Tải bản đầy đủ (.pdf) (108 trang)

Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (691.16 KB, 108 trang )

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM







VŨ NGỌC KIM






ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT MA TRƢỜNG NGUYÊN


Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số : 60220121




LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN




Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Đào Thủy Nguyên







Thái Nguyên, năm 2013

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

i
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các nội
dung nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ
công trình nào khác.

Thái Nguyên, tháng 4 năm 2013
TÁC GIẢ LUẬN VĂN



Vũ Ngọc Kim



















Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

ii
LỜI CẢM ƠN
Bằng sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc, em xin chân thành cảm ơn
PGS.TS Đào Thủy Nguyên, người đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ em
trong suốt quá trình thực hiện luận văn.
Xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo khoa Ngữ văn, khoa Sau đại
học, cán bộ phòng quản lý khoa học trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái
Nguyên đã tạo điều kiện thuận lợi cho em trong suốt quá trình học tập, nghiên
cứu tại trường.
Xin chân thành cảm ơn nhà văn Ma Trường Nguyên đã tạo điều kiện
giúp đỡ để tôi hoàn thành luận văn này.
Xin được bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Ban giám hiệu trường Trung
học phổ thông Lộc Bình, đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và những người thân
đã động viên, quan tâm, chia sẻ và tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi hoàn thành
tốt khoá học.

Thái Nguyên, tháng 4 năm 2013
TÁC GIẢ LUẬN VĂN



Vũ Ngọc Kim








Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

iii
MỤC LỤC
Trang
Lời cam đoan i
Lời cảm ơn ii
Mục lục iii
Phần mở đầu 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 6
4. Nhiệm vụ nghiên cứu 7
5. Phương pháp nghiên cứu 7
6. Bố cục của luận văn 7
Phần nội dung 8

Chương 1: Văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại và tiểu thuyết của Ma
Trường Nguyên 8
1.1. Khái quát về văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại 8
1.1.1. Sự phát triển lực lượng sáng tác văn xuôi dân tộc thiểu số 8
1.1.2. Sự phát triển trên các phương diện đề tài, chủ đề của văn xuôi các dân tộc thiểu số 11
1.1.3. Đặc điểm cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ văn xuôi dân tộc thiểu số 15
1.1.3.1. Đặc điểm cốt truyện 15
1.1.3.2. Đặc điểm nhân vật 17
1.1.3.3. Đặc điểm ngôn ngữ 20
1.2. Nhà văn Ma Trường Nguyên - cuộc đời, con người và sự nghiệp sáng tác 22
1.2.1. Vài nét về cuộc đời và con người nhà văn Ma Trường Nguyên 22
1.2.2. Tiểu thuyết trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Ma Trường Nguyên 23
Chương 2: Những cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên 28
2.1. Một số khái niệm liên quan 28
2.1.1. Khái niệm tiểu thuyết 28
2.1.2. Khái niệm cảm hứng chủ đạo 29

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

iv
2.2. Cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên 30
2.2.1. Cảm hứng về hiện thực cuộc sống và văn hóa miền núi 30
2.2.1.1. Cuộc sống cũ nghèo khổ, nhiều đau thương 30
2.2.1.2. Cuộc đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, xóa bỏ lối sống lạc hậu 32
2.2.1.3. Văn hóa miền núi với những phong tục, tập quán, lễ hội mang đậm bản sắc
dân tộc 36
2.2.2. Cảm hứng nhân đạo hướng về con người miền núi 43
2.2.2.1. Cảm thương với những số phận bi kịch của con người miền núi 43
2.2.2.2. Ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người miền núi 48
2.2.2.3. Phê phán những cái xấu, cái ác trong đời sống 53

2.2.2.4. Trân trọng những khát vọng tự do trong tình yêu của con người miền núi 56
2.2.3. Cảm hứng trữ tình về thiên nhiên miền núi 59
Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên 64
3.1. Cốt truyện và các yếu tố ngoài cốt truyện ……………………………………… 64
3.1.1. Cốt truyện 64
3.1.2. Yếu tố ngoài cốt truyện 70
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 74
3.2.1. Khái niệm nhân vật văn học 74
3.2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên 75
3.2.2.1. Khắc họa nhân vật qua ngoại hình 76
3.2.2.2. Khắc họa nhân vật qua đời sống nội tâm 79
3.2.2.3. Khắc họa nhân vật qua các tình huống thử thách 83
3.3. Nghệ thuật ngôn từ 87
3.3.1. Sử dụng hệ thống từ ngữ gắn với cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi 88
3.3.2. Câu văn ngắn gọn, giản dị, thể hiện lối tư duy của người miền núi 91
3.3.3. Thủ pháp so sánh ví von giàu hình ảnh 93
Kết luận 98
Thƣ mục tài liệu tham khảo 101

1
PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
1.1. Văn học dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn học
Việt Nam. Cùng với văn học dân tộc Kinh, “văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam
đã góp phần xứng đáng vào công cuộc cách mạng, cuộc kháng chiến chống Pháp,
chống Mĩ và xây dựng chủ nghĩa xã hội và trở thành một bộ phận không thể thiếu
của nền văn học Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[32]. Trải qua hơn nửa thế kỉ hình
thành và phát triển, văn học dân tộc thiểu số Việt Nam đã thực sự trở thành một bộ
phận khăng khít, độc đáo, đặc sắc và có đóng góp lớn, tạo nên diện mạo chung của

nền văn học dân tộc. Nhiều tác phẩm văn học dân tộc thiểu số đã giành được những
giải thưởng cao, được dư luận xã hội quan tâm và đón nhận.
1.2. Ma Trường Nguyên là một nhà văn người dân tộc thiểu số. Miệt mài
“trên cánh đồng chữ nghĩa”, viết như “con tằm trả nghĩa dâu tươi” cho dân tộc, quê
hương đất nước, tính đến nay ông đã cho ra đời 20 đầu sách (8 tiểu thuyết, 6 tập
thơ, 1 trường ca, 1 truyện thiếu nhi, 1 tự truyện, 1 tập ký, 2 tập tiểu luận và phê
bình). Sáng tác của nhà văn dân tộc Tày Ma Trường Nguyên mang đậm hơi thở
cuộc sống và con người miền núi với những yếu tố nghệ thuật mang đậm bản sắc
dân tộc. Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn
học.
Trong lĩnh vực tiểu thuyết, Ma Trường Nguyên đã gặt hái khá nhiều thành
công. Ông được nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ
thuật Việt Nam với tiểu thuyết Rễ người dài, giải B Giải thưởng Văn học nghệ
thuật 5 năm (1992-1997) của tỉnh Thái Nguyên cho tiểu thuyết Mũi tên ám khói,
giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm (1997-2002) của tỉnh Thái Nguyên
cho tiểu thuyết Mùa hoa hải đường. Những thành tựu đó phần nào cho thấy chiều
sâu và bề dày sáng tạo của nhà văn ở lĩnh vực tiểu thuyết. Tuy nhiên, cho đến nay
vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện về thể loại
tiểu thuyết trong sự nghiệp sáng tác của Ma Trường Nguyên. Vì thế nghiên cứu về
đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên là một việc làm cần thiết.

