Tải bản đầy đủ (.docx) (18 trang)

TIỂU LUẬN TRIẾT HỌC NHỮNG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO, NHỮNG GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (159.73 KB, 18 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM
Phòng quản lý đào tạo sau đại học
***
TIỂU LUẬN TRIẾT HỌC
Đề tài:
NHỮNG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC PHẬT
GIÁO, NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ CỦA
TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO
NTH: Trần Duy Bảo
STT 08
Nhóm 01
Lớp CHKT – K21 – D5
GVHD: TS. Bùi Văn Mưa
TP. Hồ Chí Minh, 2012
2
Mục lục
3
Mở đầu
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới được truyền vào Việt
Nam từ rất sớm. Với mỗi người Việt Nam chúng ta, đạo Phật đã trở nên gần gũi và
gắn bó máu thịt. Có thể nói Phật giáo đến với Việt Nam là một cơ duyên lớn cho dân
tộc Việt Nam, riêng đối với em, được nhận đề tài về Phật giáo chính là một cơ duyên
lớn cho bản thân, vì đề tài “Những tư tưởng triết học Phật giáo, những giá trị và hạn
chế của Phật giáo” đã tạo cho em thêm cơ hội để hiểu sâu hơn về Phật giáo, được
thấm nhuần những tư tưởng có giá trị về văn hóa giáo dục và hết sức gần gũi với đời
sống hằng ngày. Về góc độ thực tiễn thì những tư tưởng của Phật giáo hết sức có giá
trị trong việc rèn luyện tinh thần, trí tuệ và đạo đức của bản thân. Tuy nhiên một nền
triết học lớn cũng không tránh khỏi những hạn chế và việc nhận biết những hạn chế
của Phật giáo sẽ giúp chúng ta lựa chọn được hướng tiếp cận Phật giáo đúng đắn,
hiệu quả để có thể ứng dụng vào thực tiễn làm cho đời sống hằng ngày trở nên tốt
đẹp hơn.


Đề tài chủ yếu dựa trên nội dung của tác phẩm “Phật học tinh hoa” [1], một
trong những tác phẩm chứa đựng gần như đầy đủ các tư tưởng căn bản của Phật
giáo. Ngoài ra đề tài còn sử dụng tư liệu từ các tác phẩm khác, và các bài viết trên
các trang mạng Internet.
Đề tài tập trung nêu lên các tư tưởng triết học căn bản của Phật giáo. Các tư
tưởng được thể hiện trên hai phương diện là thế giới quan và nhân sinh quan, và cụ
thể là về: vô thường, vô ngã, duyên khởi, trung đạo, Tứ Diệu Đế, nhân quả và luân
hồi. Tiếp theo đề tài nêu lên các giá trị của Phật giáo bao gồm giá trị khoa học, giá
trị giáo dục và giá trị nhân bản. Phần cuối cùng, đề tài trình bày những hạn chế của
Phật giáo, đó là cách nhìn bi quan về thế giới, và việc đề cao việc giải quyết các vấn
đề bằng ý thức, tâm linh; chính điều này đã làm Phật giáo nhuốm màu duy tâm thần
bí.
3
4
Chương 1 – Các tư tưởng cơ bản của triết học Phật giáo
1.1 Thế giới quan.
1.1.1 Vô thường, vô ngã
1.1.1.1 Vô thường
Vô thường nghĩa là không có gì tồn tại mãi mãi, mà nó liên tục chuyển hóa và
biến đổi. Vô thường là một chân lý hiển nhiên hằng ngày, hằng giờ, hằng phút… xảy
ra trước mắt ta, tất cả mọi sự vật trên đời đều lưu chuyển biến dịch, không có gì là
thường trụ bất biến cả. Không phải khi sinh mệnh hiện ra mới gọi là sinh, cũng
không phải khi sinh mệnh chấm dứt mới gọi là chết. Mà kỳ thật trong từng giây từng
phút, ta đã từng sống và đã từng chết, và phải chăng sống để mà chết và chết để mà
sống [1, tr. 93]. Bất cứ hiện tượng nào trên đời cũng phải trải qua bốn giai đoạn
“sanh, trụ, dị, diệt”, tức là được sinh ra, phát triển, biến đổi và tiêu mất. “Diệt”
không có nghĩa là hoàn toàn chấm dứt, mà thật ra chỉ là sự kết thúc của một chu kỳ,
và rồi lại tiếp tục một chu kỳ mới “sanh, trụ, dị diệt”…, cứ như vậy sự sống liên tục
nhau bất tận như trên một vòng tròn. Người ta sở dĩ đau khổ là vì đã nhận thức sai
lầm rằng sự vật luôn luôn thường trụ bất biến, bởi vậy mới bám riết vào những ảo

