ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
PHẠM THỊ MAI HIỀN
NHÂN VẬT TỪ HẢI VÀ NHÂN VẬT LỤC VÂN TIÊN
NHÌN THEO QUAN ĐIỂM GIỚI
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN
THÁI NGUYÊN - 2012
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 1
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
PHẠM THỊ MAI HIỀN
NHÂN VẬT TỪ HẢI VÀ NHÂN VẬT LỤC VÂN TIÊN
NHÌN THEO QUAN ĐIỂM GIỚI
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60.22.34
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học: PGS - TS. TRẦN NHO THÌN
THÁI NGUYÊN - 2012
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 2
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi. Các nội
dung nêu trong luận văn là kết quả làm việc của tôi và chưa được công bố
trong bất cứ một công trình nào khác.
Thái Nguyên, tháng 8 năm 2012
Tác giả luận văn
Phạm Thị Mai Hiền
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 3
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS. TS Trần Nho Thìn - người
đã tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận
văn này.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thầy cô giáo khoa Ngữ văn,
khoa sau đại học - Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên đã giảng dạy và
giúp đã chúng tôi hoàn thành khóa học.
Đồng thời tôi xin chân thành cảm ơn BGH, các phòng ban Trường phổ
thông Vùng cao Việt Bắc - TP Thái Nguyên đã tạo điểu kiện giúp tôi về mọi
mặt trong suốt thời gian học tập và hoàn thành bản luận văn này.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn tới gia đình, bạn bè, đồng
nghiệp, những người đã động viên, khuyến khích tôi trong suốt quá trình học
tập và nghiên cứu
Thái Nguyên, tháng 8 năm 2012
Tác giả luận văn
Phạm Thị Mai Hiền
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 4
i
MỤC LỤC
Trang
Trang bìa phụ
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
MỞ ĐẦU 1
NỘI DUNG 9
Chương 1: LÝ LUẬN GIỚI VÀ VIỆC PHÂN TÍCH CÁC NHÂN
VẬT NAM NHI – ANH HÙNG TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI 9
1.1 Những khái niệm về giới (gender) và giới tính (sex) 9
1.2 Các kiểu nhân vật nam trong văn học trung đại Việt Nam 14
1.2.1 Các nhân vật văn học từ thế kỷ X đến thế kỷ XV 16
1.2.2 Các nhân vật văn học từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII 24
1.2.3 Các nhân vật văn học từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX 27
1.2.4 Các nhân vật văn học cuối thế kỷ XIX: 33
1.1 Tiểu kết 39
Chương 2: NHÂN VẬT TỪ HẢI TRONG TRUYỆN KIỀU CỦA
NGUYỄN DU 41
2.1 Thân thế và thời đại Nguyễn Du 41
2.2 Nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du 44
2.2.1 Chân dung nhân vật Từ Hải 44
2.2.2 Thái độ ứng xử với phụ nữ 49
2.2.3 Hành động của người anh hùng Từ Hải 52
2.2.4 Những lời bình về nhân vật Từ Hải và các nhân vật nam 57
2.3 Tiểu kết 64
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 5
ii
Chương 3: NHÂN VẬT LỤC VÂN TIÊN TRONG TRUYỆN
LỤC
VÂN TIÊN
CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU 65
3.1 Thân thế và thời đại Nguyễn Đình Chiểu 65
3.2 Nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn
Đình Chiểu 68
3.2.1 Lí tưởng nhân nghĩa của người anh hùng Lục Vân Tiên 68
3.2.2 Mối tình Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga 75
3.2.3 Quan niệm đối lập nhân vật chính diện - phản diện 82
3.3 Tiểu kết 89
KẾT
LUẬN
90
TÀI LIỆU
THAM
KHẢO 92
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 6
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Từ Hải và Lục Vân Tiên-hai
nhân vật nam giới. Chúng tôi chọn hai nhân vật nam giới của văn học trung
đại để khảo sát có một số lý do sau. Văn hóa truyền thống phương Đông
trong đó có văn hóa Việt Nam nếu xét từ góc độ văn hóa giới, là văn học nam
quyền. Trong quan hệ xã hội giữa nam và nữ, nam giới thống trị .Từ xa xưa,
sự thống trị của nam giới néo chắc vào vô thức của chúng ta đến mức ta
không nhận thấy nó nữa và phù hợp với những trông đợi của chúng ta đến
mức khó mà xét lại nó. Sự thống trị của nam giới không chỉ tồn tại trong xã
hội mà nó còn ngự trị trong đời sống văn học nghệ thuật
Văn học trung đại Việt Nam trong cái nhìn lịch sử, nhất là từ khi
hệ thống văn tự được xác lập, phái nam gần như giữ vai trò thống trị tuyệt đối.
Họ áp đặt các chuẩn mực của họ về cái đẹp, về hành vi, về đức hạnh cho người
phụ nữ, bất công bất lợi cho người phụ nữ và có lợi cho nam giới. Đó là kiểu văn
hóa nam quyền. Nghiên cứu các nhân vật nữ trong không gian văn hóa nam quyền
đã được một số lv thạc sĩ gần đây tìm hiểu. Nhưng văn hóa truyền thống phương
Đông cũng còn là văn hóa thanh giáo (puritanism), tuyên truyền con người khắc
kỷ, và chủ nghĩa khắc kỷ này chi phối cả hai giới nam và nữ. Không gian văn hóa
Thanh giáo với nhiều cấm kỵ về thân xác của xã hội Nho giáo hóa có ảnh hưởng
lớn đến việc xây dựng hình tượng nhân vật nam giới của văn học trung đại. Vấn
đề này ít được quan tâm ở Việt Nam. Đó là lý do đầu tiên hướng chúng tôi chọn
đề tài.
Nhưng nhân vật đàn ông không phải luôn luôn hiện ra như những người
khô khan, khắc kỳ chỉ biết chiến công hay sự nghiệp. Tùy theo giai đoạn văn học
sử khác nhau, các tác giả có thể xử lý khác nhau đối với nhân vật nam của mình.