2
1.3. Thể hiện sự quan tâm đối với văn hóa, văn học dân tộc thiểu số, ngày
20/10/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Chỉ thị số 194/CT-BVHTTDL
về việc tổ chức triển khai thực hiện đề án “ Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân
tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Nội dung Chỉ thị nêu rõ một công việc cần
thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 là: “Giới thiệu quảng bá các tác phẩm văn
học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số”.
Với lòng yêu mến văn học dân tộc thiểu số, với mong muốn được giới thiệu,
quảng bá về các tác phẩm văn học và các nhà văn dân tộc thiểu số mà Ma Trường

Nguyên là một đại diện khá tiêu biểu, chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài “Đặc điểm
tiểu thuyết Ma Trường Nguyên”.
2. Lịch sử vấn đề
Văn học dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể thiếu của nền văn học dân
tộc, song cho đến nay các nhà nghiên cứu, phê bình vẫn chưa quan tâm đúng mức
tới bộ phận văn học này. Người ta dễ dàng nhận ra rằng mảng nghiên cứu văn học
dân tộc thiểu số vẫn còn thiếu cả bề rộng và bề sâu, hiện còn nhiều khoảng trống.
Trong tình hình chung ấy, tiểu thuyết của nhà văn Ma Trường Nguyên chưa thực sự
được nhiều người quan tâm cũng là điều dễ hiểu. Đến nay vẫn chưa có nhiều tài liệu
nghiên cứu về tiểu thuyết của ông. Có thể kể đến một số bài viết, công trình nghiên
cứu về tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên được đăng trên sách báo, kỉ yếu hội thảo
văn học, luận văn tốt nghiệp đại học, đề tài nghiên cứu khoa học của các tác giả
Lâm Tiến, Trần Thị Nương, Bùi Như Lan, Trần Văn Tác, Vũ Đình Toàn, Trần Thị
Hạnh, Nguyễn Thị Lan Trong các tài liệu nghiên cứu ấy, các tác giả đã có những
nghiên cứu, đánh giá khái quát về tiểu thuyết Ma Trường Nguyên trên hai phương
diện nội dung và nghệ thuật.
Về phương diện nội dung:
Cảm hứng về con người, thiên nhiên, cuộc sống văn hóa miền núi và tình yêu
lứa đôi trong nội dung tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên đã được một số tác giả
đề cập đến. Về vấn đề thân phận và phẩm chất của con người miền núi trong tiểu
thuyết của Ma Trường Nguyên, tác giả Trần Thị Nương viết: “Ta gặp trong các tác

3
phẩm của ông các thế hệ, những thân phận con người miền núi vừa chân thật, cần
mẫn, vừa đằm thắm sâu nặng nghĩa tình” và “họ không bằng lòng với nghèo nàn,
lạc hậu, ham học hỏi, quyết đoán vượt lên trên hoàn cảnh và số phận để gieo những
hạt giống ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp” [27]. Tác giả Lâm Tiến đã nhận ra
trong sáng tác của nhà văn Ma Trường Nguyên có nguồn cảm hứng “về những cuộc
đời, những số phận con người với niềm khát khao mãnh liệt về tình yêu và hạnh
phúc. Trong đó nổi bật là tình yêu đôi lứa” [34, tr.3]. Và, theo nhà nghiên cứu,

những con người trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên“không những đẹp trong tình
yêu mà ngay cả con người họ cũng rất đẹp, nhất là đối với nhân vật nữ, không
những đẹp về mặt hình thức mà còn có sức sống mạnh mẽ về mặt nội tâm” [34, tr.4].
Thiên nhiên và cuộc sống văn hóa miền núi cũng được tác giả Lâm Tiến đề
cập đến trong bài tham luận Ma Trường Nguyên - nhà văn, nhà thơ tình xứ mây.
Trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên, những bức tranh thiên nhiên miền núi “ hiện
ra đẹp đẽ, thấm đậm tình người” [34, tr.4]. Và đặc biệt là “những buổi lễ hội, lễ
cưới, lễ kết tồng, lễ hội nàng trăng, hội giã cốm, những buổi hát lượn, những ngày
chợ phiên đều diễn ra rất đẹp, rất thơ mộng” [34, tr.4], “những phong tục, tập
quán, những lễ hội, lễ cưới, những câu chuyện cổ tích, huyền thoại hòa quyện
trong các trang viết làm tăng thêm sức sống, làm phong phú, sâu sắc thêm tâm hồn,
tính cách con người miền núi” [34, tr.5]. Theo tác giả Lâm Tiến, những trang văn về
con người, thiên nhiên, văn hóa miền núi trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên
có khởi nguồn từ “một tình yêu sâu đậm với con người, cuộc sống, thiên nhiên miền
núi” [34, tr.3].
Tác giả Vũ Đình Toàn cũng khẳng định nội dung tiểu thuyết của Ma Trường
Nguyên “không ngoài hai cảm hứng chính: tình yêu lứa đôi và vẻ đẹp của văn hóa
các dân tộc miền núi - chủ yếu qua văn hóa Tày - dân tộc xuất thân của anh. Hai
nguồn cảm hứng này luôn có mặt, đan xen, hòa quyện nhau trong từng cuốn truyện,
tựa vào nhau mà thăng hoa, phát sáng” [37, tr.37].
Cảm hứng nhân văn cũng là một khía cạnh trong nội dung tiểu thuyết Ma
Trường Nguyên được các nhà nghiên cứu quan tâm. Tác giả Trần Văn Tác khẳng

4
định: “Tiểu thuyết Gió hoang và Bến đời đã thành công trong việc khám phá thế
giới tâm hồn con người miền núi phong phú bằng niềm cảm thông sâu sắc. Nhà văn
đi vào đời tư, số phận của từng nhân vật. Nhà văn nâng niu từ hạnh phúc nhỏ nhoi,
nhà văn đớn đau trước sự rạn nứt hay tan vỡ của tình yêu, nhà văn phẫn uất trước
sự tráo trở hay phản trắc của con người. Ma Trường Nguyên nhìn đời tư bằng cái
nhìn nhân hậu có tính nhân văn sâu sắc” [30, tr.36]. Trong luận văn tốt nghiệp đại

học Hình tượng nhân vật phụ nữ trong một số tiểu thuyết của Ma Trường
Nguyên tác giả Trần Thị Hạnh cũng khẳng định: “Qua việc xây dựng hình tượng
người phụ nữ, tác giả thể hiện tình thương, sự cảm thông sâu sắc với số phận của
những người phụ nữ và dường như còn có chút gì đó là sự nể phục, trân trọng đối
với những phẩm chất cao quý của họ: đảm đang, tháo vát, giàu lòng vị tha, đức hi
sinh Họ tuy nghèo nhưng không hèn, luôn giữ được lòng tự trọng và có ý thức bảo
vệ nhân phẩm, càng khó khăn càng cố gắng vươn lên bằng ý chí và nghị lực, không
chịu khuất phục trước sóng gió cuộc đời” [5, tr.64].
Như vậy, về phương diện nội dung của tiểu thuyết Ma Trường Nguyên, một
số người nghiên cứu đã chú ý tới cảm hứng về cuộc sống, thiên nhiên, con người
miền núi và cảm hứng nhân văn. Tuy nhiên, vấn đề cảm hứng trong tiểu thuyết của
Ma Trường Nguyên mới chỉ được đề cập ở mức độ khái quát chứ chưa được nghiên
cứu, phân tích ở mức độ chuyên sâu. Chính vì thế, trong luận văn này, chúng tôi sẽ
nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện hơn về những cảm hứng chủ đạo trong
tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên.
Về phương diện nghệ thuật:
Cốt truyện và các yếu tố ngoài cốt truyện là một vấn đề được một số tác giả
đề cập đến. Tác giả Lâm Tiến có nhận xét về nghệ thuật tiểu thuyết Ma Trường
Nguyên, dù chỉ mới ở nhận xét hết sức khái quát: “Cấu trúc trong tiểu thuyết
thường có sự đan xen giữa các nhân vật, các sự kiện, giữa không gian và thời gian
làm cho câu chuyện khỏi đơn điệu. Những phong tục, tập quán, những lễ hội, lễ
cưới, những câu chuyện cổ tích, huyền thoại, hòa quyện trong các trang viết làm
tăng thêm sức sống, làm phong phú, sâu sắc thêm tâm hồn, tính cách con người