giác, mong kéo dài sự thoã mãn dục vọng, tạo mãi luân hồi nghiệp báo và đời đời
trầm luân trong bể khổ.
1.1.1.2 Vô ngã
Phật Giáo không chấp nhận có một linh hồn vĩnh cửu hay một bản ngã trường
tồn mà con người đã thọ lãnh một cách bí ẩn, từ một nguồn gốc cũng không kém bí
ẩn. Phật Giáo quan niệm vô ngã, nghĩa là không có tự tánh, không có thật, không có
một cái “tôi” bất biến vĩnh cửu. Vô ngã chia thành “nhị ngã” là “nhơn vô ngã’ và
“pháp vô ngã”. “Nhơn vô ngã” tức hiểu rằng không thật có người, không thật có
mình, không thật có chúng sanh, chỉ do ngũ uẩn “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” hợp
thành, hiểu như vậy thì dứt phiền não, không còn mê tối. “Pháp vô ngã” tức hiểu
4
5
rằng pháp do nhân duyên mà sinh ra chứ không có thật, hiểu như vậy thì dứt sở tri
chướng, trí tuệ sáng ra, không còn vướng vào cái mê tối.
1.1.2 Duyên khởi
Trên các tượng Phật và tòa tháp Phật Giáo thường khắc “Pháp thân kệ”, với nội
dung: “Nhược pháp nhân duyên sinh, pháp diệc nhân duyên diệt; thị sinh diệt nhân
duyên, Phật đại sa môn thuyết.” Ở đây “Phật đại sa môn” là tôn xưng của Phật Đà.
Câu nói trên tuyên truyền ý: vạn pháp vũ trụ đều dựa theo nhân duyên mà sinh diệt,
kể cả ngoại cảnh mặt vật chất và tâm thức mặt tinh thần, đều do “duyên” mà sinh ra,
tức sự hòa hợp nguyên nhân hoặc điều kiện, duyên đến (tập) thì pháp sinh, duyên đi
(khứ) thì pháp diệt. Đây là tư tưởng cơ bản của thuyết Duyên khởi. [5]
Tất cả các sự vật không sự vật nào có “tự tính”, mà chỉ nhờ nhân duyên hội lại
mới thấy in tuồng như có. “Nhân” (nguyên nghĩa là hột giống) tức là những sự vật
có năng lực sinh sản ra “quả”. “Duyên” là những sự vật bổ trợ cho “nhân”, giúp cho
“nhân” sinh ra “quả”. Nhân duyên hòa hợp với nhau sinh ra vạn pháp. Nếu có
“nhân” mà không có “duyên” thì ‘nhân” đó không thể nào sinh ra “quả” được.
Thường thì “quả” không bao giờ do một “nhân” duy nhất mà do nhiều “nhân” hợp
với nhau mà thành, “nhân” có nhiểu thứ, mà “duyên” cũng có nhiều loại.
Theo thuyết “mười nhân” thì có các nhân sau: 1. Tùy thuyết nhân, 2. Quản đãi

nhân, 3. Khiên dẫn Nhân, 4. Nhiếp thọ nhân, 5. Sinh khởi nhân, 6. Dẫn phát nhân, 7.
Định dị nhân, 8. Đông sự nhân, 9. Tương vĩ nhân, 10. Bất tương vi nhân. [1, tr. 121-
123].
Còn sự phân loại của “duyên” thì theo kinh Trường A Hàm thì lại chia thành 4
loại: 1. Nhân duyên, 2. Đẳng vô giản duyên, 3. Sở duyên duyên, 4. Tăng thượng
duyên. [1, tr. 124-127]. Trong đó “nhân duyên’ tức là cái “duyên” của các “nhân”, là
sự nương nhau của các “nhân” hội hiệp lại, “đẳng vô giản duyên” là sự nương nhau
liên tục, nối tiếp nhau không một kẻ hở nào, “Sở duyên duyên” là duyên của các
5
6
món đối đãi, và “tăng thượng duyên” là những “duyên” giúp thêm, làm gia tăng
thêm khả năng tạo thành “quả”. Trong luật nhân quả, xét về phương diện thuần vật
chất thì chỉ cần “nhân duyên” và ‘tăng thượng duyên” là đủ để sinh quả, còn trong
các pháp thuộc về tâm thức đối đãi với ngoại giới hỗn hợp thỉ phải có đầy đủ bốn
duyên.
Duyên khởi là tư tưởng, giáo lý cơ bản nhất của Phật giáo, thể hiện quan điểm
của Phật giáo đối với đời người, với tồn tại và sinh mệnh, là cơ sở triết học của giáo
thuyết cụ thể và tư tưởng quan trọng của Phật giáo, như nhân quả, không hữu, trung
đạo, bình đẳng, từ bi, giải thoát v.v…Nói cách khác, các giáo thuyết cụ thể và tư
tưởng quan trọng của Phật giáo đều là sự triển khai của tư tưởng duyên khởi. Thuyết
Duyên khởi khác với thuyết Vô Nhân (không có nguyên nhân), thuyết Ngẫu nhiên,
thuyết Thần tạo và thuyết Định mệnh; nó là một luận thuyết tương đối hợp lý về sự
sinh thành diễn biến và về bộ mặt vốn có của thế giới. Duyên khởi luận là thế giới
quan độc đáo của Phật giáo, là đặc sắc lớn nhất và đặc trưng căn bản để phân biệt
Phật giáo với các tôn giáo khác
Tư tưởng Duyên khởi chứa đựng hai tư tưởng quan trọng là “quan hệ” và “quá
trình”, là thế giới quan của thuyết quan hệ, thuyết quá trình. Phật giáo cho rằng do
vạn vật trong vũ trụ đều là Duyên khởi nên đều có tứ tướng sinh, trú, dị, diệt, là một
quá trình không ngừng biến dị. Cũng vậy, con người sống trong quá trình sinh, lão,
bệnh, tử và sinh tử lưu chuyển. Cần thừa nhận tư tưởng quá trình đó hàm chứa tư

