việt Nam, mặc dù các tác phẩm
ký mang yếu tố tùy bút xuất hiện khá sớm trong văn học trung đại, nhưng mãi đến
1930, vẫn chưa thể nói rằng tùy bút đã định hình rõ nét thành một thể loại văn xuôi,
có thành tựu đáng ghi nhận. Chỉ từ sau 1930, cùng với sự khởi sắc của nhiều thể

loại hiện đại (như tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự,…), tùy bút mới thực sự đánh
dấu sự góp mặt của nó bằng những tên tuổi lớn và nhiều tác phẩm hay (Nguyễn
Tuân với Một chuyến đi, Chiếc lư đồng mắt cua, Tùy bút I, Tùy bút II, Tóc chị
Hoài; Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường; Xuân Diệu với Phấn thông
vàng, Trường ca; Chế Lan Viên với Vàng sao; Lư Khê với Phút thoát trần). Do đó,
chọn năm 1930 làm mốc khởi đầu một giai đoạn phát triển của tùy bút Việt Nam là
hoàn toàn có cơ sở.
- Trải qua thử thách của thực tế sáng tác trong gần nửa thế kỷ, đến năm
1975, có thể nói diện mạo cơ bản của thể loại tùy bút đã định hình. Đội ngũ sáng
tác tùy bút tuy không đông đảo như ở các thể loại khác nhưng gồm những tác giả
nổi tiếng, mang phong cách nghệ thuật độc đáo. Số lượng tác phẩm tùy bút tuy
không nhiều nhưng có những sáng tác rất đặc sắc, bao quát được những mảng đề
tài nổi bật, với nhiều cảm hứng đa dạng (từ văn hóa, phong tục đến lịch sử, cái tôi
riêng tư và cái ta cộng đồng, cả sử thi hoành tráng lẫn thế sự, đời thường). Cho nên,
đặt vấn đề khảo sát tùy bút Việt Nam từ 1930 đến 1975 chính là nhằm mục đích
khẳng định một giá trị văn học đã ổn định và tương đối trọn vẹn ý nghĩa.
Tất nhiên, để đảm bảo tính hệ thống và để so sánh nhằm làm nổi bật vấn đề,
chúng tôi không thể không điểm qua những sáng tác mang ngày càng rõ nét yếu tố
tùy bút ở các giai đoạn trước năm 1930 cũng như thành tựu của thể loại này từ sau
1975. Cần nói thêm, việc cân nhắc để phân định thể loại cho những tác phẩm cụ
thể, không thuộc phạm vi nghiên cứu của Luận án này. Căn cứ vào hệ thống tiêu


7
chí phân loại đã nêu ra, một phạm vi tư liệu tương hợp với mục đích nghiên cứu
của Luận án mặc nhiên được xác định.
3. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
3.1. Về thể loại tùy bút
Trong một khoảng thời gian khá dài, do phải tồn tại ở thế nép mình vào thể
loại ký, nên tùy bút chưa có được sự nghiên cứu thật triệt để. Hầu hết các công trình

lý luận - phê bình, các công trình văn học sử đều dành sự quan tâm nhiều hơn đến
đặc điểm và thành tựu của thể loại ký - một mảng văn xuôi quan trọng ở mọi thời
kỳ phát triển của văn học viết. Tùy bút thường chỉ được nhắc qua như một tiểu loại
giàu chất trữ tình, và tất nhiên, phải chịu sự chi phối từ những đặc điểm loại hình
của ký. Có nhà nghiên cứu thực sự chú ý đến yếu tố trữ tình trong tùy bút, không
xem nó như thành phần phụ thêm mà có ý nghĩa quyết định tới những đặc điểm để
phân định thể loại. Cũng có người quan tâm đến những biểu hiện có tính chất trung
gian, để khảo sát tùy bút như một cách viết linh hoạt hoặc một thể loại nằm ở vị trí
giáp ranh, lai ghép giữa tự sự với trữ tình.
Có thể nhận ra hai kiểu quan niệm vừa tương đồng vừa có chỗ chưa nhất trí
với nhau xung quanh vấn đề loại hình của tùy bút:
* Tùy bút là một tiểu loại văn xuôi giàu chất trữ tình, thuộc thể loại ký.
* Tùy bút là một thể loại văn xuôi phái sinh từ ký, thuộc loại trữ tình.
Cả hai quan điểm trên đều thừa nhận sự tồn tại thường trực của yếu tố trữ
tình trong tùy bút, nhưng về vai trò của yếu tố tự sự thì còn có ý kiến khác nhau.
3.1.1. Xếp tùy bút vào hệ thống tiểu loại của ký, các nhà nghiên cứu muốn khẳng
định vai trò của tự sự như là yếu tố thứ nhất, có ý nghĩa làm nền trong những tác
phẩm thuộc thể loại này. Trong Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình
Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên), tùy bút được xác định là “một thể thuộc loại hình
ký, rất gần với bút ký, ký sự. Nét nổi bật trong tùy bút là qua việc ghi chép những
con người và sự việc cụ thể có thực, tác giả chú trọng đến việc bộc lộ cảm xúc, suy
tư và nhận thức, đánh giá của mình về con người và cuộc sống hiện tại” [49; 260].


8
Trong Lý luận văn học - vấn đề và suy nghĩ, Nguyễn Văn Hạnh cũng xếp
tùy bút vào hệ thống các thể ký:
“Các thể ký có mặt cả trong văn học cổ điển và văn học hiện đại là ký
sự, bút ký, tùy bút, nhật ký (…). Trong văn học hiện đại, thể tùy bút được
dùng để chỉ những tác phẩm viết một cách phóng khoáng, tự do, theo dòng