5
miền núi” [34, tr.5]. Trong đề tài nghiên cứu khoa học Đặc điểm tiểu thuyết của
Ma Trường Nguyên qua tiểu thuyết Rễ người dài, tác giả Nguyễn Thị Lan đã khai
thác và phân tích khá kĩ nghệ thuật xây dựng cốt truyện và các yếu tố ngoài cốt
truyện trong tiểu thuyết Rễ người dài của nhà văn Ma Trường Nguyên. Tuy nhiên,
công trình nghiên cứu này mới chỉ dừng ở việc khảo sát một trong tám cuốn tiểu

thuyết của nhà văn Ma Trường Nguyên.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên
được các tác giả Bùi Như Lan, Trần Thị Hạnh, Nguyễn Thị Lan quan tâm. Tác giả
Bùi Như Lan đã nhấn mạnh sự thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của
Ma Trường Nguyên. Đó là“thủ pháp nghệ thuật đồng hiện, bút pháp hiện thực, với
vài nét chấm phá ” [9, tr.21], là sự “khéo léo miêu tả môi trường thiên nhiên, kết
hợp nhuần nhuyễn với hoàn cảnh cộng hưởng trong thế giới nội tâm của nhân vật”,
là “lối viết chân phương, giản dị nhưng sâu sắc trong cách nhìn nhận, thể hiện và
khám phá đời sống nội tâm nhân vật” [9, tr.22]. Trong luận văn tốt nghiệp đại học
tác giả Trần Thị Hạnh khai thác nghệ thuật xây dựng nhân vật người phụ nữ trong
ba cuốn tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên là Gió hoang, Bến đời và Mùa hoa hải
đường. Đề tài nghiên cứu khoa học của tác giả Nguyễn Thị Lan nghiên cứu nghệ
thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Rễ người dài. Như vậy, có thể thấy: nghệ
thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên cũng chưa được
các tác giả nghiên cứu, khảo sát trên diện rộng trong toàn bộ hệ thống tiểu thuyết của
nhà văn mà chỉ mới dừng ở việc tìm hiểu một vài cuốn tiểu thuyết.
Nghệ thuật ngôn từ trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên được các tác
giả Vũ Đình Toàn và Nguyễn Thị Lan phát hiện và khai thác. Theo tác giả Vũ Đình
Toàn thì: “Nhà văn đã bộc lộ trực tiếp những phẩm chất tinh thần, những quan niệm
về thiên nhiên, xã hội của người miền núi qua ngôn ngữ nhân vật” và “Nhà văn đã
khai thác vẻ đẹp ngôn ngữ và kiểu tư duy độc đáo của người miền núi qua thành
ngữ, tục ngữ, ca dao dân ca” [37, tr.42]. Tác giả Nguyễn Thị Lan đã khai thác ngôn
từ nghệ thuật trong tiểu thuyết Rễ người dài theo hệ thống từ ngữ gắn với cuộc
sống và con người miền núi, ngôn từ giàu hình ảnh, giàu chất thơ. Tác giả khẳng

6
định: “Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên mang đậm dấu ấn Tày.
Ma Trường Nguyên chủ yếu sử dụng thứ ngôn ngữ tiếng Việt khá nhuần nhụy, uyển
chuyển mà không làm mất đi cách cảm, cách nghĩ, điệu hồn của người miền núi.
Đồng thời ngôn ngữ của Ma Trường Nguyên giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh so

sánh, đậm chất thơ ” [10, tr.86].
Như vậy, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy: Các công trình nghiên cứu về
tiểu thuyết Ma Trường Nguyên ít nhiều đã đề cập đến những đặc điểm nội dung và
nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một
công trình nào đi sâu nghiên cứu về đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên trên
cơ sở khảo sát toàn bộ các sáng tác của ông. Do vậy việc nghiên cứu mang tính chất
chuyên sâu và toàn diện về Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên là một việc
làm cần thiết.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên trên hai
phương diện nội dung và nghệ thuật.
- Phạm vi tài liệu nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu toàn bộ các tác phẩm
thuộc thể loại tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên.
Mũi tên ám khói (1991)
Gió hoang (1992)
Tình xứ mây (1993)
Trăng yêu (1993)
Bến đời (1995)
Rễ người dài (1996)
Mùa hoa hải đường (1998)
Phượng hoàng núi (2012)
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đọc thêm tiểu thuyết
của một số tác giả khác như: Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Triều Ân để so sánh đối
chiếu.


7
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn chỉ ra và làm rõ những đặc điểm của tiểu thuyết Ma Trường
Nguyên trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Từ đó góp phần khẳng định

nét riêng trong phong cách và vị trí của nhà văn đối với văn học các dân tộc thiểu số
nói riêng, với văn học Việt Nam hiện đại nói chung.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:
Phương pháp thống kê, phân loại
Phương pháp phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại
Phương pháp khái quát, tổng hợp
Phương pháp so sánh, đối chiếu
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Thư mục tài liệu tham khảo, nội dung luận
văn gồm ba chương:
Chương 1: Văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam và tiểu thuyết Ma Trường Nguyên.
Chương 2: Những cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên
Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên.













8
PHẦN NỘI DUNG


Chƣơng 1
VĂN XUÔI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
VÀ TIỂU THUYẾT CỦA MA TRƢỜNG NGUYÊN
1.1. Khái quát về văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại
Văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam là một nền văn xuôi còn rất trẻ. Bắt
đầu hình thành từ những năm 50 của thế kỉ XX, trải qua hơn 60 năm vận động và
phát triển, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã có được một đội ngũ người viết khá
đông đảo, đạt được một số thành tựu nhất định, góp phần làm giàu cho nền văn học
Việt Nam hiện đại. Với tâm huyết và sự tìm tòi không mệt mỏi của các cây bút, văn
xuôi dân tộc thiểu số đã có những đổi mới căn bản trên các phương diện đề tài, chủ
đề, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ,… theo hướng đa dạng, chuyên nghiệp, từng
bước bắt kịp với đời sống văn học chung của cả dân tộc. Không chỉ là làn gió mới
được phả ra từ những cây bút trẻ mà ngay cả những cây bút gạo cội ở mảng văn học
này cũng không ngừng cách tân, làm mới chính mình. Chúng tôi lựa chọn góc độ
bao quát sự phát triển của mảng văn học này từ những tiêu điểm cơ bản sau đây: sự
phát triển và đặc điểm của lực lượng sáng tác qua các giai đoạn; những đặc điểm
lớn trên phương diện đề tài, chủ đề; những đặc điểm về nghệ thuật xây dựng cốt
truyện, xây dựng nhân vật, ngôn ngữ.
1.1.1. Sự phát triển lực lượng sáng tác văn xuôi dân tộc thiểu số
Về lực lượng sáng tác, có thể nhận thấy số lượng tác giả văn xuôi dân tộc
thiểu số đã phát triển và ngày càng đông đảo. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945,
sự phát triển của mảng văn học này được khơi nguồn bởi những tác giả người Kinh.
Các nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Ngọc là những người có công trong việc
khai phá mảng đề tài dân tộc thiểu số đầy hứa hẹn này, đồng thời cũng là những
người đặt viên gạch đầu tiên cho một giai đoạn văn học mới, giai đoạn có sự đóng
góp và vai trò quan trọng của chính các nhà văn người dân tộc thiểu số. Những sáng
tác về đề tài miền núi của họ như những dấu ấn đầu tiên, thôi thúc nhu cầu cần phải
có một mảng văn học viết về đồng bào các dân tộc thiểu số do chính những người

