Tải bản đầy đủ (.pdf) (228 trang)

nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết nam bộ từ cuối thế kỷ xix đến năm 1932

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.44 MB, 228 trang )



ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
  




PHAN MẠNH HÙNG




NGHỆ THUẬT TỰ SỰ
TRONG TIỂU THUYẾT NAM BỘ
TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN NĂM 1932





LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN





TP. Hồ Chí Minh, năm 2014






ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
  



PHAN MẠNH HÙNG



NGHỆ THUẬT TỰ SỰ
TRONG TIỂU THUYẾT NAM BỘ
TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN NĂM 1932

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 62.22.34.01


LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN


Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân
2. PGS. TS. Lê Giang




TP. Hồ Chí Minh, năm 2014










LỜI CAM ĐOAN



Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả
trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất cứ công trình nào
khác.


Tác giả luận án




Phan Mạnh Hùng


MỤC LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Đối tượng, phạm vi của luận án 3
3. Lịch sử vấn đề 4
4. Phương pháp nghiên cứu 21
5. Đóng góp mới của luận án 22
6. Cấu trúc của luận án 22

Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.1. Một số vấn đề của tiểu thuyết và tiểu thuyết Nam Bộ 24
1.1.1. Khái niệm tiểu thuyết 24
1.1.2. Tiểu thuyết Nam Bộ - khái quát về lịch sử 29
1.1.2.1. Giai đoạn hình thành và phát triển: 1887 đến 1932 29
1.1.2.2. Giai đoạn hội nhập: 1932 đến 1945 38
1.1.3. Tiểu thuyết Nam Bộ - khái quát về đặc điểm 40
1.1.3.1. Loại hình tiểu thuyết 40
1.1.3.2. Hình thức công bố 47
1.1.3.3. Chủ thể sáng tác 51
1.1.3.4. Chủ thể tiếp nhận 60
1.2. Tự sự học – một khoa học về tiểu thuyết 67
1.2.1. Tự sự học - khái niệm 67
1.2.2. Tự sự học - quan niệm 69
1.2.3. Tự sự học - những tiêu điểm nghiên cứu 72
Tiểu kết: 76


Chương 2
TIỂU THUYẾT NAM BỘ TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN 1932

– NHÌN TỪ KẾT CẤU TRẦN THUẬT
2.1. Các kiểu kết cấu trần thuật 78
2.1.1. Kết cấu tuyến tính 79
2.1.2. Kết cấu phi tuyến tính 101
2.2. Người kể chuyện và nhân vật 107
2.2.1. Mối quan hệ giữa người trần thuật và cốt truyện 108
2.2.2. Mối quan hệ giữa người trần thuật và nhân vật 123
Tiểu kết: 137

Chương 3
TIỂU THUYẾT NAM BỘ TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN 1932
– NHÌN TỪ NHÂN VẬT VÀ VIỆC KIẾN TẠO DIỄN NGÔN
3.1. Kiểu nhân vật 142
3.1.1. Nhân vật anh hùng 144
3.1.2. Nhân vật dục vọng 153
3.1.3. Nhân vật oan khuất 158
3.2. Các dạng thức tạo nghĩa diễn ngôn tự sự 160
3.2.1. Dạng kể và tả 163
3.2.2. Dạng đối thoại, độc thoại và lời nửa trực tiếp 186
3.2.3. Nhịp điệu câu văn xuôi 191
Tiểu kết: 195
KẾT LUẬN 196
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN . 201
TÀI LIỆU THAM KHẢO 203
PHỤ LỤC 218

1

MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài
1.1. Tiểu thuyết viết bằng chữ Quốc ngữ La tinh xuất hiện khá sớm ở khu
vực Nam Bộ, chỉ sau 25 năm tính từ khi triều đình nhà Nguyễn kí hiệp ước Nhâm
Tuất (1862) chính thức chấp nhận sự có mặt của thực dân Pháp tại vùng đất này.
Đó là một thời gian không dài lắm, nhưng đủ để cho ra đời một thế hệ nhà văn
cùng với nền văn học mới: văn học chữ Quốc ngữ La tinh, ở đó văn xuôi gần như
là thể loại chủ đạo. Sau những bước đi tiên phong trong việc cách tân văn học của
các nhà văn Tây học như: Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Trương Minh Ký (1855-
1900), Diệp Văn Cương (1862-1929), Nguyễn Trọng Quản (1865-1911)… nền
văn học Nam Bộ đã thực sự khởi sắc từ khi xuất hiện một lớp nhà văn thuộc thế hệ
thứ hai từ sau năm 1910 như: Hồ Biểu Chánh (1885-1958), Lê Hoằng Mưu (1879-
1942), Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947), Phú Đức (1901-1970), Bửu Đình (1898-
1931), Tân Dân Tử (1875-1955), Phạm Minh Kiên (?-?), Biến Ngũ Nhy (1886-
1963)… Đội ngũ này đã tạo ra được một số lượng tiểu thuyết đồ sộ có hàng trăm
cuốn với dung lượng dày mỏng khác nhau đã làm thay đổi gần như hoàn toàn bộ
mặt của nền văn học Nam Bộ giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX.
1.2. Tiến trình hiện đại hóa văn học ở Việt Nam được bắt đầu ở Nam Bộ, và
bắt đầu bằng một tiểu thuyết: truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản,
công bố năm 1887. Tác phẩm này tưởng chừng như rơi thỏm vào bóng tối, bởi
một thời gian khá dài, người ta chỉ biết Tố Tâm (1925) như là tiểu thuyết hiện đại
đầu tiên. Kỳ thực, ngày hôm nay, khi tiếp xúc với văn bản truyện Thầy Lazarô
Phiền, trên góc nhìn thể loại và thi pháp tự sự, chúng ta phải bất ngờ khi thấy sự
khởi đầu của cái văn bản có số phận lặng lẽ này, lại là một khai phá mới. Một
trong những khai phá mà chúng tôi muốn tập trung nói đến, đó là với tư cách là
một tiểu thuyết trần thuật ở ngôi thứ nhất, truyện Thầy Lazarô Phiền đã mở ra một
con đường thênh thang cho hàng loạt tiểu thuyết được xây dựng theo phương thức
trần thuật này, làm nên tính hiện đại của tiểu thuyết và văn chương, đánh thức cái
2