tưởng vận động, biến hóa, phát triển, nên coi đó là biểu hiện của tư duy biện chứng
1.1.3 Trung đạo
Trung đạo là con đường chính giữa không lệch về bên nào, vượt trên sự cực
đoan, không thiên lệch về hai bên hữu vô, nhất dị, khổ lạc, yêu ghét. Muốn thực
hiện cái “Tâm nhất như” hay là cái “tâm bình đẳng (phật tánh) của Phật giáo, đầu
tiên phải phá trừ nhãn kiến nhị nguyên do cái “tâm sai biệt” đã phân chia sự sự vật
6
7
vật thành hai phần khác biệt như tâm – vật, hữu – vô, nội – ngoại, bỉ - ngã, tâm –
trí, thiện – ác, sinh – tử … thì mới mong kiến tánh và thành Phật. Đó là pháp môn
bất nhị hay bình đẳng bất nhị, thường gọi là trung đạo [1, tr 177].
Trung đạo là tinh hoa cao cao tột của Phật Đại Thừa, là nơi Thực Tướng Ấn
của Thực Đại Thừa. Trung đạo là lập trường căn bản và đặc sắc cơ bản của Phật giáo
Đại Thừa. Thích Ca Mâu Ni phản đối thuyết Thần Ngã của đạo Bà La Môn; về lý
luận đề xuất phép duyên khởi “Thử hữu bỉ hữu, thử vô bỉ vô, thử sinh bỉ sinh, thử
diệt bỉ diệt” tức là “Cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu; cái này không hiện hữu thì
cái kia không hiện hữu. Cái này sinh thành thì cái kia sinh thành; cái này hủy diệt thì
cái kia hủy diệt”, từ đó nhấn mạnh “Ly vu nhị biên, thuyết vu Trung Đạo”. Cũng là
nói dựa theo thuyết Duyên Khởi bất hữu bất vô, bất nhất bất dị, bất thường bất đoạn,
bất lai bất khứ.
Trong thực tiễn, Thích Ca Mâu Ni đề xuất “Bát Chính Đạo”, vừa phản đối chủ
nghĩa khoái lạc lại phản đối chủ nghĩa khổ hạnh, đề xướng Trung Đạo Hạnh bất khổ
bất lạc, tức tư duy, lời nói, hành vi, ý chí, đời sống … của con người đều nên vừa
phải, giữ ở mức ở giữa không lệch bên nào.
Vì vạn pháp là Duyên khởi, được xác định trong mối quan hệ, cho nên có tính
“Vô ngã”, tức vừa không có Tự tánh, không có tánh thực thể, cũng tức là bản tánh,
bản chất là Không. Đây là bản nghĩa của Không. Vạn pháp nếu xác lập trong mối
quan hệ cũng tất nhiên là một quá trình biến đổi hỗ động, có tính “Vô thường”, sinh
diệt vô thường, cũng là Không. Từ đó có thể nói do Duyên Khởi mà tính Không,
Duyên Khởi tức tính Không, Duyên Khởi và tính Không là đồng nghĩa ngữ. Không