9

con của các dân tộc ấy sáng tác. Đúng như Tô Hoài thừa nhận: “Cho tới nay tôi viết
một số tác phẩm đề tài miền núi. Các anh liệt sĩ (Hoàng Văn Thụ, Vừ A Dính), cuộc
chiến đấu của nhân dân Tây Bắc (Vợ chồng A Phủ, Họ Giàng ở Phiềng Sa). Tôi cho
rằng dẫu tôi đã cố gắng, nhưng những tác phẩm ấy chỉ đạt tới đôi nét chấm phá
của một bức kí họa thông qua cảm xúc mới mẻ của mình. Tôi không thể có được
tâm hồn và những hiểu biết để thể hiện như Đinh Ân (Mường), Vi Hồng (Tày), Mã
Thế Vinh (Nùng), Mã A Lềnh (Mông). Văn học các dân tộc thiểu số có thực sự
phong phú, lớn mạnh phải do chính các nhà văn dân tộc ấy xây dựng, góp phần vào
nền văn học đa dân tộc của chúng ta” [33, tr.19]. Sự khai phá, mở đường của các tác
giả người Kinh đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện và ngày càng trưởng thành của
hàng loạt các cây bút người dân tộc thiểu số. Bắt đầu là Nông Viết Toại với Boỏng
tàng tập éo (1952), tiếp đó là Nông Minh Châu với Ché Mèn được đi họp (1959),
Y Điêng với Em chờ bộ đội Awa Hồ (1960), Hoàng Hạc với Ké Nàm (1964), Triều
Ân với Tiếng khèn A pá (1968), Vi Thị Kim Bình với Những bông huệ (1968),…
Có thể nói, nhờ được đắm mình trong hiện thực lịch sử lớn lao, đầy say mê của dân
tộc và cách mạng, lại hợp lưu cùng tinh thần lãng mạn của thời đại, các nhà văn đã
sáng tạo nên những tác phẩm văn xuôi độc đáo, đầy chất thơ. Những con người
miền núi mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực, giàu tình yêu quê hương, yêu đời, yêu người
với một trái tim lãng mạn, hăng say đi từ khổ đau đến ánh sáng là mẫu nhân vật
trung tâm trong các tác phẩm văn xuôi giai đoạn này. Nói như các tác giả Trần Thị
Việt Trung, Cao Thị Hảo thì “đây là giai đoạn mà ý thức dân tộc được nâng cao
trong từng cây bút dân tộc thiểu số” [38, tr.77].
Kể từ sau năm 1975, khi hòa bình, thống nhất đất nước, và đặc biệt là từ sau
1986, lực lượng sáng tác văn xuôi dân tộc thiểu số đã có bước phát triển mạnh mẽ
về cả số lượng và chất lượng. Chính sự lao động miệt mài và tự đổi mới của các cây
bút thế hệ thứ nhất và thứ hai, và sự xuất hiện của những cây bút trẻ đầy nhiệt tình
và tâm huyết đã góp phần làm nên diện mạo mới cho mảng văn học quan trọng này.
Ở các vùng Việt Bắc và Tây Bắc là sự tiếp nối không ngừng của các thế hệ nhà văn.
Bắt đầu từ thời kì đổi mới, bên cạnh Triều Ân, Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Mã A


10
Lềnh, Sa Phong Ba những cây bút đang rất sung sức trong sáng tạo đã có sự xuất
hiện thêm nhiều gương mặt văn xuôi mới. Đó là các cây bút người Mường như Hà
Trung Nghĩa với Hoàng hôn (tập truyện, 1995) và Lửa trong rừng sa mu (tiểu
thuyết, 1996), Bùi Minh Chức với Sự tích một câu nói (tập truyện, 2001) và Hà Lý
với Ngọt đắng vị Mường (tập truyện, 2002). Trong lực lượng viết, tác giả người
Tày luôn chiếm số đông. Ngoài các nhà văn đã nêu như Vi Hồng, Ma Trường
Nguyên, Hà Lâm Kỳ, Bùi Thị Như Lan, Hữu Tiến, còn có Đoàn Lư với Kỉ niệm về
một dòng sông (tập truyện, 1997) và Ngựa hoang lột xác (tập truyện, 1998); Hoàng
Hữu Sang với Người đánh gấu trên núi Suối Mây (tập truyện, 1997) và Cửa rừng
(tiểu thuyết, 2000). Ngoài ra có thể kể đến các cây bút Tày khác như Hoàng Luận,
Nguyễn Minh Sơn, Hoàng Tương Lai, Đoàn Ngọc Minh, Vi Thị Thu Đạm, A
Sáng Đóng góp cho văn xuôi còn có các cây bút người Nùng như Hoàng Quảng
Uyên với Vọng tiếng non ngàn (kí, 2001), Địch Ngọc Lân với Ngôi đình bản
Chang (tiểu thuyết, 1999) và Hoa mí rừng (tiểu thuyết, 2001). Như vậy, cho đến
nay Việt Bắc và Tây Bắc vẫn là hai miền đất vàng của văn chương miền núi, nơi
ngưng tụ nguồn mạch chính của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tuy chưa
có được những tài năng xuất sắc, những phong cách đích thực, nhưng những cây
bút trên đã thực hiện được sứ mệnh nuôi giữ ngọn lửa văn chương của dân tộc
mình. Là nhà văn dân tộc Tày, hiện sống ở Hà Nội nhưng Cao Duy Sơn vẫn chung
thủy với đề tài miền núi. Với một hành trình từ Người lang thang (1992), Cực lạc
(1995), Những chuyện ở lũng Cô Sầu (1996), Hoa mận đỏ (1999), Những đám
mây hình người (2002), Đàn trời (2006) đến Ngôi nhà xưa bên suối (tập truyện
ngắn đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008, giải thưởng văn học
ASEAN năm 2009), Chòm ba nhà (2009), Cao Duy Sơn đã khắc vào tâm khảm bạn
đọc những dư vị sâu lắng về các mối quan hệ của con người với đủ đầy ân oán,
thiện ác, từ đó thể hiện những quan niệm nhân sinh, phương cách ứng xử nhân ái và
cao thượng.
Ở khu vực miền Trung, một số cây bút đại diện cho dân tộc mình cũng xuất
hiện. Đó là các cây bút dân tộc Thái ở Nghệ An như La Quán Miên với tập truyện