tôi cá nhân trên phương diện sáng tạo và trong đời sống. Sẽ không thể nào hiểu

đầy đủ và chính xác về tiến trình hiện đại hóa văn học ở Việt Nam, nếu không
chạm đến cái con đường mà truyện Thầy Lazarô Phiền đã mở ra: nhân vật xưng
tôi trực tiếp kể về mình, nhân vật xưng tôi phơi bày tâm trạng của chính mình với
kẻ khác.
Và sẽ thật không trọn vẹn nếu không khẳng định vai trò và đóng góp của
tiểu thuyết Nam Bộ khi đã khai sinh ra dòng tiểu thuyết trinh thám võ hiệp mang
dấu ấn kỹ thuật của phương Tây; dòng tiểu thuyết lịch sử mang âm hưởng hào
hùng, khí phách dân tộc; dòng tiểu thuyết xã hội phản ánh gần như trọn vẹn đời
sống văn hoá vật chất và tinh thần của con người phương Nam trong thời kỳ xã
hội chuyển biến mạnh mẽ theo hướng hiện đại hoá nửa đầu thế kỷ XX.
1.3. Trong tiến trình hiện đại hóa, tiểu thuyết vốn được mệnh danh là thể
loại tự sự chủ đạo lên ngôi, trở thành thể loại chủ lực của nền văn học mới. Tiểu
thuyết thời kỳ đầu ở Nam Bộ thuộc loại hình văn học đại chúng, thiên về cốt
truyện và nhân vật hành động: tập trung vào thủ pháp kể chuyện. Tiểu thuyết Nam
Bộ cho thấy sự dung hợp kỹ thuật tự sự của tiểu thuyết Trung Quốc và tiểu thuyết
Phương Tây. Điều đó cho thấy cần thiết có một công trình tập trung nghiên cứu
cách kể - nghệ thuật tự sự, vốn là phương diện bản chất của tiểu thuyết để góp
phần nhận chân được con đường hình thành, vận động (trong kế thừa, ảnh hưởng
Đông Tây) của tiểu thuyết Việt Nam.
1.4. Tiểu thuyết Quốc ngữ Nam Bộ thực sự đã có những đóng góp quan
trọng cho quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX, từng làm say
mê và để lại những dấu ấn trong kí ức của nhiều thế hệ độc giả. Những năm gần
đây, nhiều tác phẩm của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Bửu Đình được tái
bản, đã được đông đảo bạn đọc tiếp nhận. Thậm chí, những tác phẩm của nhà văn
Hồ Biểu Chánh do nhà xuất bản Tiền Giang in và phát hành đã tạo ra một “hiện
tượng” trong ngành xuất bản những năm thập niên 80 của thế kỷ XX.
Vậy, điều gì khiến những cuốn tiểu thuyết cách nay gần cả trăm năm sống
lại trong lòng xã hội hiện đại? Hẳn là người đọc tìm đến với tiểu thuyết Nam Bộ
3


với nhiều lí do. Có người đến với nó vì trách nhiệm trí thức trong việc nghiên cứu
và bảo tồn di sản văn học của tiền nhân. Nhưng có một bộ phận không nhỏ độc giả
đọc và yêu thích nó vì lẽ: thứ nhất, trong nội dung của những tác phẩm này ẩn
chứa những tâm tư, tình cảm, phong tục, lối sống của con người Nam Bộ thuần
phác. Trong đó, có nhiều giá trị đang dần mất đi và có thể không bao giờ quay trở
lại trong cuộc sống hiện đại; thứ hai, những tác phẩm này thực sự hấp dẫn người
đọc ở hình thức nghệ thuật kể chuyện độc đáo, một nghệ thuật tự sự, theo chúng
tôi, đã chinh phục công chúng Nam Bộ và làm thành cái “gu” của họ trong một
thời gian dài.
Những năm gần đây, giới nghiên cứu ngày càng quan tâm đến văn học
Quốc ngữ Nam Bộ. Có một số công trình nghiên cứu được xuất bản, nhiều cuộc
hội thảo khoa học đánh giá văn học Nam Bộ từ cấp độ tác giả cho đến cả tiến trình
hiện đại hóa được tổ chức, nhiều luận văn khoa học nghiên cứu về mảng văn học
này. Những nỗ lực của các nhà nghiên cứu theo thời gian đã khỏa lấp được những
khoảng trống trong khoa học và văn hoá. Tuy vậy, đến nay, việc nghiên cứu tiểu
thuyết Nam Bộ vẫn có nhiều vấn đề còn đang để ngỏ, hoặc cần tiếp tục đào sâu
hơn, đã thôi thúc các nhà nghiên cứu quan tâm, khám phá.
Từ những lý do vừa đề cập, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu Nghệ thuật tự
sự trong tiểu thuyết Nam Bộ giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến 1932.
2. Đối tượng, phạm vi của luận án
3.1. Đối tượng
Để triển khai công trình nghiên cứu, luận án chúng tôi tập trung vào các đối
tượng sau: (1) Giới thiệu căn cứ lý thuyết (tiểu thuyết, tự sự học) và căn cứ lịch sử
(tiểu thuyết Nam Bộ); (2) Nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết Nam Bộ, nhìn trên bình
diện kết cấu trần thuật, nhân vật và kiến tạo diễn ngôn.
3.2. Phạm vi
Về phạm vi tư liệu, luận án khảo sát 85 bộ tiểu thuyết được sáng tác và xuất
bản ở Nam Bộ giai đoạn từ năm cuối thế kỷ XIX đến 1932 (phụ lục 1). Những tiểu
thuyết được sáng tác do những nhà văn có gốc gác ở các vùng đất khác đến sống
4


và làm việc tại khu vực này như: Bửu Đình, Phạm Minh Kiên cũng là đối tượng
nghiên cứu của công trình. Bởi theo chúng tôi, các nhà văn này đã có một thời
gian dài sống ở mảnh đất Nam Bộ, các tác phẩm của họ được sáng tác, xuất bản và
hướng đến người đọc nơi mảnh đất họ gắn bó. Do vậy, những tác phẩm này cần
được xem là thành tựu của văn chương Nam Bộ.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, người viết còn khảo sát một số tiểu
thuyết xuất bản ở miền Bắc cùng một giai đoạn để phục vụ cho việc so sánh đối
chiếu.
Về khái niệm tiểu thuyết: đây là giai đoạn nền văn học Việt Nam nói chung
đang từng bước hiện đại hóa. Các thể loại của nền văn học hiện đại đã từng bước
định hình trong đó có tiểu thuyết. Khái niệm tiểu thuyết cần phải được hiểu một
cách uyển chuyển, có tính lịch sử cụ thể. (Vấn đề này sẽ được chúng tôi trình bày
kĩ hơn trong chương một: Những vấn đề chung).
3. Lịch sử vấn đề
Vấn đề nghệ thuật của tiểu thuyết Nam Bộ đã được quan tâm từ khá sớm.
Trong phần này, chúng tôi sẽ điểm lại lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết Nam Bộ (sự
hình thành, diện mạo và tiến trình vận động) nói chung và tập trung chú ý những ý
kiến bàn luận về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nam Bộ qua ba chặng chính:
- từ đầu thế kỷ XX đến 1945
- từ 1945 đến 1975
- từ 1975 đến nay
2.1. Giai đoạn đầu thế kỷ XX đến 1945
Những ý kiến luận bàn về nghệ thuật tiểu thuyết Nam Bộ giai đoạn này
phần lớn là những bài phê bình, trao đổi văn chương đăng trên báo chí ở Nam Bộ.
Có thể xem đây là những ý kiến của những người đương thời bàn về tiểu thuyết
Nam Bộ. Trong điều kiện lịch sử cụ thể, những ý kiến bình giá vẫn chỉ dừng ở
mức độ khen chê về mặt nội dung, văn thể của các tác phẩm cụ thể và vẫn rất hiếm
những đúc kết khái quát. Nhìn chung, cách tiếp cận thể loại của các cây bút phê
bình trên báo chương Nam Bộ vẫn ở mức độ khám phá bước đầu.