lại chia làm hai loại Nhân Không và Pháp Không. Nhân (người) Không cũng gọi là
Ngã Không, là sự nhân vụ tự tánh của chủ thể; Pháp Không là sự pháp vụ tự tánh
của khách thể. Về vấn đề chư pháp có hay không có thực thể, tức cách nhìn mối liên
hệ và phân biệt Duyên Khởi với Thực hữu, sự vật với tự tánh, hiện tượng với bản
7
8
chất. Đây là vấn đề vô cùng phức tạp. Tuy rằng nói về tổng thể thì các phái Phật
Giáo đều thừa nhận thuyết Duyên Khởi tính Không. [5]
Từ các điều nói trên có thể hiểu: xét về mặt hiện tượng, Duyên khởi pháp là tồn
tại, là có (hữu); xét về mặt bản chất của Duyên khởi pháp, là không tồn tại, là
Không. Có (hữu) và Không là cách nhìn hai mặt với một sự vật, đó chính là Trung
Đạo.
1.2 Nhân sinh quan
1.2.1 Tứ diệu đế
Nền tảng của Phật giáo là bốn Chân Lý (Tứ diệu đế) có thể kiểm nhận bằng
kinh nghiệm, Tứ Diệu Đế gắn liền với cuộc sống con người, và do Đức Phật khám
phá và tự bản thân tìm thấy. Tứ Diệu Đế bao gồm: Khổ thánh đế, Tập khổ thánh đế,
Diệt khổ thánh đế, và Đạo diệt khổ thánh đế.
Khổ thánh đế, còn gọi là Khổ đế, là chân lý đầu tiên, đề cập đến những thành
phần cấu tạo bản ngã, hay cái được gọi là cá nhân và những giai đoạn khác nhau
trong đời sống. Các thành phần này cần phải được phân tích, xem xét tỉ mỉ và quan
sát. Sự quan sát này dẫn đến việc hiểu biết mình một cách chân chính. Đức Phật
giảng: “Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống chung với người
mình không ưa thích là khổ, xa lìa những người thân yêu là khổ, mong muốn mà
không được là khổ, tóm lại, chấp thân ngũ uẩn là khổ” [2, tr. 101]
Tập thánh đế, hay Tập đế là chân lý thứ nhì nói về nguồn gốc của đau khổ,.
Chân lý này có liên quan đến một năng lực hùng hậu luôn ngủ ngầm bên trong con
người là “ái dục”. Chính năng lực tinh thần hùng hậu ấy là nguyên nhân đưa đến tất
cả những bất hạnh trong đời sống. Đức Phật giảng: “Hỡi các Tỳ khưu, đây là chân
lý thâm diệu về nguồn gốc của đau khổ. Chính Ái Dục là nguyên nhân đưa đến sự

tái sanh. Ái hợp với tâm thiết tha khao khát, bám víu cái này hay cái kia. Chính là
8
9
Ái đeo níu theo nhục dục ngũ trần, Ái đeo níu theo sự sinh tồn, và Ái đeo níu theo sự
không sinh Tồn.” [2, tr. 101-102].
Như vậy dứt bỏ được cái nguyên nhân của đau khổ là đạt được sự siêu thoát
hoàn toàn. Từ đó Đúc Phật đưa ra chân lý thứ 3 là Diệt khổ thánh đế. Hai chân lý
đầu tiên là tại thế, thuộc về thế gian, còn chân lý thứ 3 là siêu thế và vượt hẳn ra
ngoài phạm vi luân lý. Diệt đế không phải là trường hợp khước từ những trần cảnh
bên ngoài, mà là dứt bỏ mọi luyến ái bên trong đối với thế gian bên ngoài. Phật
giảng: “đây là chân lý thâm diệu về sự diệt khổ, đó là xa lánh trọn vẹn và tận diệt
chính tâm ái dục ấy. Đó là sự từ bỏ, sự khước từ, sự thoát ly và sự tách rời ra khỏi
tâm ái dục.” [2, tr. 102].
Diệt đế được thành tựu bằng tận diệt trọn vẹn mọi luyến ái, và để đạt được
thành tựu của Diệt đế cần phải trau dồi và phát triển đế thứ tư, đó chính là tám con
đường để diệt ái dục, còn gọi là Bát Chính Đạo là con đường duy nhất dẫn đến Niết
Bàn. Con đường này tránh xa cực đoan ép xác khổ hạnh làm suy giảm trí tuệ, và cực
đoan lợi dưỡng, làm chậm trễ mọi tiến bộ tinh thần. Bát Chính đạo gồm 8 yếu tố:
chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn,
chánh niệm và chánh định. Tám yếu tố này đều thuộc về tinh thần, hùng mạnh và có
tính cách thiện, phải được tập trung để đánh đổ mọi năng lực bất thiện ngủ ngầm
bên trong ta.
Như vậy Đức Phật tìm ra Tứ diệu đế nhằm hướng đến một cái tâm tuyệt đối
tinh khiết, hoàn toàn thoát ra khỏi mọi tiến trình sinh tử triền miên, không còn
vướng chút ô nhiễm và đi vào trạng thái bất diệt.
1.2.2 Nhân quả
Duyên Khởi nói nhân duyên hoà hợp mà sinh ra “Quả”. Cái có thể sinh kết quả
là Nhân, cái do nguyên nhân mà sinh là kết quả. Về thời gian thì Nhân trước, Quả
sau. Nhân Quả tồn tại trong diễn biến trước sau nối nhau, trong sự hòa hợp liên quan
9