11
Hai người trở về bản (1996), Kha Thị Thường với tập truyện Lũ núi (2003) và
Lang Quốc Khánh với tập kí Những miền thương nhớ (2005). Truyện của La Quán
Miên đặt ra vấn đề nhân quả, báo ứng từ sự phá vỡ cân bằng trong mối quan hệ giữa
con người và tự nhiên, phát hiện cái bí ẩn thuộc về đời sống tâm linh ở miền núi.
Tôn trọng cõi tự nhiên linh thiêng, bảo tồn động vật hoang dã, đó là thông điệp mà
nhà văn đề xuất. Khu vực miền Trung còn có các cây bút dân tộc Mường ở Thanh
Hóa là Hà Thị Cẩm Anh và Bùi Nhị Lê. Qua tập truyện Nước mắt của đá (2005),
Hà Thị Cẩm Anh thể hiện sự cảm thông với những con người là nạn nhân của hủ
tục, định kiến ở bản mường. Và cũng như La Quán Miên, nữ nhà văn đã cất lời kêu
gọi bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên một cách đầy tâm huyết.
Ở Tây Nguyên trước kia chỉ có Y Điêng, nay có Hlinh Niê (tức Linh Nga
Niê Kđăm, người Êđê) với tập truyện Con rắn màu xanh da trời (1997) và tập kí
Trăng Xí Thoại (1999), Kim Nhất (người Bana) với các tập truyện Động rừng
(1999), Hồn ma núi (2002) và Niê Thanh Mai (người Êđê) với tập truyện Về bên
kia núi (2007).
Ở phía Nam, lần đầu tiên có sự xuất hiện tác phẩm văn xuôi của một số dân
tộc như truyện kí Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh (1994) của Lý
Lan (người Hoa), tiểu thuyết Chân dung cát (2006) của Inrasara (nhà thơ dân tộc
Chăm), tập truyện ngắn Chăm Hri (2008) của Trà Vigia (người Chăm).
Điểm qua lực lượng sáng tác và những thành tựu của các cây bút văn xuôi
dân tộc thiểu số kể từ sau năm 1975, và đặc biệt là sau 1986, chúng ta nhận thấy tuy
chưa có những tài năng lớn nhưng cũng có thể nhìn thấy từ đó những tín hiệu rất
đáng mừng vì sự tiếp nối giữa các thế hệ người cầm bút, vì sự phân bố trên từng
vùng miền, từng dân tộc để đặt niềm tin vào những bước bứt phá mạnh mẽ của
mảng văn học này trong những năm đầu của thế kỷ mới này.
1.1.2. Sự phát triển trên các phương diện đề tài, chủ đề của văn xuôi các dân tộc
thiểu số
Trong hành trình phát triển của mình, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã có sự

mở rộng đề tài, chủ đề, tuy chưa thực phong phú. Giai đoạn trước năm 1975, khi

12
văn học dân tộc tập trung vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng
chủ nghĩa xã hội thì văn xuôi dân tộc thiểu số cũng phản ánh cuộc đấu tranh cứu
quốc vĩ đại với cảm hứng ngợi ca quê hương, con người miền núi trong chiến đấu,
lao động. Tiêu biểu là tác phẩm Ché Mèn được đi họp (1959) của Nông Minh
Châu. Truyện ngắn xoay quanh nhân vật Ché Mèn, một cô gái dân tộc thiểu số trẻ
trung và sớm nhận thức được con đường tất yếu đưa quê hương cô đến với cuộc
sống ấm no. Với nghị lực và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh với những
trở lực, với khát vọng mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình và quê hương, cô đã
mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Vấp phải những
cản trở từ những hủ tục đã tồn tại từ ngàn đời nhưng Ché Mèn vẫn không chịu đầu
hàng. Cô cùng với những thanh niên tiến bộ như Thoại, Nhạn vẫn kiên trì hành
động để xây dựng cuộc sống mới cho quê hương. Truyện ngắn Ché Mèn được đi
họp tiêu biểu cho đề tài thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết xây dựng quê hương giàu đẹp.
Kể từ sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986, đề tài đã được mở rộng, trở nên
phong phú, đa dạng hơn. Bên cạnh việc tập trung ngợi ca cái đẹp, cái thiện là sự
cảnh tỉnh, đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu. Văn xuôi dân tộc thiểu số đã có những
giá trị thẩm mĩ mới mẻ trong quá trình khắc họa số phận cá nhân của đồng bào dân
tộc miền núi. Một số tác phẩm trở lại khai thác hiện thực miền núi những năm đầu
cách mạng với cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân các dân tộc như Chuyện trên
bờ sông Hinh (1994) của Y Điêng, Gió Mù Căng (1995) của Hà Lâm Kỳ, Nhìn
chung các tác phẩm tìm cảm hứng ở quá khứ này đều xoay quanh những vấn đề phổ
quát của chiến tranh, cách mạng: sức sống và bản lĩnh của dân tộc, tình đoàn kết và
tinh thần cộng đồng, con đường thu phục lòng dân và cảm hoá tầng lớp lang đạo ở
miền núi… Trong các tác phẩm ấy, chất sử thi đã nhạt hơn, nhưng vẫn chưa có dấu
hiệu phản sử thi hay thể hiện nhu cầu nhận thức lại quá khứ một cách rõ rệt như trào
lưu cách tân của văn xuôi Việt Nam nói chung. Bên cạnh đề tài chiến tranh cách
mạng, nhiều tác phẩm hướng về công cuộc xây dựng đời sống, phát triển kinh tế xã

hội ở miền núi như các tiểu thuyết: Mũi tên ám khói (1991), Gió hoang (1992) của
Ma Trường Nguyên, tập bút kí Cao nguyên trắng (1992) của Mã A Lềnh và các tập

13
truyện ngắn Vùng đồi gió quẩn (1995), Chuyện ở chân núi Hồng Ngài (2005) của
Sa Phong Ba.
Ngoài hai mảng đề tài quen thuộc này, nhờ sự dân chủ hoá của văn học đổi
mới, các phạm vi hiện thực được mở ra rộng rãi hơn. Những mặt trái, những mảng
tối của hiện thực đời sống mà văn học trước đây từng né tránh nay được phơi bày.
Dồn dập trong nửa đầu thập kỉ 90, các tiểu thuyết Người trong ống (1990), Gã
ngược đời (1990), Vào hang (1990), Chồng thật vợ giả (1994)… của Vi Hồng
được dư luận quan tâm bởi những vấn đề có tính thời sự. Các tác phẩm này đề cập
tới sai lầm của mô hình hợp tác xã nông nghiệp, sự ấu trĩ của việc ngăn cấm làm
giàu cá nhân và gióng hồi chuông cảnh báo về sự hoành hành ghê gớm của cái ác.
Tái hiện chân thực một thời bao cấp, tiểu thuyết Xứ mưa (2000) của Hoàng Thế
Sinh phơi bày tình trạng đói nghèo, nhem nhuốc, túng quẫn của công chức nhà
nước, thân phận bọt bèo vô nghĩa của giáo viên cùng sự hoang mang, đổ vỡ niềm
tin của giới trí thức trước sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Mạnh mẽ và táo
bạo, tiểu thuyết Đàn trời (2006) của Cao Duy Sơn công khai hé mở thực trạng về sự
nghèo đói truyền kiếp của người dân vùng cao, vạch trần thói mị dân, sự sa đọa
cùng hành vi đen tối của quan tham cao cấp thời đại mới. Cùng sự hiện hữu của cái
nghèo, cái ác, tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với vùng cao là vấn đề
được nhiều tác phẩm quan tâm. Sự xâm thực của thương trường phá vỡ trật tự rừng
xanh, lối sống thực dụng làm nứt rạn nếp nghĩ truyền thống, cái xấu xa phi pháp
khuấy đảo sự thanh bình của làng bản những dấu hiệu băn khoăn lo ngại trước sự
biến chuyển của miền núi đương đại cũng là ám ảnh trên nhiều trang viết của các
nhà văn dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là ngoài những vấn đề mang tính xã hội, một
số tác phẩm đã đi vào các khía cạnh của đời sống cá nhân. Có thể kể đến tập truyện
Tiếng chim kỷ giàng (2004) của Bùi Thị Như Lan với những mảnh đời phụ nữ bị
trói buộc bởi lương tâm và bổn phận, phải hi sinh hạnh phúc riêng vì người khác.