5

Một trong những bài phê bình xuất hiện khá sớm và tương đối tiêu biểu là
Tự do diễn đàn (1915) [117] của Lê Văn Nghĩa. Tác giả bài viết đã có lời khen Hà
Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu là “đặt lớp nghe đã hay mà văn nói nghe
cũng giỏi, thiệt là dủ sức dủ kỳ (sic), coi không muốn thôi”. Hơn mười năm sau,
chính Hà Hương phong nguyệt với nội dung đậm tính sắc dục đã tạo ra cuộc bút
chiến giữa Lê Hoằng Mưu và nhóm Nguyễn Háo Vĩnh, Cao Hải Để, Nguyễn
Chánh Sắt trên Công luận báo (1928). Cuộc bút chiến tạo ra một kết quả chưa có
tiền lệ: nhà cầm quyền ra lệnh tiêu hủy Hà Hương phong nguyệt. Điều đáng nói là
từ “vụ án” văn chương này, tinh thần Lê Hoằng Mưu suy sụp và ngòi bút của ông
trở nên không còn sắc sảo.
Sau đó, phê bình Tỉnh mộng (1923) của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Tường
cho rằng “không những hay về văn từ, vả lại hay về tâm lý (…) Tiểu thuyết Tỉnh
mộng đủ cả vừa tình vừa cảnh, vừa văn chương vừa tâm lý, lại tác giả khéo lựa
câu, dùng chữ rất giản dị hễ đọc đến thì hiểu nhận cảm hóa ngay, thật là một lối
tiểu thuyết đặt tài, phổ thông (PMH - nhấn mạnh) cả ba hạng người mà Trung,
Nam, Bắc lâu nay chưa từng thấy ai biết dùng đến bao giờ vậy” [178]. Có thể thấy,
từ rất sớm, Nguyễn Tường đã phát hiện được những đặc tính quan trọng của tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh: giản dị và hướng đến công chúng “phổ thông”.
Sự xuất hiện của một số cây bút chuyên tâm vào phê bình và nghiên cứu
văn học vào thập niên 1930 cho thấy nền văn học đang vận động theo hướng hiện
đại hóa và chuyên nghiệp hóa. Theo đó, văn học Nam Bộ nhận được sự quan tâm
của các bình giả trong Nam như Thiếu Sơn, Kiều Thanh Quế và ở Bắc như Vũ
Ngọc Phan. Tuy vậy, những quan tâm ấy vẫn chưa thực sự tương xứng với vùng
văn học vốn đi tiên phong và đầy sôi động, có những đóng góp đáng kể cho quá
trình đổi mới văn học và hiện đại hoá xã hội.
Với lối phê bình chân dung, Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn là
công trình phê bình văn học đầu tiên tập trung vào một số gương mặt nhà văn và
tiểu thuyết Nam Bộ. Nhận định về Hồ Biểu Chánh, tác giả Phê bình và cảo luận

cho rằng: “Hồ Biểu Chánh là một người có kinh nghiệm, hiểu rộng, biết nhiều về
6

nhân tình thế thái, có quan sát, đã thâu vào cặp mắt tinh thần được nhiều bức tranh
xã hội. Lại thấy một nhà tâm lí đã khám phá được nhiều điều bí ẩn ở tâm giới
người đời một nhà thi sĩ đã cùng với nước non cây cỏ mà cảm thương thiết tha;
một nhà luân lí đã từng vì nhiều điều thảm mục thuơng tâm mà tỏ lòng bất mãn…”
[135/47]. Bên cạnh đó, nhận xét về Hòn máu bỏ rơi của Phan Huấn Chương,
Thiếu Sơn cho rằng: “Ông Phan Huấn Chương đã làm được bộ phong tục tiểu
thuyết Hòn máu bỏ rơi, rất xứng đáng với cái phần thưởng của Đuốc nhà Nam
ngày nọ” [135/104]. Với Người vợ hiền của Nguyễn Thới Xuyên, Thiếu Sơn phân
tích tâm lí, hành động của các nhân vật, chỉ ra những ưu điểm và những chỗ hạn
chế của tác phẩm. Theo Thiếu Sơn “Nhờ ở cây viết tài tình linh động của Nguyễn
quân nó đã gây cho cuốn sách có được cái giá trị văn chương ít có” [135/79].
Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (1942) đã trang trọng đặt Hồ Biểu
Chánh vào hàng Các tiểu thuyết gia thuộc thế hệ mở đầu. Vũ Ngọc Phan đã chỉ ra
những điểm khác nhau giữa tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách và Hồ Biểu
Chánh: “Tiểu thuyết họ Hoàng thiên về tả tình và giọng văn nhiều chỗ ủy mị cầu
kỳ, không tự nhiên, còn tiểu thuyết của họ Hồ thiên về tả việc và lời văn mạnh mẽ,
giản dị, nhiều chỗ như lời nói thường” và “tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có tính chất
bình dân, bình dân cả từ những nhân vật ông chọn đến những lời văn ông viết
nữa” (PMH - nhấn mạnh) [119/337]. Nên nhớ là Nhà văn hiện đại xuất hiện vào
thời điểm tiểu thuyết Nam Bộ có hơn 40 năm phát triển với một diện mạo và chất
lượng tương đối. Thế nhưng, trong rất nhiều các hiện tượng văn học Nam Bộ, chỉ
một mình Hồ Biểu Chánh vinh dự bước vào Nhà văn hiện đại.
Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), nhà phê bình tiêu biểu của Nam Bộ đầu thế
kỷ XX, người có vai trò như là một trong những cầu nối giữa hai vùng văn học
Bắc Bộ và Nam Bộ, trong công trình có tính chất tổng kết Ba mươi năm văn học
(1942) cũng chỉ dừng lại ở công việc “tính sổ” và “điểm mặt” các hiện tượng tiểu
thuyết Phú Đức, Bửu Đình, Phan Huấn Chương, Nguyễn Thới Xuyên. Cũng như

những công trình trước đó, Kiều Thanh Quế tập trung đánh giá tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh. Nhà phê bình cho rằng: “Văn Hồ quân tuy bị đa số độc giả trí thức
7

phiền hà về văn phạm nhiều lắm, nhưng đa số cốt truyện của Hồ quân ai cũng phải
công nhận là có tính cách Nam Kỳ trăm phần trăm, diễn tả được mặt trái đời nông
dân miền Hậu Giang (xem Một đời tài sắc, Ở theo thời, Khóc thầm, Con nhà
nghèo) thành thử có một màu sắc bản xứ đáng để ý” [77/54]. So với công trình của
Thiếu Sơn và Vũ Ngọc Phan, dù chỉ ở mức sơ lược nhưng Ba mươi năm văn học
đã cung cấp một dữ liệu đáng tin cậy về tên tuổi nhà văn và tác phẩm văn học
Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX. Điều quan trọng hơn, qua những trang viết
của Kiều Thanh Quế, tiểu thuyết Nam Bộ lần đầu tiên được đặt trong sự đối sánh
với văn học miền Bắc, giúp ta nhận rõ phần nào diện mạo phong phú của tiểu
thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Có thể thấy, trước 1945, sáng tác của Hồ Biểu Chánh luôn luôn trở thành
tâm điểm, điểm nhấn trong những đánh giá về tiểu thuyết Nam Bộ của các nhà
nghiên cứu.
3.2. Giai đoạn từ 1945 đến 1975
Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu thì cả nước phải tập
trung toàn bộ sức lực vào công cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều vấn đề quan
thiết của hoạt động khoa học tạm được gác lại trong đó có công tác nghiên cứu
văn học. Trừ Việt Nam văn học sử trích yếu của Nghiêm Toản được xuất bản năm
1949, phải đến sau 1954, công việc nghiên cứu lịch sử văn học nói chung và sự
quan tâm đến tiểu thuyết Nam Bộ mới chính thức được khởi động trở lại.
2.2.1. Nghiên cứu tiểu thuyết Nam Bộ ở phương diện thể loại trong giai
đoạn 1945 - 1975 vẫn chủ yếu tập trung vào tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Đây
cũng là xu hướng chính của nghiên cứu tiểu thuyết Nam Bộ trước 1945.
Có thể thấy, qua Việt Nam văn học sử trích yếu, Nghiêm Toản là người đầu
tiên đưa tiểu thuyết Nam Bộ, cụ thể là tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, vào công trình
có tính chất văn học sử. Những nhận định của Nghiêm Toản cũng là một tiếp nối