Nguyễn Du tiếp tục phát triển những thành quả tích cực của trào lưu nhân đạo chủ
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 7
2
nghĩa của văn học Thăng Long. Nguyễn Đình Chiểu lại là tác giả trưởng thành
trong không khí phục hồi Nho giáo của triều Nguyễn ở Đàng Trong. Hai nhà nho
sống ở hai thời điểm gần nhau( cuối thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX) nhưng lại có
nhưng quan điểm trái ngược nhau khi xậy dựng nhân vật nam nhi anh hùng. Nhân
vật Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng là một nam nhi anh hùng
nhưng lại không tuân theo những quy tắc ứng xử như các nhân vật anh hùng theo
quan điểm của Nho giáo. Từ Hải có những nét phi thường nhưng cũng có những
yếu tố của con người phàm bình với mọi cung bậc cảm xúc không bị kiểm soát
bởi chủ nghĩa dân bản. Đây là một điểm mới trong quan niệm về người anh hùng
của Nguyễn Du. Nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn
Đình Chiểu ra đời trong một thời điểm lịch sử đầy biến động ở vùng đất Nam Bộ.
Chính vì thế hình tượng người nam nhi anh hùng có phần chịu ảnh hưởng giáo lí
Nho giáo mang đậm tính khắc kỉ.
Nghiên cứu đề tài " Nhân vật Từ Hải và nhân vật Lục Vân Tiên nhìn theo
quan điểm giới", chúng tôi chọn cách tiếp cận nhân vật dưới góc nhìn văn hoá để
có thể khai thác nhân vật toàn diện hơn ở mọi khía cạnh. Chúng tôi hi vọng kết
quả nghiên cứu của mình sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc học tập và
giảng dạy văn thơ trung đại trong nhà trường.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Hai tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du và truyện Lục Vân Tiên
của Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu
văn học. Tuy nhiên, khi nói về nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều và nhân
vật Lục Vân Tiên trong truyện Lục Vân Tiên, các nhà nho, các nhà nghiên cứu
văn học mới chỉ dừng lại ở việc bình phẩm các nhân vật hoặc nhấn mạnh giá
trị phản ánh hiện thực xã hội phong kiến; về quan niệm con người, chú trọng
phân tích nhân vật theo nghĩa không phải là một cá nhân mà là một phần tử
của một giai cấp, một tầng lớp, lý luận điển hình hóa xem xét nhân vật theo
nghĩa điển hình giai cấp. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu như chưa có hay ít
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 8
3
có công trình nghiên cứu nhân vật Từ Hải và Lục Vân Tiên theo lý thuyết về
giới. Học giả Vũ Đình Trác với luận án tiến sĩ Triết lý nhân bản trong Truyện
Kiều bảo vệ tại Nhật Bản năm 1984 có đề cập đến tư tưởng nhân bản của
Nguyễn Du qua vấn đề giới như: cuộc đối thoại đầu tiên ở vườn Thuý,
"nguyên tác đã để Thuý Kiều trở thành chủ động, nói năng huyên thuyên và
tống tình Kim Trọng một cách khiêu khích. Nguyễn Du trái lại, trả Thuý Kiều
về với bản tính thanh cao của giai nhân tài trí, để cho Kim Trọng trở thành
chủ động, theo quan niệm Dương chinh phục Âm". Hoặc "những cảnh báo
oán của Thúy Kiều trong truyện Hán văn có vẻ nhuốm màu bạo dâm (sadism)
biểu lộ hết ác tâm của kẻ báo thù và đường lối dã man của xã hội loài người.
Dưới ngòi bút Nguyễn Du, những cảnh đó cần phải có tối thiểu, để trọn ý
nghĩa nhân quả và tâm lý thường tình của con người, nhưng ông muốn tránh
mọi cử chỉ và hành động vô nhân đạo". Trần Đình Hượu và Trần Ngọc
Vương có nêu vấn đề về loại hình " nhà nho tài tử" với hai nét thị tài, đa tình:
"Tài tử cũng là nho sĩ ( ) ( ) nhưng lí tưởng làm người của họ ( ) không ở
chỗ tu thân, hành đạo, trí quân trạch dân mà là thoả mãn tính cách thị
tài và đa tình (…). Họ không quan tâm nhiều đến nghĩa quân thần, ( )đến
trách nhiệm với xã hội và còn đi xa hơn nữa đối lập tình với tính, tài với
đức, tự coi là những cá nhân chứ không còn là thần tử ( ). Ước mong tự do
và hạnh phúc chỉ mới đặt ra trong một phạm vi hẹp là tình yêu ( ). Tài tử là
những nhà nho chưa thể gọi là “bội đạo”, “li kinh” nhưng rõ ràng đã xa rời
quĩ đạo chính thống, tức là những nhà nho tu thân hành đạo hay ẩn dật theo lẽ
xuất xử”[64]. Thực chất đây cũng là cách nhìn ít nhiều mang tính chất của
giới tính ( nhà nho là đàn ông thì đa tình, đa dục và đề cao tài), song tiếc là
không đề cập đến nhân vật Từ Hải.
Tại hải ngoại, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cũng có tiếp cận thú
vị từ góc nhìn giới đối với nhân vật Lục Vân Tiên khi viết bài " Đọc chơi
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 9
4
vài bài ca dao" đã giải thích vì sao cái tục lại được dân Nam Bộ áp dụng để
"xuyên tạc" nhân vật Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Theo ông, câu
ca dao tục tĩu, nhảm nhí:
Vân Tiên ngồi dưới gốc môn,
Chờ cho trăng lặn bóp Nguyệt Nga.
không dành cho nhân vật "máu dê" như Bùi Kiệm hay một nhân vật nào đó
trong Truyện Kiều như Thúc Sinh, Từ Hải, Mã Giám Sinh lại chọn ngay
chính Lục Vân Tiên, một nhân vật được xem là nghiêm trang, nghiêm túc,
thậm chí nghiêm khắc, có thể xem như một khuôn mẫu về đạo đức, để bắt làm
cái chuyện phàm phu tục tử ấy là bởi vì có lí do của nó. Câu ca dao trên là
"một cách phản ứng chống lại thái độ đạo đức khắt khe, có phần giả tạo của
Lục Vân Tiên, và phần nào cũng là của Nguyễn Đình Chiểu". Vì mục tiêu "tải
đạo", các nhân vật Lục Vân Tiên đã trở thành biểu tượng luân lý do đó mất cả
tự nhiên! Truyện Lục Vân Tiên được truyền bá sâu rộng trong giới bình dân,
cứ "nói thơ" đạo nghĩa hoài cũng sẽ có lúc có người làm "thơ" hay đặt vè phê
phán lại Lục Vân Tiên và tác giả của nó, một phản ứng tâm lý bình thường
chê giới có học, nhà nho vốn đại diện cho uy quyền. Nguyễn Hưng Quốc đã
có lý khi cho rằng qua hai câu ca dao đó, người bình dân muốn Vân Tiên gần
gũi họ, một "người" như họ. Tuy nhiên, đây mới là một gợi mở cho hướng
phê bình văn học nhìn theo quan điểm giới của Nguyễn Hưng Quốc.