10
đến nhau. Có nguyên nhân thì tất có kết quả; có kết quả tất có nguyên nhân. Mọi sự
vật đều biến đổi sinh diệt theo phép Nhân Quả. Luật Nhân Quả là lý luận cơ bản
Phật Giáo dùng để giải thích mối quan hệ tương hỗ của mọi sự vật. Dựa vào phép
Duyên Khởi, PG tiến thêm một bước đưa ra tư tưởng Nhân Quả Báo Ứng nhằm giải
thích mối quan hệ giữa hoạt động thân tâm (thể xác và tinh thần) của các chúng sinh
với kết quả. Về luân lý, thuyết Nhân Quả trình bày thuyết thiện có thiện báo, ác có
ác báo, tức thiện Nhân lạc Quả, ác Nhân khổ Quả, cho ta cơ sở tư tưởng vững chắc
và hữu hiệu để quảng đại tín đồ tu trì đạo đức bỏ ác theo thiện.
Phật giáo cho rằng hoạt động thân tâm của chúng sinh không những đem lại
quả báo cho chính mình mà cũng mang lại quả báo cho không gian, môi trường sinh
tồn của sinh mệnh; từ đó lại chia quả báo ra làm hai loại Chính Báo và Y Báo (Y
nghĩa là dựa vào, theo). Chính Báo là nói thân tâm chúng sinh chiêu cảm được dựa
theo nghiệp nhân trong quá khứ, tức sự tồn tại sinh mạng cụ thể là chủ thể, là chánh
thể của quả báo trực tiếp. Y Báo là nói sự tồn tại sinh mệnh chúng sinh chiêu cảm
được dựa theo túc nghiệp trong quá khứ; sự tồn tại đó dựa vào ngoại vật, hoàn cảnh,
gồm quần áo, nhà ở, đất đai sông núi và toàn bộ thế giới xung quanh.
Các tư tưởng quả báo này của Phật giáo thể hiện sự hiểu rõ mối quan hệ Duyên
Khởi đối với mối quan hệ tương hỗ giữa thế giới chủ thể và thế giới khách thể, thế
giới chủ quan và thế giới khách quan, thể hiện sự quan tâm đối với kết quả hoạt
động của các loại chúng sinh, sự quan tâm đối với môi trường tự nhiên, môi trường
sống.
1.2.3 Luân hồi – Thập Nhị Nhân Duyên
Thập Nhị Nhân Duyên là mười hai nguyên nhân tương thuộc đã gây ra nghiệp
luân hồi, nhờ đó ta mới giải rõ được hoạt động của nghiệp lực. Nó nằm trong hai đế
đầu của Tứ Diệu Đế tức Khổ Đế và Tập Đế. Còn Diệt Đế và Đạo Đế thì thuộc về
10
11
giải thoát luận. Thập Nhị Nhân Duyên có hai pháp môn là “Pháp môn lưu chuyển”
và “pháp môn hoàn diệt”.

“Pháp môn lưu chuyển để giải thích nguồn gốc của luân hồi, theo đó có 12
nhân duyên cứ xoay vòng, cài này chuyển qua cái kia, bao gồm: 1. Vô minh, 2.
Hành, 3. Thức, 4. Danh sắc, 5. Lục nhập, 6. Xúc, 7. Thụ, 8. Ái, 9. Thủ, 10. Hữu, 11.
Sinh, 12. Lão, tử. Pháp môn này giải thích “sự phát sinh của một trạng thái tùy thuộc
nơi trạng thái trước kế đó”.
“Pháp môn hoàn diệt” chỉ bày phép đoạn trừ nguồn gốc luân hồi. Trong 12
nhân duyên thì Vô Minh là nguyên nhân chính làm động lực thúc đẩy, chuyển động
bánh xe luân hồi. Vô Minh là không nhận thức được thực tướng của vạn pháp, hay
không thấu đáo hiểu biết chân tướng của chính mình, Vô Minh như lớp mây bao
phủ, che lấp mọi hiểu biết chân chính. Chỉ khi nào Vô Minh bị phá tan, thì bánh xe
luân hồi cũng ngừng quay, và mọi vấn đề nhân quả cũng chấm dứt. Chính vì vậy
Phật Giáo chủ trương phải phá bỏ Vô Minh để vượt khỏi vòng sinh tử.
Chương 2 – Những giá trị của Phật Giáo và những hạn chế của Phật Giáo
Trong chương 1, chúng ta đã thấy được các tư tưởng căn bản của Phật giáo, tất
cả những tư tưởng này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tinh thần của con
người, thể hiện rõ ràng và gần gũi nhất chính là ở giá trị giáo dục và giá trị nhân bản
mà Phật giáo đem lại. Bên cạnh đó, có một giá trị đặc biệt mà ít người nhận thấy ở
Phật giáo, chính là giá trị khoa học; thể hiện ở những điểm tương đồng của khoa học
và Phật giáo. Chúng ta sẽ qua chương 2 “giá trị của Phật giáo” để hiểu rõ hơn về
những nhận định nói trên.
11
12
2.1 Những giá trị của Phật giáo
2.1.1 Giá trị giáo dục của Phật giáo
Đức Phật đã từng dạy: Một hạnh phúc vĩnh cửu chỉ sống mạnh trong một tâm
hồn giải thoát và tâm hồn giải thoát chỉ có thể thực hiện một khi cá nhân chịu
nhường bước. Một bản ngã đứng tách riêng ra ngoài là không thể tồn tại khỏe mạnh
được. Đó là mục đích giáo dục con người hoàn thiện cả về tài lẫn đức trong một xã
hội văn minh. [4]. Cụ thể tính giáo dục của Phật Giáo thể hiện ở việc:
- Giáo dục con người sống có đạo đức và đạt được hạnh phúc: Đức Phật chỉ