Vốn nhạt nhoà trong văn xuôi cách mạng, chuyện tình yêu gặp luồng gió đổi mới đã
bừng nở trong không ít truyện ngắn, tiểu thuyết của Cao Duy Sơn, Hà Lý, Hoàng
Thế Sinh. Việc khai thác vấn đề số phận cá nhân đã làm giàu thêm chất văn xuôi,

14
chất tiểu thuyết cho các tác phẩm và nêu cao tinh thần nhân văn, nhân bản đang là
xu thế chung của văn học đổi mới.
Có một điều đặc biệt trong sự vận động tiến tới hiện đại của văn xuôi các dân
tộc thiểu số là sự đan xen nhiều tuyến đề tài. Bên cạnh những tuyến đề tài chính
trong từng tác phẩm như cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước trong các tác
phẩm viết về chiến tranh, cuộc đấu tranh đầy cam go, thử thách trong các tác phẩm
thế sự, phản ánh hiện thực miền núi trong những bước chuyển mình của lịch sử,
trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, chống cái xấu, cái ác,… là những trang
viết nên thơ về phong tục văn hóa độc đáo hay những khung cảnh thiên nhiên đầy
lãng mạn. Các nhà văn đã đưa vào tác phẩm của mình những bức tranh đa sắc của
văn hóa lễ hội, tập tục, trang phục, ngôn ngữ,… của dân tộc mình và cắt nghĩa
chúng như là cội nguồn sức mạnh của núi rừng. Đây là một không gian thiêng của
người Ê đê trong các trang văn của Hlinh Niê: “Khách muốn vào nhà Êđê phải leo
cầu thang đằng trước, vịn tay lên bầu vú gỗ để đến với không gian mẫu hệ. Nhà
Mnông lại có hai cửa hình vòng cung cùng mở về hướng đông thấp lè tè. Bước qua
cửa nào cũng gặp bếp lửa cháy quanh năm. Giữ gìn lửa là việc sống còn của con
người giữa rừng đại ngàn. Lửa soi sáng mọi việc làm trong nhà, lửa nấu chín thức
ăn. Lửa xua cái lạnh giá những tháng mưa rừng. Lửa phừng phừng da thịt gái trai
thương nhau.”. Đó còn là không gian của Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội đâm trâu, Lễ
hội bỏ mả,… Bên cạnh đó là những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoang dại, thanh
khiết của núi rừng, nơi ươm mầm những ước mơ, nơi nuôi dưỡng tình yêu và niềm
tin của con người.
Có thể nói, mặc dù chưa thực sự phong phú nhưng qua các chặng đường phát
triển, văn xuôi dân tộc thiểu số đã có sự mở rộng về đề tài. Bên cạnh việc phản ánh
công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, các nhà văn đã ngày

càng chú ý hơn tới việc đi sâu khám phá những vấn đề phức tạp của cuộc sống miền
núi, đặc biệt là vấn đề số phận cá nhân. Điều đó đã đem lại cho các sáng tác văn
xuôi dân tộc thiểu số chất tiểu thuyết và tinh thần nhân văn, nhân bản ngày càng
đậm nét.

15
1.1.3. Đặc điểm cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ văn xuôi dân tộc thiểu số
1.1.3.1. Đặc điểm cốt truyện
Văn xuôi dân tộc thiểu số thời kì đầu thường có cốt truyện tuyến tính với
mạch thời gian kể xuôi chiều. Cốt truyện tuyến tính theo dòng thời gian với việc
tổ chức các tình huống truyện đơn giản giúp cho các độc giả là người dân tộc thiểu
số miền núi dễ nắm bắt được nội dung ý nghĩa của truyện nhưng lại không đem lại
hiệu quả thẩm mĩ cao. Vi Hồng là nhà văn sớm nhận ra hạn chế ấy của văn xuôi
dân tộc thiểu số nên đã tạo ra những đảo lộn thời gian nhất định trong Vãi Đàng.
Kiểu cốt truyện với thời gian gấp khúc ấy về sau xuất hiện nhiều hơn trong các
tiểu thuyết của Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Cao Duy Sơn, Inrasara … Đặc biệt,
với việc “chối bỏ sự gò bó, sắp đặt của cốt truyện tuyến tính, cố ý tạo ra sự xáo
trộn, đứt gẫy của các yếu tố không gian, thời gian”, tiểu thuyết Inrasara đã “thể
hiện quan niệm về một thế giới với đầy những vênh lệch, so le, biến ảo, không dễ nắm
bắt và lý giải” [17]. Sự phá vỡ lôgic thời gian này, mặc dù có đi xa tầm đón nhận của
người đọc dân tộc thiểu số nhưng phần nào đã thể hiện tinh thần tìm tòi của nhà văn
Inrasara.
Cốt truyện trong văn xuôi dân tộc thiểu số thường là cốt truyện đơn tuyến với
dung lượng nhỏ hoặc vừa. Phần lớn các tác phẩm đều có ít nhân vật và nếu có
phân tuyến cũng chỉ gồm hai tuyến cơ bản: chính - tà. Có thể kể đến các tác phẩm
của Vi Hồng, Triều Ân, Nông Minh Châu, Hoàng Hạc, Vi Hồng, Sa Phong Ba,
Bùi Nguyên Khiết, Đặng Quang Tình… Theo tác giả Phạm Duy Nghĩa thì trong
văn xuôi dân tộc thiểu số những thập niên 50 - 80 của thế kỉ trước “có chung
môtíp cốt truyện: cái mới (thường được đại diện bởi một cô gái hoặc một lớp
thanh niên) đấu tranh với cái cũ (thường là ông bố, phía sau là thầy mo và những

kẻ bảo thủ khác); cái mới đi tiên phong, năng động tìm tòi, dũng cảm vượt qua
những cản trở, bài xích; cái cũ bị tác động, lay chuyển, dẫn đến thay đổi trong
nhận thức hoặc buộc phải lùi bước trước cái mới” [15]. Nhiều cốt truyện đã ra đời
từ lối mòn công thức này như Ké Nàm của Hoàng Hạc, Lòng rừng của Sa Phong
Ba, Lửa rừng của Đặng Quang Tình, Gió hoang của Ma Trường Nguyên …