và làm rõ hơn các nhận định của Vũ Ngọc Phan, Thiếu Sơn, Kiều Thanh Quế
trước đó. Nghiêm Toản cho rằng: “Ông (Hồ Biểu Chánh - PMH) chiếm được địa
vị cao trong làng tiểu thuyết vì ông đã quyến rũ nổi người đọc; họ ham theo dõi
8

các việc ông kể, xảy ra dồn dập: chính động tác đã gây hứng thú và gợi tính hiếu
kỳ của kẻ đọc ông. Ông chuyên tả tình một cách tỉ mỉ, tinh vi; những hành động,
các vai đủ biểu lộ tính tình; vẽ cảnh ông cũng chỉ dùng vài nét bút, tả rất đơn sơ;
tóm lại, như chúng tôi vừa nói ở trên, tiểu thuyết của ông “sống” về “việc” ông đã
trình bày với một lối văn mạnh mẽ, giản dị. Ông là nhà văn bình dân, không
những vì bút pháp mà lại còn vì các vai ông chọn phần nhiều trong đám công chức
trung lưu, dân quê hay thuyền thợ” [162/158]. Qua trích dẫn, Nghiêm Toản đã gợi
cho chúng ta một cách lý giải về sự hấp dẫn của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh: chính
là sự kể chuyện có chủ ý, sắp đặt tạo ra sự hiếu kỳ, đặc biệt nhà văn cố ý thức xây
dựng đời sống và tâm lý các nhân vật mà đối với độc giả, những công chúng
“công chức trung lưu, dân quê hay thuyền thợ” nhận thấy bóng dáng của mình
trong đó. Nói một cách khác, trong dự đồ sáng tạo của mình, Hồ Biểu Chánh đã
hướng đến một đối tượng độc giả trong xã hội Nam Bộ: đại chúng, bình dân.
Điểm mấu chốt của văn học hướng đến đại chúng, như nhận xét của Nguyễn Nam
Trân, là “làm cho độc giả được can dự vào văn hóa hiện đại dưới dạng lược gọn”
[170/607]. Từ trường hợp Hồ Biểu Chánh, chúng ta có thể có những căn cứ để suy
rộng ra một phương diện quan trọng về mặt xã hội cần tính đến khi nghiên
cứu tiểu thuyết Nam Bộ: hướng đến đại chúng. Về sau, trong khảo luận Khi
những lưu dân trở lại (1967), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân sẽ nâng luận
điểm này thành một thao tác khoa học chính yếu khi nghiên cứu những đặc trưng
của văn nghệ miền Nam (hẹp hơn là tiểu thuyết miền Nam). Từ Nguyễn Văn
Xuân, một số nghiên cứu bắt đầu chú ý khía cạnh đặc biệt này của tiểu thuyết Nam
Bộ.
Nghiên cứu những vấn đề văn học sử Việt Nam qua thời gian đã đạt được
nhiều thành tựu, thể hiện rất rõ qua các bộ giáo trình lịch sử văn học. Theo đó, văn

học Nam Bộ bắt đầu nhận được sự quan tâm từ trí thức đại học. Trong giáo trình
Lịch sử văn học Việt Nam, tập 8B (1962), Nguyễn Đình Chú viết chương VIII -
Hồ Biểu Chánh. Nhà nghiên cứu đã giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp văn chương,
phân tích đầy đủ các phương diện nội dung hiện thực, đạo đức, chủ trương cải
9

lương và nhấn mạnh đặc điểm nghệ thuật cũng như xác định vị thế văn học sử của
Hồ Biểu Chánh. Theo nhà nghiên cứu, về nghệ thuật “ông đã đạt tới một trình độ
nhất định về kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật, vận dụng ngôn ngữ… và nói
chung là đã tạo được phần nào phong cách riêng cho tiểu thuyết của mình”
[182/336]. Tiếc rằng do quan niệm sai lầm một thời, chương này đã bị cắt bỏ khi
sách tái bản.
Ở miền Nam, Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên
(1965) đã nhấn mạnh đến sự tiên phong của văn học Quốc ngữ Nam Bộ với thế hệ
học giả Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của. Viết về tiểu thuyết Nam Bộ giai đoạn
1907 - 1932, nhà nghiên cứu đã chọn Hồ Biểu Chánh là đại diện. Theo ông, tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh có “cốt truyện tương đối giống nhau, trước sau một thế giới
nhân vật, một đường hướng sáng tác, những tính cách chung về kỹ thuật và tư
tưởng (…) cốt truyện tác giả có nhiều xảo nghệ dựng nên li kỳ, khít khao hấp dẫn”
[110/361], và một trong những cái làm nên “cái thú được sống lại một thời tuy
cách nhau không xa mà đã có vẻ xưa lắm” là ở chỗ Hồ Biểu Chánh đã “ghi lại bức
tranh của cả một xã hội đương thời, cái xã hội miền Nam thành hình sau ngày Tây
sang và giữ mãi nền nếp cho đến những ngày tiền chiến (…) Ngoài ra câu văn của
Hồ Biểu Chánh nói chung giản dị ngắn gọn, nhất là ở chỗ thuật việc và đối thoại,
giọng thường suôn đuột, in hệt cách nói cửa miệng bình dân (…) khiến tiểu thuyết
của ông rất được thưởng thức ở giới bình dân và phụ nữ” [110/364]. Trong khi bàn
về tiểu thuyết Nam Bộ, Phạm Thế Ngũ đã chỉ ra những bất cập trong nghiên cứu
văn học sử: “Người viết văn học sử chỉ chú mục vào sân khấu Bắc Hà đến đây có
lẽ phải giật mình quay lại thấy mình chỉ để khám phá những bước đầu của tiểu
thuyết Việt Nam ở văn học miền Bắc trong khi thể đó đã thành hình từ hồi nào ở

miền Nam rồi” [110/356]. Tuy vậy, nhà nghiên cứu vẫn chưa đủ tự tin khi chỉ
chọn duy nhất Hồ Biểu Chánh làm đại diện tiểu thuyết miền Nam. Với sự khiếm
khuyết này, không thể viện dẫn vấn đề khó khăn tư liệu, vì dẫu sao so với các
đồng nghiệp đất Bắc, Phạm Thế Ngũ có những thuận lợi nhất định. Đó là chưa kể,
trong một vài chỗ, nhà nghiên cứu đã có những nhận xét chưa thật khách quan.
10
Công trình có tính chất tổng kết một chặng đường dài nghiên cứu về Hồ
Biểu Chánh phải kể đến chuyên khảo Chân dung Hồ Biểu Chánh (1974) của
Nguyễn Khuê. Khi phân tích tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, trên cơ sở tư liệu phong
phú, nhà nghiên cứu đã xác định các phương diện nội dung và nghệ thuật cơ bản
như hệ thống nhân vật, cảnh vật, bố cục, ngôn từ, bút pháp. Trong phần kết luận,
nhà nghiên cứu nhấn mạnh ý hướng phong tục và luân lý vốn là nền tảng tư chất
con người Nam Bộ đã được phản ánh trong sáng tác, lý giải mối quan hệ giữa nội
dung và hình thức, trên cơ sở đó đi đến khẳng định địa vị Hồ Biểu Chánh trong
văn học sử cả ở những đóng góp cũng như giới hạn: “Trong lịch sử tiểu thuyết
Việt Nam, Hồ Biểu Chánh là cây bút tiên phong sáng giá nhất của giai đoạn 1913 -
1932, bởi lẽ ông đã đạt được nhiều tiến bộ về kỹ thuật dựng truyện, nội dung cũng
như văn từ và sáng tác nhiều hơn hết so với các nhà văn đồng thời, (…) Là một
nhà văn lớn ở miền Nam, và có khuynh hướng đạo lý, Hồ Biểu Chánh đã đi tiên
phong và lập công đầu trong việc đưa tiểu thuyết mới từ tình trạng phôi thai tiến
đến giai đoạn thành lập và thịnh hành. Tiểu thuyết Việt Nam từ Hồ Biểu Chánh
mới bắt đầu bước những bước vững chắc và ông là nhà tiểu thuyết quan trọng bậc
nhất ở giai đoạn 1913 - 1932” [78/271].
Cũng theo hướng tiếp cận thể loại, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (1974)
của Phan Cự Đệ là một công trình đáng chú ý. Tiếp nối một số công trình trước
đấy, viết về tiểu thuyết Nam Bộ, nhà nghiên cứu cũng chỉ đặc biệt chú ý đến tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh. Ngoài ra, cũng cần nêu ra ở đây là trên quan điểm giai cấp,
nhà nghiên cứu đã có một số đánh giá chưa thật công bằng đối với Hồ Biểu Chánh
[35]. Đó cũng là điểm chung và cũng là giới hạn của một số công trình nghiên cứu
cùng thời.