suy nghĩ, liên tưởng của người viết. Tùy bút cũng là ký, là ghi chép, nhưng
không chỉ ghi chép sự việc, mà ghi chép suy nghĩ, cảm xúc của người viết
khi tiếp xúc với thực tế” [53; 100].
Trong Văn học…gần & xa, Hoàng Ngọc Hiến còn đưa ra một thuật ngữ mới
- ký tùy bút - để xác định rõ mối quan hệ mang tính phụ thuộc giữa tùy bút với ký:
“Trong nghiên cứu văn học Việt Nam đương đại, ký là một thuật ngữ
được dùng để gọi tên một thể loại văn học bao trùm nhiều “thể” hoặc tiểu
loại (…), nói đến những tiểu loại ký quen thuộc phải kể đến: hồi ký (“Những
năm tháng không thể nào quên” của Võ Nguyên Giáp), nhật ký (“Ở rừng”
của Nam Cao), ký sự (“Ký sự miền đất lửa” của Vũ Kỳ Lân - Nguyễn Sinh),
phóng sự (“Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cơm thầy cơm cô” của Vũ Trọng Phụng), ký
chính luận (“Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc), ký tùy
bút (“Đường chúng ta đi” của Nguyễn Trung Thành)” [60; 122, 123].
Không ít nhà nghiên cứu tỏ ra quan tâm đến tính chất “tự biểu cảm” trong
tùy bút, nhưng vẫn khẳng định nó có gốc gác từ ký:
“Một thể loại văn xuôi phái sinh từ thể ký, gần với bút ký ( ). Nhà
văn dựa vào sự lôi cuốn của cảm hứng, có thể nói từ sự việc này sang sự
việc khác, từ liên tưởng này sang liên tưởng kia ( ) để bộc lộ những cảm
xúc, những tâm tình, phát biểu những suy nghĩ, những nhận xét về cuộc đời
và con người ( ). Bản ngã của nhà văn được thể hiện trong tùy bút gần như
trong thơ trữ tình. Tùy bút là thể giàu chất trữ tình nhất trong các loại ký”
[61; 1888].
Trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX (Phan Cự Đệ chủ biên), dù thừa nhận
“Ký bao gồm nhiều thể chủ yếu dưới dạng văn xuôi tự sự như bút ký, hồi ký, du ký,


9
nhật ký, phóng sự, tùy bút,…”, nhưng Lê Dục Tú đã chú ý nhiều hơn đến tính chất
chủ quan, phóng túng của cái tôi trữ tình ở các sáng tác tùy bút:
“Theo định nghĩa thì tùy bút là một thể văn có lối viết tương đối

phóng khoáng, tự do. Nhà văn tùy theo ngọn bút đưa đẩy có thể viết từ việc
này sang việc khác, từ vấn đề này sang vấn đề khác. Ở thể loại này nhà văn
có điều kiện bộc lộ những cảm xúc chủ quan của mình về đối tượng được
phản ánh, vì thế cái tôi bản ngã có điều kiện bộc lộ hết mình” [34; 401].
Ở đây, các nhà nghiên cứu đã lưu tâm trước hết đến sự hiện diện của yếu tố
khách quan trong tùy bút, coi đó như cái phần chất liệu không thể thiếu từ cuộc
sống, để qua đó cái tôi chủ quan của người viết mới có cơ hội bộc lộ. Quan niệm
này khá phổ biến và không ít người đã mặc nhiên thừa nhận tùy bút là một dạng,
một tiểu loại giàu chất trữ tình của thể loại ký.
Nhưng nếu khảo sát kỹ thực tế sáng tác, sẽ nhận ra trong tùy bút việc kể
chuyện, thuật sự đâu phải là mối quan tâm hàng đầu của người nghệ sĩ; do đó, làm
sao có thể căn cứ vào một yếu tố không mang tính bản chất để phân định thể loại ?
Đặt giữa hệ thống các tiểu loại của ký (cùng với bút ký, ký sự, nhật ký, phóng
sự,…), tùy bút tỏ rõ sự thất thế trong việc phản ánh và suy tư về hiện thực với tính
thời sự nóng hổi. Yếu tố tự sự, ở các mức độ và tính chất khác nhau, phần nhiều
mang ý nghĩa phương tiện để chuyển tải. Trữ tình mới là mục đích chính yếu, là
cứu cánh nghệ thuật trong tùy bút.
Khác hẳn với quan niệm nêu trên, có nhà nghiên cứu xếp dứt khoát tùy bút
vào loại trữ tình: “Tác phẩm trữ tình không phải chỉ có thơ trữ tình, mặc dù nó là
tiêu biểu nhất. Ngoài thơ trữ tình còn có tùy bút, thơ văn xuôi, ca trù, từ khúc,…”
(Nguyễn Xuân Nam) [155; 188].
Theo Nguyễn Xuân Nam, trữ tình là yếu tố cơ bản, là cái mạch chính để
làm nên diện mạo riêng cho tùy bút. Yếu tố khách quan dù hiện diện ở cấp độ nào
cũng không thể tự thân có nghĩa, mà chỉ là nguyên cớ để khơi gợi lên cái hiện thực
thứ hai - hiện thực tâm hồn người nghệ sĩ (gần giống vai trò của cảnh, để tức cảnh
sinh tình trong thơ trữ tình). Do vậy, trong tác phẩm tùy bút, nhu cầu bộc lộ cảm
xúc, giãi bày suy tư của cái tôi cá nhân, chủ quan, được đặc biệt đề cao:


10

“Tùy bút là một thể loại văn xuôi phóng khoáng. Nhà văn theo ngọn
bút mà suy tưởng, trần thuật, nhưng thực chất là thả mình theo dòng liên
tưởng, cảm xúc mà tả người, kể việc. Cái hay của tùy bút là qua sự bộc lộ
những cảm xúc, nhận xét, suy tưởng của tác giả, làm hiện lên một nhân
cách, một chủ thể giàu có về tâm tình, sắc sảo về trí tuệ” [155; 188].
Trong Tam diện tùy bút, trước khi khảo sát ba đỉnh cao tùy bút (Nguyễn
Tuân, Nguyễn Ngọc Lan, Đỗ Lai Thúy) - theo cách hiểu tùy bút như một kiểu bút
pháp và căn cứ trên những nét đặc trưng về phương thức, mục đích sáng tác - Trần
Thanh Hà cũng cho rằng xếp tùy bút vào loại trữ tình là hợp lý hơn cả:
“Xét từ gốc gác và bản chất, ký không nhằm thông tin thẩm mỹ mà thông
tin sự thật (…). Thế nhưng tùy bút không nhằm thông tin sự kiện mà thông
tin tâm trạng. Trong tùy bút, sự thật bên ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ mà
chủ yếu là chủ thể bộc lộ nội tâm. Vậy xét ở góc độ trần thuật người thật
việc thật thì tùy bút đã đứng tách biệt với các loại khác cùng nhóm. Điều này
làm cho tùy bút đậm chất trữ tình và chỉ có thể xếp nó vào loại trữ tình,
trong khi phóng sự, ký sự, truyện ký… lại được xếp vào loại tự sự” [46; 11].
Kiểu quan niệm này tuy có vẻ khắc phục được những hạn chế của việc xếp
tùy bút vào hệ thống các tiểu loại của thể loại ký - “một biến thể của loại tự sự”
(Gulaiep) [155; 263], nhưng lại rất khó tránh khỏi một cực đoan khác.
3.1.2. Do chưa được xác định rõ ràng đặc trưng thể loại từ cơ sở lý thuyết, nên
công việc khảo sát, bình giá những tác phẩm tùy bút cụ thể đã gặp không ít trở ngại.
Có khi sự chệch choạc bộc lộ ngay từ khâu phân định thể loại. Thường, người ta
quen gọi Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam là tùy bút, nhưng cũng có
lúc nó được xem là bút ký (Đinh Quang Tốn) [7; 81], hoặc “một thứ biên khảo song
có nhiều tính chất nghệ thuật” (Phạm Thế Ngũ) [7; 65]. Xung quanh việc xác định
thể loại cho tác phẩm Phấn thông vàng của Xuân Diệu cũng có nhiều ý kiến khác
nhau: trong khi tác giả gọi tác phẩm của mình là “truyện ý tưởng” [184; 98],
Nguyễn Đăng Mạnh khẳng định đây là “một tập tùy bút tâm tình” [184; 98] thì Lưu
Khánh Thơ lại xem là “tập truyện ngắn” [184; 29]. Tác phẩm Chơi giữa mùa trăng
của Hàn Mặc Tử cũng rơi vào trường hợp tương tự: có người gọi một cách dè dặt là

“tập văn xuôi” (Nguyễn Toàn Thắng), nhưng có người lại định danh nó một cách


11
phức tạp, nhập nhằng hơn: “những bài tùy bút được viết theo thể văn xuôi thi vị
hóa (tương tự như thơ văn xuôi)” (Lê Huy Oanh) [33; 359].
Các nhà nghiên cứu cũng khá vất vả trong việc xác định ranh giới giữa tùy
bút với các tiểu loại khác của ký (nhất là bút ký):
“Bút ký và tùy bút rất gần nhau, nhưng nếu trong tùy bút, nhất là
trong tùy bút của Nguyễn Tuân, phần trình bày suy nghĩ, nhận xét, liên
tưởng, tưởng tượng của người viết chiếm một tỉ trọng lớn, và do đó tính chất
trữ tình thường khá đậm nét, thì trong bút ký việc ghi chép trung thực sự
việc được coi trọng hơn (…). Xét về mức độ kết hợp tự sự với trữ tình, về
tính chặt chẽ hay phóng khoáng trong tư duy và kết cấu, thì bút ký có thể
xem như đứng giữa ký sự và tùy bút” (Nguyễn Văn Hạnh) [54; 100].
Từ góc nhìn của người sáng tác, Chế Lan Viên đề xuất một cách hiểu có vẻ
thú vị, nhưng chẳng những không sáng rõ lý thuyết về thể loại chút nào mà còn làm
phức tạp thêm vấn đề: “Có người phân biệt rằng tùy bút thiên về nội tâm hơn, còn
bút ký thì thiên về tả sự việc bên ngoài. Cũng được. Nhưng bạn nhìn xem. Nhiều
tùy bút của Nguyễn Tuân năm nay ở Sông Đà cũng ngồn ngộn sự việc như bút ký
vậy. Âu là ta thống nhất bút ký và tùy bút lại thành một danh từ… tùy bút ký”
[217; 111].
Trong sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ văn 12 nâng cao, (đều do Bộ
Giáo Dục và Đào Tạo ấn hành năm 2007), phần khái niệm về thể loại và định
hướng tiếp cận các tác phẩm tùy bút (Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Ai
đã đặt tên cho dòng sông ? của Hoàng Phủ Ngọc Tường) chưa được trình bày thật
sáng rõ, nhất quán. Đơn cử một số điểm chưa hợp lý cụ thể như sau:
a. “Bài ký thực chất thuộc thể tùy bút vì hành văn phóng túng, nhân vật chính
là cái tôi của tác giả, chất trữ tình rất đậm” [160; 182].
b. “Ai đã đặt tên cho dòng sông ? thực chất thuộc thể tùy bút (…). Qua bài

kí Ai đã đặt tên cho dòng sông ? ta thấy nổi bật lên cái tôi của Hoàng Phủ
Ngọc Tường - tài hoa, uyên bác, giàu tình cảm và trí tưởng tượng lãng mạn,
say mê cái đẹp của cảnh và người xứ Huế” [161; 167].


12
c. “Tùy bút thuộc thể ký (…). Tùy theo cái tôi của tác giả mà tùy bút có loại
thiên về triết lí, có loại thiên về thông tin khoa học (về văn hóa, văn học, lịch
sử hay phong tục), có loại thiên về mô tả phong cảnh, v.v… Cũng có loại
thuần túy trữ tình” [160; 163].
Trong quyển Thiết kế bài giảng Ngữ văn 12, tập một (Nguyễn Văn Đường
chủ biên), các tác giả cũng tỏ ra lúng túng, nhầm lẫn khi định nghĩa về tùy bút:
“Tùy bút: một loại bút ký ghi chép người thật việc thật, không có cốt truyện, đặc
biệt in đậm cảm xúc chủ quan của người viết, đậm chất trữ tình” [39; 419].
Rõ ràng, những cách cắt nghĩa như trên đã làm cho vấn đề trở nên bùng
nhùng khó hiểu và dễ nhầm lẫn. Làm sao xác định được tính hệ thống, cấp độ của
từng thể loại và mối tương quan giữa tùy bút với ký nếu dựa trên những nhận định
mâu thuẫn nhau như thế ? Nếu “bài ký thực chất thuộc thể tùy bút”, “tùy bút thuộc
thể ký” và “tùy bút: một loại bút ký”, thì ai biết thể loại nào thuộc thể loại nào ? Và
nếu tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? “thực chất thuộc thể tùy bút” thì sao
không gọi đúng như thế mà lại xếp nó vào thể loại ký ? Việc phân loại tùy bút cũng
chưa nhất quán về tiêu chí: khi thì căn cứ vào đề tài (loại thiên về thông tin khoa
học, loại thiên về mô tả phong cảnh), khi lại căn cứ vào cảm hứng sáng tác (loại
thiên về triết lý, loại thuần túy trữ tình).
3.1.3. Về đặc điểm nghệ thuật nổi bật, hầu hết các ý kiến đều thừa nhận tùy bút là
một thể loại văn xuôi nghệ thuật hết sức tự do, phóng túng và giàu chất trữ tình; ở
đó, cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ luôn được bộc lộ rõ nét.
Theo Trần Thanh Hà, tùy bút là “thánh địa của cái tôi”. Nó khác với thơ văn
xuôi không chỉ ở vần, nhịp, điệu thức, mà còn ở sự hòa quyện nhuần nhị giữa tự sự
với trữ tình:

“Cái hay của tùy bút là say mà tỉnh. Người viết vừa bộc lộ cảm hứng,
tâm trạng vừa làm chủ được vấn đề và biết dắt người đọc đến đâu (…). Có
thể so sánh lối viết tùy bút như hình ảnh người nghệ sĩ xiếc đi trên dây cần
một thế cân bằng giữa hai bờ vực. Có được sự cân bằng ấy mới tạo ra được
vẻ đẹp trí tuệ và cả vẻ đẹp tâm hồn” [46; 19].


13
Đề từ cho tác phẩm Miên man tùy bút của mình, Lý Lan cũng nhấn mạnh
đến tính chất tự do, phóng túng trong mạch cảm xúc và suy tưởng ở người viết:
“Cái này không phải tự truyện. Cái này là những câu chuyện và suy
nghĩ tôi viết ra trong những tình huống nào đó qua những thời gian khác
nhau (…). Tôi sẽ gọi nó là tùy bút, để cho những câu chuyện và ý nghĩ nối
nhau, không hẳn theo trình tự thời gian, mà theo liên tưởng của cảm xúc và
ngẫu nhiên của ngón tay gõ trên bàn phím chữ” [80; 5].
Nhưng tùy bút không phải là thể loại dễ viết, ai cũng viết được. Càng không
dễ trở thành một tác gia chuyên sáng tác tùy bút. Cho nên, “Trong văn học Việt
Nam từ trước cách mạng tháng Tám đến nay, số lượng nhà văn “đứng” được ở thể
tùy bút không nhiều” (Lê Dục Tú) [34; 401]. Ở bài viết Cái tôi trong tùy bút,
Nguyễn La có nhận xét:
“Đặc điểm trước hết của thể loại tùy bút là sự xuất hiện của cái tôi
nhà văn. Tùy bút là viết theo cảm hứng, nghĩ gì viết nấy, viết theo dòng cảm
hứng của chính mình - ở ngôi thứ nhất, cái tôi càng hằn rõ bao nhiêu, đậm
nét bao nhiêu càng dễ đi vào lòng người bấy nhiêu. Do vậy không phải ai
cũng viết được tùy bút, phải là người có tài năng, có độ từng trải, có uy tín
văn học thì mới có thể viết được bài tùy bút hay” [77].
Trong bài Nguyễn Tuân và thể tùy bút, Vương Trí Nhàn có dẫn ra một định
nghĩa về tùy bút trong Từ điển văn học của Liên Xô để minh họa cho thực tế ấy:
“Được gọi là tùy bút, là những tác phẩm mà ở đó nổi lên trên bình
diện thứ nhất những phẩm chất riêng, cốt cách riêng của tác giả. Chỉ những

người muốn làm rõ cái giọng điệu độc đáo của riêng mình, những người
thích tự biểu hiện, tự phân tích, đồng thời là những bút pháp vừa giàu chất
hình tượng, vừa có khả năng viết chặt chẽ như châm ngôn - những người đó
mới đi vào tùy bút” [129].
Từ định hướng lý luận như thế, ông dành sự quan tâm nhiều hơn tới những
yêu cầu khắt khe của tùy bút đối với nhà văn:
“Cái khó đầu tiên, mà nhiều người viết văn xuôi thường nhận xét khi nói
về tùy bút, là ở tính chất quá tự do của nó. Quả thật trong lịch sử văn học,


14
không mấy ai đứng được với cái thể văn mà tự nó đã toát ra tùy hứng, tùy
tiện ấy. Viết một hai bài thì cũng thấy hay hay, nhưng sống cả đời thì không
dám (…). Nó làm người ta mất mặt như chơi. Nó rất kén tác giả” [129].
Ngoài đặc điểm về chủ thể sáng tạo, những bình diện nội dung và nghệ thuật
khác của tùy bút (đề tài, cảm hứng, nhân vật, kết cấu, dung lượng, giọng điệu, ngôn
ngữ) hầu như ít được các nhà nghiên cứu đề cập tới.
Có thể kết luận: dù là một thể loại văn xuôi ghi được nhiều thành tựu xuất
sắc ở thời kỳ hiện đại của nền văn chương dân tộc, nhưng trải qua hơn một thế kỷ
phát triển, tùy bút vẫn chưa có được sự nghiên cứu thật đầy đủ và thấu đáo. Thực tế
cho thấy, sẽ trở nên cứng nhắc và khiên cưỡng nếu cố tình quy tùy bút vào một
trong hai loại: tự sự hoặc trữ tình. Tự sự không chỉ là phương tiện và trữ tình chưa
hẳn là mục đích duy nhất của các sáng tác tùy bút. Cái tôi của nhà văn xuất hiện
trong tùy bút không chỉ để giãi bày cảm xúc mà còn để kể chuyện, tâm tình, đối
thoại, suy tư,…Vậy thì tùy bút thuộc loại hình văn học nào, đâu là những đặc trưng
thể loại và để phân loại tùy bút phải căn cứ vào những tiêu chí nào ? Thiết nghĩ, đó
là những vấn đề thực sự mang ý nghĩa khoa học, cần được quan tâm nghiên cứu
triệt để hơn.
3.2. Về tùy bút Việt Nam từ 1930 đến 1975
Do chưa có những công trình nghiên cứu quy mô, hệ thống, nên các nhận