Tóm lại, còn rất ít người nghiên cứu nhân vật nam giới ở hai tác phẩm
này theo lý thuyết giới. Điều này khiến các nhân vật nam đôi khi bị nhìn nhận
thiên lệch về vấn đề giai cấp hoặc đạo đức mà mờ nhạt về đặc điểm giới.
Chính vì thế mà luận văn hy vọng góp phần nhỏ xới lên hướng nghiên cứu
giới của nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều và nhân vật Lục Vân Tiên trong
truyện Lục Vân Tiên, góp phần giúp người đọc thấy thêm những phương diện
khác của nhân vật trong hai tác phẩm này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 10
5
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi trong luận văn này là nhân vật Từ
Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện
Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.
4. Mục đích nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu nhân vật nam trong Truyện Kiều và truyện Lục
Vân Tiên trên cơ sở xem xét việc tác giả miêu tả, đánh giá, lý giải các phương
diện giới tính nam của nhân vật. Qua đó làm nổi bật sự chi phối của quan
điểm giới trong thời trung đại như một vấn đề văn hóa ảnh hưởng đến nghệ
thuật xây dựng hình tượng người anh hùng lí tưởng và người anh hùng đã bị
thế tục hoá.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến đề tài như:
khái niệm giới; điểm qua các kiểu nhân vật nam trong văn học trung đại Việt
nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XX.
- Phân tích, cắt nghĩa hai kiểu nhân vật nam trong Truyện Kiều và
truyện Lục Vân Tiên từ góc nhìn giới. Từ đó có sự so sánh hai nhân vật để
thấy sự giống và khác nhau trong biểu hiện nam tính cũng như quan niệm của
hai tác giả về việc xây dựng những hình mẫu nam nhi lí tưởng trong xã hội
phong kiến.
6. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp văn hóa học:
Chúng tôi vận dụng phương pháp tiếp cận văn hoá học để giải mã hình tượng
người nam nhi anh hùng, tìm ra nền tảng văn hóa lịch sử của chúng. Trong xã hội
phong kiến, giá trị đạo đức được coi là thước đo chuẩn mực người đàn ông chính là
những giáo lí Nho gia. Nho giáo chủ trương xây dựng con người xã hội theo lí tưởng
thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, con người nội thánh ngoại
vương, tu kỉ trị nhân. Quan điểm văn hoá này đã chi phối đến cách xây dựng hình
tượng người nam nhi anh hùng trong các tác phẩm văn học trong đó có nhân vật Từ
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 11
6
Hải trong Truyện Kiều và nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện Lục Vân Tiên của
Nguyễn Đình Chiểu .
- Phương pháp thống kê:
Ở đề tài này, chúng tôi sử dụng phương pháp thống kê để khảo sát các nhân
vật nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX, từ đó đi tìm hiểu nghệ thuật xây dựng hình
tượng nhân vật Từ Hải và nhân vật Lục Vân Tiên trong tác phẩm Truyện Kiều của
Nguyễn Du và truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài ra, chúng tôi
còn sử dụng phương pháp thống kê để xử lý thông tin trong các tư liệu lịch sử, tư
liệu văn học được sử dụng để chứng minh các luận điểm đã đưa ra.
- Phương pháp so sánh:
Chúng tôi lựa chọn phương pháp so sánh để thấy được các mối liên hệ
đa dạng, đa chiều cũng như nét chung, nét riêng độc đáo của nhân vật Từ Hải
và nhân vật Lục Vân Tiên.
- Phương pháp hệ thống:
Chúng tôi sử dụng phương pháp hệ thống nhằm mục đích giúp cho việc tìm
hiểu nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều và nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện Lục
Vân Tiên có được cái nhìn sâu sắc, đầy đủ hơn.
7. Bố cục luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn được triển
khai trong ba chương:
Chương I: Lý thuyết giới và các kiểu nhân vật nam trong tiến trình văn
học trung đại Việt Nam
Chúng tôi dành chương I làm cơ sở đi vào lý luận về Giới.
Xã hội phương Đông truyền thống là xã hội nam quyền. Trong quan hệ
giới giữa hai phái nam-nữ, người đàn ông thống trị, các chuẩn mực đạo đức,
thẩm mỹ của phụ nữ do nam giới đặt ra, thường có biểu hiện bất công đối với
người phụ nữ (trinh tiết, tam tòng tứ đức…).
Nhưng mẫu hình lý tưởng về nam giới cũng lại mang tính khắc kỷ đậm
nét. Những nhân vật nam giới được văn học nhà nho ca ngợi thường là các
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 12
7
anh hùng, nam nhi quân tử, kẻ sĩ khắc kỷ, coi thường sắc đẹp, khô khan.
Những nhân vật nam bị phê phán thường là những kẻ phóng đãng, dâm loạn.
Sự phân tuyến chính diện-phản diện nhiều khi rạch ròi, không có trung gian.
Khái niệm Thân và Tâm của văn hóa truyền thống phương Đông đã chi phối
sâu sắc cách xử lý này. Người xưa dường như có quan niệm rằng sắc đẹp phụ
nữ và những dục tính thân thể có ảnh hưởng xấu, tiêu cực đến việc tu dưỡng
đạo đức, thực hiện lý tưởng của người thánh nhân, quân tử, trượng phu
(những người đàn ông). Vì thế nên họ có tư tưởng cảnh giác hay kỳ thị cao độ
đối với nữ sắc. Tuy nhiên, trong văn học, cũng có những trường hợp đột phá
các chuẩn mực đạo đức thẩm mỹ nho giáo chính thống như Truyện Kiều của
Nguyễn Du mà ta sẽ nghiên cứu.