Với một đối tượng nghiên cứu ngày càng có khoảng cách thời gian xa xôi
như tiểu thuyết Nam Bộ thì vấn đề tư liệu trở nên hết sức quan trọng. Nhận thức
được vấn đề này, trong quá trình nghiên cứu thư tịch Hán Nôm và Quốc ngữ,
nhóm các nhà nghiên cứu mà đứng đầu là học giả Trần Văn Giáp trong Lược
truyện các tác gia Việt Nam (1974) đã lưu ý chúng ta: “Ở Nam Bộ, U tình lục xuất
11
bản năm 1909 hay Chúa tàu Kim Quy xuất bản năm 1913 hay 1926, Lỗi bước
phong tình và Oan kia theo mãi tiếc rằng không biết rõ nội dung, nhưng cái tên
của nó cũng nói lên phần nào tính lãng mạn của tiểu thuyết và còn có thể có nhiều
quyển khác nữa xuất bản ở miền Nam từ 1921 trở về trước bị thất lạc, cần nghiên
cứu các thư mục trong thư viện Quốc gia của Pháp mới rõ được” [54/60]. Những
lưu ý của nhóm Trần Văn Giáp sau này nhận được sự chia sẻ của các nhà nghiên
cứu, đặc biệt là Nguyễn Văn Trung (1987) [176/8], Bằng Giang (1992) [47] và các
tác giả sách Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh [55/293].
2.2.2. Nghiên cứu tiểu thuyết Nam Bộ dưới góc nhìn chỉnh thể hình thành,
vận động và phát triển, nhấn mạnh tính tiên phong của vùng văn học là hướng
nghiên cứu mới tiêu biểu trong công trình của Nguyễn Văn Xuân, Bùi Đức Tịnh.
Đây cũng là xu hướng chủ đạo của công việc nghiên cứu tiểu thuyết Nam Bộ sau
1975.
Nguyễn Văn Xuân trong khảo luận Khi những lưu dân trở lại (1967) đã
phác họa được một diễn trình của tiểu thuyết Nam Bộ từ Trương Vĩnh Ký qua Lê
Hoằng Mưu, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt đến Hồ Biểu Chánh. Nhận xét
về nền văn nghệ miền Nam, Nguyễn Văn Xuân cho rằng: “Nền văn nghệ miền
Nam trong thời kỳ đầu thế kỷ XX đến năm 1932 cũng là ngành văn nghệ được
kiện toàn, đa diện, đứng đắn và xứng đáng đi tiên phong cho nền văn nghệ dân
tộc, nhất là xét về phương diện đại chúng (nặng về tiểu tư sản và giới bình
dân) (PMH - nhấn mạnh)” [186/629]. Một nơi khác ông viết: “Tất cả sáng tác
phẩm, xuất bản thì đều vụ về giới trung lưu trở xuống: hạng bình dân rất được
chăm sóc. Có lẽ lực lượng bình dân này cũng chính là lực lượng độc giả lớn lao,
có khả năng thương mãi mà miền Trung và Bắc không có?” [186/611]. Nguyễn

Văn Xuân đã xuất phát từ phương diện xã hội của tiểu thuyết Nam Bộ, cụ thể là
vấn đề độc giả, để lý giải những lựa chọn của nhà văn Nam Bộ về đề tài và kỹ
thuật viết. Việc xem vấn đề người đọc như một nhân tố quan trọng cấu thành nên
đặc tính của văn nghệ nói chung và tiểu thuyết nói riêng trong công trình của
Nguyễn Văn Xuân chính là hướng nghiên cứu mà ngày nay chúng ta gọi là nghiên
12
cứu xã hội học văn chương. Chính phương diện này, theo chúng tôi, Nguyễn Văn
Xuân là người trước nhất đã đề xuất một cách tiếp cận tiểu thuyết Nam Bộ rất hữu
lý, hứa hẹn nhiều khám phá thú vị. Theo thời gian, với sự truyền nhập của các lý
thuyết văn học, đặc biệt là mĩ học tiếp nhận vào Việt Nam, vấn đề người đọc - một
nhân tố cấu thành diện mạo và đặc điểm của tiểu thuyết Nam Bộ - càng được chú
trọng xem xét trong các công trình nghiên cứu. Và, dĩ nhiên trong quan niệm các
nhà nghiên cứu, đó mới chỉ là kiểu người đọc ở ngoài tác phẩm, không tham gia
trực tiếp vào sự sáng tạo tác phẩm như kiểu “người đọc hàm ẩn” mà lý thuyết tự
sự học đã chỉ ra.
Đặt nhiệm vụ nghiên cứu những hiện tượng văn học Nam Bộ trong giai
đoạn phôi thai, Bùi Đức Tịnh trong Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và
Thơ mới (1865 - 1932) (1975) đã giới thiệu một số gương mặt nhà văn tiên phong
của văn học Quốc ngữ Nam Bộ như: Trương Vĩnh Ký, Trương Duy Toản, Lương
Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt và tóm tắt,
trích tuyển tác phẩm: Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân, Oán hồng quần
Phùng Kim Huê ngoại sử, Tô Huệ Nhi ngoại sử, Kim thời dị sử, Nghĩa hiệp kì
duyên, Giọt máu chung tình. Tác giả đặc biệt lưu ý đến thực trạng những tác phẩm
mở đường trong văn học Nam Bộ như những “hòn máu bị bỏ rơi”. Trong khi nhấn
mạnh tính chất tiên phong của vùng văn học Nam Bộ, Bùi Đức Tịnh cũng đã
khẳng định mối quan hệ hữu cơ của văn học Nam Bộ và văn học dân tộc: “Các tờ
báo, các tiểu thuyết thoát thai từ văn học miền Nam trong khoảng từ 1863 đến
1932 (trong suốt hai giai đoạn chuyển tiếp từ văn chương cổ điển và hình thành
văn chương hiện đại) không phải là sản phẩm của nền văn học riêng một “xứ”,
một địa phương. Đó là những tác phẩm của nền văn học dân tộc nảy sinh trong