định về tiến trình của tùy bút ở Việt Nam thường xuất hiện lẻ tẻ, rải rác trong các
bài báo, tạp chí và những công trình nghiên cứu văn học sử nói chung. Mặt khác,
một khi quan niệm cho rằng tùy bút là một tiểu loại của ký đã và đang được nhiều
người thừa nhận thì tìm ra những ý kiến, kết luận riêng về nó là điều không dễ
dàng. Vì thế, những phát biểu, đánh giá về ký nói chung đôi khi cũng góp phần tăng
cường tính hệ thống cho việc nghiên cứu quá trình phát triển của tùy bút.
3.2.1. Tùy bút là một thể loại văn xuôi phái sinh từ ký. Thể loại ký phát triển rất
mạnh trong văn học trung đại Việt Nam. Cho nên, những tác phẩm ký mang hơi
hướng, dáng dấp tùy bút đã thấy xuất hiện từ trước thế kỷ XX. Nhưng tùy bút, với
cách hiểu là một thể loại văn xuôi hẳn hoi như hiện nay, thì chưa có.


15
Theo Nguyễn Văn Hạnh, khái niệm tùy bút xuất hiện trong văn học trung đại
nhằm định danh cho một cách viết, một kiểu bút pháp tự do phóng túng, nhất là
trong việc lựa chọn đề tài: “Khái niệm “tùy bút” được nêu lên trực tiếp trong Vũ
trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768 - 1839). Sở dĩ gọi là tùy bút vì những vấn
đề được đề cập đến trong tác phẩm rất đa dạng, không theo một trình tự nào, từ
chuyện thân thế, gia đình đến chuyện xã hội, thời cuộc, lịch sử,…” [54; 218].
Trong bài viết Nguyễn Tuân, tên tuổi còn mãi với thể tùy bút, Vương Trí
Nhàn cũng đã chỉ rõ:
“Do những nguyên cớ khác nhau và trước tiên, do những hạn chế
ngặt nghèo đối với tự do của người nghệ sĩ, nền văn xuôi trung cổ Việt Nam
chưa thể biết tới thể tùy bút, như ngày nay con người hiện đại quan niệm.
Thuở vua Lê chúa Trịnh, tức là những năm tháng hỗn loạn của chế độ phong
kiến, cũng đã có một quyển sách mang tên Vũ trung tùy bút của Phạm Đình
Hổ ra đời, nhưng chữ tùy bút ở đây không phải là để chỉ thể loại của tác
phẩm mà là có liên quan tới cách viết, cũng là cái phóng túng trong công
việc cầm bút” [129].
Ở chặng đầu của công cuộc hiện đại hóa nền văn học Việt Nam (1900 -

1930), mặc dù tùy bút chưa tách hẳn ra khỏi thể loại ký nhưng chất trữ tình đã dần
đậm đà hơn và bản ngã của người viết cũng bộc lộ rõ nét hơn. Đây được xem là
thời kỳ chuyển dạ, là giai đoạn cuối của quá trình sinh thành một thể loại văn học:
“Bên cạnh các tác phẩm mang hơi hướng tùy bút, đậm chất trữ tình
(các tác phẩm của Tương Phố, Đông Hồ) là các tác phẩm nặng về khảo cứu,
biên khảo, ghi chép phong tục (các tác phẩm của Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá
Trác). Về thể loại, nếu tiểu thuyết là mô phỏng phương Tây thì thành tựu
chủ yếu của ký giai đoạn 1900 - 1930 là cố gắng đẩy đến cùng khả năng
cách tân thể loại truyền thống để xác lập một thể văn kết hợp mô tả, ghi chép
sự thực với ký thác tâm sự. Tuy thành tựu ký giai đoạn này chưa thật sự nổi
bật song định hướng này là một tiền đề để cho ký có những bước nhảy vọt ở
giai đoạn tiếp theo, giai đoạn ghi một dấu ấn đậm nét của thể ký trong nền
văn học Việt Nam thế kỷ XX” (Lê Dục Tú) [34; 377].


16
3.2.2. Từ 1930 đến 1945, diện mạo và thành tựu độc đáo của thể loại tùy bút mới
thực sự được khẳng định. Trong Luận án Tiến sĩ về Đặc trưng tùy bút Nguyễn
Tuân, ở phần điểm qua tiến trình tùy bút Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng Hà có nhận
định: “Cho đến cuối thập niên thứ ba của thế kỷ XX, những tác phẩm tùy bút thực
sự mang hơi thở lẫn dáng dấp hiện đại bắt đầu xuất hiện với những Nguyễn Tuân,
Thạch Lam (Hà Nội băm sáu phố phường), Xuân Diệu (Trường ca)” [45; 17].
Trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Lê Dục Tú đặc biệt ghi nhận đóng góp
của thể loại ký vào giai đoạn văn học 1930 - 1945, với tùy bút là một trong hai
“dạng” chủ yếu: “Đây là một giai đoạn phát triển rực rỡ và quan trọng của ký. Chỉ
trong vòng chưa đầy 15 năm, ký đã phát triển với tốc độ chưa từng thấy cả về số
lượng tác giả lẫn chất lượng tác phẩm. Ký giai đoạn này được thể hiện chủ yếu
dưới hai dạng: phóng sự và tùy bút” [34; 377].
Ở phần Lời nói đầu quyển Du ký Việt Nam, các tác giả cũng khẳng định sự
hiện diện của thể loại tùy bút, góp phần làm nên sự khởi sắc của văn xuôi hiện đại