Chúng tôi chọn nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều và nhân vật Lục
Vân Tiên trong Truyện Lục Vân Tiên: đây là nhân vật của hai tác phẩm thuộc
hai giai đoạn văn học khác nhau, một tác phẩm (Truyện Kiều ) vay mượn cốt
truyện tiểu thuyết tài tử giai nhân (Kim Vân Kiều truyện), một tác phẩm (Lục
Vân Tiên) có tính chất tự truyện. Nguyễn Du tiêu biểu cho trào lưu nhân đạo,
chủ tình, mang tư tưởng nữ quyền; còn Nguyễn Đình Chiểu sống ở Nam Bộ,
một vùng đất mới khẩn hoang, cư dân từ mọi miền hội tụ rất cần có đạo nghĩa
trong ứng xử, ông lại tiêu biểu cho giai đoạn nhà Nguyễn phục hồi Nho giáo,
giai đoạn văn học mà nhà Nguyễn ưu tiên cho tuồng, đề cao con người phận
sự, chức năng trong luân thường mà coi nhẹ con người trần thế, cá nhân. So
sánh để xem hai tác giả khác nhau xử lý như thế nào với nhân vật nam giới,
sự khác nhau, giống nhau, góp phần hình dung bức tranh văn học sử.
Chương II: Nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Chọn nhân vật Từ Hải làm đối tượng khảo sát, chúng tôi có ý tìm hiểu
những đột phá của Nguyễn Du trong quan niệm đạo đức thẩm mỹ.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 13
8
Những biểu hiện nam giới của Từ Hải: thân thể kỳ vĩ, cường tráng, sức
dư muôn người, có lòng trọng nghĩa khinh tài Đây là nét truyền thống của
nhân vật anh hùng hảo hán, giang hồ nghĩa hiệp, nhưng có nét mới, cách tân,
biết trân trọng sắc đẹp phụ nữ, có tình yêu lãng mạn Thiếp danh đưa đến lầu
hồng, Đôi bên cùng liếc đôi lòng cùng ưa. Từ Hải là nam nhi, anh hùng
(Nguyễn Du nhiều lần gọi Từ Hải là anh hùng). Nhưng Từ Hải không khắc
kỷ, cũng lãng mạn, đi tìm hình bóng giai nhân, đến với Kiều như việc đi tìm
người tri kỷ, có tình yêu, có hạnh phúc ân ái "trai anh hùng, gái thuyền quyên
/ đẹp nguyền sánh phượng phỉ duyên cưỡi rồng" Điều này có từ Kim Vân
Kiều Truyện nhưng đã được Nguyễn Du sáng tạo, tô đậm.
Đây là đặc điểm chung cho các nhân vật nam chính diện ở Truyện Kiều.
Truyện Kiều còn có nhân vật Thúc Sinh với biểu hiện nam tính thiên về sắc tình
nhưng tấm lòng độ lượng bao dung của Nguyễn Du không phê phán, lên án.
Chương III: Nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện Lục Vân Tiên của
Nguyễn Đình Chiểu
Ở chương III này, chúng tôi tìm hiểu nhân vật nam Lục Vân Tiên để
thấy xu hướng tôn nho trở lại của vùng đất phương Nam dưới thời Nguyễn đã
ảnh hưởng đến sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Lục Vân Tiên có những vẻ
đẹp truyền thống của nam nhi, anh hùng, nhưng thiếu chất lãng mạn, thiếu sự
đa tình.
So sánh nhân vật Lục Vân Tiên với nhân vật Từ Hải để thấy sự giống
nhau và khác nhau trong biểu hiện nam tính. Một điểm khác biệt quan trọng là
tính chất khắc kỷ, là vẻ nghiêm nghị đạo mạo quá mức trước phụ nữ. Tác giả
Nguyễn Đình Chiểu cũng đối lập gay gắt hai kiểu chính diện -phản diện bằng
đối lập những biểu hiện yếu tố nam tính.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 14
9
NỘI DUNG
Chương 1
LÝ LUẬN GIỚI VÀ VIỆC PHÂN TÍCH CÁC NHÂN VẬT
NAM NHI –ANH HÙNG TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI
1.1 Những khái niệm về giới (gender) và giới tính (sex)
Trong những năm gần trở lại đây, thuật ngữ “Giới” (gender) – khác biệt
với thuật ngữ “Giới tính” (sex), thường xuất hiện trong các bài viết, các công
trình nghiên cứu ở Việt Nam. Giới thường được nói đến ở hai khía cạnh sinh
học và xã hội. Ở vấn đề này, chúng tôi không có tham vọng đi sâu nghiên cứu
những vấn đề chuyên môn thuộc lĩnh vực này mà chỉ đi tìm hiểu khái niệm "
giới" và "giới tính" để phục vụ cho những vấn đề có liên quan đến bài viết của
mình. Khái niêm "giới" mà chúng tôi đề cập ở đây được hiểu theo góc độ xã hội.
Theo Hoàng Bá Thịnh trong bài Tiểu luận xã hội học về giới thì "giới"
được hiểu như sau: Khái niệm giới không chỉ đề cập đến nam và nữ mà cả
mối quan hệ giữa nam và nữ. Trong mối quan hệ này có sự phân biệt vai trò,
trách nhiệm, hành vi xã hội mong đợi và quy định cho mỗi giới, phù hợp với
những đặc điểm văn hoá, chính trị, kinh tế và tôn giáo. Do vậy, nó luôn biến đổi
theo thời gian và có sự khác biệt theo không gian; vì thế nó luôn biến đổi theo
các giai đoạn lịch sử và có khác biệt giữa các cộng đồng, xã hội
”
[52.54
].
Reiter 1975: 159: Giới là một thành phần của hệ thống giới tính. Hệ
thống giới tính (gender/sex sytem) chỉ "sự sắp xếp mà trong đó xã hội qui
định sự tương ứng giữa giới tính sinh học và hành vi con người, trong đó
những nhu cầu được thỏa mãn".
(Nguồn: Dịch từ role )
Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam định nghĩa: “Giới là phạm trù chỉ
quan niệm, vai trò và mối quan hệ xã hội giữa nam giới và phụ nữ. Xã hội tạo
ra gán cho trẻ em gái và trẻ em trai, cho phụ nữ và nam giới các đặc điểm
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 15
10
giới khác nhau. Bởi vậy, các đặc điểm giới rất đa dạng và có thể thay đổi
được” [13.33].