rõ căn nguyên của khổ đau là do tham, sân, si, và giải thích nguồn gốc của luân hồi
băng thập nhị nhân duyên, trong đó “vô minh” là nguyên nhân chính, từ đó người
khẳng định con đường diệt khổ đó là “trung đạo”, “bát chính đạo” , con đường
thoát khỏi luân hồi là diệt bỏ vô minh. Giáo lý của Phật đầy thuyết phục và hướng
con người đến nếp sống thiện lánh xa cái ác. [4]
- Xây dựng một xã hội văn minh, hòa bình và hạnh phúc: xã hội ngày càng
biến đổi, đạo đức con người dần bị tha hóa, con người chạy theo lợi ích cá nhân.
Bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn sát xảy ra chỉ vì lòng tham, sự ích kỷ của con người.
Để hết chiến tranh, xây dựng xã hội hòa bình, con người phải loại bỏ lòng tham, sự
hận thù, và sự cố chấp. Tư tưởng giáo dục này cũng có ý nghĩa quan trọng trong
công cuộc đổi mới của Việt Nam, nhằm xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà
bản sắc dân tộc, mà trong đó quần chúng nhân dân là hạt nhân cơ bản để xây dựng
nên tòa lâu đài văn minh của xã hội.
2.1.2 Giá trị khoa học của Phật giáo
Phật giáo không thừa nhận thần linh, đồng thời lên án những tín ngưỡng mê
tín, bài trừ những tư tưởng không xác thật. Khoa học phát triển ngày càng cho thấy
sự gần gũi của Phật Giáo với khoa học, những thành tựu của khoa học đã dần đem
khoa học vào quỹ đạo của Phật giáo, bởi vì Phật giáo không phải là tôn giáo thuần
12
13
tín ngưỡng, mà là tôn giáo của lý trí. Cho nên nghiên cứu Phật giáo trên lập trường
khoa học, có thể soi sáng cho nhân loại trên hành trình tìm cầu chân lý. Đại sư Thái
Hư từng nói: “Khoa học càng phát triển, tức là hiển bày ý nghĩa chân thật của Phật
giáo”.
Phật giáo không chấp nhận bất cứ một sự vật nào tồn tại độc lập. Ngay cả
thời gian và không gian cũng không thể thường hằng bất biến. Kinh Hoa Nghiêm
nói : “ Ngay đầu sợi lông, hiện bày mười phương, ngồi trong hạt bụi, chuyển đại
pháp luân”. Đây là khái niệm về thời gian và không gian của Phật giáo. Thời gian và
không gian chẳng những thay đổi theo nhịp độ của vật chất, mà còn chuyển đổi theo
từng tâm niệm của chúng ta. Trước kia, các nhà khoa học cho rằng thời gian và

không gian hoàn toàn độc lập, không liên hệ đến những nhân tố khác, sau đó
Einstein nhà khoa học cận đại đưa ra khái niệm về thời gian và không gian khác hẳn
với quan niệm trên, ông ta cho rằng không gian không thể tồn tại độc lập, mà nó vẫn
thay đổi theo nhịp độ của vật chất. Về thời gian ông cho rằng cũng là tương đối, nếu
chúng ta ngồi trên chiếc phi cơ nào đó, đạt đến vận tốc nhanh hơn gấp mấy lần vận
tốc ánh sáng, thì sẽ đuổi kịp ánh sáng của quả địa cầu trước kia, đồng thời chúng ta
cũng nhìn thấy được những việc xảy ra ở mấy ngàn năm trước.
Tôn Trung Sơn nói : “ Phật học là mẹ của triết học, nghiên cứu Phật học có
thể bổ khuyết cho khoa học”. Học thuyết trước kia cho rằng, địa cầu là trung tâm
của vũ trụ, đứng yên không chuyển động, mặt trời xoay chung quanh địa cầu. Lúc
đó theo trình độ nhận thức chung, quan điểm này được công nhận là chân lý hoàn
chỉnh nhất. Sau này Copernicus và Galile phản đối học thuyết trên, suýt chút nữa là
thiệt mạng. Trong khi đó Phật giáo miêu tả vũ trụ cách đây mấy ngàn năm, lại phù
hợp với khoa học hiện đại. Phật giáo cho rằng một ngàn thái dương hệ bằng một tiểu
thiên thế giới, một ngàn tiểu thiên thế giới bằng một trung thiên thế giới, một ngàn
trung thiên thế giới bằng một đại thiên thế giới. Mỗi đại thiên thế giới bằng một
13
14
quốc độ Phật. Như thế một quốc độ Phật có một tỷ thái dương hệ, tương đương với
một dãy tinh vân trong thiên văn học. [3]
Mặt khác, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, đức Phật cũng đã từng nói
với chúng ta, thân này là một vi trùng, có tám mươi loại khác nhau. Trong kinh “ Trị
Thiền Bệnh Bí Yếu” và kinh “Chánh Pháp Niệm Xứ”, đức Phật chẳng những nói ra
từng loại tên của vi trùng, mà còn miêu tả hình dáng và động tác của nó. Đức Phật
cũng nói trong ly nước có tám mươi bốn ngàn vi trùng. Đến hôm nay thông qua kính
hiển vi, chúng ta có thể nhìn thấy vô số vi trùng trong ly nước, và vô số vi trùng
trong thân thể của chúng ta. Như thế khoa học ngày nay đã chứng minh lời nói của
đức Phật.
Trong “Bát Nhã ba La Mật Đa Tâm Kinh” nói, “sắc tức là không”. Trước kia
ngành khoa học không chấp nhận vấn đề này, bởi vì họ cho rằng vật chất không liên