từ đầu thế kỷ XX: “Đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam chuyển mình theo hướng
hiện đại hóa trên cơ sở chịu ảnh hưởng và tiếp thu văn học phương Tây, thì cùng
với thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, kịch,… các tác phẩm tùy bút, du
ký… cũng rất phát triển” [153; 5].
Trong Văn học - thế giới mở, khi khảo sát quá trình tương tác giữa các thể
loại văn học từ 1932 đến 1945, Nguyễn Thành Thi đã xác định vị trí xứng đáng của
tùy bút trong hệ thống thể loại văn xuôi thời kỳ hiện đại: “Bức tranh thể loại của
nền văn học ở chặng cuối hành trình hiện đại hóa (1932 - 1945) có thể nói là nhộn
nhịp, rộn ràng. Trong loại trữ tình đã có thơ trữ tình, tùy bút và văn xuôi trữ tình”
[179; 22].
Trong Khóa luận tốt nghiệp đại học ngành Văn học với đề tài Thể loại tùy
bút trong văn học Việt Nam 1930 - 1945, Nguyễn Thị Bích Thủy đã tập trung tìm
hiểu những đặc điểm và thành tựu của tùy bút Việt Nam thời kỳ đầu. Qua việc khảo
sát các tác giả, tác phẩm tiêu biểu, tác giả của Khóa luận có nhiều cố gắng trong
việc khái quát đặc điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật của tùy bút giai đoạn
1930 - 1945; từ đó, khẳng định đóng góp quan trọng của nó đối với tiến trình hiện
đại hóa nền văn học dân tộc. Mặc dù chỉ ở cấp độ Khóa luận tốt nghiệp đại học,


17
nhưng trong bối cảnh nghiên cứu thể loại tùy bút còn chưa thật đầy đủ như hiện
nay, công trình này đã mang ý nghĩa thiết thực, là tài liệu tham khảo cần thiết khi
tìm hiểu về tùy bút Việt Nam.
Ở bài viết Nguyễn Tuân, tên tuổi còn mãi với thể tùy bút, qua việc phân
tích cặn kẽ những tiền đề từ thực tiễn văn học và tâm lý xã hội, Vương Trí Nhàn đã
cho thấy sự ra đời của thể loại tùy bút nói chung và sáng tác của Nguyễn Tuân nói
riêng vào thập niên 30 của thế kỷ XX là một hiện tượng tất yếu, mang tính lịch sử:
“Có điều bản thân cái gọi là thể ký cũng là một không gian rộng rãi,
sau những thể tài nghiêng về sự ghi chép khách quan như du ký, phóng sự
nói trên, cũng ngày càng nổi lên cái nhu cầu của cả người viết lẫn người đọc

đối với thể tài mà ở đó, cái phần chủ quan của người viết hằn rõ, khiến cho
sự phản ánh khách quan quanh co hơn, qua sự khúc xạ rắc rối hơn, song lại
mang tới niềm vui kỳ lạ cho bạn đọc. Tùy bút của Nguyễn Tuân ra đời trong
hoàn cảnh đó (…). Vậy là tùy bút của Nguyễn Tuân có những liên hệ lịch sử
của nó với sự phát triển của tư duy văn xuôi đương thời” [129].
Trước khi khảo sát những ảnh hưởng từ triết học phương Tây đối với tư
tưởng nghệ thuật của Nguyễn Tuân, ở bài viết Có gì chung giữa Nguyễn Tuân và
Andre Gide ?, Hoàng Nhân ghi nhận: “Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân
là nhà văn viết tùy bút đặc sắc, xen lẫn các yếu tố hiện thực và lãng mạn. Nhiều tác
phẩm thể hiện cái tôi ngang tàng, khinh bạc của tác giả, chán ghét cuộc đời tầm
thường xấu xa, phê phán xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ” [119; 197].
Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã xem Nguyễn Tuân là “nhà văn
đứng hẳn ra một phái riêng, cả về lối văn lẫn về tư tưởng”, là người có “lối hành
văn đặc biệt (…) và những ý kiến cùng tư tưởng phô diễn bằng những giọng tài
hoa, sâu cay và khinh bạc, lúc thì đầy nghệ thuật, lúc thì bừa bãi, lôi thôi, như một
bức phác họa, nhưng bao giờ nó cũng cho người ta thấy một trạng thái của tâm
hồn” [140; 415]. Cũng theo Vũ Ngọc Phan, những sáng tác của Nguyễn Tuân ở giai
đoạn 1930 - 1945 “dầu không phải là tùy bút cũng ngả về tùy bút chẳng ít thì
nhiều” [140; 438].


18
Trương Chính khẳng định Nguyễn Tuân là “một nhà văn chủ quan nhất
trong các nhà văn của ta” và những sáng tác ở giai đoạn trước 1945 của nhà văn
này dù viết ở các thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài, phóng sự, nhưng
“tất cả đều là những thiên tùy bút trá hình”. Với sự xuất hiện độc đáo như thế,
Nguyễn Tuân nghiễm nhiên có được một vị trí xứng đáng trên văn đàn đương thời:
“Ngay lúc những nhà văn trong Tự lực văn đoàn được đa số độc giả trong tầng lớp
tiểu tư sản thành thị yêu chuộng nhất, tưởng như không còn dành chỗ cho ai nữa,
thì Nguyễn Tuân, riêng rẽ, cũng đã tự xây dựng cho mình một vị trí chắc chắn trong

văn học” [118; 53].
Thạch Lam cũng được ghi nhận là nhà văn có đóng góp quan trọng vào sự
phát triển của thể loại tùy bút ở giai đoạn 1930 - 1945, với tác phẩm Hà Nội băm
sáu phố phường. Trong bài viết có tiêu đề Thạch Lam, từ quan niệm về cái đẹp
đến những trang văn “Hà Nội băm sáu phố phường”, Nguyễn Thành Thi đã
khẳng định:
“Trong di sản văn học của Thạch Lam, trên cái nền chung của văn
xuôi nghệ thuật bấy giờ, Hà Nội băm sáu phố phường có một địa vị khá
quan trọng. Cùng với các tập truyện ngắn đặc sắc, thiên tùy bút này đã góp
phần khẳng định vững chắc tên tuổi của Thạch Lam, đồng thời cũng phản
ánh những bước đi ngoạn mục ban đầu của tùy bút Việt Nam hiện đại, đặc
biệt là tùy bút viết về văn vật Thăng Long” [177].
Trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4 - 1993, Lê Dục Tú chỉ ra nét riêng của
ngòi bút Thạch Lam trong cách quan sát và cảm nhận cuộc sống: “Ở giai đoạn văn
học 1930 - 1945, trong khi các nhà văn hiện thực quan tâm chủ yếu đến tình trạng
xã hội của con người (…) thì Thạch Lam lại quan tâm chủ yếu đến thế giới tinh
thần - thế giới nội tâm con người” [7; 117]. Chỉ với mỗi tác phẩm Hà Nội băm sáu
phố phường, nhưng Thạch Lam đã được tôn vinh là “một trong số những nhà Hà
Nội học đi đầu” (Nguyễn Vinh Phúc) [7; 87], là người “chép sử Hà Nội bằng cái
nhìn và nhịp cảm, cặp mắt và trái tim của người nghệ sĩ, của nhà thơ nặng tình với
đất văn vật nghìn năm” [7; 83], góp phần bồi đắp bề dày văn hóa thủ đô:
“Có thể nói, Hà Nội đã sản sinh ra Thạch Lam. Nhưng nhờ có Thạch
Lam người ta mới biết yêu thêm Hà Nội (…). Hà Nội băm sáu phố phường