Trong cuốn tài liêu giáo dục Giới và các vấn đề đô thị của TS.Trần Thi
Kim Xuyến thì giới được định nghĩa: "Giới ( gender) là một thuật ngữ chỉ vai
trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quy định cho nam và nữ từ góc độ xã
hội; giới đề cập đến sự phân công lao động, các kiểu phân chia nguồn lựcvà
lợi ích giữa nam và nữ trong một bối cảnh xã hội cụ thể" [67.3].
Theo Bem và Coltrane, các nhà nghiên cứu xã hội học của đại học
Oregon đã xác định 3 “thấu kính giới” chủ chốt (các giả thuyết ẩn): sự phân
cực giới (đàn ông và đàn bà là khác nhau và sự khác biệt này một nguyên tắc
tổ chức trung tâm của cuộc sống xã hội), androcentrism (nam giới ưu trội
hơn nữ giới; kinh nghiệm nam giới là tiêu chuẩn, nam quyền); và chủ
nghĩa thiên về những kiến giải sinh học (hai thấu kính đầu tiên là do sự
khác biệt về sinh học giữa các giới tính). Đây là một cách tiếp cận cấu trúc xã
hội đã nhìn nhận sự tiếp nhận đặc điểm về giới như sự đoán trước hoàn
thiện nhân cách cá nhân. Như vậy, "giới là sự khác biệt mang tính xã hội
(không phải sự khác biệt về sinh học), chỉ sự tương quan về vai trò xã hội, vị
trí và giá trị xã hội giữa phụ nữ và nam giới". Sự khác biệt về giới không phải
vốn có cùng với sự tồn tại của nam và nữ mà là sự tập hợp các hành vi học
được từ xã hội và những kỳ vọng về các đặc điểm, phẩm chất, năng lực được
cân nhắc nhằm xác định thế nào là một người nam giới hay một người phụ nữ
(hoặc cậu bé – cô bé), trong một xã hội hay nền văn hóa nhất định.
Như vậy, "giới" là những đặc điểm mà xã hội đã tạo nên ở người nam
và người nữ, là quy định của xã hội về người nam và người nữ, là những đặc
trưng xã hội ở nam và nữ. Đó là giới xã hội. Giới xã hội thường bao gồm
nhiều vấn đề như: vai trò, vị trí của mỗi giới, đặc điểm và nhiệm vụ của mỗi
giới trong xã hội… Những vấn đế này thường do xã hội quy định và biến đổi
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 16
11
theo từng giai đoạn lịch sử, từng quốc gia, tuỳ theo truyền thống, phong tục
tập quán của mỗi dân tộc…
Giới tính(Sex): các đặc điểm về cấu tạo cơ thể, liên quan đến chức
năng sinh sản của phụ nữ và nam giới được gọi là giới tính. Đây là những
đặc điểm mà phụ nữ và nam giới không thể đổi chỗ cho nhau. Cụ thể là phụ nữ
mang thai, sinh con, cho con bú, nam giới tạo ra tinh trùng để thụ thai.
Giới và giới tính có mối quan hệ rất chặt chẽ và phức tạp. Giới là cơ sở
để tạo nên giới tính. Những đặc điểm sinh học của giớí xác định giới tính về
mặt sinh học đồng thời cũng là những biểu hiện của giới tính về mặt sinh học.
Ở góc độ này, giới là một bộ phận của giới tính, đồng thời giới chi phối và
quyết định giới tính. Những đặc điểm xã hội của giới cũng góp phần hình
thành những đặc điểm xã hội của giới tính. Chúng cũng chi phối và quyết
định sự hình thành giới tính.
Sự phân cực vai trò giới trong xã hội ngày càng trở nên rõ nét. Nữ giới thì
được gắn với những đặc điểm như là giàu tình cảm, thận trọng, tính hợp tác,
tinh thần cộng đồng và sự phục tùng. Còn nam giới có xu hướng được
gắn với các đặc điểm như duy lý, có năng lực, thích ganh đua, chủ nghĩa cá
nhân và sự tàn nhẫn. Nam giới theo bản năng tự nhiên của mình luôn thể hiện
sự phân tích và tính cạnh tranh nhiều hơn, trong khi đó phụ nữ giàu lòng trắc
ẩn và thiên về sự chăm chút tỉ mỉ cho những người xung quanh. Có nhiều giả
thuyết và lý giải khác nhau cho sự khác biệt độc đáo này. Theo tiến sĩ người
Mỹ Cordelia Fine, đồng thời là tác giả cuốn Ảo giác về giới tính (Delusions of
gender), sự khác biệt giữa hai giới không chỉ xuất phát từ cấu tạo tự nhiên
khác nhau của não hay sứ mệnh sinh học của mỗi giới mà còn là do yếu tố tác
động của xã hội và môi trường sống.
Trong văn hoá người Việt, giới có tác động không nhỏ đến sự phân
công lao động giữa người phụ nữ và nam giới trong gia đình. Người đàn ông
luôn là người giữ vai trò trụ cột trong gia đình. Mọi lĩnh vực có liên quan đến
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 17
12
đời sống gia đình như: làm nhà, dạm vợ, gả chồng cho con cái, chăn nuôi,
trồng trọt… nhất nhất đều do người đàn ông chủ gia đình quyết định. Tư
tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo góp phần làm cho chế độ phụ hệ gia
trưởng trong người Việt thêm củng cố. Trong một gia đình nếu không có con
trai nối dõi tông đường thì dù có bao nhiêu con gái thì dư luận xã hội cũng
đều cho là không có con (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô).
Đến tuổi lấy
chồng, người con gái không có quyền được lựa chọn người chồng. Với tục “Cha
mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và với lệ thách cưới người con gái trở thành một vật
trao đổi mua bán.
Người phụ nữ sau khi đi lấy chồng trở thành thành viên của
gia đình chồng "Con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về" và
cũng từ đây họ và tên của người đàn bà sẽ biến mất. Ngay cả cách dạy con
của bà mẹ trong bài ca dao ở Quốc văn giáo khoa thư cũng thể hiện rất rõ vị
trí của người nữ giới và nam giới trong xã hội:
Con ơi muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha:
Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa,
Trai thì đọc sách ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa,
Mai sau nối được nghiệp nhà,
Trước là đẹp mặt sau là ấm thân.