hệ nhau và thường trụ bất biến. Nhưng khi Einstein công bố công thức năng lượng
và vật chất giao biến, nói rõ một hạt vật chất sau khi huỷ diệt có thể biến thành năng
lượng long trời lở đất. Mãi đến khi những quả bom nguyên tử thành công, đã chứng
minh vật chất biến thành năng lượng.
Phật giáo chẳng những không phủ nhận sự tiến bộ của khoa học, mà còn
thừa nhận tính hợp lý của nó. Nếu theo cái nhìn của khoa học để lý giải diệu nghĩa
của Phật giáo, cũng có thể thấy rõ sự mê muội của nhân loại trước kia. Nhưng khoa
học chỉ đem lại sự thoả mãn về tri thức và dục vọng, lại thiếu vắng đạo đức, vì vậy
mà khoa học không hoàn toàn đem lại hạnh phúc cho con người mà mặt trái của nó
là mang đến những điều tang tóc và nguy hại, thậm chí còn tiêu diệt cả nhân loại.
Cho nên, bồi dưỡng đạo đức vẫn là việc không thể khiếm khuyết trong cuộc sống.
2.1.3 Giá trị nhân bản của Phật giáo
Đặc điểm nổi bật của giáo lý đạo Phật là chân thực gần gũi, phù hợp với mọi
tầng lớp trong xã hội. Bởi lẽ, con người là đối tượng giáo dục của Phật giáo mà mục
14
15
đích của giáo dục Phật giáo là hướng con người đến chân hạnh phúc, đến để thấy giá
trị đích thực của cuộc sống hiện tại. Vì thế, kinh điển đạo Phật có tư tưởng giáo dục
nhân bản rất cao: “Khi sự trung thực hướng về con người mô tả phát hiện, soi sáng
bao tình cảm khát vọng chính đáng của con người, giúp con người hiểu thêm về con
người, về cuộc sống để mà mến yêu, trân trọng thì chính đó là nhân bản”.
Giá trị nhân bản luôn luôn phản ánh hiện thực một cách khách quan, đánh giá
con người và quốc độ mà con người đang hiện hữu rất cụ thể. Giáo dục nhân bản là
giúp con người giao tiếp với thực tại, với cái chất người đang tràn trong hiện tại và
tại đây. Theo Phật giáo, quá khứ và tương lai đều phi thực, đều ảo giác; càng truy
tìm quá khứ lại càng rối rắm thêm, càng suy nghĩ vọng tưởng tương lai càng đau đầu
uổng công mà vẫn không có giải pháp nào đúng cả. Vạn pháp duyên sinh trùng
trùng, điệp điệp, không có đầu mối cũng không có chung cuộc. Con người tự làm
chủ mình bằng lý trí, bằng trí tuệ không nô lệ bất cứ một hoàn cảnh đối tượng nào,
không bị dục vọng, tham ái chi phối.

Đức Phật dạy: “Hãy tự là ngọn đèn cho chính mình, không y tựa một cái gì
khác. Dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác”. Với
lời dạy này, Đức Phật muốn con người tự làm chủ mình, tự tại, không nô lệ vào bất
cứ đối tượng nào; bằng trí tuệ, bằng kiến thức, bằng quan điểm đúng đắn, bằng cái
nhìn chân thật, con người tự định hướng cho chính mình, tự mình đi ra khỏi khổ
đau. Cái giá trị lớn lao là đánh giá trong thực tại cuộc sống của con người, hướng
con người đến chỗ an lạc, chỉ có con người xác quyết một niềm tin chân chánh, tin
tưởng chính mình, mình chính là hòn đảo không bị chìm đắm trong đại dương phiền
muộn của dục vọng, không bị chôn vùi trong hiện tại.
15
16
2.2 Những hạn chế của Phật giáo
2.2.1 Cái nhìn bi quan về thế giới và con người.
Phật giáo tiếp cận thế giới, con người với cái nhìn bi quan, thương cảm. Bản
thân Tứ Diệu Đế là sự minh chứng rõ nhất cho điều này khi Khổ Đế được đề cập
đến đầu tiên. Theo đó việc chúng ta được sinh ra đời, phải tiếp xúc, tồn tại trong cái
thế giới này đã là khổ rồi.
Tiếp cận dưới góc nhìn của tư tưởng Phật Giáo thì sự cố chấp, tham lam, ái dục
của con người chính là nguồn gốc, là nguyên nhân của mọi đau khổ. Song với góc
nhìn của một con người đang sống, đang tồn tại, đang ăn và hít thở không khí…thì
không phải lúc nào cũng cần tới sự tư duy thấu triệt và cực đoan như thế. Không thể
chối cãi rằng chúng ta tồn tại và phấn đấu không đơn thuần vì bản năng sinh tồn, mà
còn để cho sự tồn tại của mình trong dòng chảy vô thường của sự sống sao cho có ý
nghĩa. Chúng ta phấn chấn, hạnh phúc, hồ hởi khi sự tồn tại của chúng ta được ghi
nhận và thừa nhận về ý nghĩa.
2.2.2 Chủ trương tinh thần là trung tâm (ko chú trọng phát triển vật chất)
Hạn chế thứ hai của Phật giáo là đề ra phương thức giải quyết tất cả những nỗi
khổ đều xuất phát từ ý thức, tâm linh, từ sự rèn luyện về tinh thần tức là những yếu
tố bên trong, những yếu tố duy tâm của con người. Tức là xét từ gốc độ sống tích
cực, đã quay lưng lại với hiện thực và để con người tuyệt giao với hiện thực bằng