một hoàn cảnh đặc biệt” [161/21].
Tóm lại, nghiên cứu về tiểu thuyết Nam Bộ, dù đã đạt được những thành
tựu nhất định, nhưng phạm vi quan tâm chính vẫn tập trung vào tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh. Theo đó, có thể nói, Hồ Biểu Chánh được khẳng định là đã có một
địa vị vững vàng trong văn học sử dân tộc. Cũng cần lưu ý là, dù chưa ý thức,
13
nhưng một vài nghiên cứu của Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Xuân đã chạm đến con
đường của lý thuyết tiếp nhận khi đề cao vai trò của người đọc, cắt nghĩa sự ra đời
và vận động của tiểu thuyết Nam Bộ, nhấn mạnh đặc tính tiên phong và một vài
đặc trưng thi pháp tiểu thuyết hướng đến phục vụ đại chúng.
2.3. Giai đoạn từ 1975 đến nay
Từ sau 1975, đất nước hòa bình thống nhất, nghiên cứu tiểu thuyết Nam Bộ
tiếp tục được duy trì và có nhiều thuận lợi. Tuy vậy cũng phải đến sau 1986 không
khí nghiên cứu mới trở nên sôi động và có nhiều thành tựu mới. Trong tổng thuật
của chúng tôi, việc phân chia các hướng tiếp cận của các nhà nghiên cứu, tất
nhiên, chỉ có tính chất tương đối và chỉ dựa trên những nét lớn, vấn đề trọng tâm
của các công trình. Chúng tôi nhận thấy một thực tế là, trong những công trình sưu
tập về tư liệu đã có những nghiên cứu đánh giá và ngược lại, những công trình
theo hướng luận giải khái quát về tiểu thuyết Nam Bộ, nhà nghiên cứu đồng thời
cũng phải làm công việc kiểm kê tư liệu.
2.3.1. Hướng nghiên cứu quan trọng và cũng đã có nhiều thành tựu là
hướng sưu tập, giới thiệu tư liệu, chân dung nhà văn.
Năm 1987, nhân kỷ niệm 100 năm ra đời truyện Thầy Lazarô Phiền tại Sài
Gòn, Nguyễn Văn Trung đã công bố tuyển tập tài liệu Những áng văn chương
Quốc ngữ đầu tiên. Công trình này đã tiếp tục khai mở một giai đoạn mới của
hướng lập thư mục, công bố văn bản tiểu thuyết Nam Bộ, đặc biệt là giai đoạn sơ
khởi của tiểu thuyết. Đáng chú ý là không dừng lại ở mức độ cung cấp văn bản
một số tiểu thuyết quan trọng thuộc về giai đoạn đầu (Truyện thầy Lazarô Phiền
của Nguyễn Trọng Quản, Kim thời dị sử của Biến Ngũ Nhy, Người bán ngọc của
Lê Hoằng Mưu), từ thực tế của tiểu thuyết Nam Bộ, xét lại các quan niệm nghiên

cứu của những người đi trước, Nguyễn Văn Trung đã đi đến kết luận: “chúng tôi
tạm thời nêu giả thuyết coi truyện Thầy Lazaro Phiền là tiểu thuyết bằng Quốc
ngữ viết theo lối Tây phương sớm hơn cả ở miền Nam” [176/16]. Ngoài ra nhà
nghiên cứu còn gợi mở hướng luận giải sự khác biệt của văn chương miền Bắc và
miền Nam xuất phát từ sự khác biệt văn hóa và hoàn cảnh địa chính trị giữa hai
14
miền. Theo ông, khác với miền Bắc, miền Nam “Khi tiếp xúc với văn hóa Pháp,
một văn hóa được trình bày trong chính sách đồng hóa đe dọa mất gốc, tiêu diệt
bản chất dân tộc, người miền Nam không những không thể bỏ văn hóa truyền
thống dựa trên Nho học, mà còn coi nó như điểm tựa, chỗ dựa chống lại chính
sách đồng hóa của người Pháp. Do đó đi tới chỉ tiếp thu kỹ thuật Tây phương nói
chung và ở đây là kỹ thuật viết tiểu thuyết (PMH - nhấn mạnh)” [176/19]. Thực
tế sáng tác cũng đã cho thấy: tinh thần đạo lý bàng bạc trong những thể nghiệm
hình thức mới mẻ du nhập từ phương Tây.
Nhà nghiên cứu Bằng Giang đã góp phần xoá bớt “vùng trắng” của văn học
Nam Bộ với công trình Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 - 1930 (1992) [47].
Trên phương diện tác giả tác phẩm, công trình đã giới thiệu những gương mặt nhà
văn tiêu biểu cùng thư mục tác phẩm phong phú với ghi chú tường minh đã đính
chính nhiều ngộ nhận của một số nhà nghiên cứu trước đó.
Trong những công trình có tính chất công bố thư mục tư liệu tiểu thuyết
Nam Bộ, Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (1998) đã tích hợp được công
sức và thành tựu của các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Y,
Bằng Giang… đã cung cấp một bảng thư mục tương đối đầy đủ. Trên cơ sở khảo
sát những tiền đề lịch sử, xã hội, tư liệu tác phẩm, các tác giả địa chí đã đưa ra
nhiều kết luận xác đáng. Trong đó, đáng chú ý là có những nhận xét đã kế thừa và
nhấn mạnh ý kiến của Nguyễn Văn Xuân trong Khi những lưu dân trở lại (1967)
về đặc tính văn học miền Nam: “một loại văn chương nặng về nói lên, kể
chuyện và trình diễn, mang đậm tính chất dân chúng (PMH - nhấn mạnh) (…)
càng vào miền Nam, thì văn chương mang tính chất bác học riêng cho trí thức
giảm bớt đến phải chịu nhiều mất mát, để cho tính cách dân chúng, nói diễn trở

thành đặc sắc cơ bản” [55/306]. Trong khi nhấn mạnh tính chất đại chúng, bình
dân như một trong những yếu tố quan trọng tạo nên đặc điểm văn học Nam Bộ,
các tác giả sách địa chí cũng đã chỉ ra những ảnh hưởng của lựa chọn này đến việc
sử dụng ngôn ngữ văn chương: “câu văn viết như câu nói có sức hấp dẫn kỳ lạ đối
với quần chúng thuở ấy vì nó mang tính cách trình diễn, kể chuyện” [55/308].
15
Ngoài ra, các công trình có tính chất giới thiệu, tóm tắt tác phẩm và chân
dung nhà văn, bước đầu có những nhận xét quan trọng về tiểu thuyết Nam Bộ đã
góp phần thúc đẩy công việc nghiên cứu tiến lên như: Văn học Nam Bộ từ đầu đến
giữa thế kỷ XX (1900 - 1945) [1] của Hoài Anh và Hồ Sĩ Hiệp, Từ điển tác phẩm
văn xuôi Việt Nam [6] do Vũ Tuấn Anh và Bích Thu chủ biên; Tiến trình văn nghệ
miền Nam [141] của Nguyễn Q. Thắng; Từ điển văn học (bộ mới) [42] của nhiều
tác giả, Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX do Nguyễn Kim Anh
chủ biên [2]. Chương trình nghiên cứu cấp trọng điểm Đại học Quốc gia do Khoa
Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chủ trì:
Khảo sát, sưu tầm, đánh giá văn học Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đến 1945
(chia làm hai giai đoạn: cuối thế kỷ XIX đến 1930 và từ 1930 đến 1945), Đoàn Lê
Giang chủ nhiệm, là một tổng kiểm kê về tư liệu văn học Nam Bộ và bước đầu có
những đánh giá, kết luận xác đáng trên nền tảng tư liệu phong phú ở dạng cấp một,
bản gốc.
2.3.2. Một hướng tiếp cận và cũng là thành tựu nghiên cứu của giai đoạn
này là sự nhấn mạnh tính chất tiên phong của vùng văn học Nam Bộ nói chung và
tiểu thuyết nói riêng. Tiểu thuyết Nam Bộ được các nhà nghiên cứu đặt trong cái
nhìn chỉnh thể của tiểu thuyết Việt Nam, cho thấy một sự tiếp nối công việc của
Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế nhưng ở một cấp độ khác. Phương diện đặc điểm
nghệ thuật của tiểu thuyết Nam Bộ được một số nhà nghiên cứu lý giải từ những
căn rễ lịch sử và văn hoá vùng miền.
Nguyễn Huệ Chi trong bài viết Thử tìm vài đặc điểm văn xuôi tự sự Quốc
ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu (2002) đã đặt vấn đề tìm hiểu những đặc điểm
cơ bản, những thành quả và hạn chế của tiểu thuyết Quốc ngữ Nam Bộ trong