Trong văn hoá làng xã, chỉ có đàn ông mới được lên đình làng bàn
việc, phụ nữ ở nhà, việc tổ chức các lễ nghi tôn giáo cũng do người đàn ông
thực hiện. Cái nhìn của nam giới về phụ nữ cũng có phần khinh miệt. Trong
quan hệ nam nữ, phạm trù trinh tiết như là biểu hiện của đạo đức chỉ áp dụng
cho người phụ nữ; còn người đàn ông không bị ràng buộc bởi phạm trù này.
Không ai lại đi khen hay chê người đàn ông vì giữ (hay không giữ) trinh tiết
với vợ, song trinh tiết là một trong những chuẩn mực để khen chê đức hạnh
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 18
13
người phụ nữ. Một nhà nho có thể có hàng chục vợ hay một ông vua có hàng
trăm cung nữ, nhưng vẫn “vô tư” bàn về trinh tiết phụ nữ, vẫn sẵn sàng làm
thơ, viết văn ngợi ca những người phụ nữ “tiết hạnh khả phong”. Và, với quan
niệm “tài trai lấy năm lấy bảy, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, những
người phụ nữ nạn nhân của chế độ đa thê (bất kể là vợ cả hay vợ lẽ), suốt đời
chìm đắm trong những mối mâu thuẫn, bất hòa, khổ đau nhiều khi chỉ vì
những chuyện rất vụn vặt. Từ luật Hồng Đức đến luật Gia Long là quá trình
phát triển ngày càng phản động của chế độ phong kiến đối với phụ nữ. Những
cực hình, chỉ áp dụng riêng đối với phu nữ khi bị coi là làm những việc trái
với luân thường đạo lí: thả bè trôi sông, gọt gáy bôi vôi, ngựa xé, voi giày
Thực tế về cái nhìn nam quyền rất phổ biến trong văn học trung đại.
Các nhà nho xưa thường coi phụ nữ là lực cản trên con đường tu dưỡng đạo
đức nên phải xa lánh nữ sắc, coi nữ sắc nguy hiểm như ma quái, quỉ, hồ ly
tinh, rắn báo oán. Truyền thuyết về Thị Lộ là rắn báo oán, các nhân vật phụ
nữ ma quái trong Truyền kỳ mạn lục ra đời cũng bởi xuất phát từ chính
những quan niệm này. Trong Gia huấn ca của Nguyễn Trãi, phần lớn những
bài giáo huấn là để răn dạy người phụ nữ trong gia đình phải biết đối nhân xử
thế trong mọi trường hợp với cha mẹ, với chồng, với bạn chồng, với trong họ,
ngoài làng Trái lại, cái nhìn của xã hội (cũng là nam giới thống trị) về người
nam giới thường là ca ngợi mẫu hình nam nhi, quân tử, anh hùng, trượng phu,
con người trên phương diện xã hội mà tỏ ra khinh miệt những kẻ mê đắm nữ
sắc, coi như những nhân vật phản diện. Những hiện tượng này vẫn còn tồn tại
dai dẳng cho đến tận ngày nay. Người đàn ông theo quan niệm Nho giáo phải
lập công danh sự nghiệp, có chí khí nam nhi, chí khí anh hùng. Để thực hiện
lý tưởng cao cả đó, họ phải gạt bỏ tình cảm nhi nữ, không đam mê sắc đẹp
như thiền sư (nam nhân) hy sinh đời sống tình dục để tu luyện những phép
thuật để đạt được những khả năng phi thường hay nhà nho tiết dục, quay lưng
lại tiếng gọi của thân xác, của sắc đẹp bởi nó chính là nguyên nhân gây nên
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 19
14
suy vong, sụp đổ cho của các triều đình, bất hạnh tai hoạ cho gia đình và nỗi
đâu khổ cho cá nhân Đó là lý do sâu xa của việc họ coi thường sắc đẹp.
Quan niệm văn hóa về đặc điểm và vai trò của giới có vai trò chi phối,
tác động đến cách xây dựng hình tượng nhân vật (cả nam và nữ). Trong
nghiên cứu văn học, người ta có thể vận dụng phương pháp nghiên cứu giới
của nhân vật văn học để tìm hiểu các kiểu hình tượng nam, nữ. Trước đây,
nhân vật nam, nữ thường chỉ được nhìn theo quan điểm giai cấp, áp bức hay
bị áp bức, theo quan điểm đạo đức, đáng khen hay đáng chê thì với điểm nhìn
giới, chúng ta thấy thêm những phương diện khác của nhân vật. Từ đó, chúng
ta có thể phân tích một cách toàn diện sự ảnh hưởng của các quan niệm giới
thời trung đại tới cách nhìn nhận và sự xây dựng hình tượng nhân vật.
1.2 Các kiểu nhân vật nam trong văn học trung đại Việt Nam
Mỗi nền văn học ở một quốc gia nào đó đều có sự vận động theo tiến
trình vận động của lịch sử. Văn học Việt Nam trung đại cũng không nằm
ngoài quy luật đó. Đặt văn học vào tiến trình vận động của nó sẽ giúp người
đọc có cái nhìn toàn diện hơn về đề tài, thể loại, ngôn ngữ, nhân vật Tuy
nhiên, các vấn đề về phân kì lịch sử dân tộc và quy luật vận động của văn học
dân tộc vẫn luôn là vấn đề gây nhiều tranh luận trong các cuộc hội thảo. Có
rất nhiều quan niệm về phân kì lịch sử văn học dân tộc Việt Nam được đưa ra.
Theo giới nghiên cứu mácxít thì quy luật vận động của tiến trình văn học
trung đại đều dựa vào nội dung được phản ánh trong các giai đoạn khác nhau
để phân định ranh giới giữa chúng. Cách phân kì này còn bộc lộ những vấn đề
bất cập bởi "đời sống văn học là kết quả của mối quan hệ tương tác giữa chủ
thể và khách thể. Sự thay đổi của các yếu tố thuộc về hiện thực xã hội lịch sử
với tư cách là đối tượng của sự phản ánh phải được chủ thể là nhà văn nhận
thức để chuyển hoá thành tác phẩm văn học. Tất nhiên, sự thay đổi của chủ
thể cũng là do nhân tố khách thể quy định, song là sự quy định phức tạp. Vả
lại, chủ thể có sự độc lập tương đối với khách thể. Chủ thể sáng tạo nhìn
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 20
15
ngắm thế giới khách quan và xử lí các quan sát hiện thực bằng vốn tri thức
văn hoá, bằng quan điểm chính trị , đạo đức - thẩm mĩ, những yếu tố chịu sự
tác động của nhiều nhân tố khác nhau"[49.69]. Ngược dòng thời gian trở lại
với cách nhìn nhận tiến trình văn học của tác gia văn học Phạm Đình Hổ
(1768 - 1839) trong Vũ trung tuỳ bút, ông cho rằng tiến trình văn học sử được
nhìn nhận theo lịch trình các triều đại. Đây là một quan điểm không mấy khoa
học và hiện nay không còn được sử dụng. Tuy nhiên, mốc Lê Trung hưng mà
ông đưa ra đã thuyết phục được giới nghiên cứu văn học trung đại nước nhà.