cách triệt tiêu tất cả lòng ham muốn của bản thân. Chính vì hạn chế này mà triết học
Phật Giáo nhuốm màu duy tâm thần bí.
Phật giáo không cho thấy được khả năng cải tạo thế giới của con người, và
không đem đến cho con người khả năng cải tạo thế giới, phát triển vật chất. Tách
biệt mối quan hệ con người với thế giới tự nhiên. Chính điều này đã làm Phật Giáo
xa rời với hiện thực khách quan, và đem đến cho con người cuộc sống có phần tiêu
cực.
16
17
Kết luận
Phật giáo đã ra đời trong một thực tại đa diện, phồn tạp của nền văn minh Ấn
Độ, xuất hiện để dung hòa các trào lưu tư tưởng đối nghịch, để san bằng những ngăn
cách xã hội giữa các đẳng cấp. Rồi từ những căn bản đó, Phật giáo đã duỗi dài
nguyên lý vào cuộc sống con người khắp mọi nơi. Trong cội rễ sâu xa, ngay từ khởi
thủy tư tưởng giáo dục của triết lý Phật giáo đã mang trong mình những giá trị nhân
bản chung toàn nhân loại. Đặc trưng cơ bản nhất đó là tính toàn vũ trụ, toàn diện,
tổng hợp. Trong đó lòng Từ bi – Bình đẳng – Vô ngã cùng sự hướng thiện mà đạo
Phật muốn giáo dục con người với mục đích “cứu khổ” là quan trọng nhất.
Phật giáo ngày nay được thừa nhận là tôn giáo của khoa học. Và nhận định
này xuất phát từ đặc trưng của Phật giáo, đó là Phật giáo chẳng những không phủ
nhận sự tiến bộ của khoa học, mà còn thừa nhận tính hợp lý của nó. Và để Phật giáo
trở nên thực tiễn, gần gũi và mang tính thuyết phục cao hơn, các nhà Phật học ngày
nay đã mượn cái nhìn của khoa học để lý giải diệu nghĩa của Phật giáo. Khoa học đã
đem lại cho con người nhiều lợi ích, nhưng khi thiếu vắng đạo đức thì khoa học chỉ
đem lại sự thoả mãn về tri thức và dục vọng, và mặt trái của nó là những nguy cơ
cho nhân loại. Trong khi đó Phật giáo lại hết sức đề cao đạo đức, và chỉ khi nào tri
thức kết hợp với đạo đức thì mới thật sự đem lại sự cân bằng, sự phát triển bền vững
và hạnh phúc thực sự cho nhân loại.
Càng tìm hiểu sâu về Phật giáo chúng ta càng cảm nhận được những giá trị to
lớn mà Phật giáo đem lại, đến với Phật giáo, con người tìm được sự yên bình, đó

chính là những khoảng lặng, là những giây phút để chúng ta quên đi bao bộn bề lo
toan và khó khăn của cuộc sống, đó là khi ta có cơ hội nhìn nhận lại bản thân mình
để rồi đưa ra những điểu chỉnh cân bằng cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
Đến với Phật giáo không phải để nhận được hạnh phúc đâu đó xa vời trong kiếp
khác, mà là để đạt được “hạnh phúc trong thực tại”.
17
18
Danh mục tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Duy Cần – Phật Học Tinh Hoa – NXB TP Hồ Chí Minh – 1997
[2] Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Đức Phật và Phật pháp – NXB Tôn giáo – 2005
[3] Thích Chiếu Sáng – Phật giáo và một số thành tựu của khoa học – Tuần báo giác
ngộ số 180, trang 14
/>[4] Phạm Thị Thu Thủy - Giá trị giáo dục của Phật giáo trong xã hội hôm nay – 2007
/>[5] Các tư tưởng cơ bản của triết học Phật giáo
/>18

×