chặng đường khởi đầu. Tác giả đã lưu ý chúng ta đến “một truyền thống nhiều thế
kỷ của khu vực văn chương Công giáo” với những tên tuổi Jéronimo Maiorica
(1646), Dominique Martigia (1848), Joseph Marie Bigollet Kính (1905), Pierre
Marie Gendreau Đông (1902) và tác phẩm của họ: truyện các Thánh. Theo nhà
nghiên cứu, “các nhà văn thời kỳ đầu phần lớn là người Công giáo. Chính họ là
16
những người từ trong nền văn xuôi nôm Công giáo xuất thân nên không bỡ ngỡ
với văn xuôi Quốc ngữ”, “nên câu văn viết ‘trơn tuột như lời nói’ cũng là lẽ đương
nhiên”. Điều này, theo người viết, đã góp phần “xác định một phương diện trong
quan niệm nghệ thuật của văn xuôi tự sự buổi đầu” và, đồng thời đưa đến hai
thuận lợi lớn: “tạo nên được một cuộc cách mạng chóng vánh trong việc chối bỏ
các phép từ chương học cổ truyền” và “càng đáng nói hơn nhiều, là sử dụng tiếng
nói nôm na thì dù muốn hay không cũng góp phần giúp văn xuôi tự sự gia nhập
vào đời sống thông tục, hay đúng hơn là gia nhập vào cái đang diễn ra hàng ngày
trong sinh hoạt xã hội”. Sau khi mô thức hoá chu trình vận động 4 bước của văn
xuôi Quốc ngữ, Nguyễn Huệ Chi đã có những nhận xét về lối viết của một số cây
bút tiểu thuyết tiêu biểu: “Hồ Biểu Chánh đã không kế tục Nguyễn Trọng Quản
một cách đơn giản mà đạt tới một tầm vóc khác, có mặt không cách tân được như
Nguyễn Trọng Quản nhưng lại có mặt cao hơn hẳn: ấy là trong tư cách một ngòi
bút khắc hoạ diện mạo cuộc sống hiện thực bề bộn ở miền Nam trước Cách mạng
tháng Tám, với vô số không gian nghệ thuật đặc thù sinh động, và với đủ các loại
nhân vật phức tạp, đa dạng, có tính cách đặc biệt Nam Bộ và có vận mệnh không
chút giống nhau, trong vòng quay của chế độ thuộc địa Pháp trên đà khai thác và
đô thị hoá ào ạt mảnh đất miền Nam hồi nửa đầu thế kỷ trước, và trong sự va xiết
của đồng tiền” (…) “Phú Đức và Bửu Đình còn tiến xa hơn Hồ Biểu Chánh ở chỗ
câu văn hầu như đã rất ít dấu vết biền ngẫu, và chủ đề đạo lý, kết cấu chính - tà đã
có bước tha hoá khá rõ để trở thành cái kết cấu xoán quyện, đôi khi có chuyển hoá,
giữa phe chính phe tà trong các tiểu thuyết mang màu sắc trinh thám - võ hiệp của
hai ông”. Nhận xét chung, Nguyễn Huệ Chi cho rằng: “tiểu thuyết của họ nói
chung vẫn nằm lưng chừng giữa tả và kể, đường dây phát triển của tiểu

thuyết vẫn chỉ là tuyến tính. Sự tu sức lời văn còn nhiều lủng củng. Về tư duy
nghệ thuật, họ chưa hề biết đến một dòng trần thuật nào ngoài dòng trần
thuật của người kể chuyện cũng như chuyện của họ chưa cho phép người đọc
thoát ra khỏi kết cấu cổ điển hội ngộ - lưu lạc - đoàn viên.” (PMH - nhấn
mạnh) [19/15].
17
Hoàng Dũng trong bài viết Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng
Quản và những đóng góp vào kĩ thuật hư cấu trong văn học Việt Nam [28] đã đặt
vấn đề nghiên cứu nghệ thuật tự sự và những đóng góp cho quá trình hiện đại hoá
văn xuôi Quốc ngữ của truyện Thầy Lazarô Phiền. Hoàng Dũng đã chỉ ra những
khơi mở tinh thần hiện đại của tiểu thuyết Việt Nam trong Thầy Lazarô Phiền:
không có lấy một câu biền ngẫu; không chấp nhận lối tự sự theo dòng thời gian
một chiều truyền thống; lấy trạng thái tâm lí làm đối tượng miêu tả. Đây cũng là
cuốn truyện đầu tiên lấy sự ân hận làm chủ đề; cuốn truyện đầu tiên viết theo góc
nhìn thứ nhất; là cuốn truyện đầu tiên sử dụng kĩ thuật đan cài những chi tiết có vẻ
phi hư cấu vào truyện hư cấu. Lý giải nguyên nhân những kỹ thuật này ít được chú
ý tiếp thu và phát triển vào giai đoạn sau đó, Hoàng Dũng cho rằng: “Truyện thầy
Lazarô Phiền là sáng tác đầu tiên theo kiểu phương Tây, mà lại quá mới. Công
chúng xưa nay chìm trong bể văn chương truyền thống, chưa hề được chuẩn bị,
được làm quen, trách sao được có thái độ thiếu nồng nhiệt” [28/86]. Đây cũng là
lý do tại sao các tác giả đi sau Nguyễn Trọng Quản đã chọn một giải pháp phù hợp
với trình độ của công chúng: dung hoà giữa các yếu tố mới mẻ của châu Âu và yếu
tố truyền thống. Bài viết của Hoàng Dũng đã có những khám phá quan trọng về
truyện Thầy Lazarô Phiền - tác phẩm mở đầu cho văn học viết bằng chữ Quốc ngữ
và tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.
Trong bài viết Những bổ khuyết cần thiết cho bức tranh toàn cảnh của văn
học Việt Nam hiện đại [143], Trần Hữu Tá đã đặt vấn đề là cần nghiên cứu, giới
thiệu những thành tựu của văn học phương Nam để có những bổ khuyết cần thiết
cho bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam hiện đại.
Nguyễn Thị Thanh Xuân trong bài viết Văn học hiện đại Việt Nam bước