19
của Thạch Lam cùng với tranh phố của Bùi Xuân Phái đã làm cho Hà Nội có
những nét độc đáo, chỉ Hà Nội mới có, và cũng chỉ hai nghệ sĩ bậc thầy ấy
mới khai quật được chút ít trầm tích trong địa tầng văn hóa Thăng Long”
(Hoàng Quốc Hải) [7; 83].

Trong Luận án tiến sĩ Ngữ văn với đề tài Phong cách văn xuôi nghệ thuật
Thạch Lam (2001), Nguyễn Thành Thi cho rằng Hà Nội băm sáu phố phường đã
mở ra “một góc tiếp cận vẻ đẹp của kinh thành cổ kính”. Từ dẫn chứng, phân tích
cụ thể, Nguyễn Thành Thi đã chỉ ra những cảm nhận tinh tế và những suy ngẫm có
chiều sâu tư tưởng của Thạch Lam trước sự biến dời “hơi lạ lùng và đột ngột” của
cảnh quan băm sáu phố phường Hà Nội. Về phương diện nghệ thuật, Nguyễn
Thành Thi đặt Hà Nội băm sáu phố phường trong tương quan với toàn bộ sáng tác
văn xuôi của Thạch Lam, từ đó đi đến khẳng định: “Giá trị nghệ thuật trong tùy bút
của Thạch Lam chính là sự hòa phối giữa chất thơ và chất truyện” [178].
Giai đoạn này, Xuân Diệu góp mặt vào địa hạt văn xuôi bằng hai tập “tùy
bút tâm tình” được đánh giá cao là Phấn thông vàng và Trường ca. Vũ Ngọc Phan
xem Phấn thông vàng là “những bài thơ trường thiên không vần, không điệu, nó là
những bài thơ tự do để phô diễn hết cả cảm tưởng của tác giả về những người
những vật tuy chỉ có cuộc đời rất nhỏ nhưng gợi hứng cho thi nhân lại nhiều
Phấn thông vàng không phải hạng sách yêu dấu của tất cả mọi người, nó thuộc loại
sách của người ưa suy nghĩ, muốn sống một đời tinh thần đầy đủ” [8; 676].
Lưu Khánh Thơ hết mực đề cao bút pháp trữ tình, cảm hứng lãng mạn và vẻ
đẹp ngôn từ trong văn xuôi trước 1945 của Xuân Diệu:
“Đặc điểm nổi bật trong văn xuôi của Xuân Diệu thời kỳ này là tính
trữ tình lãng mạn. Những trang văn thật đẹp với những câu văn, những hình
ảnh được trau chuốt, gọt giũa kỹ càng. Câu văn giàu nhạc điệu, không sa vào
biền ngẫu song lại luôn luôn tạo được âm hưởng riêng. Chất thơ thấm đẫm
trên từng trang văn xuôi của Xuân Diệu (…). Trong văn xuôi trước Cách
mạng, Xuân Diệu sớm hình thành một giọng điệu riêng, tinh tế, tự nhiên,
mượt mà, pha chút buồn duyên dáng” [184; 13].


20
Tuy còn có ý kiến khác nhau trong việc xác định thể loại cho tập văn xuôi
trữ tình, giàu chất triết lý có tựa đề Vàng sao của Chế Lan Viên, nhưng các nhà

nghiên cứu đều đánh giá cao giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện của
tác phẩm. Ở bài viết Giọng văn xuôi tiểu luận Chế Lan Viên, Lại Nguyên Ân cho
rằng mảng sáng tác văn xuôi đóng vai trò quan trọng để làm nên “chân dung” Chế
Lan Viên trong đời sống văn học:
“Điều đó kể ra chẳng có gì hệ trọng, bởi vì một người làm chuyên
nghề văn mà viết nhiều thể loại, cũng là sự thường. Với những ai muốn phác
họa một chân dung, điều đó còn giúp cho sự mô tả được đa dạng hơn, nghĩa
là ít ra còn có một Chế-Lan-Viên-văn-xuôi bên cạnh một Chế-Lan-Viên-thơ.
Có thể thấy như thế này chăng: Chế Lan Viên của thơ - đó là chân dung nhìn
nghiêng; Chế Lan Viên của văn xuôi - ấy mới là chân dung nhìn thẳng” [13;
171].
Trong Từ điển tác gia văn học Việt Nam, Bích Thu xem Vàng sao là tập
“bút ký tư tưởng”, ở đó, thế giới tinh thần phong phú của cái tôi đa sầu đa cảm
cùng một bút pháp thể hiện tài tình được bộc lộ rõ: “Chế Lan Viên dường như luôn
suy cảm về vũ trụ, thời gian, về linh hồn, tín ngưỡng, về sự sống, cái chết, thi ca và
nghệ thuật. Vàng sao mang đậm những tư tưởng siêu hình của một cái tôi thoát tục,
hư vô, được viết bằng thứ ngôn ngữ tượng trưng, nhiều hình tượng và ẩn dụ” [8;
919, 920].
Ở bài viết Giải mã “Vàng sao” - ngọn nguồn của tư tưởng triết lý Chế Lan
Viên, Hoài Anh cũng chú ý đến giá trị tư tưởng và chất triết lý trong văn xuôi Chế
Lan Viên:
“Đọc kỹ tập Vàng sao (1942), chúng ta thấy Chế Lan Viên không phải
là nhà thơ Tôn giáo mà là một nhà thơ muốn kết hợp Niềm tin với Ý thức,
trong đó bắt nguồn từ nhận thức khoa học (…) nhưng luôn dùng ý thức khoa
học soi sáng nên đã rút tỉa được tinh hoa của các tôn giáo như nhụy thơm
của các loại kỳ hoa để làm nên mật ngọt tư tưởng của mình” [6; 445].
Như vậy, ngay từ giai đoạn phát triển đầu tiên, thành tựu của thể loại tùy bút
đã được ghi nhận với sáng tác của hai ngòi bút chủ lực là Nguyễn Tuân và Thạch