Sự kiện Lê Trung hưng bắt đầu khi nhà Lê, nhờ có sự phò tá của họ Trịnh,
đánh bại nhà Mạc, trở lại Thăng Long đã mở ra một cái nhìn mới về lịch sử
văn học dân tộc cũng như sự thay đổi về đề tài, thể loại, ngôn ngữ, nhân vật
Ở đây, chúng tôi không có tham vọng khảo sát tất cả sự đổi thay trong quá
trình vận động của nền văn học Việt Nam trung đại mà chỉ khảo sát một khía
cạnh nhỏ đó là các kiểu nhân vật nam trong văn học Việt Nam trung đại.
Nhìn lại những trang lịch sử từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XVII, các
triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng lần lượt ra
đời, phát triển và suy vong. Tất cả những điều đó đều được phản ánh rõ nét
trên lĩnh vực văn hoá. Sự hình thành và phát triển của dòng văn học viết trong
thời kỳ này là một biểu hiện rõ nét của công cuộc phục hưng và phát triển văn
hoá trong nước Đại Việt ngày càng trên đà lớn mạnh. Nền văn học Đại Việt từ
đây cũng đã hình thành một lực lượng sáng tác ngày càng đông đảo. Tuy
nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy, chủ thể sáng tác và đối tượng phản ánh trong
các tác phẩm văn học gần mười thế kỷ tuyệt đại đa số là nam giới. Những
mẫu hình lí tưởng về nam giới qua các các tác phẩm văn học ở từng thời kỳ
cũng được phản ánh rõ nét. Nhân vật chính từ thơ thiền đến thơ của các nhà
nho đều hướng về những mẫu hình lí tưởng thông qua hai phạm trù thân và
tâm. Các nhân vật như thiền sư, nam nhi, quân tử, sĩ nho, nam giới đều là
những nhân vật - mẫu người lí tưởng đoạn tuyệt với cái gọi là bản năng như
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 21
16
mọi cám dỗ về vật chất, mọi nhu cầu bản năng tình dục ( hay còn gọi là tính
dục), luôn sống phấn đấu vì lí tưởng nhân cách cao thượng. Văn học sau Lê
Trung hưng, con người thế tục là mẫu hình chủ đạo của văn học. Ở giai đoạn
này xuất hiện các nhân vật nam là những sĩ tử đi thi và gian lận trong thi cử,
những tên quan lại ăn hối lộ, sách nhiễu dân lành, chúa Trịnh ăn chơi xa đoạ
Ở mục này, chúng tôi sẽ lần lượt điểm qua các nhân vật nam giới trong theo
các giai đoạn lịch sử như đã nói ở trên.
1.2.1
Các nhân vật văn học từ thế kỷ X đến thế kỷ XV
Văn học từ thế kỉ X đến thế đến thế kỉ XV, cụ thể từ đời Lý đến đời Lê,
phát triển rầm rộ xoay quanh các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của
dân tộc. Bộ phận văn học đời Lý và đầu đời Trần chủ yếu do các nhà sư sáng
tác và điều mặc nhiên nhận thấy là các nhân vật trong những trang viết là các
thiền sư.
Nói đến Phật giáo, người ta thường nghĩ đến một triết lí siêu hình,
những quan niệm về cuộc đời là ảo ảnh, hư vô và quay lưng lại nó; nhưng các
nhà sư thời Lí, Trần đã không quay lưng lại cuộc đời mà
nhập thế tích cực
.
Qua thơ văn Lí, Trần, chúng ta dễ dàng nhận ra con người thời kỳ này có cách
nhìn hoàn toàn mới về cuộc đời, một lối sống với đầy đủ chất liệu mang đậm
tính nhân văn. Và hơn thế nữa, “nhà chùa thời này không quay lưng với cuộc
đời, không thoát ly hiện thực mà tham gia đắc lực vào những hoạt động xã
hội. Nhiều nhà sư là chỗ dựa vững chắc cho nhà vua. Họ có vai trò quan trọng
trong triều đình và sáng tác của họ cũng ít tính chất vô hư, thơ văn của họ
thường hồn nhiên, sôi nổi, lạc quan yêu đời, ngay cả những trường hợp họ lý
thuyết về Phật giáo" [25.35]. Mãn Giác thiền sư ((1051-1096) trong bài Cáo
tật thị chúng là hình ảnh một thiền sư với tư tưởng lạc quan yêu đời thể hiện
tinh thần vô uý và tin vào nhịp điệu vận hành biến động liên tục nên không lo
sợ sự biến đổi lên xuống của cuộc đời. Trong cách nhìn của nhà thơ, cuộc đời
không phải sớm nở tối tàn , mà tàn rồi lại nở:
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 22
17
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhỡn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai,
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
( Hoàng việt thi tuyển - BÙI HUY BÍCH)
(Xuân qua trăm hoa rụng,
Xuân tới trăm hoa nở.
Việc đời ruổi qua trước mắt,
Cảnh già hiện ra trên đầu.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, một cành mai nở trước sân.)
Quảng Nghiêm thiền sư (1121- 1190) trong bài Thị tật khi nhắc đến
quan niệm về "tịch diệt", " vô sinh" không tỏ thái độ khẳng định mà có vẻ
hoài nghi:
Ly tịch phương ngôn tịch diệt
Khứ sinh hậu thuyết vô sinh
( Lìa được cõi tịch mới có thể nói chuyện tịch diệt
Thoát được sự sinh mới nói được chuyênh vô sinh)
Quan niệm của nhà sư về " chí nam nhi", về "tài trai" thì thể hiện khá rõ
nét chủ nghĩa lạc quan dồi dào sinh lực của dân tộc. Đó là hình mẫu nam nhi
có ý chí, có con đường đi riêng cho bản thân mình để đạt được mục đích chứ
không nên theo vết chân người đi trước, dù người ấy đã thành công như Đức
Phật Như Lai:
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như lai hành xứ hành.