khởi đầu quan trọng ở Sài Gòn - Nam Bộ [188] đã đề cập đến chặng đường khởi
đầu của văn học Nam Bộ. Các luận điểm, đề xuất đều nhất quán ở chỗ thừa nhận
những đóng góp lớn của nền văn học này cho quá trình đổi mới văn học Việt Nam
đầu thế kỉ XX, về bước chuyển mình của văn học Nam Bộ gắn với thế hệ trí thức
Tây học với vai trò cầu nối văn hóa Đông - Tây của họ, những điều kiện góp phần
18
hình thành nên những phạm trù của nền văn học mới. Cũng trong hướng nghiên
cứu tiểu thuyết Nam Bộ, trường hợp tác giả, bài viết Phú Đức - Một mẫu hình nhà
văn Nam Bộ đặc biệt đầu thế kỉ XX [190] của Nguyễn Thị Thanh Xuân có nhiều
phát hiện lí thú về Phú Đức. Qua trường hợp Phú Đức, tác giả đã có nhiều gợi ý
trong việc tìm hiểu tình hình sáng tác, mối quan hệ giữa nhà văn và công chúng,
giữa báo chí và văn học của văn học nói chung và của tiểu thuyết nói riêng. Nhân
trường hợp Phú Đức, nhà nghiên cứu đã bày tỏ niềm lạc quan đối với tương lai của
văn học nếu biết nắm bắt những kinh nghiệm của quá khứ, cụ thể qua trường hợp
Phú Đức.
Bài viết Văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỉ XIX đến 1945 - thành tựu
và triển vọng nghiên cứu [52] của Đoàn Lê Giang có tính chất tổng kết thành tựu
và định hướng nghiên cứu văn học Nam Bộ. Về triển vọng nghiên cứu, tác giả đã
đề xuất tiếp tục triển khai một số phương diện như: văn học sử, ngôn ngữ học,
nghệ thuật học, văn hóa học, xã hội học… Những ý kiến này bổ ích cho những ai
quan tâm nghiên cứu văn học Nam Bộ.
Tiểu thuyết Nam Bộ không chỉ được các nhà nghiên cứu trong nước quan
tâm mà cả những nhà nghiên cứu ở nước ngoài như: Cao Thị Như Quỳnh và John
C. Schafer (1988): “From verse narrative to novel: The development of prose
fiction in Vietnam”, trên The Journal of Asian Studies, Vol.47, No.4; John C.
Schafer và Thế Uyên (1993): “The novel Emerges in Cochinchina”, The Journal
of Asian Studies, Vol.52, No.4 (bản lược dịch tiếng Việt bài viết này có tên Tiểu
thuyết xuất hiện ở Nam kỳ, Tạp chí Văn học, số 11-1993). Ngoài ra, nỗ lực của các
nhà nghiên cứu người Việt ở hải ngoại như Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Vy
Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Huỳnh Ái Tông, Lâm Văn Bé đã góp phần quan trọng

vào công việc nghiên cứu tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX.
Việc nhấn mạnh tính chất tiên phong của tiểu thuyết Nam Bộ còn tập trung
ở một số luận án. Tôn Thất Dụng trong Sự hình thành và vận động của thể loại
tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến năm 1932
(1993) đã khảo sát những điều kiện xã hội văn hóa, các nguồn ảnh hưởng đến sự
19
hình thành và vận động, các đặc điểm về nội dung và hình thức tiểu thuyết Nam
Bộ [29]. Nhìn tiểu thuyết Nam Bộ trong bức tranh toàn cảnh của tiểu thuyết Việt
Nam và quá trình hiện đại hóa là hướng nghiên cứu của Cao Xuân Mỹ trong Quá
trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (2001)
[100]. Cùng thời điểm với Cao Xuân Mỹ, Lê Ngọc Thúy nghiên cứu những Đóng
góp của văn học Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX vào tiến trình
hiện đại hóa văn học Việt Nam (2001) [152] như là một sự hô ứng nhằm khẳng
định tính chất tiên phong của văn học Nam Bộ, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết ở
chặng đầu quá trình hiện đại hóa. Võ Văn Nhơn trong Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế
kỷ XIX đầu thế kỷ XX (2008) [115] đã chỉ ra những đặc điểm của tiểu thuyết Nam
Bộ và đề xuất một cách phân loại tiểu thuyết thông qua những thể tài chủ yếu. Nhà
nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm tiên phong trên con đường hiện đại hóa, ý
thức hướng ngoại, chú trọng chức năng giải trí, quan tâm đến công chúng bình dân
của tiểu thuyết Nam Bộ. Ngoài ra, ở phạm vi luận án, Phạm Xuân Thạch trong Sự
hình thành hệ thống thể loại tự sự nghệ thuật trong tiến trình hiện đại hóa văn học
Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX (2007) [146] đã mô hình hóa quá trình hiện
đại hóa các thể văn tự sự ở Việt Nam (trong đó tiểu thuyết là khuôn mặt nổi bật)
thể hiện trên các phương diện: ý thức nghệ thuật (lý tưởng thẩm mĩ, quan niệm về
thể loại), cấu trúc hình thức thể loại và một vài phương thức mới trong việc xử lí
chất liệu ngôn ngữ và tạo nghĩa diễn ngôn. Tiểu thuyết Nam Bộ trở thành những
dẫn dụ điển hình cho nhiều kết luận của nhà nghiên cứu. Đây cũng là một trong số
không nhiều những công trình chạm đến một số vấn đề thuộc về nghệ thuật tự sự
của tiểu thuyết Nam Bộ, từ góc độ xã hội học văn bản và lý thuyết tự sự học đã rút
ra được những kết luận lý thú. Trần Văn Toàn trong “Tả thực” với hiện đại hóa

văn xuôi nghệ thuật quốc ngữ giai đoạn giao thời (2009) [165], xuất phát từ vị trí
và vai trò của “tả thực”, tác giả đã bàn đến dòng văn học đại chúng khởi phát ở
Nam Bộ. Tác giả cho rằng: “Một đặc điểm của văn học giao thời là sự xuất hiện
của dòng văn học đại chúng bên cạnh dòng văn học chính thống. Tính thị trường
khiến văn học đại chúng đặc biệt quan tâm tới thị hiếu độc giả. Đặc điểm này
20
không phải lúc nào cũng mang tính tiêu cực. Thị hiếu độc giả, đặc biệt là độc giả
đô thị vốn tiềm tàng sự đối lập với những quy chuẩn đạo lí phong kiến nên không
hiếm khi những tác phẩm của dòng văn học đại chúng lại xuất hiện như những gợi
ý, những kích hoạt cho tinh thần dân chủ của dòng văn học chính thống. Mặt khác,
những thành tựu của văn học chính thống cũng có những tác động trở lại đến nghệ
thuật viết văn của văn học đại chúng” [165/26].
Hướng nghiên cứu nhấn mạnh tính tiên phong và những đóng góp của tiểu
thuyết Nam Bộ còn thấy ở một số luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp đại học đã
được bảo vệ thành công ở Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học
xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh trong những năm qua.
Theo chúng tôi, trong thực tế, sự phát triển của văn học có tính chất đại
chúng (là bộ phận hết sức quan trọng của cả Bắc lẫn Nam) đã góp phần thúc đẩy
nền văn học Việt Nam bước vào thời hiện đại.
2.4. Trong hơn một thế kỷ, công việc nghiên cứu và tiếp nhận tiểu thuyết
Nam Bộ đã có những thành tựu đáng kể. Có thể nêu ra những nét lớn sau:
- tác giả được các nhà nghiên cứu quan tâm sớm và nhiều nhất là Hồ Biểu
Chánh. Nhiều nhà nghiên cứu xem Hồ Biểu Chánh là hiện tượng nổi bật, đáng chú
ý nhất của tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX;
- các nghiên cứu cũng thống nhất ở việc xem tiểu thuyết Nam Bộ đậm chất
đạo lý, cốt truyện giản dị, thiên về kể và ngôn ngữ gần với khẩu ngữ đậm chất
vùng miền;
- các tác giả nhấn mạnh tính chất tiên phong của văn học Nam Bộ nói
chung và tiểu thuyết Nam Bộ nói riêng. Sự truyền nhập lý thuyết văn học và đặc
biệt là mĩ học tiếp nhận của phương Tây vào đời sống văn học đã giúp cho nhà

nghiên cứu quan tâm nhiều hơn đến sự tác động của độc giả đến việc định hình và
phát triển của thể loại tiểu thuyết. Trong nhiều nghiên cứu về tiểu thuyết Nam Bộ,
đặc biệt là sau năm 1975, đã có những kết luận xem công chúng bình dân, đại
chúng như một nhân tố quan trọng tác động đến việc lựa chọn đề tài và kỹ thuật
viết của người cầm bút Nam Bộ. Theo đó, người đọc được khám phá và việc nhà

×