16
Chính môtíp cái mới phải thắng cái cũ, ta phải thắng địch, nhân vật chính diện
gặp khó khăn thường dễ vượt qua trong sự phân tuyến rạch ròi tốt - xấu, chính - tà
đã khiến cho văn xuôi dân tộc thiểu số rơi vào sự đơn điệu.
Cốt truyện trong văn học dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng của văn học dân
gian đậm nét với kiểu kết thúc có hậu, với mô típ nhân vật bỏ làng bản, bỏ gia
đình ra đi trong những tình huống bước ngoặt. Vi Hồng, Ma Trường Nguyên,
Triều Ân, Hà Thị Cẩm Anh, Cao Duy Sơn … đều có những tác phẩm kết cấu theo
lối này. Cốt truyện với kết thúc có hậu khiến văn xuôi miền núi mang sắc màu cổ
tích, gần gũi với đồng bào dân tộc song nó cũng làm cho tác phẩm như có phần
sắp đặt mang tính lộ liễu, do đó trở nên dễ dãi. Hai mẹ con, Nơi ấy biên thùy của
Triều Ân, Như gốc gội xù xì của Hà Thị Cẩm Anh … là những tác phẩm như vậy.
Điều này đã được các nhà văn cố gắng khắc phục trong thời gian về sau. Nhân vật
của Bùi Thị Như Lan với những kết thúc trong đau thương mất mát không gì hàn
gắn nổi … là những ví dụ cho thấy văn học dân tộc miền núi đang bước đầu tiếp
cận để đổi mới mình trong xu thế chung của văn xuôi dân tộc.
Có thể nói, đây là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội. Thời
kì đầu, việc tổ chức các tình huống truyện của văn xuôi dân tộc thiểu số nhìn
chung còn đơn giản trong khi hiện thực cuộc sống miền núi vốn không hiếm
những chuyện đời dữ dội, những tình cảnh ngặt nghèo, những thử thách nghiệt
ngã, những quyết định lớn lao. Về sau, các nhà văn đã có những cố gắng trong
việc tạo dựng các tình huống gay cấn làm cho tác phẩm của họ trở nên hấp dẫn
hơn. Đoạn đường ngoặt của Nông Viết Toại đặt ra được tình huống khá đặc biệt:
trong giờ khắc nghiêm trọng của cuộc đời, nhân vật Lưu phải lựa chọn giữa hai

con đường: đi và ở, lí tưởng cách mạng và vợ con. Tiểu thuyết Người trong
ống của Vi Hồng có tình huống đời thường mà li kì, độc đáo: nhân vật Tú (con
người khắc kỉ, gạt bỏ mọi cám dỗ để theo đuổi lí tưởng riêng của mình) phải thực
hiện một phong tục kì lạ là ở chung ba đêm giữa chốn nhung lụa xa hoa với người
con gái quyền quý xinh đẹp, nếu không cưỡng được lòng mình mà “khai nụ, xâu
hoa” thì phải cưới nàng. Tình huống thử nghiệm bản lĩnh này được tác giả thể

17
hiện trong một thời gian nghệ thuật hết sức căng thẳng, dồn nén, có sức dẫn dụ
mạnh Đó là một số ví dụ cụ thể về những tình huống truyện đem lại hiệu quả
nghệ thuật trong văn xuôi dân tộc thiểu số. Ngoài ra, một số sáng tác của Kim
Nhất, Cao Duy Sơn … cũng tạo dựng được những tình huống truyện có giá trị.
Tiếc rằng những tình huống như thế xuất hiện chưa nhiều trong văn xuôi dân tộc
thiểu số.
Trong quá trình phát triển, những năm gần đây văn xuôi miền núi vừa kế
thừa những hình thức cốt truyện truyền thống vừa bổ sung thêm một số kiểu cốt
truyện mới. Có thể kể đến cốt truyện huyền ảo với sự đan xen giữa các yếu tố
hoang đường và yếu tố thật, cốt truyện ghép mảnh với nhiều mảnh nhỏ ghép lại
với nhau, cốt truyện bỏ ngỏ với kết thúc mở, bỏ lửng, không xác định (như truyện
ngắn Người săn gấu của Cao Duy Sơn), cốt truyện ngụ ngôn với sự nén chặt
trong một cấu trúc tiết kiệm, tối giản mà súc tích (như những truyện ngắn của La
Quán Miên) … Những tìm tòi, thể nghiệm trong sáng tạo cốt truyện cùng với sự
hỗ trợ của các yếu tố ngoài cốt truyện trong các sáng tác văn xuôi dân tộc thiểu số
đã đem đến sức hấp dẫn cho các tác phẩm, góp phần làm cho mảng văn học này
ngày càng có chỗ đứng trong lòng độc giả.
1.1.3.2. Đặc điểm nhân vật
Có thể nhận thấy, nhân vật trung tâm trong văn xuôi các dân tộc thiểu số
thường là người lao động các dân tộc thiểu số, về sau có bổ sung thêm các nhân vật
trí thức và các giai tầng khác của xã hội. Ngoài ra, còn có những nhân vật là những
người cán bộ, bộ đội, giáo viên, nhân dân miền xuôi… lên vùng cao chiến đấu, lao

động sản xuất. Thế giới nhân vật mặc dù chưa thật phong phú nhưng cũng làm nên
những nét đặc trưng riêng của văn xuôi dân tộc thiểu số.
Với sự ảnh hưởng mạnh mẽ trong quan niệm của văn học dân gian, các nhân
vật trong văn xuôi miền núi thường được xây dựng theo hai tuyến: thiện - ác, tốt -
xấu. Trong các tác phẩm, nhân vật hoặc thiện hoặc ác đều cố định và được đẩy đến
tận cùng các thái cực tính cách ấy mà ít có sự phức hợp, thay đổi. Những nhân vật
thiện thường hội tụ trong con người mình nhiều phẩm chất tốt đẹp: chân thực, giàu

18
lòng nhân ái, giàu đức hi sinh, tiềm tàng sức sống … Ngược lại, những nhân vật ác
thì tàn nhẫn, độc ác, ti tiện, xấu xa đến cùng cực. Có thể kể đến các nhân vật cực
thiện như: Đán (Núi cỏ yêu thương), ông lão Tạp Tạng (Vào hang), bà cháu Nọi
Lai (Đọa đày), Lăng Thị Thu Lả (Lòng dạ đàn bà) trong các sáng tác của Vi Hồng;
Lèng (Gió hoang), Thục, Ngát (Bến đời) trong sáng tác của Ma Trường Nguyên;
Tài Pẩu, lão Phu (Hoa mận đỏ), Thức (Đàn trời) trong sáng tác của Cao Duy
Sơn… Đối lập với những nhân vật cực thiện ấy là những nhân vật cực ác như Đoác
trong Vào hang, Ba trong Người trong ống, Hỷ trong Gã ngược đời (Vi Hồng),
chánh Han trong Mũi tên ám khói, lão Khóng trong Bến đời (Ma Trường Nguyên),
Sài Vẳn trong Người săn gấu, Sáng Và trong Cực lạc, Chẩng trong Hoa mận đỏ,
Lương Nhân trong Đàn trời (Cao Duy Sơn)… Sự phân chia nhân vật thành hai
tuyến rõ ràng như vậy cũng phần nào tạo nên tính chất đơn diện, thuần tính cách
trong đặc điểm nhân vật của văn xuôi dân tộc thiểu số. Về sau này, các nhà văn dân
tộc thiểu số cũng đã có những cố gắng trong phát triển nghệ thuật xây dựng nhân
vật với xu hướng đa dạng hóa tính cách. Sự phát triển ấy là cả một quá trình dài với
sự đóng góp của nhiều cây bút. Sự đa dạng hóa trong tính cách làm cho các nhân
vật trong văn xuôi dân tộc thiểu số không còn cực đoan, một chiều. Tuy nhiên, vẫn
chưa có nhiều những nhân vật thực sự sâu sắc, thực sự ám ảnh người đọc.
Nhân vật trong các tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số mang những nét đặc
trưng tính cách của con người miền núi. Đó là những con người thật thà, chất phác,
giàu lòng nhân ái… và cũng rất mạnh mẽ, quả cảm, luôn biết vươn lên. Giữa rừng