(Làm trai tự có cái chí xông lên trời,
Không cần phải đi vào con đường mà Như Lai đã đi)
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 23
18
Không chỉ dừng lại ở nhân vật thiền sư ngộ đạo có dũng khí vô uý, văn
học Lí - Trần còn xây dựng những nhân vật thiền sư nhờ quá trình tu tâm mà
có khả năng phi thường có thể đem lại quyền pháp kì vĩ cứu nhân độ thế. Tác
giả Thiền uyển tập anh đã khắc hoạ các kiểu nhân vật thiền sư có sự khác
thường và có phần kì dị về hành trạng, phẩm cách và tài năng. Thiền sư
Không Lộ có thể “bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn
phép lạ không lường hết được”. Thiền sư Đạo Hạnh " ném gậy xuống dòng
nước xiết, gậy liền trôi ngược; lại có thể khiến rắn rết, muông thú đến chầu
phục, đốt ngón tay cầu mưa, phun nước phép chữa bệnh, không việc gì là
không ứng nghiệm”. Nhân vật thiền sư trong Thiền uyển tập anh còn được
biết đến ở trình độ học vấn phi thường. Trong số 41 bài sự tích các vị sư gồm
16 vị sư thuộc phái Thiền tông của Võ Ngôn Thông và 25 vị sư thuộc phái
Thiền tông của Vinitaruci, chúng tôi nhận thấy các nhân vật thiền sư đều có
điểm chung được kể đến ở trình độ học vấn uyên bác, trí tuệ tinh anh ngay từ
nhỏ. Thiền sư Pháp Thuận "học rộng, thơ hay có tài giúp vua, hiểu rõ việc
nước Sau khi đắc pháp, sư nói ra lời nào cũng phù hợp với sấm ngữ".Đại sư
Khuông Việt "thụ nghiệp thiền sư Vân Phong ở chùa Khai quốc (?) tại đây sư
đọc khắp kinh sách nhà phật hiểu hết mọi yếu chỉ của thiền tông. Năm 40 tuổi
tiếng tăm lừng lẫy trong nước". Thiền sư Cứu Chỉ "thuở nhỏ hiếu học, đọc
khắp các kinh điển Nho, Phật, Không thứ gì là không quán xuyến". Thiền sư
Quảng Trí "dốc trí tu thiền, không đầy một năm mà phong độ tiếng tăm
truyền xa". Thiền sư Ngộ Ấn "10 tuổi đã theo học nghiệp Nho. Thiền sư Vạn
Hạnh "thuở nhỏ đã khác thường, gồm thông 3 học, nghiên cứu trăm luận".
Tăng sư Huệ Sinh tướng mạo kì vĩ, ăn nói lưu loát , rất giỏi văn chương, có
tài viết vẽ. Học Nho rảnh rỗi sư nghiên cứu thêm sách Pháp, học bách luận và
các kinh, không gì không xem hết". Thiền sư Tịnh Lực "thuở nhỏ thông minh,
biện tài, sở trường nghề văn, thể chữ càng giỏi". Thiền sư Huyền Quang "là
người có tiếng nói dịu dàng, dung mạo đẹp đẽ Sư học vấn thông tuệ, mỗi
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 24
19
ngày học hàng vạn chữ, không đầy 10 năm, gồm thông tam học". Sư đã từng
đỗ đại khoa từ năm 20 tuổi, được triều đình bổ vào làm việc ở Viện Hàn lâm,
chuyên tiếp đón Bắc sứ nhưng sau đó “nhiều lần dâng biểu xin từ chức, muốn
được xuất gia tu hành học đạo” cuối cùng trở thành một vị thánh tăng “tinh
thông thánh đạo, các tăng ni theo học có tới ngàn người”. Rõ ràng, thực hiện
mục đích tôn vinh đức hạnh siêu việt, tài năng khác thường của của các bậc
thiền sư từ thế kỉ IX đến thế kỉ XIII, Thiền uyển tập anh cho người đọc có cơ
hội được nghiền ngẫm, dung nạp, thu nhận các phương thức khắc hoạ kiểu
nhân vật rất thanh thoát mà gần gũi với văn hoá Phật giáo. Có thể nói, các
thời đại kế tiếp khó có thể tìm thấy hình ảnh những thiền sư giàu lòng yêu
đời, yêu cuộc sống, luôn hướng về chúng sinh như thời đại Lý, Trần. Tuy
nhiên, các nhà sư-nam nhân hiện ra trong thơ là vô tính . Họ sợ tính dục thân
xác vì tính dục có thể hại cho sự tu trì phép thuật (Trước nhà vua, sư Huyền
Quang đã chứng minh ông vô tội trong câu chuyện Điểm Bích bằng cách hô
gió gọi mưa, tức là chứng minh ông trong sáng, vì nếu có quan hệ tính dục
với Điểm Bích chắc đã mất phép thiêng )
Bộ phận văn học cuối đời Trần sang đời Hồ và đầu đời Lê chủ yếu là
do các nho sĩ sáng tác vì vậy Nho giáo đã để lại dấu ấn trong văn học. Mẫu
hình con người lí tưởng của Nho giáo với tam cương ngũ thường, với đạo lí
trung hiếu tiết nghĩa, với chí khí tu, tề, trị, bình cũng xuất hiện ngày càng
nhiều trên những trang văn thơ. Ở thời kì này, hình tượng "nam nhi" gắn liền
với chí hướng lập công, được người đời ca tụng là chủ đề được nhiều nhà thơ,
nhà văn nhắc đến. Theo Phạm Ngũ Lão chí làm trai phải gắn liền với hai chữ
công danh, Chí làm trai này mang tinh thần, tư tưởng tích cực, gắn với ý thức
trách nhiệm, lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm cho đời).
Chí làm trai đó được coi là món nợ đời phải trả. Trả xong nợ công danh có
nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ đối với dân, với nước. Quan niệm lập công danh
đã trở thành lý tưởng sống của trang nam nhi thời phong kiến:
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 25