21
Lam. Ngoài ra, còn phải kể đến đóng góp của những tác giả không chuyên về văn
xuôi như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử,… Qua các sáng tác tiêu biểu, tùy
bút đã được công nhận là một thể loại văn xuôi mới, góp phần khẳng định cái tôi cá
nhân trong đời sống tinh thần con người Việt Nam và làm nên sự phong phú, đa
dạng về tác gia, tác phẩm cho nền văn học thời kỳ hiện đại.
3.2.3. Từ 1945 đến 1975, trong bối cảnh chiến tranh vệ quốc khốc liệt, thể loại ký
trở thành một phương tiện gọn nhẹ, cơ động để văn chương có thể phản ánh kịp
thời những biến động của công cuộc chiến đấu và dựng xây của cả dân tộc. Các tiểu
loại ký thiên về tự sự như bút ký, ký sự, phóng sự phát triển mạnh. Là một thể loại
linh hoạt, đa năng, tùy bút cũng nhanh chóng thích nghi với yêu cầu mới của hoàn
cảnh lịch sử. Cái tôi trữ tình trong tùy bút đã mang dáng dấp sử thi và mạch cảm
xúc trở nên đậm đà màu sắc lãng mạn. Tuy nhiên, theo cách nhìn khá phổ biến của
các nhà nghiên cứu, đóng góp của tùy bút thời kỳ này không tách ra mà vẫn được
ghi nhận chung trong thành tựu của thể loại ký.
Trong Văn học Việt Nam hiện đại, vấn đề - tác giả, Mã Giang Lân có nhận
định: “Nền văn học của chúng ta phát triển ngày càng phong phú, toàn diện, văn
xuôi những năm 1954 - 1964 cũng đạt được thành tựu ở cả ba thể loại chính là ký,
truyện ngắn và tiểu thuyết” (85; 74).
Ở bài viết Diện mạo văn học Việt Nam 1954 - 1975, Lã Nguyên xác định rõ
hơn vị thế của tùy bút trong sự phong phú, đa dạng về thể loại của nền văn học
Cách mạng: “Có thể nói, nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 không thiếu
một thể loại văn học nào: truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài; các loại ký: ký sự,
bút ký, tùy bút, nhật ký, truyện ký; các thể thơ: thơ trữ tình, thơ trào phúng, truyện
thơ, trường ca” [27; 208].
Có thể tìm thấy ở ý kiến sau đây những nhận định khái quát về tiến trình của
ký nói chung và của tùy bút nói riêng trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX:
“Với đặc trưng riêng của mình, ký là một trong những thể loại năng
động nhất của loại hình văn xuôi nghệ thuật. Trong suốt cả thế kỷ XX, nhìn
từ phương diện thể loại, ký đã có sự vận động và đổi mới. Từ chỗ chỉ tỏ ra

ưu thế ở phóng sự và tùy bút, ký đã có sự đổi thay về nội dung và hình thức


22
thể loại. Ký đã phát huy sở trường ở những tiểu loại ký, đáp ứng được những
yêu cầu của công chúng và thời đại và đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Bên cạnh các loại hình văn xuôi khác, ký chiếm một vị trí xứng đáng trong
đời sống văn học, trở thành một bộ phận không thể tách rời tiến trình vận
động và phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ XX” (Lê Dục Tú) [34; 440).
Ngoài ra, trong các công trình nghiên cứu văn học sử và các tập tiểu luận
phê bình, những tác giả, tác phẩm tùy bút tiêu biểu ở giai đoạn này (Nguyễn Tuân
với Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi; Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai; Bình
Nguyên Lộc với Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc;
Nguyễn Trung Thành với Đường chúng ta đi; Nguyễn Thi với Dòng kinh quê
hương,…) cũng thường được đề cập tới như những đóng góp đầy ý nghĩa cho nền
văn học dân tộc.
Nhìn chung, đóng góp của thể loại tùy bút để làm nên sự phong phú và đa
dạng cho diện mạo văn xuôi Việt Nam hiện đại, nhất là trong khoảng thời gian từ
1930 đến 1975, đã được thừa nhận. Tuy nhiên, từ thực tế nghiên cứu có thể nhận ra
không ít vấn đề cần được khảo sát tường tận hơn. Thứ nhất, mặc dù không thể phủ
nhận mối liên hệ phái sinh với thể loại ký, nhưng rất cần phải tách ra, xem xét tùy
bút như một thể loại độc lập. Chỉ khi nào những thành tựu của tùy bút được xếp
theo một hệ thống riêng thì lúc đó mới có đủ cơ sở để rút ra những nhận định xác
đáng về quy luật vận động, phát triển và đặc điểm của thể loại. Thứ hai, bao giờ
cũng vậy, nói đến tùy bút Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới Nguyễn Tuân. Sáng tác
của ông được xem là đỉnh cao nhất, là mẫu mực cho thể loại tùy bút. Điều này
đúng, nhưng chưa đủ. Mặc dù những nhà văn chuyên viết tùy bút không nhiều
nhưng tác phẩm tùy bút có giá trị không thể nói là ít. Một mình cụ Nguyễn - dù tài
hoa, uyên bác đến đâu - cũng khó lòng dựng lên một lâu đài tùy bút nguy nga trong
văn học hiện đại như thế. Do đó, cần phải ghi nhận sự góp mặt của thể loại tùy bút

trong nền văn học dân tộc một cách khách quan, công bằng và đầy đủ hơn.
4. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
4.1. Trên cơ sở phân tích, đối chiếu ý kiến của các nhà nghiên cứu, lý luận phê
bình, Luận án nêu rõ những điểm chưa thống nhất trong cách hiểu khái niệm, xác
định loại hình và đặc trưng nghệ thuật của thể loại tùy bút. Từ đó, Luận án đi đến

×