núi đại ngàn, những con người ấy “hồn nhiên sống, chân thật, rạch ròi trong những
tình cảm yêu ghét. Họ tin vào người khác như tin ở chính mình” [17]. Điều đặc biệt
trong tính cách miền núi là sự tha thứ, khoan dung và độ lượng. Những con người
ấy, dù có lúc bị lừa gạt, lợi dụng bởi sự hồn nhiên, chân thật nhưng họ không căm
hận để tìm cách trả thù bằng mọi giá mà luôn biết tha thứ, thậm chí sẵn sàng mở
rộng lòng mình cứu giúp chính những con người đã từng hại mình. Nàng Thu
Khoan trong Dòng sông nước mắt (Vi Hồng), thầy Hạc trong Ngôi nhà xưa bên
suối (Cao Duy Sơn)… chính là những con người như thế. Bên cạnh đó, nhân vật

19
trong văn xuôi miền núi còn là những con người giàu niềm tin, tiềm tàng sức sống,
yêu đời, giàu khát vọng tự do và hạnh phúc . Chính niềm tin và tình yêu ấy đã nâng
đỡ để họ vượt qua những đắng cay tủi hờn của số phận, để vươn tới một cuộc đời
tươi sáng. Với các nhân vật như vậy, văn xuôi dân tộc thiểu số đã trở thành những
bài ca ngập tràn cảm hứng nhân văn ngợi ca con người.
Xây dựng nhân vật, các nhà văn dân tộc thiểu số thường sử dụng một số thủ
pháp nghệ thuật tiêu biểu. Để tạo dựng những nhân vật cực thiện, nhân vật chính
diện, các nhà văn dùng thủ pháp so sánh theo xu hướng “thần hóa”, “tiên hóa”.
Ngược lại, các nhân vật phản diện, nhân vật ác lại được xây dựng bởi thủ pháp so
sánh “vật hóa” nhằm hạ thấp đối tượng. Miêu tả ngoại hình để khơi gợi tính cách nhân
vật, khắc họa hành động nhân vật để tính cách được bộc lộ cũng là những thủ pháp nghệ
thuật được các nhà văn sử dụng. Các hình ảnh đôi mắt, nụ cười … là những chi tiết ngoại
hình mà các nhà văn chú ý tới.
Thủ pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả tâm lý, qua đời sống nội tâm
nhân vật được nhiều nhà văn sử dụng. Nhân vật của Cao Duy Sơn thường có cuộc
sống nội tâm phong phú, phức tạp, mạnh mẽ, dữ dội nhưng lại lặng lẽ kín đáo. Bên
cạnh Cao Duy Sơn, các nhà văn khác cũng rất chú ý đến miêu tả nội tâm nhân vật.
Tuy nhiên, trong nhiều tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số, việc khắc họa nhân vật
qua đời sống nội tâm vẫn còn những hạn chế khiến cho nhân vật chưa thật sự trở
nên sâu sắc.

Mượn yếu tố thiên nhiên để khắc họa vẻ đẹp và tính cách nhân vật cũng là
một thủ pháp nghệ thuật mà các nhà văn dân tộc thiểu số thường dùng đến. Vi
Hồng, Ma Trường Nguyên thường sử dụng thiên nhiên như tấm phông nền cho
nhân vật bộc lộ mình. Vẻ đẹp của con người, những tâm tư tình cảm của con người
thường được thể hiện một cách tự nhiên mà rõ nét qua thiên nhiên ấy. Thiên nhiên
có khi là người bạn tâm tình tri kỉ của con người, là nơi con người kí thác tâm sự,
cũng có khi thiên nhiên lại trở thành một yếu tố dự báo trước số phận của nhân vật.
Mượn yếu tố thiên nhiên, các nhà văn cũng đã có những thành công nhất định trong
xây dựng các nhân vật của mình.

20
Vẻ đẹp và tính cách nhân vật còn được bộc lộ qua các tình huống. Các nhà
văn dân tộc thiểu số thường đặt nhân vật của mình trong những tình huống thử
thách để người đọc nhận ra tính cách nhân vật theo năng lực cảm thụ riêng của
mình. Một số tình huống trong sáng tác của Nông Viết Toại, Vi Hồng, Kim Nhất,
Cao Duy Sơn, Ma Trường Nguyên… đã tạo được hiệu quả thẩm mĩ cao trong việc
góp phần làm nên diện mạo nhân vật văn xuôi dân tộc thiểu số.
1.1.3.3. Đặc điểm ngôn ngữ
Nhà nghiên cứu Lâm Tiến mở đầu bài viết Ngôn ngữ trong văn xuôi dân tộc
thiểu số với nhận định: “Trừ một số truyện ngắn đầu tiên của Nông Viết Toại, Nông
Minh Châu, Vi Hồng sáng tác bằng tiếng dân tộc, thì văn xuôi các dân tộc thiểu số
sau này đều sáng tác bằng tiếng Việt. Những tác phẩm đầu tiên đó thể hiện rất rõ
tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, tính cách của dân tộc. Do đó, cũng mang đậm bản sắc
dân tộc trong văn học. Những tác phẩm sau này không viết bằng tiếng dân tộc nữa.
Điều đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính, tiếng dân tộc chưa
thực sự phát triển (và trong điều kiện lịch sử - xã hội hiện nay, do các dân tộc sống
xen kẽ nên ngôn ngữ dân tộc cũng khó có điều kiện để phát triển), do đó ngôn ngữ
dân tộc có những trở ngại nhất định trong việc xây dựng hình tượng văn học và
giao tiếp nghệ thuật” [36]. Chúng tôi nhận thấy ở nhận định này một sự kiến giải,
đồng thời cũng là một cách đặt vấn đề cho ngôn ngữ của văn xuôi các dân tộc thiểu

số. Đó có thể là khó khăn đồng thời cũng là một đích giá trị để đánh giá sự thành
công của các tác giả trên phương diện ngôn từ nghệ thuật. Cũng nói như Lâm Tiến
trong công trình vừa dẫn thì viết văn bằng tiếng phổ thông của các nhà văn dân tộc
miền núi cũng khó như việc dùng ngoại ngữ để sáng tác vậy. Và nếu như viết văn
với các nhà văn miền xuôi khó một thì công việc ấy với các nhà văn miền núi còn
khó mười. Cái khó nằm chính ở chỗ, nhà văn phải lựa chọn trong kho tàng “ngoại
ngữ” ấy những từ ngữ diễn tả tốt nhất ý đồ nghệ thuật của mình, đồng thời không xa
lạ với văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi và phải truyền được tinh chất văn hóa
của đồng bào trên từng trang viết. Như thế có thể hiểu được sự nhọc nhằn của từng
cây bút. Với những cố gắng không ngơi nghỉ, có thể nói, trên phương diện ngôn

×